Chuyển đến nội dung chính

KINH NGỌC HOÀNG (Đạo giáo)

 

VIỆT NAM ĐẠO TẠNG

 

CAO THƯỢNG NGỌC HOÀNG BẢN HẠNH TẬP KINH (高上玉皇本行集經)

Gọi tắt là << Kinh Ngọc Hoàng>>. Không rõ người soạn. Xuất hiện khoảng thời Đường – Tống. Gồm 3 quyển.[1]

 

Tôn ảnh Ngọc Hoàng Thượng Đế

 

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 01. THANH VI THIÊN CUNG THẦN THÔNG
(
清微天宮神通; Thần thông trên cung trời Thanh Vi)

Thuở nọ, Nguyên Thủy Thiên Tôn ở cung điện Ngọc Hoàng, vườn mầu bảy báu chốn Ngọc Kinh Kim Khuyết, trong Trời Thanh Vi, lên tòa sáng chói, cùng vô số kể chúng tuyên thuyết pháp môn “Linh Bảo thanh tịnh chân nhất bất nhị”. Lúc đó đức Ngọc Hoàng Tôn Đế cùng với các vị chân thánh: Phi thiên Đại thánh, Vô cực Thần vương, Linh đồng Ngọc nữ chín nghìn vạn người, thanh chay dựng tiết, hầu ở bên cạnh. Khi đó Ngọc Đế biết đã đến giờ, liền ở trước hội giở sáu thần lực tuôn ánh sáng lớn, soi khắp chư Thiên, tất cả cảnh giới cõi Phạm khôn cùng đều chấn động lớn; mười phương vô cực tất cả thế giới đều lợp bằng lưu ly, pha lê, không bị cách ngăn; mười phương chúng đến đều cưỡi quỳnh luân, lang dư, bích liễn năm sắc, rồng đen chín sắc, lọng vũ mười viền, lân múa phượng hót, kêu réo vẻo von, linh phi rải hoa, kim đồng dang khói, ngâm vịnh Đỗng chương, lướt không mà đến. Bấy giờ tất cả bậc Kim tiên Phạm Thiên, Bồ-tát Đại Thừa, bốn chúng tám bộ, vâng ánh chiếu này đều cưỡi xe ngọc bay dòng sáng chín màng trời xanh vàng, mừng bốn hội trời, tam thần phả thơm, hương bay tám tấu, xoay quanh trước Đạo, rải các hoa mầu, rơi xuống như mây, trùm cả trước hội. Khi đó ánh sáng ấy chiếu soi chư Thiên, soi xuống vô cực thế giới phương dưới, đồng cảnh Huyền Đô. Phàm cõi người kia trên gần chín trời, thông tiếp giao liên, càng thân càng gần. Phàm vô cực thế giới phương dưới, núi đồi gò nổng, khe ngòi suối lạch, phẳng như lòng bàn tay, sáu hợp thêm gần, ba cảnh chẳng xa. Thiên Bửu đài điện, sao giăng cõi người, quỳnh khôi la liệt, chói rạng đường mây, lan can bảy báu làm con đường cõi, cây ngọc hoa tiên, quả châu tươi rỡ, đan điền đẹp đẽ, cỏ non mịn màng. Thời phương dưới kia đều thấy chư Thiên. Nhạc hay khắp trời, chuyển theo ánh sáng, tự nhiên phát vang. Lại còn thấy cả loan kêu phượng hót, bay reo đúng mùa, rồng giỡn lân múa, uốn lượn bầu trời. Hoa báu chư Thiên rảy bay tứ tán, đầy khắp đường đi. Khi đó phàm thánh hãi lạ, sáng toang màn tối, trời người vui vẻ, hăm hở háo hức, học sĩ phàm phu được bay lên hết, ngẩng xem đài báu kiếp số, dòm xem mây báu bủa giăng. Tất cả nhân dân các thế giới ấy cùng đến đạo khí, đầu bạc mặt nhăn đều được hóa độ, tóc xanh mặt hồng, trẻ măng nhỏ lại, chuyển được hình dung, tươi tắn xinh đẹp, khổ não đỡ qua, khắp nhờ giải thoát, an lạc vui sướng. Ca dao thiên hạ mừng nước thái bình. Ngay chính lúc ấy, gió thần bay xa, muôn khí xông lên, trời rung đất lở, xương khô sống lại, thây chìm phách bay đều khởi phục hình; Phong Đô, Thiết Vi, Trường Dạ, Cửu U, tức thời phá hoại, khổ hồn địa ngục hóa sinh chư Thiên, ba đường ác khổ nhất thời giải thoát. Thời những tội đồ ấy nhờ sức sáng kia được sinh vào các cung trời lớn mười phương.

Bấy giờ, Ngọc Hoàng liền phân thân Ngài khắp cả các cung trời lớn mười phương, khiến các thiên cung tự nhiên hóa hiện, bạch ngọc làm kinh, hoàng kim làm khuyết, huyền uyển bảy báu và điện sáng chói lớn đủ tòa quang minh, cờ phướn lọng dù, dị bửu kỳ hoa, trải khắp xứ ấy. Khi ấy, Ngọc Hoàng liền lấy thân đã phân ra khắp cả xứ ấy, trong Bạch Ngọc Kinh, tại Hoàng Kim Khuyết, trên tòa quang minh điện sáng chói lớn huyền uyển bảy báu, khắp vì mười phương diễn thuyết Con đường Giải thoát Thanh tịnh. Thời, hóa Ngọc Đế đều cho vô lượng Thiên chân Đại thánh, Diệu hạnh Chân nhân, Linh phi Ngọc nữ dàn hầu tả hữu. Các ngọc nữ đó dung nhan xinh xắn, đẹp đẽ khác thường, thiên trân dị bửu trang nghiêm thân tướng, giọng nói trong trẻo, được chúng ưa nghe. Các nữ như vậy, thân họ lại tỏa ra mùi thơm tự nhiên giải thoát nhiệm mầu. Hương ấy thơm phức lan khắp tất cả chốn phước các vùng đất cõi cực diệu lạc chư Thiên. Tất cả chúng sinh sáu nẻo ngửi mùi thơm đó khắp nhờ khai độ. Đó là nẻo trời, nẻo người, nẻo ma, nẻo địa ngục, nẻo ngạ quỷ, nẻo súc sinh. Như các nẻo trời, tất cả trời người hoặc ai có thể ngửi mùi thơm ấy, bốn tướng năm suy mãi mãi diệt trừ, chuyển thêm phước trời. Như các nẻo người, vua tôi triệu dân hoặc ai có thể ngửi mùi thơm ấy liền được niềm vui người trời sống thọ, thân hoặc diệt độ thì được thoát khỏi cái lẽ rã xác. Như các nẻo ma, tất cả các ma hoặc ai có thể ngửi mùi thơm ấy thì an xứ thiên cung, cái khổ quốc chiến đều được ngừng nghỉ. Như các nẻo địa ngục, tất cả chúng sinh hoặc ai có thể ngửi mùi thơm ấy thì lìa khổ địa ngục, được vui Tịnh độ. Như các nẻo ngạ quỷ, tất cả hàng ngạ quỷ hoặc ai có thể ngửi mùi thơm này liền được no đủ, không rầu đói khát. Như các nẻo súc sinh, tất cả súc sinh ai có thể ngửi mùi thơm này thì thoát khổ súc sinh, được vui trí tuệ.

Bấy giờ, những tội chúng sinh Thiên đã được sinh vào thắng thiên cung rồi, vì vâng theo ánh từ quang thâu nhận nên được giác ngộ hơn, mỗi vị đều hiểu rõ nhân duyên tội phước, cùng các quyến thuộc làm kỹ nhạc trời, đến gặp trước Đế. Các hàng chúng đó thảy đều bi thương, cùng phát tiếng nói:

- Trước sau trải nghìn kiếp muôn kiếp không thấy ba ánh sáng, thường ở trong ba đường ác đen tối, chịu nhiều khổ não. Ngầm cảm Ngọc Đế phương tiện phóng quang, thương cứu chúng con, đều sinh lên Trời. Các ác nghiệp ấy thảy đều diệt tận, không bị trói trở, đều được vãng sinh. Ngưỡng chầu Ngọc Đế cùng đến đạo tràng.

Tất cả những tội chúng sinh Thiên ấy nói lời đó xong cúi đầu phục vị.

Lúc đó, Ngọc Đế phát giọng mầu lớn bảo khắp mười phương chư Thiên thánh chúng:

- Các ngươi nghe kỹ! Những tội đồ này rộng kiếp tới nay, buông tính vô minh, tạo mười ác nghiệp, nhiễm hết sáu trần, ba nghiệp quấn quanh, thỏa ý mặc lòng, chưa từng giác ngộ. Tội âm lỗi dương ngày chứa tháng sâu, trái đạo ngược chân, xuôi tà bỏ chính, cử tâm vận niệm là kết chuyện rối ren. Khiến cho sau khi mạng chung thì thân rơi xuống tam đồ, không được giải thoát. Nếu chẳng phải hôm nay gặp cỗ tiệc Pháp này thì sao rời khỏi?

Khi đó, hóa thân Ngọc Đế các Trời liền dùng thần thông mà chẳng động đậy, dời đón trời người, đếu khiến được đến dưới hội Nguyên Thủy, thánh cảnh Ngọc Thanh, cung Thanh Vi, hàng chư chúng ấy chẳng hiểu chẳng biết. Khi đó Thiên Tôn chúng hội thấy hóa thân Ngọc Đế mười phương kia khắp đều tụ về trước hội Thiên Tôn, như gương sáng vô biên soi các hình bóng, dung nhập lẫn nhau. Thời các đại chúng cúi đầu chiêm ngưỡng. Ngọc Đế hóa thân, quý nhất trong Thánh, tăng trưởng thanh tín, càng thêm ý vui, tâm không thối chuyển, thêm vững vàng lớn. Thời các trời người kia gần được sinh Thiên, chợt thấy Thiên Tôn và thắng hội đạo tràng thanh tịnh bậc nhất, được trang nghiêm bằng công đức vô vi, háo hức hoan hỷ, nhất thời làm lễ, vui chưa từng có.

Bấy giờ, các hóa Ngọc Đế mười phương hợp lại một thể, đứng từ pháp tòa, quỳ dài hướng bắc. Thiên Tôn nói rằng:

- Về thuở xa xưa, có nước tên gọi là Quang Nghiêm Diệu Lạc, quốc vương nơi đó tên là Tịnh Đức. Thời vua có bà hậu tên là Bửu Nguyệt Quang. Vua ấy không có con nối, từng suốt một ngày suy nghĩ rằng: “Nay ta sắp già mà không có thái tử, nếu thân mất đi thì xã tắc chín miếu biết giao cho ai?” Nghĩ như thế rồi liền ban sắc xuống, chiếu cho đạo chúng ở các quan điện theo các khoa giáo, treo các lọng phướn, thanh tịnh nghiêm khiết, rộng bày cúng dường, sáu thời hành lễ, cầu khắp chân thánh. Đã qua nửa năm, không thoái tâm đầu. Chợt có đêm hoàng hậu Bửu Nguyệt Quang mộng thấy Thái Thượng Lão Quân và các bậc chí chân, mặt vàng mình ngọc, dáng vẻ thanh tịnh, cưỡi xe rồng năm sắc cắm cờ sáng chói, sáng trùm trời xanh. Khi đó Thái Thượng Lão Quân ngồi yên trên xe rồng ẵm một đứa nhỏ, các lỗ chân lông trên mình phóng trăm ức sáng, soi các cung điện, làm trăm sắc báu, tràng tiết dẫn trước, lướt không mà đến. Lúc đó hoàng hậu lòng sinh hoan hỷ, cung kính tiếp lễ, quỳ dài trước ngả, bạch Đạo Quân rằng: “Nay vua không có con nối, mong xin đứa con này làm chúa xã tắc, thầm nguyện từ bi thương xót trao cho”.

- Bấy giờ Đạo Quân đáp hoàng hậu rằng: “Nguyện đặc ban cho ngươi”. Khi đó hoàng hậu lạy tạ Đạo Quân rồi mới nhận lấy. Hoàng hậu nhận rồi liền tỉnh mộng về, cảm giác là có thai. Mang thai một năm thì sinh đản trong cung vào giờ Ngọ ngày chín tháng giêng năm Ngọ. Ngay lúc sinh ra, thân báu sáng ngời khắp cả vương quốc, sắc tướng tuyệt đẹp, người xem không chán. Bé thì mẫn tuệ, lớn lên hiền từ, tất cả của báu của bao nhiêu kho lẫm trong nước đem rải thí hết cho tất cả chúng sinh nghèo thiếu khốn khổ, góa bụa cô độc, không chỗ nương nhờ, đói kém tật nguyền, nhân từ hòa tốn, tiếng đồn có đạo, hóa đến phương xa, thiên hạ kính theo, về với thái tử nhân hậu, phụ vương thêm mừng. Sau dịp đó thì vua chợt cáo băng, thái tử trị chính, đoái nghĩ kiếp phù sinh bèn sắc cho đại thần có cách nối ngôi, bèn bỏ nước mình vào trong núi Phổ Minh Hương Nghiêm tu đạo, công thành siêu độ. Qua kiếp đó rồi, trải tám trăm kiếp, thân thường bỏ nước mình, vì quần sinh nên thích thú học đạo. Sau lúc đó trải tám trăm kiếp làm thuốc chữa bệnh, cứu vớt chúng sinh, khiến họ yên vui. Kiếp này tận rồi, trải tám trăm kiếp nữa rộng làm phương tiện, mở các Đạo tạng, diễn thuyết Linh chương, ban truyền chính hóa, phô bày thần công, giúp nước cứu người, từ kín ra lộ. Sau qua thuở ấy, lại trải tám trăm kiếp vong thân tổn mạng thực hành nhẫn nhục nên xả máu thịt của mình. Tu hành như vậy ba nghìn hai trăm kiếp mới chứng Kim tiên, hiệu là Thanh Tịnh Tự Nhiên Giác Vương Như Lai, dạy các Bồ-tát, đốn ngộ Đại Thừa chính tông, tiệm nhập Hư Vô diệu đạo. Tu hành như thế lại qua ức kiếp mới chứng Ngọc Đế.

Nói như vậy rồi, thanh chúng tiệc Pháp khác miệng đồng tiếng khen chưa từng có.

Bấy giờ trong chúng có một ngọc nữ tên là Dạ Quang từ tòa đứng dậy, nghiêm chỉnh áo mũ, bước vẻ nhã nhặn, quỳ dài trước ngả bạch Thiên Tôn rằng:

- Thần thuở xưa may gì ngưỡng hầu trước ngự, thân phụng cúng dường đã qua ức kiếp. Cảnh giới Tam Thanh, Kim Khuyết Ngọc Kinh, lặng lẽ tiêu dao, sung sướng tự tại, ưa dạo thánh vực, nhận nghe Pháp âm, chưa từng thấy chuyện hy hữu này. Không xét những thánh cảnh biến hiện chư Thiên mười phương được hiện trong ánh quang hướng tới đều có pháp thân ứng hóa của Ngọc Đế, Thiên chân Đại thánh, Diệu hạnh Chân nhân, Linh phi Ngọc nữ cho làm thị vệ. Các ngọc nữ ấy tướng mạo đoan nghiêm, hình dáng xinh đẹp, tỏa các hương mầu, không ai sánh được. Lại nhờ thần thông Ngọc Đế đón dời, nay đều họp khắp tại Trời Thanh Vi, nay chưa xét ngọc nữ này do nhân duyên gì được chứng sắc thân vô thượng như vậy? Ơn mong thánh từ tỏ điều chưa ngộ!

Khi đấy, Thiên Tôn nói với Dạ Quang ngọc nữ:

- Vốn dĩ ngươi mới nhập dòng Thánh, tuy có trí tuệ nhưng chưa thể hiểu rõ. Các ngọc nữ này chính là thuở xưa trong vô lượng kiếp tu các diệu hạnh, đủ giải thoát môn, chung niềm tin thanh tịnh, chung hiểu biết thanh tịnh, chung ý niệm thanh tịnh, chung nết hạnh thanh tịnh, chung thân xác thanh tịnh, chung trái tim thanh tịnh, chung suy nghĩ thanh tịnh, chung quả thanh tịnh, chung báo thanh tịnh, chung lòng đại từ, chung lòng đại bi, che chở chúng sinh, như mẹ vỗ về, thương yêu con đỏ, thờ giới chuyên nhất, sâu lòng đại đạo, thanh chay thệ rộng, trong nghìn muôn kiếp tôn thờ Ngọc Đế. Các ngọc nữ này chẳng thật là nữ đâu, đều là Thiên chí chân vì độ quần sinh nên hiện thân ngọc nữ. Bởi vậy thân sắc, thần thông, trí tuệ, ẩn hiển biến hóa giống như Đế vậy.

Bấy giờ, Dạ Quang ngọc nữ nghe nói vậy rồi, tâm được khai ngộ, cúi đầu hoan hỷ, im lặng phục vị. Khi đó, Cao Hư Thanh Minh Thiên Chủ và quyến thuộc chư Thiên cưỡi xe loan bát cảnh, che lọng báu cửu quang, tấu huyền ca diệu nhạc, vịnh vô lượng Đỗng chương, rải hoa trời báu, phả hương chân trời, bay lướt dạo không, đi đến trước ngả. Vâng sức oai thần của Thiên Tôn và Ngọc Đế, các hoa báu ấy liền hóa thành lọng báu ở trong hư không che lợp đại chúng, thảy đều trọn khắp. Lúc này Cao Hư Thanh Minh Thiên Chủ thấy hy hữu này, cúi đầu quỳ dài bạch Thiên Tôn và Ngọc Đế rằng:

- Tiện thần lười mỏi, gặp cỗ Pháp sau, ngày nay vui lành, dựng cầu Pháp này, thánh phàm kín tỏ thấm nhuần ơn Thánh, phóng ánh sáng lớn hiện tướng hy hữu, soi lên chư Thiên, tất cả cõi mầu Tứ Phạm Lục Dục, các chúng chân thánh thấy ánh sáng này thảy đều xôm tụ, soi xuống vô cực thế giới phương dưới, đồng cảnh Huyền Đô, tiếp cận chín trời, gió thiêng tấu nhạc cung thương hòa nhau, lanh lảnh vân đình, đều thành Đỗng chương. Tất cả chúng sinh cùng đến đạo hóa; Phong Đô, Thiết Vi, Trường Dạ, Cửu U, tất cả chúng sinh chịu khổ địa ngục thảy vâng sức sáng đều sinh chư Thiên, được nhận vui sướng. Ngày nay hoa lạ báu trời được rải kết quanh thành lọng, trùm khắp đại chúng, thảy vâng ánh sáng và sức oai thần này, chúng thần nghìn kiếp nhân lành, vận hội chín trời hoàng đạo mênh mông, Chính Pháp hưng long, hôm nay đại cát, đều nể huyền công. Khi ấy Cao Hư Thanh Minh Thiên Chủ dùng kệ khen Ngọc Đế rằng:

Kim Khuyết Huyền Khung Chủ,

Cao Thượng Ngọc Hoàng Tôn;

Tướng đẹp đầu chư Thiên,

Từ quang rọi ba cõi.

Chân thánh diệu Đạo sư,

Trời người nương cậy Thầy.

Đại Thừa rủ lời Pháp,

Chân nhất chỉ đường mê.

Công đức sánh hư không,

Tán dương không cùng tận.

Là bậc Khung Thương Chủ (chúa trời cao), Hạo kiếp chi tôn (cao quý suốt kiếp dài), Diệu kiến diệu tri, Vô đẳng vô luân (không sánh không đọ), Trạm tịch chân tĩnh, Yểu vong yểu tồn (chả mất chả còn), Thượng thánh thượng linh, Đại thần thông, Quang minh tạng, Đại trượng phu, Khai hóa thiên nhân, Giáo đạo vô cùng, Đại từ Đại bi, Lưu hoán Pháp luân, vì độ quần sinh nên hiệu là Ngọc Hoàng. Khung Thương chân lão, thanh tịnh tròn mầu, trí tuệ biện tài, chí đạo chí tôn, khai độ chúng sinh nên phóng sáng ấy.

Bấy giờ, Cao Hư Thanh Minh Thiên Chủ nói kệ tán thán rồi, Thiên Tôn bảo khắp bốn chúng rằng:

- Thân của Đế kia tức là Đạo thân, chẳng phải thể xác bình thường. Là tấm thân công đức vô lượng, là thân tự nhiên thanh tịnh, là pháp thân vô thượng chân không của thần minh kiên cố bất hoại. Uy linh rộng lớn, tiếng tăm lan khắp, chẳng mờ chẳng tỏ, thần kỳ đường đường, khó mà khen hơn. Sự huân tu của Đế ấy chẳng phải là công đức hữu vi, mà thuở xưa Đế hạ sinh nhân gian, nhiều kiếp hành hóa, tỏ thần thông lớn mà thân thanh tịnh, chưa từng không ở Kim Khuyết phân thân biến hóa, ứng hiện tùy lợi tế quần sinh, vượt lên bờ Đạo, rủ khắp Giáo Pháp, khai ngộ người sau, xét theo vâng làm, đăng chân thành đạo. Nhờ sự trang nghiêm bằng công đức ấy, bởi vậy ánh sáng thường tràn chư Thiên, thần trí thấu tuyệt, khó mà xét lường. Ánh sáng thân Ngài đều đủ diệu hiệu, đó là: Đại thần thông quang, Đại từ bi quang, Đại hỷ xả quang, Đại nhẫn nhục quang, Đại bình đẳng quang, Đại nhu hòa quang, Đại tự tại quang, Đại lợi ích quang, Đại như ý quang, Đại trí tuệ quang, Đại cát tường quang, Đại giải thoát quang, Đại quy y quang, Đại công đức quang, Đại viên mãn quang, Đại vô ngại quang, Vô năng thắng quang. Bởi vậy các ngươi muốn thấy Đế kia bèn không thể được đâu, cớ vì các ngươi vẫn còn thân khẩu, không bỏ thói quen, hành nghiệp phiền não, do bởi chướng trở nên không thấy được từ nhan của Ngọc Đế. Nay Ta vì lúc ngươi hội các chúng, tuyên dạy pháp dứt chướng ngại, đại chúng các ngươi đều nên phụng hành.

Thời, các đại chúng vui sướng không gì hơn, đều ở trước bành đức Chí Tôn cúi đầu làm lễ, đều mong muốn nghe.

Thiên Tôn nói rằng:

- Pháp đoạn chướng là nên sinh lòng đại bi, không khởi nghi hoặc, không khởi tham sân, không khởi dâm dục, không khởi ganh ghét, không khởi giết hại, không khởi phàm tình, không khởi phàm tư, không khởi mê bẩn, không khởi thanh sắc, không khởi thị phi, không khởi yêu ghét, không khởi phân biệt, không khởi cao mạn, không khởi chấp trước. Đọng thần lọc lự, muôn thần điều phục, tâm như thái hư, trong ngoài trắng trong, không gì chẳng dung, không gì chẳng nạp. Không khiến ngoại tà loạn chí đạo mình, làm mất chân tông, hỏng đi linh căn, trộm của quý báu, để rồi muôn kiếp mãi đọa dòng phàm, mắc vào lưới tục, vạn ma tấn công, trăm nghìn muôn kiếp chẳng nghe Diệu Pháp, quỷ thần bắt giết, từ sinh vào tử. Bởi vậy các ngươi phải nên chí tâm khéo giữ chân tông, không để tan mất. Các chướng đã nói trên như vậy, mỗi người các ngươi nên trừ dứt đi, thân được thanh tịnh, vượt khỏi các nạn. Đó là Đạo bửu, giữ rường cột Pháp. Lại nên tu thờ Kinh điển này hơn, như gần Ngọc Đế vậy, nảy lòng tôn trọng, chuyên nghĩ tôn dung, ngợi khen tôn hiệu, sau đó các ngươi được thấy từ nhan, cùng được hộ độ, nghe khắp Diệu Pháp, thân phụng cúng dường, mãi không lưu chuyển.

Khi đó bốn chúng nghe rồi hoan hỷ, khen chưa từng có.



QUYỂN TRUNG

Phẩm 02. THÁI THƯỢNG ĐẠI QUANG MINH VIÊN MÃN ĐẠI THẦN CHÚ (太上大光明圓滿大神呪)

Bấy giờ, Ngũ Lão Thượng Đế là thủy tổ trời đất cúi đầu quỳ dài, bạch Thiên Tôn rằng:

- Thầm nghe Cao Thượng Ngọc Hoàng từ niệm thương sinh, phóng khắp thần quang, chiếu rọi pháp giới, lục phàm tứ thánh đều nhờ bóng Đạo. Trộm cho phàm phu kém phần, số mệnh sắp hết, chính đạo nên hành để cứu triệu dân, khiến bậc tu chân có dịp cất nhẹ giúp dân đời mạt, đều được xét thọ. Từ xưa <<Nguyên Thủy Đỗng Huyền Linh Bảo Xích Thư Ngọc Thiên Chân Văn>> sinh trước cả Nguyên Thủy, ở trong không động, trời đất chưa căn, nhật nguyệt chưa sáng, mờ mờ tỏ tỏ, không tổ không tông, chẳng khí chẳng tượng, không sắc không danh, chẳng hình chẳng tự, không âm không thanh, hỗn độn thái vô, linh văn che phủ, chợt còn chợt mất. Đợi lúc chia ra hai nghi, chờ khi thái dương đã sáng. Linh đồ cách vận, huyền tượng dời đổi, thừa cơ ứng hội, thế là còn tồn. Ngọc Đế trao thần Linh Bảo bí triện, thần chú lớn không thể nghĩ bàn, cho nên trời đất được đó mà phân phán, ba cảnh được đó mà phát quang, linh văn tươi tốt sáng ngời Thượng Thanh, bắt đầu trên Trời Thủy Thanh, mà sắc không định phương, chi thế khúc mắc, không thể tìm rõ. Nguyên Thủy luyện ở trong quán Đỗng Dương, dũa ở trong đình Lưu Thủy, chính văn tươi đẹp bừng sáng rạng ngời, Đỗng Dương khí đỏ nên hiệu Xích Thư. Linh đồ đã sáng, vạn đế chầu chân, bay không bước hư, đi quanh thượng cung, đốt hương rải hoa, miệng vịnh Linh chương. Khi ấy trời giáng mười hai điềm lành, đất tuôn hai mươi bốn ứng, trên mừng sự sâu thiêng của Chín Trời, khen sự sáng báu của Ba Trời, gió thiêng đã nổi, hoàng đạo đều thông. Nguyên Thủy đăng mệnh, Thái Chân xét ghi, Ngọc phi phủi cỗ, luyện kim thành thẻ, khắc ghi ngọc thiên, Ngũ Lão cầm lục giấu trong quán Linh Đô của Chín Trời. Ngọc nữ điển hương, Thái hoa cầm khăn, ngọc đồng thị vệ, ngọc bệ chầu hiên, Chín Trời dâng thư, chẳng phải được nghe bởi quỷ thần. Cho nên làm nổi ngôi báu, làm cho thiên tử được trị, làm an được đất giấu, Ngũ Đế cầm coi cho được trấn, ba ánh sáng nhân đó được cao minh, thượng thánh thờ đó để được thần, cao tôn nếm trải để dẫn chân, Ngũ Nhạc đi theo để được linh, thiên tử có được để thịnh trị, vận nước hưởng đó mà thái bình. Quả thật diệu đức của Linh văn là huyền căn của thiên địa. Uy linh rộng lớn, khắp thêm vô cùng, mênh mông đại hóa, là nguồn của thần minh. Lượng nó khó lường, nguy nga như thái không, minh chân có cỡ, nay nên làm theo. Khi đó Nguyên Thủy đổi vận, huyền tượng khai đồ, Linh văn tươi đẹp, thần tỏ năm phương, chia phán trời đất, khai hóa vạn linh. Cái nghiệp của Thái tông này có thể tạm bày ra nơi Hòm Thiêng chứ? Nay hoàng đạo thông suốt, thấm nhuần mười phương, ngẩng xem kiếp vận, gió chân hợp thổi. Lòng riêng thần thật muốn khiến mây che tám chốn xa, gió rải rừng lan, cành lạnh ngưỡng mong được rậm hoa lá, xương khô nhờ ơn rưới móc thiêng sâu. Kính gặp đấng Nguyên từ chỉ mong thương xót lo nghĩ đến thương sinh, không xét <<Linh Bảo Ngọc Thiên Chân Văn>> có thể được gặp trao, hạ giáo cho kẻ chưa nghe được chăng?

Thế là Nguyên Thủy Thiên Tôn vỗ ghế giơ cao, ngưng chân tưởng xa quán thời đã đến, gọi khắp tất cả chân thánh thời hội, luận định âm dương, suy số kiếp hội, sánh dời nguồn sông, kiểm tra nhịp trời, tuyển chọn giống người, nắm bắt thái vô, kêu thấu cửu huyền, nghĩ không mở nghe nơi lời trình, hoặc có ngăn đóng con đường cầu chân.

Lúc đó, Ngũ Lão Thượng Đế bày hỏi không thôi, hồi lâu Nguyên Thủy Thiên Tôn bèn rủ vẻ liếc nhìn, cảm khái khen rằng:

- Nhiệm thay sâu thay! Nay lời ngươi nói há không xa ư. Huyền căn của Nguyên thủy Linh bảo này là chân văn không động tự nhiên, sinh thiên lập địa, khai hóa thần minh, giữ vững Ngũ Nhạc, yên nước vui dân. Linh Bảo huyền diệu là cao quý trong vạn vật, trời phát điềm lành, linh ứng tự nhiên. Nay ba hôm khuất vận, sáu hôm đạo hành, bày dạy tạp pháp, nên có ba mươi sáu nghìn đạo để chọn tâm của kẻ đến. Pháp vận này xong, sau thời Tam Long, vào năm Canh Tí, tạp khí tiêu hết, chư Thiên mừng hội, Chân đạo Ta mới hành. Nay vả có thể giao phó, nên chép trong thượng oản, chưa được lưu hành hạ thế. Huyền khoa có cấm chẳng được truyền ngay. Ngươi có thể đến thượng cung Tử Vi ở Linh Đô nghe thiên âm nơi kim cách, cúi đầu kính ngưỡng Thần vương, sau đó khiến được sẵn sàng thiên văn để tổng ngự cõi Trời của Nguyên Thủy.

Vậy là Ngũ Lão Thượng Đế và các bậc chân thánh, thanh hương chấp giới, quấn quýt đường mây, kêu lệnh mười trời lên viếng Thượng Thanh Thái Huyền Ngọc Đô Hàn Linh Đan điện Tử Vi thượng cung, cúi ngưỡng nhận cách, mới biết Thiên chân quý trọng, khó được nghe liền. Còn phải về lại trước đạo Nguyên Thủy, hỏi lấy nghi của cấm giới, cảm tạ không kịp. Lúc đó Thiên Tôn từ nhan xót dụ, Linh Quan mở toác, ra lệnh Ngũ Lão Thượng Đế mở quán Động Dương, bày cái rương tám quang chín sắc và cẩm nang bằng mây, lấy ra <<Nguyên Thủy Linh Bảo Xích Thư Ngọc Thiên Chân Văn>>, kim thư ngọc triện, vi diệu bí mật, vận ngự Càn khôn Đại quang minh Viên mãn Đại thần chú Ngọc chương, để trao cho Ngũ Lão Thượng Đế và các chân thánh, khiến nương huyền khoa theo pháp để truyền.

Khi đấy Đông phương An Bửu Hoa Lâm Thanh Linh Thủy Lão Thương Đế cáo mệnh thần chú được nhận:

東方九炁,始皇青天,碧霞鬱壘,中有老人,總校圖籙,攝炁舉仙。

Đông phương cửu khí, Thủy Hoàng Thanh Thiên, bích hà uất lũy, trung hữu lão nhân, tổng hiệu đồ lục, nhiếp khí cử tiên”.

Bí văn Thanh Đế hai mươi bốn chữ, chép trong Cửu Thiên nguyên đài, chủ triệu Cửu Thiên Thượng Đế sửa đồ lục thần tiên.

歲星輔肝,角亢鎮真。氐房心尾,四景迴旋。箕主七辰,正斗明輪。承炁捕非,掃除災羣。

Tuế Tinh Phụ Can, Giác Kháng Trấn Chân, Đê Phòng Tâm Vĩ, Tứ Cảnh Hồi Toàn. Cơ Chủ Thất Thần, Chính Đẩu Minh Luân. Thừa Khí Phủ Phi, Tảo Trừ Tai Quần”.

Bí văn ba mươi hai chữ, chép ở điện Đông Hoa cung Tử Vi, chủ triệu tinh quan chữa phép độ trời.

東山神呪,攝召九天。赤書符命,制會酆山。束魔送鬼,所誅無蠲。悉詣木宮,敢有稽延。

Đông Sơn Thần Chú, Nhiếp Triệu Cửu Thiên. Xích Thư Phù Mệnh, Chế Hội Phong Sơn. Thúc Ma Tống Quỷ, Sở Tru Vô Quyên. Tất Nghệ Mộc Cung, Cảm Hữu Kê Diên”.

Bí văn ba mươi hai chữ, chép ở quán Huyền Linh thuộc Đông Hoa, chủ nhiếp quỷ ma, chính Cửu thiên khí.

下制東河,溟海水神,大劫洪災,蛟龍負身。水府開道,通徑百千。上帝赤文,風火無間。

Hạ Chế Đông Hà, Minh Hải Thủy Thần, Đại Kiếp Hồng Tai, Giao Long Phụ Thân. Thủy Phủ Khai Đạo, Thông Kính Bách Thiên. Thượng Đế Xích Văn, Phong Hỏa Vô Gián”.

Bí văn ba mươi hai chữ, chép nơi Cửu Thiên đông bắc Ngọc Khuyết đan đài, chủ nhiếp Đông Hải Thủy Đế, đại kiếp hồng tai, vời chuyện giao long và thủy thần. <<Đông Phương Cửu Khí Linh Bảo Ngọc Thiên Chân Văn>> này gồm một trăm hai mươi chữ, đều sách không động tự nhiên đại thần chú viên mãn đại quang minh Thái thượng Nguyên thượng, còn có tên là <<Sinh Thần Bảo Chân Động Huyền Chương>>, còn gọi là <<Đông Sơn Thần Chú>>, còn gọi là <<Thanh Đế Bát Uy Sách Văn>>.

Có Ngọc Hoàng cáo mệnh, ban cho Đông phương An Bửu Hoa Lâm Thanh Linh Thủy Lão Thương Đế Cửu Khí Thiên Quân, lệnh thống ngự Thượng thánh Cao tôn, Chân tiên Thánh chúng, tất cả uy linh các trời các đất, nhật nguyệt tinh tú, núi hang thiêng liêng, cung phủ sông suối ở phương Đông, đến theo phù mệnh, như cáo phụng hành.

Cáo mệnh thần chú Nam phương Phạm Bửu Xương Dương Đan Linh Chân Lão Xích Đế được nhận:

南方丹天,赤帝玉堂。中有大神,號曰赤皇。上炎流煙,三炁勃光。神仙受命,應會太陽。

Nam phương Đan Thiên, Xích Đế ngọc đường, trung hữu đại thần, hiệu viết Xích Hoàng, thượng viêm lưu yên, tam khí bột quang, thần tiên thụ mệnh, ứng hội Thái dương”.

Bí văn Xích Đế ba mươi hai chữ, chép trong quán Cửu thiên Động Dương, chủ triệu thần tiên chín trời, đồ lục tên vàng.

熒惑輔心,井鬼守房。柳星張翼,抗禦四鄉。軫總七宿,迴轉天常。召運促會,正道驛行。

Huỳnh Hoặc Phụ Tâm, Tỉnh Quỷ Thủ Phòng, Liễu Tinh Trương Dực, Kháng Ngự Tứ Hương. Chẩn Tổng Thất Túc, Hồi Chuyển Thiên Thường, Triệu Vận Xúc Hội”.

Bí văn ba mươi hai chữ, chép trong Tam khí Đan đài, đề nơi tây nam Chính dương, chủ triệu tinh quan, rõ số vận, chính thiên phân.

赤文命靈,北攝酆山。束送魔宗,斬滅邪根。符教所討,明列罪原。南山神呪,威伏八方。羣妖滅爽,萬試摧亡。

Xích Văn Mệnh Linh, Bắc Nhiếp Phong Sơn, Thúc Tống Ma Tông, Trảm Diệt Tà Căn. Phù Giáo Sở Thảo, Minh Liệt Tội Nguyên. Nam Sơn Thần Chú, Uy Phục Bát Phương. Quần Yêu Diệt Sảng, Vạn Thí Tồi Vong”.

Bí văn bốn mươi chữ, chép nơi tây nam Dương chính Ngọc khuyết, chủ chế Bắc Phong, chính quỷ khí.

南河水帝,太伯龍王。神呪流行,普掃不祥。洪水飛災,上召蛟龍。開除水徑,千道萬通。敢有干試,攝送火宮。赤書所告,莫有不從。

Nam Hà Thủy Đế, Thái Bá Long Vương. Thần Chú Lưu Hành, Phổ Tảo Bất Tường. Hồng Thủy Phi Tai, Thượng Triệu Giao Long. Khai Trừ Thủy Kinh, Thiên Đạo Vạn Thông. Cảm Hữu Can Thí, Nhiếp Tống Hỏa Quan. Xích Thư Sở Cáo, Mạc Hữu Bất Tòng”.

Bí văn bốn mươi tám chữ, chép trong tây nam Dương chính Tây khuyết, chủ nhiếp Nam Hải Thủy Đế, đại vận giao kỳ, nước lớn bốn lần chảy ra, triệu chuyện giao long và thủy thần. Nam phương tam khí Linh Bảo Ngọc Thiên chân văn này gồm một trăm năm mươi hai chữ, đều là sách của Thái Thượng Vô Thượng Đại Quang Viên Mãn đại thần chú Không Động tự nhiên, còn có tên Nam Vân Thông Thiên Bảo Linh Kinh, hay tên Cửu thiên Nguyên thượng chi thượng chú, hay tên Xích Đế bát uy Sách văn.

Rồi Ngọc Hoàng cáo mệnh, ban cho Nam phương Phạm Bửu Xương Dương Đan Linh Chân Lão Xích Đế Tam Khí Thiên Quân, lệnh thống ngự Thượng thánh Cao tôn, Chân tiên Thánh chúng, tất cả uy linh nơi các trời, các đất, nhật nguyệt, tinh tú, núi đẹp, động thiêng, thủy phủ, tuyền cung phương Nam, đã đến đúng mệnh, như cáo phụng hành.

Trung ương Bửu kiếp Động Thanh Ngọc Bửu Nguyên Linh Nguyên Lão Hoàng Đế đã nhận thần chú cáo mệnh:

中央總靈,黃上天元。始生五老,中皇高尊。攝炁監真,總領羣仙。典錄玄圖,宿簡玉文。催運上炁,普告萬神。

Trung ương tổng linh, Hoàng thượng Thiên nguyên. Thủy sinh Ngũ Lão, Trung hoàng Cao tôn. Nhiếp khí giám chân, tổng lĩnh quần tiên. Điển lục huyền đồ, túc giản ngọc văn. Thôi vận thượng khí, phổ cáo vạn thần”.

Bí văn Hoàng Đế bốn mươi chữ, chép trong Thái Huyền Ngọc Bửu huyền đài, chủ triệu thần tiên, thẻ ngọc chép tên, tổng quy Tiên khí.

鎮星輔脾,迴度北元。魁𩲃主非,截邪斬根。𩵄䰢魓𩳐,掃穢除氛。魒正玄斗,明度天關。九天符命,金馬驛傳。

Trấn Tinh Phụ Tì, Hồi Độ Bắc Nguyên. Khôi Thược Chủ Phi, Tiệt Tà Trảm Căn. Hoan Hàng Tất Phủ, Tảo Uế Trừ Phân. Phiêu Chính Huyền Đẩu, Minh Độ Thiên Quan. Cửu Thiên Phù Mệnh, Kim Mã Dịch Truyền”.

Bí văn bốn mươi chữ, chép trong Huyền đô Ngọc đài, chủ nhiếp thiên quan, sửa số nhịp trời.

敕攝北帝,遏塞鬼門,翦除不祥,莫有當前。

Sắc Nhiếp Bắc Đế, Át Tắc Quỷ Môn, Tiễn Trừ Bất Tường, Mạc Hữu Đương Tiền”.

Bí văn mười sáu chữ, chép trong Huyền đô Ngọc đài, chủ nhiếp Bắc Đế, chính thiên khí, kiểm quỷ tinh.

中山神呪,召龍上雲,制會黃河,九水河源。不得怠縱,善惡悉分。千妖萬姦,上對帝君。敢有干試,太陽激憤。赤書玉字,宣告普聞。

Trung Sơn Thần Chú, Triệu Long Thượng Vân, Chế Hội Hoàng Hà, Cửu Thủy Hà Nguyên. Bất Đắc Giải Đãi, Thiện Ác Tất Phân. Thiên Yêu Vạn Gian, Thượng Đối Đế Quân. Cảm Hữu Can Thí, Thái Dương Kích Phẫn. Xích Thư Ngọc Tự, Tuyên Cáo Phổ Văn”.

Bí văn bốn mươi tám chữ, chép lên bốn vách Huyền đô Ngọc đài, để thâu nước bốn mạch suối của Thủy đế Trung hải, lỡ lúc phun trào hồng tai, chủ triệu thủy thần, ngăn chuyện thuồng luồng. Trung ương Nhất khí Linh Bảo ngọc thiên chân văn này gồm một trăm bốn mươi bốn chữ, đều là sách ghi không động tự nhiên đại thần chú rất sáng sủa trọn đủ của Thái thượng Vô thượng, còn gọi là Bửu kiếp Đồng thanh Cửu thiên Linh thư, hay tên là Hoàng Thiên Đại Thần Chú, hay Hoàng Đế Bát Uy Sách Văn.

Rồi Ngọc Hoàng cáo mệnh, ban cho Trung ương Bửu kiếp Đồng Thanh Ngọc Bửu Nguyên Linh Nguyên Lão Hoàng Đế Nhất Khí Thiên Quân, lệnh thống ngự Thượng thánh Cao tôn, Chân tiên Thánh chúng, tất cả uy linh hoàng thiên hậu thổ, nhật nguyệt tinh tú, núi đẹp động thiêng, thủy phủ tuyền cung ở trung ương, đã đến đúng mệnh, như cáo phụng hành.

Tây phương Thất bửu Kim môn Hạo Linh Hoàng Lão Bạch Đế đã nhận thần chú cáo mệnh:

西方素天,白帝七門。金靈皓映,太華流氛。白石峨峨,七炁氤氳。上有始生,皇老大神。總領肺炁,主校九天。檢定圖錄,制召上仙。

Tây phương Tố thiên, Bạch Đế thất môn. Kim linh hạo ánh, thái hoa lưu phân. Bạch thạch nga nga, thất khí nhân uân. Thượng hữu thủy sinh, Hoàng lão Đại thần. Tổng lĩnh phế khí, chủ hiệu Cửu thiên. Kiểm định đồ lục, chế triệu Thượng tiên”.

Bí văn Bạch Đế bốn mươi tám chữ, chép trên Bắc hiên Cửu thiên Tố Linh cung, chủ triệu Tiên khí và cất cao tiên đạo.

太白檢肺,奎婁守魂。胃昴畢貲,主制七關。參總斗魁,受符北元。

Thái Bạch Kiểm Phế, Khuê Lâu Thủ Hồn. Vị Mão Tất Ti, Chủ Chế Thất Quan. Tham Tổng Đẩu Khôi, Thụ Phù Bắc Nguyên”.

Bí văn hai mươi bốn chữ, chép nơi song cửa đen Kim Khuyết, chủ nhiếp Bạch Đế tinh quan, sửa ngay nhịp trời.

赤書玉字,九天正文。攝召萬炁,普歸帝君。

Xích Thư Ngọc Tự, Cửu Thiên Chính Văn. Nhiếp Triệu Vạn Khí, Phổ Quy Đế Quân”.

Bí văn mười sáu chữ, chép trong quán ba bức đồ của Cửu thiên Kim khuyết, để thâu sáu khí quỷ trời.

西山神呪,八威七傳。符水上龍,召山送雲。在所校錄,同到帝門。輔衛上真,斬滅邪源。若有不祥,截以金關。赤書符命,風火驛傳。

Tây Sơn Thần Chú, Bát Uy Thất Truyền. Phù Thủy Thượng Long, Triệu Sơn Tống Vân. Tại Sở Giảo Lục, Đồng Đáo Đế Môn. Phụ Vệ Thượng Chân, Trảm Diệt Tà Nguyên. Nhược Hữu Bất Tường, Tiệt Dĩ Kim Quan. Xích Thư Phù Mệnh, Phong Thủy Dịch Truyền”.

Bí văn bốn mươi tám chữ, chép trong quán ba bức đồ của Cửu thiên Kim khuyết, chủ nhiếp Tây hải Thủy đế, chế muôn loài quái trong nước, loài tinh ác độc, gọi rồng mây, ngăn ngừa tai họa lũ lụt hay hạn hán. Tây phương Thất khí Linh Bảo ngọc thiên chân văn này gồm một trăm ba mươi sáu chữ, đều là sách ghi không động tự nhiên đại thần chú rất sáng sủa trọn đủ của Thái thượng Vô thượng, còn gọi là Kim Chân Bửu Minh Động Vi thiên, hay tên là Tây Sơn Thần Chú hay Bạch Đế Bát Uy Triệu Long Văn.

Rồi Ngọc Hoàng cáo mệnh, ban cho Tây phương Thất bửu Kim Môn Hạo Linh Hoàng Lão Bạch Đế Thất Khí Thiên Quân, lệnh thống ngự Thượng thánh Cao tôn, Chân tiên Thánh chúng, tất cả uy linh các trời các đất, nhật nguyệt tinh tú, núi đẹp động thiêng, thủy phủ tuyền cung ở phương Tây, đã đến đúng mệnh, như cáo phụng hành.

Bắc phương Động Âm Sóc Đan Uất Tuyệt Ngũ Linh Huyền Lão Hắc Đế đã nhận thần chú cáo mệnh:

北方玄天,五炁徘徊。中有黑帝,雙皇太微。總領符命,仙鍊八威。青裙羽䙱,龍文鳳衣。上帝所舉,制到玉階。

Bắc phương Huyền thiên, Ngũ khí bồi hồi. Trung hữu Hắc Đế, song hoàng thái vi. Tổng lĩnh phù mệnh, tiên luyện bát uy. Thanh quần vũ độc, long văn phượng y. Thượng Đế sở cử, chế đáo ngọc giai”.

Bí văn Hắc Đế bốn mươi chữ, chép trong Bắc hiên đài Uất Đan Vô Lượng Huyền Nguyên Tử Vi, đồ lục chủ triệu các chân nhân thần tiên.

北辰輔腎,斗牛衛扉。女虛危室,豁落四開。璧總七星,執凶糾非。卻災掃穢,明道動輝。

Bắc Thìn Phụ Thận, Đẩu Ngưu Vệ Phi. Nữ Hư Nguy Thất, Hoát Lạc Tứ Khai. Bích Tổng Thất Tinh, Chấp Hung Củ Phi. Khước Tai Tảo Uế, Minh Đạo Động Huy”.

Bí văn ba mươi hai chữ, chép trong Thiên tâm Bắc nguyên Huyền đẩu, chủ nhiếp Bắc phương tinh quan, và sửa khí trời.

北山神呪,激陽起雷。流鈴煥落,玃天鎮威。北酆所部,萬妖滅摧。

Bắc Sơn Thần Chú, Kích Dương Khởi Lôi. Lưu Linh Hoán Lạc, Quặc Thiên Trấn Uy. Bắc Phong Sở Bộ, Vạn Yêu Diệt Tồi”.

Bí văn hai mươi bốn chữ, chép trong Bắc phương Động Âm Sóc Đan Uất Tuyệt nguyên đài, chủ nhiếp Thiên Ma Bắc Đế, chế phục ác thần vạn quỷ sự.

九河傾訖,鳥母羣飛,蛟龍通道,水陌洞開。赤文玉書,驛龍風馳。

Cửu Hà Khuynh Cật, Điểu Mẫu Quần Phi, Giao Long Thông Đạo, Thủy Mạch Động Khai. Xích Văn Ngọc Thư, Dịch Long Phong Trì”.

Bí văn hai mươi bốn chữ, chép trong Động Âm Sóc Đan Uất Tuyệt nguyên đài, để thâu Bắc hải Thủy đế, chế muôn loài tinh trong nước, chủ triệu thuồng luồng, nổi mây xông mưa gánh lên mình. Bắc phương Ngũ khí Linh Bảo ngọc thiên chân văn này gồm một trăm hai mươi chữ, đều là sách ghi không động tự nhiên đại thần chú rất sáng sủa trọn đủ của Thái thượng Vô thượng, còn gọi là Bản Mệnh Tử Vi Nguyên Thần Sinh Chân Bửu Minh Văn, hay tên là Bắc Sơn Thần Chú hoặc Hắc Đế Bát Uy Chế Thiên Văn.

Rồi Ngọc Hoàng cáo mệnh, ban cho Bắc phương Động Âm Sóc Đan Uất Tuyệt Ngũ Linh Huyền Lão Hắc Đế Ngũ Khí Thiên Quân, lệnh thống ngự Thượng thánh Cao tôn, Chân tiên Thánh chúng, tất cả uy linh các trời các đất, nhật nguyệt tinh tú, núi đẹp động thiêng, thủy phủ tuyền cung ở phương Bắc, đã đến đúng mệnh, như cáo phụng hành.        

Đạo nói: Đại thần chú này là diệu ngôn của Nguyên Thủy, chân cáo của Ngọc Hoàng, linh thư của Thượng Thanh tự nhiên, huyền trát của Cửu Thiên thủy sinh, linh chương của không động, bí ngữ của Thượng thánh, tôn điển của Ngọc Thần, thành thiên lập địa, khai trương vạn chân, sinh nên triệu dân, khuông ngự vận độ, giữ trời còn lâu. Trên chế thiên cơ, giữa xét ngũ linh, dưới răn địa kì. Diệu văn chí chân này là thần ứng tự nhiên cao trong đến trời, khiến đất yên vững, giữ gìn nuôi Ngũ Nhạc, muôn phẩm còn tồn. Xưa Ngọc Đế trao Ngũ Lão Thượng Đế, khi đó Ngũ Lão quỳ bưng chương ấy, bí đề nơi quán Linh Đô, Thiên chân Hoàng nhân xưa chép văn ấy coi nắm trong thượng cung Tử Vi điện Hàn Linh Đan, Thái Huyền Ngọc đô, chân cảnh Thượng Thanh, dồn qua kiếp vận mà văn ấy giữ vững thiên căn, không bị hủy dìm, đổi dời cùng vận. Đại thần chú này trộn thì không đục, vấy thì càng trong, hủy thì không diệt, diệt thì cực sáng. Văn đó cả có được tôn quý bởi Thiên chân, danh thật tự sáng, Đế đồ khắc thẻ, soi tỏ đời sau. Văn đó ẩn bí, người nào có được thì giữ vạn khí trường tồn, siêng hành tu phụng thì chắc đạt thần tiên.

 

Phẩm 03. NGỌC HOÀNG CÔNG ĐỨC (玉皇功德)

Bấy giờ, Ngọc Hư Thượng Đế bạch với Thiên Tôn:

- Chỉ mong từ bi, nguyện vì người trì Kinh này trong hàng bốn chúng, Đế Thích và bốn Phạm Thiên vương, tất cả chư Thiên, tất cả chư Tiên, cùng tất cả chúng sinh vị lai, nói việc lợi ích.

Khi đó, Thiên Tôn bảo Ngọc Hư Thượng Đế rằng:

- Hay thay, câu hỏi này quả không hổ là tốt lành! Ngươi vì từ bi thương xót chúng sinh nên mới thỉnh vấn nơi Ta.

Thiên Tôn nói rằng:

- Nếu có vô lượng cõi nước và quốc vương, đại thần trong ba cõi mười phương hoặc là binh giáo nổi lên, bệnh dịch tràn lan, lụt hạn sâu hại, nạn dữ đói kém, bấy giờ nhà vua, hậu phi, thái tử, tể phụ, đại thần nước đó nên phát lòng từ bi vì cứu lê dân của mình, ra lệnh khắc các quan trấn châu huyện và sắc cho hàng Đạo lưu thanh tịnh nghiêm khiết trong quán, bày lễ chay lớn, sáu thời hành đạo, vì chuyển Kinh này nên cõi nước được thanh bình, ngũ cốc dồi dào, dân chúng yên vui.

- Nếu lại có người vào các núi rừng, gặp thú độc ác, chỉ có thể dồn suy nghĩ một lòng niệm Chân kinh, thần núi hộ vệ, thú dữ tự lui, trọn chẳng hại mình. Nếu vào sông vào biển để tìm kiếm châu báu, lỡ gặp gió dữ, đúng pháp trì niệm là Chân kinh này, sóng gió ngừng ngay, yên ổn vào bờ.

- Nếu trong quân đội đã đỡ giáo mác, đao kiếm giao tranh, tồn tâm mặc niệm đến Chân kinh này thì bọn giặc dữ sẽ lui chạy hết.

- Nếu ở trong lao ngục bị gông cùm, tịnh tâm định lự tồn niệm Chân kinh, tháo gỡ oan uổng, liền được giải thoát.

- Nếu bị ngặt bởi tà tinh, giặc quỷ, các thứ khổ, như pháp trì niệm theo Chân kinh này, chúng tà tránh xa, tự nhiên trừ khỏi.

- Nếu người vì cầu con nối dõi, tôn trọng đúng pháp, trì niệm Kinh này, Ngọc Đế sắc Thiên tào kiểm rõ đơn tịch, trong vòng chín phẩm, bốn quả tiên nhân, đúng vận số hợp, cho giáng sinh xuống làm con nhà đó, tài giỏi thông minh, cao quý trong người.

- Nếu phụ nữ vào tháng lâm nạn, như pháp trì niệm theo Chân kinh này liền được mẹ con bình an, sinh trai gái phước đức, được người yêu mến.

- Nếu vì cầu quan tiến chức, tước lộc hưởng đạt, gặp gỡ đức vua, như pháp trì niệm theo Chân kinh này liền được chức vụ thiên chuyển, con cháu vinh sang, đời đời chẳng tuyệt.

- Nếu người ham muốn tiền bạc giàu sang, như pháp phụng trì theo Chân kinh này, liền được của cải đầy ắp, đồ ăn áo mặc tự nhiên, điềm lành truyền đến con cháu mãi đến muôn đời.

- Nếu người nào bị các sao xấu chiếu mạng, ăn nằm khốn khổ, như pháp trì niệm theo Chân kinh này, các sao xấu kia đổi lại điềm lành.

- Nếu người qua đời, phải vào địa ngục, tên ghi sổ ác, cha mẹ bậc thầy, vợ chồng con cái nên vì người chết trì niệm Chân kinh, hoặc sắp xếp đạo tràng, phướn hoa cúng dường, người chết lập tức được gạt hết tên trong sổ quỷ, thần hồn sinh về Tịnh độ, tội chúng đồng khổ đều nhờ ơn hộ độ, vâng sự thắng lợi này sinh hết lên Trời.

- Lại nữa, nơi nào có Kinh này thì luôn có Chí chân Đại thánh và Vô cực Phi thiên Thần vương mười chốn trời thị vệ cúng dường. Người trì Kinh này đáng được tự xưng là Chính Nhất chân nhân. Người đó dù ở đâu cũng được Chí chân Chí thánh và Kim cương lực sĩ ngầm theo hộ vệ, như hộ thân mình vậy. Dù ra hay vào, du hành đến đâu, trăm tà tránh lối, ma quỷ lui tan, tinh linh trốn sạch, tất cả tai ương không thể đến gần. Người trì Kinh này khi sắp qua đời sẽ không bao giờ thấy ác tướng của các địa ngục, mà thấy ngay tất cả ngọc nữ Thiên cung cầm tràng đến rước, sinh lên cõi Trời. Nếu phước trời tận, hạ sinh nhân gian, liền được ngàn kiếp muôn đời luôn luôn sinh ra làm quốc vương, đại thần, thánh hiền mừng họp, đất nước thanh bình, nhân dân lạc nghiệp, thường có được tính thông minh như đời xưa, tuân thờ Đạo lớn, xoay chuyển tu trì, lên được bờ Đạo. Người trì Kinh này được phước như vậy.

- Lại nếu có người trì Kinh này, hoặc lúc mưa rơi khởi lòng đại bi, đúng pháp hướng không niệm ba quyển Kinh này một lần thì tất cả chúng sinh ở chỗ nào mà mưa thấm đến đều sẽ tiêu diệt ngũ nghịch thập ác, tất cả tội nặng, mọi thứ trọng bệnh đều được thuyên khỏi. Các chúng sinh đó sau khi qua đời không đọa địa ngục, thần hồn sinh lên Tịnh độ, hoa sen hóa sinh, huống chi là người trì Kinh này. Lại nếu có người trì Kinh này lỡ đi trên đường gặp gió lốc thổi mạnh, những bụi đất chạm vào thân người trì Kinh này bay đến chỗ nào thì mọi ác nghiệp của tất cả chúng sinh nơi đó thảy đều diệt tận, không còn đọa vào ba đường ác nữa, sẽ sinh lên Trời. Nên biết công đức trì Kinh không thể nghĩ bàn.

- Người trì Kinh này nếu tắm rửa mình mẩy ở sông ở nước hay ở biển, nước trôi thấm đến chỗ nào thì chúng sinh trong đó, dẫu các tội lỗi của cá, rùa, ba ba, cá sấu, mọi loài thủy tộc, thảy được trừ diệt. Hết một báo thân này, sau khi mạng chung, chúng không còn chịu những thân xác thai, noãn, thấp hay hóa sinh nữa.

- Người trì Kinh này miệng nói ra bất kể lời nào dù thiện dù ác, tất cả thiên ma ngoại đạo nghe thấy đều là pháp âm thanh tịnh.

- Người trì Kinh này nếu gặp các miếu thần, có thể tụng vịnh Kinh này cho thần, các quỷ thần ấy được nghe Kinh này liền thoát đường quỷ, lên đạo Chân tiên, cung kính người ấy như thờ Ngọc Đế.

- Nếu người ở đời bất hiếu cha mẹ, chẳng kính Tam Bảo, sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, làm mọi điều nghiệp ác cực trọng, khi sắp mạng chung nếu có chúng sinh đạo tâm chính tín trong lúc người chết chưa dứt hơi thở, khởi lòng đại bi, ghé bên đầu họ niệm tôn hiệu Ngọc Đế hoặc mười bảy, hai bảy, ba bảy, bốn bảy, cho đến trăm lần, ngàn lần, những nghiệp bất thiện mà người chết kia lúc sinh tiền đã tạo thảy được tiêu diệt, không còn đọa các đường ác, thần hồn bay lên chín cõi Trời, huống chi người thụ trì Kinh này.

- Lại nếu có người nào từ kiếp xa xưa cho đến đời này, luân chuyển kiếp người kiếp trời, trôi nổi trong cõi đời, bản thân chất chứa muôn ngàn lỗi lầm, nếu gặp cái bóng của người trì Kinh này lướt qua thân mình thì giống như được ánh sáng của Ngọc Đế nhiếp thụ vậy, hoặc là cùng ngôn ngữ hay nghe giọng nói của vị đó thì cũng như thờ lời Ngọc Đế nói vậy, chẳng khác gì tiếng Đạo vỗ về, tội chướng kẻ kia mãi được trừ diệt.

- Lại nếu người trì Kinh này làm ra phướn dài, ghi danh hiệu của Ngọc Đế lên cái phướn đó rồi treo lên chiếc sào dài, hoặc để trong quán miếu, hoặc để trong nhà ở, phướn kia được gió thổi phất lên giữ về hướng nào thì tất cả chúng sinh nơi hướng đó được nhờ thắng lợi, tất cả ác nghiệp thảy được trừ diệt.

- Lại nếu có người trì Kinh này ghi danh hiệu của Ngọc Đế lên mọi đồ vật phát tiếng vang chẳng hạn chuông hay khánh, chuông lắc, chụp chã, tất cả những món đạo cụ pháp sự, hoặc vì đạo tràng, hoặc để đánh chơi, hoặc bị gió chạm, khi tiếng kêu phát ra dù xa hay gần, tất cả chúng sinh nghe tiếng đó rồi thì mọi tội chướng thảy được trong sạch.

- Lại nếu có người trì Kinh này hiểu rành lẽ sinh tử, vào sâu núi rừng tu chân học đạo, có lúc đi lên ngọn núi ngoái trông, hễ mắt thấy nơi núi rừng khe hang nào đi nữa thì hàm linh phẩm loại hữu hình hay vô hình, noãn, thai, thấp, hóa, động, thực, bay, ẩn, đủ thứ các loài, tất cả tội nghiệp mãi được trừ diệt, thân tâm thanh tịnh, mạng chung sinh Thiên, huống chi người thụ trì Kinh này. Nên biết người đó chính là Đạo Tạng, là thân công đức vậy.

Bấy giờ, Thiên Tôn gọi Ngọc Hư Thượng Đế nói:

- Nay Ta nói lược, chưa hết cái hay đâu. Nếu nói rộng ra thì hạng phàm lưu tà kiến e nghi ngờ không tin. Công đức Kinh này cùng kiếp khó nói.

Khi đấy, Ngọc Hư Thượng Đế nghe lời nói vậy rồi, tâm sinh hoan hỷ, không gì háo hức hơn nữa, chiêm ngưỡng từ nhan rồi cúi đầu tán thán, phát bài tụng rằng:

Trên chín cõi Trời là chốn Đại La,

Ngọc Kinh Kim Khuyết tầng mây nguy nga.

Trong có Thiên Đế nhân từ huệ hòa,

Chí đạo vô địch hàng phục chúng Ma.

Thiên bảo linh phù, ngọc luật kim khoa,

Muôn ức thần tiên, rất nhiều tràng phan.

Người nghe tội diệt, thoát khỏi sông ái;

Đó hiệu Ngọc Hoàng, chân lão trời cao,

Diệu viên thanh tịnh, trí tuệ biện tài,

Chí đạo chí tôn, Tam giới sư,

Hỗn nguyên tổ, Vô năng thắng chủ,

Cha hiền bốn loài, Cao thiên Thượng thánh,

Đấng đại từ nhân;

Mười hiệu viên mãn, muôn đức quanh thân.

Vô lượng độ nhân, vớt khổ sinh tử.

Bấy giờ, Ngọc Hư Thượng Đế nói xong bài tụng và mười hiệu này rồi, chúng chư Thiên kia khác miệng cùng tiếng khen chưa từng có.

          

Kính lễ Hạo Thiên Kim Khuyết Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế

 

QUYỂN HẠ

Phẩm 04. THIÊN CHÂN HỘ TRÌ (天真護持)

Bấy giờ, Hạo Thiên Thượng Đế nghe nói Kinh Pháp, từ tòa đứng dậy, lạy dài trước Ngọc Đế rồi bạch Ngọc Đế rằng:

- Mong vì người trì Kinh này trong đại chúng và các người, trời, nói việc lợi ích.

Lúc này, Ngọc Hoàng Tôn Đế khởi ý phương tiện, mở cửa lợi ích, bày kho món báu, truyền pháp Linh Bảo, dặn dò Hạo Thiên Thượng Đế rằng:

- Nay ngươi nghe kỹ, sẽ vì ngươi nói công đức thụ trì, giúp nguy vớt khổ, lợi ích còn mất, những chuyện thần diệu.

Chúng chân cúi đầu, đều buông lời rằng:

- Hàng đệ tử hôm nay may được nghe pháp Trạm nhiên Thường trụ, quả là trên làm phước cho chư Thiên ba cõi, dưới tiêu cái độc hại cho tam đồ. Chỉ mong từ bi, vì thương chúng thần nên diễn thuyết diệu nghĩa này.

Ngọc Đế bảo rằng:

- Nếu có chúng sinh hiếu dưỡng cha mẹ, cung kính Tam Bảo, tận trung với vua, không giết, không trộm, không dâm, không ganh, không sân, không hận, không kiêu, không trá, phụng giới trì trai, nghĩ sâu Đạo lớn, sinh lòng tôn trọng, trì tụng Kinh này, Ta liền sắc cho toàn cõi lưu sa bên dưới, truyền khắp mười phương thế giới khôn cùng:

+ Ta sắc cho Đông phương Đông Hoa Đế Quân thanh kỵ thần tiên binh mã, chúng vô số kể, tất lệnh hạ giáng, che chở cho người thụ trì Kinh này;

+ Ta sắc cho Đông nam Phù Tang Đại Đế và bộ chúng thần tiên binh mã của ngài, chúng vô số kể, tất lệnh hạ giáng, che chở cho người thụ trì Kinh này;

+ Ta sắc cho Nam phương Chu Lăng Đại Đế xích kỵ, thần tiên binh mã, chúng vô số kể, tất lệnh hạ giáng, che chở cho người thụ trì Kinh này;

+ Ta sắc cho Tây nam Thái Hoa Nguyên Lão và bộ chúng thần tiên binh mã của ngài, chúng vô số kể, tất lệnh hạ giáng, che chở cho người thụ trì Kinh này;

+ Ta sắc cho Tây phương Hạo Linh Hoàng Lão bạch kỵ thần tiên binh mã, chúng vô số kể, tất lệnh hạ giáng, che chở cho người thụ trì Kinh này;

+ Ta sắc cho Tây bắc Hoàng Thiên Thượng Đế và bộ chúng thần tiên binh mã của ngài, chúng vô số kể, tất lệnh hạ giáng, che chở cho người thụ trì Kinh này;

+ Ta sắc cho Bắc phương Tử Vi Đế Quân hắc kỵ thần tiên binh mã, chúng vô số kể, tất lệnh hạ giáng, che chở cho người thụ trì Kinh này;

+ Ta sắc cho Đông bắc Xung Hư Thiên Quân và bộ chúng thần tiên binh mã của ngài, chúng vô số kể, tất lệnh hạ giáng, che chở cho người thụ trì Kinh này;

+ Ta sắc cho Trung ương Thiên Hoàng Đại Đế, Côn Lôn Thương Lão hoàng kỵ thần tiên binh mã, chúng vô số kể, tất lệnh hạ giáng, che chở cho người thụ trì Kinh này;

+ Ta sắc cho Thượng phương Lai Hòa Thiên Quân, danh sơn đại động thần tiên binh mã, chúng vô số kể, tất lệnh hạ giáng, che chở cho người thụ trì Kinh này;

+ Ta sắc cho Hạ phương tất cả Kim tiên, bốn chúng tám bộ và các quyến thuộc, tất lệnh hạ giáng, che chở cho người thụ trì Kinh này;

+ Ta sắc cho Mười phương Phi thiên Thần vương, Phi thiên Đại thần, tam quan tứ thánh, nhị diệu cửu tinh, Bắc đẩu Nam đẩu, Đông – Tây – Trung đẩu, nhị thập bát tú, trọn chúng sao trời, Kim cương lực sĩ, các chúng thần tiên, cùng với bộ chúng, tất lệnh hạ giáng, che chở cho người thụ trì Kinh này;

+ Ta sắc cho Hàng Ma lực sĩ, Tứ Thiên Môn Vương, Ngũ Nhạc, Tứ Độc, cùng tất cả chủ của các núi khác, bốn biển chín sông, mười hai nguồn nước, non rừng sông lạch, lệnh cùng quyến thuộc, che chở cho người thụ trì Kinh này;

+ Những nơi hiểm ác khiến họ được yên ổn. Ta sắc cho tất cả Thổ địa Linh quan sở tại và các Đại lực Quỷ vương trong hào nước, đều khiến che chở cho người thụ trì Kinh này;

- Khiến chúng Ma ngoại đạo thảy điều khiếp phục, ẩn hình trốn tích, cao bay hải ngoại, xa chạy phương khác, như vậy tất cả quỷ thần bày ra lễ ăn đồ máu trong lang miếu núi rừng sẽ tự tiêu diệt; quỷ sư năm phương lây bệnh ôn dịch, các ngạ quỷ thần và phong vương, thủy quái, nghiệt long, yêu thần, thổ tinh, mộc mị, tự tiêu diệt hết; các loại năm tu, sáu mao, nằm mộng lạ lùng, bùa yểm, ngải độc, dã đạo v.v… đều tự tiêu diệt. Người muốn tâm nguyện gì cũng như ý cả, đều được thỏa mãn. Người trì Kinh này hoặc không theo khoa giáo, chưa thể tu trai, chưa đủ tịnh giới, nhưng có thể tin nhận, tôn trọng, ngưỡng mộ Kinh điển này, thì cũng ngang bằng với người tu trai và hộ tịnh giới vậy. Công đức người này thản nhiên vô ngại, tự tại tiêu dao, Thánh trong loài người, đức huệ luôn đẹp, bằng các chân nhân.

Bấy giờ, Hạo Thiên Thượng Đế nghe nói vậy rồi, bèn làm bài ca trước Ngọc Đế rằng:

Lớn thay Chí đạo, vô hình vô danh.

Xa xăm ức kiếp, Hoàng Đạo mở trong.

Thần thanh sáng chói, chín hồn nhả tinh.

Ngọc Hư bừng rỡ, bầu trời cao minh.

Ngọc Hoàng khai hóa, cứu vớt trời người.

Tam nguyên Đạo dưỡng, nhị tượng nhiếp sinh.

Rễ xưa cây cối, đã héo lại tươi.

Sâu bọ lúc nhúc, trường sinh hóa hình.

Mang thai dạ chửa, đều được sinh thành.

Người chết qua đời, hồn về Tam Thanh,

Hồn chịu luyện độ, bay lên Nam cung.

Hôm nay đại cát, đều được sáng sủa.

Năm dịp chói chang, báo khắp vạn linh.

Thiên địa thần kì, và các nguồn nước.

Ngũ Nhạc, Tứ Độc, và các danh sơn.

Động huyền, Động hư, Động không, Động tiên,

Vô cực Đại thánh, Chí chân Tôn thần,

Vô cùng vô cực, coi khắp độ sinh.

Ác căn đoạn tuyệt, Huyền Đô ghi danh.

Chúng chân dàn ban, đều nghe Đế nói.

Kinh là Đế sắc, giữ người trì tụng.

Vượt sang bờ Đạo, không để tai xâm.

Ta phụng mạng Đế, tất cả cùng nghe.

Khi đó, Hạo Thiên Thượng Đế thốt lời ca xong, bảo với đại chúng:

- Lời Diệu Pháp này của Ngọc Hoàng là lời nói bí mật của các Thánh, dứt đường cắt lối, vi diệu khó nghĩ, phép lớn nguy nga, là nguồn của thần minh, giữ gìn đất nước, cứu độ sinh tử.

Bấy giờ, khi Hạo Thiên Thượng Đế nói lời vậy, thanh chúng tiệc pháp đều ngưỡng lời Đạo, được khai ngộ cả. Thế là Thiên Tôn bèn nói kệ rằng:

Ngọc Hoàng công đức lớn,

Lẽ mầu cực sâu xa.

Sinh ra trước kiếp cả,

Vận hóa khắp xưa nay.

Nay Ta nói Kinh mầu,

Thương nghĩ các hữu tình.

Thật vậy Pháp cực diệu,

Công đức trong công đức.

Danh hiệu Tối thượng thừa,

Bậc nhất không sánh nổi.

Ngọc Tôn rất sáng sủa,

Uy đức thánh hy hữu.

Hay phá bạo ác ma,

Đều khiến tâm hàng phục;

Hay diệt tội cực nặng,

Đều khiến được thanh tịnh.

Nếu người nghe Kinh này,

Hoặc nghe danh Ngọc Đế,

Cúi đầu sinh cung kính,

Tất cả tội tiêu diệt.

Mười ác, bốn trọng tội,

Ngũ nghịch hại cha mẹ,

Tín tâm nhất xưng danh,

Theo tiếng đều tiêu diệt.

Bảo hộ chúng người, trời,

Bốn tướng và năm suy.

Tam đồ khổ quá nặng,

Nhân gian thấy vạ tai.

Năm dữ đói kém tang,

Thuốc độc và yểm mị,

Hình ngục và oan gia,

Quân đội đấu chiến khổ,

Trong đường ghê rừng núi,

Loài hổ, báo, sài, lang,

Loài rồng độc sông biển,

Sấm sét, gió, mưa, bão,

Nước lửa và trộm cướp,

Trong tim bị ngải độc,

Thất chí phát cuồng loạn,

Rắn bọ độc, ác trùng,

Tà ma, hung quái thần,

Tìm kiếm đặng hại người.

Do trì Chân kinh này,

Thảy đều tự tan diệt.

Bệnh ngặt nằm gối lâu,

Ngủ mơ cũng chẳng yên,

Phi lý muốn tàn mệnh,

Diệt sạch không bị ương.

Vì duyên gặp Kinh này,

An ổn được tự tại.

Tất cả nguyện mong ước,

Của báu và giàu sang,

Nhờ công đức Kinh này,

Như ý đều xứng toại.

Thần uy tự tại tiên,

Chúng đức mười một diệu,

Ba mươi hai Thiên chủ,

Hai mươi tám Tú vương,

Hàng Linh phi Ngọc nữ,

Thiên thần và Địa kì,

Thần hư không ba cõi,

Các Long vương sông biển,

Thần nước, lửa và gió,

Cung điện và nhà cửa,

Chúng núi, rừng, cây, cối

Thần hào, lạch và suối,

Do bởi trì Kinh này,

Tất cả đều ủng hộ.

Ăn mặc thường tự nhiên,

Con cháu ở phú quý.

Nói ra người hiếm nghe,

Hết thảy đều cung kính.

Nếu vì cầu con cái,

Trì tụng Chân kinh này,

Ngọc Đế lệnh Thiên tào,

Cho tiên nhân xuống trời,

Truất giáng sinh nhà ấy,

Để làm con cái họ.

Hiển quý người kính nể,

Bảy tổ đều lên Tiên.

Sáng sủa rạng cửa nhà,

Lan tới cả mẹ cha.

Điềm lành thường lên mãi,

Tai chướng chẳng xâm hại.

Bởi vậy nay Ta nói,

Đại chúng nên lắng nghe.

Từ bi độ tất cả,

Đều khiến tới Thượng Thanh.

Và rồi Thiên Tôn bảo khắp bốn chúng:

- Phàm người trì niệm Kinh này, thụ trì Đế hiệu, đều là đạo căn thâm trọng, có thiện duyên xưa. Kinh này tôn diệu, phổ độ trời người. Nếu tinh tâm cung phụng thì nước nhà an ninh, giữ mệnh qua tai, xua mọi điềm gở. Thiên tử, vương hầu người nào thờ được thì nước hưởng thái bình, giặc dữ tự tan, không phải chiến tranh biên vực. Triệu dân ca hát, thịnh vượng khắp trời. Vận được mấy năm thì nên hành chính đạo. Cái mà ta có được là Thiên chân diệu trọng đấy! Kín kẽ! Kín kẽ!

      

Phẩm 05. BÁO ỨNG THẦN NGHIỆM (報應神驗)

Bấy giờ, Từ Bi Độ Ách chân nhân, Tầm Thanh Cứu Khổ chân nhân, Tế Sinh Độ Tử chân nhân, Vạn Phúc Hộ Thân chân nhân đều từ tòa dậy, vượt ban đi ra, cùng thưa Thiên Tôn rằng:

- Nếu như các hạng phàm phu đời mạt dù có thiện duyên cũ được gặp Kinh này, song bị ô uế bởi các loại tà chướng, nghi hoặc đầu đuôi, chẳng tin công đức Kinh này. Hạng người như vậy thấy trong quá khứ đã mắc tội báo gì nơi các địa ngục vậy? Chỉ mong Thánh từ nói về cái khổ báo ứng nẻo ác của họ.

Khi đó Thiên Tôn bảo bốn vị Chân nhân rằng:

- Nếu chúng sinh ngang bướng hung tợn bất thiện trong các thế gian trọn ngày suốt đêm, đối với các đạo tượng không có lòng cung kính, buông lời phỉ báng thì mắc tội sẽ đọa năm ngục Vô Gián. Nếu được gặp gỡ người trì Kinh kia bày các phương tiện, dẫn dụ khuyên răn, loại người như thế tạm diệt ác tâm, tin hướng Kinh này, tội nghiệp người đó sạch hết không còn. Lại nếu có người xấu tà kiến ngu chấp, đọc trì Kinh này lại nảy nhiều thứ ác nghịch, cái nhìn lệch vạy, thậm chí khởi một ác tâm, buông một lời ác, bài báng những người trì Kinh này, tội ấy hơn kia, sau khi mạng chung rơi vào địa ngục lớn, mãi mãi không có ngày hẹn ra, huống chi chúng sinh ở đời được gặp Kinh này, chẳng sinh kính ngưỡng, tay nhơ chạm nhớp, ăn cay đọc tụng, giường chiếu bất tịnh, liền đem an trí, hoặc đọc Kinh này, nói theo lời tục, cùng nhau vui đùa, cho là lệ thường. Hạng người như vậy, sau khi mạng chung đọa ngục Vô Gián, mãi mãi không có ngày hẹn ra, vạ đến chín tổ, chịu phạt Phong Đô; lụy luôn con cháu, hại đến đời sau. Người đó ở trong địa ngục trải vô lượng kiếp chịu khổ não lớn, gặp vô biên Thánh dang tay cứu vớt, tội ác nhỏ dần. Lại gặp Thánh cứu cho ra khỏi, sinh vào ngạ quỷ, trải nghìn muôn kiếp chẳng nghe tới tên nước tương. Quỷ báo ra rồi sinh vào súc sinh. Súc sinh báo khỏi, nếu sinh làm người thì sinh vào dân mọi, ngoại đạo, lại là thân gái, bần hàn khốn khổ, còm tàn trăm bệnh, chịu vô lượng khổ, bị người ruồng bỏ, muốn sống chẳng được, muốn chết chẳng xong. Vì khinh Kinh này nên mắc tội như thế.

- Lại nếu có người lúc đầu tuy tin nhận nhưng về sau lại khinh lờn, đồng tử thiện ác tấu lên Tam quan, sổ đen ghi tên, thẻ xanh giảm tính, sau khi thân tàn, bị bắt tù tội, qua lại tam đồ, không được giải thoát. Hoặc ngay hiện đời mắc nhiều thứ bệnh, ghẻ, hủi, ung thư, cho là quả báo, thảm thương khổ não, ngày đêm tiêu điều, mà thân xác còn bị cái ác hoạnh gây đau; hoặc bị lao ngục gông cùm, trái ngang tự hại, lỡ ăn món độc; hoặc bị cọp, sói, rắn độc ăn thịt, hoặc bị oan gia đến trả thù; hoặc đi rừng núi lỡ gặp người ác, bị hắn chém giết, quăng xác bờ đồi; hoặc bị loài tà tinh, vọng lượng tàn hại, hoặc bị lửa đốt nước cuốn, hoặc bị đao binh chém chặt. Vì khinh Kinh này nên năm nào cũng mất mát, mắc quả báo như vậy. Không buồn lắm sao, không đau lắm sao!

- Nên dặn các ngươi, theo đó phụng hành, chớ sinh tà niệm. Nếu các niệm chẳng sinh, vạn duyên ngừng dứt, ác nghiệp trần sa tiêu tán theo tâm; tất cả tai ma tự nhiên tan biến. Công đức Kinh này không thể nghĩ bàn. Quả đây là Diệu pháp Tối thượng khôn sánh, vua trong các Kinh, có lợi ích lớn. Chẳng đúng người thì không nói. Nếu các người cõi trời hiện năm suy bốn tướng, sắp phải luân hồi, có thể xả trừ vọng tưởng, thụ trì Kinh này, ngồi gọi tự nhiên, phước trời càng vững, thân vượt ba cõi, trường tồn với Đạo. Kinh điển như vậy không gì sánh nổi, không gì hơn được. Đại uy đức Đại thần chú này có thể khiến tất cả cây khô mọc lại cành lá, hoa quả sum suê, có thể trừ khổ não cực nặng của chúng sinh, có thể khiến chúng sinh đoản mạng được trường thọ. Công đức Kinh này không thể nghĩ bàn, khó lòng thấu tận. Nếu không phải xưa kia từng trồng gốc Đạo và rộng gieo nghiệp phước, thậm chí tên Kinh còn chưa được nghe, thì làm sao thấy được Kinh này? Hẳn là Kinh theo chân cách Tam Động, tám vạn kiếp mới truyền một lần, là báu vật của Thượng thánh Chí chân chốn Thanh Đô, giấu nơi cung Thìn trong Kim Khuyết Ngọc Kinh, rất ư vi diệu, khó mà gặp gỡ. Nếu đã có tiên cốt từ xưa, đáng là người của chân tiên chín Trời, thì được gặp văn ấy, vì vâng duyên này nên về sau sẽ chay kim báu, theo thầy thề thốt nhận lấy, rồi mới thừa cơ ứng vận, có thể giao cho. Không được khinh tiết, kính vâng cẩn thận!

Và rồi Thiên Tôn tuyên lại nghĩa này, nói bài kệ rằng:

Giả sử nước sông ngòi,

Sóng tung mọc hoa sen,

Lông quạ đen thành trắng,

Khó gặp như Kinh này.

Giả sử rùa mọc lông,

Bứt để dệt quần áo,

Đêm trăng không thấy nữa,

Khó gặp như Kinh này.

Giả sử chân muỗi mòng,

Có thể bắc làm cầu,

Gánh chở mọi đồ nặng,

Khó gặp như Kinh này.

Giả sử chim mỏ vàng,

Ngậm hết các non Thái,

Quẳng sang cõi nơi khác,

Khó gặp như Kinh này.

Giả sử một chiếc lá,

Chở được núi Côn Lôn,

Lướt trôi trên biển lớn,

Khó gặp như Kinh này.

Giả sử các loài đỉa,

Có thể mọc được răng,

To như răng ngà voi,

Khó gặp như Kinh này.

Giả sử lá bồng hao,

Trùm được vô số cõi,

Che chở vô số chúng,

Khó gặp như Kinh này.

Giả sử loài quạ kiêu,

Cùng đậu trên một cây,

Miệng ăn nuốt lẫn nhau,

Khó gặp như Kinh này.

Giả sử thỏ mọc sừng,

Có thể bắc thang đá,

Lên tận Trời Hửu Đỉnh,

Khó gặp như Kinh này.

Giả sử con chuột nhắt,

Giống như thang sừng thỏ,

Đến ngày ăn được trăng,

Khó gặp như Kinh này.

Giả sử mặt con lừa,

Sắc như quả tần-bà,

Lại có thể múa hát,

Khó gặp như Kinh này.

Giả sử con ruồi nhặng,

Hút được rượu chung đá,

Mê man say túy lúy,

Khó gặp như Kinh này.

Bấy giờ, Thiên Tôn tuyên thuyết kệ xong, bảo khắp bốn chúng:

- Do vậy người trì Kinh này gọi là Thân công đức, vì tất cả hữu tình được họ che chở. Người trì Kinh này gọi là Thân thần thông vì tất cả điềm lành đều tụ tập đến. Người trì Kinh này gọi là Thân thanh tịnh vì các ác nghiệp không thể đến gần. Người trì Kinh này gọi là Thân uy đức vì thiên ma ngoại đạo không thể khuất phục. Người trì Kinh này gọi là Thân vô đẳng vì Thượng Đế khen ngợi, muôn Thần kính. Người trì Kinh này gọi là Thân kiên cố vì ác kiếp đại nạn không thể hại được. Người trì Kinh này gọi là Thân Đạo tạng vì nói ra lời gì quỷ thần đều ngưỡng. Người trì Kinh này gọi là Thân từ bi vì chúng sinh sáu nẻo nhờ điều thiện của họ. Người trì Kinh này gọi là Thân đại đạo vì ra vào nơi đâu cũng không sợ sệt. Người trì Kinh này gọi là Thân lương y vì giỏi làm Diệu pháp làm người yên vui. Người trì Kinh này gọi là Thân quang minh vì luôn được nhiếp thụ bởi ánh sáng Ngọc Đế. Người trì Kinh này gọi là Thân tự tại vì thần có thể dạo nơi cảnh đẹp Thiên cung. Công đức trì Kinh không thể nói hết. Lại nếu đạo sĩ chí nhân có thể kết đàn tụng Kinh, mặc áo mới sạch, vào sau nửa đêm lặng lẽ một mình trong thất thanh tịnh, cúi rập chín lần, ngồi ngay hướng đông, tụng vịnh Kinh này. Khi vào lúc ấy, ghế ngự Thái chân, Ngọc phi phủi chiếu, vạn thần dàn ban, chư Thiên ghé mái, ba cõi thị vệ, Ngũ Đế coi nghênh. Rồi sau nhắm mắt tĩnh tư, tồn tưởng Kinh này, bất giác thân ở trong năm mây, thoáng thấy thân mình ánh sáng chói chang, bay lên cung Trời, chúng chân xuống rước, lòng thỉnh điều gì đều được ứng phụng; tiên đan diệu bảo tùy ý được dùng. Bởi nên theo khoa kín lòng, phụng hành Kinh này, cho đến Kim tiên ba đời, Đại thánh mười phương, đều y theo Kinh này tu phụng, nên chóng được siêu chứng Vô thượng Diệu đạo. Ngọc Đế đây là thầy của chư Phật, vua của chúng Thánh. Bởi vậy phàm phu gặp gỡ Kinh này sẽ được Ngũ Đế hầu bên, sai gọi thần tiên, ngự đến cung Thần, vận dẫn âm dương, ngàn chân kính ngưỡng, muôn thần khiếp phục, trăm tà tránh đường, bầy ma cột hình, sau khi qua đời liền được thụ luyện Nam cung, bay lướt Thượng Thanh, tiêu dao tự tại, trường tồn với Đạo. Lại giả sử chúng sinh thế gian từng nghe Kinh này, tâm thường khát ngưỡng, có thể chọn chỗ thanh tịnh trong nhà, vẽ tượng Đế Tôn, ngày đêm thành thành, sớm chiều kính kính, hương, hoa, đèn, quả, tôn trọng cúng dường, xưng danh chiêm lễ, người đó sẽ được ba mươi loại công đức thượng diệu:

1- Chư Tiên khen trọng;

2- Tiên vong lên Trời;

3- Giải thoát nạn xưa;

4- Đi đâu cũng thông;

5- Không bị trộm cướp;

6- Điều ước thỏa lòng;

7- Trừ ách nước lửa;

8- Hoạnh sự tiêu tan;

9- Đêm mơ điềm lành;

10- Bệnh tật không ghé;

11- Trí tuệ thông minh;

12- Người gặp hoan hỷ;

13- Ăn mặc sung túc;

14- Con cháu vinh sang;

15- Họ hàng thấy vui;

16- Dòng họ hòa mục;

17- Trừ ba ác báo;

18- Chuyển nữ thành nam;

19- Dáng vẻ đoan nghiêm;

20- Đại thần nước nhà;

21- Sinh làm đế vương;

22- Quỷ thần khâm ngưỡng;

23- Đắc Túc mạng thông;

24- Chư thần hộ niệm;

25- Chín họ được ấm;

26- Sống lâu ở đời;

27- Hữu tình cậy thiện;

28- Ma vương giữ rước;

29- Quyết vượt ba cõi;

30- Bay lên ban ngày.

Bấy giờ, Thiên Tôn lại bảo bốn chúng:

- Công đức Kinh này có thể nghiền nát những ngọn núi Thiết Vi, cạn nước bể khổ, phá địa ngục lớn, vớt khổ tội nặng, hàng ma bạo ác, hộ các cõi nước, có thể diệt tất cả ác quỷ, có thể trừ tất cả trọng bệnh, có thể giải tất cả ác độc, có thể lìa tất cả ác nhân, có thể phục tất cả độc thú, có thể bẻ tất cả tà đạo, tất cả chư Thiên đều khiến hàng phục. Những công đức khác không nói hết được.

Lúc này, đại chúng đạo tràng, Kim tiên Bồ-tát, Chân thánh quyến thuộc nghe nói vậy rồi, hoan hỷ háo hức, cúi đầu kính lễ, rồi nói lời tụng:

Lớn thay Đại Đạo,

Thượng chân không nguồn.

Trên độ chư Thiên,

Dưới vớt u hồn.

Trên không sư tổ,

Chỉ Đạo là thân.

Đài son phủ tía,

Kim Khuyết Ngọc Kinh,

Giấu Diệu Pháp này,

Trải phước hàm linh.

Diệt muôn tội ta,

Tăng tuổi thọ ta.

Muôn thần chầu lạy,

Ma Vương bảo nghênh.

Công đức xương thịnh,

Thẻ vàng ghi danh.

Xa xăm ức kiếp,

Khiến ta trường tồn.

Thế rồi hội chúng nói bài tụng xong, cúi đầu quy y, kính chào cáo lui.


Sài Gòn, ngày 17 tháng 6 nhuận năm Đinh Dậu (2017).

Nguyên A Tử dịch xong.        



[1] Giả thác Nguyên Thủy Thiên Tôn diễn thuyết câu chuyện Ngọc Hoàng tu đạo chứng tiên và công đức quả báo tụng niệm kinh chú Ngọc Đế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi thứ 1 (Nam Bắc triều Đại chiến Diễn nghĩa)

  b õ a   NAM–B Ắ C TRI Ề U ĐẠ I CHI Ế N DI Ễ N NGH Ĩ A Romance of Northern and Southern dynasties 南北朝大戰演義     Tác gi ả CỰ LANG (NGUY Ễ N TH À NH SANG) H ồ i th ứ 1: Cảnh hàn vi, cô mợ khinh bỉ Thi võ tr ạ ng, anh hùng long vân Có bài th ơ r ằ ng: Cu ồ n cu ộ n C ấ m Giang đ ông ra bi ể n, H ả i D ươ ng long khí thu ỷ phong li ề n. R ồ i đ ây thiên h ạ ba đ ào n ổ i, Th ế s ự bi ế t ai m ớ i thánh hi ề n? Tương truyền từ cổ đại, bên nước Tàu ( 匿艚 ) có tam đại Hạ ( 夏 ), Thương ( 商 ), Chu ( 周 ). Tổ của nhà Chu là Văn Vương Cơ Xương ( 文王姬昌 ) có một trăm con, trong số đó có người con thứ tên là Cơ Chấn Đạc ( 姬振鐸 ) sau này được phong làm bá tước ( 伯爵 ) ở nước Tào ( 曹國 ), truyền hai mươi sáu đời đến Tào bá Dương ( 曹伯陽 ) thì bị diệt quốc, có người hậu duệ là Cơ Chất Khiết ( 姬騭絜 ) ở lại làm dân của nước Tống ( 宋國 ). Nước Tống sau này bị nước Tề ( 齊國 ) diệt vong, dòng dõi Cơ Chất Khiết lại trở thành dân nước Tề. Nước Tề cuối cùng bị n

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ”

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ” [1] Tác giả: JAMES P. MCDERMO. Dịch Việt: Nguyễn Thành Sang. Nguyên tác: “The Kathāvatthu Niyāma Debates,” trích Chuyên san Hiệp hội Phật học Quốc tế (The Journal of the International Association of Buddhist Studies), tập 12, năm 1989, số 1. Một loạt những biện luận về các điều được phiên dịch nhiều kiểu khác nhau là “đảm bảo” (assurance), “tính cố định” (fixity), “định số” (destiny), và “xác định” (certitude; Pāḷi: niyāma , tham khảo thêm về niyata ) được phân bố rộng rãi thông qua Luận Sự phẩm loại luận ( Kathāvatthuppakaraṇa ). [2] Những cuộc luận chiến này chủ yếu được quan tâm với những hàm nghĩa của sự tiến nhập giải thoát đạo. Theo Luận Sự phẩm loại luận Nghĩa sớ ( Kathāvatthuppakaraṇa Aṭṭhakathā ), những giáo đồ bộ phái phân phụ của Án-đạt-la bộ ( Andhaka ) là Tây Sơn Trụ bộ ( Aparaseliya ) với Đông Sơn Trụ bộ ( Pubbaseliya ), và Bắc Đạo bộ ( Uttarāpathaka ), cũng như giáo đồ Thượng Tọa bộ ( The

CÁC CHÍNH QUYỀN QUY TỤ BÍ MẬT BỊ NHÀ NƯỚC TRUNG CỘNG GẮN NHÃN “PHẢN ĐỘNG” VÀ THỦ TIÊU (Kỳ 1)

Các chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t v ớ i mong mu ố n xây d ự ng chính quy ề n c ủ a h ọ , vô tình hay h ữ u ý vì ra đờ i trong th ờ i đạ i có chính ph ủ C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa hình thành nên đ ã b ị quy k ế t là nh ữ ng l ự c l ượ ng “ph ả n độ ng” và b ị nhà n ướ c Trung C ộ ng ra s ứ c đ à n á p. Nh ữ ng th ự c th ể chính quy ề n này đ ã ho ạ t độ ng trong lãnh th ổ c ủ a C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa, sau đ ó đ ã b ị chính ph ủ các c ấ p, c ơ quan t ư ph á p v à qu â n độ i Trung C ộ ng th ẳ ng tay tiêu di ệ t. Chúng ta hãy cùng tìm hi ể u v ề quá trình hình thành và b ị di ệ t c ủ a các chính quy ề n này. Giai đ o ạ n tr ướ c n ă m 1960 1. Th ượ ng Minh qu ố c ( 尚明國 ) Th ờ i gian t ồ n t ạ i: 1937–1951 (14 n ă m) Hoàng đế : L ư u Kim Lan ( 劉金蘭 ) Niên hi ệ u: Th ượ ng Minh ( 尚明 ) Th ủ đ ô d ự đị nh: Trung Kinh (t ứ c B ắ c Kinh) C ă n c ứ đị a: huy ệ n Oa D ươ ng, t ỉ nh An Huy Th ượ ng Minh Qu ố c là chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t do th