TẠI SAO LÚC ĐẦU NGÔ TAM QUẾ KHÔNG ĐI ĐÁNH VIỆT NAM LÀM HOÀNG ĐẾ MÀ CỨ KHĂNG KHĂNG CHỌN CON ĐƯỜNG PHẢN THANH PHỤC MINH?
Đầu thời nhà Thanh,
sau khi Ngô Tam Quế (吳三桂) được Thanh triều phong là Bình Tây vương (平西王),
thế lực rất lớn, có thể nói là chiếm trọn đất Vân Nam là phong địa Bình Tây
vương phủ của ông ta, một tay che trời, ngay cả các quan được nhà Thanh phái tới
cũng phải được Ngô Tam Quế đồng ý mới được, nếu không thì kể như toi, Ngô Tam
Quế cũng sẽ tìm cách đuổi quý vị đi thôi. Đây cũng là một trong những lý do sau
này vua Khang Hy muốn đối phó với Ngô Tam Quế. Ngô Tam Quế sau này lựa chọn con
đường “phản Thanh phục Minh” mà không lựa chọn cách đánh Việt Nam, cái chính là
do tình hình Việt Nam khác với Trung Quốc, Việt Nam hồi đó đất đai rất nhỏ, diện
tích cũng không bằng tỉnh Vân Nam, không đáng để Ngô Tam Quế ra tay. Sau đây
chúng ta sẽ bàn bạc trên một vài phương diện:
Tình hình Việt Nam
Lãnh thổ Việt Nam thời bấy giờ đã có chính quyền cai trị rồi, nhà Lê cai trị Việt Nam lúc đó trên danh nghĩa là thống nhất toàn quốc nhưng Việt Nam tiếp tục bị chia rẽ, miền Bắc do gia tộc họ Trịnh kiểm soát, miền Nam thì do gia tộc họ Nguyễn kiểm soát, cả hai gia tộc không ngừng xảy ra chiến tranh để tranh giành quyền cai trị thực sự của vương quốc. Trên danh nghĩa hoàng đế nhà Lê vốn dĩ chúa chung song hoàn toàn chỉ là bù nhìn nằm dưới sự khống chế của họ Trịnh. Cho nên, giả sử Ngô Tam Quế muốn đi đánh Việt Nam thì trước tiên phải đàn áp sức mạnh quân sự của hai tập đoàn bản địa ấy, muốn vậy phải trả giá rất lớn mới được, vả lại dù bạn có chiếm được Việt Nam thì sẽ đối mặt với sự phản kháng của người bản xứ. Đã vậy Việt Nam còn chênh lệch với Trung Quốc quá lớn, các mặt ngôn ngữ, phong tục tập quán, khí hậu... đều khác, cho nên đối với Ngô Tam Quế nó không đáng để đếm xỉa tới.
Vả lại Việt Nam thời đó nằm ở khu vực nhiệt đới, thường đối mặt với gió bão đánh phá, khí hậu đương thời lúc ẩm lúc nóng, rất dễ làm người ta phát bệnh, lại có nhiều khu vực thuộc về miền chưa được khai phá, không có bóng người mà cũng chẳng có đường đi. Cho nên đối mặt với tình hình đó Ngô Tam Quế không cân nhắc đến việc tấn công Việt Nam vì cảm thấy lợi bất cập hại, không đáng phải bỏ công sức lớn cho một mảnh đất nhỏ, với lại cũng hy sinh tính mạng của nhiều tướng sĩ. Huống hồ lui về một góc xó làm hoàng đế thổ nhân cũng không phải là chí hướng của Ngô Tam Quế, ông ta làm Bình Tây vương ở Vân Nam còn ngon hơn làm hoàng đế Việt Nam rất nhiều, thật không đáng gì để ông ta phải làm vậy.
Sự tính toán của Ngô
Tam Quế
Vào thời nhà Thanh tiến
vào và Khang Hy cai trị, Ngô Tam Quế đã phát hiện những manh mối cho thấy triều
đình đang đối phó với mình. Bản thân ông cũng có mưu tính phản Thanh nên trong
thời gian làm Bình Tây vương, ông tích cực chiêu binh mãi mã tại địa phương,
khuếch trương quân đội của mình và không hồi đáp rất nhiều ý chỉ của triều đình,
tự tung tự tác theo ý mình, có thể nói quyền thế của ông đích thực bao trùm cả
một dải Vân Quý, trong mắt không xem ai ra gì, mục tiêu cuối cùng của ông ta là
muốn lật đổ nhà Thanh để tự lên ngôi hoàng đế.
Thanh đình thật sự bắt
đầu đối phó với Ngô Tam Quế là vào mùa xuân năm Khang Hy thứ 12 (1673). Đương
thời Bình Nam vương trấn thủ ở Quảng Đông là Thượng Khả Hỷ dâng sớ xin nghỉ tuổi
già về quê chốn Liêu Đông, hoàng đế Khang Hy bèn thừa thế ra quyết định buộc họ
phải di phiên. Sau đó nhà vua cũng theo lệ chiếu chuẩn trước yêu cầu triệt phiên
của Tĩnh Nam vương Cảnh Tinh Trung trấn thủ ở Phúc Kiến. Với sự ép buộc của tình
thế lúc đó, Ngô Tam Quế cũng không thể không giả bộ dâng thư lên triều đình thỉnh
cầu triệt phiên, thực lòng ông hy vọng triều đình có thể an ủi ông ta chứ không
triệt phiên. Song hoàng đế Khang Hy hoàn toàn hiểu rõ ý định thực sự của Ngô
Tam Quế. Nhà vua nghĩ Ngô Tam Quế đối lập với triều đình đã lâu, “triệt cũng phản,
không triệt cũng phản. Chẳng thà kịp ra tay trước còn có thể kìm chế được.” Đồng
thời ra sức bác bỏ hết mọi lời tâu, ra quyết định chắc nịch cho phép triệt phiên
và cho phái chuyên sứ đến Vân Nam truyền đạt thánh chỉ, bố trí một chuỗi sự kiện
triệt phiên long trời lở đất. Tháng 11 cùng năm, Ngô Tam Quế giết Tuần phủ Vân
Nam Ngô Quốc Trị, tự xưng là Thiên hạ Đô chiêu thảo binh mã Đại nguyên soái, đề
xuất “hưng Minh thảo lỗ,” khởi binh phản Thanh.
Khi mới bắt đầu, khẩu
hiệu “hưng Minh thảo lỗ” (phục hưng nhà Minh, hỏi tội giặc mọi) vẫn rất gây hấp
dẫn, rất nhiều bậc di lão triều Minh và thế lực địa phương đều nhao nhao đứng dậy
tham gia vào hàng ngũ của Ngô Tam Quế để cùng phản Thanh, có thể nói là khí thế
như chẻ tre, một đường đánh thành đoạt đất chiếm lĩnh rất nhiều địa phương, hai
vị phiên vương kia cũng phấn khởi đứng lên phản Thanh, nhưng thời gian trôi đi,
bộ mặt thật của Ngô Tam Quế mới lòi ra, hắn muốn tự mình làm hoàng đế chứ không
phải lập lại nhà Minh. Tình hình đó khiến rất nhiều vị di lão nhà Minh bắt đầu
rút lui, không còn giúp đỡ Ngô Tam Quế nữa.
Mùng 5 tháng 11 năm Khang Hy thứ 13 (1674), khi Ngô Tam Quế đánh chiếm được Hành Dương ở Hồ Nam rồi bèn xưng quốc hiệu là Đại Chu (大周), sách phong vợ Trương thị làm hoàng hậu, cháu nội Ngô Thế Phiên (吳世璠) làm hoàng thái tôn, gia phong bá quan văn võ rồi ban hành lịch mới, đúc tiền đồng của tân triều là “Chiêu Vũ thông bảo” (昭武通寶). Thời gian đến năm Khang Hy thứ 17 (1678), chiến cuộc Hành Châu trở nên khốc liệt, trong lòng Ngô Tam Quế càng thấy không thoải mái, lo lắng quá mực nên khí hỏa quá thịnh trong gan khiến ông ta đột ngột mắc chứng “trúng phong nấc nghẹn,” sau đó lại thêm bệnh kiết lị, thái y đã trăm phương chữa chạy nhưng không có hiệu quả. Ngô Tam Quế bèn căn dặn đại thần tâm phúc rước hoàng tôn Ngô Thế Phiên đến Hành Châu nối ngôi, trăn trối hậu sự. Khuya ngày 18 tháng 8, Ngô Tam Quế giá băng tại hoàng cung ở đô thành Hành Châu (nay là Hành Dương), thọ 67 tuổi, mới làm hoàng đế có hơn 5 tháng. Ngô Tam Quế chết rồi chiến sự bắt đầu có lợi cho Thanh đình, cuộc phản loạn của tam phiên ngày càng làm mất lòng người, rốt cuộc vào cuối năm Khang Hy thứ 20 (1681), quân Thanh đánh chiếm Côn Minh, Ngô Thế Phiên bị bức tự sát, những người còn lại toàn bộ đầu hàng, từ đó loạn tam phiên được tuyên bố dẹp yên.
Tóm lại, Ngô Tam Quế
không đánh Việt Nam mà lại khởi binh phản Thanh chủ yếu nhất là do Việt Nam quá
nhỏ, văn hóa khác biệt quá lớn, nếu đánh Việt Nam thì hao tiền phí sức không đáng,
cái ông ta thật sự muốn là tự mình đánh dẹp Trung Nguyên làm hoàng đế, nhưng cuối
cùng vẫn thất bại.
Nguyễn Thành Sang.
Nhận xét
Đăng nhận xét