Chuyển đến nội dung chính

GIỚI THIỆU A-HÀM TÔNG



– Người viết: NGUYỄN THÀNH SANG

Tóm lược: Bằng lối văn tự sự, tường thuật, sưu tầm từ nhiều nguồn tư liệu sách báo, trang điện tử, bài viết này mang tính dẫn nhập cho độc giả Việt ngữ biết đến một hình thức tôn giáo mới mà trên danh nghĩa là một tông phái Phật giáo: A-hàm Tông (Agon Shū). Thông qua bài viết này, tìm hiểu về sự hưng khởi và quá trình phát triển của A-hàm Tông, cũng như giáo lý mà họ đưa ra, từ đó để chúng ta cập nhật được thông tin tôn giáo một cách thời sự và mới mẻ. Đây là một chủ đề mới lạ, vì trước nay ở Việt Nam chưa thấy có bài viết nào về tông giáo này. Người viết muốn giới thiệu cho bạn đọc trong và ngoài nước về một trong những loại hình tôn giáo mới tại Nhật Bản nói riêng và trên thế giới nói chung, nhằm mang lại tri thức thời sự về tình hình phát triển tôn giáo toàn cầu, nghiên cứu về tôn giáo mới, nguyên nhân phát sinh và tầm ảnh hưởng của tôn giáo mới đối với cuộc sống nhân loại. Đây sẽ là một trong những nguồn tư liệu cần thiết cho những nhà nghiên cứu tôn giáo, đặc biệt là khi cần tìm hiểu những vấn đề như lý do xuất hiện nhu cầu có Tôn giáo Mới, những tác dộng của Tôn giáo Mới đến xã hội hiện đại và dự báo tương lai về tình trạng tín ngưỡng – tôn giáo toàn cầu.
     Từ khóa: A-hàm, A-hàm Tông, Kiriyama Seiyū, tôn giáo mới.
 
Người sáng lập A-hàm tông - Kiriyama Seiyū (Đồng Sơn Tĩnh Hùng).
I. SÁNG LẬP A-HÀM TÔNG
1. A-hàm Tông là gì?
A-hàm Tông (Nhật Roman: Agon Shū; Hán: 阿含宗) là một trong những tôn giáo mới nổi tại Nhật Bản nói riêng cũng như phong trào tôn giáo mới rộ lên sôi nổi trên thế giới vào thế kỷ 20 nói chung. Tông phái này được diễn biến hóa từ Chân Ngôn Tông của Phật giáo Nhật Bản. Tên gọi đầy đủ của nó là “A-hàm Tông tổng bản sơn Đại Nhật sơn Kim Cương Hoa tự Quan Âm Từ Huệ hội”.[1] A-hàm Tông sơ khởi vào thập niên 50 của thế kỷ 20 và phát triển chín muồi vào thập kỷ 70.[2]
Về tên gọi của tông phái này, A-hàm Tông được dịch sang Anh ngữ là Agama School. Gọi là A-hàm vì các giáo lý cơ bản dựa trên Kinh điển A-hàm (Āgama) – là bộ kinh điển kết tập của Phật giáo Sơ kỳ, gồm nhiều bài kinh khác nhau nằm trong Kinh Tạng (Sūtra Piṭaka). Tôn giáo này có trụ sở năm 1954, do người sáng lập là đạo sư Kiriyama Seiyū (Đồng Sơn Tĩnh Hùng) chính thức thành lập năm 1978, được công nhận pháp lý vào năm 1981. Trụ sở chính đặt tại Kyōto (Kinh Đô).[3]
A-hàm Tông cho rằng trong quá khứ, Phật giáo đã bị phân loại sai lầm thành Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Tiểu Thừa. Đó chỉ là phân loại do chia bè lập phái trong lịch sử, và ngày nay Phật giáo nên được chia là Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Nguyên Thủy. Bản thân A-hàm Tông tự tin xưng rằng mình chính là Phật giáo Nguyên Thủy (Original Buddhism).[4]
2. Cuộc đời và sự nghiệp của Kiriyama Seiyū
Kiriyama Seiyū (zh. 桐山靖雄; hv. Đồng Sơn Tĩnh Hùng; 5/1/1921 – 29/8/2016) quê ở thành phố Yokohama, huyện Kanagawa, tên thật là Tsutsumi Masuo (zh. 眞壽雄; hv. Đê Chân Thọ Hùng). Cha ngài lúc trước làm nghề kiến trúc xây dựng, sau chuyển sang làm thương nhân của hệ thống lục quân. Nghề hàng hải buôn bán chìm nổi vô thường đã khuấy động cuộc sống gia đình bình yên thuở xưa, gia cảnh mỗi lúc càng đi xuống. Kiriyama Seiyū từ nhỏ đã thích đọc sách, có chí mai này trở thành một tác gia. Sau khi ngài tốt nghiệp trường Trung học Kanda Taisei (Thần Điền Đại Thành) ở Tokyo, ngài làm nghề thư ký bình thường, tranh thủ lúc đêm đi học lớp Trung học đệ tứ, khoảng thời gian này ngài bắt đầu viết lách, có nhiều bài viết thuộc loại sáng tác văn học được đăng trên một số tờ san như Thủ đô Văn nghệ… Năm 18 tuổi, Kiriyama bị mắc một căn bệnh nghiêm trọng, suốt mấy năm sống trong bệnh tật làm ngài thay đổi tính tình, trở nên nóng nảy, buồn bực, cảm thấy thất vọng bi quan về tiền đồ, có ý muốn tự sát.[5], [6] Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, ngài phải đi làm rất nhiều nghề nghiệp để trả nợ cho cha, chẳng việc gì thành công. Năm 1953, vì vi phạm luật thuế rượu nên bị bắt giam. Sự nghiệp bất đắc chí, ngài chuyển sang tìm hiểu Vận mệnh học, khá hứng thú với thuật chiêm tinh của Mật Giáo, sau lại được Kinh Quan Âm điểm phát, quyết tâm quy y cửa Phật.
Mùa thu năm 1954, tại Yokohama (Hoành Tân), ngài sáng lập Quan Âm Từ Huệ hội (Kannon Jikei kai) lấy Bồ-tát Quan Âm Chuẩn-đề làm Bản tôn, đổi tên là Kiriyama Seiyū (Đồng Sơn Tĩnh Hùng), thực ra đó là pháp hiệu của ngài. Xong tháng 10, ngài đắc độ xuất gia từ vị tăng của Chân Ngôn tông là Bắc Dã Huệ Bảo (Kitano Keihou), từ đó suốt mười năm trường ngài tu luyện trong sự khổ hạnh, cấm thực… Trong thời gian này, ngài cho xây dựng chùa Kim Cương Hoa (Kongōhana) núi Đại Nhật (Ōbi), đạo tràng Minh Tưởng (Meisō) Nhật Bản, năm 1978 chính thức lập tôn giáo pháp nhân A-hàm Tông, do ngài đảm nhiệm chức Quản trưởng mãi đến lúc viên tịch năm 2016. Tuy dụng công với kinh điển nhà Phật nhưng Kiriyama Seiyū khi truyền đạo lại sử dụng nhiều thuyết có thể nói là trái ngược với cả kinh điển A-hàm (chẳng hạn chân ngôn thần chú và bí pháp Mật giáo) và kỳ phương dị thuật làm lôi cuốn quần chúng, dụng ý muốn làm bậc tổ sư khai sơn một tông giáo.
Dựng đạo hơn mười năm, thế lực tông giáo phát triển hết sức mau chóng. Người ta tôn xưng Kiriyama Seiyū là đấng Đại đạo sư – là trung gian kết nối con người với đức Phật. Kiriyama cho rằng cuộc đời đức Phật chỉ có thuyết giảng kinh điển A-hàm nên tự gọi tông mình là A-hàm Tông. Ông kêu gọi mọi người tu hành để giải thoát khỏi nhân duyên, đặt mục tiêu là thành Phật, xây dựng phương pháp tu hành dựa theo 7 khoa 37 đạo phẩm được giảng dạy trong Kinh A-hàm, vì ông nhìn nhận tất cả các kinh điển Đại Thừa đều không dạy phương pháp tu hành. Các tín đồ cũng tin rằng vị Đại đạo sư của họ đã thật sự giác ngộ nhờ kinh điển A-hàm, Kiriyama đã viết hơn 50 đầu sách, với hàng triệu bản in sao đã được bán, trong đó ông giải thích về niềm tin, ý nghĩa và mục tiêu của Phật giáo A-hàm Tông. Mặc dù tông phái này khẳng định mình bắt nguồn từ Phật giáo Sơ kỳ cổ đại nhưng thực ra nó có sự hòa quyện của ba nền truyền thừa: Phật giáo Bắc truyền, Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Mật truyền Tây Tạng.[7]
Kể từ năm 1986, sau khi được Tổng thống Sri Lanka tặng xá-lợi Phật, các hội viên A-hàm Tông đã tôn thờ đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng như là Chuẩn-đề Quan Âm. Ngoài ra, Kiriyama Seiyū cũng được Phật giáo Sri Lanka trao làm Đại tăng chính danh dự. Ông còn được phong Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Phật giáo phái Ninh-mã Tây Tạng, khách tòa giáo thụ và được trao tăng vị tối cao “Kim Cương đại A-xà-lê-da” của Phật giáo Tây Tạng, được tặng pháp hiệu Mật Giáo Tây Tạng là Nhất Thiết Vạn Linh Thủ Hộ kim cương. Ông được trường Đại học Quốc lập Mông-cổ trao bằng Tiến sĩ Triết học danh dự, làm giáo sư danh dự của hai trường Đại học Quốc lập Trung Sơn và Viện Phật học Quốc lập ở Trung Quốc.[8]
Đến năm 1989, A-hàm Tông đã có 1.358 vị tu sĩ và 580.000 tín đồ. Các hội viên tham gia vào đời sống tôn giáo với sự trợ giúp của phương tiện truyền thông hiện đại.[9] Các hoạt động tu học của họ gắn liền với việc nghiên cứu kinh điển A-hàm (Āgama) và thực hành các nghi thức huyền bí.
Buổi chiều ngày 29 tháng 8 năm 2016, người sáng lập A-hàm Tông là Kiriyama Seiyū đã qua đời, hưởng thọ 95 tuổi. Lễ chôn cất Kiriyama được tiến hành lúc 13 giờ chiều ngày 16 tháng 10 cùng năm theo giờ Nhật Bản, địa điểm là Tổng bản điện chùa Đại Bồ-đề núi Thích-ca trên đỉnh Hoa Sơn.[10]
Cuộc đời thăng trầm của đức giáo chủ Kiriyama Seiyū ngoài những vinh danh còn chịu không ít tai tiếng. Ông đã từng bị những người phản đối gọi là “tên lừa đảo”, họ cho rằng:
(1.) Ông lừa gạt ngày sinh: hiện tại sảnh vụ của Thiên Thai tông và dãy nhà ngự của Chân Ngôn tông chùa Hộ Quốc ở Tokyo, Nhật Bản còn lưu giữ tờ lý lịch do ông ký tên. Lý lịch gồm 2 tờ lần lượt là năm 1968 và năm 1970, nhưng cái đầu điền ngày sinh là ngày 20 tháng 4, cái sau lại điền là ngày 5 tháng 1.
(2.) Ông lừa dối lịch học: trên tờ lý lịch ông điền tên khai sinh Tsutsumi Masuo tốt nghiệp trường Trung học đệ tứ Tokyo năm 1938, nhưng trong danh sách học sinh tốt nghiệp của trường không hề có tên ông. Lý lịch còn khai là học khoa Quốc văn ở trường Đại học Waseda, 2 năm sau vì bệnh nên bỏ học. Nhưng giở toàn bộ ghi chép lịch học và hồ sơ thành tích của trường Đại học này cũng không thấy bất cứ cái tên nào liên quan đến ông.
(3.) Ông lừa dối lịch tăng: trong tờ lý lịch năm 1968 ông viết: “Tháng 2 năm Chiêu Hòa thứ ba lăm (1960), đắc độ gia hành phái Kim Cương viện Chân Ngôn tông. Năm Chiêu Hòa thứ ba mươi sáu (1961) truyền pháp quán đỉnh”. Nhưng trong lý lịch năm 1970 lại ghi: “Ngày 10 tháng 5 năm Chiêu Hòa thứ bốn mươi (1965), theo dòng Tam Bảo viện đạo tràng chùa núi Bồ-đề thành phố Kamakura được quán đỉnh bởi hai nhà sư Bắc Dã Huệ Bảo (Kitano Keihou) và Đại Nguyên Tối Tuấn (Ōhara Saitoshi)”. Những lý lịch truyền thừa này đều ký tên ông. Không nói sự khác nhau về ngày tháng trong các lý lịch, ngay chính Kitano Keihou  cũng phủ nhận là ông đã thụ pháp quán đỉnh cho Kiriyama. Kitano cho biết Kiriyama đã thụ “pháp Chuẩn-đề” với đạo tràng chùa Bồ-đề sơn nhưng truyền pháp quán đỉnh phải trao “Nhất tôn pháp”, vì vậy vốn dĩ không phải là “quán đỉnh Phật pháp”, huống chi Kitano là nhà sư thuộc đại môn phương dòng Kojima (Tiểu Đảo) chứ không thuộc dòng Tam Bảo viện, cho nên không hề có chuyện sư Kitano làm “quán đỉnh Phật pháp” nào cho Kiriyama theo quy củ của dòng Tam Bảo viện cả.
(4.) Trong năm 1952, ông đã hai lần bị bắt vì nghi có dấu hiệu lừa đảo trái hợp đồng trong tháng 8 và tháng 12. Năm 1953, ông lại bị bắt quả tang phạm pháp làm bia rượu giả, người ta nói ông đã lợi dụng một công trường sở nghiên cứu thực phẩm đặt những chiếc máy dỏm để in 30,000 tờ quảng cáo rượu giả trang trí kỳ lân, cuối cùng vì trái Luật thuế rượu và ngụy tạo văn bản tư nhân nên bị phạt án tù 1 năm 6 tháng và đền tiền 50,000 yên.[11]
Những thông tin mang tính bôi nhọ này không được các môn đồ A-hàm Tông thừa nhận, cũng chưa có ai sống đương thời nói ông đã từng bị phạt tù cả. Tin đồn này xuất phát từ một số truyền thông chống đối ông, nội dung lại xoáy vào công kích đời tư cá nhân, nên chưa hẳn thông tin họ đưa ra đã xác thực.                   
II. GIÁO LÝ CỦA A-HÀM TÔNG
1. A-hàm Tông và Tiểu Thừa (Hīnayāna)
A-hàm Tông tin rằng họ có những nguyên tắc trực tiếp từ lời dạy của Phật, mà trong Phạn ngữ (Sanskrit) ban đầu được gọi là Kinh A-hàm, có nghĩa là “những giáo huấn của đức Phật” hay “những lời dạy được truyền thừa” (tức Pháp quy). Theo A-hàm Tông, những bộ kinh điển này là ghi chép sự thật những lời dạy của đức Phật Cù-đàm (Gautama), trong khi Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna) là một sự lạc đường với những lời dạy nguyên thủy của đức Phật. Từ “Tiểu Thừa” (Hīnayāna) bị bác bỏ như một từ ngữ xúc phạm.[12] Xét trên danh nghĩa thì A-hàm Tông là một tổ chức đoàn thể tại gia y cứ chính vào giáo điển Kinh A-hàm bắt nguồn từ Phật giáo. Kinh A-hàm (Āgama) là tổng tập những kinh điển cơ bản của Phật giáo Sơ kỳ, nó là thể tài ghi chép về những lời nói và việc làm qua cuộc đời của đức Thích-ca Mâu-ni Phật và hoạt động tu đạo truyền giáo của các đệ tử trực tiếp nhận truyền thừa từ Phật, những bộ Kinh A-hàm trình bày giải thích về các giáo lý cơ bản như Tứ thánh đế, Bát Chính đạo, Mười hai nhân duyên, Sinh tử luân hồi v.v… Tông phái này hoàn toàn tôn sùng Kinh A-hàm, cho rằng chỉ có Kinh này mới là “những lời dạy được đức Thích Tôn Phật-đà trực tiếp truyền bá”, “kinh điển làm bùng mở não bộ”, là “gốc rễ của Phật giáo”,[13] còn các kinh như Kinh Pháp hoa… bị họ phán xét là “thành Bồ-tát giáo”, “không phải thành Phật pháp”,[14] tuyên bố chỉ có A-hàm Tông đặt nền tảng từ Kinh A-hàm mới là “Phật giáo chân chính duy nhất cứu rỗi thế giới”.[15]
Đặc biệt, các thành viên A-hàm Tông đi theo những phép thực hành được rút từ Kinh điển A-hàm, trong đó đức Phật được cho là đã dạy các đệ tử một phương pháp được gọi là “7 khoa và 37 đạo phẩm đạt đến Trí tuệ Vô thượng”, Kiriyama đã gọi đó là “7 hệ thống lớn thành Phật và 37 khóa học tu hành”. Trong lời chúc tụng khi thành lập A-hàm Tông, Kiriyama Seiyū đã nói:
- Lòng từ bi được Phật giáo Đại Thừa tuyên dương không phải là lời răn dạy chân thật của đức Phật, chẳng qua là lời dạy phương tiện được giảng dạy cho những kẻ bị nuôi dạy thấp kém trong thời đại mà loài người còn chưa khai hóa. Tôn giáo thật sự được đức Phật đề xướng là tôn giáo trí tuệ, nó mới sự cứu rỗi thế giới trầm mê này, bắc cây cầu để đưa nhân loại đến xã hội tươi sáng trong tương lai. Nhất là đối với quần chúng hiện đại đang ngày càng sa vào trầm mê và cảm thấy hoang mang trong đời sống chẳng biết thế nào thì càng phải cần đến sự thông thái của tôn giáo trí tuệ. Vì vậy, mục đích và tông chỉ A-hàm Tông thành lập chính là khôi phục Phật pháp chân chính trong thời hiện đại.[16]
2. Đặc điểm giáo lý và hoạt động tôn giáo
Hệ thống giáo lý của A-hàm Tông lấy thuyết nhân duyên của Kinh A-hàm làm nền gốc nhưng có hấp thu dung nạp thêm các thành phần khác như giáo pháp Mật Giáo, Số mệnh học và Sinh lý học não bộ, Tự nhiên học của Đạo giáo v.v… Tông phái này thờ lạy Ứng cúng Như lai tức tam tôn Đại Nhật, Thích-ca và Chuẩn-đề, chủ trương “ba ngôi một thể” (tam thân tức nhất, tam tôn nhất thể), cho rằng Đại Nhật Như Lai là Pháp thân Phật, Thích-ca Như Lai là Báo thân Phật và Chuẩn-đề Như Lai là Ứng thân Phật, xá-lợi Phật là Phật huyền bí.
Về vấn đề nhìn thấy tính thiêng là đặc điểm nổi bật của giáo lý A-hàm Tông. Về phương diện này, tính thiêng có sự kết hợp hữu cơ với thuyết nhân duyên, phát huy lý luận của cả hai một cách tinh tế. Kiriyama Seiyū cho rằng linh tính là nguyên điểm của tôn giáo, sứ mệnh của tôn giáo là làm con người giác ngộ sự tồn tại của tính thiêng để dần dần trở thành bậc Thánh; ngược lại, tôn giáo nào không nhìn nhận linh tính thì không phải tôn giáo chân chính. Họ kêu gọi “hiện giờ là lúc tinh thần đang trầm luân, chỉ có sự bùng mở linh tính mới có thể khôi phục được bản tính con người”.[17] Giáo đoàn A-hàm Tông cho rằng linh giới có đủ uy lực mạnh mẽ thậm chí quyết định cả vận mệnh và đời sống thường nhật của mỗi người, và cảnh bảo thời buổi hiện nay là “thời đại nhân quả báo ứng của linh chướng bao trùm khắp toàn cầu”, con người phải hứng chịu biết bao khổ đau tai nạn bất hạnh không phải từ những chuyện ngẫu nhiên xảy ra bên ngoài mà là do nhân duyên của chính mình gây khiến, tức là cái linh chướng vẫn chưa thành Phật Tổ và nhân quả báo ứng đời trước của mình. Người trước gây nhân duyên xấu thì tạo họa phúc cho con cháu đời sau; người sau lại cứ làm nhân duyên xấu ác thì dẫn đến mỗi thành viên trong cùng một gia đình đi theo nội nhân cơ bản của quỹ đạo cuộc đời khác nhau. Nhân duyên ác bao gồm nhân duyên vận nhà suy thoái, nhân duyên cái chết đột ngột, nhân duyên đời sống bị đày đọa, nhân duyên số phận chìm nổi, nhân duyên người ruột thịt tương tàn, nhân duyên bị phản bội, nhân duyên bị đổi nghề, nhân duyên tù tội, nhân duyên trở ngại đường vợ chồng, nhân duyên bị ung thư, nhân duyên khó đẻ, nhân duyên cơ thể bị bệnh khó cử động, nhân duyên tắc nghẽn hệ thống tuần hoàn v.v…[18] Trong đó, chuyện ruột thịt tương tàn, tù tội và chết bất ngờ được coi là “ba ác duyên lớn”. Theo tông giáo này nói thì những sự ác duyên đó xen kẽ ràng buộc với nhau như một “gông xiềng khổ ách”, người không may bị cái gông này khóa sẽ không có hạnh phúc thực sự. Đoạn trừ và thoát khỏi nhân duyên ác tức là giải thoát nhân duyên, Chính pháp của nó là “phép hành Nghìn tòa Chuẩn-đề Tôn giải thoát nhân duyên ba đời thành Phật pháp”, gọi nó là cách nên làm để biến bất hạnh thành hạnh phúc, là “pháp môn nên nói” để giải thoát khỏi ác duyên. Thật ra pháp môn này do Kiriyama Seiyū y theo phương thức tu hành xưa nay của Mật Giáo thêm vào thể nghiệm thực tiễn của mình sắp xếp mới lại mà nên. Vì mỗi ngày tu hành một tòa liên tục tu hành một nghìn ngày nên gọi là “phép hành Nghìn tòa”.
A-hàm Tông chia pháp hành làm hai loại: chính hành và trợ hành. Chính hành là chăm chỉ thực hành dựa theo pháp điển; trợ hành được tạo nên nhờ giới hạnh và khóa học, cứ mỗi 333 ngày là một giai đoạn tu hành. 333 ngày đầu tiên là “sơ tòa hành”, nói phép tu hành này có thể cắt đứt “nghiệp” và nhân duyên kéo dài từ tổ tiên mình đến giờ, tức là chặt đứt hết nhân duyên ác của cả gia đình; 333 ngày tiếp theo là “trung tòa hành”, phép tu hành này có thể đoạn tuyệt nhân duyên ác mình đã gây trong kiếp trước; 333 ngày sau là “mãn tòa hành” có thể trừ khử luôn nhân duyên ác của con cháu mình đời sau. Cách làm cụ thể là: cúng dường tháp Ngự bảo của bản tông, mỗi ngày dùng tiền bạc, nhang thơm, nước sạch cúng dường thành kính vái lạy, siêng học “phép hộ thân”, “ca ngợi”, “kinh điển”… Tông phái này cho rằng chỉ có tu Chính pháp này mới có thể thanh tịnh và thăng hoa chính mình, được sự bảo vệ của Thần linh, khiến cho sợi dây “chẳng thành Phật linh” ràng buộc mình trở nên “thành Phật linh”, từ đó mở toang cuộc đời hạnh phúc.
Ngoài ra, A-hàm Tông còn thịnh hành “phép mong nghe nắm thông minh của Hư Không Tạng Bồ-tát”, bây giờ gọi là “phép của Phật”. Nó được hướng dẫn trong tác phẩm Pháp của đức Phật do Kiriyama Seiyū viết, mục đích tu hành là để có được năng lực siêu nhân. Dưới sự đầu độc của thuyết Tận thế “địa cầu sẽ hủy diệt vào cuối thế kỷ 20”, không ít tín đồ đã tu hành pháp môn này với mục tiêu lớn nhất là tránh khỏi kết cục bi thảm ấy.
A-hàm Tông hoàn toàn xem trọng thiền định minh tưởng, tạo nên điểm đặc sắc nữa cho tông phái này. Họ cho rằng “tôn giáo bắt đầu từ thiền, nghệ thuật bắt đầu từ thiền, khoa học và giáo dục cũng bắt đầu từ thiền”,[19] các tờ san quảng cáo của họ đã lặp nhiều lần tuyên dương “tất cả vĩ nhân trong lịch sử đều trưởng thành từ thói quen hành thiền” và dẫn chứng đức Phật Thích-ca thông qua khổ hạnh và thiền định mới thành Chính Giác, nói rằng thiền chính là giải thoát nhân duyên, là phép tu hành “tức thân thành Phật” không thể thiếu. Kiriyama Seiyū từng nói qua phong trào tôn giáo mới Nhật Bản dấy lên những năm 70 với đại diện là A-hàm Tông “vốn có mục tiêu tinh thần thâm thúy hơn, tìm kiếm hạt nhân tinh thần không thể bị lung lay để cung cấp giá trị tôn giáo thật sự cho mọi người”,[20] mà một trong những thể hiện quan trọng ấy chính là tu thiền.[21] Tông phái này có xây những trung tâm thiền ở Tokyo, Kyoto, Nakoya (Minh Cổ Thất), Sapporo (Trát Hoảng), Fukuoka (Phúc Cương),… bốn vách tường có lắp thiết bị phát sóng điện từ để phát ra những tiếng như sóng biển, khe nước, thác đổ, chim hót, bọ kêu,… tùy theo nội dung quán tưởng của thiền giả để xua tan đi bầu không khí sinh hoạt căng thẳng, lo âu và vụ lợi, khiến người hành thiền có được cảnh tượng ý nghĩ hài hòa, thông qua sự lắng sâu tâm hồn lấy lại những cảm giác đã thất lạc vốn khó chuyên chở trong tâm, giải tỏa những cảm xúc bị đày đọa và bất công, từ đó đi vào tôn giáo, đạt được sự thể nghiệm tôn giáo nào đó. Kiriyama Seiyū thường xuyên cung cấp những hướng dẫn có tính giai đoạn đối với những người hành thiền có nhân duyên (hay căn cơ) khác nhau.
Nghi thức hành sự tôn giáo của A-hàm Tông khá nhiều:
- Tháng giêng: các đạo tràng cử hành “phép tu hộ-ma sơ”;[22]
- Ngày 11 tháng 2: làm lễ hộ-ma đèn củi lớn cúng sao;
- Ngày 21 tháng 3: làm Pháp hội Bỉ Ngạn xuân phân;
- Ngày 8 tháng 4: Hội Truyền Pháp mùa hè;
- Ngày rằm tháng 7 và rằm tháng 8: cử hành Hội Vu-lan-bồn lần lượt ở Tokyo, Kansai;
- Ngày 23 tháng 9: làm Pháp hội Bỉ Ngạn thu phân.
Trong đó “cúng sao” là hoạt động pháp sự quan trọng nhất của A-hàm Tông, còn gọi là “cúng hộ-ma đèn củi lớn Bảo Sinh Giải Thoát”, cử hành tại thánh địa Hoa Sơn khu Yamashina thủ đô Tokyo, Quản trưởng Kiriyama Seiyū đích thân làm đại đạo sư, kêu gọi pháp sự này là “pháp thần bí lớn diệt ngay bảy nạn, sinh ngay bảy phước”, “hào quang của Đại Nhật Như Lai và sức hàng ma của Bất Động Minh Vương sẽ làm trung gian bằng sự tịnh hóa, ánh sáng bao trùm tất cả những người đến tham bái và kết duyên”. Đến đợt phải sắp đặt đàn hộ-ma lớn của Kim Cương giới và Thai Tạng giới, mỗi đàn giới cao 7 m, đường kính 11 m. Đàn Kim Cương giới còn gọi là đàn hộ-ma Bảo Sinh, nói rằng lửa thánh của đàn này có thể cải biến vận mệnh con người, tiêu trừ ác duyên và ác nghiệp, sinh khởi phúc đức. Đàn Thai Tạng giới còn gọi là đàn hộ-ma Giải Thoát, là đàn cúng linh cho tất cả linh hồn của người chết và cầu nguyện cho nhà cửa phồn vinh. Kiriyama Seiyū mình mặc sơn phục[23] dùng thuật gọi là “niệm lực” (sức ý chí) để đốt cháy gỗ hộ-ma, phút chốc ánh lửa bay lên không, người cầu nguyện dồn dập lạy vái “lửa tịnh được sinh bởi pháp”, không màng cái lửa nóng bức, người ta vẫn dán mắt chiêm ngưỡng đống củi gỗ hộ-ma được bỏ lên đàn. Khi nghi lễ kết thúc, tiếng tụng niệm chân ngôn và Bát-nhã tâm Kinh sang sảng và tiếng trống lớn tu nghiệm đánh vang cùng nhau, tiếng vọng khắp rừng núi. Cảnh thực hiện pháp sự được truyền bá đến các đạo tràng thông qua truyền hình TV. Ví dụ năm 1985 gỗ hộ-ma được đem thiêu khoảng 18.000.000 cây, người chiêm bái lên đến 580.000 người. Năm 1992 Đại hội tu pháp đợt thứ 19 có 523.000 người tham bái, đã trở thành lần đại tế thứ hai “đốt chữ viết lớn” tại Tokyo.[24]
Một hoạt động trong năm quan trọng khác xếp ngang với cúng sao là “Đại hội Truyền Pháp mùa hè” học tập pháp điển của bản tông, lần lượt cử hành tại Quan Đông biệt viện, Quan Tây tổng bản bộ. Thời hạn phải học là năm khóa dạy riêng, khi kết thúc sẽ phát “tờ trạng cho phép sức hộ-ma” để chứng minh người đó đã nắm cơ bản giáo pháp của bản tông, có thể bước vào con đường tu hành chính thức.
Hoa Sơn linh miếu nằm trên thánh địa Hoa Sơn (Kanzan) là nơi sắp đặt khác quan trọng của giáo đoàn. Mặc dù nó chỉ là một tòa nhà tro cốt nhưng đối với tín đồ A-hàm Tông mà nói có ba ý nghĩa trọng: họ tin rằng đó là vùng đất thiêng trực tiếp tương thông với linh giới, là thánh địa cung phụng xá-lợi Phật, có thể đoạn tuyệt nhân duyên ác của gia đình và cá nhân để mang lại phước lành. Bất kể tôn giáo và giáo phái, cũng bất luận luôn có phải hội viên A-hàm Tông hay không, mọi người đều có thể gửi tro cốt đến nơi đó và lấy tro cốt làm hình thức cùng tòa với Phật đàn. Cứ ngày tuần đầu mỗi tháng, ngày 5 tháng 5 cử hành nghi thức cúng dường vào dịp lễ Đại Phật tế và Hội Vu-lan-bồn tại Tokyo.                    
III. CÔNG TÁC TRUYỀN BÁ
Từ khi lập giáo suốt 10 năm, giáo thế phát triển hết sức nhanh lẹ. Theo Cẩm nang tham khảo Tôn giáo mới thống kê tới 207.000 tín đồ A-hàm Tông, dựng xong Đông Kinh tổng bản bộ (khánh thành năm 1979) tại Tokyo, Quan Tây tổng bản bộ (khánh thành năm 1983), Quan Đông biệt viện (khánh thành năm 1987) và nhiều chi cục khác ở Bắc Hải đạo (Hokkaidō), Bắc Lục (Hokuriku), Đông Hải (Tokai), Đại Phản (Osaka), năm đại bản bộ Đông Bắc cũng như chi bộ Cửu Châu (Kyushu). 17 đạo tràng và 23 sở liên lạc phân bố ở các miền trong cả nước, có xây cả học viện chuyên tu A-hàm. Nhìn vào cấu thành tín đồ, ta thấy lớp thanh niên chiếm số lượng khá lớn, có nhiều nhóm tín đồ thuộc tầng lớp học sinh sinh viên tại các trường như Đại học Jōchi (Thượng Trí), Đại học Waseda (Tảo Đạo Điền), Đại học Keiō (Khánh Ứng) v.v…
Tháng 4-1991, qua 18 năm xây dựng, chùa Đại Bồ-đề (Daibodai-tera) núi Thích-ca (Shaka-zan) Tổng bản điện thuộc Tổng bản sơn Hoa Sơn (Kazan) khu Sơn Khoa (Yamashina) thủ đô Tokyo được hoàn công. Trong pháp hội khánh thành trọng thể, bao gồm đoàn đại biểu Phật giáo Trung Quốc cùng với giới tôn giáo, giới chính trị, giới tài phiệt trong và ngoài nước đến tụ hội. Các vùng ở Nhật Bản có 25,000 tín đồ đến tham bái. Diện tích tòa điện gồm 12.816 tsubo,[25] năm 1986 ngôi điện này được Tổng thống Sri Lanka trao tặng “xá-lợi Phật thật sự”, trên điện có khắc lời cầu nguyện viết tay của đức giáo chủ Kiriyama Seiyū: 8 chữ lớn Già-lam an ổn, thiên hạ thái bình. Bên một góc điện có đặt bức tượng đồng của vợ chồng Kiriyama. Đến nay, Tổng bản điện chùa Đại Bồ-đề núi Thích-ca là một trong những thánh địa tín ngưỡng trọng tâm của tông phái này.
A-hàm Tông sử dụng trọn vẹn đặc điểm của thời đại thông tin hóa hiện nay, kết hợp thành quả khoa học kỹ thuật và hoạt động tôn giáo khắng khít lại với nhau, thể hiện thế mạnh về mặt truyền thông giảng đạo một cách hiện đại hóa. Tông này có cơ cấu xuất bản của riêng mình đó là Cục xuất bản Tổng bản sơn A-hàm Tông và Nhà xuất bản Hirakawa (Bình Hà), phát hành tạp chí A-hàmLửa Thánh, hay có những quảng cáo đa dạng khổ lớn đăng trên các chu san và nguyệt san. Từ năm 1958, Kiriyama Seiyū bắt đầu soạn sách lập thuyết, chủ yếu có hơn 26 bộ sách như là: Nguyên lý đi đến hạnh phúc, Mật giáo – Bí mật siêu năng lực, Phép và Cách cải tạo con người, Mong nghe giữ pháp – nhập môn thiền, Giải trừ Linh chướng, Hướng dẫn về Tâm, v.v… Chúng không chỉ là căn cứ lý luận quan trọng trong giáo lý giáo đoàn mà còn được đạo ấy xem là “những quyển sách mà nhân loại toàn cầu phải đọc”. Năm 1971, bản Nguyên lý Biến hình – Sự huyền bí của Mật giáo đã trình bày lại 5 loại thần thông lực mà người tu công pháp A-hàm Tông có thể đạt được: một là sức mạnh nhìn xuyên thấu mọi sự vật, phép tiên tri và phép lựa chọn chính xác; hai là sức sáng tạo cao độ; ba là có năng lực thay đổi người khác theo ý muốn, cải tạo hoàn cảnh; bốn là thể lực cứng cáp và sức ý chí tuyệt vời; năm là thực hiện được nguyện vọng theo ý niệm bộc phát của mình.
Ngoài ra chương trình TV mà tông phái này làm cũng rất nhiều, Kiriyama Seiyū đích thân lên TV thuyết giáo bàn về việc dạy dỗ “năng lực có thể phục hồi xã hội văn minh đã mất”, biểu diễn đốt bùa hộ mệnh, niệm lực giúp người ta quên đi trạng thái căng thẳng lo âu v.v… Hoạt động quan trọng trong năm như “cúng sao A-hàm” cũng thông qua mạng điện tử lan truyền đến mọi nhà, thậm chí ra tuốt những vùng quê miền núi. Trên màn ảnh truyền hình, sau khi thể hiện sự cuồng nhiệt tôn giáo và mọi người được chứng kiến những kỳ tích chưa từng trải qua đương nhiên khoảng cách với cảnh giới tôn giáo này sẽ càng rút ngắn, rất dễ hình thành tâm lý cực kỳ tôn thờ siêu năng lực huyền nhiệm. Hiện có nhiều tín đồ thật sự tin rằng Kiriyama Seiyū là “đấng trung gian duy nhất” giữa con người với Phật Tổ. Nói cách khác, sức mê hoặc của A-hàm Tông trên mức độ nhất định được quyết định bởi “pháp lực” của chính Kiriyama Seiyū. Tóm lại, về khoản truyền thông tuyên giáo cho đại chúng thì A-hàm Tông có sự khả quan sánh bằng với Hiệp hội Soka (Sáng Giá),[26] cho nên cả hai đều có tiếng tăm đi kèm với nhau.
Cuối những năm 80, A-hàm Tông nhón chân ra khỏi nước bước đi khắp thế giới. Kiriyama Seiyū liên tiếp nhiều lần viếng thăm các nước Mỹ, Philippines, Ý, Pháp,… và tiếp xúc rộng rãi với giới tôn giáo, giới chính trị, giới tài phiệt khắp nơi. Ở hải ngoại, họ đã chính thức thành lập giáo khu Paris, giáo khu Hawaii, chi bộ Đài Bắc thuộc Đài Loan là đất nền truyền giáo của Á châu. Bản thân Kiriyama Seiyū đã nhiều lần được các quốc gia khác nhau trao tặng huân chương và xưng hiệu vinh dự. Như giải thưởng danh dự của Hiệp hội Cảnh sát trưởng Quốc tế Washinton và Hội quỹ Kỷ niệm sĩ quan cảnh sát Toàn Mỹ, được làm Hội viện trọn đời của Hiệp hội Cảnh sát trưởng Quốc tế. Giải hòa bình của Viện kiểm soát chất Ma túy thuộc Liên Hợp Quốc, huân chương Công lao Văn hóa đặc biệt Paris, Công dân danh dự thành phố Mont Marte của Paris, huân chương Đại công tước Roma nước Ý v.v… từ một mặt khác đã chứng tỏ sức ảnh hưởng và tính hoạt động rộng lớn của A-hàm Tông trên thế giới.[27]
Riêng tại Đài Loan, A-hàm Tông hiện có 3 đạo tràng lớn là đạo tràng Bản Tông (năm 2002), đạo tràng Cao Hùng (năm 2000) và đạo tràng Đài Trung (năm 2005). Năm 1996, thành lập văn khố Kiriyama thuộc Bảo tàng Hiệp hội Ung thư Phụ nữ, sau đó sáng lập tổ chức pháp nhân gọi là Quỹ A-hàm Tông Phật giáo Trung Quốc, chính Kiriyama đã đến đạo tràng mới ở Đài Bắc cử hành pháp hội hộ-ma. Năm 1998, Sở sự vụ Đài Trung được khai mạc, tháng 10 làm đại lễ an vị kính thờ xá-lợi Phật đến đây, sau đó Đại đạo sư Kiriyama cúng hộ-ma đèn củi to Đài Loan bình an, thế giới hòa bình. Ngày 17-5-2012, Kiriyama lại đến Đài Loan tổ chức “Nghi thức huyền bí bùng mở linh năng” và kỷ niệm tròn 15 năm thành lập tổ chức pháp nhân Quỹ A-hàm Tông Phật giáo Trung Quốc. Năm 2013, khánh thành đạo tràng mới là Bản Sơn và mở pháp hội hộ-ma cầu chúc hòa bình cho miền Đông Á.[28] Tại Trung Quốc đại lục, Kiriyama Seiyū đã có đóng góp cho tình hữu nghị Nhật – Trung phát triển tốt đẹp, nhận được sự khen ngợi của những nhà lãnh đạo Trung Quốc như Triệu Phác Sơ và Vương Triệu Quốc… Bản thân Kiriyama đã được ba trường Đại học quốc lập ở Trung Quốc trao “giáo sư danh dự” và được mời làm Phó chủ tịch Hiệp hội Cờ vây Trung Quốc.[29] Ta có thể thấy công tác ngoại giao đa lĩnh vực của đức giáo chủ Kiriyama Seiyū đã xác lập uy tín và danh dự của mình trên trường quốc tế khắp Đông – Tây.
Trong lịch sử A-hàm Tông, họ đã có sự giao lưu và kết hợp với các tôn giáo khác một cách bình đẳng và hài hòa. Năm 1984, họ đã cùng tiến hành Buổi lễ Cầu nguyện Hòa bình Thế giới tại Lễ hội Aura với đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 tại Nippon Budokan (Nhật Bản võ đạo quán). Năm 1985, có 400 hội viên A-hàm Tông đã tham dự một buổi lễ cầu nguyện hòa bình tại Tòa thánh Vatican. Họ đã có cuộc hội kiến đặc biệt với đức Giáo hoàng John Paul II và tổ chức một buổi lễ cầu nguyện với người Công giáo tại Nhà thờ San Clement. Năm 1986, họ được chính phủ Sri Lanka tặng xá-lợi Phật. Năm 1988, họ đã tổ chức Hội nghị Hòa bình Thế giới Hồi giáo – Phật giáo tại Kyoto với sự tham gia của Tiến sĩ Nemr và các học giả Hồi giáo nổi bật khác. Năm 1990, Kiriyama Seiyū tham dự Hội nghị Hòa Bình các nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới lần thứ 4 và lại có cuộc đặc kiến với Giáo hoàng John Paul II. Các nghi thức hộ-ma của A-hàm Tông không chỉ diễn ra tại các vùng trong nước Nhật Bản như Tokyo, Kyoto, Hiroshima, v.v… mà còn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, ngoài Đài Loan đã nói trên còn có New York, Paris, khu trại Auschwitz (Ba-lan), trại tập trung Siberia, v.v… Có thể nói A-hàm Tông đã có nhiều hoạt động về tính nghi thức cầu nguyện cũng như phụng vụ cụ thể góp phần vì hòa bình thế giới.[30]               
IV. KẾT LUẬN
Mặc dù đứng trên danh nghĩa, A-hàm Tông cho rằng mình kế thừa bản ý của Kinh A-hàm, là giáo pháp nguyên bản của đức Phật, song thực tế toàn bộ tư tưởng và hoạt động giáo phái của A-hàm Tông với kinh điển A-hàm đôi bên chẳng dính dáng gì đến nhau. Chính vì vậy đã từng có một số báo chí truyền thông lăng mạ họ là “treo đầu dê bán thịt chó”. Quả thực, tổ chức A-hàm Tông từ lúc ra đời đến nay đã chịu không biết bao tiếng điều khen chê của thiên hạ, nhưng cơ bản họ vẫn giữ phong khí tốt đẹp, hướng con người đến điều thiện và khát cầu hòa bình, có sự cầu thị và giao lưu liên tôn, quan trọng nhất là từ lúc mới thành lập Kiriyama đã làm một việc rất có tâm cơ – ông đã xin phép tông giáo của mình đăng ký với Nhà nước Nhật Bản, từ đó A-hàm Tông trở thành một hệ phái tôn giáo chính thức được pháp luật công nhận và bảo vệ. Như vậy, mặc dù là một tôn giáo mới nhưng A-hàm Tông đã xác lập vị trí của mình ổn định trên đất nước Nhật Bản như một hệ phái Phật giáo chính thống, và dù trên bước đường truyền bá sang các nước đôi khi có bị những cáo buộc là “tà giáo” đi nữa cũng không làm phôi phai đi địa vị và những thành tựu mà A-hàm Tông đã gây dựng được. Từ lúc sáng lập đến nay, A-hàm Tông đã tổ chức nhiều công tác cống hiến cho văn hóa giáo dục, sự nghiệp y học và vệ sinh, cầu nguyện hòa bình và cứu trợ thiên tai nhân nạn khắp nơi trên thế giới.
Đương nhiên, người ta cáo buộc A-hàm Tông không trung thành với tên gọi của nó không phải hoàn toàn là vu cáo. Dù nói thế nào, A-hàm Tông vẫn là một tôn giáo chứ không phải một tổ chức nghiên cứu học thuật. Bản chất tôn giáo luôn luôn có sự tiếp biến. Tuy tự xưng là Phật giáo Nguyên Thủy, A-hàm Tông không phải là một đoàn thể của những tăng lữ kêu gọi vực dậy “xác ướp” truyền thống Phật giáo Sơ kỳ vốn đã đi vào dĩ vãng. Nó là một tổ chức của những người tại gia. Bản thân Kiriyama Seiyū tuy nói là đã từng xuất gia, nhưng hình ảnh cuối đời mà chúng ta nhìn thấy ông là hình tướng của người tại gia, ông vẫn để tóc, có gia đình vợ con và không chịu ràng buộc bởi phép thụ giới tu sĩ nào cả, có lẽ đó là sự tiếp nhận truyền thống Tân tăng của Nhật Bản chăng? Trong tư tưởng giáo lý và thực tiễn hành đạo, A-hàm Tông có sử dụng bí pháp Mật Giáo mà chính trong các tác phẩm của Kiriyama có trực tiếp nêu ra, như vậy rõ ràng nội dung của A-hàm Tông không đơn thuần đi theo Kinh điển A-hàm, nó chỉ là về danh nghĩa hoặc ít nhất là được tiếp nhận một phần, bên cạnh đó là sự trộn lẫn với giáo lý của Phật giáo Bắc truyền và nổi bật nhất là Mật Tông. Đó là tại sao họ tôn thờ tam thân Đại Nhật, Thích-ca và Chuẩn-đề.
Có vẻ, nhiều chỉ trích cho rằng nên gọi tông phái này là Mật giáo A-hàm Tông, vì quá trình hoạt động của nó chủ yếu thể hiện qua các nghi thức và phép tu thần bí của Mật Giáo hơn là Kinh văn A-hàm. Phép tu “Thiên tòa hành” là một trong những phát minh của Đại đạo sư Kiriyama Seiyū, trong đó “sơ tòa hành” yêu cầu những hành giả phải tụng niệm Kinh A-hàm, nhưng các phương pháp cúng dường bản tôn và trì chú chân ngôn cũng như nghi thức quán đỉnh và cúng hộ-ma v.v… đều là kế thừa Mật Giáo cả. Vì vậy những người phê bình hầu hết vin vào lý do này để phản đối và cho rằng A-hàm Tông lẫn Kiriyama đang truyền bá mê tín dị đoan đội lốt Phật giáo. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét các nguồn thông tin tiêu cực về A-hàm Tông và giáo chủ của họ, đa số chúng xuất phát từ nội địa Trung Quốc nên có thể lý giải như sau: vì mục đích chính trị, một đất nước cần độc tôn vị thế tư tưởng và chủ thể của nhà cầm quyền Trung Quốc, họ sẽ có thái độ không hoan nghênh đối với tôn giáo ngoại lai, nhất là tôn giáo mới, vì vậy vấn đề xuyên tạc, chụp mũ và công kích mang tính bôi nhọ đối với A-hàm Tông là điều không thể tránh khỏi. Không phải ngẫu nhiên mà một số tôn giáo mới được xem là hợp pháp tại nước ngoài nhưng khi sang Trung Quốc bị chính phủ hoặc dư luận nước này quy kết là “tà giáo”.
Nếu sự giải và hành của A-hàm Tông không liên quan mật thiết lắm với giáo lý Kinh A-hàm, vậy tại sao người sáng lập lại đặt A-hàm làm danh nghĩa cho tông phái của mình? Theo quan điểm và suy luận của người viết, đó là do thời cuộc của thế kỷ và thành tựu ngay tại đất nước mà Kiriyama đã sinh trưởng.
Giữa thế kỷ 19 và 20, thế giới đã có một sự thay đổi lớn, khi chủ nghĩa thực dân phương Tây trỗi dậy mạnh mẽ và sang xâm thực các nước phương Đông đã tạo nên sự đổ vỡ và đứt gãy lớn trong nền văn hóa và tập tục xã hội truyền thống lâu đời của Đông phương. Sự gãy vỡ đó không hẳn là xấu, mặt tích cực của nó là ánh sáng văn minh và khoa học kỹ thuật Tây phương được truyền bá ồ ạt và chính điều đó đã xóa tan lớp sương mù của những niềm tin, giáo điều và tập quán lỗi thời mà người phương Đông bao đời không thay đổi được. Các giá trị cũ vốn được coi là chân lý không thể nghi ngờ, không thể chối cãi, mặc nhiên được các thành phần xã hội phương Đông thời xưa tôn trọng giữ gìn vào lúc bấy giờ bỗng dưng sụp đổ, và người ta dám hạ nó xuống để mổ xẻ và xét lại. Truyền thống Phật giáo cũng không tránh khỏi điều đó. Chẳng hạn các nước Đông Á vốn chịu ảnh hưởng của dòng truyền bá Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna), trong đó có Nhật Bản, và hiển nhiên Phật giáo Nhật Bản xưa nay cứ đi theo cách nhìn nhận và phán giáo của Phật giáo Đại Thừa, cho rằng những kinh điển phát triển sau này thật là giáo pháp Đại Thừa – là chân Phật tử của Thích Tôn; còn kinh điển A-hàm và học thuyết Bộ phái bị xem là Tiểu Thừa – là tiêu nha bại chủng. Suốt hàng nghìn năm, kinh điển A-hàm bị mắc một “nỗi oan” lớn và bị giới Phật giáo Bắc truyền xem thường, không để tâm, không nghiên cứu. Cách nhìn đó suốt trường kỳ biết bao thế hệ tăng tục sinh ra chịu ơn thấm nhuần của Phật giáo Bắc truyền đều hằng tin đó là lẽ thật không bàn cãi. Đến khi xã hội Đông phương gục ngã trước họng súng của văn minh khoa học – công nghệ Tây phương, dưới phương pháp nghiên cứu tôn giáo có tính học thuật của Tây phương, mọi vấn đề giáo điều tôn giáo phương Đông mới được lật lại.
Khởi đầu từ Hiệp hội Thánh điển Pāḷi (Pāḷi Text Society) của vợ chồng Rhys Davids cho đến Thánh thư phương Đông (Sacred Books of the East) của Max Müller, Tây phương đã dấy lên nhiều người và nhiều cuộc nghiên cứu về Phật giáo, đồng thời đặt lại các vấn đề trước nay vẫn bị tin một cách bảo thủ trong truyền thống tín ngưỡng. Dân tộc Nhật Bản thức thời đã đi trước đón đầu, mở cửa thi hành cuộc Minh Trị duy tân (1868 – 1912) làm cải cách toàn thể bộ mặt quốc gia Nhật Bản, nhân dân được khai phóng tư tưởng, kinh tế phát triển, văn hóa và đời sống xã hội thay đổi sâu sắc, và người ta bắt đầu tỉnh ra, biết đánh giá lại các giá trị văn hóa nói chung cũng như tôn giáo nói riêng mà đời ông cha họ cứ tin không nghi vực. Các nhà trí thức Nhật Bản trên bước đường du học mang kho báu văn minh Tây phương về nước để “khai dân trí” và “hưng quốc gia”, nhiều lĩnh vực mới mẻ được truyền nhập, trong đó có cả sự kế thừa và phát huy nghiên cứu Phật học – một ngành học thuật non trẻ mới được khởi xướng một cách có hệ thống bởi người Tây Dương. Trong đó, vấn đề Đại Thừa và Tiểu Thừa đã được lật lại. Kinh điển A-hàm vốn được hiểu theo nghĩa rộng là các văn bản Āgama được truyền qua nhiều ngôn ngữ: tiếng Sanskrit (các mảnh vụn được khai quật), tiếng Tạng, tiếng Hán (bốn bộ A-hàm lớn và các bản A-hàm lẻ) và tiếng Pāḷi (còn gọi là năm bộ Nikāya). Các học giả Tây phương và sau đó là Nhật Bản đã tiên phong xóa bỏ tấm biển “Tiểu Thừa” gán lên Kinh A-hàm, qua nhiều nghiên cứu đã cho thấy A-hàm có một vị trí không nhỏ trong Phật giáo – nó là kinh văn có tính chất nguyên bản và tính lịch sử xác thực về cuộc đời và tư tưởng của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Do đó, từ chỗ bị xem thường trong quan niệm Phật giáo Bắc phương truyền thống, các học giả Phật giáo cận hiện đại đã lật ngược và đưa địa vị của Kinh A-hàm lên hàng tối trọng yếu.
Cụ thể trong lịch sử kết tập Đại tạng kinh, hai vị học giả cư sĩ nổi danh của Phật giáo Nhật Bản là Cao Nam Thuận Thứ Lang (Takakusu Junjirō) và Độ Biên Hải Húc (Watanabe Kaikyoku) tổ chức biên tập Đại Chính tân tu Đại tạng kinh (Taishō Shinshū Daizōkyō) lần đầu tiên đã gạt bỏ danh từ “Tiểu Thừa” khỏi mục A-hàm bộ và đưa lên đầu nội dung Đại tạng. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử biên tập Đại tạng của Phật giáo Bắc truyền nói chung. Ngay cả Đan-châu-nhĩ của Tây Tạng và các bộ Đại tạng của Trung Quốc truyền thống trước giờ đều đặt “Đại Thừa Bát-nhã bộ” đứng đầu, còn A-hàm bộ thì nhất thiết để sau các bộ Đại Thừa và đều ghi là “Tiểu Thừa A-hàm bộ”. Khi lật ngược quan niệm cũ và chuyển sang trọng thị Kinh điển A-hàm, không tránh khỏi sẽ dấy lên một trào lưu có tính cực đoan rằng: tất cả kinh điển Đại Thừa là ngụy kinh phi Phật thuyết, chỉ có kinh điển A-hàm mới là Chính pháp Nguyên thủy của đức Phật. Vấn đề Đại Thừa – Nguyên Thủy và tính chính thống của kinh điển Đại Thừa có hay không có lẽ cần một đề tài phân tích riêng, giới hạn bài viết này không tiện bàn đến. Nhưng chính trào lưu này từ giới trí thức tinh hoa ở Nhật Bản đã có sức lan truyền đến đại chúng, phong trào nghiên cứu và học tập kinh điển A-hàm trở nên sôi nổi tại quốc gia này, và trong xu thế thịnh hành bấy giờ có lẽ Kiriyama Seiyū cũng chịu ảnh hưởng. Ông đã dùng danh nghĩa A-hàm để xác lập một tông môn riêng cho mình làm giáo chủ và ảnh hưởng đến quần chúng.
Mặc cho mọi tiếng điều không tốt về bản thân ông và tông phái A-hàm, chúng ta nên thừa nhận Kiriyama Seiyū là một nhà lãnh đạo tôn giáo có tâm cơ và khôn ngoan trong những bước đi để xác lập địa vị và sức ảnh hưởng của A-hàm Tông trên trường quốc tế. Dù biểu hiện là một nhánh của Phật giáo nhưng thực sự A-hàm Tông là một tôn giáo mới, có tông chỉ và tư tưởng hoạt động riêng của nó. Sự khôn ngoan của Đạo sư Kiriyama ở chỗ ngài đã đưa A-hàm Tông trở thành một tôn giáo chính thức bằng cách đăng ký giấy phép với chính phủ Nhật, khiến tông phái này được công khai hoạt động mà không bị xem là tà giáo mê tín dị đoan, từ đó dễ dàng phát triển giáo thế trong nước và truyền bá sang nước ngoài. Điều đó không nhiều người sáng lập tôn giáo mới nghĩ đến, về điều này ở Việt Nam đã từng có một tôn giáo mới cũng làm tương tự như vậy – đạo Cao Đài đã đăng ký giấy phép với chính phủ thực dân Pháp ở Nam Kỳ bấy giờ. Ngoài ra, Kiriyama khác với những giáo chủ tôn giáo mới đầy tham vọng, ông không tự xưng mình là một Đấng Cứu thế mới hay một vị Phật sống, thánh thần hay tiên tri nào cả, tức là tự dựng nên hình tượng độc tôn cho mình sáng ngang hàng với các hình tượng tôn kính cổ truyền như Chúa Jesus hay đức Phật v.v… Bước đi tự cao tự đại khủng khiếp đó sẽ tự hại mình. Ông vẫn dựa vào danh nghĩa Phật giáo, hơn nữa là Phật giáo A-hàm, như một cách để cho biết mình “trung thành” với Giáo tổ Thích-ca Mâu-ni của đạo Phật, chứ không hề muốn đưa mình sánh ngang với Phật Tổ. Đó là một bước đi an toàn! Và thực tế đến hiện nay người ta đã nhìn A-hàm Tông như là một thành viên của đại gia đình Phật giáo.
Thế nhưng, bản chất là một tôn giáo mới, A-hàm Tông vẫn có những đặc tính chung mà những tôn giáo mới khác đều có. Đây có lẽ là quy luật tương đồng của tôn giáo mới. Thứ nhất, phá bỏ những giáo điều cũ để mưu cầu xây dựng một hệ giá trị mới, giá trị thuyết Cứu chuộc mới cho nhân loại, đặt nhân loại vào giả thiết về kỳ tai nạn và tận thế có thể xảy ra và hứa hẹn sự cứu rỗi sẽ dành cho những ai xứng đáng; Thứ hai, tôn vinh vai trò của người sáng lập tôn giáo mới, dù vị giáo chủ đó có cố ý hay là không, những người đi theo hoặc đôi khi chính đức giáo chủ sẽ tự xưng mình ở một vị trí không đồng đẳng với con người, vị đó là thần, là thánh, là hóa thân Phật hay tối thiểu là một người phi phàm. Ở đây, Đại đạo sư Kiriyama Seiyū được xem như đấng trung gian kết nối nhân loại với Phật Tổ; Thứ ba, luôn xây dựng niềm tin thần quyền và thể hiện các hình thức bí truyền có tính thần thánh hoặc ma thuật. Đó là cách nhanh nhất và dễ thấy nhất để lôi cuốn quần chúng. Chẳng lạ vì sao A-hàm Tông lại tiếp thu bí pháp Mật Giáo để biểu diễn huyền thuật và sử dụng phương tiện truyền thông hữu hiệu; Thứ tư, tại sao tôn giáo mới cần thu hút quần chúng? Nó đơn thuần vì cái tôi của đấng giáo chủ hay vì danh lợi của tổ chức tôn giáo chăng? Hay vì một mục đích sâu xa hơn là lợi dụng thần quyền để mưu đồ thế quyền chăng? Hoặc muốn tạo ra một giá trị nhân sinh mới nhằm ý muốn hướng thiện và dẫn dắt tinh thần cho nhân loại hiện đại? Những câu hỏi đó còn phải đợi qua thời gian nghiên cứu và thăm dò thực nghiệm mới mong tìm ra đáp án.
Quy Nhơn, ngày 12 tháng 2 năm 2018.
Nguyễn Thành Sang
Phone: 012.555.00.131           


Tư liệu tham khảo
Tư liệu văn bản
1. Đái Khang Sinh, Đương đại Tân hưng tông giáo (当代新兴宗教), Đương Đại Thế Giới Tông Giáo tùng thư, Đông Phương xuất bản xã, năm 1999.
2. Yajima Teruo (Thỉ Đảo Huy Phu), A-hàm Tông và Kiriyama Seiyū, Thu Nguyên thư phường, năm 1985.
3. Hội nghiên cứu Tôn giáo Mới biên tập phát hành: Cẩm nang Nghiên cứu Tôn giáo Mới, năm 1990.
4. Chryssides, George D., Historical Dictionary of New Religious Movements (Từ điển lịch sử về Phong trào Tôn giáo Mới), Rowman & Littlefield, năm 2012, ISBN 978-0-8108-6194-7.
5. World Christian Encyclopedia, xuất bản lần 2, Oxford University Press, 2001, tập 2.
Tư liệu trang điện tử
6. Vân Tuyền, Nhật Bản: Hòa thượng tông chủ hệ phái A Hàm, Seiyu Kiriyama Thera viên tịch, trang web: http://phatgiao.org.vn/quoc-te/201610/Nhat-Ban-Hoa-thuong-tong-chu-he-phai-a-Ham-Seiyu-Kiriyama-Thera-vien-tich-24496/, cập nhật: 19/10/2016.

  


[1] Đái Khang Sinh, Đương đại Tân hưng tông giáo (当代新兴宗教), Đương Đại Thế Giới Tông Giáo tùng thư, Đông Phương xuất bản xã, năm 1999, tr. 237.
[2]  Yajima Teruo (Thỉ Đảo Huy Phu), A-hàm Tông và Kiriyama Seiyū, Thu Nguyên thư phường, năm 1985, tr. 118.
[3] Chryssides, George D., Historical Dictionary of New Religious Movements (Từ điển lịch sử về Phong trào Tôn giáo Mới), Rowman & Littlefield, năm 2012, ISBN 978-0-8108-6194-7, tr. 26.
[4] Xem nguồn: www.agon.org/en/about/
[5] Đái Khang Sinh, Đương đại Tân hưng tông giáo (当代新兴宗教), Đương Đại Thế Giới Tông Giáo tùng thư, Đông Phương xuất bản xã, năm 1999, tr. 238.
[6] Vân Tuyền, Nhật Bản: Hòa thượng tông chủ hệ phái A Hàm, Seiyu Kiriyama Thera viên tịch, trang web: phatgiao.org.vn/quoc-te/201610/Nhat-Ban-Hoa-thuong-tong-chu-he-phai-a-Ham-Seiyu-Kiriyama-Thera-vien-tich-24496/, cập nhật: 19/10/2016. Trong đó có đoạn viết: “…thuở thiếu thời, Ngài thật khó khăn trong cuộc sống bởi bệnh tật triền miên. Mặc dù Ngài quyết định tham gia lực lượng vũ trang quân đội trong thời đại chiến thế giới lần thứ hai, nhưng tình trạng sức khỏe không cho phép Ngài thực hiện nguyện vọng của mình. Các Y Bác sĩ chẩn đoán rằng tuổi thọ của Ngài không quá 25 tuổi. Khi ấy, Ngài chưa biết gì về đạo Phật, và bị ám ảnh nặng nề bởi lời chẩn đoán của các Y Bác sĩ. Ngài đã từng có ý định tự tử…”
[7] Xem nguồn: en.wikipedia.org/wiki/Agon_Shu
[8] Xem nguồn: www.agon.org.tw/taiwan/about_kiriyama/
[9] World Christian Encyclopedia, xuất bản lần 2, Oxford University Press, 2001, tập 2, trang 11.
[10] Xem nguồn: baike.baidu.com/view/1275931.htm
[11] Tất cả những thông tin tiêu cực về Kiriyama Seiyū và A-hàm Tông, có thể xem nguồn: www.cctv.com/lm/851/-1/61756.html
[12] Xem nguồn: zh.wikipedia.org/wiki/%E9%98%BF%E5%90%AB%E5%AE%97
[13] Yajima Teruo (Thỉ Đảo Huy Phu), A-hàm Tông và Kiriyama Seiyū, Thu Nguyên thư phường, năm 1985, tr. 133.
[14] Sách như trên, tr. 73.
[15] Sách như trên, tr. 133.
[16] Sách như trên, tr. 133 – 135.
[17] Sách như trên, tr. 228.
[18] Xem nguồn: ja.wikipedia.org/wiki/%E9%98%BF%E5%90%AB%E5%AE%97
[19] Hội Nghiên cứu Tôn giáo Mới biên tập phát hành, Cẩm nang Nghiên cứu Tôn giáo Mới, năm 1990, tr. 114.
[20] Yajima Teruo (Thỉ Đảo Huy Phu), A-hàm Tông và Kiriyama Seiyū, tr. 228.
[21] Xem nguồn: www.baike.com/wiki/%E9%98%BF%E5%90%AB%E5%AE%97
[22] Hộ-ma (Homa) tức là pháp cúng tế lửa, bằng cách đốt các vật cúng để cúng dường là việc làm quan trọng trong các pháp tu của Mật giáo, hàm ý ví dụ dùng lửa trí tuệ thiêu đốt tâm mê muội, bắt nguồn từ tục cúng tế thần lửa Agni của Ấn-độ cổ đại.
[23] Sơn phục (Yamabushi): chỉ những người tu hành đi bộ để nghiệm đạo trên núi, trang phục của họ gọi là đồ Sơn phục với đặc trưng bó gọn nhẹ để dễ leo trèo. Ý nghĩa mặc đồ Sơn phục là “nhập pháp tính núi báu Chân như, hàng phục vô minh phiền não”.
[24] Đêm ngày 16 tháng 8 có dàn lửa hình chữ lớn để đốt trên núi Đông Sơn (Higashiyama), thủ đô Tokyo.
[25] Tsubo (bình): đơn vị đo diện tích của Nhật Bản, một tsubo () bằng 3,3579 thước vuông.
[26] Hiệp hội Soka cũng là một tổ chức đoàn thể tôn giáo mới được xếp vào tổ chức Phật giáo Nhật Bản, tín đồ tin thờ Kinh Diệu pháp Liên hoa, lấy tư tưởng trung tâm là Đại thánh nhân Nhật Liên hòa thượng và triết học sự sống. Thành lập năm 1930, hiện nay là tổ chức pháp nhân tôn giáo được chính phủ Nhật công nhận.
[27] Đái Khang Sinh, Đương đại Tân hưng tông giáo (当代新兴宗教), Đương Đại Thế Giới Tông Giáo tùng thư, Đông Phương xuất bản xã, năm 1999, tr. 238 – 240.
[28] Xem nguồn: www.agon.org.tw/taiwan/history/
[29] Xem nguồn: baike.baidu.com/view/1275931.htm
[30] Xem nguồn: www.agon.org/en/history/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi thứ 1 (Nam Bắc triều Đại chiến Diễn nghĩa)

  b õ a   NAM–B Ắ C TRI Ề U ĐẠ I CHI Ế N DI Ễ N NGH Ĩ A Romance of Northern and Southern dynasties 南北朝大戰演義     Tác gi ả CỰ LANG (NGUY Ễ N TH À NH SANG) H ồ i th ứ 1: Cảnh hàn vi, cô mợ khinh bỉ Thi võ tr ạ ng, anh hùng long vân Có bài th ơ r ằ ng: Cu ồ n cu ộ n C ấ m Giang đ ông ra bi ể n, H ả i D ươ ng long khí thu ỷ phong li ề n. R ồ i đ ây thiên h ạ ba đ ào n ổ i, Th ế s ự bi ế t ai m ớ i thánh hi ề n? Tương truyền từ cổ đại, bên nước Tàu ( 匿艚 ) có tam đại Hạ ( 夏 ), Thương ( 商 ), Chu ( 周 ). Tổ của nhà Chu là Văn Vương Cơ Xương ( 文王姬昌 ) có một trăm con, trong số đó có người con thứ tên là Cơ Chấn Đạc ( 姬振鐸 ) sau này được phong làm bá tước ( 伯爵 ) ở nước Tào ( 曹國 ), truyền hai mươi sáu đời đến Tào bá Dương ( 曹伯陽 ) thì bị diệt quốc, có người hậu duệ là Cơ Chất Khiết ( 姬騭絜 ) ở lại làm dân của nước Tống ( 宋國 ). Nước Tống sau này bị nước Tề ( 齊國 ) diệt vong, dòng dõi Cơ Chất Khiết lại trở thành dân nước Tề. Nước Tề cuối cùng bị n

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ”

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ” [1] Tác giả: JAMES P. MCDERMO. Dịch Việt: Nguyễn Thành Sang. Nguyên tác: “The Kathāvatthu Niyāma Debates,” trích Chuyên san Hiệp hội Phật học Quốc tế (The Journal of the International Association of Buddhist Studies), tập 12, năm 1989, số 1. Một loạt những biện luận về các điều được phiên dịch nhiều kiểu khác nhau là “đảm bảo” (assurance), “tính cố định” (fixity), “định số” (destiny), và “xác định” (certitude; Pāḷi: niyāma , tham khảo thêm về niyata ) được phân bố rộng rãi thông qua Luận Sự phẩm loại luận ( Kathāvatthuppakaraṇa ). [2] Những cuộc luận chiến này chủ yếu được quan tâm với những hàm nghĩa của sự tiến nhập giải thoát đạo. Theo Luận Sự phẩm loại luận Nghĩa sớ ( Kathāvatthuppakaraṇa Aṭṭhakathā ), những giáo đồ bộ phái phân phụ của Án-đạt-la bộ ( Andhaka ) là Tây Sơn Trụ bộ ( Aparaseliya ) với Đông Sơn Trụ bộ ( Pubbaseliya ), và Bắc Đạo bộ ( Uttarāpathaka ), cũng như giáo đồ Thượng Tọa bộ ( The

CÁC CHÍNH QUYỀN QUY TỤ BÍ MẬT BỊ NHÀ NƯỚC TRUNG CỘNG GẮN NHÃN “PHẢN ĐỘNG” VÀ THỦ TIÊU (Kỳ 1)

Các chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t v ớ i mong mu ố n xây d ự ng chính quy ề n c ủ a h ọ , vô tình hay h ữ u ý vì ra đờ i trong th ờ i đạ i có chính ph ủ C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa hình thành nên đ ã b ị quy k ế t là nh ữ ng l ự c l ượ ng “ph ả n độ ng” và b ị nhà n ướ c Trung C ộ ng ra s ứ c đ à n á p. Nh ữ ng th ự c th ể chính quy ề n này đ ã ho ạ t độ ng trong lãnh th ổ c ủ a C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa, sau đ ó đ ã b ị chính ph ủ các c ấ p, c ơ quan t ư ph á p v à qu â n độ i Trung C ộ ng th ẳ ng tay tiêu di ệ t. Chúng ta hãy cùng tìm hi ể u v ề quá trình hình thành và b ị di ệ t c ủ a các chính quy ề n này. Giai đ o ạ n tr ướ c n ă m 1960 1. Th ượ ng Minh qu ố c ( 尚明國 ) Th ờ i gian t ồ n t ạ i: 1937–1951 (14 n ă m) Hoàng đế : L ư u Kim Lan ( 劉金蘭 ) Niên hi ệ u: Th ượ ng Minh ( 尚明 ) Th ủ đ ô d ự đị nh: Trung Kinh (t ứ c B ắ c Kinh) C ă n c ứ đị a: huy ệ n Oa D ươ ng, t ỉ nh An Huy Th ượ ng Minh Qu ố c là chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t do th