bõa
NAM–BẮC TRIỀU
ĐẠI CHIẾN
DIỄN NGHĨA
Romance of Northern and Southern dynasties
南北朝大戰演義
Tác giả
CỰ LANG (NGUYỄN THÀNH SANG)
Hồi thứ 1:
Cảnh hàn vi, cô mợ khinh bỉ
Thi võ trạng, anh hùng long vân
Có bài
thơ rằng:
Cuồn cuộn Cấm
Giang đông ra
biển,
Hải Dương long khí thuỷ phong liền.
Rồi đây thiên hạ ba đào nổi,
Thế sự biết ai mới thánh hiền?
Tương truyền từ cổ đại, bên nước Tàu (匿艚) có tam đại Hạ (夏), Thương (商), Chu (周). Tổ của nhà
Chu là Văn Vương Cơ Xương (文王姬昌) có một trăm
con, trong số đó có người con thứ tên là Cơ Chấn Đạc (姬振鐸) sau này được
phong làm bá tước (伯爵) ở nước Tào (曹國), truyền hai
mươi sáu đời đến Tào bá Dương (曹伯陽) thì bị diệt
quốc, có người hậu duệ là Cơ Chất Khiết (姬騭絜) ở lại làm dân
của nước Tống (宋國). Nước Tống sau này bị nước Tề (齊國) diệt vong, dòng dõi Cơ Chất Khiết lại trở thành dân
nước Tề. Nước Tề cuối cùng bị nước Tần (秦國) diệt vong,
dòng dõi của ông lại trở thành dân nước Tần. Tần triều kết cục cũng bị Sở (楚) diệt, sau đó nhà Hán (漢朝) lên thay,
dòng dõi Cơ Chất Khiết di cư về đất Cự Lộc (鉅鹿, nay thuộc tỉnh
Hà Bắc, Trung Quốc), có người làm chức vệ binh Chấp kích lang (執戟郎) của triều Hán. Vì Chấp kích lang có công trạng hộ
giá, được hoàng thân Hán thất Quảng Bình vương (廣平王) phong cho đất
Mạc (莫) làm thực ấp để kiếm sống, từ đó lấy
Mạc làm họ, nay huyện Nhiệm Khâu, phủ Hà Giản là huyện Mạc ngày xưa vậy, cũng gọi
là Mạc Châu, dấu tích xưa vẫn còn, họ Mạc bắt đầu từ đó.
Quãng Đường triều (唐朝), niên hiệu Đại
Lịch (大曆) đời Đường Đại Tông (唐代宗), có người hậu
duệ là Mạc Tàng (莫藏) làm quan đến chức Bắc bộ Viên ngoại lang (北部員外郎), sau này thoái quan thì thiên di về ngõ Châu Cơ (珠基巷), thôn Kim Lũ
(金屨村) đất Phong Châu (封州, nay thuộc Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Mạc Tàng sau này sinh một người con tên là Mạc Nhượng
Nhân (莫讓仁). Nhượng Nhân chết sớm, để lại một người vợ goá với một
người con còn nằm trong bụng, sau này sinh nở đặt tên là Mạc Tuyên Khanh (莫宣卿), tự Trọng Tiết (仲節), đến năm Đại
Trung (大中) thứ năm (851 Công nguyên) đời Đường Tuyên Tông (唐宣宗) thì thi đỗ Trạng nguyên (狀元), làm rạng
danh đất Lĩnh Nam (嶺南) Lưỡng Quảng (兩廣). Mạc Tuyên
Khanh nhậm chức trong triều hơn mười năm, về sau vì còn mẹ già ở quê nhà, thỉnh
cầu hoàng đế cho làm quan tại địa phương để tiện phụng hiếu, thánh thượng gia
ân phong ông làm Đài Châu Biệt giá (台州別駕), đến Chiết
Giang tựu nhậm, không may giữa đường chết vì cảm bệnh. Vua nhà Đường thương
xót, ban thuỵ là Hiếu Túc (孝肅), công hạnh của
ngài về sau có người tán thán, làm bài từ rằng:
麒麟之山,偉人生焉。
一枝高擢,為五嶺先。
惟鳳有毛,惟麟有種。
非公厚德,誰其接踵。
大蔗之野,文德之鄉。
蒼山屹屹,流水湯湯。
卜宅於前,增修於後。
永福子孫,為祭祀主。
Phiên âm:
Kỳ lân chi sơn, vĩ nhân sinh yên.
Nhất chi cao trạc, vi Ngũ Lĩnh tiên.
Duy phụng hữu mao, duy lân hữu chủng.
Phi công hậu đức, thuỳ kỳ tiếp chủng.
Đại giá chi dã, văn đức chi hương.
Thương sơn ngật ngật, lưu thuỷ thang thang.
Bốc trạch vu tiền, tăng tu vu hậu.
Vĩnh phúc tử tôn, vi tế tự chủ.
Dịch nghĩa:
“Ngọn núi Kỳ lân có bậc vĩ nhân ra đời;
Cất bước đỗ đạt ngất trời, tiền lệ của xứ Ngũ Lĩnh.
Chỉ có chim phượng mới có lông đẹp, kỳ lân mới có giống
tốt,
Nếu chẳng phải đức của ngài dày đặc, ai có thể nối
dòng ngài được?
Trên cánh đồng trồng mía rộng lớn cũng là ngôi làng có
đức sinh văn tài,
Núi xanh cao ngất, nước chảy mênh mang,
Đứng trước nhà bói âm trạch sửa sang cho dòng dõi mai
sau,
Thêm phước cho con cháu lâu bền, để nhà thờ tổ có người
cúng tế”.
Mạc Tuyên Khanh có một người con tên là Mạc Tấn (莫晉), làm quan đến chức Hoài Châu Biệt giá (懷州別駕). Mạc Tấn sinh con là Mạc Như Tùng (莫如松), làm quan đến chức Đoan Minh điện Đại học sĩ (端明殿大學士) đời Đường Minh Tông (唐明宗). Mạc Như Tùng
sinh con là Mạc Hữu Hoài (莫有懷). Mạc Hữu Hoài
sinh con là Mạc Vĩnh Xương (莫永昌). Mạc Vĩnh
Xương sinh ba người con trai là Mạc Ngu (莫愚), Mạc Lỗ (莫魯) và Mạc Độn (莫鈍). Theo sách Thuyết Mạc (説莫) của Thi Nham Đinh Gia Thuyết (施巖丁家說), Mạc Ngu lại mang theo gia quyến di cư từ Quảng Đông
vào Giao Châu (交州), lúc này đã thành lập nước Đại Việt (大越) do dòng họ Lý (李氏) làm chủ. Mạc Ngu định cư tại làng Lũng Động (隴洞, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sinh hai con là Mạc
Hiển Tích (莫顯績) và Mạc Kiến Quan (莫見觀), đều đỗ Tiến
sĩ (進士) dưới triều Lý Nhân Tông (李仁宗).
Mạc Hiển Tích là thuỷ tổ của họ Mạc tại Việt Nam, được
truy tôn là Hồng Phúc Đại Vương (洪福大王), về sau sinh
con là Mạc Hiển Đức (莫顯德); Hiển Đức
sinh con là Mạc Hiển Tuấn (莫顯浚); Hiển Tuấn
sinh con là Mạc Đĩnh Kỳ (莫挺其); Đĩnh Kỳ sinh
con là Mạc Đĩnh Chi (莫挺之). Như vậy, Mạc
Đĩnh Chi là cháu năm đời của Mạc Hiển Tích, gia cảnh thanh bần, thi đỗ Trạng
nguyên dưới thời Trần Anh Tông (陳英宗), từng đi sứ
sang Nguyên triều (元朝), đắc thời danh là Lưỡng quốc Trạng nguyên (兩國狀元), để lại hậu thế với danh thi “Ngọc tỉnh liên phú” (玉井蓮賦) tự đề cao tiết hạnh và phẩm giá của mình, tiếng thơm
lưu lại muôn đời. Mấy trăm năm sau, dù con cháu lưu lạc phương nào, vẫn còn có
người tự hào xướng hoạ thuộc lòng bài thơ của tổ tiên mình, lấy đó làm vinh hứng
của gia tộc, cũng là để tự nhắc với mình không thẹn với tông môn.
Chẳng hạn, tảng sáng tại một làng chài gọi là làng Cổ
Trai (古齋郷), xã Long Động (龍洞社) vẫn có người
thanh niên đánh cá đang giăng lưới trên thuyền, nhìn vầng dương đang từ từ nhô
lên từ hướng đông chân trời sau ngọn núi nhấp nhô, phấn khởi hát xướng vần thơ
rằng:
Giá thuỷ tinh hề vi cung,
Tạc lưu ly hề vi hộ.
Toái pha ly hề vi nê,
Sái minh châu hề vi lộ,
Hương phức uất hề tằng tiêu,
Đế văn phong hề nữ mộ.
Quế tử lãnh hề vô hương,
Tố Nga phân hề nữ đố.
Thái dao thảo hề Phương châu,
Vọng mỹ nhân hề Tương phố.
Kiển hà vi hề trung lưu,
Hạp tương phản hề cố vũ.
Khởi hộ lạc hề vô dung,
Thán thiền quyên hề đa ngộ.
Cẩu dư bính chi bất a,
Quả hà thương hề phong vũ.
Khủng phương hồng hề dao lạc,
Mỹ nhân lai hề tuế mộ.[1]
Trông dáng người thanh niên ấy lực lưỡng cường tráng,
thân cao bảy thước năm tấc, đỉnh trán như vầng dương mặt mày uy như rồng, sải
cánh tay dang rộng với làn da rám nắng ngăm nâu, từng bắp thịt chắc vai u gồng
lên cuồn cuộn lại cứng cáp, sức vóc phi thường đang kéo lưới, giật lưới lên nào
tôm nào cá đều văng hết lên thuyền, dẫu cá lớn cá bé vùng vẫy cỡ nào cũng không
thoát khỏi tấm lưới tung điệu nghệ của chàng, tựa như lũ tiểu tốt không thoát
khỏi thiên la địa võng của thiên binh thần tướng nhà trời vậy. Một buổi đi
giăng chài bắt lưới thật vui không khác gì một chuyến đi chơi, thoả chí tang bồng,
lại xâu mẻ cá vào gánh lên lưng trở về nhà.
Giữa đường gần đến tư gia, lại thấy từ trong bụi tre
có hai thiếu niên chạy te te ra đón đường hô lên:
- Đi đâu đó, đứng lại cho mau!
Chàng thanh niên quay lại nhìn thì reo lên:
- Hai đứa em đến đây làm gì?
Hai gã thiếu niên cất tiếng:
- Bọn em dĩ nhiên đến giúp anh cả tháo lưới xẻ cá rồi
đem ướp muối. Ngày nào cũng để anh cả đi ra biển hồ chài lưới, bọn em ở nhà thật
buồn chán, nên thấy anh về vội vui mừng phụ anh mang cá vào để làm món…
Chàng thanh niên mới đánh cá về hỏi hai đứa thiếu
niên:
- Thế thầy đâu rồi?
- Sáng nay thầy đi tảo mộ, gần đến tiết Thanh minh,
hôm qua đã có dặn dò anh em ta rồi mà. Lát nữa thầy về còn làm lễ cúng gia tiên,
đặc sinh chi lễ (特牲之禮), phải có lợn
để làm chính sinh (正牲), cá để làm bồi sinh (陪牲). Giờ bọn em
phụ anh một tay lóc cá rửa sạch đem ướp muối, để ngày mai còn có cá làm bồi
sinh cúng lễ.
Nghe một cậu thiếu niên nói như vậy, chàng thanh niên
bật cười lớn trêu:
- Nghe chú mi nói kìa, toàn chữ với nghĩa, nhà ta là
ngư phủ mà nghe cứ như gia giáo chi môn.
Nghe đến đây ai cũng biết cả ba người thanh thiếu niên
này đều là anh em ruột một nhà, vốn theo nghề đánh cá, gia đình ngư phủ, vốn ở
làng Lũng Động đi sang ngụ cư tại làng Cổ Trai, chàng thanh niên lớn tuổi đánh
cá trở về là huynh trưởng trong nhà, tên là Mạc Đăng Dung (莫登庸). Hai cậu thiếu niên từ trong bụi tre ra đón đường
anh mình là Mạc Đăng Đốc và Mạc Đăng Quyết. Sau này khi Đăng Dung vinh hiển làm
hoàng đế, Đăng Đốc cũng tỵ huý được đổi tên là Mạc Đốc Tín (莫篤信), được gia phong Từ vương (慈王); Đăng Quyết
vì tỵ huý anh mình nên đổi tên là Mạc Ngôn Quyết (莫言厥), được gia
phong Tín vương (信王). Do đó, ở đây ta cũng sẽ gọi tên họ là Ngôn Quyết và
Đốc Tín. Anh em nhà họ vốn là con của ông Mạc Hịch (莫檄) và bà Đặng Thị
Hiếu (鄧氏孝).
Mạc Hịch còn có tên là Mạc Đĩnh Phú (莫挺賦), ông có một người em trai tên là Mạc Đĩnh Quý (莫挺貴), họ đều là con trai của ông Mạc Bình (莫萍). Mạc Bình vốn là người thích ẩn dật, không ham quan quyền
tước vị, vì muốn mưu sinh bằng nghề đánh cá nên đã di cư từ làng Lũng Động đến
xã Cổ Trai, vì gia cảnh khó khăn nên có gửi con mình là Mạc Đĩnh Quý cho một
người họ hàng nuôi dưỡng, khi Đĩnh Quý lớn lên thì được người họ hàng dạm hỏi
cho mối con cái nhà họ Đặng ở làng Chu Đậu (周竇村), thế nên Đĩnh
Quý kết hôn với Đặng Thị Thuận (鄧氏順) vốn là gia
đình giàu có, nhiều đời làm nghề gốm gia truyền, buôn bán hưng long, tích trữ
càng nhiều tiền lắm của. Trùng hợp thay, người anh Mạc Đĩnh Phú lớn lên lấy tên
Mạc Hịch, cũng được cha dạm hỏi cho một gia đình họ Đặng quê gốc ở làng Mỹ Xá (美舍村) dời sang xã Long Động, lấy con gái của ông Đặng Xuân
(鄧椿) là Đặng Thị Hiếu làm vợ. Nhà họ Đặng ở hai nơi này đều
là bà con gần với nhau, Đặng Thị Thuận cũng là em gái họ của Đặng Thị Hiếu, mà
Mạc Đĩnh Quý cũng là em trai ruột của Mạc Hịch, thế nên huyết duyên của hai nhà
rất gần, ấy vậy mà ý trời trái ngang, nhà ông em càng giàu bao nhiêu thì nhà
người anh càng nghèo bấy nhiêu. Mạc Hịch không giỏi làm ăn, vợ cũng là người thật
thà ngốc nghếch, hơn nữa lại bị nhà vợ xem là “nữ nhân ngoại tộc” nên cũng
không hề chỉ dạy kỹ nghệ làm gốm. Trái lại Mạc Đĩnh Quý thì bề ngoài nhu thuận,
bên trong lại tinh ranh, rất được lòng nhà vợ ở làng Chu Đậu, cho nên sớm được
xem như chàng rể hiền, ông bố vợ bèn đem hết bí quyết gia truyền từ đời cụ tổ Đặng
Huyền Thông (鄧玄通) chỉ dạy tận tình cho chàng. Thời bấy giờ, giao
thương giữa Đại Minh (大明) với Đại Việt
rất thịnh, tàu thuyền nước Minh sang làm ăn mậu dịch với các hải cảng ở xứ này
sầm uất, do chính sách “bế quan toả quốc” (閉關鎖國) từ thời Minh
Thái Tổ (明太祖), công nghệ gốm sứ của nhà Minh tuyệt giao với Tây
phương, chuyển trục buôn bán và trao đổi với Nam phương, cho nên Đại Việt đắc lợi,
nhờ đó mà các làng gốm gia truyền giữa lưỡng quốc đều tranh thủ thời cơ để chuyển
giao kỹ nghệ và ký khế ước buôn bán hàng hoá gốm sứ, từ đó khiến làng Chu Đậu
và Mỹ Xá ngày càng phồn thịnh, mối làm ăn của họ Đặng mỗi lúc một đông, làm cho
chàng rể Mạc Đĩnh Quý ngày nào cũng đếm tiền đến nỗi hoa cả mắt váng cả đầu.
Nhưng đáng tiếc, bà phu nhân của chàng, Đặng Thị Thuận, tính người dữ như cọp
beo, tình người ác tựa sài lang, bên ngoài thì chua ngoa đanh đá, trong bụng
thì hiểm độc gian manh, ỷ thế con nhà giàu nên có dạ khinh chồng, chỉ xem Mạc
Đĩnh Quý như món đồ chơi để cho gia tộc mình lợi dụng, vắt kiệt sức chồng để
làm giàu cho họ Đặng, ngày thường thì tỏ thói kiêu bạc, ăn hiếp chồng con, Mạc
Đĩnh Quý chỉ cần có hành vi không vừa mắt thì sẵn sàng mồm mép chửi mắng thôi rồi
lại tay đấm chân đá, khiến anh chồng bạc nhược kia nhiều phen lắm lúc hoảng sợ,
có lúc ngồi trong tửu quán khóc lóc với bè bạn than rằng trong nhà mình có chứa
con “sư tử Hà Đông”.
Thế mới hay, đàn ông ra ngoài làm ăn thì phách lối làm
oai, về đến nhà thì khúm núm sợ vợ như cọp, ai cũng thấy Mạc Đĩnh Quý đi lại
các bến, nay thì ở Nghi Dương (宜陽), mai thì ra
Vân Đồn (雲屯), khách quý qua lại toàn là người đến từ Minh quốc,
xem qua khế ước làm ăn toàn là ký kết với các trấn xưởng gốm danh giá ở Trung
Hoa, nào là trấn Cảnh Đức (景德鎮) ở Giang Tây (江西), nào là trấn Long Tuyền (龍泉鎮) ở Chiết Giang
(浙江), nào là trấn Đức Hoá (德化鎮) ở Phúc Kiến (福建), rồi trấn Hồ Tứ (湖泗鎮) ở Hồ Bắc (湖北), trấn Tương Âm (湘陰鎮) ở Hồ Nam (湖南), trấn Triều Châu (潮州鎮) ở Quảng Đông
(廣東), trấn Hưng An (興安鎮) ở Quảng Tây (廣西), thậm chí vươn đến trấn Thành Đô (成都鎮) ở Tứ Xuyên (四川) và trấn Ngọc
Khê (玉溪鎮) ở Vân Nam (雲南). Ngày nào
cũng thấy tàu bè chất đầy gốm sứ, lại có khách khứa ra vào thương điếm của ông
liên tục, người vào mang theo ngân lượng, người ra mang theo hàng hoá, đi như
trẩy hội, trào như nước chảy, tư tài ào ạt, bạn bè xa gần đều lấy làm khâm phục
khen ngợi Đĩnh Quý là có phúc tướng trở thành phú ông. Đã vậy, Đĩnh Quý còn xuất
tiền mua hàng nghìn khoảnh ruộng ở phủ Nam Sách (南策府), ai nấy cũng
kháo nhau bảo Đĩnh Quý thiếu gì tiền xài, đâu có ngờ trương mục sổ sách kho tiền
đều bị con “sư tử Hà Đông” ở nhà thâu tóm lấy hết, muốn xin một đồng cũng phải
khép nép quỳ mọp lạy vợ như bái tổ tông, vợ vui thì thí cho ít đồng, đang buồn
thì quát tháo, đang giận thì đá cho mấy phát tống văng ra khỏi khuê phòng, chỉ
biết lủi thủi bò dậy như con gà mắc toi trông tội nghiệp vô cùng.
Khi cụ Mạc Bình còn sinh tiền, cuộc sống nghèo khó, mỗi
khi nhớ con trai thì dặn Mạc Hịch đi cùng, hai cha con đi bộ từ Cổ Trai đến tổng
Thượng Triệt (上徹總) để thăm con em, Mạc Đĩnh Quý vừa thấy cha và anh lâu
ngày đến thăm thì khá vui mừng, song khi về nhà khúm núm báo vợ thì bị mắng
ngay:
- Họ với chả hàng, toàn lũ khố rách áo ôm thấy nhà này
có chút hơi tiền thì bâu vào ăn ké chút lợi phỏng. Tiên sư bố nhà mày cũng đừng
hòng bước nửa ngón chân vào nhà họ Đặng này, cút xéo ngay cho bà rảnh nợ, đừng
có rước thứ mạt hạng đó vào đây kẻo bà tống cổ mày ra đường luôn bây giờ.
Thấy vợ mình ăn nói hỗn láo, không biết kính trọng người
trên, nhưng Mạc Đĩnh Quý vốn yếu mềm nghe tiếng vợ nói mà cứ ngỡ như tiếng cọp
gầm, người muốn mềm nhão ra, sợ hãi cúi đầu vâng dạ rồi lủi ra phía sau, nhưng
vẫn không muốn bị mang tiếng là giàu có mà bất hiếu bất nghĩa với cha anh, đành
lén xuất tiền giấu vợ để bao một khách điếm, dẫn cha với anh sang đãi một bữa
thanh yến đạm phạn (清宴淡飯). Nói là thanh đạm với kẻ giàu, nhưng là hào vị đối với
người nghèo. Mạc Bình với Mạc Hịch từ nhỏ tới lớn chưa từng thấy những món sản
vật tươi mỡ đủ màu sắc sặc sỡ trước mặt bao giờ, lại có loại nước trái cây lên
men lấy từ Đại Minh trở về, uống vào vị rất thanh ngọt mà say nhẹ, không thể
tìm thấy ở bất kỳ chợ phố nào ở xứ Đại Việt này, kể cả Thăng Long. Chao ôi,
chút vinh dự đó chỉ là lễ mọn lén lút tránh bà vợ “cọp dữ” ở nhà thôi, nếu được
hoan nghênh ở cổng chính nhà họ Đặng, có khi còn danh giá hơn nhiều. Nhưng mặc
kệ, với hạng nhà nghèo thì như thế này đã quá cả nằm mơ rồi, cha con Mạc Hịch
được ăn no lại được ngủ say ở khách điếm một đêm, hôm sau thì Mạc Đĩnh Quý lấy
cớ phải đi thuyền sang Quảng Đông để làm ăn nên tặng cho chút tiền rồi bảo hai
cha con mau chóng trở về Cổ Trai cho gấp, thực lòng là sợ “bà cọp” ở nhà biết
được sẽ nổi điên đến xé xác cả ba cha con họ. Sợ vợ đến thế là cùng.
Mạc Hịch đâu có biết em mình khiếp nhược với vợ đến
như vậy, cũng đâu hề hiểu cái uy phong long trời lở đất của bà Đặng Thị Thuận,
cứ vậy mà về nhà hí hửng kể cho vợ con mình nghe, khoe rằng mình được em trai
tiếp đãi nồng hậu, cứ ngỡ là lạc lên cung trời, ăn toàn của ngon vật lạ ở hội
Bàn Đào Vương Mẫu (王母盤桃會), nằm chăn êm nệm ấm tưởng là ở cung Quảng Hàn của Hằng
Nga (恒娥廣寒宮). Ba đứa con của ông nghe lời bố kể cũng thèm thuồng
chảy nước dãi, ao ước có hồi được cha dắt lên nhà chú chơi một chuyến cho biết,
có hay đâu sau này điều đó trở thành cơn ác mộng thật sự trong lòng Mạc Đăng
Dung.
Cụ Mạc Bình vốn là con của Mạc Tung (莫嵩). Mạc Tung là con của Mạc Thuý (莫邃), vì năm xưa Mạc Thuý bán nước hàng giặc, làm nguỵ
quan cho nhà Minh đô hộ An Nam (安南), cho nên khi
Lê Thái Tổ (黎太祖) dựng nước ban chiếu nghiêm trị bọn phản quốc cầu
vinh, Mạc Tung đành phải lẩn trốn suốt đời, dặn con cái sau này chớ ra làm quan
để khỏi mang hoạ. Mạc Thuý vốn là con của Mạc Dao (莫瑶), Mạc Dao là
con của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Do đó, Mạc Đăng Dung là cháu bảy đời của Lưỡng
quốc Trạng nguyên nhà Trần. Nói là con cháu của cụ Trạng, nhưng chẳng được hưởng
chút hiển đạt hay phú quý gì cho cam, tuổi thơ của Đăng Dung sống trong cảnh bần
hàn, có đủ ăn đã may, nói chi đến nhà lầu áo gấm. Chẳng qua cái gia phả kia ít
nhất vẫn là có thật, chứ chẳng phải “thấy người sang bắt quàng làm họ”, “không
phải ma nhà mình mà thờ” như ai đó tự nhận mình là hậu duệ dòng Ngu Thuấn (虞舜)[2]
đâu!
Ít lâu sau, vì gia cảnh ngày càng bần hàn, cụ Mạc Hịch
bèn cho gọi Đăng Dung vào, khuyên con mình nên sang làng Chu Đậu để nhờ người
chú giúp đỡ, trong bụng ông cụ tin rằng em mình là nhà phú thương, có thể giúp
con mình có được cơm gạo tiền nong sống qua ngày, bèn viết thư cho con bảo rằng
sang nhà chú hãy gửi thư cho. Mạc Đăng Dung cũng vì muốn có công việc tiến
thân, không muốn mãi làm nghề chài lưới, biển hồ thì ngày một sa sút, tôm cá
cũng không còn phong nhiêu như trước. Anh bèn từ giã các em trai em gái, rồi
khăn gói hành lý lên đường sang.
Mạc Đĩnh Quý từ lúc đón tiếp cha anh, phải tự bỏ tiền
riêng để lấy tiếng, tưởng rằng như vậy là yên chuyện, vừa tránh được con cọp
cái ở nhà, vừa được tiếng thơm là biết hiếu kính và khoe giàu sang với người
thân họ hàng, chẳng ngờ tám tháng sau lại thấy một gã thanh niên từ đâu đến
nhà, tự nhận là bà con. Mạc Đặng phu nhân nghe thấy mấy đứa ở báo có người họ
hàng từ xa đến thăm, nói là cháu gọi ông nhà bằng chú, biết không phải nòi họ Đặng
thì gầm lên như sấm:
- Bố tiên sư họ Mạc, Mạc với “mạt” thì cũng như nhau,
không có họ Đặng ta đời nào nó ngóc đầu sung sướng như giờ, không biết bà con
ruồi muỗi thứ “mạt” ở đâu cứ kéo đến nhận họ nhận hàng, thấy người sang bắt
quàng làm họ, mau tống cổ thứ khố rách đó ra khỏi đây!
Tình cờ Mạc Đĩnh Quý mang tách trà đi ngang, nghe mấy
câu của vợ, vừa sợ vừa thẹn, ông ta bước ra ngoài cổng thấy mấy người ở đang
xua đuổi Mạc Đăng Dung, bèn nghiêm mặt bước tới kêu họ dừng tay, rồi hỏi cậu
thanh niên kia từ đâu đến đây. Đăng Dung bấy giờ tuổi trẻ thiểu tri, chất phác
thẳng thắn, không biết từ đây phận mình khổ sở, nhìn thấy người đàn ông trong
gia phủ bước ra ăn mặc áo gấm sang trọng, biết có thể là chú của mình bèn cúi đầu
lễ phép thưa:
- Thưa ngài, cháu là con của ông Mạc Đĩnh Phú, cháu tên Đăng Dung, gia phụ có dặn cháu lên đây nhờ chú ruột là Mạc Đĩnh Quý giúp cho một công việc làm lụng sống qua ngày, trước khi đi thầy có gửi thư mong được đến tay chú. Không biết ngài đây có phải là…
Người phú thương đưa tay cầm lấy lá thư trên tay Mạc
Đăng Dung đang giơ hai tay kính cẩn, giở ra xem lướt qua rồi nhíu mày nhìn cậu
nói:
- Phải, ta là chú của mày đây, mày nói lại ta nghe,
cha mày kêu mày đến đây làm gì?
Mạc Đăng Dung đem chuyện cảnh nhà khổ cực, ngày càng
khó mưu sinh, nghề tôm cá không còn dễ bắt như trước kể vanh vách cho chú nghe,
rồi ngỏ ý mong được ở lại làm người thuê giúp việc cho chú. Mạc Đĩnh Quý nghe rồi
cũng có dạ ngậm ngùi, biết xưa nay ở chốn gia môn của mình, kể từ lúc làm ăn
giàu có, những chức vụ béo bở ở thương điếm và thuỷ cảng đều bị bà vợ họ Đặng
dành hết cho người nhà, hễ ai đến đây nói là bà con họ Đặng dù gần dù xa đều được
trọng đãi, chỉ riêng người họ Mạc nhà chồng đến thì bị khinh bạc đuổi đi. Bây
giờ có đứa cháu gọi bằng chú đến nhờ cậy, ông chú cũng vì niệm tình cốt nhục,
đâu muốn đuổi cổ, đã vậy còn nghĩ rằng: “Mả bố nhà nó, con cháu chị em dì bạn họ
hàng nhà mụ thì mụ biệt hậu biết bao, cho làm tai mắt ở cửa tiệm để giám sát nhất
cử nhất động của ta, vậy mà không có đứa con cháu nào nhà ta được làm ở đây, nếu
không nhận vài đứa họ Mạc vào thì ta đúng là cô thế ở chốn này, bị mụ vợ ăn hiếp
cả đời, chi bằng nhận đứa này vào làm để gây dựng dần thế lực cho ta là phải”.
Nghĩ vậy liền hớn hở mặt mày, nhận cho Đăng Dung vào ở
và phân công cho làm việc chuyên chở đồ gốm từ xưởng ra bến thuyền. Việc này
làm phật ý bà Mạc Đặng thị, khiến bà ta tức điên lên dùng lời lẽ sỉ vả mắng chồng
ba ngày ba đêm, Đĩnh Quý cũng nuốt nhục chịu trận, rồi ngon ngọt dỗ vợ xin nể
nang mặt mũi của mình mà cho phép thằng cháu trai trong họ được ở lại kiếm cơm
sống qua ngày.
Mạc Đặng thị thấy chồng dịu dàng xuống nước vuốt ve
thì ngoài mặt cũng hạ giọng chịu cho, nhưng trong bụng vẫn lấy làm ghét, không
muốn cho đứa họ hàng nhà “Mạt” nào ở đây để ăn bám cơ ngơi nhà mình. Mụ bèn
đích thân xuống xưởng, nhìn thấy Đăng Dung bèn gọi tới xách mé vài câu:
- Mày là cháu ông phú thật phỏng? Có biết phải cháu
hay không, ông phú từ nhỏ đã được cưu mang nhà người ta, sau này sang ở rể nhà
này, có bao giờ nghe nói họ hàng nào ở Cổ Trai đâu. Mày liệu mà làm lụng cho
đàng hoàng, bà chẳng nể họ hàng họ hiếc nào mà dung túng cho đâu. Tao thấy mày
thân thể cao lớn, vai u chắc nịch, vậy chắc cũng làm được việc, chỉ được đối
đãi như những người làm công khác, không có gì biệt đãi hơn đâu. Nếu mày làm
không cẩn thận mà có sai quấy là bà đuổi thẳng cổ biết chưa?
Mạc Đăng Dung khép nép dạ vâng, Mạc Đặng thị bèn cho gọi
mấy đứa cháu gọi mình bằng cô rồi bằng dì tới nói:
- Mấy đứa bọn mi làm người quản đốc ở đây, nhớ canh chừng
dạy bảo thằng tèo này cho nghiêm, trông chừng nó cẩn thận đấy, tao nghe nói
dòng “Mạt” hay táy máy tay chân, lỡ mất món đồ nào trong xưởng thì chúng mi ốm
đòn rõ nghe!
Đặng Thị Thuận vừa nói vừa háy mắt nhướng về phía Mạc
Đăng Dung và ra hiệu với người cháu gọi mụ bằng cô là Đặng Tập Hãn (鄧刁悍), hắn biết ý, bèn giả vờ mật ngọt đến chào hỏi làm
quen với Đăng Dung rồi dắt cậu đi tham quan xưởng gốm. Mạc Đăng Dung lần đầu được
nhìn thấy những loại bình gốm, chén sứ, bát sành, muôn loại tinh xảo, chạm trổ
tráng quán, rất cuốn ánh nhìn, lại nghe Đặng Tập Hãn giới thiệu:
- Gốm sứ làng ta nổi tiếng với hai loại là Thanh hoa
đào bình (青花陶瓶) và Tì-bà đào bình (琵琶陶瓶), rất được
thương nhân quý khách Đại Minh ưa chuộng. Để làm được những loại gốm này phải
trải qua năm bước: làm đất, tạo hình gốm, trang trí hoa văn, tráng men và nung
đốt. Trước hết, phải chọn đất sét và đất cao
lanh loại tốt, thường là đất sét trắng lấy từ Hợp Lễ (合禮) và
Chí Linh (至靈). Sau
đó, đất được tinh luyện qua nhiều công đoạn để lấy được đất tốt nhất sử dụng
làm gốm, công đoạn này gọi là thấu đất. Đến công đoạn tạo hình thì có ba cách:
tạo hình tròn bàn xoay, tạo hình bằng khuôn và nặn đắp bằng tay. Trang trí thì
có rất nhiều cách, có thể vẽ trên gốm, cắt gọt và khắc vạch, hoặc giả in hoa
văn bằng khuôn. Đến công đoạn tráng men, có thể phun men hoặc dội men lên bề mặt
gốm, với gốm sứ loại nhỏ thì nhúng men hoặc quét men, còn loại lớn thì dùng
phương pháp kìm đúc, tức là tráng men bên trong trước rồi mới bên ngoài sau.
Ngoài ra còn sử dụng phương pháp quay men hoặc đúc men. Quay men là hình thức
tráng men bờn trong và bên ngoài gốm sứ cùng một lúc, tức là cầm phẩm vật cần
tráng men một tay đỡ một tay quay vào thùng men gọi là quay men. Đúc men, tức
là chỉ tráng men bên trong lòng bình bát. Cách
tráng men thiên biến vạn hoá tuỳ thuộc vào kích thước từng phẩm vật, có phẩm vật
thì sử dụng cùng một lúc nhiều cách tráng men. Cuối cùng là đến nung đốt, đây
cũng là bước trọng yếu quyết định sự thành công hay thất bại của một mẻ gốm. Có
hai loại lò thường được sử dụng để nung gốm sứ, gọi là lò cóc và lò bầu. Lò cóc
tức là đắp bằng đất đã qua lửa như gạch non, đập nhỏ, nhào với đất thịt, đắp
cao dần lên theo hình bầu dục, chiều dài gấp ba chiều rộng, khi nung phải nấp
thật kín cửa để tránh bị mất nhiệt; còn lò bầu tức là xây bằng gạch chịu lửa,
có chín đến mười bầu kế tiếp nhau để tiết kiệm nhiên liệu. Dựng lò bầu không cần
bao nung, xếp đủ phẩm gốm cho một mẻ nung xong thì cửa lò phải xây kín lại. Lửa
được nhóm từ cửa lũ tại bầu thấp nhất qua bầu thứ hai bằng củi theo rãnh của bầu.
Bầu thứ hai đủ nhiệt thì lấp cửa lại tiếp nhiệt cho bầu thứ ba. Thực hiện lần
lượt như vậy cho đến bầu cuối cùng. Nhiên liệu dựng cho lò bầu chủ yếu là củi gỗ
và một phần nhỏ than đá…
Mạc
Đăng Dung nghe thấy những lời giải thích luyên thuyên loắt thoắt của Đặng Tập
Hãn, cảm thấy ù ù cạc cạc, tuy không hiểu mấy nhưng nghe rất ư thú vị, cảm thấy
nghề này thật cầu kỳ tinh nghệ, tựa như mắt thấy tai nghe những điều mới lạ.
Sau đó Đặng Tập Hãn có quay lại và nói:
- Trước
đây, ông chủ có đi lên Quảng Châu để buôn bán, từng được viên Tổng đốc Lưỡng Quảng
để ý quán thưởng phẩm vật, mua một lúc ba mươi chiếc bình gốm thượng hạng. Quan
Tổng đốc Đại Minh triều còn hết lời khen ngợi, nói rằng gốm sứ làng Chu Đậu nước
An Nam ta quả xứng là cực phẩm nhân gian, còn đề bài thi từ phong tặng cho ông
chủ mang về nước…
Vừa
nói vừa chỉ tay vào chiếc bình gốm được bao bọc kỹ lưỡng, đặt trên chiếc hương
án dựng ngay giữa xưởng, bên ngoài có hàng rào chắn lại để không cho người lạ
tiện tay sờ vào bảo vật. Mạc Đăng Dung nhìn thấy trên thân bình viết hàng chữ
Hán với đóng dấu triện của quan Tổng đốc nhà Minh:
“Bạc
như chỉ, khiết như ngọc, bạch như tượng nha, thanh như hồng chung” (薄如紙,潔如玉,白如像牙,聲如洪鐘, nghĩa là: mỏng như giấy, trong như ngọc,
trắng như ngà, kêu như chuông).
Đặng Tập
Hãn cười đắc ý nói:
- Từ
đó ông bà chủ xem trọng món bảo vật vô song này, bèn đem dựng nó ngay giữa gian
xưởng, lập hương án thờ phụng, xem nó như là “trấn nghiệp chi bảo” giúp cho cơ
nghiệp ngày càng thịnh phát, thậm chí còn lập bài vị kính phụng quan Tổng đốc
nhà Minh xem như cha mẹ tái sinh vậy. Tiếng lành đồn xa, ai cũng biết lão tử
nhà ta được quan quyền các nước xem trọng, danh bất hư truyền, việc làm ăn ngày
một khấm khá, ngay đến quan Tể tướng triều đình Đại Việt cũng nể mặt, mời lão
chủ ông chuẩn bị đi thuyền lên Thăng Long để xem mặt hàng gốm sứ, phen này sẽ
càng phát tài… há há há…
Mạc
Đăng Dung nghe nói sẽ được lên kinh thành Thăng Long để giao dịch thì mừng lắm,
ngỏ ý muốn được đi cùng. Đặng Tập Hãn cười khinh khỉnh nói:
- Để
xem cung cách làm công của chú mày có tốt không, thái độ với người trước kẻ sau
có lễ kính không đã?
Nghe
thế lấy làm phấn khởi, từ đó ngày nào Mạc Đăng Dung cũng chăm chỉ làm việc, phụ
trách việc phân loại xếp các mẻ hàng gốm sứ đã xong công đoạn nung đốt, xếp lên
khay đóng gói cẩn thận, rồi chuyên chở đi ra thương điếm ở bến thuyền chuẩn bị
tập kết đến hải cảng để đưa sang Quảng Đông giao dịch. Công việc thật nặng nhọc
vất vả, mồ hôi chảy ướt áo, thức khuya dậy sớm, tần tảo cả ngày, chàng vẫn
không than vãn gì, nhưng khổ nỗi toàn bị Đặng Tập Hãn và bọn bà con nhà họ Đặng
giành công, thành ra tiền thưởng cứ về tay chúng, còn chàng chẳng được cắt bạc
nào, chỉ được bao cơm nước nơi ở.
Mạc
Đăng Dung ban đầu còn nhẫn nhịn, nhưng đã qua gần sáu tháng nửa năm vẫn không
thấy phát một xu tiền nào, ngay đến chuyến buôn hàng Thăng Long cũng không thấy
tin đâu, sốt ruột lo lắng, một phần vì giận không có tiền để dành dụm gửi cho
cha mẹ ở quê nhà, một phần hồi hộp vì không biết bao giờ mới lên được chốn đô hội
để mong có thời cơ đổi đời. Một hôm chàng đi đến cửa tiệm buôn định hỏi Đặng Tập
Hãn cho ra lẽ, nào ngờ đến nơi mới thấy hắn đang lét lút ăn cắp tiền hàng bỏ
vào túi riêng. Mạc Đăng Dung bèn la lên rồi bắt tại trận, đòi lôi hắn lên gặp
chú mình để xác thực quả tăng tội lấy trộm của hắn. Chẳng ngờ lúc đó Mạc Đĩnh
Quý đang mắc bạo bệnh, phu nhân Mạc Đặng Thị Thuận đứng ra phân xử, không ngờ lại
bênh vực cho người nhà, quay ngược sang trách mắng Mạc Đăng Dung là không biết
điều.
Mạc
Đăng Dung cảm thấy bị oan ức, chẳng ngờ Đặng Tập Hãn bật cười vỗ vai chàng ta
mà nói:
- Chú
mày ngu lắm, không hiểu đạo lý làm công cho chủ, ăn sén chút lộc. Chủ nhân đâu
phải không biết ta có lấy chút đỉnh tiền bạc, nhưng nếu không được chút lợi mọn
làm sao ra sức cho ông bà chủ làm ăn lấy mối, bán mạng làm giàu cho doanh hiệu.
Chú mày chỉ là cháu họ nhà chồng, không quyền bằng bọn ta là người họ vợ, gia
tài nhà chủ đều một tay dòng họ Đặng này gầy dựng giúp cho, mày chỉ là thằng họ
Mạc ất ơ từ xa đến đây làm công, lại không biết thân biết phận, có ngày rước hoạ
thiệt thân đáng đời!
Thấy Mạc
Đăng Dung làm thinh rồi bỏ đi, Đặng Tập Hãn lòng dạ tiểu nhân vẫn hiềm khích
chuyện này, muốn dạy cho Đăng Dung một bài học, bèn sai bọn anh em cầm theo gậy
chặn đường đánh Mạc Đăng Dung một trận cho bõ ghét. Chẳng ngờ Mạc Đăng Dung là
tay võ biền sức khoẻ dẻo dai, từ nhỏ đã giỏi võ công, có nội lực, cơ bản dăm mười
tên cũng không đáng là đối thủ, dù có mang gậy cũng bị Đăng Dung đánh cho gãy
nát rồi đe từng tên ra đánh cho vỡ mồm. Đặng Tập Hãn thấy Đăng Dung không sợ
còn quyết liệt đánh trả, hắn bèn nảy kế, nhớ ra sáng hôm nay Mạc Đăng Dung xếp
khay mẻ gốm có tiện tay nhét một ít bánh tiêu trong bình gốm, bèn cầm một chiếc
bình ném về phía Đăng Dung. Đăng Dung giơ tay đỡ, chiếc bình đụng vào chàng bị
vỡ tan tành, mảnh gốm cứa vào tay khiến Đăng Dung chảy máu, bánh tiêu cũng văng
ra lung tung.
Chẳng
ngờ, cảnh Đặng Tập Hãn ném gốm thì không ai thấy, nhưng cảnh Đăng Dung đánh vỡ
bình gốm thì vô tình Mạc Đĩnh Quý trông thấy. Chẳng là Đĩnh Quý bị bệnh vừa
thuyên giảm một chút nên sai người đỡ đi dạo xung quanh ngoài xưởng ngắm cây cối
cho khuây khoả, đúng lúc đi ngang qua nhìn thấy cảnh này liền hoảng hốt xông
vào gặn hỏi. Đặng Tập Hãn chạy ra nói:
- Chủ
ông xem này, thằng này nó tự tay đánh vỡ bình, những mẻ gốm này đều do nó sắp xếp,
bây giờ lại nổi điên đập phá bình gốm, chúng con nhìn thấy nên chạy tới ngăn cản
còn bị nó đánh cho nhừ tử. Chủ ông nhìn đó, trong bình vỡ còn rớt mấy miếng
bánh tiêu ra, ngày thường nó hay ăn vụng bánh rồi nhét vào trong bình gốm, nếu
lỡ có khách hàng đến đây mua gốm thấy có đồ bẩn thỉu chẳng phải sẽ làm cửa tiệm
ta mất mối lỗ vốn hay sao?
Mạc
Đĩnh Quý cầm lấy chiếc bánh tiêu rồi nhìn Mạc Đăng Dung giận dữ vứt chiếc bánh
vào mặt cháu mình hét lên:
- Bộ
mi đói lắm hay sao hả?
Bất ngờ
vì cơn nóng giận trỗi lên, tim đập máu nóng nhanh làm cho lão gia họ Mạc choáng
váng xây xẩm, tay chân lảo đảo, may là có đứa hầu tớ đỡ lấy rồi vội kêu:
- Lão
chủ ông mệt rồi, thôi phải vào nằm nghỉ đi!
Mạc
Đĩnh Quý chỉ tay ra hiệu cho Đặng Tập Hãn nói:
- Mi ở
lại đây xử trí thằng bất tiếu này cho dượng, dượng đau đầu chóng mặt quá!
Đặng Tập
Hãn khom mình chạy đến vuốt ve nịnh nọt, ra chiều quan tâm đến Mạc Đĩnh Quý rồi
xin ông chủ vào nghỉ. Kế đó quay sang trách tội Đăng Dung làm ảnh hưởng xấu đến
sức khoẻ của lão chủ ông. Trùng hợp khi đó, phu nhân Mạc Đặng Thị Thuận cũng xuất
hiện, khi biết được chuyện, mụ hăng máu tức giận lệnh cho Đặng Tập Hãn và những
tên du côn bảo vệ công xưởng đè Mạc Đăng Dung xuống, bản thân mụ thì xông vào
tát cho chàng mấy cái nảy đom đóm lửa rồi gằn giọng:
- Mày
đúng là thằng ăn hại, đã bao cho mày nơi ăn chốn ở, cho làm việc công, không dè
mày chỉ vì tức giận ganh hiềm với con cháu tao mà đánh vỡ gốm, lại còn hành
hung đánh người, thật không biết lễ phép trên dưới, phải đánh… đánh nó một trận
nát xương cho bà ngay…
Cả bọn
cầm côn cầm trượng thi nhau đánh giáp lá cà, khiến Đăng Dung dù khoẻ mạnh như
trời cũng chịu không nổi, không lấn át được uy phong của hổ bà nên chỉ đành bất
lực chịu trận, máu mũi máu mồm chảy ra như tắm, sau đó đành phải quỳ mọp van
xin bà Mạc Đặng thị tha tội. Mạc Đặng thị cất tiếng cười hô hố rất đáng ghét, rồi
nói rằng:
- Muốn
ta tha cho thì mày phải cúi đầu đi bốn chân rồi luồng qua háng bà mà đi hiểu
chưa? Chịu thì bà tha, không thì ốm nhừ đòn con nhé.
Bọn du
côn đứng đó đứa nào đứa nấy cũng vỗ tay hô, bắt Đăng Dung phải chịu nhục chui
háng đàn bà. Đặng Tập Hãn vỗ tay cười sặc sụa nói:
- Chui
háng đi, chui đi nào… ngày xưa Hàn Tín (韓信) chui
háng gã mãng phu ngoài chợ, sau này làm nên nghiệp vương hầu đó thôi. Hôm nay
mày được ơn huệ chui háng bà chủ, không chừng tương lai sẽ được làm Ngọc Hoàng
Đại Đế (玉皇大帝) đó.
Mạc
Đăng Dung còn chưa kịp phản ứng, đã bị Đặng Tập Hãn dí đầu xuống đất luồn qua
háng của Mạc Đặng thị, bà ta xắn váy lên rồi bước ngang qua đầu đứa cháu nhà chồng
mình. Cả đời thanh niên của chàng coi trọng sĩ diện bản thân, chưa bao giờ chịu
nhục lớn đến như vậy, bất giác thống hận thấu tim, ngất lịm luôn tại chỗ. Mạc Đặng
thị cười sằng sặc vuốt lên đầu chàng rồi bảo:
-
Ngoan nhé, mày chui từ háng bà ra, xem như cũng là con lọt lòng từ váy mẹ, sau
này chúng bây phải tử tế với nó một chút nhé!
Xong rồi
tự mãn quay người bỏ đi. Đến khi tỉnh dậy, Mạc Đăng Dung như người mất thần mất
trí, suốt ngày ngây ngây ngẩn ngẩn, trong lòng ấm ức chuyện nhục nhã đó không
sao nguôi được, không còn thể hiện linh hoạt tháo vát như lúc trước. Mạc Đĩnh
Quý nghe nói cháu mình bị vợ hạ nhục chui háng, cũng lấy làm bất nhẫn, vốn ông
chỉ định la rầy mấy câu, không ngờ lại bị lăng nhục hành hạ nặng đến vậy, nên
cũng ra ý an ủi, dặn bọn người làm không được ăn hiếp cháu mình. Một hôm vào
lúc chiều, Đĩnh Quý đi dạo trong lúc xưởng đã làm việc xong, nhưng vẫn còn thấy
Đăng Dung xếp gốm trong kho, vừa làm vừa hát lẩm bẩm, ông dừng lại lắng tai
nghe:
“Ký
nhi mục khách viết:
Tử phi
ái liên chi quân tử gia!
Ngã hữu
dị chủng, tàng chi tụ gian.
Phi
đào lý chi thô tục, phi mai trúc chi cô hàn.
Phi
tăng phòng chi cẩu kỷ, phi Lạc thổ chi mẫu đan.
Phi
Đào lệnh đông ly chi cúc, phi Linh quân cửu uyển chi lan.
Nãi
Thái Hoa san đầu ngọc tỉnh chi liên”.[3]
Dịch
nghĩa:
Đoạn rồi,
trông khách mà rằng:
Anh
cũng là người quân tử ưa hoa sen đó chăng?
Ta có
giống lạ trong ống áo này.
Chẳng
phải như đào trần lý tục; chẳng phải như trúc cỗi mai gầy.
Câu kỷ
phòng tăng khó sánh; mẫu đơn đất Lạc nào tầy.
Giậu
Đào Lệnh cúc sao ví được; vườn Linh Quân lan khó sánh thay!
Ấy là
giống sen giếng ngọc ở đầu núi Thái hoa đây.
Mạc
Đĩnh Quý nghe ra bài hát có vẻ rất hay, lại toàn là âm Hán, không giống với những
bài vè dân gian của đám trẻ con hát, bèn tằng hắng bước vào rồi hỏi thăm Đăng
Dung, đoạn lại hỏi Dung hát bài gì. Mạc Đăng Dung đáp:
- Đó
là một đoạn trong bài thơ “Ngọc tỉnh liên phú” của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc
Đĩnh Chi thời Trần triều.
Mạc
Đĩnh Quý nghe vậy thì ngạc nhiên hỏi đó là ai, Mạc Đăng Dung bèn đem sự tích
gia phả ra kể lại một lượt cho ông nghe, khi đã tường mọi việc, Đĩnh Quý mới
xúc động nghẹn ngào:
- Lúc nhỏ ta tuy có cha mẹ nhưng sống xa nghiêm đường,
phải nhờ người họ hàng bên ngoại nuôi dưỡng, về sau được gả cho nhà họ Đặng, suốt
ngày chỉ biết làm ăn buôn bán, chưa hề được học qua thi thư lễ nghĩa (詩書禮義). Không ngờ họ Mạc ta cũng là tông tộc danh giá, tổ
tiên cũng từng là Trạng nguyên tiền triều, tài năng học vấn làm vẻ vang con
cháu đến vậy. Nếu không nhờ cháu kể rõ nguồn tích, chú cũng không ngờ được, thật
sự trong lòng cảm thấy vừa tự hào vừa khoan khoái! Sướng lắm a!
Nói đoạn, Mạc Đĩnh Quý bèn hỏi cháu mình có từng đi học
chưa, nghe Đăng Dung kể rằng thuở nhỏ nhà nghèo nhưng có đi học lỏm thầy đồ dạy
trẻ ở trường tư thục tại làng, tuy có học nhưng không phải văn tài xuất chúng,
chỉ là từng thụ giáo với một sư phụ người Bắc khách (北客) rất giỏi võ
công. Mạc Đĩnh Quý nghe nói thì bỗng động linh cơ, nói rằng mình có giao hảo với
một vị quan to ở kinh thành, hy vọng trong chuyến đi buôn lên kinh có thể gặp
ngài để xin tiến cử Đăng Dung làm một chân gia nhân hoặc hộ vệ cho quan. Đăng
Dung mừng rỡ hỏi chú mình cao danh đại tính của vị quan nọ, Mạc Đĩnh Quý nói:
- Ta cũng chỉ mới gặp vị đó qua bức màn sa trong phủ đệ,
chưa tận mắt thấy mặt, vị quan này là hoàng thân quốc thích với hoàng thượng
đương triều, hình như là bà con thân tộc của Hoàng thái hậu, là Nghĩa quận công
Nguyễn Văn Lang (義郡公阮文郎).
Cảm thấy đây là cơ hội hoán mệnh cải vận, Mạc Đăng
Dung mừng rỡ lắm, những mong có thể thoát kiếp anh nhà quê đánh cá dân dã để kiếm
được cơm no áo ấm chốn đô hội phồn hoa, nay lại được chú mình hứa hẹn chuyện tiền
đồ, trong lòng rất đỗi sung sướng. Mạc Đĩnh Quý cũng biết cháu mình thích thú,
có dặn dò năm ngày sau sẽ đăng trình lên kinh:
- Nhưng cháu muốn đi thì phải ráng nên thân, đừng có
làm những chuyện vụng dại như lúc trước, nhét bánh vào trong bình gốm, làm vậy
sẽ mất lòng mại khách đấy.
Mạc Đăng Dung bẽn lẽn lấy tay xoa bụng nói:
- Chỉ tại cháu có tật xấu là bụng hay kêu đói, tính lại
háu ăn, đã làm chú phải phiền lòng!
Mạc Đĩnh Quý mỉm cười vỗ vai đứa cháu Đăng Dung nói:
- Nam tử tráng niên làm việc sức nặng, dĩ nhiên mau
đói, chuyện ăn uống cũng sẽ mạnh hơn người thường, chú không tiếc cơm bánh chè
nước cho cháu, nhưng từ nay phải nên thân, làm việc gì cũng phải suy trước tính
sau, đừng để bị người ta ức hiếp. Có nhiều việc chú cũng không thể tiện ra mặt
bênh vực cho cháu được đâu, phải tự bảo trọng lấy mình.
Đăng Dung cúi đầu xá chào chú rồi lại lặng lẽ tiếp tục
xếp hàng phẩm. Trong lòng chàng trở nên vui vẻ lạ thường, đếm ngược ngày để chờ
có dịp đi cùng chú lên kinh cho biết.
Đúng năm ngày sau, quả nhiên Đăng Dung có trong danh mục
nhân sự lên thuyền để phụ việc xếp hàng gốm lên kinh để giao dịch, nhưng khi vừa
vui sướng lên thuyền, Đăng Dung đã chạm trán ngay bọn Đặng Tập Hãn. Chàng thắc
mắc hỏi hắn tại sao lại có trên thuyền, Tập Hãn đắc ý cười nói:
- Bà chủ nói việc lên kinh mua bán giao dịch với các
công hầu quyền quý có thể giao lại cho ta đảm trách, còn lão chủ ông đã có việc
hôm nay phải tiếp tân khách đến từ Phúc Kiến, không rảnh để chủ trì chuyến buôn
này, nên đã uỷ quyền cho ta. Ngươi có ý kiến gì sao?
Đăng Dung nghe vậy thì chau mày ra vẻ khó chịu, nhưng
cũng không dám hó hé tiếng gì, đành nhịn nhục đi cùng kẻ tiểu nhân này thượng
kinh. Chẳng ngờ Đặng Tập Hãn và bọn anh em với hắn rất ghét Đăng Dung, lòng dạ
hẹp hòi, chúng kháo nhau rằng lần trước cũng vì Đăng Dung mà suýt lộ chuyện đục
khoét trương mục tiền xâu của ông chủ, lần này sợ Đăng Dung lại phát giác ra
thói gian, nên muốn tìm cách nhổ cái gai này đi. Nhân khi thuyền buôn khởi hành
được nửa ngày, đi đến một đoạn, Đặng Tập Hãn giở tấm màn lát gỗ trên thuyền hỏi
vọng xuống người chèo thuyền:
- Đã đến đâu rồi?
- Thưa cậu, thuyền cập huyện Tiên Minh (先明縣) rồi.
Đặng Tập Hãn bèn cho neo thuyền lại, rồi rủ cả bọn xuống
thuyền bảo là vào tửu quán để tối nay chè chén một bữa thật no nê, trong số đó
có Mạc Đăng Dung. Đăng Dung chưa hiểu chuyện ra sao thì Đặng Tập Hãn giải thích
rằng muốn mượn tiệc rượu để xoá hiềm khích cũ. Đăng Dung thật thà tin đó là thật,
cũng muốn có cuộc vui để làm tên tiểu nhân này hài lòng, sợ rằng đắc tội với
người sẽ không có hậu vận tốt. Nào ngờ đêm đó quả nhiên chè chén nhậu nhẹt thật
say bí tỉ, giữa lúc cuộc vui đang lên cao trào, từ ngoài cửa sổ đã có giọng nói
đon đả của một người đàn bà ăn mặc trông rất cởi mở, ra chiều dâm đãng, tuy trạc
trung niên nhưng hãy còn đẫy đà lắm, bà ta bước vào tự xưng là Hổ bà (虔婆) chủ của nhà thổ Liễu Mai Diêu (柳梅窯). Hổ bà lại dẫn theo một người đàn ông tự xưng là Quy
công (龜公), nói rằng được Đặng Tập Hãn mời đến để hầu rượu và
đánh đàn sáo góp vui. Mạc Đăng Dung cũng không suy nghĩ nhiều, chỉ nâng chén cạn
ly với Đặng Tập Hãn, buông những lời hào sảng xin được coi nhau như huynh đệ,
xoá bỏ cựu hiềm. Đặng Tập Hãn giả vờ vui vẻ đáp lại, rồi cho đến khi Đăng Dung
ngã lăn ra thiếp đi trong men rượu thì không còn biết gì nữa.
Đến khi tỉnh dậy, chàng thấy mình bị trói khắp toàn
thân, nằm trong một chiếc giường, đã vậy còn loả lồ không mặc gì, muôn phần xấu
hổ, không biết ất giáp gì cả, vùng vẫy cố thoát ra mà không được, miệng lầm bầm
kêu khổ không biết là chuyện gì. Một lát sau thấy một gã đàn ông trông tướng mạo
gian xảo xấu xí bước vào, đó chính là Quy công đi cùng với mụ vợ hôm qua đến
chuốc rượu gảy đàn sáo mua vui cho các anh em. Quy công cười khề khà nói:
- Được món hàng ngon này, nhà thổ ta sẽ càng phát đạt!
Xưa nay người ta nói đàn bà hai phủ Nam Sách và Bình Giang vốn tiếng trăng hoa
lẳng lơ, đều ham thú trai xinh có thú chơi kỳ xảo, vậy mà để ta ưng bụng thằng
nhãi này, tướng tá cao to vạm vỡ, da lại ngăm đen bóng như đèn dầu, nhìn “con
gà trống” cũng rất chi là của quý… ha ha ha…
Mạc Đăng Dung nghe những lời bỉ ổi thô thiển thì không
nhịn được vội la lên:
- Này lão già kia, ngươi nói những lời vớ vẩn gì đó, tại
sao dám bắt trói ta trên giường thế này? Mau thả ta ra?
- Thả mi ư? – Quy công bật cười háy mắt nói:
- Thả mi thì ta lỗ vốn chết. Hôm qua Đặng thiếu gia gạ
bán mi cho ta, ta quan sát mi thì rất ưng bụng, sẵn sàng đưa mấy trăm quan tiền.
Từ nay mi phải ở lại nhà thổ này phục vụ hái ra tiền cho ta đấy, biết chưa nhãi
ranh.
Mạc Đăng Dung nghe thế thì vừa kinh ngạc vừa giận dữ
hét lên:
- Cái gì? Hắn… tên khốn kiếp đó dám chuốc say rồi bán
bằng hữu cho người ta ư? Hắn ở đâu rồi? Đặng Tập Hãn… hắn đi đâu rồi?
Quy công bật cười khằng khặc nói:
- Hắn sao? Đã đi từ lâu rồi, có khi đã sang phủ huyện
khác, không còn ở đây đâu. Từ nay mi phải ngoan ngoãn hầu hạ ở đây, an phận làm
đứa Quy nô (龜奴) phục tạp dịch trong nhà thổ này. Khi nào có mệnh phụ
hay cô nương nhà giàu có đến đây hưởng lạc thì đưa ngươi ra tiếp khách, làm Tượng
cô (象姑) cho bà chủ ta.
- Tượng cô nghĩa là gì? – Mạc Đăng Dung nhíu mày ngạc
nhiên.
- Nghĩa là đĩ đực, hiểu chưa? Đem thân tu mi nam tử của
mi ra mà mê hoặc đàn bà lẫn đàn ông, cho chúng thoả mãn dâm tình, bán dâm mua
tình cho chúng tao, rõ phỏng? – Quy công ghé vào sát tai Đăng Dung, cất tiếng
nhỏ nhẹ nhưng đầy gai góc.
Mạc Đăng Dung nghe xong thì điếng hồn, từ một nam tử
hán ở làng chài yên ả, bỗng nhiên tưởng đổi vận thế nào, hoá ra lại bị bán vào
nhà chứa để làm tướng công chàng điếm. Bất giác trong đầu chàng chỉ còn biết hồi
tưởng hình ảnh của hai đứa tiện nhân Đặng Thị Thuận và Đặng Tập Hãn, máu căm hận
sôi sục ngút trời.
*
Chẳng bao lâu sau, trên cung đường ngõ phố ở Thăng
Long giăng đèn kết hoa, có hàng người đi trước thổi kèn đánh trống inh ỏi,
thông báo rằng:
- Nay triều đình mở khoa thi vũ, đã tuyển được Vũ trạng
nguyên. Thánh thượng xuống chỉ, cho phép Vũ trạng được cưỡi ngựa dạo chơi kinh
thành ba ngày, sau đó hồi hương tế tổ bảy ngày, hết kỳ hạn thì lai kinh để bổ
chức.
Dân chúng trong kinh kỳ đổ nhau ra xem, trước nay chỉ
thấy cưỡi ngựa đề danh Văn trạng nguyên, lâu lắm rồi mới thấy có vinh hiển Vũ
trạng nguyên, khiến bàng dân đều hiếu kỳ. Bấy giờ, trong đám đông có một nữ
nhân đội mũ phủ mạng che mặt đang đứng lặng lẽ nhìn đoàn người ngựa chiêng trống
kèn sáo vang trời. Dù đã che mặt, nhưng ánh mắt tinh anh của nàng tia quang chớp
nháy, trông bội phần sắc sảo, nàng quay sang hỏi một người đàn ông trông đứng
tuổi:
- Này bác ơi, Vũ trạng nguyên kỳ khoa này là ai vậy?
Người đàn ông kia vuốt râu nói:
- Lão xem trên bảng vàng nêu tên, thấy đề người đó ở
Cao Đôi (高堆), Bình Hà (平河), họ Mạc, tên
Đăng Dung.
Nữ nhân kia nghe thấy tựa hồ hớn hở, vội ngước nhìn
lên, quả nhiên thấy trang nam tử tuấn tú cưỡi ngựa vinh hiển đang chắp tay chào
lê dân trăm họ kia, đúng là người trong mộng. Nữ nhân này là ai? Tại sao Mạc
Đăng Dung trước đó đang bị rơi vào chốn nhà thổ bắt làm Tượng cô, bây giờ lại gặp
hội long vân trúng tuyển làm Vũ trạng nguyên? Có điều uẩn khúc về việc này, hãy
chờ qua phần sau đây sẽ hạ hồi phân giải.
Tác giả: Cự Lang (Nguyễn Thành Sang)
[1] Hán tự: 架水晶兮為宮,鑿琉璃兮為戶。碎玻璃兮為泥,洒明珠兮為露,香馥郁兮層霄,帝聞風兮女慕。桂子冷兮無香,素娥紛兮女妒。採瑤草兮芳州,望美人兮湘浦。蹇何為兮中流,盍將返兮故宇。豈護落兮無容,嘆嬋娟兮多誤。苟予柄之不阿,果何傷兮風雨。恐芳紅兮搖落,美人來兮歲暮。Dịch nghĩa:
“Thuỷ tinh gác để làm cung
Cửa ngoài lóng lánh bao
vòng lưu li
Bùn thời tán bột pha lê,
Hạt trai làm móc dầm dề tưới cây,
Mùi hương thơm ngát tầng mây,
Ngọc hoàng nghe cũng rủ đầy tình thương.
Lạnh lùng hạt quế không hương,
Tố Nga lại nổi ghen tuông tơi bời.
Bãi sông hái cỏ dạo chơi,
Bến Tương luống những trông vời Tương phi,
Giữa dòng lơ lửng làm chi,
Nhà xưa sao chẳng về đi cho rồi.
Há rằng trống rỗng bất tài
Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay.
Nếu ta giữ mực thẳng ngay.
Mưa sa gió táp xem nay cũng thường
Sợ khi lạt thắm phai hương.
Mỹ nhân đến lúc muộn màng hết xuân”.
Đây là một đoạn khúc nằm trong bài thơ “Ngọc tỉnh liên phú” (Hoa sen trong giếng ngọc) của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đời Trần.
[2] Chỉ Hồ Quý Ly.
[3] Hán tự: 既而目客曰:子非愛蓮之君子耶!我有異種,藏之袖間。非桃李之粗俗,非梅竹之孤寒。非僧房之枸杞,非洛土之牡丹。非陶令東籬之菊,非靈均九畹之蘭。乃泰華山頭玉井之蓮。
Nhận xét
Đăng nhận xét