![]() |
Khởi nghĩa Kim Điền |
Các lộ giáo đồ tề tựu Kim Điền, hiệu lệnh làm sao để nhánh
tổ chức này tan rã không thống nhất, nhân mã đến từ các ngọn núi đã gộp lại rồi,
hình thành một nhánh lực lượng vũ trang có sức chiến đấu lớn mạnh, trở thành
bài toán to lớn trước các thủ lĩnh của Bái Thượng Đế giáo.
Trước đó, Dương Tú Thanh luôn cáo bệnh, quân vụ Kim Điền do
Vi Xương Huy chủ trì. Nhưng đội ngũ ở Kim Điền cứ lớn mạnh lên hoài, rải rác khắp
các núi rừng, tình hình hiệu lệnh ra nhiều quá, dù Vi Xương Huy có uy vọng hay
là tài năng quân sự cũng rõ thấy là không đủ.
Hồng Tú Toàn vội cho mời Dương Tú Thanh xuất sơn và phong
ông ta làm Tổng chỉ huy đoàn doanh Kim Điền, toàn quyền lo mọi việc của đoàn
doanh Kim Điền.
Tối hôm trước tại đoàn doanh Kim Điền, Dương Tú Thanh đột
nhiên sinh bệnh. Cơn bệnh này là một mưu kế của Dương Tú Thanh, ông ta luôn bất
mãn với vị trí đứng hàng thứ ba, cho nên lúc đang cấp thiết thì ông ta chơi lùi
để tiến. Trong lòng Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn tất nhiên biết rõ điều đó.
Nhưng uy vọng cao tột của Dương Tú Thanh với tư cách người thay lời “Thiên phụ,”
quả thật Bái Thượng Đế giáo không tách khỏi ông được. Vì đoàn kết nội bộ, Phùng
Vân Sơn lo toàn đại cục nên bày tỏ ý muốn thoái cư lần lữa. Dương Tú Thanh thấy
đã thỏa nguyện nên tất nhiên cũng hết bệnh luôn.
Sự thật, bắt đầu từ lúc này, Hồng Tú Toàn đã là lãnh tụ về
danh nghĩa nhưng đại bộ phận quyền lực của Thái Bình Thiên Quốc thì giao vào
tay Dương Tú Thanh rồi. Đương nhiên, để đạt mục đích kiềm chế Dương Tú Thanh, Hồng
Tú Toàn đã đẩy mạnh thêm địa vị “Thiên huynh” của Tiêu Triều Quý, cho ngôi của
ông ta hơn Phùng Vân Sơn, đẩy Phùng Vân Sơn xuống hàng thứ tư. Đó là cơ sở của
“Đông Hương bái tướng” và “Vĩnh An phong vương.” Thật ra đây là nước cờ hay của
Hồng Tú Toàn, như vậy một mặt sẽ làm lung lạc Tiêu Triều Quý, mặt khác về quyền
lực khiến “Thiên huynh” với “Thiên phụ” kiềm chế lẫn nhau, đạt được cân bằng, lại
thêm Phùng Vân Sơn trung thành hiệp trợ bên cạnh giúp cục diện không đến nỗi hỏng,
bản thân ông cũng có thể thoát mệt nhọc bởi công việc phức tạp và nguy hiểm
xung phong ra trận, an hưởng phước “đế vương” chốn hậu cung. Ván cờ này có thể
gọi là hay. Đáng tiếc là do Tiêu Triều Quý và Phùng Vân Sơn tiếp nối nhau trận
vong làm cho thế cân bằng này bị phá hỏng. Đó là chuyện sau này.
Dương Tú Thanh thật sự không đơn giản. Đối mặt với đội ngũ
đoàn doanh phức tạp rối rắm đầu tiên ông ta xài chiêu “Thiên phụ” hạ phàm, đây
là cách hữu hiệu nhất. Thiên tình Đạo lý
thư có ghi rõ: “Lúc đó vào mùng 1 tháng 10, Thiên phụ đại hiển quyền năng,
khiến Đông vương thình lình lại mở kim khẩu, tai thông mắt sáng, tâm tính nhạy
bén, nắm giữ mọi việc trong Thiên quốc.” Cung cấp tính hợp lý và hợp pháp cho
ông ta khỏi bệnh chủ trì quân vụ. Dương Tú Thanh cũng là một kẻ thạo nghề đối với
quân vụ lắm, ông tổ chức quần chúng, sách động khởi nghĩa, chỉ huy hoạt động
quân sự, tất cả đều có lớp lan, ngay cả Lý Tú Thành cũng cảm thán trong cuốn Lý Tú Thành tự thuật rằng “không biết ý
trời hóa làm người này.”
Chuyện Dương Tú Thanh mở lại kim khẩu là ý nói trước đó ông
ta luôn miệng câm tai điếc, lỗ tai chảy mủ, trong mắt xuất huyết, trở nên bệnh
phế, mấy tháng trời không tham gia sự tình của Bái Thượng Đế giáo. Bây giờ bỗng
tai thông mắt sáng, xác thực là làm rung động những người theo Bái Thượng Đế
giáo. Sự kiện này cũng phần nào phản ánh lớp mưu lược của Dương Tú Thanh.
Dương Tú Thanh giỏi nhất là lợi dụng tâm lý mê tín của người
ta, thường giả danh nghĩa Thiên phụ để tổ chức và đoàn kết giáo đồ, có tác dụng
tăng công hiệu cho việc làm. Tháng 4 năm 1849, ông đi đến Bái Thượng Đế hội huyện
Quý giả thác Thiên phụ hạ phàm giáo dục hội chúng rằng: “Cao lão sơn sơn lệnh,
tuân theo khấn cầu chữ Thập có một nét vạch lên.” Cao lão tức là Thiên phụ, sơn
chồng sơn là chữ “xuất” (ra), chữ Thập (mười) có một nét vạch lên tức chữ Thiên
(ngàn), câu này là ẩn ngữ tức là lệnh cho hội chúng: “Thiên phụ xuất lệnh,
thiên kỳ tôn chính.” Vào mùa xuân năm 1850, ông lại giả thác Thiên phụ, hiệu
triệu quần chúng rằng: “Ta sẽ khiến đại tai giáng thế, qua tám tháng sau có ruộng
không người cày, có nhà không người ở. Phàm những ai vững tin sẽ được cứu, các
ngươi hãy đến bên ta nào”!
Tháng 3/1851, sau khi Hồng Tú Toàn chính vị Thiên vương,
phong Dương Tú Thanh làm chính quân sư. Lúc này Thái Bình Thiên Quốc mới khởi
nghĩa, trong lúc đánh ra khắp nơi chiến trận với quan binh, tính tản mạn của
nông dân thường lộ rõ gây ảnh hưởng đến chiến đấu. Thế là Dương Tú Thanh lại lợi
dụng Thiên phụ hạ phàm cất lời dạy với quan binh rằng: “Ta sai chúa kia hạ phàm
làm Thiên vương, một lời ông nói ra là thiên mệnh, các ngươi phải tuân. Các
ngươi phải thật lòng phò chủ lo vương, không được to gan bừa bãi, không được
khinh nhờn. Nếu không lo nghĩ đến chủ vương thì điều chi cũng trắc trở.” Lại
nói: “Trời giáng vua kia làm chân chủ, sao cứ dấy mãi nỗi lo buồn trong lòng.”
“Sao không mạnh lòng chiến thắng trở về.” Dương Tú Thanh dùng những lời mộc mạc
dễ hiểu giả thác là Thánh chỉ của Thiên phụ để thuyết minh thiên mệnh là Thiên
vương Hồng Tú Toàn hạ phàm làm chân chủ, dựng niềm tin khởi nghĩa tất thắng rưới
thấm vào tâm của toàn quân binh tướng quân Thái Bình, tập trung ý chí và sức mạnh
của toàn quân làm một.
Ngoài ra, tài năng quân sự và tầm nhìn xa rộng của ông cũng
đã hiển hiện bước đầu trước đoàn doanh Kim Điền, từ sau khi Vương Tác Tân xuất
động đoàn luyện vây bắt Phùng Vân Sơn, bọn Dương Tú Thanh đã biết rằng cuộc chiến
khốc liệt là không thể tránh khỏi, phải huấn luyện một đội ngũ có khả năng chiến
đấu. Ông ta cùng với Vi Xương Huy và Thạch Đạt Khai tổ chức giáo đồ đúc nông cụ
để yểm hộ, ban đêm bí mật rèn đúc vũ khí, lại biên nhập giáo chúng lén lút thực
hiện huấn luyện quân sự. Từ những sự kiện này có thể thấy Dương Tú Thanh quả thực
là một nhà chính trị và quân sự thiên tài. Do ông ta làm tổng chỉ huy đoàn
doanh Kim Điền nên tác dụng của ông ta đã được phát huy phù hợp.
Bấy giờ số người đi đến Kim Điền đã đạt hơn hai mươi ngàn
người, để dễ bề quản lý, tập trung lãnh đạo, làm mạnh khả năng chiến đấu và kết
tinh, đoàn doanh Kim Điền đã thực thi sáu biện pháp:
1. Ban bố quân lệnh. Ban bố quy định quân kỷ do Hồng Tú
Toàn vạch ra, gồm 5 điều: một là tuân theo điều mệnh; hai là phân biệt nam hàng
nữ hàng; ba không phạm một mảy may; bốn giữ công bằng hòa thuận nết na; năm là
đồng tâm hiệp lực, không được lâm trận rút lui.
2. Thực hành chế độ “Thánh khố.” Quân Thái Bình cho thực
hành chế độ “Thánh khố,” phàm gia tài của quan binh và của cải lấy được lúc
đánh trận sẽ nộp hết vào Thánh khố, ai trái lệnh xử nghiêm. Quy định người người
không được giữ của riêng, quan binh không có bổng lộc thường xuyên, tiền của nếu
cần sẽ xem Thánh khố đầy hay rỗng mà cấp phát theo định chế. Việc này ban đầu
do Thạch Đạt Khai phụ trách.
3. Thực hành chế độ nam nữ chia doanh. Lính quân Thái Bình
quá nửa xuất phát từ quần chúng lớp thấp của xã hội như nông dân và thợ mỏ, hội
đảng, cũng có không ít quân Thanh đầu hàng. Với ai đầu quân theo cả nhà thì con
trai lớn biên vào đội chiến đấu, đàn bà thì biên vào nữ doanh, trẻ con thì chia
ra các quân các quán gọi là Đồng tử binh. Biên chế nữ doanh đại khái giống với
lục doanh, nhưng không đặt sư và lữ. Nữ doanh chủ yếu là lao động thể lực bình
thường, trong đó cũng có người hiệp trợ thủ thành tác chiến.
4. Lập biên chế quân đội. Quân Thái Bình bắt chước quy chế
trong thiên Hạ quan sách Chu Lễ, biên
xếp chế độ theo “năm người là ngũ, năm ngũ là lượng, bốn lượng là tốt, năm tốt
là lữ, năm lữ là sư, năm sư là quân.” Lấy quân làm đơn vị cơ bản, quân đặt quân
soái, theo cấp xuống dần quân, lữ, tốt, lượng, ngũ chia đặt quân soái, lữ soái,
tốt trưởng, lượng tư mã, ngũ trưởng. Trên Quân soái là lần lượt đặt các cấp
quan chế gồm giám quân, tổng chế, tướng quân, chỉ huy, kiểm điểm, thừa tướng,
thời bình chia ra làm chính vụ, thời chiến chia ra lãnh một quân hoặc mấy quân
xuất binh đánh trận. Ngoại trừ quan binh chính chức, các quân còn có thêm mấy
chục vị điển quan và một vài người giúp việc lo liệu các việc quân nhu và văn
thư. Lấy một quân làm lệ đã rõ hết biên chế tổ chức của nó, năm người là ngũ,
ngũ trưởng quản bốn ngũ tốt là xung phong, phá địch, chế thắng, tấu tiệp; năm ngũ
là lượng, lượng tư mã quản năm ngũ trưởng là cương cường, dũng cảm, hùng mãnh,
quả nghị, uy vũ, 25 người; bốn lượng là tốt, tốt trưởng quản bốn lượng tư mã là
đông, tây, nam, bắc, gồm 104 người; năm tốt là lữ, lữ soái quản năm tốt trưởng
là một, hai, ba, bốn, năm, 525 người; năm lữ là sư, sư soái quản năm lữ soái là
tiền doanh, hậu doanh, hữu doanh, tả doanh, trung doanh, 2625 người; năm sư là
quân, quân soái quản năm sư soái là tiền doanh, hậu doanh, tả doanh, hữu doanh,
trung doanh, 13125 người. Trên quân soái có giám quân, tổng chế, tướng quân, chỉ
huy, kiểm điểm, thừa tướng, cho đến quân soái tiết chế. Ban đầu đặt năm quân
nhưng số người có thể không đầy đủ. Lại quy định cờ xí được dùng từ lượng tư mã
đến quân soái, cờ chia làm 5 sắc, trên cờ dùng chữ đen, chữ đỏ viết tên chức
quan.
5. Thực hành chế độ ngũ quân chủ tướng. Quân Thái Bình cho
Thiên vương là thống soái tối cao. Buổi đầu thực hành chế độ ngũ quân chủ tướng
cho Dương Tú Thanh làm Trung quân chủ tướng, Tiêu Triều Quý làm Tiền quân chủ
tướng, Phùng Vân Sơn làm Hậu quân chủ tướng, Vi Xương Huy làm Hữu quân chủ tướng,
Thạch Đạt Khai làm Tả quân chủ tướng.
6. Tăng cường giáo dục chính trị–tôn giáo và huấn luyện
quân sự. Sớm tối mỗi ngày phải kính lạy Thượng đế, cử hành nghi thức tôn giáo mỗi
khi gặp ngày lễ bái, phàm có hành động quân sự trọng đại thường tiến hành giáo
dục bằng hình thức “giảng đạo lý,” tuyên bố tông chỉ dụng binh, cắt đặt nhiệm vụ
tác chiến, khích lệ sĩ khí, đọc rõ quân kỷ v.v… “Thiên phụ” và “Thiên huynh”
cũng thường hay hạ phàm giáo dục bộ chúng. Đồng thời xem trọng huấn luyện quân
sự bộ đội, lợi dụng lúc rảnh chiến trận thì cho thao luyện, thường xuyên tiến
hành “thử binh,” nghe nói Dương Tú Thanh còn tổ chức tập luyện quân đội trên
núi vào ban đêm để huấn luyện năng lực đánh đêm và khả năng đánh trận miền núi
cho quân đội. Sự huấn luyện dành cho quân quan cũng càng khắt khe hơn. Quân
quan ngoại trừ tinh luyện cung, đao, thương, pháo ra, còn phải học tập các sách
Võ lược, Binh yếu Tứ tắc…
Đến đây thì một tập đoàn chính trị, tôn giáo, quân sự chính
giáo kết hợp, quân dân nhất thể đã cơ bản xác lập.
Trong quãng thời gian từ đoàn doanh Kim Điền đến lúc tuyên
bố thành lập Thái Bình Thiên Quốc, quân Thái Bình còn đánh với quân Thanh hai
trận chiến quy mô khá lớn. Một là trận Tư Vượng, còn gọi là trận chiến “hộ chủ,”
và hai là trận chiến Kim Điền.
Khởi đầu, nhà Thanh không quá xem trọng hoạt động của Bái
Thượng Đế giáo, chính phủ địa phương cũng đem tinh lực chủ yếu dùng vào đối phó
xung đột của khởi nghĩa hội đảng với vũ trang địa phương nổi dậy khắp nơi như
“Thiên địa hội” rồi. Nhưng sự triển khai của đoàn doanh Kim Điền làm giáo đồ
Bái Thượng Đế giáo tập họp quá đông, khiến cho bên nhà Thanh cực kỳ chú ý. Vừa
vặn quan Khâm sai đại thần Lý Tinh Nguyên chịu ủy phái của hoàng đế Hàm Phong
toàn quyền phụ trách chỉ huy tiễu diệt hội đảng ở Quảng Tây, Lý Tinh Nguyên sau
khi đến đóng ở Quảng Tây thì phát hiện bọn tâm phúc lo lắng nhất không phải là
khởi nghĩa hội đảng mà chính là Bái Thượng Đế giáo. Ông ta vội tâu lên Hàm
Phong: thôn Kim Điền ở Quế Bình có hội phỉ khác tụ tập hô là có hơn muôn người,
cho dán ngụy thị dụ ép các vùng Bình Nam, Uất Lâm lân cận, tung tích ra vào bí ẩn,
số người e còn không ít.
Hộ lý Quảng Tây tuần phủ cũng tấu báo vào ngày 17 tháng 11
rằng: nghĩ rằng thôn Kim Điền thuộc huyện Quế Bình và Hoa Châu thuộc huyện Bình
Nam có bọn phỉ quy tụ bái hội, số lượng đông đảo.
Từ những tấu báo trên có thể thấy những người theo Bái Thượng
Đế giáo lúc bấy giờ chủ yếu tụ tập ở hai nơi, một là thôn Kim Điền ở Quế Bình,
hai là Hoa Châu ở huyện Bình Nam, ngoài ra còn có bộ phận vì bị quân Thanh hay
đoàn luyện địa phương cản trở nên không đến đoàn doanh Kim Điền được, họ cũng
đang hoạt động ở tứ xứ, muốn tìm cách đến Kim Điền để tham gia đoàn doanh. Vì vậy
xuất hiện cảnh các địa phương Quế Bình, Bình Nam, Uất Lâm trở thành thiên địa của
Bái Thượng Đế giáo, đâu đâu cũng có dấu vết của giáo đồ Bái Thượng Đế giáo đang
hoạt động.
Nhằm cắt đứt sự liên lạc lẫn nhau, chi viện lẫn nhau của
giáo đồ các nơi, chính phủ nhà Thanh phái binh bao vây Kim Điền ngắt đi liên hệ
giữa Kim Điền với Hoa Châu, giữa Kim Điền với Hoa Châu có đặt đồn thủ và chướng
ngại trên đường, một lộ nhân mã khác tiến đóng ở Tư Vượng muốn khống chế toàn bộ
Quế Nam. Một dải Bằng Hóa cũng bị quân Thanh vây khốn trùng trùng, té ra không
phải quân Thanh biết Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn cũng như gia quyến của họ đang
ở trong thôn miền núi Bằng Hóa ở Bình Nam mà là bọn Hồng Tú Toàn–Phùng Vân Sơn
cho đặt tổng bộ tại Hoa Châu, Bằng Hóa, thành ra một bộ phận giáo chúng ở Bình
Nam do Hồ Dĩ Hoảng cầm đầu vẫn đóng nguyên chỗ để lo bảo vệ Hồng Tú Toàn–Phùng
Vân Sơn. Quân Thanh thì đang càn quét trọng điểm vào bộ phận giáo đồ đang đi đến
Kim Điền.
Bố trí binh lực bên nhà Thanh là như vầy: một ngả lấy phó
tướng Lý Điện Nguyên làm đầu, dẫn theo Đại lý phủ tiêu Trung quân tham tướng
Thành An, Bình Nam tri huyện Nghê Đào đi vây dẹp Bình Nam, binh lực khoảng hơn
2,000 người. Một ngả khác là trọng điểm, tức binh lực tập trung ưu thế do Quý
Châu thự Tổng binh Chu Phụng Kì đích thân thống đới, Đốc Đồng Thanh giang hiệp
phó tướng Y-khắc-thản-bố, Tùng Diêu hiệp phó tướng suất lãnh quan binh và tráng
dũng đoàn luyện của hai trấn Trấn Viễn và Cổ Châu tấn công Kim Điền, binh lực
khoảng 3-4000 người.
Ở đây hãy giới thiệu quân chế đời nhà Thanh trước hết đã. Đời
Thanh có hai loại là bát kỳ và lục doanh, mà lục doanh chia ra đóng ở từng tỉnh,
nhiệm vụ chủ yếu là đóng giữ địa phương. Nhà cầm quyền triều Thanh chia cả nước
làm 11 đại quân khu, 66 trấn. Trưởng quan cao nhất ở trấn là Tổng binh, là
chính nhị phẩm võ chức, dưới trấn là hiệp, trưởng quan của nó gọi là phó tướng,
là tòng nhị phẩm võ chức, dưới hiệp là doanh, trưởng quan của nó có bốn cấp bậc
là tham tướng, du kích, đô ty, thủ bị lần lượt là chính nhị phẩm, tòng nhị phẩm,
chính tứ phẩm, tòng ngũ phẩm thuộc võ chức, dưới doanh còn có tấn, do bọn thiên
tổng và bả tổng chỉ huy, cấp bậc lần lượt là từ lục phẩm đến cửu phẩm khác
nhau.
Nhìn từ sự bố trí binh lực và chiến lược mà quân Thanh đổ
vào lần này có vẻ khá xem trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng đối với cuộc vây bắt này.
Mục đích là muốn chặn đứt luôn con đường chạy thoát qua hạ lưu của quân Thái
Bình, cắt đứt liên hệ giữa Kim Điền với Hoa Châu, từ đó chia cắt và bao vây tiến
hành hủy diệt. Sự thực thi bố trí chiến lược lần này sẽ mang lại mối đe dọa
nghiêm trọng cho quân Thái Bình đang vừa mới tụ tập tổ chức và huấn luyện chưa
bao lâu.
Ngày 24 tháng 10 (tức 25/12/1850 dương lịch), Dương Tú
Thanh chợt tỉnh dậy trong cơn hôn mê, kêu rằng đã nhận được chỉ thị của Thượng
đế nói rằng hiện giờ chúa ta có nạn, ra lệnh các anh em núi Tử Kinh đi giải cứu
và viện trợ. Nhằm khích lệ sĩ khí, Dương Tú Thanh lần đầu tiên hô khẩu hiệu
“phò chúa,” yêu cầu các tướng sĩ lâm trận dùng mệnh lệnh tranh lập công đầu
nghênh chủ. Vì vậy cuộc chiến lần này được gọi là trận chiến “phò chúa.” Suốt
cuộc chiến đấu này được ghi rõ trong cuốn Tầm
Châu phủ chí: Dương Tú Thanh suất chúng rước Hồng Tú Toàn ở Hoa Châu, chia
hai đội, một đi ra Tư Vượng, một đi ra La Yêm ở Bằng Hóa. Vào ngày 24 tháng 10
này, cách phó tướng quân Thanh Lý Điện Nguyên tiến đóng Tư Vượng mới có 3-4
ngày, chính là lúc kẻ thù đặt chân chưa vững, Dương Tú Thanh đã nắm thật chắc
thời cơ này.
Dương Tú Thanh đích thân bố trí, để lại bọn người Tiêu Triều
Quý và Vi Xương Huy đóng giữ Kim Điền, phái Mông Đắc Ân quen với địa hình Bình
Nam dẫn theo hơn 3,000 quân tinh nhuệ công kích chính diện vào quân địch ở Tư
Vượng, còn mình thì dẫn theo một quân qua La Yêm ở Bằng Hóa, hội hợp với nhóm Hồng
Tú Toàn, Phùng Vân Sơn và Hồ Dĩ Hoảng, đồng thời hình thành thế kẹp đánh mặt
bên đối với quân Thanh.
Do Mông Đắc Ân lãnh quân tinh nhuệ nên cứ hò hét một đường
thẳng tiến, binh lính đóng ở trạm ven đường hoặc nghe tiếng bỏ chạy, hoặc bị trực
tiếp tiêu diệt, quân Thái Bình hướng thẳng ra vòng vây ngoài ở Tư Vượng. Phó tướng
quân Thanh Lý Điện Nguyên và tri huyện Bình Nam vội cầm binh dũng và đoàn luyện
đi chống lại. Quân Thanh hoàn toàn lợi dụng ưu thế của pháo hỏa, chia đường nã
pháo vào quân Thái Bình, vũ khí quân Thái Bình yếu kém, chỉ có ít phần đem súng
khiêng và súng cầm tay, còn lại đều là binh khí lạnh như mang đao với mâu dài.
Quân Thái Bình địch không nổi, tiền phong tan tác chạy về sau, kỳ thực đây là kế
dự tiên sách hoạch của Dương Tú Thanh, lấy lùi làm tiến, áp dụng phương pháp đối
địch chính diện. Thừa cơ Lý Điện Nguyên đốc quân truy kích, quân Thái Bình chia
làm ba nhánh trở mình xông lại, chia cắt và bao vây luôn quân Thanh. Lúc này
quân Thái Bình mới thử đòn đầu, sĩ khí còn hăng lắm, lại có niềm tin “phò chúa”
nữa, đánh trận dũng cảm không màng sống chết (sau khi chết có thể lên thiên đường
hưởng thụ niềm vui sống đời đời), liều mạng xung phong. Còn lính lục doanh quân
Thanh là binh tuyển mộ, quân kỷ bại hoại, lại thêm ngày thường thiếu tập luyện nên
vốn không phải là địch thủ của quân Thái Bình, bọn tráng dũng đoàn luyện địa
phương càng không muốn bán mạng vì vụ này nên hễ động cái là chạy, bị quân Thái
Bình giết chết đánh thương hơn trăm tên, những kẻ còn lại nhao nhao chạy trốn. Quân
Thái Bình thừa thế đánh vào gò Tư Vượng tiêu diệt luôn lính luyện dũng phòng thủ
Tư Vượng, phóng lửa đốt trụi luôn lều cỏ nhà doanh của quân Thanh dựng cất.
Quân Thanh đang tan tác buộc phải triệt thoái về đóng ở Quan
thôn, sau đó vì ngăn chặn quân Thái Bình công đánh huyện thành lại rút về huyện
thành phòng thủ. Đến đây thì toàn tuyến đường giữa Kim Điền với Hoa Châu đã mở
thông suốt, bộ đội “phò chúa” do Mông Đắc Ân cầm đầu đã hội họp với nhóm Hồng
Tú Toàn, quân Thái Bình đã khống chế một dải Tư Vượng và Quan thôn cũng như cả
miền rộng lớn ở Kim Điền phía bắc.
Cuộc chiến này quân Thái Bình đại hoạch toàn thắng và chém
đầu viên Tuần kiểm Tần Xuyên (cơ quan bắt trộm) là Trương Dong.
Ngày 29 tháng 11, ngày thứ năm sau trận chiến Tư Vượng, tại
vùng Kim Điền lại phát sinh một trận chiến lớn, vì địa điểm nằm ở sông Thái
Thôn bên ngoài thôn Kim Điền nên còn gọi là trận chiến Thái Thôn giang.
Sáng ngày 29, Quý Châu thự Tổng binh Chu Phụng Kì phái
Thanh Giang hiệp phó tướng Y-khắc-thản-bố và Tùng Diêu hiệp phó tướng Thanh Trường,
thự Đan Giang hiệp tham tướng Bành Trường Xuân, Hoàng Bình đô ty Nghiêm Thừa Tuấn
dẫn theo quan binh của hai trấn Trấn Viễn và Cổ Châu tấn công từ ngả giữa; hậu
bổ Tầm Châu tri phủ Lưu Kế Tổ mang theo đoàn luyện tráng dũng chia hai đường tả
hữu bao vây, các binh lực đều dự tính hội tề tại Kim Điền.
Đâu dè quân Thái Bình sớm đã chuẩn bị, quân binh Thái Bình
chia làm ba ngả, ngả giữa mai phục ở Kim Điền, do Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn
đích thân chỉ huy, ngả trái ở dải Yên thôn, ngả phải cứ thủ Bàn Cổ Lĩnh, chia
nhau do Dương Tú Thanh và Tiêu Triều Quý đảm nhiệm thống soái quân ngả trái phải.
Đợi quân Thanh đi qua Yên thôn, quân ngả trái nhân chúng không sẵn sàng xông ra
đánh, cắt đứt đường lui của Thanh binh, quân Thái Bình bốn mặt mai phục ập ra
chém giết. Tình cảnh này trong tờ Báo
tích bọn Y-khắc-thản-bố tấn công Kim Điền thất lợi đã chiến tử do bọn Lao Sùng
Quang tâu có ghi lại chi tiết hơn: khi “binh tráng đánh thẳng vào ổ giặc, chính
là muốn hội họp vây đánh. Bọn phỉ ấy tung ra như ong vỡ tổ, chia ra chống lại, số
lượng khoảng hơn vạn tên.” Tức là nói quân Thái Bình lợi dụng quân Thanh còn
chưa kịp tụ tập liền lợi dụng binh lực thế mạnh hơn xung phong chia cắt và bao
vây quân Thanh do Thanh Giang hiệp phó tướng Y-khắc-thản-bố suất lãnh. “Súng và
pháo của binh tráng đã đặt sẵn ra sức công phá, làm tử thương khoảng chục tên, chợt
có mấy tên giặc tay cầm khăn đỏ tuốt kiếm ra, miệng niệm tà chú dẫn bọn phỉ liều
chết đánh lại. Bọn phỉ rào đánh với tráng dũng, đám tráng dũng tan đàn cả.” Quân
Thanh lợi dụng thế mạnh của pháo hỏa muốn đè bẹp luôn quân Thái Bình dưới hỏa lực,
thủ lĩnh quân Thái Bình quay ra tổ chức phản công, mấy tên giặc khăn đỏ tức là
quan chỉ huy của quân Thái Bình, còn miệng đọc tà chú chính có lẽ là phân bố mệnh
lệnh hoặc là những lời lẽ ca tụng “Thượng đế.” Cuộc phản công của quân Thái
Bình đã làm quan quân tan vỡ, Thanh Giang hiệp phó tướng Y-khắc-thản-bố trong
quá trình vỡ chạy bị ngã ngựa thương tích nên quân Thái Bình giết luôn, đó là lần
đầu quân Thái Bình giết được quan viên cấp cao tòng nhị phẩm võ chức của quân
Thanh. Số tử vong trong trận chiến lần này còn có bả tổng Phan Kế Bang, Lưu Hồng
Hải, thiên tổng Điền Kế Thọ v.v. tới mấy chục quân quan.
Lúc này, trung quân Quý Châu thự Chu Phụng Kì của quân
Thanh đốc binh chạy tới từ sau vội nghiêm chỉnh đội ngũ dồn hết sức tiếp viện. Nhưng
vốn đã không thể nào cản lại thế đánh hăng dữ của quân Thái Bình nên vừa đánh vừa
lùi, một mặt bắn súng pháo liên hoàn, một mặt hiệp lực chặn lối đi. Hai bên cứ
gì nhau suốt một ngày một đêm quân Thái Bình mới rút lui để đề phòng mai phục, quân
Thanh không dám truy kích.
Thực tế qua trận lần này, quân Thanh đã khiếp sợ rồi, từ đó
không dám khinh lờn tiến vào phúc địa của quân Thái Bình tiến hành vây bắt nữa.
Trong khoảng thời gian sau này chỉ là đóng ở các cứ điểm
vòng ngoài, ngược lại thì quân Thái Bình cứ xuất kích chủ động, một mặt chuyển
sang đánh các vùng Vũ Tuyên, Uất Lâm, thu thập những giáo đồ không thể đến được
đoàn doanh, thu hút các thế lực hội đảng gia nhập làm lực lượng mạnh thêm, mặt
khác còn huấn luyện binh sĩ, lập ra quy định, hoàn thiện chế độ…[1]
Nhân tiếng vang thắng lợi lớp lãnh đạo Bái Thượng Đế giáo quyết
định thành lập Thái Bình Thiên Quốc.
Mùng 10 tháng 12 năm Đạo Quang thứ 30 (tháng giêng năm này vua
Đạo Quang giá băng, con thứ tư kế vị tức là vua Hàm Phong, năm sau cải niên hiệu
là Hàm Phong năm thứ 1, cho nên năm này vẫn xưng là năm Đạo Quang thứ 30), tức
ngày 11/01/1851 dương lịch, vào ngày sinh nhật 37 tuổi của Hồng Tú Toàn, cờ xí
bay rợp trời ở Kim Điền, người ta vui mừng hớn hở, tâm tình lâng đâng. Hơn
20,000 giáo đồ Bái Thượng Đế giáo tề tập ở sân lớn tại thôn Kim Điền, thủ lĩnh
từ các nơi đều dẫn đầu người dưới cùng hát thi ca tán tụng, cầu lên Thượng đế,
chúc mừng giáo chủ vạn thọ. Trong nghi thức tôn giáo thiêng liêng, trong những
tiếng hô vang vọng từ bên này qua bên khác nghe muốn điếc tai, nhóm lãnh đạo Hồng
Tú Toàn vững vàng bước lên thần đài vừa mới đắp, cất tiếng kêu lớn với giáo đồ:
Tuân theo ý chỉ của Thượng đế, từ nay chính hiệu Thái Bình Thiên Quốc, kiến lập
tiểu thiên đường của chính ta.
Trong tiếng hoan hô của quần chúng, 37 tiếng pháo lễ bắn
lên, cùng với cờ xí của Thái Bình Thiên Quốc tung bay phấp phới trên bầu trời
Kim Điền.
Nhằm để tỏ ý phân biệt với Thanh yêu, Hồng Tú Toàn cắt bỏ
đuôi tóc trước tiên rồi tung tóc xõa xuống, thay đổi phục trang đặc chế của
Thái Bình Thiên Quốc. Quân Thái Bình để tóc và đổi y phục chính là lý do sau
này họ được gọi là “Tóc Dài” (Trường Phát).
Hồng Tú Toàn lại tuyên bố lập quốc gia, dựng quân chế và bổ
nhiệm cán bộ, trăm họ đều là con dân của Thái Bình Thiên Quốc, đều gọi nhau là
huynh đệ tỷ muội. Lập con trai Hồng Thiên Phú Quý làm ấu chủ. Quân đội là quân
Thái Bình, tự làm thống soái, bên dưới phong Ngũ quân chủ tướng, cho Dương Tú
Thanh làm Trung quân chủ tướng, Tiêu Triều Quý làm Tiền quân chủ tướng, Phùng
Vân Sơn làm Hậu quân chủ tướng, Vi Xương Huy làm Hữu quân chủ tướng, Thạch Đạt
Khai làm Tả quân chủ tướng.
Một
quốc gia tôn giáo mới đã chào đời.[2]
[1] Lúc này Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn
đã dời tổng bộ từ Hoa Châu đến Kim Điền.
[2] Quân Thái Bình kỷ luật nghiêm minh, giỏi
đánh trận, vậy mà xem suốt các trận đánh phần nhiều cứ là lấy đông thắng ít.
Nhận xét
Đăng nhận xét