Chuyển đến nội dung chính

PHẬT GIA NIẾT-BÀN LUẬN (Phật Học Hiện Đại)


PHẬT GIA NIẾT-BÀN LUẬN
Tác giả: F. TH. STCHERBATSKY. (Liên Xô)
Trung dịch: Kiết Nông.[1]
Việt dịch: Nguyễn Thành Sang.

(Trích dịch từ Tạp chí “Hiện đại Phật học,” Trung Quốc, 1950–1951.)

Tiến sĩ Stcherbatsky từng làm giảng viên trường Đại học Leningrad Liên Xô, viện sĩ Viện Khoa học Liên Xô, được ban thưởng làm Hội viên danh dự Hội Asia hoàng gia Anh (Luân-đôn), viện sĩ Viện Khoa học Klingen nước Đức, có viết các sách như: Phật Pháp Luận (The Central Conception of Buddhism, 1923), Phật gia Niết-bàn luận (The Conception of Buddhist Nirvana, 1927), Logic Phật giáo (Buddhist Logic 2 tập, 1930)…; có dịch các sách: Pháp Xứng Chính Lý tríchPháp Thắng Chính Lý trích chú Phạn văn Anh dịch (1930), Biện Trung Biên Luận sớ Phạn văn Anh dịch (1938), từng hiệu khám ấn hành văn bản Pháp Xứng Chính Lý tríchPháp Thắng chú Phạn văn bản Tạng, văn bản Hiện Quán Trang Nghiêm Luận Phạn văn bản Tạng, Xứng Hữu Câu-xá Luận sớ bản văn Phạn… là một vị học giả Phật giáo có thẩm quyền trong cả nước.
Thầy Chu Thúc Già làm bản thảo Phật Học Hiện Đại, dịch giả vừa có bản chép tay bộ Phật Gia Niết-bàn Luận, vừa đang chuyển dịch, bèn vâng lời theo. Sở luận trong sách, dịch giả tuy chưa đồng ý hoàn toàn, nhưng thái độ và phương pháp nghiên cứu Phật học của giáo sư Stcherbatsky rất đáng khâm phục, ý muốn để làm tấm gương sáng cho những người nghiên cứu Phật học trong nước ngày nay. Bản dịch này đang trong lúc làm dở, câu chữ chưa coi xét chuốt kỹ, dịch giả chỉ dịch cho đại ý mà thôi.
Mục thứ bản văn
1. Lời tựa
2. Phật giáo và Du-già
3. Hiện lượng Du-già
4. Phật giáo đối với niềm tin vô sinh vô diệt
5. Phật là luận giả hữu ngã ư?
6. Luận chỉ của các bộ Tiểu thừa Vãn kỳ
7. Tính cách song trùng tuyệt đối
8. Tỳ-bà-sa sư
9. Kinh bộ sư
10. Du-già sư
11. Trung Quán sư
12. Tiểu thừa Duyên khởi luận
13. Đại thừa Duyên khởi luận
14. Không (tương đối luận)
15. Du-già hiện chứng Phật là chân thường
16. Niết-bàn tân luận
17. Không lại không ư? (tương đối phải chăng tương đối) Nhằm chứng tuyệt đối cần buông bỏ tất cả lập luận
18. Những điểm tương tự trong sự phát triển bình hành tư tưởng của Bà-la-môn giáo và Phật giáo
19. Những tư tưởng tương tự của người Châu Âu
20. Luận chỉ của Chính Lý Thắng Luận
21. Kết luận

1. Lời tựa
Từ khi Châu Âu bắt đầu nghiên cứu Phật giáo như là khoa học tới nay, mặc dù đã trải qua 100 năm, song hiện tại chúng ta vẫn y như cũ, chẳng hiểu rõ gì về giáo lí cơ bản của tôn giáo và triết lí Phật giáo. Không ngại nói trên thế giới không có một tôn giáo nào giống như Phật giáo, khó mà chỉnh lý đầy đủ để thuyết minh cho rõ ràng. Chúng ta phải đối mặt với một mớ thuật ngữ lằng nhằng hỗn loạn, về hàm nghĩa của chúng thì lại lưu truyền rất nhiều cách giải thích khác nhau, hơn nữa hàm nghĩa của chúng thường khiến người ta quả là không thể phiên dịch được, thậm chí không thể lí giải được. Có một số học giả sau khi tuyệt vọng đã đưa ra vài suy đoán về hệ thống tôn giáo hoặc triết học Ấn-độ không phải giống như hệ thống tôn giáo hoặc triết học Châu Âu. Chúng không phải là một hệ thống minh xác của tư biện mâu thuẫn; chúng vĩnh viễn là mơ hồ bất định, một ánh lửa trong cơn mộng. Về hàm nghĩa của những cách nghĩ này, bản thân những tác giả của chúng cũng không thể hoàn toàn hiểu đúng các ý nghĩa đó.[2] M. de la Vallee Poussin[3] trong một trước tác gần đây từng làm công việc suy cứu mới lại chân nghĩa của lý tưởng Niết-bàn nhà Phật. Đối với vấn đề này, trong phần mở đầu ông đã cảnh cáo chúng ta rằng, chúng ta (người Châu Âu) đừng quá hy vọng thu hoạch một số điều có tính mở mang gì trong tư tưởng đã phát sinh thành trưởng tại Ấn-độ.[4] Trước đó chính ông đã từng thừa nhận khái niệm Niết-bàn hoàn toàn mơ hồ đối với ông. Dẫu vậy, đối với đề mục này gần đây ông đã hoàn toàn thay đổi ý kiến của mình, ông muốn thử tìm kiếm những cách lí giải tư biện về sự mông lung này của sớ giải, đều là những cái thêm vào đời sau. Bắt đầu với chữ Niết-bàn mang ý nghĩa thuần phác như là niềm tin về linh hồn bất diệt; cũng tức là chỉ hạnh phúc khoái lạc của linh hồn còn mãi trong thế giới Cực lạc. Đó là một loại tín ngưỡng do thực tiễn tu hành (nguyên văn là ma thuật) khó mà lí giải nên ngẫu nhiên phát sinh.
Trong đoạn văn dưới, chúng ta sẽ đối dụng để bảo vệ luận cứ của cách giải thích mới này, thử tiến hành khảo xét và phụ thêm một số ý kiến. Ý kiến này là về sự khác dần qua thời gian của khái niệm chân thật tuyệt đối này trong Phật giáo, và trong lịch sử Phật giáo trong 1000 năm đầu, theo cách nhìn của chúng ta, nó đã qua một quá trình chuyển biến.   
2. Phật giáo và Du-già
Thế kỷ 6 – 5 trước Tây lịch, một thời gian rất gần trước khi Phật giáo hưng khởi, toàn bộ Ấn-độ bùng lên những phong trào tư biện triết học. Trong các giai tầng của người Ấn-độ, có rất nhiều kiến giải và hệ thống tư tưởng khác nhau đâm chồi nảy nở và hoạt động đông đảo.[5] Học thuyết Duy vật luận (chỉ ngoại đạo Thuận Thế) phủ nhận sau khi con người chết còn một cái gì đó có hình thức tồn tục bất diệt; phủ nhận hành nghiệp thiện ác của một cá nhân phải chịu một quả báo nào. Học thuyết này truyền bá được rất rộng. Những giáo đồ Bà-la-môn chính thống trong thời đó cũng chia tách dòng phái, có một phái bảo thủ nền tôn giáo tế tự y cũ. Phái tín đồ này tin tưởng rằng nhờ tế tự, họ sẽ được quả báo lên Thiên đường hưởng những ngày khoái lạc. Một phái khác thì từ trước đã sớm yêu chuộng vũ trụ quan “vạn hữu nhất nguyên”, họ giải thích quả báo diệu lạc vô thượng thành cái ngã của cá thể mai một đi để hòa tất cả vào bao dung trong cái “chân thật tuyệt đối” phi cá thể. Sau này trong dòng phái của Bà-la-môn giáo ấy dần dần hình thành một loại tư tưởng cho rằng có một linh hồn cá thể thường tồn bất diệt.[6] (Xét ra chính là “ngã” hay “thần ngã”.) Linh hồn hay được gọi là ngã này sau khi trải qua nhiều đời nhiều kiếp trầm luân kết phược (bị sự trói buộc của nhục thể và tham dục…), do nhờ công đức tích lũy thiện hạnh nhiều kiếp, kết quả họ sẽ lại quay trở về diện mục bản lai của tinh thần thuần tịnh kia.
Luận giả Duy vật (chỉ ngoại đạo Thuận Thế) phủ nhận nhân quả nghiệp báo; luận giả Thần ngã thường trụ ngóng trông sự trở về của thần ngã vào một trạng thái thuần tịnh tinh thần. Đức Phật Thích-ca đứng giữa hai bên chọn lấy thuyết Trung đạo chẳng phải Đoạn cũng chẳng phải Thường. Ngài sử dụng học thuyết của luận giả Thần ngã thường trụ trải qua nhiều đời nhiều kiếp, lần lần tích tập nhân thiện nhờ vậy đắc quả, nhưng Ngài vẫn phản đối chủ tể tinh thần thường tồn bất diệt của họ.
Tông chỉ về phương diện triết học của đức Thích-ca Mâu-ni mà chúng ta có thể được hiểu giống như cảm giác rất sâu sắc rằng thần ngã thường trụ luận tự mâu thuẫn nhau. Ví như chúng ta nhận định có một loại thần ngã thường trụ bất diệt thuần tịnh không tạp, thần ngã này do một số nguyên nhân không thể biết mà đã bị sự nhiễm ô bởi rất nhiều cấu uế của đời trần, dẫu thế sau khi đã qua một vài đời, nó sẽ quay trở về trạng thái thuần tịnh vô nhiễm bản lai của nó. Cảm giác rằng cách nói này mâu thuẫn không thông, khiến nó dường như nhất loạt phủ nhận đối với tất cả chủ thể thường tồn bất diệt. Vật và tâm khi xem xét thì phải phân giải thành một số quá trình diễn biến hoàn cảnh không ngừng của những thành phần sinh diệt vô thường (thành phần này đức Phật gọi là “pháp” – Dharma). Ngoại trừ hư không và phi trạch diệt ra, các pháp quả thật là có sự chân thật tối hậu. Chúng đều không có chủ tể, vạn sự vạn vật đều là tư tưởng của hiện tượng trong quá trình chuyển biến, đại khái là lấy một số điều trong bộ Áo Nghĩa Thư (Upaniṣad) rồi dần dần phát triển thành một sự thật tối hậu về vũ trụ độc nhất phi nhân cách, đó là tiên phong. Phân tích toàn bộ thế giới thành những thành phần thuộc vật và thuộc tâm, về đại khái, trong một số mức hạn, tư tưởng của phái Số Luận đã thành tiên phong. Diện mục bản lai tông chỉ của đức Thích-ca là ở việc phủ nhận tất cả mọi bản thể không sinh diệt và tin tưởng rằng thế giới là những thành phần hòa hiệp qua lại và sinh sinh diệt diệt khác nhau được biểu hiện từ các hiện tượng trong quá trình chuyển biến của vạn sự vạn vật. Đức Phật từ bỏ thuyết Nhất nguyên luận trong Áo Nghĩa Thư và cả Nhị nguyên luận của phái Số Luận. Ngài đã kiến lập hệ thống tư tưởng Đa nguyên luận với rất nhiều đầu mối. Tinh nghĩa và xuất phát điểm của Phật giáo là tính tư biện, sự thật này sẽ được tường thuật ở dòng dưới (nếu chúng ta tín nhiệm ghi chép này là sự thật) rất rõ ràng, các bậc thầy du phương tuyên giáo đồng thời đại với đức Phật thường xuyên biện luận cùng Phật. Vấn đề mà họ tranh luận là thuộc về tính tư biện, vấn đề chủ yếu là vấn đề thiện ác và vấn đề giải thích nghiệp báo, song chúng ta lại vĩnh viễn đem liên hệ những vấn đề rất mật thiết đến một học thuyết bản thể luận nào đó, cũng như về một giáo nghĩa giải thoát tối hậu nào đó.[7]
Nếu chúng ta tận tâm thể nghiệm luận chỉ của vị triết nhân này, trong lòng chúng ta, vũ trụ sẽ hiện bày ra cái thuộc vật và cái thuộc tâm, một số thành phần vốn dĩ khác biệt trong quá trình chuyển biến khôn cùng tận, sinh sinh diệt diệt, trong đó không có bất kỳ cá thể nào là chân thật thật có, đằng sau chúng cũng không có bất kỳ bản chất nào thường tồn bất biến. Một phương diện khác, nếu chúng ta ghi nhớ trong tim rằng vị triết nhân này quả thật là khao khát tìm ra một loại cơ sở lí luận dùng để dựng nên thuyết thiện ác nghiệp báo. Vậy thì chúng ta đành thừa nhận, theo tập quán tư tưởng của chúng ta, luận chỉ của vị triết nhân này không dễ dàng thành lập được. Ngài nỗ lực né tránh sự mâu thuẫn của Thần ngã Thường trú luận, tránh khỏi mâu thuẫn của Nhất nguyên luận, tránh luôn cả mâu thuẫn của Duy vật luận (chỉ Thuận Thế ngoại đạo), nhưng điều ngài đụng phải, xét theo cách nhìn của chúng ta, lại là một sự mâu thuẫn mới. Mâu thuẫn này nằm ở việc có một dạng quy luật tạo nghiệp thiện ác chịu báo thiện ác, nhưng không có một nhân cách nào bị ước thúc bởi quy luật này. Sự mâu thuẫn này cũng nằm ở chỗ có cái gọi là sự giải thoát nhưng không có người giải thoát, cũng chính là nói, có thể nói rằng nhân cách đạt đến mục đích giải thoát lại hoàn toàn không tồn tại. Theo cách nghĩ của chúng ta, hầu như thông thường ta cho rằng nêu ra sự giải thoát thì phải có một người đạt được giải thoát.
Nếu chúng ta cân nhắc đến một tập quán tư tưởng đặc hữu của Ấn-độ, cái được cho là “tịch tĩnh” mới là sự diệu lạc chân thật duy nhất mà đời người có thể có được, chúng ta càng có thể lý giải được sở đắc mà đức Phật đã giải quyết đối với vấn đề này. Bậc Thánh (Arya) của Phật giáo cho đời sống tục nhân là một loại đời sống khổ trong sự phiền nhọc. Mục đích của Ngài là tránh khỏi những phiền loạn nhiễu nhương của đời sống đau khổ cảm xúc bởi năm giác quan mà tiến vào một trạng thái tịch tĩnh tuyệt đối. Một loại trạng thái mà tư tưởng của tất cả cảm tình và tất cả hữu hình đều vĩnh viễn dừng hẳn. Phương pháp đạt được sự tịch tĩnh này là phép thực hành Du-già (Yoga) thâm áo, tại Ấn-độ từ thời kỳ rất sớm đã rất phát đạt rồi.
Cảnh tượng vũ trụ trong cảm nhận của đức Phật nhìn thấy là sự vật vô số, khác biệt và biến hóa không ở yên; những sự vật này từ vô thủy đến nay luôn nằm trong trạng thái động loạn nhiễu nhương. Song một số thành phần cấu thành những sự vật đó mỗi thứ đều dần dần có thời gian đứng yên lại, có thể tiến vào một trạng thái tịch tĩnh, tiến vào một trạng thái mà tất cả sự sống hoàn toàn tịch diệt. Cảnh giới lý tưởng này có rất nhiều danh xưng, trong nhiều danh xưng đó là cái tên Niết-bàn là chữ hợp nhất để biểu thị ý nghĩa tịch diệt. Danh từ này đại khái là đã có từ trước khi Phật xuất thế rồi. Trước đó nó được dùng để đại biểu cho cảnh giới lý tưởng của Bà-la-môn, gọi là tinh thần cá thể được hòa tan vào toàn thể tinh thần vũ trụ (Brahma-nirvāṇa).[8]
Người vâng làm mọi điều thiện và giữ nghiêm giáo quy thì quả báo người đó phải được, theo những tín đồ Bà-la-môn giáo chính thống, cho là linh hồn sinh lên Thiên đường hưởng diệu lạc. Những luận giả Nhất nguyên của Bà-la-môn giáo (chỉ tín đồ của Áo Nghĩa Thư) cho đó là cái ngã cá nhân chìm luôn vào sự tuyệt đối phi nhân cách, cái đó gọi là trong “Đại Phạm” chân thật vũ trụ. Theo tín đồ Phật giáo thì ngoại trừ toàn bộ sự tịch tĩnh cuộc sống và sự tịch diệt tối hậu, không còn điều gì khác. Quả của sự tịch diệt này, chỉ xét theo luận điểm tịch diệt thì thực ra cách nhau không xa mấy với đề xuất về kết cục đời sống của những nhà Duy vật luận chất phác (Thuận Thế ngoại đạo). Những nhà Duy vật luận chất phác thừa nhận sau một đời sống con người thì thảy đều tịch diệt, không có luân hồi. Đức Phật cũng thừa nhận sự tịch diệt như thế, nhưng cần phải được sau khi đã qua nhiều đời nhiều kiếp tu thiện tu định đã. Kết cục luận này không thể không khiến cho các học giả Âu Châu cảm thấy sửng sốt. Mặc dù phủ nhận linh hồn là thực thể riêng biệt, đối với các học giả Âu Châu đó là chuyện thường thấy. Họ không hề trông mong trong thời đại xưa như thế, vùng đất xa như thế, có thể nói cho rõ ràng được đạo lí này. Vả lại, cách nói này không phải đi ra từ hệ thống lí luận của phái thuyết Hoài nghi, mà đi ra từ một loại học thuyết tôn giáo. Điều này không chỉ làm các học giả Âu Châu thấy kỳ lạ, dù là tại Ấn-độ, cũng có rất nhiều người lớn tiếng hô to để phản đối luận điệu tuyệt đối phủ nhận Thần ngã này.
Trong bản thân Tăng-già Phật giáo, thuyết Vô ngã này cũng từng bị dấy lên sự phản kháng, vả lại, sự phản kháng đấy dần dần mạnh hơn, kết quả sau khi Phật diệt 500 năm, cuối cùng xuất hiện một tôn giáo dường như phải nói là hoàn toàn mới, Tân giáo này kiến lập trên cơ sở Triết học hoàn toàn bất đồng.
Trong Phật giáo Sơ kỳ, các học giả đối với sự mâu thuẫn rõ rệt này từng có đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau. Có người cho rằng hoặc là do chính đức Phật chưa từng chú ý công phu tư biện, hoặc là do Phật cũng giống như rất nhiều vị tổ sư khai sơn của các tôn giáo khác, căn bản là không có năng lực suy xét logic cho rành mạch. Hiện tại chúng ta đối mặt với Phật giáo mà có người thử hoạch định mới lại cho nó một ý thú tuyệt không tư biện triết lý, mà xếp bộ phận triết lý được hàm chứa trong Phật giáo Sơ kỳ quy về sự thêm vào của Vãn kỳ, tức là được thêm vào khi Tam Tạng Pāḷi cuối cùng tổ chức thành lập.
Họ cho rằng đã từng có một loại Phật giáo nguyên bản, Phật giáo nguyên bản này khác biệt rất lớn với giáo lý được thể hiện trong Tam Tạng Pāḷi của Phật giáo sau này, thậm chí còn nhìn nhận là trái ngược nhau. Tất cả đặc điểm của Phật giáo ví như Yếm thế quan (chán đời), Hư không kiến, Vô ngã luận, nói về các loại công năng của tâm lí mà phủ nhận có cái tâm linh thường trụ, ưa chuộng tịch diệt, cho đó là mục đích cuối cùng của nhân sinh, phàm là những đặc điểm phẩm loại để phân biệt Phật giáo với các tôn giáo khác tại Ấn-độ và bên ngoài Ấn-độ, họ cho rằng chúng đều không tồn tại trong Phật giáo nguyên bản. Họ cho rằng Phật giáo của bản nhân Phật Thích-ca Mâu-ni và Phật giáo được xuất hiện sau này trong lịch sử, về các phương diện giáo lý, căn bản đều không giống nhau. Họ đã giả định từ trước khi có Phật giáo trong lịch sử, trước tiên đã từng có một tín điều sơ sài, kết quả là phải dùng tín ngưỡng giản đơn này để giải thích Phật giáo trong lịch sử.
Song, các văn bản cổ nhất hiện còn, giáo lý chứa đựng, toàn bộ hoặc gần như toàn bộ, quả thật là do người đời sau đặt chuyện, vậy thì đức Thích-ca đã từng lấy điều gì dạy cho người đời? Suốt thời thế kỷ thứ 3 – 2 tTL, đây là niên đại Tam Tạng Pāḷi cuối cùng được định hình, đại khái được người ta công nhận. Đây là một loại Phật giáo được làm mới, thay thế cho dạng Phật giáo nào? Họ cho chúng ta một đáp án quyết định, đó chính là Du-già (Yoga) (p.11). Đáp án này chỉ giải quyết một phần khó khăn của phương diện này. Vì nếu lại phải hỏi Du-già là gì, họ cho rằng câu hỏi như vậy sẽ làm người ta ngờ sợ không yên, tuy nhiên trang tiếp theo của sách, họ bảo chúng ta rằng, Du-già chỉ là một loại ma thuật và ảo thuật thô lậu, phối hợp với một số thủ pháp của thuật thôi miên. Cách nói này hàm nghĩa của nó phải cho rằng đức Thích-ca không phải như những người đi theo hệ thống triết học nào đó trong thời đại của Patañjali, thời kỳ đó giảng tâm lí học của cảnh giới Du-già, đối với việc giải quyết những vấn đề đặc định này chiếm địa vị rõ rệt, mà sự thật phải cho Thích-ca là một vị vu sư (thầy ma thuật) bình thường, đức Phật chắc chắn không hề nghĩ đến việc phủ nhận sự tồn tại của linh hồn, không hề nghĩ đến việc gây dựng một loại tâm lí học không có linh hồn tồn tại, cũng không hề nghĩ đến việc làm một bậc mong cầu giải thoát khỏi thế giới này. Ngài không chỉ khẳng định thuật Du-già, trước khi Phật giáo hưng khởi, tại Ấn-độ thực tế đã tồn tại – điều này vốn rất có khả năng, hơn nữa giống như bản thân giáo lí Phật giáo được vị tác giả này chủ trương tất có ý, đó là giáo lí thật sự của đức Phật Thích-ca, thậm chí trong Tam Tạng Pāḷi, quả thật ngoài những ảo thuật yêu thuật khó lý giải ra thì không có gì khác.[9] Xem nguyên văn đoạn dẫn dưới đây hoàn toàn rõ ràng, có người không hiểu nổi điều này bèn bảo người kia cho lời giải thích được không? Người đó nói: “Du-già được đi ra từ Phật giáo là ý hướng không có tư biện lí luận”. (p.53) Cũng tức là nói: “Bản thân Du-già chỉ là một dạng mánh cũ của số thuật, nó không liên can gì với tôn giáo đạo đức hay kiến giải triết học” (p.12). [10] Tóm lại mà nói, Du-già chỉ là vu thuật (ma thuật) và ảo thuật. Tiểu Thừa Phật giáo từ Mahāvagga cho đến Giác Âm (Buddhaghosa) đều dừng lại ở trạng thái này. (ý nói là trong trạng thái phương thuật Du-già hoàn toàn không có ý hướng tư biện) Cũng tức là nói Phật giáo trong thời kỳ này chỉ là một dạng thuật Du-già, ngoài ra cơ hồ là không hàm chứa thành phần nào khác (p.53).[11]
Nói tới đây, trước tiên chúng ta phải bàn Du-già một chút. Du-già (Yoga) là một khái niệm có thể gặp gỡ trong nền triết học Ấn-độ. Nó là một học thuyết cơ bản hoàn toàn quan trọng trong tư tưởng tại Ấn-độ. Học thuyết này phát triển tại Ấn-độ, bất luận một điều mục nào nhỏ nhặt của nó cũng đều được phát huy hết mức. Hơn nữa, chỉ có một học phái chuyên dốc sức vào nó. Khái niệm như vậy nếu thật sự là điều mơ hồ bất định thì chúng ta hẳn sẽ tuyệt vọng với triết học Ấn-độ rồi! Định nghĩa của Du-già là giữ tâm không loạn (Đẳng trì: samādhi, Tam-ma-địa) hoặc tâm nhất cảnh tính (ekāgratā), hơn nữa phải giữ mãi bất biến (punaḥ punaḥ cetasi nireśaṇam). Du-già (Yoga) là từ đồng nghĩa với Thiền-na (dhyāna), Tam-ma-bát-để (samāpatti), ý chỉ đều giống nhau.[12] Theo ngữ pháp đặc thù của văn Phạn, tất cả những danh từ này đều có thể hoặc là dùng để chỉ nghiệp được gây ra (Karmasādhana: nghiệp thành lập), hoặc dùng để chỉ cái nhân tác động đến (Karanaadhana: nhân thành lập), hoặc dùng để chỉ xứ được nương vào (Adhkaraṇas—ādhsana: y thành lập).[13] Hàm nghĩa của Du-già và Tam-ma-địa vì vậy có thể là chỉ đối tượng của Du-già thành tu định, tức cái tâm tu định, cũng là một trạng thái tâm lí, hoặc là chỉ một loại phương pháp được áp dụng nhằm phát sinh trạng thái tâm lí này, hoặc là chỉ xứ được nương vào của trạng thái tâm lí phát sinh này. Thông lệ là dùng ý nghĩa sau cùng của nó làm tên gọi phân ngôi thiền định. Đến ngôi vị này mãi ở trong định, cũng gọi là Đẳng chí (samāpatti), tám thứ định đều có thể dùng tên gọi này.
Theo cách gọi người đắc định có thể sinh đến những cõi Trời Thiền. Từ ý nghĩa này mà nói, danh từ đó là thế giới được gọi là trụ bởi hữu tình sắc thân thô, hoặc là thế giới so ra khác biệt với Dục giới (Kāma-dhātu). Hữu tình trong Dục giới có tâm tán loạn, đó là hai chữ có hàm nghĩa khá phổ thông. Hàm nghĩa của chúng có điểm khá đặc thù, dùng chúng để chỉ riêng bốn loại Trời Thiền tối cao, đó chính là Vô sắc giới (arūpadhātu). Trong ý nghĩa này, so ra chúng có sự khác biệt với bốn loại Trời Thiền thấp hơn. Bốn loại Trời Thiền thấp hơn gọi là Tứ Thiền (dhyāna). Chữ Tam-ma-địa (samādhi) cũng có một hàm nghĩa phổ thông và một hàm nghĩa đặc thù. Hàm nghĩa của nó có thể là một loại công năng khiến tâm tập trung chỉ duyên một cảnh, hoặc là chỉ định vị trắng thuần đã đạt cao độ. Vào lúc ấy, nó sẽ biến thành một sức mạnh thần bí. Sức mạnh này có thể khiến người tu định tiến vào cảnh giới thiền định cao cấp hơn. Và toàn bộ cuộc sống của họ hoàn toàn thay đổi. Hàm nghĩa Du-già (yoga) nói chung là chỉ một ý nghĩa tối hậu. Có thể dùng nó để chỉ bất kỳ một nghĩa nào trong ba ý nghĩa, cũng không trái ngược với tinh thần của ngữ pháp Sanskrit. (yujyate etad itiyoga, yujyate anena iti yogaḥ, yujyate tasmin iti yogaḥ) Giả thiết nếu những tự nghĩa như chữ du-già… có lời oán gì, chỉ những khái niệm như có thể oán trách mới phân tích tỉ mỉ được cặn kẽ sâu sắc như thế, nhưng không thể oán trách nó quá mơ hồ. Đối với thần lực siêu tự nhiên thì phải dùng danh từ thần thông (Ṛddhi), nhưng khi bạn lấy mục đích tu định là để đắc thần thông, tự nhiên cũng có thể nói lấy cái trước thay cái sau. Đối với một độc giả lưu ý cả đoạn trên dưới, thường có thể chỉ ra ý chỉ tận cùng của hàm nghĩa đó là gì.
Về giáo lý Du-già của Phật giáo, nó tuyệt không liên can gì đến thứ ma thuật hay ảo thuật thô bỉ nào ấy đâu. Giáo lý đó thực ra là cách giải thích hàm chứa triết lý sau đây. Điểm này tôi cho rằng các sử gia triết học không thể bỏ qua không hỏi đến, cũng không đành không biết giá trị sở tại của nó.
Tư tưởng căn bản của Du-già thực tại với tu định có thể dẫn sinh đến cảnh giới tịch tĩnh. Một người tu định là đang tương phản với một người hấp tấp. Vì vậy, toàn bộ sự sống được phân tích thành một số thành phần bập bềnh bất định của họ (hành: saṃskāra)[14], để nương tựa lần lần khiến những thành phần này quy về tịch tĩnh và tịch diệt.
Một cá nhân trong tưởng tượng của các nhà tôn giáo bên ngoài đạo Phật cho rằng là một chủ thể tinh thần thường hằng bất biến, nó gọi là thần ngã, hoặc ngã (ātma); trong Phật giáo gọi là Bổ-đặc-già-la (pudgala), và cho rằng một Bổ-đặc-già-la trên thực tế chẳng qua là một sự tụ tập của vài thành phần hoặc lực lượng nào đó (hành tụ: saṃskāra samūha) mà trở thành một dòng tâm tương tục (tương tục: santāna) mà thôi. Bên trong họ không có bất cứ điều gì thường tồn bất tán hoặc có thực thể, thực tại vốn dĩ vô ngã, hoặc phi ngã (anātman). Nói hàm nghĩa này bằng với nói, xét theo tư tưởng thông thường của đa nguyên luận cực đoan, một cá nhân thuộc về bộ phận tinh thần cũng hàm chứa rất nhiều thành phần phân ly nọ kia (pháp: dharma), quả đúng với kết cấu vật lý của họ chứa rất nhiều nguyên tử,[15] những thành phần này mặc dù phân ly nọ kia lại được liên kết lại thành một nhân duyên (hetu-pratyaya), trong đó có vài thành phần là mãi mãi xuất hiện đồng thời, chúng ta gọi chúng là nhân câu hữu (sahabhū). Một số là kế khởi lẫn nhau trong sát-na trước sau, thế là chúng ta liền gọi chúng là quả đẳng lưu (niṣyanda phala). Chúng cấu thành sát-na tương tục (Kṣaṇa -santāna). Vì vậy toàn bộ nhân duyên này gọi là Duyên khởi (duyên hội mà sinh; pratītya-samutpāda). Số mục thành phần tâm lí của một cá nhân (vô sắc pháp: arūpino dharmaḥ) nằm ở mỗi một sát-na, tóm lại là thường biến. Số mục đó có thể rất lớn, vì vậy nó có nhiều công năng ẩn phục không hiện hành, cũng coi như là tồn tại thực tế. Cách nói này từng gây nên tràng cười nhạo của những người thuộc Kinh Lượng bộ, họ cho rằng những thành phần phân ly lẫn nhau với số lượng cực đại trong một sát-na trên thực tế đều có đồng thời là chuyện không thể.[16] Đúng là có vài thành phần trong đó vĩnh viễn thường xuất hiện trong mỗi một sát-na, những thành phần còn lại thì chỉ dưới điều kiện nào đó mới xuất hiện. Có mười loại công năng khác biệt, được cho là mãi mãi xuất hiện.[17] Chúng ta gọi chúng là tâm đại địa pháp (citta-mahābhūmika). Trong mười loại này, chúng ta thấy có một công năng là “định”, tức là hai thành phần tam-ma-địa (samādhi) và du-già (yoga) là tính vô ký (không phải thiện cũng không phải ác), ngoài ra có lúc còn thêm số lượng thiện pháp nào đó, có lúc còn thêm số lượng bất thiện pháp nào đó. Song, thành phần tâm lí cấu thành một tâm tương tục này (tâm sở hữu pháp) không chỉ là về phương diện số lượng, mỗi một sát-na đều có thay đổi, phương diện cường độ (utkarṣa: tăng thắng) trong bản thân chúng sẽ có mạnh yếu khác nhau. Nếu một cá nhân nào trong một lúc nào đó, một thành phần tâm lí nào, chiếm ưu thế trong tâm họ, mà trong một cá nhân khác hoặc vốn dĩ cá nhân đó trong một lúc khác, thành phần tâm lí khác sẽ chiếm địa vị cốt yếu trong tâm họ.[18]
Ở mười đại địa pháp thường xuất hiện trong mười loại này, có hai tâm sở pháp rất ư quý báu, nếu khiến chúng được phát triển thích hợp trọn vẹn, chúng sẽ chiếm địa vị chủ yếu trong tâm ta, và có thể hoàn toàn thay đổi tính chất của một cá nhân và đức tính thiện ác của họ. Đây chính là năng lực biện luận phân tích cao độ, hay được gọi là Trí (Prajñā), và có thể bài trừ tất cả tạp niệm và những rối rắm do cớ sự ngẫu phát, năng lực khiến tâm tập trung trong một cảnh, ta gọi đó là định (samādhi) và du-già (yoga). Hai tâm sở pháp này có lúc không hề phát đạt gì cả, lúc đó Trí (Prajñā) được gọi là tuệ (mati). Nhưng trên thực tế, trí và tuệ là cùng một công năng tâm lí. Sau khi phát triển trọn vẹn, nó bèn chuyển thành trí vô lậu (Prajñā-amala). Đời sống của một người bình thường toàn bộ là bị vô minh (avidyā) khống chế. “Vô minh” chính là mặt trái của Trí (Prajñā), nhưng nó không chỉ là không có Trí (Prajñā), nó là một tâm pháp độc lập, nó có thể đồng thời tồn tại với trí tuệ thực tại đang tiềm ẩn trong mỗi con người bình thường trên thực tế. Nhưng vô minh không phải là một loại pháp thường tồn bất diệt, nó có thể bị chế phục trừ đoạn (Prahina: đoạn), từ đó trong một tâm tương tục, hoàn toàn gột bỏ quét sạch. Tâm tương tục lúc này đã chuyển thành sự thanh tịnh hoặc đã thuộc về ngôi Thánh (arya).
Vì vậy, thiện ác của nhân loại hay ngừng ác tiến thiện, hay gọi là đức dục, được xem trở nên là thiện (kuśala) bên trong một cái tâm tương tục (saṃtati: tức chỉ một cái), tức là chỉ cho tâm sở thanh tịnh và bất thiện (akuśala), đó là cuộc chiến còn mất của hai bên nhiễm ô hám dục. Vì những thành phần tâm lí này đã giả định chúng là dĩ nhiên khác biệt và sinh diệt trong sát-na, cho nên trên thực tế chúng không thể ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy nhiên vô minh nhiễm ô và những thành phần khác làm tâm không được tịch tĩnh, chúng xuất hiện có thể khiến toàn thể tâm tương tục không thanh tịnh, tất cả tâm pháp bấy giờ đều trở nên bất tịnh, đó chính là tâm vương, được gọi là thức (Vijñāna), cũng do đó mà trở nên không thanh tịnh (kliṣṭa: nhiễm, sāsrava: hữu lậu). Nhằm thuyết minh mọi tâm pháp của một tâm tương tục, hoặc là những gì đều thanh tịnh của bậc Thánh, hoặc là những gì đều ô nhiễm như phàm phu, Phật gia từng quy một loại luật nhân quả, được gọi là nhân biến hành (sarvatraga-hetu).[19]
Trong học thuyết Phật gia, cho rằng thiện pháp hoặc thanh tịnh pháp cuối cùng ắt có thể được thắng lợi. Đó cũng là niềm tin sâu vững trong một cộng đồng ở mọi quốc gia Phật giáo. Pháp nhiễm ô (kloṣa) chia làm hai loại, có một loại có thể do thức thấy để đối trị, cũng chính là nói, có thể nhờ lí trí để đoạn trừ. Còn loại kia thì chỉ có thể do tu định để đối trị, nhờ định lực để đoạn trừ. Tên loại trước gọi là kiến sở đoạn (dṛṣṭi-heya), tên loại sau gọi là tu sở đoạn (bhāvanā-heya).[20] Đó đương nhiên là một sự thật rất tự nhiên và cũng rất bình thường, khuyết điểm và thói ác của chúng ta có một số nhờ vào tri thức để trừ diệt, một số khác chỉ có thể do tu dưỡng để trừ diệt. Thế nhưng cái gọi là tu của nhà Phật nếu đến giai đoạn tối cao thì có thể được sức mạnh lớn hơn,[21] nó trở thành một sức mạnh thần bí. Họ có thể làm sự sống hoàn toàn dừng lại, trong con đường giải thoát đó là một giai đoạn tối hậu có tính quyết định nhất, họ lại có thể khiến một cá nhân chuyển vào một sự sinh tồn cao cấp hơn, lúc đó, họ sẽ đầu sinh hoặc chuyển sinh thành thân thể quang minh thanh tịnh (accaha, bhāsvara) rồi tiến vào Sắc giới (rūpa-dhātu) hoặc tiến vào Vô sắc giới (ārūpya-dhātu) cao hơn.
Hiện tại chúng ta ly khai thế giới hiện thực, tiến tới bàn về thế giới thần bí, từ một quan điểm này để nói, thế gian có thể chia làm ba cõi, sự khu hoạch này trên thực tế chia cách thế giới trong tưởng tượng thành ba phần. Nó trước hết chia thành thiền định giới (samāpatli) và phi thiền định giới. Cái sau là thế giới ác trược của chúng ta, gọi là Dục giới (kāma-dhātu). Dục giới bao gồm địa ngục, nhân gian và chư Thiên cấp thấp. Những vị Trời cấp thấp này đời sống cũng giống như nhân loại trong Dục giới thôi, hưởng thụ giống như những gì nhân loại đang hưởng thụ. Những chư Thiên này có địa vị trong Dục giới như vậy rất có thể biểu thị cho đặc điểm của Phật giáo cũng như Kỳ-na giáo. Các thiên thần này không phải là ưu việt hơn nhân loại chúng ta về mặt ý nghĩa đạo đức, nếu là tiến đức tu thiện và được giải thoát thì thân người dễ thích hợp hơn. Nếu dùng thuật ngữ Phật giáo để nói, thân trời của chư Thiên dục giới cũng là thể tập hợp của mười tám giới (giới = dhātu), không hề có sức mạnh do du-già (yoga) để đoạn trừ một giới nào trong đó. Chư Thiên dục giới vẫn có nhiều sự hám dục, sở dĩ họ cao hơn con người là do uy lực của họ hơn người chứ không phải do hành vi của họ thiện hơn con người. Thế giới thần bí lại chia thành hai, thứ nhất là cõi trời của chư Thiên vốn có sắc thân nhiệm mầu cư ngụ; thứ hai là cõi trời của chư Thiên không có sắc thân cư ngụ, công năng tu “định” (samādhi, yoga) của hữu tình đến cõi trời này đã chiếm ưu thế tuyệt đối, đã biến thành trung tâm trạng thái tâm lí của hữu tình đó. Lúc này những loại tâm pháp khác đều trở thành tùy tùng của “định”. Phật gia từng tưởng tượng chia vạch ra một dãy thiên giới nằm bên trên Dục giới thiên, những thiên giới (cõi trời) này đối ứng khớp lại lẫn nhau với các đẳng cấp của cảnh giới thiền định mà những người tu định hay hành giả Du-già đã lần lần đạt đến. Vô sắc giới (ārūpya-dhātu) có bốn cấp, trời của mỗi cấp đều chìm đắm trong Tam-ma-bát-để (Samāpatti) riêng biệt khôn sánh. Có cái nhập Không vô biên xứ định, có cái nhập Thức vô biên xứ định, có cái nhập Vô sở hữu xứ định, có cái nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Tâm cảnh của họ dường như đã trở nên chai lì, một loại trạng thái hoàn toàn ngừng bặt các hoạt động tư tưởng. Chư Thiên sắc giới cũng chia bốn bậc, bốn bậc này đối ứng khớp với bốn giai đoạn tối sơ của thiền định (dhyāna). Do đó chúng được gọi là Sơ thiền thiên, Nhị thiền thiên, Tam thiền thiên và Tứ thiền thiên.
Thân thể nhân loại chúng ta gồm có 18 thành phần (thập bát giới), thân thể của Sắc giới thiên thì chỉ có 14 loại, 4 loại kia là hương giới, vị giới, tị giới và thiệt giới không tiếp tục tồn tại nữa. Đó là vì chư Thiên sắc giới không còn nhu cầu chất cứng vật thực gì nữa, họ không ăn thức ăn miếng cục nữa, kể cả nhu cầu nhai và nuốt thức ăn; họ chỉ sống bằng thức thực. Sự tưởng tượng này hiển nhiên là dựa theo những người tu thiền định, khi họ tiến vào thiền định rất sâu sẽ hoàn toàn thành lập sự thật là quên mất đi việc ăn uống cái gì đó. Vì vậy đối tượng của khứu giác và vị giác sẽ mất đi lí do tồn tại của chúng. Như thế hương và vị đã bị tiêu diệt sạch ráo do sức mạnh thần bí của Du-già. Song cơ quan xác thịt, mũi và lưỡi thì vẫn tồn tại, vì nếu không có mũi và lưỡi thì hình dạng thân thể của chư Thiên đó sẽ trông xấu xí. Hình dạng chư Thiên đều rất đẹp đẽ, không có gì tàn khuyết cả. Năng lực thị giác và thính giác của chư Thiên là vô hạn. Họ có thiên nhãn (divya-caku) và thiên nhĩ (divya-śrotram). Xúc giác và những cảm giác nhẹ nhõm thích thú (Prasrabdhi: khinh an) về phương diện thân thể riêng có của họ cũng [vô hạn] như vậy luôn. Sự khinh an này có thể sản sinh trong sự nhẹ nhàng thăng hoa của họ vốn có nơi Sắc giới. Vì vậy hành động của họ hết sức mau lẹ khéo léo. Nhưng họ hoàn toàn không có công năng khứu giác và vị giác, vì thức ăn của họ là phi vật chất. Họ không cần y phục, khi họ giáng sinh đã mặc thiên y rồi, thiên y này họ có thể mặc luôn suốt đời sống rất lâu dài của họ. Họ cũng không cần có nhà cửa, mỗi một vị Sắc giới thiên vừa sinh ra do nghiệp lực (karma) của chính mình chuẩn bị cho họ một tòa thiên cung tuyệt đẹp, cũng tức là nói tự nhiên có một tòa thiên cung. Hiện tượng tính dục cũng đã tinh thần hóa luôn. Thân xác của chư Thiên [cõi Sắc] không có cơ quan sinh thực (bộ phận sinh dục). Nhưng nó không làm cho thân thể của họ bị tàn khuyết, họ hoàn toàn không có tính dục như Dục giới. Song họ cũng không hoàn toàn vô tình, tình cảm của họ tao nhã lắm. Khi một vị Trời mới sinh ra đời, vị đó không có một sự đau khổ nào, không có sự cấu uế nào. Vị Trời mới sinh đó không phải được sinh ra trong tử cung của người mẹ, mà là hóa sinh (Upapāduka). Khi họ hóa sinh, trong hai vị Trời mà vị nào có khoảng cách gần chỗ họ sinh nhất thì trở thành cha mẹ của họ. Trong xã hội như thế tự nhiên cũng không cần bất kỳ chính phủ nào, vì đâu có sự phạm tội ở nơi nào, cũng không có những thứ ham muốn như Dục giới. Hoàn toàn không có ham muốn thì cũng bằng với hoàn toàn không có sức ý chí nào cả. Tình hình này xét theo tập quán tư tưởng người Ấn-độ thì có thể hoàn toàn chấm dứt sự sống, có vẻ giống Niết-bàn. Thế nhưng tất cả tình cảm của họ đều có hình thái thăng bằng. Tình cảm căm hận (sân: Pratigha), những tình cảm khác đều thuộc về tính vô ký hữu phúc (Nivṛta-avyākṛta).
Dựng khung vẽ con người trong bức tranh một cõi Trời như vậy bất luận vị đó là Phật hay người nào khác, khái niệm chỉ đạo của sự tưởng tượng ấy có vẻ là cho rằng tất cả sự tình con người làm vốn dĩ chính là tai vạ của nhân loại, vì vậy họ tưởng tượng một trạng thái hoàn toàn như là không có nhu cầu. Vì tất cả những điều cần thiết như cái ăn cái mặc để sống đều tự nhiên hiện ra có sẵn hết cả rồi, những đặc tính phẩm cách bại hoại của loài người như là tính dục của Dục giới hoàn toàn không có ở nơi đó. Như vậy ba loại nguyên động lực cho hoạt động của nhân loại trên địa cầu là: của cải, tính dục và đạo nghĩa (artha, kama, dharma), 3 thứ đó trong Vô sắc giới chỉ có loại sau cùng là còn nguyên sức mạnh chi phối họ mà không bị trở ngại. Mặc dù như vậy, bên trong chư Thiên của Sắc giới hay Vô sắc giới vẫn không phải là bình đẳng tuyệt đối. Nơi đó cũng có những nhân vật cao quý và bình phàm, căn tính của người thế tục hay còn gọi là dị sinh tính (pṛthag-janatva) còn ngẫu nhiên xuất hiện trong hai cõi này. Chí ít về vấn đề này giữa một số bộ phái có biện luận qua. Tình huống cặn kẽ về Sắc giới và Vô sắc giới đã từng dấy lên nhiều cuộc tranh luận, và cho dù đến ngày nay chúng ta vẫn có thể nhìn thấy các môn đồ Phật giáo đối với điều này hoàn toàn vẫn tranh luận lẫn nhau một cách sinh động, kể cả những loại vấn đề có thể đưa ra biện luận.
Trong Luận Câu-xá (Kośa-śāstra) có thảo luận về vấn đề này, nhằm đạt được tất cả uy lực siêu tự nhiên sở hữu tại Sắc giới và Vô sắc giới phải chăng đặt điều kiện tất yếu là chuyển sinh qua Sắc giới và Vô sắc giới, đôi khi trong đời này gọi là Dục giới cũng có người có khả năng đạt những uy lực ấy. Chúng ta xem đáp án nêu ra dưới đây.
“Có chúng sinh sinh tồn trong thế giới của chúng ta gọi là Dục giới (kāma-dhātu), cũng có chúng sinh sinh tồn trong Sắc giới là Trời Thiền một, hai, ba, bốn (Prathamadhyānādi), họ đều có một thân thể, một công năng nhìn thấy (dịch giả theo nguyên tác Câu-xá là thân sắc nhãn thức, đoạn văn này chỉ nói thân nhãn sắc, hoặc giả đoạn văn đã diễn dịch lầm công năng nhìn thấy là nhãn và thức. Tay không có bản Câu-xá tiếng Phạn, không thể phán đúng sai thế nào được. Tra bản tiếng Tạng vốn không đến nỗi có sai sót này), và sắc được thấy, thế ba bộ phận cấu thành của một chúng sinh được gọi là thân nhãn sắc còn cần phải thuộc toàn bộ về một cõi hoặc một nơi sao? Hoặc thân của một chúng sinh thuộc cõi hay nơi nọ nhưng nhãn và sắc thuộc riêng về một cõi hoặc một nơi khác sao? Câu trả lời của chúng ta là: mấy thành phần cấu thành này đều thuộc về một cõi hoặc một nơi cả là có thể, nhưng dù có thuộc cõi hoặc nơi khác nhau cũng là điều có thể luôn.
“Một chúng sinh tại Dục giới nếu dùng nhãn (mắt) Dục giới của họ để nhìn sắc Dục giới của họ thì hết thảy ba thành phần cấu thành đều thuộc về một cõi, tức gọi là Dục giới. Nhưng một cá nhân khi đã đạt được tĩnh lự tầng thứ nhất (sơ thiền) rồi, họ phải dùng nhãn Sơ tĩnh lự để nhìn sắc của Dục giới, mấy thành phần cấu thành của người này khác nhau với người trước. Thân thể và sắc được thấy của họ vẫn là thuộc về Dục giới; nhưng nhãn và nhãn thức của họ thì phải thuộc về Sơ tĩnh lự. Nếu họ lại được Nhị tĩnh lự, Tam tĩnh tự cao hơn, ở những địa vị này cảnh tượng biến đổi, khi đó thân của hữu tình này vẫn thuộc Dục giới nhưng nhãn, nhãn thức và sắc được thấy của họ đều thuộc về phần vị thiền định mà họ đã đạt được… Một cá nhân mặc dù thân thể vẫn là trong Dục giới nhưng có thể đạt được nhãn của Nhị tĩnh lự, Tam tĩnh lự… Sự kết hợp của thân, nhãn, thức, sắc từ điều đã nêu trên có thể loại suy. Lại nữa, tất cả chúng sinh trong Sơ thiền thiên dùng mắt Sơ tĩnh lự thấy sắc Sơ tĩnh lự thì thân, nhãn, thức, sắc đều thuộc Sơ thiền. Nếu dùng mắt của Sơ thiền thiên thấy sắc cõi thấp hơn tức là sắc của Dục giới thì thân, nhãn, thức thuộc Sơ thiền nhưng sắc thuộc Dục giới. Chúng sinh ở Sơ thiền thiên cũng có thể đạt được nhãn của Nhị thiền, Tam thiền… sự kết hợp của bốn thành phần thân, nhãn, thức, sắc có thể loại suy từ điều đã nêu trên.
Nhưng điều đó cũng có một hạn độ, tức nơi mà nhãn thuộc về ắt không thể dưới hơn nơi mà thân thuộc về (thân Sắc giới cũng không thể có nhãn Dục giới). Nhưng thân Dục giới lại có thể có nhãn Sắc giới. Người trong Dục giới bình thường không thể dùng nhãn Dục giới thấy được chuyện nơi thượng giới. Nhưng hữu tình thượng giới nếu nói họ để ý lại có thể thấy chuyện trong Dục giới. Nhãn phụ thuộc thân, có thể hoặc là thuộc nơi mà thân thuộc về, hoặc là thuộc những nơi cao hơn nơi mà thân thuộc về chứ không thể thuộc những nơi thấp hơn nơi mà thân thuộc về. Vậy nhưng sắc được thấy với thức năng thấy thì hoặc cùng thuộc một nơi với thân, hoặc thuộc những nơi thấp hơn nơi mà thân thuộc về, nhưng không thể thuộc những nơi cao hơn nơi mà thân thuộc về (điều này không khớp với Hán dịch). Tình hình thành phần cấu thành của nhĩ, nhĩ thức, thanh… cũng giống hệt với nhãn, nhãn thức, sắc. Ba giới tỵ, thiệt, thân thì vĩnh viễn phụ thuộc cùng một nơi mà thân thể phụ thuộc về”. (nguyên văn Hán dịch Câu-xá của Huyền Trang: “được trụ kèm theo thân, khi mắt thấy sắc thì thân, nhãn, sắc, thức cùng một nơi chăng? Nên nói bốn thứ này hoặc khác hoặc cùng. Gọi là sinh Dục giới nếu lấy mắt tự địa [tự địa là tự chính cõi hoặc trình độ mình đạt được – ND] thấy sắc tự địa thì cả bốn đều tự địa. Nếu dùng mắt Sơ tĩnh lự thấy sắc Dục giới thì thân và sắc thuộc Dục giới còn nhãn thức thuộc Sơ định. Thấy sắc Sơ định thì thân thuộc Dục giới còn ba thứ kia thuộc Sắc giới. Nếu dùng mắt Nhị tĩnh lự thấy sắc Dục giới thì thân và sắc thuộc Dục giới còn mắt thuộc Nhị định và thức thuộc Sơ định. Thấy sắc Sơ định thì thân thuộc Dục giới, mắt thuộc Nhị định, sắc và thức thuộc Sơ định. Thấy sắc Nhị định thì thân thuộc Dục giới, nhãn và sắc thuộc Nhị định, thức thuộc Sơ định. Như vậy nếu dùng mắt tĩnh lự bậc ba và bốn thấy sắc nơi thấp hơn hoặc sắc tự địa hoặc sắc thấp hơn và cao hơn thì nên nghĩ như lý. Như vậy sinh tĩnh lự hai, ba, bốn dùng nhãn tự địa hay tha địa thấy sắc tự địa hay tha địa nên nghĩ như lý. Cõi còn lại cũng nên phân biệt như vậy. Nay nên phân bày sơ qua quyết định tướng này. Tụng rằng: nhãn không thấp hơn thân, sắc – thức chẳng trên nhãn, sắc với thức tất cả, hai với thân cũng vậy, như nhãn – nhĩ cũng vậy, ba thứ đều tự địa, ý bất định nên biết. Luận rằng: ba thứ thân, nhãn, sắc đều thông năm bậc, gọi là trong Dục giới, Tứ tĩnh lự, nhãn thức chỉ sơ định trong Dục giới. Nhãn căn trong này nhìn nơi thân sinh hoặc bằng hoặc trên, trọn không ở dưới. Sắc, thức trông nhãn thì bằng hoặc dưới chứ không trên. Vì mắt cõi dưới không thể thấy sắc cõi trên nên thức cõi trên không nương mắt cõi dưới. Sắc trông với thức có cả bằng, trên hay dưới hơn. Sắc, thức với thân như sắc với thức. Nói rộng ra cả nhĩ giới cũng nên biết là giống nhãn luôn, là nhĩ không thấp hơn thân, thanh thức không cao hơn nhĩ, thanh với thức tất cả, hai với thân cũng vậy. Được ứng kèm theo nó, giải thích rộng thì cũng giống nhãn. Ba thứ tỵ, thiệt, thân tóm lại đều là tự địa”. – Dịch giả phụ lục)
Lí luận này làm chúng ta càng hiểu được sự phủ nhận cái tôi cá thể của Phật gia tức là cái tự thể cố định và bất biến. Các thành phần cấu tạo nên một thể ngã thậm chí có thể lần lượt thuộc về trong ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc. Xét nét từ thực tế, xác nhận những thành phần cấu thành này do sức quán tưởng, kết quả sẽ chuyển vào một cõi cao hơn, trong đó hoàn cảnh tuy đã thay đổi nhưng cùng một nghiệp lực theo bên đây (do sức mạnh tu quán pháp tất cả thật có mà được), nhưng vẫn là sự kết hợp qua lại như cũ. Một bộ sách tư tưởng triết học về điểm này lại rất giống công thức tính trong Toán học. Về phương diện nguyên tắc sinh tồn, đã biết có sự thay đổi nào đó, ví như lúc chấm dứt nhu cầu sống bằng thức ăn thì về công thức của một đời người sẽ có những thay đổi gì? Sau đây trong một đoạn vấn đáp được trích dẫn từ Câu-xá Luận chúng ta cũng có thể thấy rất rõ.
Tất cả hữu tình trong ba cõi chắc chắn đều được 18 giới (dhatu) hợp thành. Vậy hữu tình Dục giới do mấy giới hợp thành? Hữu tình Sắc giới do mấy giới hợp thành? Hữu tình Vô sắc giới do mấy giới hợp thành? Đáp án của chúng ta là: hữu tình Dục giới do 18 giới hợp thành, hữu tình Sắc giới do 14 giới hợp thành, hữu tình Vô sắc giới do 3 giới hợp thành. Toàn thể 18 giới đều hệ thuộc hữu tình Dục giới. Cái gọi là “hệ thuộc” không thể tách rời ý nghĩa được, nhưng nhờ chúng cấu thành 1 giới. Trong Sắc giới mất đi mất đi 2 cảnh hương – vị và 2 thức tỵ - thiệt (thức: Vijñana). Hương và vị là đại biểu cho thực phẩm vật chất (Đoàn thực: Kavali-kāra-āhāra) song hữu tình Sắc giới có thể sống mà không dựa vào thực phẩm vật chất, họ không mong cầu đối với những vật thực này. 2 thức tỵ - thiệt vì vậy cũng không có, do đối tượng của 2 thức này – chỉ thực phẩm vật chất có chứa hương và vị – không tồn tại nữa.
Có người hỏi: Nếu đã như vậy, xúc giới cũng sẽ không có đối tượng nào cả. Vì xúc cũng là thứ thực phẩm vật chất có mà.
Đáp: Xúc nằm ngoài thực phẩm vật chất vẫn còn tồn tại.
Hỏi: Hương và vị giống như xúc, (hương vị nằm ngoài thực phẩm vật chất còn phải có đối tượng).
Đáp: Xúc thì ắt phải có, vì hữu tình Sắc giới có căn, có thân, có y. Xúc phải bảo vệ cho căn xúc chạm, thân thể và y được thân chạm vào, hương và vị thì không có nhu cầu này. Vì họ không cần thực phẩm vật chất nên họ vốn không có đòi hỏi đối với thực phẩm vật chất, điều đó với hương vị tương đương trong thực phẩm vật chất cũng không tồn tại nốt. (tức là nói hương và vị không còn xuất hiện bởi nghiệp lực nữa) Về tình hình của xúc thì không như thế rồi.
Ý kiến của Srilabha (Srilāta?): nếu có hữu tình Dục giới lúc nhờ tu tĩnh lự mà đạt đến các tầng [Sắc giới], họ vẫn có thể thấy sắc, vẫn có thể nghe thanh, thân thể của họ cảm nhận một loại xúc thù thắng, đó là cảm giác khinh an (prasrabdhi) sinh khởi trong họ mà cùng lúc dấy lên. Nhưng 2 cảnh hương và vị thì từ đó không còn nữa. Vì nguyên cớ này nên lúc hữu tình sinh vào những tầng Trời Thiền, ba cảnh trước vẫn còn nhưng hương và vị đã không có nữa. (nguyên văn Câu-xá Hán dịch của Huyền Trang: “trong mười tám giới, mấy hệ Dục giới? Mấy hệ Sắc giới? Mấy hệ Vô sắc giới? Trọn đủ mười tám giới. Thuộc về Sắc giới chỉ có mười bốn, trừ hai thức hương – vị, Vô sắc giới thuộc ba giới sau. Luận rằng: hệ là hệ thuộc, có nghĩa là bị buộc ràng. Dục giới bị buộc ràng đủ mười tám giới. Sắc giới bị buộc ràng chỉ có mười bốn, mất đi cảnh hương và vị kèm thức tỵ và thiệt. Vì mất hương và vị nên mất tính đoàn thực. Lìa ý muốn đoàn thực mới được sinh cõi ấy. Vì mất thức tỵ và thiệt nên không có sở duyên (cảnh). Nếu xúc giới của họ không ứng với kia như cảnh hương và vị nên tính đoàn thực. Tất cả xúc cõi kia chẳng phải tính đoàn thực. Nếu là hương và vị thì tợ cũng vậy cả. Hương và vị lìa khỏi thực nên không có sự thụ dụng khác; xúc thì còn có tác dụng khác để giữ cho căn và y… Cõi kia lìa ham muốn thức ăn nên hương và vị vô dụng; có căn và y… cho nên xúc không phải không có. Có vị sư khác nói: trụ nơi này nương tĩnh lự kia có được, thấy sắc và thanh thì cùng dấy lên sự khinh an, có xúc thù thắng, thâu được lợi ích cho thân. Bởi vậy ba điều này sinh tĩnh lự kia giống như chạy theo lẫn nhau. Hương và vị không như thế nên không có ở cõi kia”. – Dịch giả phụ lục)
Từ đoạn văn tự này, chúng ta có thể thấy tình hình sinh hoạt trong Sắc giới. Đó hiển nhiên là đem thể nghiệm thiền định của cá nhân tưởng tượng thành một thế giới khác.
Sau đoạn văn này còn có một đoạn văn nữa rất thú vị, thảo luận về sức thúc đẩy của thế gian được gọi là vấn đề về Nghiệp (Karma). Về phương diện này thì tương đương với cái mà chúng ta gọi là số trời hay sự sống.
Theo quy luật nhất định, thích ứng với nhu cầu nào thì sẽ tạo nên đời sống thiên sai vạn biệt của hữu tình Dục giới; còn thế giới được tưởng tượng phỏng theo chúng ta tạo nên rồi lại được cải chính thêm những thiết yếu như Sắc giới và Vô sắc giới. Đây là cái khung dựng chiếu theo kinh nghiệm thiền định.
Trở lên chính là lí luận Du-già của Tiểu thừa Phật giáo (Hīnayāna). Lí luận này trong Đại thừa Phật giáo (Mahāyāna) quá khác nhau. Vì cơ sở lí luận của Đại thừa khác nhau với Tiểu thừa. Hết thảy mọi tông phái hay học phái về tác dụng để giúp cho tu định theo phương phức từng bước để khiến tâm có thể tập trung lại một điểm đại khái là giống nhau, ở đây không có đặc điểm riêng cho phái Phật gia nào. Những phương pháp tu định này căn cứ sau cùng về tâm lí học là một sự thật rất giản đơn. Nếu là tu tập theo xếp lớp thì sẽ làm dấy lên cảnh giới thần bí nào đó về tâm lí. Bát-điên-xà-lê (Patañjali) từng y cứ tư tưởng Số Luận (Sāṃkhya) để giải thích những phương pháp này. Trong Tiểu thừa Phật giáo, sự giải thích những phương pháp này thì thích ứng với cái gọi là luận (75) pháp (dharma), tức Đa nguyên luận cực đoan. Mà thuyết 75 pháp được xây dựng theo mục đích là tiêu diệt lần lần để quy về Niết-bàn. Một dãy cõi trời kia là cái rất đặc sắc của Phật gia. Trong các tầng của Sắc giới và Vô sắc giới, các hữu tình theo tưởng tượng của họ những hữu tình này cũng được gọi là Thiên. Thực tế thì cái gọi là Thiên chỉ là một nhóm hữu tình cả đời ở trong ngôi định. Đối với các vị ấy, cảnh giới thiền định là một chuyện hiện thành tự nhiên. Về điều này Phật gia nổi bật hơn tất cả các tông phái hay học phái khác. Điều này cũng không có sự cách biệt gì với lý tưởng Niết-bàn của Tiểu thừa, hay còn gọi là thuyết Niết-bàn của Thanh Văn (Śrāvakas) thừa. Theo giáo nghĩa của mấy bộ phái kia, trạng thái thân tâm tĩnh chỉ khi thiền định cao độ nhất là thường hằng (vô vi: asaṃskṛta). Cũng chính là nói trạng thái này không có gì khác biệt với Niết-bàn. Nhưng theo ý kiến của đại đa số bộ phái thì trạng thái đó cũng còn chưa đạt đến Niết-bàn. Niết-bàn là cực hạn tuyệt đối của sự sống, cho dù là những dấu vết vi tế nhất còn sót lại trong địa vị tối cao của thế giới thiền định có thể còn tưởng tượng được thì trong Niết-bàn cũng diệt tận không dư sót.                   
(Dịch giả có bệnh, bản thảo tiếp theo chưa đến.)[22]

Thực ra dịch giả Kiết Nông chỉ đăng bài này đến kỳ thứ 01 của năm 1951 tờ san thì không thấy đăng nữa trong các kỳ sau. Như vậy, bản dịch này đến đây đã bị đình bản giữa chừng.

Sài Gòn, quận 12, ngày 28-1-2018, dịch xong.
Email: thanhsang.nsb@gmail.com 



[1] [ND] Người Việt dịch tra thì biết Kiết Nông là hiệu của Thái Nguyên Bồi – một nhà cách mạng giáo dục lỗi lạc của Trung Quốc cận đại. Nhưng Thái Nguyên Bồi đã qua đời năm 1940, trong khi bản dịch này được đăng tháng 10/1950, kết thúc năm 1951 có chú “dịch giả có bệnh”, suy ra người dịch tiếng Trung của bài này đến năm 1951 vẫn còn sống nên không thể là Thái Nguyên Bồi được.
[2] Cho nên giáo sư G. Buehler và nhiều vị học giả khác đã từng sang ở Ấn-độ lâu năm, những điều họ thấy nghe và ấn tượng của họ rất khác với điều này. Bấy giờ vì một số khó khăn lầm lạc của các thư tịch khó hiểu này, họ chú ý vào thuyết được lật lại của những học sinh: Wasein Brahmane Gemant hat das mass herans – được hiển thị trong bài Phạn ngữ. Vì trong điển tịch Ấn-độ, tư tưởng của một câu văn vừa giản đơn vừa rõ ràng đương thời được biểu thị bằng thuật ngữ học thuật dùng rất chuyên môn. 
[3] Etudes sur L’uistoire Religion, 5, Nirvana Par Louis de la Vallée-Poussin, Paris, 1925.
[4] Xem thư mục trên, tr. 12.
[5] Thời đại này cùng thời điểm với tư tưởng triết học dấy lên sôi nổi tại Trung Quốc và Hy-lạp. Xem thêm: P.masson Oursel, La philosophie comparee, p.65.
[6] Xem H.Jacobi Die: Philosophie in Das Lichtdes Ostens, p. 150f.
[7] Xem thêm B. C. Law: Historical Gleanings. ch. II and III. (Calcutta, 1922). Những ghi chép được ông thu tập về những vị sư du phương truyền giáo đương thời.
[8] Xem E. Senart: Album Kern, p.104. J. Dahlman: Nirvana (Berlin 1869), Die SamkhyaPhilosophei (Berin 1902). Senart nói tính chất của Niết-bàn bằng câu “quả là sánh bằng với Phạm”. Đây là nói theo nghĩa của Đại Bát Niết-bàn. Xem đoạn văn dưới thì hiểu.
[9] Xem những chỗ pp.17, 27, 3234, 46, 52, 115116, 125, 129, 132 trong sách nêu trên.
[10] Trong một cuốn sách xuất bản mới hơn, A. K. Keith, Buddhist philosophy in lndia and Ceylon (Oxford 1923), thể hiện ý hướng tương tự điều này, trong sách ấy, cho rằng Phật giáo là sản phẩm của “thời đại dã man” (p.26), cho rằng Thích-ca Mâu-ni Phật là “một thầy pháp ngu dân và dung tục” (p.29). Cho rằng tư tưởng triết học Phật giáo là “không có hệ thống, cũng không chín chắn, đó là một sự thật được phản ánh trong luận điệu phủ định tất cả của Phật giáo Đại Thừa trong lịch sử” (p.4).
[11] H. Beck phát biểu ý kiến tương tự, ông nói: toàn bộ Phật giáo thuần túy là Yoga (Du-già), ngoại trừ Yoga ra chẳng có gì khác. (Buddhismus. II, p.11) Giống vậy còn có Ed. Lehman  (Buddhismus, p.49), N. Soderblom (La Vie future, p.394 f.), Fr. Heiler (Die Buddhistische Versenkung, p.7et passim). Họ là những người theo chủ nghĩa Thần bí hoặc ít hoặc nhiều, họ từng ảo tưởng rằng họ đã tìm được một số điều khớp hợp với cảm tình của bản thân trong Phật giáo, cái cách họ nhìn về chủ nghĩa Thần bí của Phật giáo và tín ngưỡng Cơ-đốc giáo rất khó nói có gì khác biệt (xem thêm sách do Heiler viết nêu trên, p.51 f., p.61f., p.66). Sở dĩ M. de la V.P. cho rằng Phật giáo với Yoga là một thứ, giống như vì sự gợi lại tình cảm hoàn toàn khác nhau của những người này, vì vậy ông chắc chắn Phật giáo là vu thuật hoặc ma thuật. 
[12] M.de la Vallee Poussin có ý muốn độc giả sách ông biết ông nhất trí ý kiến với M. E. Senart, về điểm này, theo sự hiểu của chúng tôi thì không có căn cứ gì cả. Từ trước, người ta hướng theo một loại tư tưởng nào đó trong Áo Nghĩa Thư hoặc tư tưởng nào đó trong phái Số Luận để suy tìm nguồn gốc tư tưởng Phật gia, M. Senart từng chỉ ra (xem B.H.R., t, 42, p.345) giữa hai bên: Phật giáo và Kinh Du-già của Patañjali (Bát-điên-xà-lê) có rất nhiều chỗ trùng khớp lẫn nhau, hơn nữa rất rõ rệt. Mặc dù thời đại của Kinh Du-già hiện tại đã được chứng minh (H. Jacobi đã chứng minh, xem J.A.O.S., 31, lff.) muộn hơn nhiều so với thời đại mà M. Senart đã suy đoán, vả lại chí ít về vài điểm nào đó, sách này chịu ảnh hưởng của Phật giáo, song, M. Senart đã chỉ ra rằng những điều trùng khớp này là sự thật vốn có, đây là điều không ai phủ nhận. Về chuyện này, hiện tại chúng tôi có thể bổ sung một điểm, đó là: tư tưởng Du-già ngoại trừ có sự tương đồng với Phật giáo ra, nó còn ngấm vào rất nhiều học phái Ấn-độ khác. Thành tích chủ yếu của Senart, theo chúng tôi hiểu, còn là về tình trạng của giới tư tưởng trước thời Phật giáo.  
[13] Trong Kinh Du-già II. 29, III.24, 11, của Patañjali (Bát-điên-xà-lê), đều nói đến một số khác biệt vi tế khi so sánh các danh từ này. J. H. Wooas phân tích dịch là “Singleness of intent, contemplation and concentration”. Định nghĩa về Du-già, Wooas dịch là “Du-già tức là bất kỳ cơn dao động nào trong tâm cũng chế ngự được” (Kinh Du-già 1,2). Sự khác biệt này là cái đặc hữu trong Du-già tông. Hai vị giáo sư người Nhật là M. Anesaka và J. Takakusu trong bộ Bách khoa Toàn thư Luân lý Tôn giáo ở phần chú văn mục Dhyāna thì cho rằng Samādhi (Tam-ma-địa) là quả đã đạt được – quả A-la-hán, còn Dhyāna (Thiề-na) là chỉ cho nhân để đạt được quả này. Thế nhưng cách nói này không hợp với cách giải thích của Luận Câu-xá VIII.1. Trong đó chia ra “Định tĩnh lự” (samāpattidhyāna) và “Sinh tĩnh lự” (upapattidhyāna). Tam-ma-địa lại có hàm nghĩa bình thường, điểm này là do Tam-ma-địa bao hàm “tâm đại địa pháp” (Cittamahābhumik) bên trong, có thể thấy rất rõ ràng. Ở chỗ này, định nghĩa về Tam-ma-địa là “tâm nhất cảnh tính” (cittaekāgrata). Xem thêm bộ Central conception of Buddhism của tôi, p. 100, về thế giới này, tức là tĩnh lự (thiền) của hữu tình Dục giới và thượng giới trong tưởng tượng của nhà Phật, đó chính là khi đối sánh với tĩnh lự trong định của hữu tình Sắc giới và Vô sắc giới, từng phân biệt hai chữ “Định” (Samāpatti) và “Sinh” (Upapatti). Chữ Samāpatti giải thích là samaapatti = Snomsparhjugpa trong tiếng Tạng (Hán dịch: Tam-ma-bát-để, Đẳng chí, Chính định hiện tiền). Xem thêm cách nói của Srilabha đoạn dưới (nguyên bản trang 14, trích dịch ở trang 24 kỳ năm tờ san này).
[14] Từ Saṃskāra trong văn dịch không khớp, lẫn lộn về nghĩa giới, đại bộ phận cũng như nhau là do tính năng song trùng của loại chữ không tài nào thể nhận này. Hàm nghĩa của từ này hoặc chỉ một sức mạnh được gọi là samskriyate anena = saṃskāra = sam-bhuya-kari (hành, tạo tác), hoặc là chỉ một sự vật, được gọi samskriyate etad = samskrta-dharma (hành: hành của các hành, pháp hữu vi).
[15] Cho nên sách Problems of Buddhist philosophy của giáo sư O. Rosenberg (hiện tại vợ của ông đã dịch cuốn sách này từ tiếng Nga qua tiếng Đức và xuất bản rồi. Heidelberg, 1924) và trong cuốn Central Conception of Buddhism (London, 1923, R.A.S.) đều đã trình bày cặn kẽ học thuyết về các pháp duyên khởi này.
[16] Yaśomitra, Ab.Kosa.II.40. (Viết tắt của Xứng Hữu: Câu-xá Luận sớ phẩm 2 tụng 40 thích văn) từng dự tính như sau, nếu trong 1 sát-na có 27 pháp (dharma), trong sát-na thứ 6 sẽ có 486 pháp, về sau cứ theo tỉ lệ đó tăng dần. ity ananta-dravya (praninah) pratisantana-sarira-ksane bhavati. [Như vậy, thân biệt biệt tương tục trong sát-na phải có thực vô lượng (vô biên)] thực thể “được” vô lượng. Thế Thân (Vasubandhu) cũng nói qua, nếu những pháp này có pháp chất ngại, thế giới sẽ không có chỗ nào để dung nạp chúng được.
[17] Xem thêm các bảng phụ lục Central Conception p.100 của tôi.
[18] Sở dĩ chúng tôi nói “tôi ghi nhớ”, “tôi nghĩ”, “tôi muốn”, nhưng điều này không chỉ là nói, khi tôi “muốn” thì tôi không “nghĩ”, và khi tôi “nhớ” thì tôi không “muốn”. Tất cả trạng thái tâm lí trong mỗi một sát-na đều được coi là chứa đựng một nhóm nguyên tố tâm lí, hoặc gọi đó là hành (saṃskāra) hoặc gọi đó là pháp (dharma).
[19] Câu-xá II. 54, 57; IV. 9; V. 12.
[20] Câu-xá I. 40.
[21] Khi tam-ma-địa (samādhi) đạt đến giai đoạn tính năng phát triển trọn vẹn, nó sẽ biến thành một thành phần chiếm địa vị chủ yếu trong hành tụ (samskāra-samuha) cấu thành một cá nhân. Chữ samādhi lúc này có thể dùng để chỉ cho samadhi làm chủ, bao gồm mọi thành phần đi theo khác bên trong một tổng thể. Chữ này do vậy cũng có thể biến thành “người của một cá thể”, hoặc đồng nghĩa với từ ngũ uẩn (pañca-skandha). Xem thêm Câu-xá Thích VIII. 10. Trí (Prajnā) sau khi phát triển trọn vẹn cũng có tình hình như thế.
[22] [ND] Đây là bản dịch tiếng Trung không hoàn chỉnh, bị dở dang. Sau này, dịch giả Lập Nhân có dịch lại bài The Conception of Buddhist Nirvāna của Stcherbatsky, đặt cho cái tên mới: “Đại Thừa Phật học: Phật giáo đích Niết-bàn khái niệm” (大乘佛:佛教的涅槃概念). Tên gọi này sát nghĩa với nhan đề nguyên tác hơn, và là bản dịch tiếng Trung trọn vẹn hơn. Xem thêm: Lập Nhân dịch, Đại Thừa Phật học: Phật giáo đích Niết-bàn khái niệm, Bắc Kinh: Trung Quốc Xã Hội Khoa Học xuất bản xã, 1994. Hiện tại, ở Việt Nam chưa thấy có bản dịch tiếng Việt bài này, còn bài dịch của tôi chỉ là gián dịch thông qua tiếng Trung của Kiết Nông và chỉ dịch đúng theo phần dở dang của người Hoa dịch.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi thứ 1 (Nam Bắc triều Đại chiến Diễn nghĩa)

  b õ a   NAM–B Ắ C TRI Ề U ĐẠ I CHI Ế N DI Ễ N NGH Ĩ A Romance of Northern and Southern dynasties 南北朝大戰演義     Tác gi ả CỰ LANG (NGUY Ễ N TH À NH SANG) H ồ i th ứ 1: Cảnh hàn vi, cô mợ khinh bỉ Thi võ tr ạ ng, anh hùng long vân Có bài th ơ r ằ ng: Cu ồ n cu ộ n C ấ m Giang đ ông ra bi ể n, H ả i D ươ ng long khí thu ỷ phong li ề n. R ồ i đ ây thiên h ạ ba đ ào n ổ i, Th ế s ự bi ế t ai m ớ i thánh hi ề n? Tương truyền từ cổ đại, bên nước Tàu ( 匿艚 ) có tam đại Hạ ( 夏 ), Thương ( 商 ), Chu ( 周 ). Tổ của nhà Chu là Văn Vương Cơ Xương ( 文王姬昌 ) có một trăm con, trong số đó có người con thứ tên là Cơ Chấn Đạc ( 姬振鐸 ) sau này được phong làm bá tước ( 伯爵 ) ở nước Tào ( 曹國 ), truyền hai mươi sáu đời đến Tào bá Dương ( 曹伯陽 ) thì bị diệt quốc, có người hậu duệ là Cơ Chất Khiết ( 姬騭絜 ) ở lại làm dân của nước Tống ( 宋國 ). Nước Tống sau này bị nước Tề ( 齊國 ) diệt vong, dòng dõi Cơ Chất Khiết lại trở thành dân nước Tề. Nước Tề cuối cùng bị n

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ”

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ” [1] Tác giả: JAMES P. MCDERMO. Dịch Việt: Nguyễn Thành Sang. Nguyên tác: “The Kathāvatthu Niyāma Debates,” trích Chuyên san Hiệp hội Phật học Quốc tế (The Journal of the International Association of Buddhist Studies), tập 12, năm 1989, số 1. Một loạt những biện luận về các điều được phiên dịch nhiều kiểu khác nhau là “đảm bảo” (assurance), “tính cố định” (fixity), “định số” (destiny), và “xác định” (certitude; Pāḷi: niyāma , tham khảo thêm về niyata ) được phân bố rộng rãi thông qua Luận Sự phẩm loại luận ( Kathāvatthuppakaraṇa ). [2] Những cuộc luận chiến này chủ yếu được quan tâm với những hàm nghĩa của sự tiến nhập giải thoát đạo. Theo Luận Sự phẩm loại luận Nghĩa sớ ( Kathāvatthuppakaraṇa Aṭṭhakathā ), những giáo đồ bộ phái phân phụ của Án-đạt-la bộ ( Andhaka ) là Tây Sơn Trụ bộ ( Aparaseliya ) với Đông Sơn Trụ bộ ( Pubbaseliya ), và Bắc Đạo bộ ( Uttarāpathaka ), cũng như giáo đồ Thượng Tọa bộ ( The

CÁC CHÍNH QUYỀN QUY TỤ BÍ MẬT BỊ NHÀ NƯỚC TRUNG CỘNG GẮN NHÃN “PHẢN ĐỘNG” VÀ THỦ TIÊU (Kỳ 1)

Các chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t v ớ i mong mu ố n xây d ự ng chính quy ề n c ủ a h ọ , vô tình hay h ữ u ý vì ra đờ i trong th ờ i đạ i có chính ph ủ C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa hình thành nên đ ã b ị quy k ế t là nh ữ ng l ự c l ượ ng “ph ả n độ ng” và b ị nhà n ướ c Trung C ộ ng ra s ứ c đ à n á p. Nh ữ ng th ự c th ể chính quy ề n này đ ã ho ạ t độ ng trong lãnh th ổ c ủ a C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa, sau đ ó đ ã b ị chính ph ủ các c ấ p, c ơ quan t ư ph á p v à qu â n độ i Trung C ộ ng th ẳ ng tay tiêu di ệ t. Chúng ta hãy cùng tìm hi ể u v ề quá trình hình thành và b ị di ệ t c ủ a các chính quy ề n này. Giai đ o ạ n tr ướ c n ă m 1960 1. Th ượ ng Minh qu ố c ( 尚明國 ) Th ờ i gian t ồ n t ạ i: 1937–1951 (14 n ă m) Hoàng đế : L ư u Kim Lan ( 劉金蘭 ) Niên hi ệ u: Th ượ ng Minh ( 尚明 ) Th ủ đ ô d ự đị nh: Trung Kinh (t ứ c B ắ c Kinh) C ă n c ứ đị a: huy ệ n Oa D ươ ng, t ỉ nh An Huy Th ượ ng Minh Qu ố c là chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t do th