Chương I.
KẺ SỬ DỤNG HOÀN MỸ: ĐƯỜNG THÁI TÔNG LÝ THẾ DÂN
Tổng
quan lịch đại đế vương, có thể vận dụng kỹ thuật “ba mánh” quyền – thuật – pháp
này một cách hoàn mỹ thì chẳng ai hợp loại này bằng Đường Thái Tông Lý Thế Dân,
điều này có mối quan hệ rất lớn với tài năng bản thân Lý Thế Dân. Về các mặt
quân sự, chính trị, tố chất văn học… Lý Thế Dân còn có sự đào tạo rất cao, đáng
gọi là một quân sự gia, chính trị gia, tư tưởng gia. Ngoài ra về các mặt thi từ,
âm nhạc cũng như võ nghệ cá nhân, Lý Thế Dân cũng có thành tựu nhất định.
Về
phương diện vận dụng “quyền”, Lý Thế Dân coi trọng “quyền”, tích cực nắm “quyền”,
dựa vào vũ lực nhưng không lầm tin vũ lực, dĩ hòa vi quý, thực hiện hoài bão thống
nhất. Về phương diện vận dụng “thuật”, Lý Thế Dân biết người khéo dùng, tôn trọng
nhân tài, đối xử tình cảm, nhưng không có sủng thần, đáng được gọi là khuôn thước
quản lý nhân tài cho hậu thế. Về phương diện vận dụng “pháp”, Lý Thế Dân hiểu
rõ xã hội, thấu biết nỗi khổ trăm họ, hoàn toàn nhận thức tư tưởng rằng “lấy
dân làm gốc” là căn bản của “pháp”.
*
* *
*
Là hoàng đế thứ hai của nhà Đường, Đường Thái Tông về
phương diện “quyền” chủ yếu là đối mặt với hai nhiệm vụ: một là giành được ngôi
vua nắm quyền lực chí cao vô thượng; hai là khai thác cương thổ, trở thành quân
chủ của toàn thiên hạ. Đối với kẻ tranh quyền nội bộ thì giết không nói gì cả;
đối với kẻ tranh quyền bên ngoài thì thề ước, không phục thì đánh. Nhưng trong
toàn bộ quá trình dùng “quyền” đều áp dụng phương pháp ân – uy đều trọng.
Mọi người đều biết những cuộc tranh giành ngôi báu qua bao nhiêu
triều đại đều rất dữ dội, rất tàn khốc, đặc biệt là khi con đích trưởng hay
hoàng thái tử không đủ thực lực. Đường Thái Tông Lý Thế Dân [là con] xếp hàng
thứ hai, trùng hợp sao lại có một người anh cả chính là kẻ cạnh tranh ngai vàng
mạnh nhất. Song phụ thân ông là Đường Cao Tổ Lý Uyên lại là một người vô cùng bảo
thủ, nhất mực cho rằng con đích trưởng mới được kế thừa vị trí của mình.
Lý Thế Dân là một người rất có tâm kế, ông biết vị trí của con
đích trưởng không sao tranh được, nhưng có thể mở đường đi riêng, siêu việt
toàn diện các mặt từ năng lực, nghiệp tích và uy vọng. Vậy là Lý Thế Dân đã tự
học tập khắc khổ, chú ý tu sửa bản thân, hơn nữa còn rộng rãi kết giao bằng hữu,
vun bồi thế lực cho mình. Ngoài ra, ông thường xuyên nắm quân quyền, khéo đối
đãi tướng lĩnh thủ hạ và binh sĩ, đối với lão bách tính cũng rất tốt, rất có uy
vọng trong quân đội lẫn nhân dân. Đặc biệt là sau khi nhà Đường định quốc,
trong sáu lần tiến hành hoạt động chinh phạt đại quy mô nhằm ổn định thế cục,
Lý Thế Dân đã có tác dụng to lớn. Nếu so sánh sáu lần chiến tranh thắng lợi với
sáu lần sút bóng trong bóng đá thì một mình Lý Thế Dân đã ghi bàn bốn lần,
ngoài ra còn có công hỗ trợ hai lần. Điều quan trọng nhất là ông đã giáng một
cú quyết định then chốt giành được thắng lợi trong trận đấu giữa quân Đường với
liên quân của Vương Thế Sung và Đậu Kiến Đức. Sau trận đánh ấy, uy vọng và thế
lực của Lý Thế Dân đã đạt đến cực điểm. Nghe nói, khi ông trở về Trường An, ông
được quân dân và cả hoàng đế làm lễ nghi tiếp đãi.
Tình huống này khiến đại ca Lý Kiến Thành rất ư lo lắng. Đương
nhiên, Lý Kiến Thành cũng không phải là ngọn đèn bớt dầu, những năm này ông chú
trọng nắm giữ triều chính hơn, thắt chặt mối quan hệ với một số quyền thần.
Ngoài ra, ông cho người em thứ tư Lý Nguyên Cát rất nhiều hứa hẹn, quan hệ hai
người đó rất tốt. Thời khắc mấu chốt bảo đảm cho người em này đứng về phía
mình. Căn bản thì trong ngoài hoàng cung đều là người của Lý Kiến Thành. Trước
đó, Lý Kiến Thành đã lo lắng về vai trò cầm quân đi đánh trận của Lý Thế Dân
nên ráng ẩn nhẫn để phát triển thực lực. Nhưng đến nay thiên hạ cơ bản đã thái
bình, phải giải quyết mâu thuẫn nội bộ rồi. Thế là ông kiến nghị với vua cha Lý
Uyên cho tứ đệ Lý Nguyên Cát làm Thống soái xuất chinh Đột-quyết, mượn cơ hội
này đoạt lấy quân quyền của Lý Thế Dân.
Mặc dù Lý Thế Dân đã nhiều năm đánh trận bên ngoài song không
phải là không biết gì về nội tình triều chính. Kỳ thực ông sớm đã sắp xếp rất
nhiều mật thám chung quanh Lý Kiến Thành, nhất cử nhất động của Lý Kiến Thành đều
nắm rõ trong lòng bàn tay. Ông ta không chìm đắm trong thành tích vào lúc đó
đâu, lại càng hiểu rằng phải giải quyết trở ngại trên con đường quyền lực của
mình. Sau khi biết được động thái mới nhất của Lý Kiến Thành, Lý Thế Dân bèn
quyết định tiên phát chế nhân. Nhưng
rốt cuộc phải xử trí hoàng thái tử ra sao đây? Các tướng sĩ thủ hạ của Lý Thế
Dân đều rất lo nghĩ, vì đó là anh trai cả của “ông sếp” mình đang phục vụ! Lý
Thế Dân bấy giờ tỏ thái độ:
- Có kế sách gì các ngươi cứ việc nói, còn ta sẽ quyết định chấp
hành hay không.
Đại đa số ý kiến mọi người là giam tù hoàng thái tử và bọn đồng
đảng chính, không cho chúng can dự chính sự nữa. Lý Thế Dân lập tức phản đối:
- Lý Kiến Thành đã bị quỷ mê tâm rối, có giam vô tù cũng không
giải quyết được vấn đề căn bản.
Chúng tướng sĩ đều hiểu ý định của “ông sếp”, họ đưa ra cách
là ép bọn Lý Kiến Thành vào cung rồi giữa đường chặng lại giết đi. Khi đó Lý Thế
Dân mới đồng ý, nhưng ai sẽ phụ trách làm chuyện này, ông vẫn chưa yên tâm được.
Cuối cùng, ông quyết định sẽ tự mình làm nhiệm vụ đó, dẫn theo người hết mực
trung thành với ông đó là Uất Trì Cung.
Sự tình diễn ra cứ tiến hành theo kế hoạch, và Lý Thế Dân đã
thực sự xuất hiện một cách can đảm. Buổi chiều ngày 2 tháng 7 năm 626 Tây lịch,
trước cửa Huyền Vũ, đại ca Lý Kiến Thành và tứ đệ Lý Nguyên Cát trong lúc trốn
chạy, tướng sĩ thủ hạ đều không dám ra tay, bao gồm cả Uất Trì Cung. “Không thể
để đại ca thoát được, bằng không sự khổ tâm kinh doanh bao năm nay đều thành ra
uổng phí cả”, Lý Thế Dân nghĩ vậy lập tức bắn một mũi tên chí mạng trúng ngay
chỗ yếu hại của Lý Kiến Thành làm hắn bỏ mạng. Ngay tức thì Uất Trì Cung liền
giải quyết luôn, bắn chết Lý Nguyên Cát.
Sau khi Đường Cao Tổ Lý Uyên biết được chuyện này, ông giận
run cả người! Nhưng không còn cách nào, trước mắt chỉ có một đứa con này mà
binh quyền đều nằm trong tay nó hết rồi. Đành vậy, không thể không lập Lý Thế
Dân làm hoàng thái tử. Hai tháng sau, trong nỗi tự trách và bất lực, Lý Uyên
đành nhường ngôi lại cho thứ tử Lý Thế Dân.
Lời bàn: hành động
ra tay giết anh ruột của Lý Thế Dân thường bị người đời sau chê trách. Về mức độ
nhất định nó chứng tỏ hướng đi quyền lực của Lý Thế Dân. Trên con đường đoạt
quyền bất luận ai dám cản trở đều sẽ bị trừ khử. Nhưng Lý Thế Dân không hề cả
gan bắt giết “đảng Thái tử”, ngược lại còn trọng dụng rất nhiều năng thần, nổi
tiếng nhất đó chính là Ngụy Trưng.
Mặc dù bên trong đã không còn đối thủ nhưng bên ngoài vẫn chưa
thái bình. Mới lên ngôi không lâu, thủ lĩnh Đột-quyết là Hiệt-lợi Khả-hãn nghe
nói chính cuộc Đường triều phát sinh rối rắm bèn cho đó là thời cơ tốt, tự dẫn
đại quân theo đường xuống nam, cơ hồ chưa gặp phải cuộc đối kháng nào, tiến tới
bờ bắc sông Vị Thủy cách bờ bên kia chính là thành Trường An. Lúc bấy giờ trong
thành Trường An binh lực đâu có bao nhiêu, đại đội nhân mã đi đâu cả rồi? Vốn
dĩ Lý Thế Dân muốn chờ nửa đường cắt đôi quân bộ Đột-quyết. Song Khả-hãn Hiệt-lợi
đâu có giáp lá cà với quân Đường mà mau chóng tốc độ hành quân vượt qua phòng
tuyến thẳng tới thành Trường An.
Ngay vào lúc trong triều ngoài nội đều hoang mang lo sợ, Lý Thế
Dân vẫn điềm tĩnh lạ thường, một mặt điều bộ đội khác đến chi viện, mặt khác
sai bộ đội cản bước giặc để lui về tiếp viện. Ông tự mình đích thân ra khỏi
thành để đối mặt với Hiệt-lợi Khả-hãn, nhằm để viện quân có thêm nhiều thời
gian. Chúng đại thần phần lớn khuyên nhau:
- Làm vậy không được đâu, như thế quá nguy hiểm.
Lý Thế Dân nói một cách rất điềm tĩnh:
- Đại Đường chúng ta cung phụng cho Đột-quyết đã suốt mười năm
nay nhưng Đột-quyết vẫn không thỏa mãn, sớm muộn ta phải khai chiến với chúng,
nhưng không phải hôm nay. Hôm nay ta chỉ muốn báo cho chúng nó biết là ta không
sợ chúng.
Nói xong, tìm năm viên đại thần khá rành rỏi người Đột-quyết
cùng xuất thành, đến thẳng nơi đại quân Đột-quyết.
Hiệt-lợi Khả-hãn trông Lý Thế Dân dắt theo mấy người tới rất lấy
làm lạ, trong lòng cứ lẩm bẩm: “Nghe nói thằng nhãi này không phải dạng vừa đâu,
ai dè nó điên đến cỡ này, lỡ có bẫy thì biết làm sao, trước hết phải coi chừng
cẩn thận”. Chưa nghĩ xong, một mình Lý Thế Dân đã tới thẳng trên cầu, lớn tiếng
gọi tên hắn. Bọn tướng sĩ Đột-quyết được tận mắt nhìn thấy bèn chuyển hướng
sang “Đại Hãn” của chúng:
- Khả-hãn, gọi ngài đấy.
Hiệt-lợi Khả-hãn do dự một lúc:
- Nếu thẳng tay bắn chết thằng nhãi đó e tiếng đồn ra không
hay. Qua đây gặp ta hẳn là không thể trang bị gì rồi, nếu ta không ra gặp hắn
thì còn mặt mũi nào nhìn các anh em nữa.
Để tỏ oai nghiêm, Hiệt-lợi Khả-hãn cũng đánh ngựa trực tiếp
lên cầu không hề tỏ ra ngần ngại chi cả. Tướng sĩ Đột-quyết thầm khen rằng:
- Thủ lĩnh chúng ta thực mạnh mẽ quá!
Sau khi hai người đối gần nhau, đầu tiên Lý Thế Dân chào hỏi
theo lẽ thường tình:
- Đại Hãn vẫn khỏe mạnh chứ.
Họ nói chuyện với nhau đến lúc đụng vào vấn đề then chốt thì lớn
giọng to tiếng. Tướng sĩ hai bên cảm giác rằng Đường vương đang chất vấn Đại
Hãn. Lúc đang nói chuyện, đại đội nhân mã quân Đường đã tới, nhưng số lượng
cũng không nhiều. Song Khả-hãn Hiệt-lợi được thấy rõ ràng, phát hiện rằng hiển
nhiên không chỉ có bấy nhiêu quân đây thôi, phía sau còn có binh bộ dàn dinh chờ
sẵn: “Quân Đường chi viện rất mau”. Lúc này, Lý Thế Dân cũng tắt nỗi âu lo, thế
là lại cất cao giọng nói:
- Đại Hãn, nếu hôm nay khai chiến đối với hai bên chúng ta đều
không có lợi. Nếu các người rút quân, Đại Đường ta sẽ nhường bước cho các ngươi
đi, ngươi muốn gì thì cứ nói ra đi. Ngoài ra, để đáp tạ ngươi nhiều năm qua đã
che chở cho chúng ta, ta sẽ tiếp tục tuân thủ ước định, tiến cống cho các
ngươi.
Nói xong, Lý Thế Dân tiến lên một bước hạ giọng nói:
- Đại Hãn, ngươi phải biết chứ, đằng sau các ngươi có hai mươi
vạn quân bộ của Uất Trì Cung đang chờ hồi viện.
Đột nhiên một tràng tiếng la hét nổi lên.
- Lý Thế Dân ta đến đây là để nói lẽ thiệt hơn cho ngươi đó.
Hiệt-lợi Khả-hãn biết mình đã trúng kế, lấy làm buồn bực nhưng
không thể làm gì được.
- Nếu hiền đệ đã có thành ý vậy thì ta có thể liệu đường trở về.
Không cho Lý Thế Dân có cơ hội nói tiếp, ông ta giương ngựa
quay về trướng quân.
Đêm đó, Hiệt-lợi Khả-hãn xác nhận Lý Thế Dân chẳng gạt ông, Uất
Trì Cung quả thực đã hỏa tốc hồi viện. Hiệt-lợi Khả-hãn có phần kiêng dè với Uất
Trì Cung, lúc theo đường xuống nam nếu giao chiến với ông ta ắt cầm chắc thua rồi.
Theo thám tử báo, bấy giờ Uất Trì Cung chỉ suất lãnh 2.000 quân tiên phong đánh
lui 5.000 bộ đội tinh nhuệ của Đột-quyết.
- Không khéo tên tiểu tử đó sai Uất Trì Cung đến xé xác ta mất.
Hai hôm sau, Hiệt-lợi Khả-hãn và Lý Thế Dân lại gặp nhau trên
cầu Vị Thủy, ký kết hiệp nghị hòa bình, giết ngựa trắng ăn thề, sử gọi là “hội
thề sông Vị” (Vị Thủy chi minh). Tuy ngoài mặt là Đường vương thỏa hiệp tiếp tục
cống hiến, nhưng tướng sĩ Đột-quyết đều hiểu rõ vị Đường vương tân nhiệm này
“không dễ xơi”. Còn tướng sĩ quân Đường cũng bội phần kính phục Lý Thế Dân lắm.
Dù đẩy lui địch thành công và ban cho chút ơn huệ song đó không
phải là kế lâu dài. Vì vậy Lý Thế Dân sắp xếp kế hoạch chuẩn bị chiến tranh suốt
ba năm trời. Năm 630 Tây lịch, Lý Thế Dân sai Lý Tĩnh công đánh Đông Đột-quyết.
Tại sao gọi là Đông Đột-quyết? Theo sử ghi chép, từ sau hội thề Vị Thủy, nội bộ
Đột-quyết xảy ra biến động khá lớn, lại gặp phải thiên tai, hàng vạn loài bò
dê, lừa ngựa mà người Đột-quyết dựa vào để sống đều bị lạnh cóng tới chết. Sau
đó lại phát sinh chia rẽ, xuất hiện Đông Đột-quyết và Tây Đột-quyết.
Như thế, khi chính quyền rối ren bất ổn, đó là thời khắc quốc
gia dễ phát sinh biến cố nhất. Lý Thế Dân tự nhiên cũng không bỏ qua cơ hội
này. Lý Tĩnh thân là đại tướng trứ danh nhà Đường, không nhục sứ mệnh, bắt sống
thủ lĩnh Đông Đột-quyết là Hiệt-lợi Khả-hãn. Đối với viên tướng bại quân, Lý Thế
Dân không đuổi tận giết tuyệt mà còn đặt nặng có ân có uy, lấy đức phục người.
Hành động này đã được các bộ của Đột-quyết khẳng định. Cùng năm đó, Lý Thế Dân
được các bộ Đột-quyết tôn vinh là “Thiên Khả-hãn”.
Lời bàn: Hiệt-lợi Khả-hãn và Lý Kiến
Thành là hai đối thủ chính trị khác nhau nên Lý Thế Dân áp dụng chính sách khác
nhau. Giết Lý Kiến Thành nhưng không giết Hiệt-lợi Khả-hãn, mục đích đều là như
nhau, nhằm để tạo dựng quyền uy của mình. Nếu xét theo tình huống thực tế ta thấy
hai biện pháp này đều rất hữu hiệu.
Chưa thể làm Cao Cú Ly[1]
thần phục là điều đáng tiếc lớn nhất cả đời Lý Thế Dân, thậm chí trước lúc sắp
lìa đời ông còn tính xem phải chinh phục Cao Cú Ly như thế nào. Giới sử học rất
nhiều người cho rằng Lý Thế Dân chinh phục Cao Cú Ly là đòn rất thảm bại trong
cuộc đời ông, phạm vào cái sai lầm hao binh tổn tướng giống hệt như Tùy Dạng Đế.
Rất nhiều người không biết nguyên nhân căn bản khiến nhà Tùy
diệt vong, nó không phải do bạo chính của Tùy Dạng Đế cũng như khởi nghĩa nông
dân, thực tế chính là sai lầm khi chinh phạt Cao Cú Ly. Nhưng sau khi Lý Thế
Dân chinh thảo Cao Cú Ly chưa có kết quả, con ông là Đường Cao Tông Lý Trị cũng
đặt chuyện tiêu diệt Cao Cú Ly làm sứ mệnh trọng yếu. Lại thêm đầu đời nhà Tùy,
Tùy Văn Đế cũng tiến hành hoạt động thảo phạt Cao Cú Ly, trong lịch sử Trung Quốc
xuất hiện hành động chinh phạt đại quy mô qua hai triều và bốn đời. Tại sao nhất
định phải chinh phạt Cao Cú Ly vậy?
Thực tế Cao Cú Ly không giống như các nước Đột-quyết, Thổ-cốc-hồn,
Cao-xương, Yên-kì, Tiết-diên-đà… Mặt dù bề ngoài xưng thần với nhà Đường nhưng
họ cứ ôm thái độ thù địch với nhà Đường. Lúc bấy giờ Cao Cú Ly cũng không phải
là cõi ngoài hay là một nước nhỏ như hậu thế đã nghĩ. Thế kỷ 6 và 7 Tây lịch,
Cao Cú Ly không còn là một tiểu quốc có tính khu vực nữa, nó đã phát triển
thành một quốc gia theo chế độ trung ương tập quyền lớn mạnh, đã sẵn sàng tiềm
lực để tranh đoạt bá quyền Đông Á với nhà Đường. Cuối thời Nam–Bắc triều và
toàn bộ thời kỳ nhà Tùy, cũng như sơ kỳ nhà Đường, Cao Cú Ly không ngừng khuếch
trương lãnh thổ đồng thời không ngừng khiêu khích các nước lân bang với Tùy–Đường
gây chiến tranh với Tùy–Đường. Cao Cú Ly có ý độc bá toàn bộ miền Đông Á đã
lâu. Đã bảo một núi không thể có hai hổ, chiến tranh Đường triều và Cao Cú Ly là
điều khó tránh khỏi. Nhà Đường nhân lúc Cao Cú Ly lông cánh chưa mọc đủ bèn cất
quân chinh phạt chúng, có ý đề phòng trước cơn mưa lũ.
Năm 641 Tây lịch, Lý Thế Dân phái sứ giả sang Cao Cú Ly, phát
hiện Cao Cú Ly thu nạp rất nhiều binh tướng triều Tùy. Lúc này, Lý Thế Dân đã nảy
sinh ý muốn chinh phạt Cao Cú Ly rồi. Về sau, nội bộ Cao Cú Ly phát sinh chính
biến, có đại thần kiến nghị công đánh Cao Cú Ly. Lý Thế Dân lo sợ nhọc dân tốn
của, vẫn chưa đồng ý. Tuy nhiên, sau khi thế cuộc Cao Cú Ly ổn định rồi, lại
liên hợp với Bách Tế công đánh Tân La, Tân La nhất hướng thần phục nhà Đường.
Lý Thế Dân sai người qua điều đình nhưng bị Cao Cú Ly cự tuyệt. Khi bàn bạc với
quần thần, Lý Thế Dân cho rằng:
- Cao Cú Ly công đánh Tân La, chứng tỏ chúng không nể mặt ta,
thực tế thì Cao Cú Ly muốn khống chế toàn bộ bán đảo Triều Tiên và bán đảo Liêu
Đông. Nếu để chúng đắc thế thì nhất định sẽ bắt đầu khiêu chiến với chúng ta, lúc
đó cục diện sẽ càng không dễ khống chế. Trong phạm vi thống trị của ta, tuyệt
không cho phép để thế lực nào như vậy xuất hiện.
Vì vậy, Lý Thế Dân không chịu sự phản đối của bọn Chử Toại
Lương, năm 645 Tây lịch vua ngự giá thân chinh Cao Cú Ly. Mặc dù lần chinh phạt
này chưa giành được thành công toàn bộ, nhưng đã gây sức phá hoại rất lớn đến
quốc lực Cao Cú Ly. Về sau, Lý Thế Dân thu nhận kiến nghị của thuộc hạ, không
ngừng áp dụng hành động quấy nhiễu Cao Cú Ly khiến chúng không thể mau chóng
khôi phục quốc lực. Đó là nền tảng để sau này Đường Cao Tông tiêu diệt Cao Cú
Ly.
Lời bàn: so với những quốc gia khác
thì Cao Cú Ly mới là sự uy hiếp lớn nhất đối với triều Đường. Là một vị quân chủ
anh minh, Lý Thế Dân hiểu sâu sắc điểm này. Nhằm bảo vệ quyền uy của mình, Lý
Thế Dân không tiếc ngự giá thân chinh. Tuy chưa đạt được thắng lợi trọng đại
nhưng cũng đẩy vương triều Cao Cú Ly nhanh tới suy sụp. Trong quá trình chinh
phạt, Lý Thế Dân không áp dụng kiểu chính sách hủy diệt hay giết chóc máu me, ông
vẫn dùng phương thức ân uy song hành, củng cố được thế lực, tiến một bước đặt nền
tảng cho cuộc công kích triệt để Cao Cú Ly.
*
* *
*
Thời xưa, rất nhiều tư tưởng,
kỹ thuật, kinh nghiệm… do tính cục hạn của giai cấp và thời gian đã không tồn tại
lâu bền. Nhưng cũng có một số thì “bốn biển đều noi theo”, Thuật của Đường Thái
Tông Lý Thế Dân chính là như thế, đáng là khuôn thước của lịch đại đế vương.
Quan niệm nhân tài của ông mãi đến thế kỷ 21 vẫn còn sử dụng được.
Câu chuyện vua tôi Đường Thái Tông và Ngụy Trưng đã trở thành
giai thoại thiên cổ, được rất nhiều đế vương sau này bắt chước, nhưng rốt cuộc
chỉ là “cóc đi guốc, khỉ đeo hoa”[2],
không ai học được cái tinh túy. Hiện tại rất nhiều người quen thuộc câu chuyện
vua Càn Long cùng Hòa Thân với Kỷ Hiểu Lam trên phim[3],
thực tế chuyện này không có thật trong lịch sử, chỉ là phim kịch thôi, đó là suy
nghĩ tốt đẹp của lão bách tính dân gian. Là một đấng quân vương, Lý Thế Dân biết
tài Ngụy Trưng nhưng không sủng ái, vì ông ta có điểm lợi hại hay can gián nhà
vua, nói nhiều thì thấy phiền, không có thì lại nhớ, thành ra cảm giác cứ lẫn lộn
giữa hận, kính, yêu, sợ, phiền, nhớ…
Tại sao lại hận? Sử liệu ghi chép, Ngụy Trưng vốn là kình địch
về “quyền” của Đường Thái Tông Lý Thế Dân – mưu sĩ chủ yếu của đại ca Lý Kiến
Thành. Ngụy Trưng cũng không phải đứa hàm hồ, nhiều lần bày mưu tính kế để trừ
khử Lý Thế Dân. May sao “phe người” của Lý Thế Dân rất nhiều, lại thêm Lý Kiến
Thành do dự thiếu quyết đoán nên cuối cùng Lý Thế Dân có thể hóa nguy
thành an. Do đó, ông mười phần căm hận Ngụy Trưng, tự nhủ rằng ngày sau tất sẽ
diệt trừ gã họ Ngụy này.
Sau
“sự biến cửa Huyền Vũ”, đập tan thế lực Lý Kiến Thành, dư đảng cũng nguy ngập tới
nơi. Rất nhiều người lập tức chuyển hướng thay đổi quan hệ, bày tỏ lòng tốt với
Lý Thế Dân. Rất nhiều lời nói của những kẻ này bây giờ vẫn lưu truyền rộng rãi,
tỉ như nói “Chuyện này không hề liên quan với tôi”, “Lúc đó tôi không còn cách
nào khác, đều là bị ép thôi”, “đều là lỗi của xxx”, “tên xxx xấu xa, mọi chuyện
đều do hắn làm”. Bấy giờ, Lý Thế Dân tai nghe những lời ton hót như mụ già, phiền
muốn chết đi được. Thình lình một hôm nhớ ra:
-
Đúng rồi, tên tiểu tử Ngụy Trưng đâu, xem hắn nói gì, nếu được thì ta thu thập
hắn, còn không thì liệu mà xử hắn luôn.
Bèn
hỏi một số người có công việc tương quan, nghe nói Ngụy Trưng đang ở nhà chờ chết,
không ai tìm kiếm. Lý Thế Dân nổi cơn bực tức bảo:
- Được
lắm, nếu hắn muốn chết cũng không đơn giản vậy đâu. Trước tiên ta sẽ sỉ nhục hắn
một hồi, sau đó sẽ nghĩ cách dày vò hắn cho thỏa.
Thế
là sai người áp giải Ngụy Trưng tới.
Đang
lúc Lý Thế Dân sợ không kịp tìm thấy tên oan gia ấy thì Ngụy Trưng bị dắt đến,
kỳ thực thuộc hạ của Lý Thế Dân sớm đã khống chế Ngụy Trưng, đề phòng hắn chạy
trốn ra ngoài. Ngụy Trưng vẫn đứng ngang nhiên chăm chăm nhìn Lý Thế Dân, không
nói gì cả, biết là đằng nào cũng chết, thế nào cũng mặc. Lý Thế Dân nghĩ bụng:
“Được lắm! Lão tiểu tử, còn có chút khí khái”.
- Ngụy
Trưng! Ngươi biết tội chưa, tại sao lão già ngươi dám chống đối ta?
Ngụy
Trưng rất tỉnh bơ:
-
Tôi chỉ làm chuyện tôi nên làm, đáng tiếc đại ca ngài quá nhu nhược kém cỏi, nếu
không thì đâu có xảy ra cớ sự như nay?
Mới
nói một câu đã làm cho Lý Thế Dân câm lặng, bất ngờ không biết phải tra hỏi ra
sao đây. Mấy ngày nay toàn nghe những chuyện cúi mình xin tha mạng, tình huống
bây giờ có chút không hợp lệ. Nghĩ ngợi một hồi, Lý Thế Dân tiếp tục nói:
- Ngụy
Trưng, ngươi biết ta sẽ đối xử với ngươi thế nào không?
Ngụy
Trưng cười một cái:
- Nếu
ngài thông minh thì không nên giết bọn dư đảng này.
-
Người ta hỏi là ngươi chứ không phải kẻ khác.
- Ta
không có gì để nói, giết ta cũng không ai nói ngươi tàn bạo đâu.
Lý
Thế Dân dừng lại:
- Được,
giải hắn đi. Lo cho hắn ăn uống no say đi, ta không thể giết hắn dễ dàng vậy được.
Nhân
viên tả hữu hằm hè kéo Ngụy Trưng xuống nói:
-
Lão tiểu tử, ngươi còn mạnh miệng lắm.
Thật
ra, thái độ của Lý Thế Dân đối với Ngụy Trưng đã chuyển từ căm hận sang kính phục.
Hai
ngày sau, Lý Thế Dân công bố một tin mà không ai ngờ tới, bổ nhiệm Ngụy Trưng
làm Gián nghị đại phu. Gián nghị đại phu tương đương với cán bộ cấp chính bộ hiện
nay, hơn nữa là người thân cận với hoàng đế. Tuy không có thực quyền nhưng
không ai dám khinh suất. Ngụy Trưng cũng khá bất ngờ, chốc chốc cũng hiểu Lý Kiến
Thành là loại không mong được gì, mình đã chọn lầm đường nên từ đó nguyện rằng
sẽ phụ tá thật tốt cho Lý Thế Dân. Sau này, Ngụy Trưng đề xuất rất nhiều kiến
nghị quan trọng, chức quan cũng thăng dần lên, Lý Thế Dân cũng ngày càng ưa
thích Ngụy Trưng.
Cùng
với sự ổn định chính cuộc, tiếp theo Lý Thế Dân cũng muốn buông thả một chút.
Có một hôm chơi đùa với một con chim nhỏ, đang lúc cao hứng thì Ngụy Trưng tới.
Lý Thế Dân không biết liệu sao, đem con chim nhỏ bỏ vào trong tay áo. Chờ lúc
hai người bàn xong chuyện, sau khi Ngụy Trưng đi rồi, Lý Thế Dân mới phát hiện
con chim nhỏ đã chết ngộp rồi. Lý Thế Dân rất lạ lẫm:
- Tại
sao ta phải làm vậy? Ta là hoàng đế mà! Chẳng trách ta sợ Ngụy Trưng? Không, ta
phải cho hắn biết mặt.
Từ
đó về sau, Lý Thế Dân dần dần cảm thấy Ngụy Trưng thật phiền hà.
- Mỗi
lần tranh luận đều là hắn có lí, hơn nữa không nể mặt ta một tí nào.
Theo
sử liệu ghi chép, chí ít có hai lần Đường Thái Tông Lý Thế Dân trong cơn thịnh
nộ đã quyết tâm muốn giết Ngụy Trưng.
Năm
643 Tây lịch, Ngụy Trưng bệnh chết. Lý Thế Dân nằm rên rỉ đau đớn khóc thương
nói:
-
Người ta lấy đồng làm gương có thể chỉnh áo mũ lại, lấy việc xưa làm gương có
thể biết lẽ thịnh suy, lấy người làm gương có thể rõ điều được mất. Trẫm luôn
giữ ba tấm gương này để ngừa lỗi của mình. Nay Ngụy Trưng chết rồi coi như mất
một tấm gương.
Năm
thứ hai, Lý Thế Dân ngự giá thân chinh Cao Cú Ly, tùy giành được thắng lợi
nhưng quân Đường cũng thương vong nặng nề, hiệu quả cũng không được tốt lắm. Lý
Thế Dân lại không khỏi nhớ đến Ngụy Trưng, vô cùng cảm thán nói rằng:
-
Giá như Ngụy Trưng còn sống nhất định sẽ có cách cho ta.
Lời
bàn: Lý Thế Dân không giết Ngụy Trưng, một mặt là mến
tài, mặt khác cũng là muốn giương ngọn cờ cho mình, để chúng thần tử biết hoàng
đế là một người minh bạch, nếu muốn lên ngôi cũng cần có chân tài thực học. Về
sau, Lý Thế Dân không ngừng trọng dụng Ngụy Trưng cũng như sau khi Ngụy Trưng
chết vẫn còn nhung nhớ, điều đó thể hiện khái niệm dùng “thuật” của Lý Thế Dân.
Tham ô hủ bại là vấn đề mà hoàng đế mỗi triều đại đều phải đối
đầu. Trong thời kỳ Đường Thái Tông Lý Thế Dân, quan viên lại rất ít có hiện tượng
hủ bại, điều này hiển nhiên có liên quan đến đạo lí điều khiển bề tôi của Lý Thế
Dân. Nhìn vào các đối tượng tham ô hủ bại thì khả năng các công thần khai quốc
tiến hành tham ô hủ bại là lớn nhất. Một mặt, họ cậy công kiêu ngạo; mặt khác lại
thiếu quản lý. Rất nhiều người cũng cho rằng tham ô một chút không đáng kể chi,
đâu bằng những công lao mà họ đã lập được kia chứ.
Nếu đã là công thần khai quốc, lại là hoàng thân quốc thích, vậy
thì càng vô pháp vô thiên rồi. Khéo sao Đường Thái Tông Lý Thế Dân có một vị
thân thích là người chú họ của Trưởng Tôn hoàng hậu: khai quốc công thần Trưởng
Tôn Thuận Đức. Bản thân Trưởng Tôn Thuận Đức không có vấn đề gì, nhưng bọn nô bộc
của ông ta gây ra chuyện lớn, liên quan đến số của cải bị lấy cắp trong cung. Ông
ta vốn định chuẩn bị xử lí đám nô bộc này, nhưng vì mặt mũi cũng không muốn để
chuyện xấu trong nhà lòi ra; vả lại, ông ta nhận số tiền hậu hĩnh từ đám nô bộc,
cơ bản là ăn cắp những thứ để giao cho ông ta. Vì thế ông ta dìm chuyện xuống,
tha cho mấy người này. Nhưng trong cung bị trộm là chuyện lớn, Lý Thế Dân thịnh
nộ tra đi tra lại thì thì tra đến Trưởng Tôn Thuận Đức, không ai dám tiếp tục
tra nữa. Theo tình huống thông thường, tới đây là dừng thôi, họ bàn bạc với
nhau tính toán về chuyện này, hoặc là “cho qua”, hoặc là “đang xem xét” thôi,
loại này không trừng phạt nổi đâu.
Sau khi Lý Thế Dân biết được tình hình, cho rằng không thể để
như vậy. Nếu xử lí không tốt đối với Trưởng Tôn Thuận Đức thì các đại thần khác
ắt sẽ bắt chước, chừng đó khó quản lý quần thần nổi. Nhưng thân phận và công
tích của Trưởng Tôn Thuận Đức làm ông rất khó xử. Nghĩ ngợi ba hôm cuối cùng đã
nghĩ ra một cách hay. Thế là ông triệu tập quần thần mở hội. Quần thần nói gì
cũng được, hiện trường hội nghị khá là dân chủ. Lý Thế Dân thấy những người này
nói qua nói lại cũng không nhiều, ông bắt đầu mở lời:
- Thuận Đức là thân thích của ta, luận về vai vế ông ấy là chú
của ta, luận về công lao thì cũng là khai quốc nguyên huân. Nếu ông ấy muốn gì
ta sẽ chiều ý ông ta, cũng như các ngươi cả! Nhưng tại sao ông ta lại làm như vậy?
Ta thực rất đau lòng. Nhất định phải xử lí ông ta rồi, chỉ xem là xử lí ra sao.
Tan hội thôi.
Ngày thứ hai, trên cung điện, Lý Thế Dân trước mọi người ban
cho Trưởng Tôn Thuận Đức mấy mươi súc lụa. Quần thần rất kỳ lạ, Đại lí tự Thiếu
khanh (tương đương với trợ lí Viện trưởng Tòa án tối cao bây giờ) Hồ Diễn đặt
câu hỏi:
- Thuận Đức tham lam trái phép, tội không thể tha, cớ sao còn
ban lụa là cho ông ấy?
Lý Thế Dân trả lời rằng:
- Con người có lễ nghĩa liêm sỉ tự họ biết rõ, cho ông ta chút
lụa này còn hơn là dùng hình phạt với ông ta. Nếu ông ta vẫn không biết hổ thẹn
thì có khác gì loài cầm thú. Đối đãi cầm thú mà dùng cách thông thường sẽ không
hữu dụng đâu.
Chuyện này khiến Trưởng Tôn Thuận Đức muôn phần xấu hổ, chúng
đại thần cũng càng có cảm xúc sâu sắc hơn.
Lời bàn: hành động của Lý Thế Dân
có mùi như giết gà dọa khỉ, cái hay ở chỗ là ông chưa giết gà cũng đã dọa khỉ sợ
rồi, tác dụng hiệu quả của nó rất hay. Song, nghe nói Trưởng Tôn Thuận Đức về
sau thay đổi, mấy năm trời làm vị quan tốt, nhưng cuối cùng lại phạm án bị cách
chức trừ danh. Điều này cho thấy rõ “đạo lí điều khiển bề tôi” không phải là
chuyện một ngày hai ngày, một sự tình không đủ để làm thay đổi một con người.
Thời kỳ Đường Thái Tông Lý Thế Dân, chính sách dùng người được
sự hoan nghênh của các giới, người tài năng xuất hiện nhiều. Làm sao để điều
khiển người có tài, điều đó liên hệ đến sự phát triển kéo dài của vương triều Đại
Đường. “Phòng mưu Đỗ đoán” đáng gọi là án lệ thành công nhất đương thời, là “sự
kiện hoàng kim” khiến cho người đời ca ngợi chỉ kế sau chuyện Quản Trọng và Bào
Thúc Nha.
“Phòng mưu Đỗ đoán” thực tế là nói đến câu chuyện hai vị quyền
thần Phòng Huyền Linh (578–648) và Đỗ Như Hối (585–630). Hai người hợp tác chủ
yếu trong thời gian những năm đầu triều Đường, trước sau xê xích khoảng 12-13
năm.
Chủ ý cá nhân của Phòng Huyền Linh khá nhiều, mỗi lần khi mở hội
thảo luận lãnh đạo cấp cao, ông đều là người đề xuất rất nhiều kiến nghị cho Lý
Thế Dân cũng như mọi người trên tòa chọn lựa. Còn Đỗ Như Hối thì giỏi ở việc chọn
những chủ ý hay, phân tích chuẩn xác về hậu quả của mỗi kiến nghị, xác định
phương án thực thi tốt nhất. Lý Thế Dân rất thích lợi dụng sở trường của hai
người này để phục vụ cho mình.
Luận tài năng, Đỗ Như Hối hơn một bậc. Về điểm này ta có thể
nhìn ra theo danh sách sắp hàng 24 vị công thần ở Lăng Yên các. Đỗ Như Hối xếp
hàng thứ ba, cao hơn Ngụy Trưng (thứ tư) và Phòng Huyền Linh (thứ năm). Nhưng
Phòng Huyền Linh chính là người phát hiện và tiến cử Đỗ Như Hối, chính vì kiến
nghị của Phòng Huyền Linh, Lý Thế Dân mới trọng dụng Đỗ Như Hối. Hai người cùng
vạch kế hoạch và thực thi thành công những vụ việc kinh điển như thảo phạt Tiết
Cử, chinh thảo Lưu Vũ Chu, kế phá liên quân Vương Thế Sung và Đậu Kiến Đức,
bình định Lưu Hắc Thát và kể cả sự biến cửa Huyền Vũ v.v…
“Phòng mưu Đỗ đoán” có thể thành công như vậy cũng có mối quan
hệ lớn với sự cực lực suy tôn của chính Lý Thế Dân. Đặc biệt là các quan viên
khác cấp họ cũng phối hợp ăn ý với nhau thật là hiếm thấy. Lý Thế Dân hy vọng
quần thần có thể noi gương theo hai người, hợp tác lẫn nhau, không tranh giành
sát phạt. Ngoài ra, đặc điểm thạo dùng người của Lý Thế Dân không chỉ có vụ
“Phòng mưu Đỗ đoán” thôi, như những người trọng dụng về mặt can gián có Ngụy
Trưng, Vương Khuê, Chử Toại Lương… về mặt quân sự thì có Lý Tĩnh, Lý Tích… về mặt
chính vụ thì có Cao Sĩ Liêm, Ôn Ngạn Bác… Thân thích của vua là Trưởng Tôn Vô Kỵ,
Trưởng Tôn Thuận Đức… cũng được trọng dụng.
Lời bàn: “Phòng mưu Đỗ đoán” thể hiện
tư tưởng dùng người chuyên nghiệp hóa, khích lệ và bồi dưỡng sở trường chuyên
nghiệp của thuộc hạ. Trong xã hội hiện đại, phương pháp này cực kỳ phổ biến.
Ngoài ra, “Phòng mưu Đỗ đoán” còn thể hiện tư tưởng dùng người “đoàn đội lớn
hơn cá nhân”, là đại biểu của việc “học tập kiểu tổ chức” thời xưa.
*
* *
*
Nhìn chung lịch sử, đại bộ phận
đế vương thanh danh hiển hách đều là nhờ công tích của họ được sự tôn trọng của
các bên, đồng thời cũng được nhân dân kính sợ. Nhưng đế vương thực sự được nhân
dân kính yêu không nhiều, Đường Thái Tông Lý Thế Dân kể ra là đặc lệ, điều đó
liên quan đến tư tưởng “lấy dân làm gốc” do ông đề xuất. Lý Thế Dân là một vị đế
vương quán triệt tốt nhất tư tưởng Nho gia “dân
vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” do Mạnh Tử đề xướng.
“Đường luật” là gọi chung pháp luật nhà Đường, tương đương với
Hiến pháp thời hiện đại. Hoàng đế các
thời đại khác nhau nhằm thể hiện tư tưởng pháp trị của mình đều sửa đổi một
chút đối với pháp luật của tiền triều hay của đời vua trước. Phiên bản sớm nhất
của Đường luật là Luật Vũ Đức được ban bố trong thời kỳ vua Đường Cao Tổ, là
pháp luật được chế định dựa trên bản chính Luật Khai Hoàng của Tùy triều, gồm 12
thiên 500 điều, nội dung cơ bản tương đồng với Luật Khai Hoàng, được thi hành
năm Vũ Đức thứ 7 (624 Tây lịch).
Sau khi Đường Thái Tông Lý Thế Dân tức vị, đề xuất tư tưởng “y
pháp trị quốc”, yêu cầu nhóm người Trưởng Tôn Vô Kỵ, Phòng Huyền Linh và Bùi Hoằng
Hiến biên soạn pháp điển căn cứ Luật Vũ Đức, chỉnh sửa Đường luật và đề xuất
phương châm chỉ đạo của Đường luật, “pháp là pháp của thiên hạ, chẳng phải là
pháp của một mình trẫm”, yêu cầu người chỉnh sửa cần phải thiết thực lo lắng
cho lợi ích căn bản của nhân dân. Ngoài ra, Lý Thế Dân còn đặc biệt nhấn mạnh
“người chết không thể sống lại, việc dùng pháp phải khoan giản”, có thể xử trí
nhẹ đi, không nên quá nghiêm khắc. Đồng thời, pháp luật phải hết sức đơn giản để
lão bách tính hiểu được, tiện cho việc lí giải và chấp hành.
Qua thời gian trước sau hơn 10 năm, Luật Trinh Quán được hoàn
thành năm Trinh Quán thứ mười một (637 Tây lịch) và ban bố thiên hạ. Vẫn là 12
thiên 500 điều. So với Luật Vũ Đức, thứ nhất phế bỏ hình phạt chặt chân, tăng
thêm phạt phu dịch; thứ hai giảm thiểu rất nhiều số lượng điều khoản hình phạt
nặng trong cựu luật; thứ ba rút ngắn tộc hình và phạm vi liên đới lại; thứ tư
xác lập những nguyên tắc cơ bản và chế độ như năm hình, mười ác, tám nghị, thỉnh,
giảm, chuộc, gánh, miễn và hóa người ngoài có phạm, loại suy, tử hình tâu lại…
Theo người đời sau phân tích so sánh, Luật Trinh Quán giảm thiểu 160 điều khoản
tử hình so với Luật Nhà Tần, giảm thiểu hơn 90 điều khoản tử hình so với Luật
Khai Hoàng. Đồng thời, Luật Trinh Quán cũng nêu ra những điều khoản pháp luật cực
kỳ có nhân tính, tỉ như “người đàn bà có thai vào lúc tử hình phải chờ sau khi
đẻ được trăm ngày mới chấp hành”, “vùng lưng cách ngũ tạng khá gần, bãi bỏ hình
đánh roi vào lưng”… Những điều khoản pháp luật tương tự như vậy hoặc là tư tưởng
“khoan hồng” của nó đã được ứng dụng rộng rãi trong xã hội hiện đại.
Ngoài ra, Lý Thế Dân hoàn toàn nhận thức rằng việc lao dịch và
phú thuế là chuyện đau đầu nhất của trăm họ, đã nhiều lần hạ chiếu giảm miễn tô
thuế hay lao dịch nào đó, thông qua pháp luật, sắc lệnh và trách lệnh cho quan
địa phương “giảm nhẹ lao dịch”. Luật Trinh Quán quy định, “những việc xây dựng
phi pháp và lao dịch linh tinh, mười dung trở lên xử tội ăn cắp”, tức là tiến
hành nghiêm trừng những quan viên nào chiếm dụng ruộng đất phi pháp và tự ý
tăng nặng phú thuế, thiết thực bảo vệ lợi ích căn bản cho trăm họ. Biện pháp
này có ý nghĩa chỉ đạo rất lớn đối với Trung Quốc đương đại, là thuở đầu manh
nha tư tưởng “làm giàu cho dân”. Đối với những sự kiện như cưỡng đoạt, chiếm dụng
phi pháp đất canh tác… không ngừng xảy ra như hiện nay, Luật Trinh Quán có ý
nghĩa răn đe rất mạnh mẽ.
Lời bàn: Đường luật không nghiêm
khắc, sơ mà không sót, dẹp hết hình phạt tàn khốc của triều trước, thuộc về nền
pháp trị khoan dung. Trị lí quốc gia không có pháp luật thì không được, nhưng lập
pháp của quốc gia cần phản ánh ý chí của nhân dân, cũng chính là câu nói “điều
dân mong muốn thì lập ra, điều dân không thích thì bỏ đi” của Quản Trọng. Quá
trình chế định Đường luật và điều khoản bao hàm trong đó hoàn toàn thể hiện tư
tưởng “lấy dân làm gốc” của Lý Thế Dân.
Pháp luật chưa tốt nếu chưa có một cơ cấu tổ chức hoàn thiện để
chủ đạo hoặc phối hợp thực thi, vậy thì ý nghĩa của pháp luật này vẫn không lớn
lao. Kỳ thực, đây là chế độ phối hợp với “pháp”. Chế độ phối hợp thi hành trong
thời kỳ Lý Thế Dân còn bao quát chế độ khoa cử, chế độ quân điền cũng như chính
sách dân tộc, chính sách ngoại giao khá có sức ảnh hưởng. Trong đó, chế độ tam
tỉnh và lục bộ có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với hậu thế.
Chế độ tam tỉnh lục bộ đã hình thành và phát triển suốt thời
gian dài từ sau nhà Tây Hán, đến triều Tùy chính thức xác lập, triều Đường tiến
thêm thành một chế độ chính trị hoàn thiện. Tam tỉnh là chỉ Trung thư tỉnh, Môn
hạ tỉnh và Thượng thư tỉnh; lục bộ là chỉ bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ
Hình, bộ Công thuộc dưới Thượng thư tỉnh. Mỗi bộ quản lý 4 ty, gộp lại là 24
ty. Chế độ chính trị này trở thành khuôn mẫu của các triều đại về sau, mặc dù sẽ
có sự điều chỉnh nhưng đại thể là nhất trí.
Trên thực tế chế độ tam tỉnh lục bộ là chế độ quân chủ chuyên
chế trung ương tập quyền, nhưng trong thời kỳ Lý Thế Dân thể hiện nhiều hơn tư
tưởng “lấy dân làm gốc”. Thượng thư tỉnh là cơ cấu hành chính tối cao, phụ
trách chấp hành những chính lệnh trọng yếu của quốc gia, tương đương với Viện
Quốc vụ bây giờ; Môn hạ tỉnh là cơ cấu thẩm nghị, phụ trách xét hạch chính lệnh,
tương đương với Hội nghị hiệp thương chính trị bây giờ; Trung thư tỉnh là cơ cấu
quyết sách, phụ trách phác thảo và ban bố chiếu lệnh của hoàng đế, tương đương
với Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bây giờ. Còn sáu bộ thuộc dưới Thượng
thư tỉnh thì tương đương với các bộ ủy lớn quốc gia dưới Viện Quốc vụ hiện tại,
chỉ là dừng ở con số sáu mà thôi.
Lý Thế Dân những năm đầu Trinh Quán đặc biệt chú trọng dân chủ.
Ông thường xuyên thảo luận với các quan viên Trung thư tỉnh về khởi thảo dự luật,
phác thảo chiếu lệnh… giao cho Môn hạ tỉnh thẩm nghị. Nghe đâu, quan viên Môn hạ
tỉnh bấy giờ rất không nể mặt hoàng đế, thường xuyên gửi trả những dự luật và
chiếu lệnh này. Lý Thế Dân không có cách nào, có lúc tự thân phải đến tranh luận.
Đương nhiên, bấy giờ Trung thư tỉnh và Môn hạ tỉnh đều ở trong cung, Lý Thế Dân
đi đến cũng khá thuận tiện. Nhưng Môn hạ tỉnh phần nhiều là các vị quan cương
trực giống như Ngụy Trưng, Lý Thế Dân không đích thân đi thì cũng không còn
cách nào khác. Có câu chuyện rất điển hình, trong dự luật trưng binh khởi thảo
bởi Trung thư tỉnh, Lý Thế Dân đồng ý với ý kiến “con trai dù chưa tròn đủ 18
tuổi nhưng nếu thân thể cao lớn cũng có thể sử dụng chinh chiến” của quan viên
Trung thư tỉnh. Song chiếu thư lại bị Ngụy Trưng bác đi không phát, Lý Thế Dân
giục mấy lần, Ngụy Trưng vẫn bác đi không phát. Nhà vua nổi trận lôi đình, cho
gọi Ngụy Trưng tới để lí luận. Ngụy Trưng trả lời một cách không hoang mang:
- Tôi nghe nói tát cạn nước hồ để bắt cá tuy có thể bắt được
cá nhưng qua năm sau trong hồ không còn cá để bắt nữa; đốt sạch rừng cây để bắt
thú cũng có thể bắt được dã thú, nhưng năm sau thì không còn thú để bắt nữa. Nếu
bây giờ đem những người con trai thân cường sức tráng chưa đủ 18 tuổi đều đi
lính chiến cả thì về sau còn chiến binh ở đâu nữa? Tô thuế tạp dịch của quốc
gia biết lấy ai gánh vác đây?
Lý Thế Dân vẫn rất tức giận:
- Ngươi cho là trẫm nông nổi sao hả, Ngụy Trưng, đừng giảng đạo
lí lớn cho trẫm, lúc ba tuổi trẫm đã hiểu rồi.
Ngụy Trưng tiếp tục nói:
- Mấu chốt là khi chấp hành dễ sinh vấn đề, đặt tiêu chuẩn
thân thể cao lớn, khỏe mạnh sung sức không dễ chấp hành, cũng không dễ quản lý.
Hơn nữa chủng người không như nhau, khác biệt cũng rất lớn. Một số nơi quan
viên địa phương để hoàn thành nhiệm vụ, chắc chắn sẽ xuất hiện cảnh “tát ao bắt
cá, đốt rừng săn thú”.
Lý Thế Dân suy ngẫm hồi lâu, muốn tìm lối thoát bèn bảo:
- Ngươi không sợ họ ngầm sửa tuổi tác à?
Ngụy Trưng đáp rằng:
- Có khả năng, nhưng có sửa đi nữa cũng không quá 15 được. Hơn
nữa chúng ta có thể đối chiếu mức sửa đổi tuổi tác mà xử phạt…
Vậy là Lý Thế Dân không thể không sửa lại chiếu thư mới, miễn trưng
lính cho con trai chưa đủ 18 tuổi.
Lời bàn: chế độ tam tỉnh lục bộ đã
ngăn ngừa hữu hiệu số ít những đại thần chuyên quyền loạn chính, hoàn toàn phát
huy được trí tuệ tập thể của đoàn đội cấp cao, chế định ra chính sách phương
châm chính xác. Chủ yếu hơn là trong quá trình khởi thảo chính sách, có thể xuất
phát từ thực tế suy xét thiết thực đến toàn bộ lợi ích, tức là lợi ích quốc gia
lấy quảng đại quần chúng nhân dân làm chủ thể.
Sự kiện thả tù đã có từ xưa rồi. Tương truyền cuối đời nhà
Thương, Chu Văn Vương đã thường xuyên thả tù. Một mặt là vì chính sách nhân ái
của Chu Văn Vương, thỏa niềm mong mỏi của lão bách tính; mặt khác nó là chuyện
ít nhiều có mùi rạng rỡ cho bản thân, bởi Chu Văn Vương suy tính rất chuẩn.
Nhưng nói chung đó là án lệ nhắm vào cá biệt, chứ sự kiện thả tù đại quy mô ngoại
trừ trong khởi nghĩa nông dân có thể thường thấy thì lại rất ít khi xảy ra,
nhưng Đường Thái Tông Lý Thế Dân dám làm.
Năm Trinh Quán thứ 6 (632 Tây lịch), một năm sắp qua, Lý Thế
Dân khi thị sát các giám ngục áp giải hình phạm tử hình, nghĩ rằng mùa xuân sắp
đến mà những phạm nhân này thân gánh gông xiềng, không thể đoàn viên với gia
đình, chợt nhiên thương xót trong lòng, thế là hạ lệnh phóng thích những người
tù phạm đã tuyên phán tử hình này cho về nhà, nhưng quy định mùa thu sang năm
chúng phải tự quay về Trường An để chịu hình. Nghe đâu biết lần phóng thích tử
tù này gần 400 người. Quần thần sau khi biết tin này đều cho Lý Thế Dân bị điên
rồi. Có người muốn lập tức can gián, nhưng tử tù đã thả, lúc đó đã muộn rồi.
Nhân viên chấp pháp Hình bộ chửi mắng thậm tệ nhất:
- Lý Thế Dân! Đừng cho là hành động này sẽ khiến lão bách tính
quên đi chuyện ông đoạt hoàng vị như thế nào, có muốn mua danh chuốc tiếng cũng
chẳng được đâu. Chỉ cần có 10% không trở lại chúng ta cũng chịu chết chùm rồi.
Tuy nhiên, chuyện xảy ra ngoài dự liệu, đến tháng 9 năm Trinh
Quán thứ 7 (633 Tây lịch), hơn 390 người tử tù trong cảnh không ai quản đốc,
không ai áp giải, “đều đến triều đường đúng hẹn, không một ai bỏ trốn”. Điều
này đã được một trong ba đại thi nhân đời Đường là Bạch Cư Dị đặc tả bài thơ
“oán nữ ba ngàn rời hậu cung, tử tù bốn trăm về quy ngục” để ca ngợi Đường Thái
Tông.
Trên thực tế, “sự kiện thả tù” không phải là hành động bồng bột
của Lý Thế Dân, không hề có chút phần nào là đang đánh cược cả. Trước đó Lý Thế
Dân đã từng hạ chiếu quy định nay mai “phàm có tử hình, dù đã lệnh quyết, đều
phải tâu năm lần”. Cụ thể mà nói, chính là tất cả những trường hợp phán xử tội
chết, cho dù đã hạ lệnh lập tức chấp hành, dù là ở vùng kinh thành hay phương
ngoại cũng phải trong 2 ngày 5 lần tâu lên, các châu huyện khác chí ít cũng phải
3 lần tâu lên, để đảm bảo tư pháp công chính, tránh khỏi việc lạm sát vô tội. Tại
sao phải đưa ra chính sách này, trong hội lớn hội nhỏ Lý Thế Dân đã nói rất nhiều
lần. Nhưng thực tế hiệu quả không rõ ràng, án kiện tử hình vẫn rất nhiều. Năm
Trinh Quán thứ 5, Lý Thế Dân đích thân dẫn quan viên Môn hạ tỉnh tiến hành điều
tra, phát hiện rất nhiều quan viên tư pháp trong lúc thẩm phán hoàn toàn câu nệ
vào điều văn pháp luật, cho dù vụ án về tình có thể nới lỏng cũng không dám xử
nhẹ tay. Thế là Lý Thế Dân lại ban bố chiếu lệnh nữa quy định, “từ nay về sau,
Môn hạ tỉnh lật lại, nếu có kẻ nào theo pháp đáng xử chết nhưng về tình có thể
nới thì nên ghi lại tâu nghe”. Tức là nói khi Môn hạ tỉnh xét lại trường hợp tử
hình, phàm là phát hiện có kẻ y pháp phải xử chết nhưng về tình có thể tha được
thì phải viết rõ tình huống rồi trực tiếp tâu báo lên hoàng đế, ngài sẽ đích
thân quyết định xem có phán xử tử hình hay không. Điều đó so ra còn nghiêm túc
hơn cả việc thu hồi xét lại quyền tử hình của Tòa án Nhân dân Tối cao chúng ta
hiện nay. Điều đó quả thực cũng chứng tỏ Lý Thế Dân coi trọng sinh mạng đến dường
nào.
Sau hành động này, tội phạm tử hình cả nước mặc dù đã giảm bớt
hơn rồi nhưng Lý Thế Dân vẫn cảm thấy còn rất nhiều. Ngặt nỗi đã giảm thiểu tội
phạm tử hình song không phán xử tử hình cũng không phải là biện pháp căn bản để
giải quyết vấn đề. “Biện pháp lí tưởng đó là khiến mọi người không phạm tội nữa,
đặc biệt là phạm tội tử hình”, Lý Thế Dân nghĩ đã khá lâu. Qua phân tích một lượng
lớn ví dụ những trường hợp tử hình, Lý Thế Dân phát hiện các tội phạm tử hình này
có cùng một đặc điểm chính là thiếu tín nhiệm, tóm lại là nghi ngờ người khác
hoặc là bị người khác hoài nghi. Mà cảm giác thiếu tín nhiệm này cũng rất phổ
biến luôn những người không phạm tử hình khác. Bất chợt Lý Thế Dân hiểu rõ chiến
loạn rối ren lâu dài khiến hệ thống tín dụng của một quốc gia bị sụp đổ rồi. Mặc
dù sau khi Đường triều kiến lập, áp dụng rất nhiều thực thi an ủi nhưng cảm
giác tín nhiệm giữa người với người trong tín dụng xã hội chưa được kiến lập
hoàn toàn. Dù vậy công việc này không phải là chuyện một sớm một chiều, Lý Thế
Dân rất lo lắng đối với điều này. Sau ba ngày đắn đo suy nghĩ, ông đã ra một
quyết định điên cuồng là phê “thả tù” một lượng lớn. Sự thật chứng minh hành động
này đã chiếm được hiệu quả vô cùng tốt. Sử liệu ghi chép rằng sau sự kiện thả
tù này, tử tù tiếp tục hạ xuống, trong năm thấp nhất chỉ có khoảng 10 người. Đối
với một nước lớn 20.000.000 (hai mươi triệu) người mà nói, thực là điều không dễ.
Lời bàn: sự kiện thả tù do Lý Thế
Dân đích thân đạo diễn là biểu hiện tập trung của tấm lòng coi trọng sinh mạng,
yêu mến thần dân của ông. Hạt nhân tư tưởng “lấy dân làm gốc” là tôn trọng dân,
trọng thị dân, chỉ có lấy đó làm nền tảng mới có thể thật sự làm được việc lấy
dân làm gốc. Lý Thế Dân hoàn toàn tôn trọng đối với những người tù phạm, không
chỉ chiếm được sự tín nhiệm của các tử tù mà cũng giành được sự tín nhiệm của
toàn thể nhân dân xã hội.
*
* *
*
[1] Cao Cú Ly: một vương quốc
nằm ở phía đông Trung Quốc, tại bán đảo Triều Tiên và vùng Mãn Châu sau này, do
một vị vua tên là Jumong thành lập vào thế kỷ 1 trước Tây lịch.
[2] Nguyên văn dùng thành ngữ
“Đông Thi hiệu tần”, nghĩa là nàng Đông Thi bắt chước nhăn mày. Thời xưa nàng mỹ
nữ Tây Thi xinh đẹp mỗi lần nhăn mặt vì cơn bệnh bẩm sinh giày vò, lại càng
xinh đẹp hơn. Nàng Đông Thi xấu xí thấy thế, cũng bắt chước làm điệu bộ nhăn mặt
như Tây Thi, không ngờ lại càng xấu xí hơn, ai trông thấy nàng cũng vội vã lánh
xa. Ý nói muốn bắt chước người ta nhưng hiệu quả không thành công được.
[3] Phim “Bản lĩnh Kỷ Hiểu
Lam” gồm 4 phần đóng từ năm 2002–2010 của đài Bắc Kinh Trung Quốc, với vai diễn
Càn Long do Trương Thiết Lâm đóng, Hòa Thân do Vương Cương đóng và Kỷ Hiểu Lam
do Trương Quốc Lập đóng. Bộ phim này lấy cảm hứng từ những giai thoại dân gian
dựng lên, hoàn toàn hư cấu, không có thật trong lịch sử.
Nhận xét
Đăng nhận xét