Chuyển đến nội dung chính

11. ĐOÀN DOANH KIM ĐIỀN: HÀNH ĐỘNG TỰ VỆ BẤT ĐẮC DĨ (THIÊN QUỐC NÀY KHÔNG THÁI BÌNH)



Sau khi Hồng Tú Toàn đến Quảng Đông lần thứ ba, Bái Thượng Đế giáo nhiều nơi càng phát triển mạnh mẽ lên. Khởi đầu Hồng Tú Toàn ra lệnh giáo đồ các nơi nhóm tụ lại ở từng thôn xóm, đây là hành vi tự vệ và tự cứu mình đối với sự bách hại của đoàn luyện các hương, như đối phó với bọn Vương Tác Tân. Đối lập với thế lực ở nông thôn này, quan phủ thường không can dự vào quá chi. Cho nên quan binh lùng bắt bọn phỉ cũng không can cớ vào giáo đồ, cũng không quá hoài nghi hoạt động tôn giáo của giáo đồ Bái Thượng Đế giáo. Cho dù Bái Thượng Đế giáo lúc này đã trở thành tà giáo vừa có tín ngưỡng, vừa có tổ chức, thậm chí là có mục đích chính trị.[1]
Nhưng kéo theo tình hình phát triển lực lượng Bái Thượng Đế giáo không ngừng lớn mạnh, Quảng Tây trong buổi loạn bấy giờ trở thành sức mạnh che chở mà những kẻ không nơi nương tựa khắp nơi tìm đến dựa dẫm. Sau năm 1847, người ở các nơi đồ về tham gia liên tục, họ không những đến từ các làng xóm gặp nạn mà còn là hội đảng, già trẻ gái trai bị quan binh nhà Thanh đánh tan đem cả nhà hoặc cả họ gia nhập Bái Thượng Đế hội. Trong đó đương nhiên cũng có hương thân địa chủ yếu thế trong cuộc chiến tranh giành thế lực ở địa phương, họ cũng xem Bái Thượng Đế giáo là chỗ dựa giống như Vi Xương Huy đã kể qua. Người đời sau đánh giá giai cấp địa chủ trà trộn vào hàng ngũ cách mạng, đó là những người đánh giá đơn thuần bằng chủ thuyết giai cấp. Trên thực tế, mục tiêu của đám Hồng Tú Toàn cũng không quá rõ ràng chứ đừng nói gì tới mục tiêu cách mạng. Nhằm phát triển bản thân lớn mạnh, chỉ cần ai chịu tín ngưỡng Thượng đế thì có thể gia nhập Bái Thượng Đế giáo, còn họ tín ngưỡng thật hay giả khó mà bàn.
Hình thành cục diện này rồi cũng khiến mâu thuẫn của Bái Thượng Đế giáo với đoàn luyện nâng đến mức không thể tránh khỏi. Phát triển tới sau này xuất hiện “hai lằn đối chọi,” “mỗi bên gióng cờ” giữa giáo đồ với đoàn luyện, người Bái Thượng Đế giáo theo phe với người Bái Thượng Đế giáo, đoàn luyện theo phe với đoàn luyện, hơn nữa mỗi bên đều hăm hở muốn tranh nhau thể hiện anh hào.
Xung đột giữa Bái Thượng Đế giáo với đoàn luyện phát triển đến cực điểm vào năm 1849, do hội đảng hết đám này đến đám khác bị quân Thanh đánh tan gia nhập Bái Thượng Đế giáo cũng như bọn thổ phỉ vũ trang, lại nói những người bản địa ở Quảng Tây có truyền thống đánh trận, do vậy Bái Thượng Đế giáo lúc này đã trở thành tổ chức quân sự chuẩn, chỉ cần huấn luyện thêm là sức chiến đấu có thể khá mạnh. Mùa đông năm 1849, sáu đoàn thôn huyện Quý xảy ra xung đột vũ trang với quy mô lớn, chủ tướng bên “Bái Thượng Đế hội” là Thạch Đạt Khai và phe đối lập là địa chủ đoàn luyện vũ trang Chu Phụng Minh. Thạch Đạt Khai suất lĩnh thành viên Bái Thượng Đế hội giáng cho đoàn luyện một đòn kiên quyết. Đối với chuyện này, chính sử ghi chép không nhiều, Thiên huynh Thánh chỉ lại có thuyết minh, sau khi phe Bái Thượng Đế hội giành được thắng lợi, Thiên huynh hạ lệnh ban sư. “Thiên huynh vì mọi người đã phá hang yêu nên cho phép tạm lui về nghỉ ngơi,” tức là ra lệnh triệt quân. Vi Xương Huy phụ họa với chủ ý của Thiên huynh. Thế là Thiên huynh lệnh Vi Xương Huy sai người gọi đám Thạch Đạt Khai và Huỳnh Ngọc Tú truyền đạt chỉ thị rút lui. Cho dù Thạch Đạt Khai không muốn bãi binh như vầy nhưng cũng không thể không chấp hành mệnh lệnh của Thiên huynh. Khoảng thời gian này lại phát sinh cuộc tranh đấu vì sự kiện trâu cày của Lâm Phụng Tường. Cuộc chiến giữa Bái Thượng Đế giáo với đoàn luyện đã không thể hòa giải.
Nhằm bảo vệ lợi ích của hội chúng Bái Thượng Đế giáo, hoặc là để tránh chịu số phận bị đánh phá nên đã tập hợp hội chúng khắp nơi lại tạo thành con đường mà Bái Thượng Đế giáo không thể tránh khỏi, đây cũng là tình hình phát triển tất nhiên.
Tháng 6/1859, các lãnh tụ cấp cao của Bái Thượng Đế giáo là bọn Hồng Tú Toàn đã bàn bạc triệu tập các thủ lĩnh của Bái Thượng Đế giáo các nơi tại Kim Điền, trong hội Hồng Tú Toàn đã ban ra lệnh đoàn doanh, ban đầu gọi là “đoàn phương.” Yêu cầu các thủ lĩnh trở về lớp lớp truyền đạt lệnh đoàn doanh cho quán triệt, tập trung hội chúng ở các nơi lại gần thôn Kim Điền để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với “Thanh yêu.”
Theo Thái Bình Thiên Quốc khởi nghĩa ký ghi chép, vào lúc này Hồng Tú Toàn đã viết một bài thơ thuật chí nói rằng:
“Khí yêu gần nay khác chẳng chung,
Biết trời có ý ra anh hùng.
Cõi Hoa bị rớt vào hầm nạn,
Thượng Đế ra oai phải nổi cùng.
Minh chúa làm thơ từng vịnh cúc,
Hán hoàng bày rượu chuộng tao phong.
Xưa nay nghiệp cả người làm lấy,
Gương sáng rõ soi cả khói đòng.”
(Cận thế yêu bôn đại bất đồng,
Tri thiên hữu ý khải anh hùng.
Thần Châu bị hãm tòng nạn hãm,
Thượng Đế đương sùng tất cánh sùng.
Minh Chủ xao thi tằng vịnh cúc,
Hán Hoàng trí tửu thượng cao phong.
Cổ lai sự nghiệp do nhân tố,
Hắc vụ thu tàn nhất giám trung.)[2]
Thơ này khí thí bàng bạc, cảm thấy có trách nhiệm trời giao cho nhiệm vụ lớn phải có chí hùng cường muốn thay trời đổi đất. Nếu quả thật viết ra trước đoàn doanh thì Hồng Tú Toàn đã có ý mượn hành vi có tính tự vệ của đoàn doanh để vạch kế hoạch thay trời đổi đất của mình vậy. Tự vệ là bề ngoài, khởi nghĩa mới là thật. Như vậy kỳ thực có tính hợp lý hơn. Trước đó, Hồng Tú Toàn có khả năng đã nghĩ đến việc mặc hoàng bào, ngồi long kỷ, chẳng qua luôn bị đám người Tiêu Triều Quý cản trở bằng thánh chỉ Thiên huynh thôi. Bây giờ tư tưởng đó đã bộc lộ rành rành ra ngoài rồi.
Vào khoảng thời gian ấy, đội ngũ mà Hồng Tú Toàn phái đến huyện Hoa ở Quảng Đông để đón gia quyến cũng đã về rồi, Thái Bình Thiên Quốc khởi nghĩa ký ghi chép, tháng 5 năm Canh Tuất (1850) Hồng Tú Toàn phái người đi huyện Hoa để đón cả nhà mình. Sứ giả được phái đi chủ yếu gồm có Tần Nhật Cương, Trần Thừa Dung, Huỳnh Thất Muội. Thiên huynh Thánh chỉ thì ghi có gia thuộc Hồng Tú Toàn đi đến căn cứ địa của “Bái Thượng Đế hội,” thời gian cụ thể là ngày 20 tháng 6. Những người đi đến gồm có “ấu chúa và mẹ quân vương, vương thứ huynh Hồng Nhân Đạt, vương thứ tẩu Tiêu Nhị Muội, chính cung Lại chính hậu, Trưởng Thiên kim, Thứ Thiên kim, thứ vương Hồng Thiên Dưỡng, vương cữu Lại Quý Phương.” Đương nhiên, những người đi theo còn có gia quyến của Phùng Vân Sơn. Hồng Nhân Can là một trong ba người cốt cán sớm nhất của Bái Thượng Đế giáo thì không đi chung, ông bị cha mẹ anh em cản lại, cứ bị giam hãm trong nhà. Mặc dù không bao lâu sau cũng dẫn theo mấy mươi người theo Bái Thượng Đế giáo muốn sang Quảng Tây tham gia đoàn doanh, nhưng giữa đường họ bị quân nhà Thanh cấm cản, cuối cùng không thể đi được. Do có dính líu với cuộc khởi nghĩa Kim Điền nên Hồng Nhân Can cũng bị chính phủ nhà Thanh truy nã, không biết làm sao nên phải trốn đến Hồng Kông (Hương Cảng), và thế rồi trở thành bạn với Hàn Sơn Văn là một tín đồ Cơ-đốc giáo. Sau này, Hàn Sơn Văn đã theo lời kể chuyện của Hồng Nhân Can viết cuốn Thái Bình Thiên Quốc khởi nghĩa ký. Người nhà đi về với mình nên giải tỏa mối lo về sau trong lòng bọn Hồng Tú Toàn. Hành động khởi nghĩa cũng đã như tên lắp lên dây cung rồi.
Các thủ lĩnh của Bái Thượng Đế giáo khắp nơi tập trung tại thôn Kim Điền không thể nào không gây chú ý cho chính phủ địa phương và đám đoàn luyện, hương thân địa phương đã báo cáo tình hình cho quan huyện, tri huyện Quế Bình lúc đấy là Lý Mạnh Quần. Lý Mạnh Quần hay tin rồi không dám sơ suất, một mặt báo lên tri phủ và nha môn Án sát sứ, mặt khác thì phái binh bủa vây những người dự hội. Tiếp theo, Án sát sứ đại lý Quảng Tây đích thân dẫn theo đội ngũ chạy ra tiền tuyến hội họp với tri phủ Lưu Kế Tổ và tri huyện Lý Mạnh Quần, chia làm hai đường tiến hành hội tiễu thôn Kim Điền. Do chưa nắm rõ tình hình nên chủ lực tạm thời đóng Tân Khư cách thôn Kim Điền mấy chục dặm ngoài.
Tin tức truyền đi, Hồng Tú Toàn rất lo sợ bèn cho dời tổng bộ đến Bằng Hóa, ra lệnh cho các thủ lĩnh khác trở về sắp xếp công tác đoàn doanh, còn mình thì bí mật náu trong nhà của Hồ Dĩ Hoảng là người sống trên núi Bằng Hóa.
Đây là trận chiến đầu tiên giữa Bái Thượng Đế giáo với quân chính quy, sự thành bại vô cùng then chốt, đối với vận mạng của Bái Thượng Đế giáo thậm chí với tiền đồ của Thái Bình Thiên Quốc nay mai cũng không thể nói sao cho thỏa.
Ai sẽ lãnh đạo cuộc chiến đấu lần này đây? Vốn phải nên là Hồng Tú Toàn, ông là người danh chính ngôn thuận nhất. Vì ông vừa là lãnh tụ tối cao, xung đột giữa Bái Thượng Đế giáo với chính phủ nhà Thanh vừa mới bắt đầu, ông không có lý do gì phải chạy trốn về phía sau để ung dung tự tại được, cho dù không đích thân ra trận tiền thì cũng phải có mặt trù liệu trong doanh trướng. Hai là trong thời có súng thì làm vua cầm đầu, người nắm quyền lực thì muốn quyền lực trong tay càng vững vàng hơn. Nhìn vào bài học kinh nghiệm lịch sử, các vị vua khai quốc trong lịch sử với những lãnh tụ tạo phản có ai mà không phải là kẻ quen với mùi chinh chiến, đại đa số họ đều là nhờ quét ngang ngọn giáo cưỡi lên lưng ngựa mà đạp bằng non sông, trong buổi đầu lập nghiệp họ càng phải đích thân tham gia đại bộ phận cuộc chiến. Nếu không thể làm được điều này thì quyền lực có thể sẽ bị dịch chuyển thậm chí có nguy cơ bị tước đoạt. Trùng hợp sao chính điểm này là mấu chốt gây ra nội loạn và chia rẽ quá sớm trong Thái Bình Thiên Quốc. Đáng tiếc Hồng Tú Toàn vừa không phải là một nhà tư tưởng lỗi lạc vừa lại là một kẻ hèn nhát trong hành động. Không có tài năng quân sự là khuyết điểm chí mạng của ông ta, thậm chí trong tài năng tổ chức ông ta cũng thua xa Phùng Vân Sơn, đương nhiên, chắc ông ta chỉ là kẻ lỗi lạc về sử dụng âm mưu thôi.[3]
Bấy giờ, Dương Tú Thanh đang sinh bệnh, Phùng Vân Sơn cũng thiếu tài năng chỉ huy quân sự, mà các thủ lĩnh Bái Thượng Đế giáo còn lại mặc dù tề tựu ở Kim Điền nhưng bộ hạ của họ vẫn phân bố ở các nơi. Huống chi bản thân Kim Điền là địa bàn của Vi Xương Huy, người bên cạnh đành nghĩ đến cho ông ta chỉ huy giáo chúng. Thế là nhiệm vụ lịch sử đập tan cuộc tiễu trừ lần thứ nhất của quân Thanh đặt lên mình của Vi Xương Huy, Vi Xương Huy được nhậm chức Tổng chỉ huy phụ trách hành động quân sự lần này. Tiện nói thêm một câu, về sau này trong khoảng thời gian ấy quân Thanh cứ nghĩ thủ lĩnh của Bái Thượng Đế giáo là Vi Xương Huy, nó có quan hệ rất lớn với nhiệm vụ Tổng chỉ huy chiến dịch của Vi Xương Huy lần này.
Xét theo sự thật, Vi Xương Huy vẫn có một chút tài năng quân sự chứ không hề giống như người đời sau đánh giá ông ta không đáng một xu. Đối mặt với sự tấn công của cường địch, Vi Xương Huy không hề sợ sệt, ông tập hợp giáo đồ mấy ngàn người ở thôn Kim Điền và các vùng xung quanh lại chuẩn bị cho công việc tác chiến, đồng thời phái người đi thăm dò tin tức của quân Thanh.
Sau khi dò được tin quân Thanh đóng ở Tân Khư, Vi Xương Huy quyết định đánh ngay khi quân địch chưa kịp dừng chân vững chãi, tập kích ngay trong đêm. Binh lính Bái Thượng Đế giáo chia hai đường tiến đánh vào Tân Khư, quân Thanh hốt hoảng không kịp phòng ngừa nên bị đâm thủng phòng tuyến, nhiều người lúc đó hãy còn đang ngủ nên không kịp cầm vũ khí đã làm ma không đầu dưới ngọn đao gươm. Trong cuộc hỗn loạn hơn 3-40 người bị giết. Trận chiến kết thúc bằng thắng lợi hoàn toàn của giáo chúng. Cuộc phản vây bắt lần đầu tiên thắng lợi.
Trong trận chiến tập kích này, giáo chúng Bái Thượng Đế giáo như thần binh trời giáng, hoàn toàn ngoài dự tính của quân Thanh, khiến kẻ địch không kịp phòng thù và phản công hữu hiệu, vì vậy chưa đánh đã thua rã. Trận chiến này đã thể hiện trọn vẹn tài năng chỉ huy quân sự trác việt của Vi Xương Huy, cũng đặt vị trí cho Vi Xương Huy sau này được ngồi vào hàng “thủ lĩnh” chư vương.[4]
Lần thắng lợi này có ý nghĩa trọng đại như sự phát triển của Bái Thượng Đế giáo và cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc. Lớp lãnh đạo thượng tầng Bái Thượng Đế giáo lần đầu phát hiện thì ra quân chính quy nhà Thanh cũng yếu ra gió, không chịu nổi một đòn đánh, lật đổ nền thống trị nhà Thanh không còn là chuyện thần thoại nữa. Mà đội ngũ đã vừa được Bái Thượng Đế giáo tổ chức lại thông qua chiến đấu đã kiên định với niềm tin và quyết tâm phản kháng. Đó là cơ sở tâm lý và lý do khởi sự cho cuộc khởi nghĩa Kim Điền.[5]
Sau cuộc tập kích Tân Khư về đêm, Vi Xương Huy dẫn theo giáo chúng trở về Kim Điền, vai gánh trọng trách chỉ huy trước quân địch. Sau đó, hơn hai ngàn giáo đồ ở núi Tử Kinh cũng đi tới Kim Điền, hai nhánh đội ngũ này là đội ngũ cơ bản của đoàn doanh Kim Điền. Hai quân hội họp, nhất thời binh ngựa đã mạnh, thanh thế rất lớn. Những người Bái Thượng Đế giáo bắt đầu rèn luyện đội ngũ và hun đúc binh khí ở đó.
Lại nói về tình hình mỗi đoàn doanh của các thủ lĩnh Bái Thượng Đế giáo.
Tháng 7/1849, Thạch Đạt Khai phụng mệnh về đến Kỳ Thạch huyện Quý, truyền đạt mệnh lệnh của đoàn doanh cho giáo đồ. Giáo đồ nhao nhao hưởng ứng, họ bán hết gia sản đem theo của cải và hết mọi người trong nhà tề tựu đến Kỳ Thạch, Thạch Đạt Khai bèn đưa cả gia tộc tham gia hoạt động đoàn doanh. Trong chi đội này có một nhóm đặc thù, họ chính là thợ mỏ của huyện Quý.
Ở Long sơn huyện Quý có một nhóm thợ mỏ thất nghiệp sống quây quần với nhau, cả dải Long sơn vốn sản sinh nhiều mỏ bạc, trước thời hoàng đế Đạo Quang triều đình với chính phủ địa phương luôn tổ chức khai thác. Đến cuối đời Đạo Quang mỏ bạc đã khai thác xong. Những người thợ mỏ này nhiều đời cha ông đã lao động ở núi mỏ rồi, nghề chủ yếu là khai khoáng, bây giờ khoáng sản đã khai thác hết, chính phủ đáng lẽ nên sắp xếp cho những người này nhưng nhà Thanh hủ bại bất tài, chính phủ địa phương cũng mặc kệ những người này không màng họ sống chết ra sao. Những người thợ mỏ này bỗng dưng trở thành kẻ cơ nhỡ thất nghiệp, không biết sống ra sao, nghèo khổ quá đỗi, trong lòng tự nhiên đã có mầm mống căm hận nhà Thanh, họ thường xuyên có xung đột với quan phủ, trở thành trận địa lớp đầu phản kháng chính phủ nhà Thanh, chỉ vì không có tổ chức đủ lực cho nên chưa xảy ra đấu tranh vũ trang với quy mô lớn.
Thạch Đạt Khai là người nghĩa hiệp ưa chuyện công lý, thiếu thời đã khá có uy tín với đám thợ mỏ này, theo sự truyền bá của Bái Thượng Đế giáo ở huyện Quý nên đám thợ mỏ đa số gia nhập Bái Thượng Đế giáo dưới sự tuyên truyền của bọn Thạch Đạt Khai, trở thành một chi lực lượng cốt cán. Bọn thợ mỏ ấy thạo về đào đường hầm, chôn thuốc nổ, cho nổ phá, chi đội đó sẽ phát huy tác dụng lớn lao trong cuộc công thành chiếm đất đặc biệt là đánh phá những thành thị lớn của cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc sau này.
Ngày 20/8, Thạch Đạt Khai tụ tập hơn 4000 giáo đồ ở Kỳ Thạch phất cờ thề ước tiến quân tới Kim Điền. Đội ngũ đoàn doanh đụng độ với vòng vây cản trở của vũ trang đoàn luyện địa phương. Khi đi qua thôn Lục Hợp, lại gặp phải mấy trăm người do địa chủ cầm đầu cản đánh. Thạch Đạt Khai quyết tâm đánh tan gọng kìm này, giáng oai hùm cho kẻ địch khiếp hãi. Ông đích thân dẫn theo bọn trai tráng đánh nhau với bọn vũ trang đoàn luyện ở Ngưu Ma, phá vỡ thế kìm kẹp của kẻ thù đặt ra. Lại thừa thắng đánh vào thôn Lục Hợp tiêu diệt bọn còn lại, giành được toàn thắng trong lần phá rào này, đả thông con đường đi tới đoàn doanh Kim Điền.
Năm này Thạch Đạt Khai mới 19 tuổi, đúng là anh hùng xuất thiếu niên.
Sau khi Hồng Tú Toàn cho ra lệnh đoàn doanh, giáo đồ ở Tượng Châu liền nổi dậy hưởng ứng. Tượng Châu cũng là một trong những vùng truyền bá rộng rãi của Bái Thượng Đế giáo, giáo đồ phân bố rất đông, nguyên nhân đã nói rồi, bọn Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn từng dẫn theo giáo đồ đến Tượng Châu phá miếu Cam Vương, đã có ảnh hưởng rất lớn ở bản xứ. Người trong làng nhập hội lên tới hàng ngàn, “Nam khởi Đại Chương, Bắc đến Đại Lạc, sáu mươi bảy dặm đều là vùng hoạt động của chúng.” Thôn Thạch Trung ở Trung Bình trở thành cứ điểm lớn nhất của Bái Thượng Đế hội tại Tượng Châu.
Tháng 8, thủ lĩnh Tượng Châu là Đàm Yêu cho giết mổ vật tế, triệu tập đồ chúng ở thôn Thạch Long nơi ông ta cư trú để tế bái Thượng đế. Người trong thôn đi theo rất đông, nhưng cũng có người không chịu chạy đi báo cáo quan phủ, theo Tượng Châu loạn lược ký ghi chép, “người trong thôn huyên náo, một nửa bị ép phải theo, có người không theo chạy đến Đại Lạc báo tin cho quan ty, quan ty bèn cho lính sấn tới, Đàm Yêu cự thủ, lính không dám tới gần, nhưng đảng của hắn cũng như tụ tập, nửa đêm chạy sang núi Tử Kinh.” Khảo sát tình hình đoàn doanh của Tượng Châu có chỗ khác với huyện Quý. Một là chưa triển khai chiến đấu, giáo đồ Tượng Châu không phá thế kìm kẹp của kẻ địch, nguyên do là kẻ địch “sấn tới,” nằm ngoài dự liệu, giáo đồ các nơi vẫn chưa tập trung lại, vẫn chưa hình thành lực lượng đả kích hữu hiệu. Hai là người bị bắt phải di chuyển chạy tới núi Tử Kinh ngay trong đêm. Cho nên giáo đồ theo Đàm Yêu từ Tượng Châu chạy đến không nhiều, các giáo đồ kia đều ở trong vùng bị kẹp của quân địch, mãi đến sau khi quân Thái Bình phát động khởi nghĩa tại Kim Điền, cả vùng Vũ Tuyên và Tượng Châu vẫn có nhiều hội chúng Bái Thượng Đế hội vì bị đoàn luyện ở địa phương ngăn cản nên không thể đi tham gia. Nhằm chiêu tập nhân mã cả dải này, làm lớn mạnh lực lượng, tháng 2 năm Hàm Phong thứ nhất (1851), Hồng Tú Toàn suất quân Thái Bình đi qua Đông Hương, Vũ Tuyên hướng thẳng đến Tượng Châu, lúc này mới chiêu tập tề đủ giáo đồ cả vùng Tượng Châu.
Giáo đồ ở Lục Châu, Bác Bạch dưới sự dẫn đầu của Lại Cửu cũng đột phá vòng vây của đoàn luyện và quan binh, tiến đến dải sông Thủy Xa vào tháng 9, trên đường lục tục kết nạp giáo đồ và nông dân nghèo khổ tham gia, số lượng tăng lên đến 6,000 người. Tại sông Thủy Xa ở Uất Lâm, giáo chúng đánh bại quan tri châu Uất Lâm Cố Hài Canh và tổng đường Phúc Miên đoàn Quế Phàn Đăng, giành toàn thắng trong trận Thủy Xa giang. Để tránh bị thiệt hại không đáng, Lại Cửu quyết định theo đường thủy đến núi Tử Kinh. Các giáo đồ đi ngang qua các vùng Long Tân, Đại Dương, Hạ Loan, đến thượng tuần tháng 10 tiến vào núi Tử Kinh, sau đó đi đến đoàn doanh Kim Điền.
Tiếp nối theo, Tần Nhật Cương cũng dẫn theo hơn 2,000 người đi đến Kim Điền.
Mà lúc này, giáo đồ Bái Thượng Đế giáo ở Bình Nam lân cận với Kim Điền cũng đánh phá vòng vây của đoàn luyện và tiêu diệt bọn địa chủ vũ trang ở miền núi Bằng Hóa, Bình Nam, tập trung tới Kim Điền. Từ lúc bọn Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn lui tổng bộ về Hoa Châu, Bằng Hóa, chính họ và gia quyến đều bí mật sống trong nhà Hồ Dĩ Hoảng. Giáo đồ Bình Nam lần lượt dưới sự cầm đầu của đám Hồ Dĩ Hoảng và Mông Đắc Ân, vào mùng 13 tháng 9 tại đoàn doanh Hoa Châu, giáo đồ trong núi cũng vào hạ tuần tháng 9 kéo nhau tập trung đến Hoa Châu. Sau khi phá tan vòng vây của đoàn luyện các thôn ở miền núi Bằng Hóa, Bái Thượng Đế giáo thừa thắng phát khởi cuộc tấn kích chủ động vào khu Bằng Hóa, ngày 20 họ đốt luôn nhà của đoàn trưởng thôn Hoa Lương Trần Tông Hoài, ngày 27 sang đánh thôn La Yêm giết đoàn trưởng Đàm Triển Thành. Bọn Hồ Dĩ Hoảng và Mông Đắc Ân mất khoảng hơn một tháng đã tiêu diệt hoặc trấn áp cơ bản địa chủ vũ trang ở các nơi. Đương nhiên điều này có liên quan đến việc Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn ẩn náu ở thôn trong núi, chỉ có quét sạch địa chủ vũ trang mới có thể đảm bảo cho sự an toàn của bọn Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn. Nhưng điều này cũng đem lại áp lực lớn hơn cho phe bên Bình Nam, quân Thanh cho rằng Bình Nam là nơi chủ lực của Bái Thượng Đế giáo nên đã mang trọng binh đè tới cả vùng Thoại Châu, điều này không bao lâu sau sẽ có “trận chiến rước chúa.” Để sau hẵng kể vậy.
Sau khi đánh nhau với đoàn luyện vũ trang trong núi giành được toàn thắng, một bộ phận giáo chúng Hoa Châu do Mông Đắc Ân cầm đầu đến đoàn doanh Kim Điền thống nhất họp thành quân Thái Bình. Một bộ phận khác do Hồ Dĩ Quảng cầm đầu vẫn ở lại chỗ cũ để lo bảo vệ Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn.
Đến đây thì đoàn doanh Kim Điền cơ bản hoàn thành.



[1] Con người đất Quảng Tây mạnh mẽ như sói lang, sức chiến đấu dũng cảm, hùng cứ thiên hạ. Mới đầu quân khởi nghĩa ở Quảng Tây quả thật là vô địch, ngày thường họ đã có kinh nghiệm và rèn luyện trong chiến đấu, đáng tiếc rằng đám lãnh đạo của họ đều là một lũ không có tiền đồ.
[2] Bài thơ này là Thiên phụ thi, người ta đặt vấn đề có thể chỉ là đoán mò không chắc chắn, nhưng con người ta rất hay thay đổi lườn lẹo, Hồng Tú Toàn có thể viết “thơ hay” kia chưa hẳn là đã viết bài thơ này, chẳng ai biết có phải ông là tác giả thật sự hay không. Thật ra sau này khi Hồng Tú Toàn sang đất Việt (Lưỡng Quảng), ông ta thấm nhiễm phong tục đất Quảng nên giọng văn phương ngôn hóa, trở nên ngược lại với văn hóa chủ lưu. Huống gì phương ngôn đó khó hiểu, bên cạnh nó lại có “tính thần bí.”
[3] Tà giáo mang lại một trận tai nạn quá lớn.
[4] Thái Bình Thiên Quốc có nhiều viên tướng lĩnh có tài năng quân sự, nhưng chủ yếu là sức chiến đấu của quân đội nhà Thanh quá yếu kém.
[5] Thiệu nữ sư nữ thừa tướng nói: “Xin bẩm tâu lên tứ huynh chuyển tấu lên chủ Thiên vương ngài. Trước đây từng biếm nhẽ tất cả sách vở đều là yêu thư. Nhưng tứ thư thập tam kinh trong đó có gợi lên những điều thiên tình tính lý rất nhiều, làm sáng rõ cái lẽ tề gia trị quốc hiếu thân trung quân cũng không phải là ít. Cho nên Đông vương ngài tấu chỉ xin để lại những quyển sách còn sót lại, phàm những điều gì trong sách hợp với chính đạo trung hiếu thì lưu lại, còn những điều gần như quái gở xằng bậy thì bỏ đi. Đến ngay cả sách sử các triều như gương soi để thưởng thiện phạt ác, khơi dậy những điều ẩn kín, mở cái chí cho kẻ hiếu tử trung thần, diệt cái tâm của bè loạn thần tặc tử, khen và trừng rõ ràng, rất có liên quan với nhân tâm thế đạo. Lại nữa, từ sau khi Trẫm (chỉ Thượng đế) tạo thành trời đất, bậc trung lương tuấn kiệt đã được phái xuống đều có thể đảm lấy cương thường, chẳng thuần là yêu, cho nên tên được chép trong sách thẻ không mục nát cùng với cỏ cây, há có thể đem sách hủy bỏ làm cho nó tan tành không truyền tỏ? Nay lại sai chủ Thiên vương ngài hạ phàm trị thế, đại chỉnh cương thường, tru tà lưu chính, chính là mối sầu cho hiệu mệnh của anh hùng. Người được chân trung đội trời cũng là mưu muốn danh truyền rải suốt vạn cổ, để lại cho người sau noi theo. Thế thì chúng tiểu sẽ tỏ tường ý của Thiên phụ.”

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi thứ 1 (Nam Bắc triều Đại chiến Diễn nghĩa)

  b õ a   NAM–B Ắ C TRI Ề U ĐẠ I CHI Ế N DI Ễ N NGH Ĩ A Romance of Northern and Southern dynasties 南北朝大戰演義     Tác gi ả CỰ LANG (NGUY Ễ N TH À NH SANG) H ồ i th ứ 1: Cảnh hàn vi, cô mợ khinh bỉ Thi võ tr ạ ng, anh hùng long vân Có bài th ơ r ằ ng: Cu ồ n cu ộ n C ấ m Giang đ ông ra bi ể n, H ả i D ươ ng long khí thu ỷ phong li ề n. R ồ i đ ây thiên h ạ ba đ ào n ổ i, Th ế s ự bi ế t ai m ớ i thánh hi ề n? Tương truyền từ cổ đại, bên nước Tàu ( 匿艚 ) có tam đại Hạ ( 夏 ), Thương ( 商 ), Chu ( 周 ). Tổ của nhà Chu là Văn Vương Cơ Xương ( 文王姬昌 ) có một trăm con, trong số đó có người con thứ tên là Cơ Chấn Đạc ( 姬振鐸 ) sau này được phong làm bá tước ( 伯爵 ) ở nước Tào ( 曹國 ), truyền hai mươi sáu đời đến Tào bá Dương ( 曹伯陽 ) thì bị diệt quốc, có người hậu duệ là Cơ Chất Khiết ( 姬騭絜 ) ở lại làm dân của nước Tống ( 宋國 ). Nước Tống sau này bị nước Tề ( 齊國 ) diệt vong, dòng dõi Cơ Chất Khiết lại trở thành dân nước Tề. Nước Tề cuối cùng bị n

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ”

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ” [1] Tác giả: JAMES P. MCDERMO. Dịch Việt: Nguyễn Thành Sang. Nguyên tác: “The Kathāvatthu Niyāma Debates,” trích Chuyên san Hiệp hội Phật học Quốc tế (The Journal of the International Association of Buddhist Studies), tập 12, năm 1989, số 1. Một loạt những biện luận về các điều được phiên dịch nhiều kiểu khác nhau là “đảm bảo” (assurance), “tính cố định” (fixity), “định số” (destiny), và “xác định” (certitude; Pāḷi: niyāma , tham khảo thêm về niyata ) được phân bố rộng rãi thông qua Luận Sự phẩm loại luận ( Kathāvatthuppakaraṇa ). [2] Những cuộc luận chiến này chủ yếu được quan tâm với những hàm nghĩa của sự tiến nhập giải thoát đạo. Theo Luận Sự phẩm loại luận Nghĩa sớ ( Kathāvatthuppakaraṇa Aṭṭhakathā ), những giáo đồ bộ phái phân phụ của Án-đạt-la bộ ( Andhaka ) là Tây Sơn Trụ bộ ( Aparaseliya ) với Đông Sơn Trụ bộ ( Pubbaseliya ), và Bắc Đạo bộ ( Uttarāpathaka ), cũng như giáo đồ Thượng Tọa bộ ( The

CÁC CHÍNH QUYỀN QUY TỤ BÍ MẬT BỊ NHÀ NƯỚC TRUNG CỘNG GẮN NHÃN “PHẢN ĐỘNG” VÀ THỦ TIÊU (Kỳ 1)

Các chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t v ớ i mong mu ố n xây d ự ng chính quy ề n c ủ a h ọ , vô tình hay h ữ u ý vì ra đờ i trong th ờ i đạ i có chính ph ủ C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa hình thành nên đ ã b ị quy k ế t là nh ữ ng l ự c l ượ ng “ph ả n độ ng” và b ị nhà n ướ c Trung C ộ ng ra s ứ c đ à n á p. Nh ữ ng th ự c th ể chính quy ề n này đ ã ho ạ t độ ng trong lãnh th ổ c ủ a C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa, sau đ ó đ ã b ị chính ph ủ các c ấ p, c ơ quan t ư ph á p v à qu â n độ i Trung C ộ ng th ẳ ng tay tiêu di ệ t. Chúng ta hãy cùng tìm hi ể u v ề quá trình hình thành và b ị di ệ t c ủ a các chính quy ề n này. Giai đ o ạ n tr ướ c n ă m 1960 1. Th ượ ng Minh qu ố c ( 尚明國 ) Th ờ i gian t ồ n t ạ i: 1937–1951 (14 n ă m) Hoàng đế : L ư u Kim Lan ( 劉金蘭 ) Niên hi ệ u: Th ượ ng Minh ( 尚明 ) Th ủ đ ô d ự đị nh: Trung Kinh (t ứ c B ắ c Kinh) C ă n c ứ đị a: huy ệ n Oa D ươ ng, t ỉ nh An Huy Th ượ ng Minh Qu ố c là chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t do th