NHỮNG BIỆN
LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN
SỰ”[1]
Tác giả: JAMES P. MCDERMO.
Dịch Việt:
Nguyễn Thành Sang.
Nguyên tác: “The Kathāvatthu
Niyāma Debates,” trích Chuyên san Hiệp hội Phật học Quốc tế (The Journal of
the International Association of Buddhist Studies), tập 12, năm 1989,
số 1.
số 1.
Một loạt những biện luận về các điều được phiên dịch nhiều kiểu
khác nhau là “đảm bảo” (assurance), “tính cố định” (fixity), “định số”
(destiny), và “xác định” (certitude; Pāḷi: niyāma,
tham khảo thêm về niyata) được phân bố
rộng rãi thông qua Luận Sự phẩm loại luận
(Kathāvatthuppakaraṇa).[2]
Những cuộc luận chiến này chủ yếu được quan tâm với những hàm nghĩa của sự tiến
nhập giải thoát đạo. Theo Luận Sự phẩm loại
luận Nghĩa sớ (Kathāvatthuppakaraṇa Aṭṭhakathā), những giáo
đồ bộ phái phân phụ của Án-đạt-la bộ (Andhaka)
là Tây Sơn Trụ bộ (Aparaseliya) với
Đông Sơn Trụ bộ (Pubbaseliya), và Bắc
Đạo bộ (Uttarāpathaka), cũng như giáo
đồ Thượng Tọa bộ (Theravāda) có tham
gia vào những cuộc luận chiến về quyết định
(niyāma). Mục đích của bài viết này là
để thực hiện một phân tích có hệ thống về những biện luận Quyết định trong Luận Sự
(Kathāvatthu) để xác định các vấn đề
giáo lý tiềm tại cơ bản.
Biện luận thứ nhất được tập trung vào quyết định diễn ra tại Kvu IV.8. Cuộc luận chiến tiêu điểm vào những
hàm nghĩa của một tài liệu từ Kinh Thợ gốm
(Ghatīkāra Sutta; M II.45ff.). Theo điển tịch này Bồ-tát (Bodhisatta) được sinh làm một vị
Bà-la-môn tên là Jotipāla (Giác-đề-ba-la),
sống vào thời đại của đức Ca-diếp Phật (Kassapa
Buddha). Bạn ông là thợ gốm Ghatīkāra
(Cà-đề-khách-la), thỉnh mời Jotipāla đi cùng ông đến nghe Ca-diếp Phật thuyết
pháp, Jotipāla bèn gia nhập Tăng-già (saṃgha)
và trở thành tỳ-khưu. Bộ Đại Sự (Mahāvastu) nhắc rằng Jotipāla đã phát
nguyện tự thân thành Phật trước mặt đức Ca-diếp Phật (Mhvu I.319ff, esp. 1.335), Ngài đã thụ ký cho Jotipāla sẽ thành
Chính giác.
Trong Kvu IV.8 tiêu
điểm trong tranh luận liên quan đến việc liệu có đúng không khi nói Jotipāla đã
tiến tới nhập quyết định đạo (niyāma okkanti), ở trong giáo học (pāvacana) của đức Ca-diếp Phật. Giáo đồ
của Án-đạt-la bộ và Bắc Đạo bộ thì chấp luận như thế.[3]
Trái lại, giáo đồ Thượng Tọa bộ nhất nhất cho rằng điều đó có ý vị nói Bồ-tát
(Vị lai Phật) nhất định thành một đệ tử của đức Ca-diếp, vậy sẽ mâu thuẫn với
khái niệm Phật là đấng tự tiến tu (sayambhu)
như một bậc tự giác con đường cho chính mình mà không cần thầy dạy.
Chú giải của luận sư Phật Âm (Buddhaghosa) làm rõ ý nghĩa của quyết
định (niyāma) trong ngữ cảnh này:
“Quyết định (niyāma) và Phạm hạnh (brahmacariya) là tương đương với Tứ
thánh đế. Và không có lối dẫn nhập nào cho Bồ-tát đạo trừ phi vị ấy đang tu
hành viên mãn các Ba-la-mật…” (KvuA
IV.8). Vậy rõ ràng từ quan điểm của Thượng Tọa bộ cho rằng nếu đã nhập quyết
định đạo (niyāma), Bồ-tát không
thể thực hành các khổ hạnh trước khi ngài thành đạo kiếp cuối; vì đây là trung
đạo giữa những cực đoan một mặt là phóng túng hoan lạc và mặt khác là khổ hạnh
triệt để.[4]
Một hàm nghĩa quan trọng về chú giải cuộc tranh luận này, mặc
dù nó không được hiện rõ từ chính văn bản Luận
Sự (Kathāvatthu), song giáo đồ
Thượng Tọa bộ lưu tâm điều đó hòng tránh rơi vào sự thừa nhận thuyết tiền định
hoặc giả khái niệm định mệnh. Vì thế khi luận sư Phật Âm viết: “Chư Phật thụ
ký: ‘Người ấy sẽ thành Phật’ chỉ đơn giản bằng quán lực của chính chư Phật nhìn
thấu,”[5]
Ông chỉ ra rằng đức Ca-diếp Phật thụ ký cho Jotipāla được xem đơn giản là dự
ngôn thành đạo, thí dụ cho quán lực của Phật nhìn thấu tiến trình của chúng
sinh đi theo nghiệp (kamma) của chính
họ, chứ không phải quyết định vận mệnh tương lai cho người đó.
Chú giải cho Kvu XIII.4 nhấn mạnh thêm điểm này nữa. Nó ngụ ý
rằng khi một vị Phật đưa ra lời tiên dự như vậy cho một cá nhân, vị Bồ-tát này
“có thể được gọi là đấng quyết định (niyata) bởi lý do công đức tăng thượng
tích lũy.”[6]
Mong muốn tránh ám chỉ về một khái niệm định mệnh dường như
làm cơ sở cho lập luận của giáo đồ Thượng Tọa bộ tỉ như tại Kvu VI. 1. Ở đây biện
luận về quyết định (niyāma) phải chăng là vô vi (asaṅkhata).” Trong số các bộ phái khác như Án-đạt-la bộ[7]
cho rằng sự đảm bảo hay cố định trên đạo lộ (niyāma) là vô vi. Họ chấp luận rằng một người được quyết định thành
đạo nhằm đảm bảo kết quả của nó thì tính chất quyết định ấy không thể nào chấm
dứt. Nếu không thì chủ trương về quyết định
sẽ không được đảm bảo. Giáo đồ Thượng Tọa bộ phản đối rằng sử dụng thuật ngữ
“vô vi” theo cách này khiến cho khái niệm quyết
định (niyāma) tương đương với Niết-bàn (nibbāna) – khái niệm duy nhất được quan điểm Thượng Tọa bộ xếp loại
là vô vi (asaṅkhata). Sự tương đương
như vậy phải tránh né vì lẽ như Pháp Tập
Luận (Dhammasaṅgaṇi) 983 nói rõ
nhân tố vô vi là không xác định về đạo
đức, là vô ký (avyākata: trung lập về đạo đức). Vị trí của vô vi siêu việt phạm vi
của nhân quả đạo đức. Một khi trạng thái này thành tựu thì không có nghiệp lực
nào tác động lên cá nhân. Nếu cứ chấp luận điều đó đúng như nhau khi tiến vào
quyết định đạo thì chắc chắn sẽ dẫn đến một khái niệm về thuyết định mệnh.
Xét về sự khu biệt cơ bản cho các luận điểm tại Kvu XIII. 3 và
4, và ở mức độ thấp hơn tỉ như Kvu VI. 1, điều rõ ràng hơn nữa là quyết định (niyāma) không thể mang ý vị thuyết định mệnh siêu việt quan hệ nhân
quả đạo đức. Phần biện luận tại Kvu XIII.4 tập trung vào việc một đấng quyết định (niyata) tiến tới nhập quyết định
đạo (niyāmaṃ okkamati). Đông Sơn
Trụ bộ và Tây Sơn Trụ bộ thì kiên quyết khẳng định (KvuA XIII.4.). Trái lại, giáo đồ Thượng
Tọa bộ phân biệt giữa quyết định (niyāma) của hai loại, tùy thuộc xem nó
là chính tính quyết định (sammatta niyāma) hay là tà tính quyết định (micchatta niyāma). Cái trước là thánh đạo với tối chung thành tựu
A-la-hán quả. Cái sau sẽ có kết quả là phạm vào một trong ngũ nghịch trọng tội
gây vô gián nghiệp (ānantarika kamma) là: 1) Giết cha; 2) Giết
mẹ; 3) Giết A-la-hán; 4) Làm thân Phật chảy máu; 5) Phá hòa hợp Tăng-già Phật
giáo. (A V.129) – làm dẫn tới báo ứng
hiện tiền. Như chú sớ đã nói, ngoài hai loại này ra không có bất cứ hiện tượng
tâm thần nào khác là quyết định bất biến (KvuA XIII.4.).
Kathāvatthu XIII.3 đề
cập đến một trường hợp đặc biệt thích hợp áp dụng cho khái niệm vô gián nghiệp. Vấn đề tức là những trường
hợp một người xúi giục kẻ khác gây một trong ngũ nghịch trọng tội sẽ bị mắc vô gián nghiệp. Bắc Đạo bộ luận quyết
hoàn toàn nhất trí rằng một kẻ xúi người khác gây tội trọng nghịch như thế thì
không thể tiến vào chính tính quyết định
(sammatta niyāma). Song giáo đồ Thượng
Tọa bộ thì dựa trên khái niệm nghiệp hoàn thành đã nghiệm chứng rằng trong tình
huống đặc biệt một người dẫu như vậy vẫn có thể tiến nhập chính tính quyết định (sammatta
niyāma).
Trong chú giải của mình, luận sư Phật Âm chú rằng thái độ của
giáo đồ Thượng Tọa bộ phân biệt giữa hai cách xúi giục kẻ khác, một loại là trọng
tội tức là: 1) thông qua mệnh lệnh thường xuyên, kéo dài cứ truyền đạt một cách
nhất quán và nỗ lực kiên trì hành vi; hoặc 2) thông qua mệnh lệnh thỉnh thoảng
hoặc kích động (KvuA XIII.3.). Cả hai
bên tham gia biện luận đều đồng ý không chút nghi vấn rằng cách đầu quyết định
vận mạng của một người, vì đó là hành động hữu ý. Còn cách sau thì giáo đồ Thượng
Tọa bộ cho rằng biết hối cải vẫn được.
Đối với giáo đồ Bắc Đạo bộ, ngay cả cách sau cũng không thể
thoát khỏi vô gián nghiệp tất phải đến,
và không có khả năng để nhập chính tính
quyết định đạo. Lý luận của họ cho rằng nghi
hối (kukkucca) và đi kèm với nó
là trạo cử (uddhacca: trạng thái bồn chồn, mất tập trung) cấu thành một trong
năm triền cái (nīvaraṇa).[8]
Triền cái khiến tầm nhìn của tâm chúng ta mất đi khiến chúng ta không thể làm
được việc tự lợi và lợi tha. Trong trạng thái biểu hiện của chúng đều không thể
nào an chỉ định (appanā samādhi: sự định tâm chuyên chú)
và cận hành định (upacāra samādhi: sự gần
tới định tâm). Mỗi triền cái phải được hàng phục vĩnh cửu mới có thể thành tựu
quả vị A-la-hán, vì vậy, Bắc Đạo bộ tranh luận rằng quyết định (niyāma) là đối
với chính đạo.
Nhằm phản đối, giáo đồ Thượng Tọa bộ bèn tưởng tượng một trường
hợp giả định, có lẽ do kích động nên một người nào đó khuyên giục kẻ khác thực
hiện một trong bốn tội nghịch làm dẫn đến vô
gián nghiệp. Điều gì sẽ xảy ra nếu người xúi giục hối hận và rút lui trước
khi tội nghịch thực sự diễn ra? Hoặc có lẽ vì nguyên do bất kể gì đó, tội nghịch
không bao giờ diễn ra được và người xúi giục kia đi đến tỏ niềm hối hận về ác
tâm của mình. Trong trường hợp như thế, Thượng Tọa bộ vẫn chủ trương một khi đã
tỉnh ngộ thì người xúi giục có thể khắc phục sau cùng tâm trạng đang trạo hối (bồn chồn và ăn năn) của mình.
Rốt sau người đó vẫn có thể nhập chính
tính quyết định đạo.
Đương khi lập trường của Bắc Đạo bộ là nhằm cường điệu tính chất
ác hại của ngũ nghịch trọng tội, song Thượng Tọa bộ lại thừa nhận chí thiểu về
mức độ nhất định, thiện năng tiềm ẩn khiến người ta có thể làm ngược lại hành
vi do hối hận. Vì nghiệp được định nghĩa là sự kích động có chủ ý (cetanā) và hành vi thực hiện theo sau
đó, nếu loại trừ một hoặc cả hai luôn thì chắc chắn sẽ làm vơi bớt mức nghiêm
trọng của hành động và giảm thiểu nghiệp lực của nó.[9]
Như chúng tôi đã chú ở chỗ khác, vấn đề cụ thể tại Kvu XIII.3
chỉ là một phương diện của cuộc luận chiến lớn hơn, đó là tiêu điểm của các cuộc
biện luận song đối được ghi tại Kvu XXI.7 và 8.[10]
Kathāvatthu XIII.8 đề ra cuộc luận thảo
của hai giáo phái Án-đạt-la bộ và Bắc Đạo bộ (KvuA XXI.8.) rằng tất cả nghiệp
đều có quả báo quyết định (niyata).
Một số hành vi nào đó tự nhiên đem lại quả dị thục trong hiện
đời, trong khi những quả dị thục khác xảy ra ở đời sau, và còn có loại nghiệp
quả dị thục thứ ba xảy ra trong các kiếp tiếp theo. Do ba loại không thể nào loại
này chuyển hoán thành loại khác, nên chúng phải được quyết định (niyata) ở quả
báo của chúng. Đối với những người ủng hộ lập trường đó, thế này ngụ ý rằng bất
kỳ hành vi nào đều tất yếu sẽ sản sinh một số quả báo quyết định nào đó, và cứ
hễ khi nào hành vi đó được thực hiện thì nghiệp lực tương đương sẽ phát sinh. Đối
với giáo đồ Thượng Tọa bộ, quan điểm này dường như ám chỉ rằng tất cả hành động
đều dẫn đến hoặc là chính tính quyết định
(sammatta niyāma) hoặc là tà tính quyết định (micchatta niyāma). Vì như chúng ta đã thấy ở trên, chỉ có phạm một
trong các tội nghịch mới khiến gây vô
gián nghiệp (ānantarika kamma)
làm dẫn tới tà tính quyết định, chứ
toàn bộ các loại hình ác nghiệp còn lại không hề phải được thiết lập là nghiệp
báo quyết định. Tương tự vậy, không phải mọi thiện nghiệp đều quyết định thành
tựu Niết-bàn (nibbāna) hoặc giả nhập quyết định đạo (niyāma okkanti). Trên thực tế, kết luận
của Thượng Tọa bộ cho rằng đại đa số các hành nghiệp của nhân loại không thể được
nói đến như có quả báo tiền định, quả báo của họ được nhuận sắc bởi tính cách tổng
thể và khí chất đạo đức cũng như hoàn cảnh tương quan với người tạo nghiệp.
Trong cuộc biện luận song đối về nghiệp quyết định, vấn đề là liệu tất cả mọi hiện tượng (chư pháp)
có được tự nhiên quyết định hay không. Tiếng Pāḷi đọc là: sabbe dhammā niyatā’ti? (Kvu XXI.7.)
Một lần nữa giáo đồ Án-đạt-la bộ và đôi khi Bắc Đạo bộ quả quyết khẳng định (KvuA XXI.7.). Quan điểm của họ hình như
chỉ đơn giản là: cho dù có bao nhiêu là hiện tượng (pháp: dhamma) đi nữa có
thể thay đổi thì chúng cũng không bao giờ từ bỏ tính chất cơ bản của chúng. Tỉ
dụ thuyết minh: sắc là vật chất thuộc
tự nhiên. Nó không thể là khác được. Nó không có gì nữa ngoài vật chất. Sự thuộc
tự nhiên ấy hầu như chẳng cần bàn, nó không thể là hiện tượng tâm thần được. Nó
không thể có tính chất của thụ và thức hoặc tương tự. Vậy nó được cho là quyết định (niyata). Mọi pháp khác đều
được tưởng như nhau là quyết định, có
tính chất bất biến.
Giáo đồ Thượng Tọa bộ phản bác quan điểm quá sức giản đơn này.
Từ cách nhìn của mình tuyên thuyết rằng tất cả các pháp được quyết định (niyata) tương đương với tuyên thuyết về
tiền định luận đạo đức; nghĩa là đối với tuyên thuyết mọi hiện tượng đều được quyết định bằng chính tính quyết định hoặc tà
tính quyết định. Nói cách khác, điều này sẽ tương đồng với nói rằng tất cả pháp đều thuộc về ác báo tà tính quyết định
hoặc giả thiện báo chính tính quyết định. Điều đó trái ngược với kinh (sutta) dạy có tam loại tụ
(rāsi) được liệt gồm: 1) Tà tính quyết định loại tụ (micchatta niyāto rāsi); 2) Chính tính quyết định loại tụ (sammatta niyāto rāsi); 3) Phi quyết định loại tụ (aniyato rāsi). Trong đó thì loại cuối
cùng và chiếm lượng lớn nhất chính là không cố định bất biến (phi quyết định).[11]
Theo chú sớ (KvuA
V.4 & XIX.7.), giáo đồ Bắc Đạo bộ là người đề xướng hai luận điểm liên quan
được biện luận lần lượt tại Kvu V.4 và
XIX.7. Cuộc luận chiến trước tập trung vào Bắc Đạo bộ tuyên thuyết “với một kẻ phi quyết định [trên đạo lộ] song có trí (ñāṇa)
để dẫn đáo quyết định (niyāma gamanāya).” Bên đáp biện xem đây
như là lời tuyên thuyết rằng một phàm phu vẫn chưa tiến nhập đạo lộ thì có khả
năng phát triển trí tuệ để quyết định thành tựu cứu cánh, trong khi thực tế đạo
lộ này chỉ giới hạn cho những ai đã thành đấng
quyết định. Trái lại, luận điểm cho rằng ngay cả khi một người chưa nhập quyết định đạo thì tính khả năng họ
phát triển trí tuệ để thành tựu điều đó vẫn tồn tại được. S.Z. Aung và bà Rhys
Davids đã mô tả cuộc biện luận này như “một cơn sốt cầu tri của phép biện chứng
cổ đại. Ở cái kết một phần biện luận bộ phái được đề xuất phản đối bên đáp biện
tương đương, buộc bên đó phải bác bỏ chủ trương của họ hoặc rút lại mệnh đề.”[12]
Như chú giải của luận sư Phật Âm chỉ ra (KvuA
V.4.), cuộc tranh luận này bắt nguồn từ dụng ngữ “quyết định” (niyāma) như một từ đồng nghĩa với đạo lộ
chứng quả A-la-hán. Vì vậy, luận chứng của Thượng Tọa bộ rốt cuộc cũng chỉ là để
nói một cách rất giản đơn mà thôi, tức người nào đã tiến nhập đạo lộ thì được
quyết định trên đạo lộ ấy.
Kathāvatthu
XIX.7
đề cập đến cứu cánh quyết định (accanta niyāmato) trong trường hợp của một
phàm phu (puthujjana). Như Từ điển Pāḷi–Anh (Pāli–English Dictionary) của Hiệp hội Thánh điển Pāḷi (The Pāli Text Society) chú thích, từ accanta (cứu cánh) có thể phiên dịch nhiều
cách khác nhau như 1) “bất gián đoạn, liên tục, vĩnh cửu,” hoặc 2) “cuối cùng,
tuyệt đối, đầy đủ.”[13]
Bắc Đạo bộ thì cho rằng trong trường hợp là phần tử của ‘oi polloi (phàm phu) đó là cứu
cánh quyết định (accanta niyāmato).
Nếu điều này được coi như tuyên thuyết rằng sự tiến nhập trên đạo lộ của cá
nhân như vậy là được quyết định thì
điều này sẽ bị cự tuyệt; vì các phần tử của chúng phàm phu cũng có khả năng phạm
trọng tội. Mặt khác, nếu luận đề được đọc như lời tuyên thuyết rằng quyết định
của vô gián nghiệp đi theo sau việc
vi phạm là vĩnh cửu, thì nó cũng phải bị cự tuyệt; vì quyết định nghiệp báo này
chỉ tồn tại như loáng trong khoảng sát-na (KvuA
XIX.7.). Rốt cuộc, nếu mệnh đề được đề xuất rằng phần tử của ‘oi polloi (phàm phu) có thể cảm được cứu cánh quyết định thì nó vẫn phải bị cự
tuyệt, vì chỉ có người tiến nhập đạo lộ mới có thể khéo trừ nghi hoặc, đây là
điều mà kẻ phàm phu (puthujjana) về định
nghĩa lại không làm được.
Để bảo vệ lập trường của mình, Bắc Đạo bộ dẫn chứng A IV. 11: “Hãy xem nghiệp mà người tạo
là hắc pháp và ác pháp, vì như vậy, này các tỳ-khưu, người đó liền bị thoái thất
[—nghĩa là bị thụt lùi tất cả ngay lập tức —] và đọa lạc.”[14]
Thượng Tọa bộ thì phủ nhận đoạn kinh văn này có liên quan. Chú sớ của luận sư
Phật Âm đã minh giải sự phủ nhận ấy mà cho thấy rằng Bắc Đạo bộ đã quá cả tin ỷ
lại vào từ ngữ (vacana) của kinh văn mà để vuột mất tinh nghĩa (attho) của
nó.[15]
“Quyết định luận” (niyāma-kathā)
trong tác phẩm Luận Sự (Kathāvatthu) được xem là đề cập đến nội
dung thuyết minh cho nhập quyết định đạo.
Họ cũng tiến tới phân biệt giữa chính
tính quyết định (sammatta niyāma)
với tà tính quyết định (micchatta niyāma) của quả báo hiện tiền gây
bởi vô gián nghiệp. Nhưng tại sao hứng
thú của tự viện về những vấn đề này tựa hồ như bản thân chúng tương đối thứ yếu
(nghĩa là không được chú trọng hàng đầu – ND)? Đáp án dường như nằm ở sự thừa
nhận rằng khái niệm quyết định hoặc
giả nhập quyết định đạo dù là dưới
hình thức nào ngoài chính Niết-bàn (nibbāna) đều có thể quá dễ đưa mọi thứ dẫn
tới dị đoan của thuyết tiền định hay Quyết
định luận (niyativāda), hoặc giả
niềm tin rằng: “tất cả chúng sinh, tất cả mọi loài có hơi thở, tất cả loài được
xuất sinh, tất cả mọi sinh mạng đều không có quyền năng, sức mạnh, năng lượng;
mà chúng được tiến hóa theo định mệnh (niyati),
tập hợp (saṅgati) và tự nhiên (bhāva).”[16]
Trong Kinh Sa-môn quả (Sāmmaña-phala Sutta) (D 1.53.) quan điểm này được quy cho luận
sư ngoại đạo Makkhali Gosāla (Mạt-già-lê Cù-xá-la). Vậy ít nhất phần đối đáp Quyết định luận dường như được hình
thành một cách ám thị để tránh rơi vào cái bẫy thuyết tiền định của Tà mạng ngoại
đạo (Ājīvika).
Sài Gòn, Gò Vấp: 29-09-2019, dịch xong.
Email: thanhsang.nsb@gmail.com
[1] Nghiên cứu cho bài viết
này được bắt đầu với sự viện trợ của Quỹ tiền thưởng Nghiên cứu Mùa hè Giảng
viên (Faculty Summer Research Grant) của trường Đại học Canisius, và hoàn thành
trong thời gian nghỉ phép được Nhà trường Canisius cho phép với sự hỗ trợ thêm
của N.E.H. Grant cho Giảng viên đại học. Bản sơ khởi của bài viết này đã được đệ
trình tại Hội nghị Phạn ngữ (Sanskrit) Thế giới lần thứ VI, Philadelphia,
Pennsylvania, từ ngày 13–20 tháng 10 năm 1984.
[2] Kvu IV.8, V.4, VI. 1, XIII.3-4, XIX.7, và XXI.7-8. Khi chuẩn bị luận
văn này, các bản sau đây của điển tịch Pāḷi về Luận Sự (Kathāvatthu) và
các chú sớ của nó được sử dụng gồm: tỳ-khưu J. Kashyap, ed. The Kathāvatthu, Nālandā Devanāgarī Pāḷi
Series (Pāḷi Publication Board, Bīhar Government, 1961); Mahesh Tiwary, ed. The Pañcappakaraṇa-Aṭṭhakathā, tập II; Kathāvatthu-Aṭṭhakathā. (Nālandā, Patna:
Nava Nālandā Mahāvihāra, 1971); bản kinh điển tiếng Miến của Căn bản chú sớ (Mūlaṭīkā) và Phụ bổ chú sớ
(Anuṭīkā) bộ Luận Sự (Kathāvatthu) từ Pañcappakaraṇa-mūlaṭīkā và Pañcappakaraṇānuṭīkā (1960). Căn bản chú sớ và Phụ bổ chú sớ được tham khảo xuyên suốt. Họ thêm một chút ý nghĩa
cho lý giải triết học của điển tịch.
[3] Xem KvuA IV.7 và IV.8.
[4] Câu chuyện về Jotipāla
hình như đặc biệt thành vấn đề cho giáo đồ nhà Phật, vì khi nó cũng thành chủ đề
quan tâm đối với vua Milinda trong Kinh
Milinda vấn đạo (Milindapañha) (Miln 221–233). Tuy nhiên, vấn đề ở đây lại
khác, điều được quan tâm là thành tựu của một người như Jotipāla có thể “lợi dụng”
đức Ca-diếp Phật như thế nào. Biện pháp giải quyết của tỳ-khưu Na-tiên
(Nāgasena) cho vấn đề lưỡng nan ấy không hoàn toàn phù hợp với lý giải thông
thường về cách vận hành của nghiệp.
[5] KvuA IV.8 bản dịch của Shwe Zan Aung 8c Mrs. Rhys Davids, Points of Controversy, or Subjects of
Discourse (London: Luzac cho P.T.S., 1960 tái bản của 1915 ed.), 168, và được
Bimala Churn Law thông qua, The Debates
Commentary, Pāḷi Text Translation Series, No. 28 (London: Luzac cho P.T.S.,
1969 tái bản của 1940 ed.), 97.
[6] Như bản dịch của Aung và
Rhys Davids, Points of Controversy,
275, và được Law thông qua, Debates
Commentary, 175. Aung và Rhys Davids đọc puññ’u-ssadattā cho puññassa
datvā. Xem 275, fn. 3.
[7] Xem KvuA VI. 1.
[8] Về các triền cái (nīvaraṇa) xem D 1.73, A 1.3, S 11.23, và M 1.60, cho
thí dụ. Cũng xem Ñyānaponika Thera, The
Five Mental Hindrances, Wheel Publication No. 26 (Kandy: Buddhist
Publication Society, 1961).
[9] Xem James P. McDermott, “Karma
and Rebirth in Early Buddhism,” (Nghiệp và Tái sinh trong Phật giáo Sơ kỳ)
trong Wendy D. O'Flaherty, ed. Karma and Rebirth in Classical Indian Traditions (Nghiệp và
Tái sinh trong các Truyền thống Ấn-độ Cổ điển) (Berkeley: Univ. of California Press, 1980;
Indian ed. Delhi: Motilal Banarsidass, 1983), 187-189. Về khái niệm nghiệp hoàn thành xem thêm các Kinh
Nikāya tiếng Pāḷi và A-tì-đạt-ma Câu-xá
Luận (Abhidharmakoṣa).
[10] Xem James P. McDermott, “The
Kathāvatthu Kamma Debates,” (Những biện luận về Nghiệp trong Luận Sự), Journal of the American Oriental Society,
Vol. 95.3 (1975), 429-430.
[11] Xem D III.217. Tham khảo Nett
96.
[12] Aung và Rhys Davids, Points of Controversy, 178, fn. 1.
[13] T.W. Rhys Davids và
William Stede, P.E.D. (London- Luzac cho P.T.S., 1966 tái bản của 1921-1925
ed.), s.v.
[14] Như bản dịch của E.M.
Hare, The Book of the Gradual Sayings, Vol. IV, Loạt sách phiên dịch của P.T.S.,
No. 26 (London: P.T.S.; distr. Routledge & Kegan Paul, 1978 tái bản của
1935 ed.), 7. Dấu ngoặc đơn được tác giả thêm vào sau khi đọc KvuA XIX.7.
[15] Xem KvuA XIX.7.
[16] D 1.53 như bản dịch của David J. Kalupahana, Causality: The Central Philosophy of Buddhism (Nhân quả: Triết lý
Trung tâm của Phật giáo) (Honolulu: University Press of Hawaii, 1975), 33. Về
phiên dịch nhận thức của tập hợp (saṅgati) như “chủng loại” xem ibid.,
33-36.
Nhận xét
Đăng nhận xét