Chuyển đến nội dung chính

HAI CHỮ “QUỐC HOÀNG” VÀ VẤN ĐỀ TỪ HÁN VIỆT

 

 

Có nhiều người nói với tôi, tiếng Hán có ảnh hưởng đến tiếng Việt rất lớn, và có tới hơn 60% tiếng Việt là từ Hán Việt, chứng tỏ ngôn ngữ Việt Nam chịu tác động nặng nề của ngôn ngữ Trung Quốc (?) Ngay cả một anh học giả mà tôi biết, dù là anh ta đang biên dịch một quyển sách học thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt, anh cũng bảo là phải mua một quyển bản dịch tiếng Trung của sách đó về tra, để xem thuật ngữ trong đó được Trung Quốc phiên dịch thế nào thì mình “nhập” về phiên âm Hán Việt lại y chang vậy là đủ.

Đối với ngôn luận này, tôi thực tình có chỗ đồng ý và có chỗ không đồng ý. Nói rằng từ Hán Việt chiếm phân lượng lớn trong tiếng Việt thì đúng, vì đó là trầm tích văn hóa tích tụ giữa sự giao lưu của hai nước từ lâu đời. Nhưng nếu nói rằng ngôn ngữ Trung Quốc ảnh hưởng đến ngôn ngữ Việt Nam thì chưa chắc. Có thể trong quá khứ điều đó không sai, nhưng kể từ khi Việt Nam khai quốc độc lập hơn 1,000 năm đến nay, ngôn ngữ chữ viết đã khác biệt nhiều, nói ý nghĩa quý vị muốn nói rằng: “Tiếng Trung Quốc hiện nay cũng có vai trò và ảnh hưởng chủ đạo đối với tiếng Việt” thì tôi xin bác bỏ ý kiến này. Nó hoàn toàn không đúng. Rất nhiều người Việt Nam hiện nay ngộ nhận, nghĩ rằng từ Hán Việt chiếm lượng nhiều trong tiếng Việt, nghĩa là chúng ta có thể “nhập cảng” từ tiếng Trung vào và chỉ việc phiên âm là đủ, khỏi cần dịch nghĩa. Đó là cách suy nghĩ ngây thơ vô cùng. Xin thưa cùng quý vị, mặc dù từ Hán Việt chiếm khoảng 60% tiếng Việt, nhưng qua thời gian nó đã càng bị pha loãng hơn, không còn chiếm tỉ trọng lớn đến thế trong ngày nay nữa. Hơn hết, phần lớn trong số từ Hán Việt được sử dụng tại Việt Nam không có xuất xứ từ gốc Hán. Từ Hán Việt nên được phân làm 2 loại: một loại là từ Hán Việt có gốc Hán là những từ ngữ bắt nguồn từ Trung Quốc và chỉ được người Việt phiên âm đọc trại lại, một loại kia là từ Hán Việt được người Việt sáng tạo.

Từ Hán Việt được người Việt sáng tạo còn được gọi bằng thuật ngữ chuyên môn là “Việt tạo Hán Việt từ” (Vietnamese-created Sino-Vietnamese vocabulary) nghĩa là từ Hán Việt được biến đổi theo cấu trúc và diễn đạt của tiếng Việt, không đi theo cấu trúc quy phạm của tiếng Trung Quốc. Đây chính là chỗ khác biệt với tiếng Trung mà chúng ta nên chú ý, tức là quý vị không phải cứ lấy sách tiếng Trung về phiên âm là nó thành tiếng Việt được, nếu làm không đúng thì sẽ khiến từ vựng bị rối loạn, người Việt đọc vào cũng không hiểu đó nghĩa là gì. Việt tạo Hán Việt từ là tài sản của cha ông ta, được người Việt Nam sáng tạo suốt hơn 1,000 năm qua, mặc dù trên mặt tự nghĩa thì nó là từ Hán, nhưng nó được sử dụng theo phong cách của người Việt, có nghĩa là ngay cả người Trung Quốc nếu nhìn nó cũng sẽ không đọc hiểu, mà chỉ có người Việt Nam mới hiểu được. Tôi cho rằng, từ Hán Việt có gốc Hán chỉ chiếm chưa tới 30% trong tiếng Việt, số còn lại chiếm tỉ trọng cao là từ Hán Việt được Việt tạo. Đây là điều cần lưu ý, vì nếu nhìn sự việc một cách qua loa đại khái, chúng ta rất dễ quy chụp nhầm mà cho rằng tiếng Việt chỉ là một hình bóng của tiếng Hán. Tôi lấy ví dụ, từ “marketing” trong tiếng Anh được dịch theo tiếng Việt là “tiếp thị,” “tiếp thị” viết theo Hán tự là “接市” nhìn thì ta nghĩ đó là tiếng Hán, “tiếp” nghĩa là tiếp cận, “thị” nghĩa là thị trường. Tuy nhiên, người Trung Quốc nếu nhìn vào chữ “接市” (tiếp thị) họ sẽ hoàn toàn không hiểu nghĩa, vì tiếng Trung phiên dịch từ đó là “營銷/营销” (ying xiao, phiên âm Hán – Việt là “doanh tiêu”), tức chữ doanh trong kinh doanh và chữ tiêu trong tiêu thụ. Bạn thấy rồi chứ? Nếu bạn dịch một cách máy móc và cẩu thả, bạn đem từ “ying xiao” trong tiếng Trung phiên âm là “doanh tiêu” rồi cứ thế để vào trong bản dịch tiếng Việt, như thế sẽ thật là thảm họa về ngôn ngữ! Người Việt sẽ đọc không hiểu: doanh tiêu là cái quái gì?

Cũng vậy, một số từ Hán Việt được Việt tạo khác, tức là chỉ có người Việt Nam biết sử dụng thôi, người Trung Quốc không xài như vậy, chẳng hạn như: “thỏa thuận” (妥順) là từ Hán Việt, nhưng tiếng Trung thì xài từ “协议/協議” (xie yi, phiên âm là “hiệp nghị”); “ký kết” () là từ Hán Việt, nhưng tiếng Trung dùng “簽訂/签订” (qian ding, phiên âm là “thiêm đính”), hoặc cụm từ “dự trữ tài sản” (預儲財產) là từ Hán Việt, nhưng tiếng Trung lại là “資產公積/资产公积” (zi chan gong ji, phiên âm là “tư sản công tích”) v.v và v.v. Nếu cứ theo ngôn luận của anh học giả trên, chỉ việc phiên âm Hán Việt từ ngữ tiếng Trung rồi bỏ vào tiếng Việt thì sẽ cực kỳ tai hại, vì người Việt có rặn óc cũng không thể hiểu được “hiệp nghị,” “thiêm đính,” “tư sản công tích” v.v. nghĩa là gì? Tôi luôn chủ trương, tiếng Việt có quy luật vận hành cấu trúc ngôn ngữ riêng của nó, chúng ta cần học và hiểu về tiếng Hán cũng như từ Hán Việt, nhưng tuyệt đối không được cho rằng quy phạm từ ngữ của “tiếng Hán” là chính thống rồi dùng nó để phán xét tiếng Việt, làm như vậy là chúng ta đang đi sai đường, là biến tiếng Việt thành nô lệ của tiếng Hán, hạ thấp tinh thần sáng tạo của người Việt Nam mà cho rằng chỉ cần rập khuôn theo Trung Quốc là đủ.

Đây là vấn đề ngôn ngữ và vị thế dân tộc, một vấn đề đau đầu đã thách thức nhiều thế hệ qua mà giờ đây chúng ta sẽ nêu ra một trường hợp để quý vị cùng cân nhắc. Đó là trường hợp về hai chữ “quốc hoàng.” (國皇) Từ này thực ra cũng là từ Hán Việt được Việt tạo, mặc dù nó không xuất hiện trong từ Hán Việt hiện nay. Nó xuất hiện trong ngôn ngữ nói của người Việt Nam thời kỳ trung cổ và được sử dụng trong văn bản Hán–Nôm từ thời triều đại Lý–Trần–Lê. Đến thế kỷ 15, một vị vua của Việt Nam là Lê Thánh Tông cũng xưng bằng hiệu này. Vua Tự Đức triều Nguyễn lúc đọc sách thấy từ ngữ này, nhà vua cho rằng hai chữ đó thật quê mùa và đã ngự bút châu phê lên bản Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục rằng: “Hai chữ quốc hoàng thật là kệch cỡm. Lê Thánh Tôn là người sùng thượng văn học, lại đi dùng chữ như thế ru!” Tuy nhiên, hôm nay tôi muốn công bằng nhìn nhận lại từ ngữ này, có thật là từ “quốc hoàng” rất thô thiển quê mùa và ông cha ta thời Lý–Trần–Lê đã sử dụng sai cách hay không?

Khi xét lại như vậy, tức là tôi đã hoài nghi và không đồng tình với quan điểm của vua Tự Đức. Mặc dù đức vua là người tiền bối sống trước tôi hơn 100 năm, tuy nhiên chính là nhà vua cũng đang phê bình tiền nhân chính là vua Lê Thánh Tông, cho nên tôi cũng xin mạn phép phê bình lại nhà vua triều Nguyễn để bảo vệ quan điểm của tiền nhân vua triều Lê. Tại sao vua Tự Đức lại phê bình từ “quốc hoàng” là thô thiển? Xin thưa, vì từ khi các triều Ngô–Đinh–Tiền Lê–Lý–Trần bắt đầu tách khỏi Trung Quốc và độc lập tự chủ, nước Việt Nam đã dần dần khai sáng nền văn học riêng và tất nhiên ngôn ngữ mới sẽ phát sinh tách rời dần khỏi quy phạm tiếng Hán là điều không thể tránh khỏi. Các vương triều thời kỳ đầu ở Việt Nam khi độc lập lúc đó chưa quá tôn sùng học thuyết kinh viện và văn chương của Trung Quốc, quốc giáo khi ấy đang được tôn sùng là Phật giáo, cho nên ngôn ngữ văn tự vẫn có bản sắc riêng. Đến triều Hậu Lê thì Việt Nam đã có sự thay đổi, về xu hướng chính trị thì thắt chặt chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền tông pháp lễ giáo của Trung Hoa, bắt đầu đem triết lý kinh viện và văn chương Trung Quốc áp đặt vào trong nước, điều đó đã vô tình lấy quy phạm Hán văn làm tiêu chuẩn mà xem nhẹ quy phạm tiếng Việt, do đó người triều Hậu Lê thường hay cho rằng chữ nghĩa nào phù hợp với cấu trúc của tiếng Hán thì mới là đúng, là hay, còn như không phù hợp hoặc tự sáng tạo bởi người trong nước thì tức là sai, là dở. Chính vua Lê Thánh Tông là nạn nhân của thói “học theo kẻ ngoại” này, quá hâm mộ và lệ thuộc văn hóa Hán, nhà vua cũng như tầng lớp tri thức Việt Nam thời bấy giờ xem thường thành quả tự sáng tạo ngôn ngữ văn tự của người Việt trong nước nên mới dẫn tới tình trạng phê bình cách hành văn và cách sáng tạo từ của người triều Lý–Trần–Lê.

Tại sao vua Tự Đức và tầng lớp tri thức không đồng ý ghép hai chữ “quốc” “hoàng” thành một từ? Quan điểm của họ là hoàn toàn đúng, nếu xét trên lý luận chính thống của ý thức văn hóa Trung Hoa. “Hoàng” tức là “hoàng đế” (皇帝), là thiên tử, thay mặt Thượng đế cai quản nhân gian. Từ “Hoàng đế” được định hình từ thời đại Tần Thủy Hoàng, và người Trung Quốc đến triều Hán đã định nghĩa rằng “hoàng đế là thiên tử, là vua của tất cả các vị vua, không bị bất cứ ràng buộc nào về quyền lực, và không phải chịu trách nhiệm với bất cứ ai ngoại trừ Trời, đồng thời cũng là vị địa chủ lớn nhất, không có vùng đất nào dưới bầu trời này không phải là đất đai sở hữu của hoàng đế.” Theo ý nghĩa này thì hoàng đế lớn hơn khái niệm từ “đại vương/quốc vương.” Hoàng đế, nếu diễn dịch theo tiếng Việt hiện đại, chúng ta có thể giải thích nó là: vua của Trái đất, vua khắp hoàn vũ, vua của các vua. Theo tưởng tượng của người Trung Hoa thời xưa, quyền lực của hoàng đế là chí cao vô thượng, bất cứ vua nước nào đến gặp hoàng đế (tất nhiên là ám chỉ vua Trung Quốc) đều phải cúi đầu quỳ lạy, hoàng đế không quỳ lạy ai và không chịu trách nhiệm trước ai cả. Quan trọng là “đất đai trong thiên hạ đâu đâu cũng là của hoàng đế,” câu này rất mấu chốt, nó có nghĩa là nếu ông hoàng đế này có lỡ lưu lạc sang châu Phi hay chui vào bộ lạc Maya ở châu Mỹ, thì ông ta vẫn là hoàng đế, vì đất đai trong thiên hạ đều là của ông ta.

Ngày nay, quan niệm đó đã trở nên lỗi thời và kệch cỡm, nhưng trong quan điểm chính trị thần quyền của thời xưa, quan niệm đó là đúng đắn và không bàn cãi. Chính vì quyền lực của hoàng đế không bị giới hạn bởi đất đai lãnh thổ, cho nên không thể đem từ “hoàng đế” gắn với chữ “quốc” được. Chữ “quốc” trong “quốc vương” là chỉ cho phạm vi lãnh thổ có giới hạn, vua bình thường chỉ là chủ nhân của mảnh đất hữu hạn đó thôi, không lan ra bên ngoài được. Cho nên, chữ “quốc” ngoài ý nghĩa quốc gia, nó còn có ám nghĩa là “có giới hạn,” do đó từ “hoàng đế” mang nghĩa “quyền lực vô hạn” thì không để đi kèm chung với “có giới hạn” được. Cho nên, chữ “quốc” chỉ có thể đi cùng với “vương” chứ không thể đi cùng với “hoàng đế.” Có lẽ xuất phát từ quan điểm đó, vua Tự Đức và tầng lớp tri thức triều Nguyễn mới phê phán từ “quốc hoàng” là quê mùa thô thiển, là sai văn phạm, ngụ ý cũng là chê bai người trí thức triều Hậu Lê ngu dốt.

Tuy nhiên, nếu đứng trên quan điểm từ Hán Việt được Việt tạo và ý thức Việt Nam, cộng với tinh thần tự do phóng khoáng tự sáng tạo, thì cách dùng từ “quốc hoàng” của người thời Lý–Trần–Lê theo tôi là không sai. Và nó có lý do để khai sinh ra từ ngữ lạ lùng như vậy. “Quốc hoàng” là từ ngữ được định hình theo tư duy của người Việt Nam, do đó phải hiểu bối cảnh và vị thế của Việt Nam thì chúng ta mới biết tại sao người thời Lý–Trần–Lê sử dụng từ ngữ đó. Việt Nam từ xưa chỉ là một khu vực địa chính trị nhỏ bé, đến thời nhà Hán thì trở thành quận huyện bị Bắc thuộc suốt ngàn năm, đến thời nhà Ngô thế kỷ X mới trở nên độc lập, tuy nhiên xét trên quan hệ ngoại giao trường quốc tế thời bấy giờ, Việt Nam (hay Đại Cồ Việt, tên quốc tế là Giao Chỉ) chỉ là một nước phiên thuộc của đế quốc Trung Hoa. Theo cách tưởng tượng của người Việt Nam, “vua phương Bắc làm vua phương Bắc, chúa phương Nam làm chủ nước Nam,” điều đó đã phản ánh qua câu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt, “đế” cũng tức là “hoàng,” “Nam quốc hoàng đế” rút gọn là “quốc hoàng” đâu có gì sai! Người Việt Nam từ thời nhà Đinh đã áp dụng chính sách ngoại giao là “bên trong xưng đế, bên ngoài xưng vương.” Đối với các vương triều Trung Quốc thì chỉ dám xưng là Giao Chỉ quận vương hoặc An Nam quốc vương, nhưng ở trong nước thì đường bệ xưng hiệu là Đại Việt hoàng đế, do đó, trong ý thức của người Việt Nam, họ không thể xem đức vua của mình là “vương” được, mà phải là “hoàng.” Nhưng, quan niệm của người Việt Nam cho phép “hoàng đế” được giới hạn quyền lực, tức là hoàng đế Việt Nam chỉ là “hoàng đế trong nhà” thôi, đóng cửa ở trong nước Nam tự xưng đế thôi, không cần phải vỗ ngực xưng đế khắp toàn cầu làm chi cho ngạo nghễ. Chính vì quan niệm như vậy nên mới khai sinh hai chữ “quốc hoàng” đi cùng nhau, từ ngữ đó được sinh ra một cách cực kỳ hợp lý bởi ý thức tầm vóc quốc gia của người Việt Nam mình. “Quốc hoàng” rõ ràng là một từ sáng tạo rất độc đáo của người Việt Nam, các nước đồng văn khác như Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản đều không xài, chỉ riêng người Việt sáng tạo thôi, và nó có nguyên nhân bối cảnh để sinh ra từ ngữ đó chứ không phải cha ông người Việt nghĩ bậy.

Từ trường hợp này, tôi có thể nhận thấy, người Việt Nam đã có ý thức sáng tạo từ ngữ từ rất sớm, ngay từ thời đại Lý–Trần–Lê đã thịnh hành cách sáng tạo từ Hán Việt định hình theo cấu trúc quy phạm tiếng Việt rồi. Nhưng đến thời Hậu Lê, do lối học từ chương rập khuôn và nô dịch văn hóa Trung Hoa bởi tầng lớp tri thức thượng tầng Việt Nam khi đó đã làm cản trở đà phát triển tự sáng tạo có tính khu vực riêng của đất nước. Do đó, tôi xin phủ nhận kết luận “hai chữ quốc hoàng thật là kệch cỡm” của Tự Đức đế, và thừa nhận từ “quốc hoàng” dù có thể không hay nhưng rất sáng tạo, và quan trọng là nó không sai với văn phạm cấu trúc tiếng Việt và tư duy ngôn ngữ của người Việt. Nhân đó, tôi cũng khuyên các bạn trí thức dịch giả tác giả văn hóa trong nước, nếu phiên dịch văn bản hoặc sáng tạo văn hóa học thuật, các bạn nên vận dụng vốn tài sản Việt tạo Hán Việt từ phong phú cùng với tinh thần của nó được các tiền bối Việt Nam sử dụng nhuần nhuyễn trong quá khứ để làm giàu cho vốn từ tiếng Việt, không cần thiết và cũng không nên “nhập cảng” tiếng Hán một cách vô tội vạ vào tiếng Việt, vì nếu nhập không khéo thì vô hình trung chúng ta đã làm mất đi tính độc lập và sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là những điều tôi đã ôm ấp và chia sẻ hôm nay cùng với quý khán độc giả trên cả nước, xin cảm ơn mọi người đã thưởng thức!

Sài Gòn, ngày 18 tháng 12 năm 2020.

Nguyễn Thành Sang.       

Nhận xét

  1. Hoan nghênh lí giải của tác giả về “Việt tạo Hán Việt từ” (Vietnamese-created Sino-Vietnamese vocabulary) nghĩa là từ Hán Việt được biến đổi theo cấu trúc và diễn đạt của tiếng Việt, không đi theo cấu trúc quy phạm của tiếng Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trân trọng cảm ơn sự đón nhận của bác, blog sẽ cố gắng cập nhật nhiều bài viết có giá trị kiến thức hơn đến quý độc giả...

      Xóa

  2. Bài viết rất hay.
    Rất đúng đắn

    Quả thật đã có những kẻ, gồm người Việt và cả người Tàu ít học, họ tưởng nhầm, cứ nhái giọng những chữ Trung ra, là thành tiếng Việt.

    Mới đây có một nhóm du khách Tàu, đến Nha Trang, để tránh việc dùng chữ Tàu trên đất Việt, họ đã dịch giọng ra, rồi bảo là tiếng Việt, rồi đeo vào băng tay. Chẳng ai hiểu gì hết.
    Họ đã bị cảnh cáo vì tội nhập lậu ngôn ngữ.

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết rất đáng tham khảo. Nhưng có một chút thắc mắc là từ 合作 hoàn toàn có trong tiếng Trung do người TQ sử dụng mà bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lúc viết tôi định dùng từ "hiệp nghị" (协议) nhưng không hiểu sao lỡ ghi thành 合作, xin phép sửa lại rồi ạ.

      Xóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi thứ 1 (Nam Bắc triều Đại chiến Diễn nghĩa)

  b õ a   NAM–B Ắ C TRI Ề U ĐẠ I CHI Ế N DI Ễ N NGH Ĩ A Romance of Northern and Southern dynasties 南北朝大戰演義     Tác gi ả CỰ LANG (NGUY Ễ N TH À NH SANG) H ồ i th ứ 1: Cảnh hàn vi, cô mợ khinh bỉ Thi võ tr ạ ng, anh hùng long vân Có bài th ơ r ằ ng: Cu ồ n cu ộ n C ấ m Giang đ ông ra bi ể n, H ả i D ươ ng long khí thu ỷ phong li ề n. R ồ i đ ây thiên h ạ ba đ ào n ổ i, Th ế s ự bi ế t ai m ớ i thánh hi ề n? Tương truyền từ cổ đại, bên nước Tàu ( 匿艚 ) có tam đại Hạ ( 夏 ), Thương ( 商 ), Chu ( 周 ). Tổ của nhà Chu là Văn Vương Cơ Xương ( 文王姬昌 ) có một trăm con, trong số đó có người con thứ tên là Cơ Chấn Đạc ( 姬振鐸 ) sau này được phong làm bá tước ( 伯爵 ) ở nước Tào ( 曹國 ), truyền hai mươi sáu đời đến Tào bá Dương ( 曹伯陽 ) thì bị diệt quốc, có người hậu duệ là Cơ Chất Khiết ( 姬騭絜 ) ở lại làm dân của nước Tống ( 宋國 ). Nước Tống sau này bị nước Tề ( 齊國 ) diệt vong, dòng dõi Cơ Chất Khiết lại trở thành dân nước Tề. Nước Tề cuối cùng bị n

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ”

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ” [1] Tác giả: JAMES P. MCDERMO. Dịch Việt: Nguyễn Thành Sang. Nguyên tác: “The Kathāvatthu Niyāma Debates,” trích Chuyên san Hiệp hội Phật học Quốc tế (The Journal of the International Association of Buddhist Studies), tập 12, năm 1989, số 1. Một loạt những biện luận về các điều được phiên dịch nhiều kiểu khác nhau là “đảm bảo” (assurance), “tính cố định” (fixity), “định số” (destiny), và “xác định” (certitude; Pāḷi: niyāma , tham khảo thêm về niyata ) được phân bố rộng rãi thông qua Luận Sự phẩm loại luận ( Kathāvatthuppakaraṇa ). [2] Những cuộc luận chiến này chủ yếu được quan tâm với những hàm nghĩa của sự tiến nhập giải thoát đạo. Theo Luận Sự phẩm loại luận Nghĩa sớ ( Kathāvatthuppakaraṇa Aṭṭhakathā ), những giáo đồ bộ phái phân phụ của Án-đạt-la bộ ( Andhaka ) là Tây Sơn Trụ bộ ( Aparaseliya ) với Đông Sơn Trụ bộ ( Pubbaseliya ), và Bắc Đạo bộ ( Uttarāpathaka ), cũng như giáo đồ Thượng Tọa bộ ( The

CÁC CHÍNH QUYỀN QUY TỤ BÍ MẬT BỊ NHÀ NƯỚC TRUNG CỘNG GẮN NHÃN “PHẢN ĐỘNG” VÀ THỦ TIÊU (Kỳ 1)

Các chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t v ớ i mong mu ố n xây d ự ng chính quy ề n c ủ a h ọ , vô tình hay h ữ u ý vì ra đờ i trong th ờ i đạ i có chính ph ủ C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa hình thành nên đ ã b ị quy k ế t là nh ữ ng l ự c l ượ ng “ph ả n độ ng” và b ị nhà n ướ c Trung C ộ ng ra s ứ c đ à n á p. Nh ữ ng th ự c th ể chính quy ề n này đ ã ho ạ t độ ng trong lãnh th ổ c ủ a C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa, sau đ ó đ ã b ị chính ph ủ các c ấ p, c ơ quan t ư ph á p v à qu â n độ i Trung C ộ ng th ẳ ng tay tiêu di ệ t. Chúng ta hãy cùng tìm hi ể u v ề quá trình hình thành và b ị di ệ t c ủ a các chính quy ề n này. Giai đ o ạ n tr ướ c n ă m 1960 1. Th ượ ng Minh qu ố c ( 尚明國 ) Th ờ i gian t ồ n t ạ i: 1937–1951 (14 n ă m) Hoàng đế : L ư u Kim Lan ( 劉金蘭 ) Niên hi ệ u: Th ượ ng Minh ( 尚明 ) Th ủ đ ô d ự đị nh: Trung Kinh (t ứ c B ắ c Kinh) C ă n c ứ đị a: huy ệ n Oa D ươ ng, t ỉ nh An Huy Th ượ ng Minh Qu ố c là chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t do th