13. ĐÔNG HƯƠNG XƯNG VƯƠNG: SỰ THỐI NÁT CỦA HỒNG TÚ TOÀN VÀ SỰ LỚN MẠNH CỦA QUÂN THÁI BÌNH (THIÊN QUỐC NÀY KHÔNG THÁI BÌNH)
Chương
13. ĐÔNG HƯƠNG XƯNG VƯƠNG:
SỰ THỐI NÁT CỦA HỒNG TÚ TOÀN VÀ SỰ LỚN MẠNH CỦA QUÂN THÁI BÌNH
Tú Toàn nạp phi:
Ngay đêm Thái Bình Thiên Quốc vừa thành lập, quân Thái Bình
dưới sự cầm đầu của Vi Xương Huy đã đánh chiếm 13 thôn trấn trong một đêm với
sĩ khí hăng hái, chiếm lĩnh gò Giang Khẩu bến đỗ lớn thủy lục ven sông Tầm
Giang. Gò này là nơi sở tại của ty Tuần kiểm Giang Khẩu, chẹn ở thượng hạ du
sông Tầm Giang, tiến có thể công, lùi có thể thủ, thật là nơi yếu địa chiến lược.
Theo Thái Bình Thiên Quốc khởi nghĩa ký,
gò này có nước sông rộng bao quanh, dựa vào thiên nhiên phòng ngự, không lo sự
tấn công bất ngờ. Quân Thái Bình giết phá quan binh của ty Tuần kiểm liền lợi dụng
công sự phòng ngự có cấu tạo địa hình lợi thế này, bố trí phòng thủ để chặn bước
tấn công của quân Thanh.
Hồng Tú Toàn cũng dời sang đóng ở thôn Thạch Đầu Cước cách
gò Giang Khẩu 3 dặm, cả gia đình hương thân Trần Hiệu Lương trong thôn đã bỏ trốn,
để lại một ngôi nhà to có trăm gian phòng được xây dựng tuyệt đẹp, giàu sang đường
bệ, nó đáng để tạm làm “cung điện” cho Hồng Tú Toàn.
Hồng Tú Toàn hạ lệnh cho quân Thái Bình nghỉ ngơi ở đây và
huấn luyện quân mã, đồng thời đặt ra chế độ lễ nghi, những chế độ này về sau được
phát triển và hoàn thiện liên tục, hình thành chế độ đẳng cấp nghiêm ngặt, như
ăn mặc, ra đường, đám cưới v.v… đều có quy định rõ ràng. Xin giới thiệu trước
vài khoản ở đây.
Đặt chức Chưởng triều nghi lo việc hướng dẫn lễ nghi cho
văn võ bá quan thượng triều để chầu Thiên vương.
Hồng Tú Toàn và các chủ tướng đều đặt vệ đội riêng, quân ở
bên cạnh Hồng Tú Toàn là Ngự tiền thị vệ, do Chưởng triều nghi kiêm Ngự tiền thị
vệ lãnh ban Mông Đắc Ân trung thành thật thà, ngoài ra còn có Tần Nhật Cương và
Trần Thừa Dung cầm đầu quân Ngự lâm bảo vệ đại doanh. Các chủ tướng khác thì đặt
thân binh vệ đội.
Trong cung đặt ngự y, do quốc cữu Lại Hán Anh rành chút y
thuật đảm nhiệm.
Tuyển phi nạp mỹ nhân cho Hồng Tú Toàn và các chủ tướng: vốn
ban đầu, Hồng Tú Toàn đã có bà vợ đầu là Lại thị, sinh ra một trai một gái,
nhưng nghe đồn trên trời cao còn có một người vợ cũng đã sinh một con trai khoảng
12-13 tuổi, Tiêu Triều Quý đã từng mượn “thiên huynh” hạ phàm đem người vợ này
qua cho Hồng Tú Toàn xem, việc này được ghi lại trong Thiên huynh Thánh chỉ. Cho nên Hồng Tú Toàn gọi người vợ trên trời
này là Chính nguyệt cung, Lại thị đành lui về ngôi thứ là Hựu chính nguyệt
cung, địa vị vô hình trung thấp đi một bậc. Chuyện này từ xưa chưa hề có từ thuở
trên trời mặt đất có vợ đến giờ.
Nhưng Hồng Tú Toàn vẫn không thỏa mãn, thật ra đàn ông
thiên hạ đâu có ai biết thỏa mãn.
Là chủ của Thái Bình Thiên Quốc, đương nhiên sở hữu tất cả
trong Thái Bình Thiên Quốc, gồm kể cả nữ nhân.
Vừa hay nữ tử tín ngưỡng theo Bái Thượng Đế giáo rất nhiều,
trong đó không thiếu gì những cô trẻ tuổi xinh đẹp.
Lại nói, Hồng Tú Toàn là “chân chủ,” ai mà không chịu hầu
cho bậc “chân chủ” chứ, thế là người người kháo nhau tranh giành lên trước.
Trong đám đàn bà xông pha tiền hô hậu ủng ấy Hồng Tú Toàn chọn ra 16 cô gộp với
Chính nguyệt cung trên trời cao và Lại thị cộng lại là 18 người, chuẩn bị để
sau này phong làm phi tử, hiện tại đều gọi chung là “nương nương,” trong đó có
Thạch Đinh Lan là chị gái của Thạch Đạt Khai, Hồ Tam Muội là em gái của Hồ Dĩ
Hoảng, cô em gái cùng họ của Dương Tú Thanh v.v… Những nữ tử này mặc dù phần
nhiều là gái quê mùa vả lại không biết chữ nhưng cũng thông minh lanh lợi, ra
dáng thùy mị, rất được Tú Toàn yêu thích.
Từ đó Hồng Tú Toàn ngày ngày sênh ca, đêm đêm làm rể say đắm
trong làng gái dịu dàng.
Đáng tiếc là những vị nương nương này đến từ dân gian, chẳng
biết điều to tát như con nhà khuê tú, đối đãi với Hồng Tú Toàn cũng không được
tôn sùng như đối với một vị hoàng đế chân chính, cứ hay cãi cọ om sòm chanh
chua thọc ngóe cứ như góp gió thành bão, khiến cho Hồng Tú Toàn ứng phó không
xuể, thậm chí làm lỡ đi nhiều đại sự của Thiên Quốc. Tình hình này cũng khiến
những người lãnh đạo khác trong Thiên Quốc bực mình, ngay đến Dương Tú Thanh và
Tiêu Triều Quý cũng liên tục lấy “Thiên phụ” “Thiên huynh” hạ phàm nhắc nhở
giáo dục mấy vị nương nương này, sau đó mọi việc mới trở nên tốt hơn.
Đây là bắt đầu cho sự thối nát của Hồng Tú Toàn. Chưa thấy
hình bóng của tiểu thiên đường đâu mà đã tuyển chọn mỹ nữ bừa bãi, sau khi đến
Vĩnh An vừa mới chiếm cứ tòa thành nhỏ này thôi, hậu cung đã lên tới 88 người rồi.
Sau này đến Thiên Kinh càng nạp phi tùy tiện hơn nữa, phi tần cung nữ khắp chốn
hậu cung lên tới mấy ngàn người, hơn hẳn cả hoàng đế Hàm Phong đương thời.
Thế lực lớn mạnh:
Gọi là Thái Bình Thiên Quốc, thật ra thần dân nam nữ lão ấu
của nó cũng chỉ có hơn 20,000 người, số binh có khả năng chiến trận không quá
vài ngàn người, địa bàn sở hữu cũng chỉ có mấy chục thôn trang quanh gần vùng
Kim Điền. Ở dải đất nhỏ hẹp như thế không những quân Thái Bình không thể giãn
tay chân gì được mà nhu yếu phẩm sinh hoạt như lương thực, cá muối… cũng không
có mà cung ứng, việc đang cần gấp là mở rộng địa bàn, tăng cường lực lượng.
Lúc này thế lực hội đảng gia nhập làm tăng cường thế lực
quân sự của quân Thái Bình.
Đầu tiên là La Đại Cương.
La Đại Cương vốn có tên là Á Vượng, người ở đô Lam Điền huyện
Yết Dương, sinh vào năm Gia Khánh nhà Thanh, sách sử nói lúc trẻ ông đã ôm chí
lớn, sau khi trưởng thành du hiệp khắp giang hồ, đi qua lại quanh dải Giao Đường,
thoắt ẩn thoắt hiện; thường cướp của giàu chia cho người nghèo, người đó hung dữ
khác thường. Năm Đạo Quang thứ 29 (1849), Lĩnh Nam xảy ra nạn đói lớn, La Đại
Cương làm thủ lĩnh “Tam Hợp hội” cầm đầu dân đói bạo động. Năm sau vì bị quan
binh truy nã, bèn cùng với quân thuyền Ba Sơn men theo Tây Giang đi lên tiến
vào Quảng Tây. Ông tham gia tổ chức “Thiên Địa hội” bí mật phản Thanh, tổ chức
tín đồ tại một dải Vĩnh An, hoạt động ở các vùng Tầm, Ngô, Vĩnh An, Lệ Phố…
đánh thành chiếm ấp, tập kích quân Thanh bất ngờ, từng đánh vào Vĩnh An song thất
bại.
Theo Thái Bình Thiên
Quốc chiến kỷ của La Đôn, Hồng Tú Toàn khởi binh ở Việt Tây (tức Quảng
Tây), cùng với Phùng, Dương, Tiêu, Vi, Thạch “sáu người cùng thề sinh tử.” Bấy
giờ thủy khấu La Đại Cương có hơn nghìn người, lúc cướp châu Vĩnh An có từng gặp
qua Hồ Dĩ Hoảng. Hồ Dĩ Hoảng khuyên ông quy thuận Tú Toàn. La Đại Cương do dự
chẳng quyết, nhằm tranh thủ nhánh lực lượng này, quân Thái Bình phái Phùng Vân
Sơn đi làm công tác thêm với La Đại Cương nữa, tỏ bày đại nghĩa để thuyết phục
La Đại Cương, bèn chấp nhận cương lĩnh lật đổ triều Thanh, khai sáng tân triều
của quân Thái Bình, đặc biệt là trong quân Thái Bình quân kỷ nghiêm minh và
giáo lý trị quân cực kỳ đáng nể; cuối cùng phục tùng nguyên tắc tổ chức lãnh đạo
tập trung thống nhất của quân Thái Bình, vào đầu năm 1851 ông dẫn theo hơn 2000
người đi từ Giang Khẩu, Quế Bình đầu nhập quân Thái Bình, được nhiệm làm quân
soái Tả nhị quân, sau trở thành lực lượng cơ bản của thủy quân.
Tiếp theo là Tô Tam Nương.
Tô Tam Nương năm sinh năm mất không rõ, là nữ tướng của
Thái Bình Thiên Quốc. Nàng vốn họ Phùng, tên là Ngọc Nương, người ở Cao Châu.
Sinh ra trong gia đình nhà nông hồi đầu năm Đạo Quang, rèn luyện thân mình giỏi
võ nghệ. Thường đến một dải Ngọc Lâm và Bắc Hải ở Quảng Tây để mưu sinh. Mười mấy
tuổi bèn gả cho thương nhân Tô Tam ở huyện Linh Sơn nên người ta gọi nàng là Tô
Tam Nương. Tô Tam Nương kinh doanh nghề vận chuyển, là thành viên của Thiên Địa
hội. Kết hôn không bao lâu, Tô Tam bị người đồng hành sát hại. Đám công nhân vận
chuyển trẻ tuổi thủ hạ của ông và thuyền phu dũng mãnh khuyên Tô Tam Nương nên
lộ diện dẫn họ đi báo thù cho Tô Tam. Tô Tam Nương dẫn theo họ đến Thiên Địa hội
cầu giúp đỡ, Thiên Địa hội rút 500 hội chúng giao cho nàng chỉ huy, không mấy
ngày đã giết nhà kẻ thù và đốt nhà tên hung thủ đó. Thế là Tô Tam Nương trở
thành “nữ phỉ” bị quan phủ truy bắt. Tô Tam Nương kể từ đó lập một nhóm đội
tinh tráng cướp của giàu cứu người nghèo, trừ kẻ mạnh nâng người yếu, giong ruổi
khắp một dải huyện Hoành, châu Khâm, núi Linh. Đội nhóm lên tới mấy ngàn người,
nàng trở thành một trong những thủ lĩnh của Thiên Địa hội. Sau khi Thái Bình
Thiên Quốc khởi nghĩa, nàng dẫn hơn 2000 người Thiên Địa hội đến Đông Hương, Vũ
Tuyên gia nhập quân Thái Bình, đi theo Hồng Tú Toàn xông pha sa trường, lập
công lao hãn mã, chức vị đến quân soái nữ quân. Trong những chiến dịch như thủ
Vĩnh An, vây Quế Lâm, đánh Trường Sa, công Vũ Hán, phá Nam Kinh… nàng đều anh
dũng thiện chiến đánh đến đâu người dạt đến đó. Ngay cả trạng nguyên đương triều
nhà Thanh, Long Khải Thụy, cũng một phen khuynh đảo, từng làm thơ phú Tô Tam Nương hành, khen nàng “Hai tay từng
qua hơn trăm trận, một súng không rơi ngàn người sau” (Lưỡng tí tằng kinh bách
dư chiến, nhất thương bất lạc thiên nhân hậu), “Cưỡi ngựa hô quân khí ngất trời”
(Trì mã hô tào ý khí hào), “Muôn ngàn cáo chuột chạy nhốn nhao” (Vạn thiên hồ
thử phân tàng đào). Có thể thấy một lớp khí khái của nàng.
Lúc ấy còn có nhóm hội đảng nhỏ và vũ trang thổ phỉ gia nhập
Thái Bình Thiên Quốc, đều là Thái Bình Thiên Quốc cải biên, bổ sung làm đội ngũ
chiến đấu nền tảng cho quân Thái Bình.
Trong đó đáng kể đến là đội ngũ của Trương Gia Tường, người
ấy từng tham gia khởi sự Thiên Địa hội ở huyện Quý, Quảng Tây, hoạt động tại
các vùng Hoành châu, Linh sơn, Khâm châu, Tân châu… và đã từng gia nhập Bái Thượng
Đế giáo, nhưng chịu không nổi thanh quy giới luật của giáo hội, lại vào cuối
năm 1849 thì phản giáo chấp nhận để quân Thanh chiêu an, được phong làm Bả tổng,
đồng thời đổi tên là Trương Quốc Lương, người này về sau luôn là một trong những
đối thủ hung hãn nhất của Thái Bình quân, theo Đề đốc Hướng Vinh từ Quảng Tây
theo đuôi quân Thái Bình đến tận Giang Tô, nhờ đánh trận dũng mãnh nên được Hướng
Vinh ỷ trọng, làm quan tới chức Tổng binh, trở thành viên quan lớn, đến năm
1860 thì bị quân của Lý Tú Thành đánh bại tại Đan Dương, khi dẫn bại binh tháo
chạy về đông thì chẳng may sa xuống nước chết đuối.
Lại có một nhánh đội ngũ cũng muốn lên bắc gia nhập quân
Thái Bình song cuối cùng thất bại. Đó là hội chúng Thiên Địa hội do Lăng Thập
Bát và Lưu Bát cầm đầu ở Quảng Đông. Do đường đi xa xôi, khi hay tin Hồng Tú
Toàn phát bố đoàn doanh truyền đến Quảng Đông đã là cuối năm Đạo Quang thứ 30,
vào năm Hàm Phong thứ 1, tức là đầu năm 1851, Lăng Thập Bát và Lưu Bát dẫn theo
hơn vạn người đi lên bắc muốn tới đoàn doanh Kim Điền. Để làm quà ra mắt cho
quân Thái Bình, bọn Lăng Thập Bát không muốn phô trương làm hão, cho nên chuyển
ý đánh vào châu thành Uất Lâm, quân thủ châu thành Uất Lâm bấy giờ rất ít, Lăng
Thập Bát cho rằng hễ đánh là được, đâu biết rằng tri phủ Cố Giai Canh cứ thành
tử thủ, không lâu sau quân viện lại đến, kết quả bọn Lăng Thập Bát và Lưu Bát
không những đánh thành không thắng ngược lại còn bị quân Thanh đánh bại lui về
Quảng Đông, khiến Thái Bình Thiên Quốc mất đi một nhánh sinh lực.
Song nhìn từ tổng thể, trong thời kỳ chuyển chiến đánh Vũ
Tuyên, Tượng Châu, Bình Nam, lực lượng quân sự của quân Thái Bình đã mạnh lên rất
nhiều, không những thế lực hội đảng các nơi tích cực gia nhập mà điều quan trọng
là gom lại giáo đồ của Bái Thượng Đế giáo, trước đó bởi sự cản trở của quan
quân và đoàn luyện địa phương, hội chúng Bái Thượng Đế giáo các nơi chưa tham
gia đoàn doanh đúng hẹn. Đồng thu hút được nhiều lực lượng mới nổi, như vị tướng
lĩnh trứ danh về sau của Thái Bình Thiên Quốc là Trần Ngọc Thành, Lý Tú Thành đều
gia nhập vào lúc này vậy.
Thiên huynh chiến yêu:
Trước đã nhắc tới, tiếp tục sau vụ Thiên phụ hạ phàm, sau
này, Thiên huynh thường hay đến các nơi hướng dẫn hội chúng, phàm mọi chuyện lớn
nhỏ của Bái Thượng Đế giáo như hành động, xung đột, tranh chấp trong đoàn doanh
thậm chí gia đình cũng không có điều gì không bởi “Thiên huynh” hạ lệnh xử lý.
Vào thời khắc then chốt của chiến tranh như thế, Thiên huynh đương nhiên sẽ
không rảnh rỗi, ông không chỉ xông pha vào chiến tranh thực tế mà còn đi trừ
yêu trong thế giới hư ảo, tức là đi đại chiến linh hồn.
Như Thiên huynh Thánh
chỉ ghi lại tình cảnh Thiên huynh hạ phàm cách Vũ Tuyên 3 dặm vào mùng 18
tháng 3 năm Tân Khai thứ 1: “Nam vương hỏi Thiên huynh rằng:
- Hiện nay yêu ma tứ xứ muốn đến xâm hại, cầu Thiên huynh
làm chủ.
Thiên huynh nói:
- Không ngại gì…
Siêu thăng giáo đạo (các quản binh tướng) chưa xong, Thiên
huynh chợt gọi Nam vương nói:
- Đem Vân trung tuyết đến.
Nam vương bèn dâng Vân trung tuyết. Thiên huynh đại chiến
yêu ma. Thiên huynh nói:
- Tả lai tả đảnh, hữu lai hữu đảnh, tùy tiện lai tùy tiện đảnh.
Lại nói:
- Cho yêu ma ngươi bay lên một phía, ngươi cũng không thể
nào thoát khỏi thiên la địa võng của trẫm đâu.
Lại nói:
- Bớ Hồng phục tinh, hảo hán nhà ngươi vẫn tới à, trẫm xem
ngươi còn giở trò gì.
Đánh xong, Thiên huynh lại gọi Nam vương nói:
- Ngày mai ngươi hãy tâu với chúa ngươi rằng thiên hạ đã
thái bình, bọn Diêm-la yêu đã bị đánh rơi xuống mười tám tầng địa ngục, không
thể tác quái được nữa… aaa…”
Nam vương chính là Phùng Vân Sơn, quân Thái Bình bấy giờ bị
quân Thanh vây khốn, cho nên Phùng Vân Sơn nói yêu ma tứ xứ muốn đến xâm hại,
thỉnh chỉ ý Thiên huynh đương nhiên cũng chính là Tiêu Triều Quý, đòi Thiên
huynh làm chủ, đánh bại quân Thanh. Có thể thấy Phùng Vân Sơn lúc này cũng đã
hoàn toàn chìm đắm vào trong ảo ảnh tinh thần tôn giáo do mình tạo ra, siêu
thăng giáo đạo là một nghi thức tôn giáo phát triển của Bái Thượng Đế giáo sau
này, tức là đem linh hồn con người siêu thăng đến cõi thiên đường ngay khi họ
còn sống. Vân trung tuyết tức là đao, Bái Thượng Đế giáo kiêng húy nhiều nhất,
như đem chữ hồn (魂) trong linh hồn vốn là
chữ vân (云) bên trái chữ quỷ (鬼) bên phải, Bái Thượng Đế giáo
sửa nó thành chữ vân ghép với chữ nhân, thật chẳng giống ai, để sau này hẵng kể
đến.
Lại còn có vụ ra trận chiến yêu nữa chứ.
Mùng 16 tháng 5 năm Tân Khai thứ 1 (1851), cảnh tượng Thiên
huynh nhập vào Bình sai Tây vương chiến yêu ở Tượng Châu là: “Thiên huynh hạ
phàm, sai Tây vương phò mã chiến yêu. Trong trận chiến này linh hồn ấy kêu lên
rằng:
- Hòa Nãi huynh à, yêu không được tác quái, hồi này phải giết
tuyệt nó đi chứ không dung tha được.
Khắc ấy bọn Vi Chính và Nam vương quỳ cầu Thiên phụ Thiên
huynh tạo chủ trương lớn, sai phát thiên binh thiên tướng phù trì Tây vương phò
mã giết tuyệt hết yêu ma. Cầu xong, lúc này Tây vương phò mã đại chiến liền ba
trận. Đánh diệt yêu xong, Tây vương phò mã linh rằng:
- Này hỡi Vi Chính, Đạt Khai, các ngươi hãy yên lòng, tên đại
yêu đầu họ Thượng đã bị đệ giết hẳn rồi, đầu và tim gan của tên Thượng yêu đầu
tiểu đệ đều đã moi ra cả. Đại chúng các người hãy nơi lòng đi…”
Tên đại yêu đầu họ Thượng này chính là quan chỉ huy Hướng
Vinh của quân Thanh có thể là cố ý đọc trại chệch âm đi thôi.
Trận thì vẫn đánh, Hướng Vinh lại càng không chết, nhưng
trong đại chiến linh hồn của Bái Thượng Đế giáo Hướng Vinh sớm đã bị giết rồi,
đó không phải là trò dối mình dối người điển hình hay sao?
Nhưng không thể phủ nhận rằng trò chơi dối mình dối người
đó quả thật đã có tác dụng cổ vũ cho sĩ khí của quân Thái Bình nhược tiểu.
Những ví dụ như thế này còn nhiều lắm.
Thử tính xem đương thời Thiên phụ cũng có nhiều lần hạ
phàm, nhưng tiếc là tư liệu đã mất mát không còn ghi chép.
Sự bố trí của quân Thanh:
Mùng 14 tháng giêng năm Đạo Quang thứ 30 (1850), vua Đạo
Quang 69 tuổi giá băng ở Thận Đức đường, Viên Minh viên. Tháng 12 trước đó, Hiếu
Hòa hoàng thái hậu giá băng. Hiếu Hòa hoàng thái hậu chỉ lớn hơn vua Đạo Quang
có 5 tuổi thôi, cũng không phải là mẹ ruột của vua Đạo Quang, nhưng mẫu tử tình
thâm, sự giá băng của Hiếu Hòa hoàng thái hậu đối với vị vua Đạo Quang thuần hiếu
là một cú sốc lớn. Lại thêm tuổi tác vua đã lớn, quốc sự quá nhiều, cũng lâm bệnh
tới nỗi giá băng luôn. Một lúc nước nhà có tới liền hai đại tang, người trong
nước đều cho là điềm chẳng lành, dân gian đồn rằng nước có đại nạn, sẽ gặp đao
binh. Những ngày tiếp theo dường như đã chứng nghiệm tin đồn này, khởi nghĩa
Thái Bình Thiên Quốc đã đẩy đại nạn của quốc gia này đến hồi cực điểm.
Sau khi Đạo Quang giá băng, con trai thứ tư của ông là Dịch
Trữ mới có 20 tuổi kế thừa ngôi cả, niên hiệu Hàm Phong, lấy năm sau (1851) là
năm Hàm Phong thứ 1.
Di sản mà vua Đạo Quang để lại là một đám thối nát, quốc
gia nội ưu ngoại hoạn, hội đảng các nơi khởi nghĩa không ngừng.[1]
Mới sang ngày vua Đạo Quang qua đời, vua Hàm Phong đã nhận
được tấu báo của Tuần phủ Quảng Tây, Trịnh Tổ Thâm, về việc quân khởi nghĩa Lý
Nguyên Phát đi vào Quảng Tây.
Trước đã nói sơ qua cuộc khởi nghĩa của Lý Nguyên Phát rồi,
Lý Nguyên Phát là nông dân ở thôn Thủy Đầu, huyện Tân Ninh, Hồ Nam, mùa thu năm
1849 vì bọn phú hào trọng lợi bóc lột dân nghèo đang gặp nạn lụt, không còn kế
sống nên họp nhau cướp bóc, giết giàu cứu nghèo. Tiếp theo vì đồng bọn bị quan
huyện bắt đi, bèn xông vào huyện thành giết chóc để cướp đại ngục, chính thức dựng
cờ tạo phản, chống lại quan quân, từ Hồ Nam vào Quảng Tây tiến Quý Châu, bộ
chúng lúc đông nhất có 4-5000 người, cả miền tây nam đại loạn.
Đối với cuộc tạo phản này quân Thanh như gặp phải đại địch,
Tổng đốc Hồ Quảng đích thân tới Trường Sa tọa trấn chỉ huy, ba viên Tuần phủ đất
Tương, Quế, Kiềm tự mình xử lý, huy động quân đội của bốn tỉnh, chỉ Quảng Tây
thôi đã tiêu quân phí mấy chục vạn lượng bạc, cuối cùng thì cũng bắt được Lý
Nguyên Phát, hạ chỉ đóng cũi giải về Bắc Kinh xử tử lăng trì. Vì cuộc tạo phản
này vua Hàm Phong còn cho cách chức hết loạt đám quan cao như Tuần phủ Hồ Nam,
Đề đốc Hồ Nam, Tổng binh trấn Vĩnh Châu khư khư không lo trách nhiệm, cho đày
đi Tân Cương, số quan viên bị xử vì vụ này không dưới mười người.
Nhưng Hàm Phong cũng không bao giờ ngờ rằng kẻ địch lớn nhất
rốt cuộc lại là Bái Thượng Đế giáo không nổi danh lắm vào hồi đó.
Tháng 6 năm Đạo Quang thứ 30, vua Hàm Phong nhận được báo
tin thắng trận bắt được Lý Nguyên Phát do bọn Tuần phủ Quảng Tây Trịnh Tổ Thâm
cấp tốc chuyển đi 600 dặm, rồi một tờ tâu khác phát hiện “hội phỉ” ở Quảng Tây
cũng gửi đến triều đình. Hàm Phong cũng không cho là lớn, chỉ hạ lệnh là nghiêm
nã.
Nhưng sự tình chuyển dời không theo ý chí con người, tờ tâu
của địa phương về Bái Thượng Đế giáo bay đến như tuyết chất đầy sân, cho dù các
quan viên đương thời đều không biết danh xưng chân thật của Bái Thượng Đế giáo
và tên họ của thủ lĩnh nhưng đoàn doanh Kim Điền đã gây chú ý cho quan liêu địa
phương. Vua Hàm Phong ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, ra lệnh cho Tổng
đốc Lưỡng Quảng, Từ Quảng Tấn, mang binh vào đất Quế bắt giặc. Nhưng cuộc phản
loạn của Thiên Địa hội trong vùng Quảng Đông đã làm Từ Quảng Tấn không tài nào
thoát thân. Thế là vua Hàm Phong lại nghĩ đến năng thần Lâm Tắc Từ mà bọn người
Đỗ Thụ Điền đã nhiều lần tiến cử, tháng 9, cho Lâm Tắc Từ làm Khâm sai đại thần
nhanh chóng đến Quảng Tây.
Từ sau thất bại chiến tranh nha phiến, Lâm Tắc Từ làm con
dê thế tội, bị đày đi Tân Cương, sau khi xá miễn thì sống nhàn hạ tại gia.
Do hoàng đế Hàm Phong vẫn không biết Hồng Tú Toàn và Bái
Thượng Đế hội, trong dụ chỉ chỉ nhắc tới chung chung là “thang bình quần nữu”???
Nhà vua có kỳ vọng rất lớn đối với vị danh thần này, trước sau lại ban bố mười
đạo dụ chỉ và cho cách chức Trịnh Tổ Thâm để cho Lâm Tắc Từ thự lý Tuần phủ Quảng
Tây.
Lúc ấy Lâm Tắc Từ bệnh nặng, trước lần đó đã hai lần phụng
chỉ triệu kinh ông đều không dậy nổi nên đã từ chối vì bệnh. Lần này vâng dụ chỉ
nên cảm thấy trách nhiệm của bậc thần tử trung liệt khiến ông không màng bệnh
trong người, kiên quyết lên đường, đi đến Phổ Ninh, Quảng Đông thì qua đời
luôn.
Thế là vua Hàm Phong bèn cải phái Tổng đốc Lưỡng Giang Lý
Tinh Nguyên làm Khâm sai đại thần, Tiền tào vận Tổng đốc Chu Thiên Tước thự lý
Tuần phủ Quảng Tây. Lý Tinh Nguyên là bề tôi giỏi thời bấy giờ, nhưng làm việc
không khỏi nhẹ tay, Chu Thiên Tước là tên quan khắc nghiệt nổi tiếng nên làm
chính trị không khỏi mạnh bạo. Vua Hàm Phong cho phái hai người này đi hình như
dụng ý là muốn phát huy sở trường của cả hai, lấy cương và nhu bổ trợ cho nhau.
Lại cho danh tướng Hướng Vinh nhậm Đề đốc Quảng Tây, nhất thời vùng Quảng Tây
danh thần năng tướng đều tụ tập, lại điều quân đội từ các tỉnh hơn 13,000 người
tới, quyết tâm một trận thang bình dẹp hội phỉ. Tình hình này bất lợi cho Thái
Bình Thiên Quốc vừa mới ra đời.
Trận chiến gò Giang Khẩu:
Gò Giang Khẩu giao thông tiện lợi, lại là bến đỗ thủy lục,
trước khi quân Thái Bình chiếm lĩnh thì thương nhân các nơi tụ tập, mức phồn
vinh và giàu có nơi này không những hơn các huyện thành Quế Bình và Bình Nam,
mà nghe nói ngay đến phủ thành Tầm Châu cũng không bằng. Trên con phố dài hình
chữ nhất ở gò Giang Khẩu, cửa hàng mọc lên nhiều như vảy cá, vật tư đủ loại đều
có hết, bây giờ những thứ này đều rơi vào trong tay quân Thái Bình rồi, ở đó
quân Thái Bình nhận được lương thực và muối ăn hàng loạt cũng như một số vật tư
khẩn thiết khác, tạm thời giải quyết được chuyện gấp. Họ còn có một thu hoạch,
chính là bắt được tên Vương Tác Tân đang muốn bỏ trốn lần nữa tại gò Giang Khẩu,
hắn là kẻ địch sớm nhất và lớn nhất của Bái Thượng Đế giáo, khi quân Thái Bình
quyết định bắt đầu khởi nghĩa đã xem hắn là đối tượng truy nã, nhưng bởi Vương
Tác Tân giảo hoạt khác thường, mấy lần bị bắt cứ thoát, bây giờ cuối cùng đã sa
vào lưới, bị đem xử quyết công khai.
Do chiến tranh nên gò Giang Khẩu hiện tại hoàn toàn trở
thành một binh doanh lớn, dân chúng nào chưa kịp bỏ trốn đi đều bị biên vào
quân Thái Bình toàn bộ, nam vào nam đội, nữ về nữ doanh, người chưa đủ 15 tuổi
thì biên vào đồng tử quân.
Quân Thái Bình vừa cho huấn luyện vừa xây đắp công sự phòng
ngự tiến hành phòng thủ để chuẩn bị đánh lui cuộc tấn công của kẻ thù. Đồng thời
phái lượng lớn gián điệp đi dò thám tình hình kẻ thù.
Gián điệp của quân Thái Bình phần nhiều do phụ nữ và trẻ em
đảm nhiệm, một là họ không gây chú ý cho người ta, có lợi để che giấu thân phận,
hai là có thể mượn cớ đi thăm bà con hay vui chơi để công nhiên đi vào thành thậm
chí tiếp cận quân doanh của quân Thanh thăm dò tình báo.
Tháng giêng năm Hàm Phong thứ 1, đúng lúc phần lớn người ta còn chưa bước qua niềm vui năm mới thì Đề đốc Quảng Tây
Hướng Vinh đã phát động cuộc tấn công mạnh mẽ vào quân Thái Bình.
Quân Thanh chia làm hai đường:
Một đường do hậu bổ tri phủ Lưu Kế Tổ cầm đầu 500 tên thủy
quân, hơn 1,200 tráng dũng xuôi dòng sông Tầm Giang đi xuống.
Một đường khác do Hướng Vinh đích thân cầm quân chia ba
cánh tả, trung, hữu đi quanh hạ du vượt sông thẳng đến Ngưu Bài Lĩnh bên bờ
sông Đại Hoàng, Ngưu Bài Lĩnh là trọng địa chiến lược phòng thủ đầu tiên của
quân Thái Bình.
Hướng Vinh nghĩ rằng nếu thủy lục cùng tiến, đông tây hợp
kích thì nhất cử sẽ đột phá phòng tuyến của quân Thái Bình.
Đáng tiếc là bàn cờ như ý của Hướng Vinh đã thất bại.
Sau khi lãnh đạo Thái Bình Thiên Quốc biết được tình báo
thì quyết định chọn cách dụ địch vào sâu. Dương Tú Thanh và Tiêu Triều Quý đều
đích thân chỉ huy tiền tuyến.
Số lính đầu nhập quân Thanh bấy giờ hơn 8,000 người, binh
sĩ có thể đánh trận trong quân Thái Bình là 5-6,000 người, trai gái già trẻ hơn
vạn người, vả lại phần lớn đều là nông dân với thợ thủ công chưa qua huấn luyện
nghiêm ngặt. Vũ khí của quân Thanh thì tốt hơn, có hỏa khí nhất định thậm chí
là đại pháo; vũ khí của quân Thái Bình thì kém cỏi, phần lớn đều là đại đao,
trường mâu tự chế tạo, mặc dù cũng có một phần địa lôi, hỏa thương nhưng trang
bị hỏa khí thì thua xa quân Thanh rồi.
Tuy thế sĩ khí quân Thái Bình mạnh mẽ, niềm vui lập quốc và
cơn say cực lạc khiến họ thấm sâu vào sự nhiệt tình tôn giáo cuồng say. Tín ngưỡng
linh hồn siêu thăng lên thiên đường sau khi chết cũng như sự thực thi chế độ
Thánh khố làm giải trừ nỗi lo sau này của họ.
Có một nguyên nhân nữa là từ vụ đoàn doanh Kim Điền tới giờ
nam nữ chia doanh đều đã mấy tháng rồi, những nam nhân tinh lực mạnh mẽ này
trong dòng máu sớm đã bừng dậy lửa dục nồng nàn, bây giờ cơn lửa dục đó đều biến
thành sĩ khí căm giận và giết địch đối với quân thù. Sớm mai đánh bại Thanh
yêu, kiến lập tiểu thiên đường của mình là khát vọng trong đáy lòng của mỗi người,
cũng là một phương pháp khích lệ sĩ khí của lãnh đạo quân Thái Bình. Lúc đó cả
nhà đều có thể đoàn tụ, song đấy là lời “Thiên phụ” đã nói.
Tướng sĩ quân Thái Bình cũng chà tay mài quyền, chia binh
cũng hai đường:
Tây tuyến Dương Tú Thanh, do dũng tướng Lâm Phụng Tường dẫn
theo binh sĩ chặn đầu cản đánh quân địch ở Ngưu Bài Lĩnh, lo liệu dụ dịch vào
sâu, Vi Xương Huy và Thạch Đạt Khai đem chủ lực mai phục ở hai bên núi Ngưu Bài
Lĩnh, đợi quân địch tiến vào vòng bao vây thì tiêu diệt. Hướng Vinh quả nhiên
trúng kế, cứ một đường vừa đánh vừa lui của Lâm Phụng Tường đi sâu vào Ngưu Bài
Lĩnh, bị quân Thái Bình đánh bại, thủ bị Vương Sùng Sơn và thiên tổng Thang
Thành Quang bị tử trận.
Đông tuyến Tiêu Triều Quý thì quân đội cũng áp dụng cách y
hệt, trước là đại chiến với Lưu Kế Tổ ở thượng du rồi giả đò thua dụ Lưu Kế Tổ
xuôi dòng đi xuống, liền phái binh bọc đường sau, tiền hậu kẹp đánh. Thủy quân
nhà Thanh bị thọc cả bụng lẫn lưng, thua to.
Hai lộ quân Thanh đều bị đại bại, Hướng Vinh không dám
khinh động, một mặt lui giữ, một mặt báo lên Lý Tinh Nguyên nói là “quân Thái
Bình doanh lũy kiên cố, nhất thời chưa thể công phá, tạm xin đóng doanh ở gần
đó.”
Khâm sai đại thần Lý Tinh Nguyên lúc này ở Quế Lâm, Chu
Thiên Tước còn đang trên đường đáo nhiệm, Lý Tinh Nguyên sau khi nghe tin báo
thì cả kinh, một mặt tâu lên triều đình: “Quân Thái Bình hào sâu lũy cao, ở giữa
liên lạc với thôn xóm, lại giáp ngay cửa sông Đại Hoàng, thủy lục đều cực kỳ hiểm
yếu, chưa thể khinh vội mà đánh, xin cho thêm binh thêm tướng,” một mặt ra lệnh
cho Hướng Vinh chọn nơi an doanh cố thủ đợi viện.
Thế tấn công
lần thứ nhất sau khi Thái Bình Thiên Quốc kiến lập đã bị đánh bại, quân Thanh tạm
thời tiến vào thế thủ.
Mùng 2 và mùng 5 tháng 2, quân Thái Bình từng hai lần đánh
dữ dội vào doanh trại quân Thanh, nhưng do vũ khí yếu kém, thiếu hỏa khí đánh mạnh
nên thất lợi, thế là mùng 8 tháng 2 bí mật rút lui khỏi Vũ Tuyên.
Đông Hương xưng Thiên vương và sản sinh chế độ quân sư:
Quân Thái Bình rút chạy ra
Giang Khẩu, từ Tân Khư và núi Tử Kinh, ngày 12 tháng 2 thì tiến vào Đông Hương ở
Vũ Tuyên và lập đại doanh ở đây. Vào ngày hôm đó, Tuần phủ Quảng Tây, Chu Thiên
Tước, mang theo 200 thân binh cũng tiến đến Vũ Tuyên. Mặc dù Chu Thiên Tước tuổi
đà 80 song dũng mãnh ngoan cường, luôn khó chịu khi thấy Lý Tinh Nguyên cứ thụt
lùi không tiến. Khi đó việc phòng bị ở Vũ Tuyên trống rỗng, binh lính bỏ chạy
chẳng còn một ai, còn tiền phong do Tiêu Triều Quý cầm đầu đã đến Tam Lí Khư
cách Vũ Tuyên không xa mấy, các bộ thuộc đều khuyên Chu Thiên Tước không nên vọng
động mạo hiểm. Đối diện với thế mạnh của quân Thái Bình, Chu Thiên Tước không hề
nao núng, vẫn kiên trì mở đại đường tuần phủ ở huyện nha Vũ Tuyên để ổn định
lòng dân. May thay, quân Thái Bình cũng không biết phía trước thực hư ra sao
nên không tiếp tục đi lên nữa, dựng lũy tre phòng thủ nguyên dải Tam Lí Khư, tạo
thành bức bình phong che chắn cho đại doanh Đông Hương.
Ngày 14 tháng 2, Hướng
Vinh suất quân một đường truy đuổi, cũng chạy vào Vũ Tuyên, giữa Chu Thiên Tước
với Hướng Vinh lại có mâu thuẫn trong vấn đề cách đối phó với quân Thái Bình,
nhưng Tuần phủ có quyền lực của Đề đốc tiết chế, nên ngày 17, khi được Chu
Thiên Tước đốc thúc, Chu Thiên Tước và Hướng Vinh nhân lúc quân Thái Bình đứng
chân chưa vững bèn phát động tấn công. Chẳng ngờ tiền quân của Hướng Vinh còn
chưa tới, quân Thái Bình đã bao vây ngược lại các vùng Linh Hồ và Đài Thôn nằm
cận kề với Tam Lí Khư, hậu quân của Chu Thiên Tước liều mạng ra cứu mới giải được
vòng vây cho quân đội Hướng Vinh.
Quân Thái Bình chiếm cứ
nguyên dải Đông Hương và Tam Lí Khư, lấy Đông Lĩnh và Tam Lí Khư làm cửa ngõ
cho Đông Hương, lấy Đài Thôn và Linh Hồ để làm bình phong, lấy mấy chục làng
xóm ở vùng Mạc Thôn làm nơi mai phục, bật lại trận tuyến phòng ngự để chờ cho
quân Thanh tiến công lần nữa.
Ở trụ sở chính tại Đông
Hương đang bày mưu tính kế cho đại sự. Đó chính là việc xưng vương ở Đông Hương
và phong chức quân sư.
Lớp lãnh đạo quân Thái
Bình nghĩ cờ nghĩa mới giương lên thì đã hay đánh bại quân Thanh, vậy để cho
lòng người phấn khích thì nên để Hồng Tú Toàn ngồi lên ngôi Thiên vương, lập ấu
chúa, dựng quân sư, đặt bá quan, nuôi tóc và đổi quần áo để hiệu triệu bốn
phương.
Kế hoạch này ngay lập tức
được đưa vào chương trình nghị sự.
Ngày 21, Hồng Tú Toàn
tuyên bố tức vị Thiên vương tại Đông Hương, huyện Vũ Tuyên, ban chiếu thư tự
xưng “trẫm” và gọi là vạn tuế, phong ấu chúa Hồng Phú Quý là Ấu thiên vương, đổi
tên là Hồng Thiên Phú Quý. Trước đó mặc dù đã có danh hiệu Thái Bình Thiên Quốc
nhưng Hồng Tú Toàn vẫn chỉ xưng là Thái Bình Thiên Quốc chi chủ, vậy thì cũng
đã là người lãnh đạo cao nhất rồi, có gì khác nhau đâu? Đầu tiên là danh hiệu
khác nhau thì đặc quyền hưởng thụ khác nhau. Tỉ như số lượng vương hậu và hậu
cung của Hồng Tú Toàn cũng được tăng thêm, tam cung lục viện nhờ đó mới càng
danh chính ngôn thuận, ngay cả số lượng phu kiệu khênh vác, số lượng thị vệ
cũng tăng lên. Tất nhiên lời lẽ cũng khác luôn, xưng Thiên vương rồi thì dẫu
nói một câu cũng là thánh chỉ, ai dám làm trái thánh chỉ thì sẽ bị thiên pháp
chế tài. Ngoài ra, lễ nghi cũng trở nên khác, khi gặp mặt mọi người trước đây
chỉ xưng hô nhau là huynh đệ tỷ muội, bây giờ đã có sự chia ngôi giữa vua tôi,
bề tôi gặp đức vua phải quỳ lạy hành đại lễ, chứng tỏ được sự uy nghiêm cao cao
tại thượng và tột bậc của đấng quân vương.
Điều quan trọng hơn là,
các lãnh đạo Thái Bình Thiên Quốc cho rằng khi đã lập mặt trận phản đối mạnh mẽ
tạo nên tập đoàn phản đối lấy Thiên vương làm trọng tâm thì sẽ có lợi cho việc
hiệu triệu thiên hạ. Bấy giờ nghĩa quân cứ nổi lên như ong, cần có một ngọn cờ
hiệu triệu, đó chính là kiến lập quốc hiệu, suy tôn hoàng đế để danh chính ngôn
thuận mà tranh đoạt thiên hạ. Chiêu thức này cũng thường được sử dụng trong lịch
sử, như vậy nghĩa quân các nơi mai sau dù thực tế hay trên danh nghĩa ít nhiều
cũng sẽ tôn thờ chính sóc của Thái Bình Thiên Quốc, trong quá trình đi đánh
sang các nơi cũng sẽ có rất nhiều nghĩa quân tham gia Thái Bình Thiên Quốc khiến
nó không ngừng lớn mạnh, điều đó không thể nói là không nhờ công lao của chiêu
thức này.
Vậy sao không xưng đế thẳng
luôn cho rồi? Vì Hồng Tú Toàn nghĩ chỉ có đức “Thiên phụ” Thượng Đế là đấng duy
nhất có thể xưng đế. Là con cái của Ngài chỉ có thể xưng vương.
Nhằm thể hiện vương quyền
là được Thượng Đế truyền trao, Thiên phụ lại một lần nữa hạ phàm truyền thánh
chỉ: “Ta sai chúa ngươi hạ phàm làm Thiên vương, một lời hắn nói ra là thiên mệnh,
các ngươi phải tuân theo. Các ngươi phải một lòng phò chúa lo vua, không được
to gan càn rỡ, không được biếng nhác. Nếu không lo nghĩ đến vương chúa thì dẫu
một điều cũng là nạn.”
Sau khi Hồng Tú Toàn xưng
Thiên vương bèn phong Dương Tú Thanh làm Tả phụ chính quân sư, lĩnh Trung quân
chủ tướng; Tiêu Triều Quý làm Hữu bật hựu chính quân sư, lĩnh Tiền quân chủ tướng;
Phùng Vân Sơn làm Tiền đạo phó quân sư, lĩnh Hậu quân chủ tướng; Vi Xương Huy
làm Hậu hộ hựu phó quân sư, lĩnh Hữu quân chủ tướng; Thạch Đạt Khai làm Tả quân
chủ tướng. Từ đó, chế độ quân sư của Thái Bình Thiên Quốc cơ bản thành hình.
Thái Bình Thiên Quốc thực
hiện chế độ phụ trách quân sư, tức là do quân sư tổng lí quốc vụ.
Loại thể chế lấy Thiên vương làm nguyên thủ quốc gia, có quân sư phụ trách nghe đâu là chịu ảnh hưởng nặng từ Tam quốc Diễn nghĩa và Thủy Hử truyện. Tam Quốc chí Thông tục Diễn nghĩa cải tạo mưu thần Gia Cát Lượng của Lưu Bị trong lịch sử thành Hán quân sư tổng đốc tất cả mọi sự vụ quân mã trong tiểu thuyết, viết về ông như là hóa thân của trí tuệ, thấy trước biểu tượng của tương lai, làm nổi bật lên sự ký thác. Trong Thủy Hử truyện không đem quyền lực của Lương Sơn Bạc giao cho Triều Cái là “sơn trại chi chủ” lừng lẫy bốn biển, trí dũng đủ tài, mà giao cho “Trí Đa tinh” Ngô Dụng học giỏi nhất làng chấp chưởng, dụng ý đã rõ ràng hơn. Hán quân sư Gia Cát Lượng và Lương Sơn Bạc quân sư Ngô Dụng đều có thể nói là hóa thân của tác giả, cũng tức là phản ánh lý tưởng chính trị của tác giả. Chế độ quân sư phụ trách của Thái Bình Thiên Quốc chính là kế thừa sâu xa từ loại lý tưởng chính trị này của Tam quốc Diễn nghĩa và Thủy Hử truyện. Chúng ta hãy so sánh cả hai: Hán quân sư Gia Cát Lượng trong Tam Quốc chí Thông tục Diễn nghĩa tổng đốc tất cả mọi sự vụ quân mã, quân sư của Thái Bình Thiên Quốc cũng tổng lí quốc vụ. Thủy Hử truyện lập Triều Cái làm sơn trại chi chủ, suy Ngô Dụng làm quân sư chấp chưởng binh quyền, điều hành binh tướng, Thái Bình Thiên Quốc cũng lấy chủ làm nguyên thủ quốc gia. Quân sư là đầu não chính phủ chấp chưởng thực quyền. Các anh hùng Lương Sơn Bạc tụ nghĩa trong Thủy Hử truyện đồng thời suy tôn sơn trại chi chủ và quân sư trong sảnh tụ nghĩa, Thái Bình Thiên Quốc cũng đồng thời kiến lập Thiên vương (chủ) và quân sư khi dựng nước. Cả hai hoàn toàn một kiểu giống nhau.
Chế độ quân sư của Thái Bình Thiên Quốc được trù liệu từ sớm. Quãng tháng 9 năm 1848, Hồng Tú Toàn với Tiêu Triều Quý tại núi Bằng Ải đã bắt đầu thảo luận vấn đề rằng ai có thể làm quân sư sau khi khởi nghĩa. Tiêu Triều Quý dùng danh nghĩa Thiên huynh hạ phàm chỉ định: “Phùng Vân Sơn, Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý đều là quân sư.” Về sau lại kéo thêm Vi Xương Huy gia nhập để kéo bè Vi Xương Huy cho thế lực mạnh hơn. Tiêu Triều Quý lại xuôi chiều lòng người gọi Vi Chính là quân sư của Thiên vương. Thượng tuần tháng 8 năm 1849, Thiên huynh lại giáng phàm lần nữa: “Thiên vương hỏi Thiên huynh Cơ-đốc rằng: Thưa Thiên huynh, Vi Chính và các tiểu đệ trên trời cao là đồng bào phải không? Thiên huynh nói: Hắn và trẫm tất cả chúng ta đều chung ruột rà.” Sau khởi nghĩa Kim Điền, trong lần hạ phàm này khi Thiên huynh dạy dỗ người vợ nhỏ của Vi Chính cũng nhắc đến Vi Chính là “Thiên vương quân sư.” Có thể thấy chế độ quân sư sớm đã thành hình, bây giờ chẳng qua là chính thức thụ phong thôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét