Nguyên
văn:
趙客縵胡纓,
吳鉤霜雪明。
銀鞍照白馬,
颯沓如流星。
十步殺一人,
千里不留行。
事了拂衣去,
深藏身與名。
閑過信陵飲,
脫劍膝前橫。
將炙啖朱亥,
持觴勸侯嬴。
三杯吐然諾,
五嶽倒為輕。
眼花耳熱後,
意氣素霓生。
救趙揮金槌,
邯鄲先震驚。
千秋二壯士,
烜赫大梁城。
縱死俠骨香,
不慚世上英。
誰能書閣下,
白首太玄經。
Phiên âm:
“Triệu khách mạn hồ anh,
Ngô câu sương tuyết minh.
Ngân yên chiếu bạch mã,
Táp đạp như lưu tinh.
Thập bộ sát nhất nhân,
Thiên lý bất lưu hành.
Sự liễu phất y khứ,
Thâm tàng thân dữ danh.
Nhàn quá Tín Lăng ẩm,
Thoát kiếm tất tiền hoành.
Tương chích đạm Chu Hợi,
Trì thương khuyến Hầu Doanh.
Tam bôi thổ nhiên nặc,
Ngũ Nhạc đảo vi khinh.
Nhãn hoa nhĩ nhiệt hậu,
Ý khí tố nghê sinh.
Cứu Triệu huy kim chùy,
Hàm Đan tiên chấn kinh.
Thiên thu nhị tráng sĩ,
Huyên hách Đại Lương thành.
Túng tử hiệp cốt hương,
Bất tàm thế thượng anh.
Thùy năng thư các hạ,
Bạch thủ Thái Huyền Kinh.
Dịch nghĩa:
Khách nước Triệu gắn dải thắt trên mũ,
Thanh đao Ngô Câu sáng như tuyết.
Yên bạc như soi sáng con ngựa trắng,
Phi nước chạy nhanh như sao bay.
Trong mười bước giết chết một người,
Chạy suốt ngàn dặm không ai cản được.
Họ làm việc xong thì phất tay áo,
Ẩn thân giấu luôn tiếng tăm.
Nhớ hồi đó Tín Lăng quân uống rượu,
Cởi gươm ra treo ngang trước đầu gối.
Đem đồ nướng ăn cùng với Chu Hợi,
Nhấc chén rượu mời Hầu Doanh cạn.
Ba chung đã nhả những lời vàng,
Nghĩa khí còn nặng hơn núi Ngũ Nhạc.
Khi mắt đã hoa tai đã nóng,
Ý khí trong lòng tỏa ra cầu vồng bắc ngang trời.
Chu Hợi vung dùi vàng cứu Triệu,
Khiến người Hàm Đan rúng động trước hết.
Hai vị tráng sĩ Chu Hợi và Hầu Doanh từ ngàn xưa,
Tiếng tăm đã vang dội khắp thành Đại Lương.
Dẫu chết mà cốt cách hiệp sĩ còn thơm,
Không thẹn là anh hùng sống trên đời.
Chứ ai lại như kẻ viết lách dưới lầu gác,
Bạc đầu viết Kinh Thái Huyền.
Về bối cảnh sáng tác là vào năm Thiên Bảo thứ 3 (744)
dưới thời vua Đường Huyền Tông, khi nhà thơ đi vân du đến Tề Châu. Thuở đó
phong khí du hiệp đương thịnh, đây là lúc nhà Đường giao thông với Tây Vực khá
mạnh, kinh tế cả nước ngày càng phồn vinh, là thời đại Thịnh Đường thương nghiệp
thành thị hưng vượng, cho nên không chỉ có những vị hiệp khách vùng Yên Triệu
(phương Bắc) thôi đâu. Đặc biệt là ở một dải Quan Lũng phong tục “hòa lẫn cả Hồ
với Hán, không phân biệt văn với võ.” (theo Đường đại Chính trị sử Thuật luận
Luận cảo của Trần Dần Khác) càng thúc đẩy chàng thiếu niên mê kiếm thuật thích
phong khí du hiệp lãng du khắp chốn tùy thích. Thời niên thiếu của Lý Bạch đã
chịu ảnh hưởng của phong tục văn hóa đất Quan Lũng nên thuở bé ngoài việc siêng
năng đọc sách của bách gia ra, “thập ngũ hảo kiếm thuật” (mười lăm tuổi đã mê múa
kiếm, trích Dữ Hàn Kinh Châu thư), “cao quán bội hùng kiếm” (đội mũ cao đeo
gươm chắc, trích Ức Tương Dương cựu du tặng Mã Thiếu phủ Cự), thậm chí cả
đời ông không bai giờ rời thanh kiếm: “Phủ kiếm dạ ngâm khiếu, hùng tâm nhật
thiên lý.” (Ban đêm thì tuốt gươm hò hét, ban ngày thì chí dũng khắp ngàn dặm;
trích Tặng Trương Tương Hạo)…
Bài thơ Hiệp Khách Hành của Lý Bạch với lối cổ
phong đã toát lên lòng ngưỡng mộ của ông với kẻ làm hiệp khách, luôn mong mỏi cứu
nguy giúp nạn, lập công lao có ích cho đời. Vớt bút pháp nhạc phủ điêu luyện, đây
là bài thơ được lưu vào quyển 67 trong bộ Nhạc phủ Thi tập, liệt vào phần
Nhạc khúc Ca từ. Chữ “hành” trong Hiệp Khách Hành là một thể thơ
thời xưa. Triệu khách tức là hiệp khách ở đất Yên Triệu, tức là thuộc về nước
Triệu thuở xưa nay là tỉnh Thái Nguyên của Trung Quốc, khí khái thơ ca của họ
phần nhiều là khảng khái bi hùng. Trong chương Thuyết kiếm sách Trang Tử
cũng nói: Thuở xưa Triệu Văn Vương thích kiếm nên đãi khách hơn ba ngàn người du
hiệp kiếm sĩ. “Mạn hồ anh” tức là đeo dải mũ của người Hồ, chỉ dân tộc thiểu số
phương Bắc, kết cấu dải mũ thô mà không có họa tiết hoa văn. “Ngô Câu” là tên của
một loại bảo đao, chỉ cho người hiệp khách phương Bắc đội mũ phất dải lụa mỏng cắp
thanh đao Ngô Câu sáng như tuyết trắng cưỡi trên lưng ngựa chạy như bay. Người
hiệp khách đó võ nghệ cao cường, dũng mãnh vô song, mười bước giết một người không
ai cản nổi, đó cũng là lấy điển tích trong chương Thuyết kiếm sách Trang Tử.
Tiếp theo, bài thơ dẫn lại điển cố Tín Lăng quân cứu
Triệu thuở xưa. Tín Lăng quân là một trong tứ đại công tử thời Chiến Quốc, dùng
lễ đãi người hiền năng, môn khách trong phủ có hơn 3000 người. Chu Hợi và Hầu
Doanh đều là hiệp sĩ thời Chiến Quốc. Chu Hợi vốn là tay đồ tể, còn Hầu Doanh từng
là quan nhỏ gác cửa đông thành Đại Lương nước Ngụy, hai người đó được Tín Lăng hậu
đãi bằng lễ nghĩa, trở thành môn khách của Tín Lăng quân. Trong bài thơ mô tả cảnh
Tín Lăng quân quay thịt và rót rượu ăn uống cùng hai người, sau hồi ba chung rượu
men đã thấm say, nghĩa khí của trang anh hùng tuôn ra ngút trời, đến nỗi núi Ngũ
Nhạc cũng trở nên nhẹ hơn tấc lòng vị nghĩa của họ. “Tố nghê” tức là cầu vồng,
người xưa quan niệm rằng phàm những đại sự không tầm thường thì sẽ có thiên tượng
không tầm thường hiện ra, giống như cầu vồng hiện ra giữa ban ngày, ý muốn nói
tấm lòng coi nhẹ sống chết của họ làm cảm động trời xanh. Ý thơ này cũng có thể
nói rằng khi người hiệp khách đã gật đầu đồng ý chuyện gì thì thiên hạ tất sẽ xảy
ra đại sự.
Tín Lăng quân vốn là công tử con vua nước Ngụy, là em
của Ngụy An Ly Vương thuở đó, khi đại quân nước Tần bao vây đánh nước Triệu ở láng
giềng, nước Triệu cử sứ giả sang Ngụy cầu cứu, Tín Lăng quân nghe theo kế của Hầu
Doanh trộm binh phù của Ngụy vương, ngầm xúi Chu Hợi rút dùi ra đập chết tướng
Ngụy là Tấn Bỉ không chịu nghe lệnh xuất quân, sau đó ông chỉ huy quân Ngụy tiến
sang cứu Triệu giải vây cho kinh đô Hàm Đan nước Triệu. Từ đó, tiếng tăm của ba
người này vang đồn khắp cả kinh thành Đại Lương của nước Ngụy như bậc anh hùng
cứu nguy đại cục. Mặc dù tác giả là văn nhân thi sĩ nhưng lại rất hâm mộ khí tiết
của trang võ dũng, ngược lại chê bai những tên văn nhân nho sĩ hủ học yếu hèn,
chỉ có lý thuyết suông nhưng tâm chí nhu nhược, không có sự hào hùng dũng mãnh dám
làm dám chịu như kẻ hiệp khách, tỉ như đoạn cuối thơ mặc dù không nêu đích danh
song những ai hiểu điển cố sẽ biết, “Thái Huyền Kinh” là một tác phẩm kinh thư do
nho sĩ Dương Hùng viết nên. Ông ta là quan học sĩ cuối đời Tây Hán, tuy bụng đầy
bồ chữ nhưng chí khí như hạng đàn bà, luồn cúi trước uy quyền, lúc nhà Tây Hán
bị gian thần Vương Mãng tiếm nghịch, ông ta thân là quan nhà Hán lại không dám
liều chết tỏ rõ khí tiết kiên trung của mình, ngược lại a dua bợ đỡ cho Vương Mãng,
đến khi làm phật lòng Vương Mãng lại sợ tội gieo mình xuống gác Thiên Lộc tự tử.
Đã dám nhảy lầu tự tử sao không chết vì trung nghĩa mà phải đợi khi sợ hại thân
mình mới làm chuyện ngu xuẩn như vậy? Vậy thì viết kinh viết chữ lưu truyền cho
đời có ý nghĩa gì, phải chăng chỉ là thói đạo đức giả, “lòng như chồn cáo, lo giữ
thân mình, giả bộ thanh cao, lớn giọng dạy đời.” Đáng kính cho những phận như
Chu Hợi và Hầu Doanh, đáng khinh cho cái phận hèn như Dương Hùng thay!
Diệu
Trai cư sĩ hoặc giả Cự Lang khách Nguyễn Thành Sang
Bình
thơ vào tối mùng 17 tháng 10 năm Canh Tý
Nhận xét
Đăng nhận xét