Chuyển đến nội dung chính

HỌ CHƯA BAO GIỜ LÀ NHỮNG KẺ TRUYỀN THỪA TRUNG THỰC CỦA TINH HOA VĂN HÓA TRUNG HOA

 

Tác giả: TRỊNH TÙ NGỌ
Nguyễn Thành Sang (dịch)

 

Hình (từ trái qua phải): Trần Độc Tú, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Ba nhà lý thuyết quan trọng của chủ nghĩa Cộng sản tại Trung Quốc.

“Đại hội Toàn quốc đã chỉ ra rằng kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, nó không chỉ là người truyền thừa trung thực và là người quảng bá văn hóa truyền thống xuất sắc của Trung Quốc, mà còn là một người ủng hộ tích cực và phát triển văn hóa tiên tiến của Trung Quốc.” Bản tin của Đại hội Toàn quốc lần thứ 6 của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đợt XVII được thông qua tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 6 của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đợt XVII nói như vậy. Nhìn vào đoạn văn trong bản tin này, đến tận bây giờ họ vẫn luôn có kiểu tư duy “lời nói dối cứ lặp đi lặp lại nghìn lần sẽ thành chân lý,” muốn là mình nói liên tục thì người khác sẽ tin, nhưng từ khi cải cách mở cửa đến nay đã là 33 năm, tầm nhìn của người Trung Quốc đã mở ra, những trò kịch cũ đâu thể lừa gạt người ta được nữa. Kể từ ngày thành lập cho đến bây giờ, Đảng Cộng sản Trung Quốc có ba vị lãnh tụ mang tầm ảnh hưởng lớn đó là Trần Độc Tú, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, nhưng không một ai trong số họ là người truyền thừa trung thực của văn hóa truyền thống xuất sắc của Trung Hoa cả.

Văn hóa luôn là tinh thần của mỗi một dân tộc, nó đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của dân tộc này và sự tương tác giữa người với người. Văn hóa là các lối sống khác nhau của một dân tộc, bao gồm những mô hình tập quán của tư tưởng và hành vi. Văn hóa là đa cấp độ, và phân chia thô sơ thì nó có ba cấp độ: cấp độ đầu tiên là cấp độ văn hóa cơ bản nhất, cụ thể là lối sống, tập quán, phong tục, v.v, và lĩnh vực ứng dụng của nó là cuộc sống hàng ngày của cá nhân; cấp độ thứ hai là văn hóa chế độ, và không gian áp dụng của nó là lĩnh vực đời sống công cộng xã hội; cấp độ thứ ba là văn hóa của cấp độ tinh thần, bao gồm các quan niệm giá trị, đạo đức luân lý, hệ thống tri thức, nghiên cứu khoa học, lý thuyết tư tưởng và tín ngưỡng, v.v. Phạm vi áp dụng của nó là phán đoán giá trị xã hội và cá nhân, quy tắc ứng xử, tu dưỡng tri thức, cách suy nghĩ và đời sống tinh thần.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc là một nền văn hóa dân tộc phản ánh các đặc điểm và phong cách dân tộc trong sự tiến hóa của nền văn minh Trung Hoa, được tạo ra bởi dân tộc Trung Hoa và tổ tiên của họ, được thừa kế và phát triển bởi dân tộc Trung Hoa qua nhiều thế hệ, là nền văn hóa với lịch sử lâu đời, ý nghĩa sâu sắc và truyền thống tốt đẹp. Ngoài nội dung cốt lõi của văn hóa Nho gia, nó còn chứa các hình thức văn hóa khác, chẳng hạn như văn hóa Đạo gia v.v. Trong xã hội nông nghiệp Trung Quốc trong hơn hai nghìn năm, tư tưởng Nho gia luôn chiếm một vị trí chính thống trong lĩnh vực ý thức hệ chính thức, người sáng lập Nho giáo là Khổng Tử, một trong những nội dung quan trọng nhất trong tư tưởng Khổng Tử là “lễ” và “nhân.”

Mạnh Tử là người phát triển lớn nhất của Nho giáo, ông đề xướng nghĩa hòa nhân chính v.v… Nội dung của văn hóa Trung Hoa vô cùng phong phú, từ bách gia chư tử đến cầm kỳ thư họa, văn học truyền thống, lễ tết truyền thống, thơ ca Trung Hoa, tuồng kịch Trung Quốc, kiến ​​trúc Trung Quốc, chữ Hán tiếng Hán, y học cổ truyền Trung Quốc, kỹ nghệ dân gian, võ thuật Trung Hoa, phong tục dân gian, nấu nướng ẩm thực, truyền thuyết thần thoại, âm nhạc truyền thống và các câu đối liễn Trung Quốc v.v. đều bao hàm trong đó. Nhưng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung, hiếu, đễ, tiết, thứ, dũng là tinh thần chính của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Văn hóa truyền thống Trung Quốc là sự kết tinh của trí tuệ dân tộc Trung Hoa và sự biểu hiện của di sản lịch sử dân tộc Trung Hoa trong đời sống hiện thực. Hệ tư tưởng này chứa đựng một tinh thần khoa học văn hóa phong phú, chủ yếu được phản ánh trong ba khía cạnh: một là cái học về sự gắn kết, và văn hóa truyền thống Trung Quốc là văn hóa của sức gắn kết nội bộ; Thứ hai là cái học về sự kiêm dung, văn hóa truyền thống Trung Quốc không phải là một hệ thống khép kín, nó thực hiện sự kiêm dung với Phật giáo đối ngoại một cách cởi mở, thứ ba là cái học về vận dụng vào giúp đời, và văn hóa truyền thống Trung Quốc nổi lên phong cách học tập vận dụng vào giúp đời của Nho gia.

Các lãnh tụ của Trung Cộng từ Trần Độc Tú sang Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình không một ai là người truyền thừa trung thực của văn hóa truyền thống xuất sắc của Trung Hoa cả. Trần Độc Tú là một kẻ phản văn hóa truyền thống Trung Quốc từ đầu đến chân, Mao Trạch Đông thì sử dụng chủ nghĩa Marx để cải tạo văn hóa Trung Hoa, để cho chủ nghĩa Max khoác lên chiếc áo choàng văn hóa Trung Quốc, nhìn bề ngoài trông như có các nhân tố của văn hóa Trung Quốc, nhưng thực chất vẫn là chủ nghĩa Marx, Đặng Tiểu Bình là kẻ kế thừa phần cặn bã của văn hóa Trung Quốc, ông ta chủ yếu là kế thừa phần cặn bã của văn hóa Trung Quốc.

Về cơ bản, Trần Độc Tú là một con tắc kè hoa, tư tưởng trong đời ông ta biến đổi nhiều lần, sau khi đậu Tú tài năm 17 tuổi, chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng duy tân của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu thì ông ta về đảng họ Khang. Sau thì lại chịu ảnh hưởng của phái Cách mạng và biến từ “Khang đảng” biến thành “loạn đảng.” Khi Cách mạng Tân Hợi lật đổ sự cai trị của nhà Thanh, thành lập Trung Hoa Dân Quốc, ông ta sáng lập tờ Tân Thanh niên phê phán chính trị, đạo đức, văn học truyền thống một cách dữ dội, dồn mọi nỗ lực đề xướng phong trào văn hóa mới, cuối cùng chịu ảnh hưởng của Liên Xô lại biến thành người theo chủ nghĩa Marx và lãnh tụ đầu tiên của Trung Cộng tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự thao túng của người Liên Xô, trong thời kỳ Kháng chiến chống Nhật lại trở thành người theo phái Trotsky (Đệ tứ Cộng sản – ND).

Là người phát khởi phong trào 4-5 (Ngũ tứ vận động) và là người sáng lập phong trào chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc, sự chuyển biến trong tư tưởng của Trần Độc Tú từ “dân chủ” sang “chuyên chế” và “xã hội chủ nghĩa,” tập trung thể hiện quỹ đạo của sự tiến hóa đổi mới phong trào hiện đại hóa Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20.

Phong trào 4-5 là một phong trào phê bình văn hóa đánh giá lại giá trị của văn hóa truyền thống. Mục đích phát động phong trào văn hóa mới lấy học giả khai sáng như Trần Độc Tú làm đại biểu là nhằm phê bình hệ thống giá trị Nho học của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Sự phê phán của họ Trần đối với Khổng giáo chủ yếu là tập trung vào luân lý cương thường lễ giáo của Nho gia và tư tưởng “định vi nhất tôn” của Nho giáo. Họ Trần cho rằng tinh hoa của Khổng Nho nằm ở lễ giáo, học thuyết Tam cương của Nho gia dựng trên nền tinh thần lễ giáo của Khổng Tử là nguồn gốc của chính trị luân lý Trung Quốc. Vua là giềng mối của bề tôi, cha là giềng mối của con, chồng là giềng mối của vợ, đó là ba giềng mối (Tam cương), nhấn mạnh một cách phiến diện đến các nghĩa vụ lần lượt là “trung,” “hiếu,” “tiết” của người làm bề tôi, làm con, làm vợ, từ đó khiến họ trở thành sản phẩm phụ thuộc của vua, của cha, của chồng, do vậy “trung,” “hiếu,” “tiết” được đề ra trong học thuyết Tam cương đã gây trở ngại nghiêm trọng đến sự sinh trưởng nhân cách độc lập của cá thể. Đạo đức này là đạo đức cũ của thời đại phong kiến trong xã hội tông pháp, bắt nguồn từ nó mà sinh ra những thứ như cương thường, phong tục, chính trị, pháp luật của Trung Quốc truyền thống. Tóm lại:

“Những trạng thái bi thảm và bất an của xã hội được hiện ra trong lịch sử Trung Quốc cũng đều là do ba thứ đạo đức này đang tác quái.”

(Trích Thuyết Điều hòa và Đạo đức cũ, “Độc Tú văn tồn,” tr. 565.)

Theo Trần Độc Tú thấy, một tệ hại khác đối với xã hội Trung Quốc của Nho học là tư tưởng “định ư nhất tôn” của nó.

“Từ thời Hán Vũ đến nay, sự học vẫn chuộng tôn vinh một nhà, còn những nhà khác thì phế truất, dân tộc ta thông minh nhưng vì cái tệ này cầm tù, chất độc cứ lan đến nay vẫn chưa thể giải được.”

 (Trích Lại trả lời Thường Nãi Đức, “Độc Tú văn tồn,” tr. 649.)

Quan điểm của Trần Độc Tú đối với Khổng giáo về tổng thể luôn dựa trên một phán đoán như vầy: đạo của Khổng Tử không thể dung hòa với đời sống hiện đại. Trần tiến hành phê phán Nho học từ các cấp độ chính trị, kinh tế, đạo đức. Ông chỉ ra, “đời sống hiện đại phải lấy kinh tế làm mạng mạch,” xã hội hiện đại lấy “thực lợi” làm bản vị và đặc trưng cơ bản của nó là “phát triển sản xuất và công nghiệp,” “phân công hợp lực” và “tôn trọng sức sản xuất cá nhân.” Còn sự trọng nghĩa khinh lợi và đạo hiếu đễ của luân lý Nho gia là điều mâu thuẫn với đời sống hiện đại.

“Sự nẩy nở tiền tài của công lợi từ xưa cho là đáng xấu hổ; nuôi con cái và hiếu thảo cha mẹ là nghĩa vụ trọn đời; đạo đức này gây hại cho nền kinh tế.”

(Trích “Độc Tú văn tồn,” tr. 19.)

Theo Trần Độc Tú, văn hóa giữa “mới” và “cũ” đã bị xé thành một khoảng cách. Ông cho rằng “mới” và “cũ” như nước với lửa không thể dung hòa.

“Hai pháp mới và cũ giống như nước với lửa, giá với than, chắc chắn không thể tương dung; nếu muốn song hành cả hai cái ắt sẽ gây nên trò chẳng ra con bò hay con ngựa gì sất, không ra thể thống gì.”

(Trích Vấn đề Chính trị của Trung Quốc ngày nay, “Độc Tú văn tồn,” tr. 152.)

Vì ông kiên quyết phản đối thuyết Điều hòa mới cũ giữa “khoa học Tây phương với đạo đức Trung Quốc.”

Trần Độc Tú lấy những lời chỉ trích Nho học như một cơ hội cho cuộc cách mạng luân lý và phê bình văn hóa của việc đánh giá lại giá trị, nó mở ra sự phê phán hùng hồn về bản chất cương thường lễ giáo Nho gia bảo vệ chế độ đẳng cấp phong kiến, tư tưởng “học thượng nhất tôn” của Nho giáo, và tính chất phong kiến tông pháp trong đạo của Khổng Tử mâu thuẫn với xã hội văn minh hiện đại. Phải nói là sự phê phán Nho học của họ Trần quả thật đã vạch trần những tệ đoan mặt trái của hệ thống giá trị Nho học cũng như ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với sự phát triển văn hóa và xã hội Trung Quốc. Sự phê phán Khổng giáo của họ Trần đã thể hiện tinh thần thời đại “đánh giá lại tất cả mọi giá trị” của phong trào văn hóa 4-5, tuy nhiên, sự phản Khổng của họ Trần cũng phản ánh sự lệch lạc lý luận của chủ nghĩa Phản truyền thống Ngũ tứ. Chủ nghĩa Phản truyền thống của họ Trần đã áp dụng một thái độ phủ định của logic chủ nghĩa rút gọn và chủ nghĩa hình thức lấy cái bộ phận cho là tổng thể đối với Nho học và văn hóa truyền thống. Họ Trần cho rằng Nho học không những là hệ thống đã hình thành mà còn làm mất đi tiềm lực nội tại của sự canh tân cải cách, vì vậy cần “bài xích nó từ gốc rễ.”

Cái sai lầm trong chủ nghĩa Phản truyền thống của Trần Độc Tú nằm ở phép nhị phân theo chủ nghĩa hình thức “truyền thống” (Khổng giáo) với “hiện đại.” Ông đã vạch ra một khoảng cách chia chẽ dứt khoát giữa “văn minh cổ đại” với “văn minh cận đại,” rồi quy giản sự hiện đại hóa của Trung Quốc cho là một quá trình Âu hóa “bỏ cũ lấy mới,” “bỏ Trung theo Tây.” Ông không hiểu rằng hiện đại hóa là một quá trình thống nhất giữa “cải cách” và “kế thừa,” từ “truyền thống” đến “hiện đại” là một sự liên tục của lịch sử không thể bị chia cắt. “Khoa học” và “dân chủ” của phương Tây chính bản thân chúng cũng có suối nguồn Hy-lạp và truyền thống văn hóa Hebrew, còn hiện đại hóa “dạng phát triển bề ngoài” của Trung Quốc cũng phải đợi có sự cải tạo và canh tân từ truyền thống bản địa. Đó là những điều Trần Độc Tú chưa từng nghĩ đến, ông ta chỉ biết cho “hiện đại hóa” là một quá trình biến cách “bỏ cũ theo mới,” mà không đi sâu vào suy xét mối quan hệ phức tạp giữa Trung–Tây, mới–cũ trong cuộc hiện đại hóa Trung Quốc. Điều cần phải chỉ ra là chủ nghĩa Phản truyền thống quá khích của Trần và những gì ông ta nói không phải là sự thiết kế văn hóa mang tính xây dựng mà chỉ là những đường lối thay đổi mang tính phá hoại. Họ Trần chưa bao giờ suy nghĩ rằng thay vì dẹp bỏ tổng thể Nho học, chi bằng cũng có thể tiến hành cải biến nó, cải tạo những tính chất cơ bản của nó. Vì vậy, kết luận về Nho học với xã hội hiện đại không thể tương dung của họ Trần chỉ là chụp mũ và võ đoán. Kỳ thực, luân lý Nho gia về đại thể có hai loại là “những luân lý mang tính siêu việt tinh thần” (như “nhân,” “nghĩa,” “trí”) và “những luân lý mang tính ước thúc xã hội” (như “lễ” và “tam cương”), loại trước là giá trị đạo đức khá phổ biến, loại sau thì bao gồm những quy phạm xã hội nói chung, lại bao quát luôn trật tự cương thường nói riêng của xã hội tông pháp. Huống hồ Nho học không phải chỉ giới hạn ở luân lý mà trong vũ trụ quan và nhân sinh quan của nó cũng có không ít những nhân tố thích hợp với “hiện đại” cho đến “hậu-hiện đại.” Trên thực tế, Nho học đối với sự hiện đại hóa Trung Quốc cũng không thiếu những điểm tương tự với Ki-tô giáo đối với sự hiện đại hóa Âu châu. Phương án hiện đại hóa của họ Trần thật là quá giản đơn: phá văn hóa Nho gia của truyền thống Trung Quốc. Tuy nhiên điều họ Trần chưa từng nghĩ đến là phá hủy Nho giáo chỉ càng làm cho văn hóa Trung Quốc bị mất khuôn khổ, để rồi sự mất khuôn khổ văn hóa này làm tiêu ma luôn năng lực sinh trưởng hữu cơ của văn hóa, tòa nhà hiện đại hóa chắc chắn không bao giờ có thể được xây dựng trên bãi hoang tàn của truyền thống được.

Từ sau phong trào 4-5, họ Trần thay đổi đối với việc không bàn đến chính trị, lo vào công việc khai sáng thuở đầu, thừa nhận rằng vấn đề chính trị có liên quan đến gốc rễ sự tồn vong của dân tộc, từ đó chuyển hướng góc nhìn từ văn hóa sang chính trị. Sự chuyển biến tư tưởng này khiến họ Trần tiếp thu chủ nghĩa Marx từ trào lưu lớn xã hội chủ nghĩa trong thời đại Ngũ tứ và trở thành người đặt nền tảng cho phong trào Cộng sản chủ nghĩa Trung Quốc. Điều không nên xem thường là sự thay đổi của Trần Độc Tú sang chủ nghĩa Marx cũng là một điểm đến hợp logic cho sự lựa chọn giá trị của ông ta. Như trước đã nói, lý tưởng đại đồng “giải phóng toàn nhân loại” và hệ thống lý luận “chủ nghĩa xã hội khoa học” của Marx chắn chắn là có sức quyến rũ đặc biệt đối với một người có khuynh hướng giá trị chủ nghĩa tổng thể và tìm kiếm sự hội nhập giữa khoa học và nhân văn như Trần. Họ Trần tin rằng:

“Xã hội chủ nghĩa sẽ trỗi dậy để thay thế nền chính trị cộng hòa, cũng sẽ giống như nền chính trị cộng hòa hồi đó trỗi dậy để thay thế chế độ phong kiến, theo lệ chung của những sự trao đổi chất, đó đều là số mệnh không thể trốn tránh.”

(Trích Giá trị của ngày Kỷ niệm Quốc khánh, “Độc Tú văn tồn,” tr. 373.)

Sử quan Duy vật đã làm ông ấy nhận thức rằng quá trình tiến hóa của xã hội loài người tuần tự diễn tiến lần lần từ xã hội săn bắn đến xã hội nông nghiệp, xã hội công nghiệp Tư bản chủ nghĩa và xã hội công nghiệp Xã hội chủ nghĩa. (Tham khảo Về vấn đề Xã hội chủ nghĩa – Thuyết trình tại trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Đông, “Trần Độc Tú văn chương tuyển biên,” [trung] tr. 287). Xã hội chủ nghĩa của Marx đã là “khoa học” “khách quan” và “xây dựng trên nền kinh tế,” thì nó hoàn toàn khác với bất kỳ loại Xã hội chủ nghĩa luân lý “không tưởng” và “chủ quan” nào trước đây. Ông cho rằng có hai con đường để công nghiệp hóa: một là Tư bản chủ nghĩa, hai là Xã hội chủ nghĩa. Nếu Trung Quốc đi theo con đường Tư bản chủ nghĩa sai lầm như Âu–Mỹ và Nhật Bản nối gót theo sau thì tương lai sẽ bị hiểm ác và giẫm lên vết xe đổ của chủ nghĩa công nghiệp Tây phương. Trung Quốc với nền công nghiệp lạc hậu tuy đang trong giai đoạn cất bước công nghiệp hóa nhưng muốn công nghiệp của Trung Quốc tránh khỏi đường hiểm của chủ nghĩa công nghiệp Tây phương duy chỉ có con đường đi theo Xã hội chủ nghĩa.

*

Mao Trạch Đông là sử dụng văn hóa Trung Quốc theo góc độ của chủ nghĩa vị lợi, còn chủ nghĩa ông tin theo là Marx–Lenin, những thứ gì có tính tương tự trong văn hóa Trung Quốc với chủ nghĩa Marx–Lenin đều được dọn qua sử dụng, những thứ gì có thể giải thích cho chủ nghĩa Marx–Lenin thì lợi dụng, còn không phù hợp với những nguyên lý của chủ nghĩa Marx–Lenin cho dù có chính xác hoặc chân thật hay không cũng sẽ gạt bỏ, vậy thì có thể nói ông ta là truyền thừa trung thực của văn hóa truyền thống Trung Quốc không?

Mao đã đọc rộng sách vở từ nhỏ, không chỉ dụng tâm học rèn qua các cổ tịch kinh điển như Tứ Thư, Ngũ Kinh… mà còn đọc các trước tác của chư tử Tiên Tần đến những tư tưởng gia đời Minh–Thanh, cũng như Nhị thập tứ sử đồ sộ và các tác phẩm chính trị thời cận đại, đặt nền móng sâu dày để ông am hiểu về văn hóa truyền thống. Ông còn tinh thông thi từ thời xưa, đặc biệt là thích Sở từ, Đường thi, Tống từ và Nguyên khúc, có thể đọc thuộc lòng không ít thi từ khúc phú. Đối với cổ văn các đời và tiểu thuyết cổ điển, kể cả những tiểu thuyết bút ký và những tạp thư có tri thức và thú vị khác ông không những đã xem qua hết mà còn có thể bàn luận rành rẽ về các danh tác, đưa ra kiến giải của mình. Chính vì ông hiểu văn hóa Trung Quốc nhưng không tin văn hóa Trung Quốc, chỉ tin chủ nghĩa Marx, cho nên khi ông trở thành người theo chủ nghĩa Marx thì ông khoác chiếc áo choàng văn hóa Trung Quốc lên chủ nghĩa Marx để từ đó lừa bịp người Trung Quốc, vậy thì không phải là người truyền thừa trung thực của văn hóa Trung Quốc hay sao?

Năm 1938, trong Đại hội Toàn thể Đảng Cộng sản Trung Quốc kỳ VI đợt 6 Mao Trạch Đông đã chỉ ra: học tập di sản lịch sử của chúng ta, dùng phương pháp của chủ nghĩa Marx để tổng kết phê phán là một nhiệm vụ quan trọng trong học tập của chúng ta. Trong thời gian chỉnh phong ở Diên An năm 1943, Mao Trạch Đông chỉ ra: phong trào chỉnh phong chính là phải làm cho khoa học cách mạng của chủ nghĩa Marx–Lenin càng tiến thêm kết hợp sâu sắc với thực tiễn cách mạng Trung Quốc, lịch sử Trung Quốc và văn hóa Trung Quốc. Tư tưởng Mao Trạch Đông như là thành quả của phong trào chỉnh phong mặc dù đã có tấm áo choàng của văn hóa truyền thống Trung Quốc nhưng linh hồn của nó không phải là văn hóa Trung Quốc mà là chủ nghĩa Marx. Chính vì người sáng lập tư tưởng Mao Trạch Đông có được nội hàm văn hóa truyền thống Trung Quốc thâm hậu nên tư tưởng Mao Trạch Đông có hình thức dân tộc mới mẻ và đặc sắc. Hình thức dân tộc này theo như Mao Trạch Đông nói, “nó mới mẻ và sống động, là tác phong Trung Quốc và là khí phách Trung Quốc được nhân dân Trung Quốc ưa thích nghe thấy.” Trong phong trào chỉnh phong, sau khi đã qua tổng kết bài học kinh nghiệm về những thắng lợi và thất bại của cuộc Cách mạng Trung Quốc, Mao Trạch Đông chỉ ra: “thái độ học tập chủ nghĩa Marx–Lenin chính là thái độ bắn mũi tên của nó. ‘Nó’ là chỉ cho cách mạng Trung Quốc, ‘mũi tên’ chính là chủ nghĩa Marx–Lenin. Người cộng sản Trung Quốc chúng ta sở dĩ phải tìm ‘mũi tên’ này chính là để bắn “nó” đi, tức là cách mạng Trung Quốc và cũng là cách mạng Đông phương. Thái độ này chính là thái độ cầu thị sự thật. ‘Sự thật’ tức là mọi sự vật tồn tại khách quan, ‘thị’ là liên hệ nội bộ của các sự vật khách quan, tức là tính quy luật, ‘cầu’ chính là chúng ta đi nghiên cứu.” Từ đó, người cộng sản Trung Quốc đã lấy ranh giới mới là “cầu thị sự thật” làm định nghĩa cho Trung Quốc hóa và dân dã hóa cho tuyến đường tư tưởng chủ nghĩa Marx. Nhiều tác phẩm của Mao Trạch Đông đã trở thành mực thước của Trung Cộng về mặt hình thành tác phong Trung Quốc, khí phách Trung Quốc, sáng tạo hình thức dân tộc. Vấn đề thuyết minh về văn hóa truyền thống và hình thức dân tộc thể hiện được Mao Trạch Đông vận dụng hết sức phong phú và đa dạng, từ đó khiến cho chủ nghĩa Marx nhìn bề ngoài có đặc sắc văn hóa Trung Quốc, Mao Trạch Đông chính là người đã mặc trang phục Trung Quốc lên chủ nghĩa Marx–Lenin, nhưng trong xương tủy của văn hóa Trung Quốc chỉ toàn là chất độc của chủ nghĩa Marx–Lenin.

Trong cuốn Tân dân chủ Chủ nghĩa luận, Mao Trạch Đông dùng nó để trình bày yếu nghĩa Trung Quốc hóa chủ nghĩa Marx. Ông nói: “Những người cộng sản Trung Quốc cũng ứng dụng chủ nghĩa Marx tại Trung Quốc như vậy, cần phải đem chân lý phổ biến của chủ nghĩa Marx cho phù hợp hoàn toàn với thực tiễn cụ thể nơi bản xứ, tức là kết hợp nó với những đặc điểm dân tộc qua hình thức dân tộc nhất định thì mới có tác dụng, quyết không thể ứng dụng nó theo công thức chủ quan.” Mao Trạch Đông dùng lời ngắn gọn với hàm ý sâu khoáy, dùng lời lẽ dân dã dễ hiểu để trình bày đặc điểm này cùng với các lý luận của chủ nghĩa Marx nằm rải rác trong nhiều tác phẩm của ông. Ví như trong cuốn Phản đối Bản bản chủ nghĩa năm 1930 đã phê bình sắc nhạy với tư tưởng chủ nghĩa giáo điều tồn tại trong nội bộ đảng và Hồng quân, chỉ ra: “Cuộc đấu tranh của chúng ta cần có chủ nghĩa Marx nhưng không bao giờ có bất cứ hình thức kiểu ‘tiên triết’ thậm chí là ý niệm thần bí nào trong đó. Cái ‘cội gốc’ (bản bản) của chủ nghĩa Marx là phải học tập nhưng phải kết hợp với tình hình thực tế của nước ta, xác lập ‘lộ trình tư tưởng sáng tạo cục diện mới từ trong đấu tranh’; sự thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng Trung Quốc phải dựa vào các đồng chí hiểu về tình hình Trung Quốc.”

Đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc với đại biểu là Mao Trạch Đông đã cải tạo văn hóa truyền thống Trung Quốc bằng chủ nghĩa Marx trong thời kỳ cách mạng, sáng lập văn hóa chủ nghĩa Tân dân chủ. Đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc với đại biểu là Đặng Tiểu Bình lại phát triển nên văn hóa Xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc lấy việc kiến thiết Xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa làm tiêu biểu từ cuộc mở cửa cải cách trở đi. Mao Trạch Đông dùng chủ nghĩa Marx với mục đích “hóa” (biến đổi) văn hóa truyền thống Trung Quốc chứ không phải là trở về truyền thống cũ, mà là phải sáng tạo nền văn hóa Tân dân chủ chủ nghĩa trước khi xây dựng chính quyền Trung Cộng và phải sáng tạo nền văn hóa Xã hội chủ nghĩa sau khi đã xây dựng chính quyền Trung Cộng. Xã hội mới và quốc gia mới mà đảng Cộng sản Trung Quốc phải kiến thiết không những được gọi là nền chính trị mới, kinh tế mới, mà còn được gọi là văn hóa mới. Nền văn hóa mới này là văn hóa dưới sự soi đường của chủ nghĩa Marx–Lenin. Có nghĩa là nền văn hóa mới không chỉ có nội dung cách mạng của chủ nghĩa Marx–Lenin mà còn phải có chiếc áo khoác (hình thức) dân tộc. Trong nhiều tác phẩm của Mao Trạch Đông đã dựng lên khuôn mẫu khai sáng văn phong cho đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc về phương diện mặc chiếc áo khoác dân tộc cho chủ nghĩa Marx–Lenin. Những tác phẩm này không những khiến chủ nghĩa Marx hóa đổi văn hóa Trung Quốc mà còn tạo ra một thể văn thời đại mới, trở thành phạm văn của chủ nghĩa Marx khoác áo văn hóa Trung Quốc.

Thái độ của đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc đối với việc áp dụng Marxist-hóa văn hóa truyền thống đã chứng tỏ tinh thần của đảng viên đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tập hợp tính cách mạng và tính chuyên chế của chủ nghĩa Marx lại, đối với văn hóa truyền thống cũng nỗ lực thống nhất với tính cách mạng và tính chuyên chế. Mao Trạch Đông chỉ ra: đối với truyền thống lịch sử Trung Quốc, “chúng ta phải có sự kế thừa nhưng mục đích vẫn là vì đại chúng nhân dân.” Đối với hình thức văn hóa trong thời đại quá khứ “chúng ta cũng không từ chối lợi dụng, song những hình thức cũ đó khi rơi vào tay chúng ta thì phải cải tạo, thêm nội dung mới, tức là biến thành một thứ cách mạng để phục vụ cho nhân dân.” Vì vậy chính xác là ông đề ra nguyên tắc “cổ vi kim dụng” (lấy cái xưa dùng cho việc nay).

“Cổ vi kim dụng” là để làm phồn vinh văn hóa Xã hội chủ nghĩa, xây dựng khu vườn tinh thần tính cách mạng và tính chuyên chế của Trung Cộng. Đó là một loại chủ nghĩa vị lợi cũng giống hệt như thuyết Con mèo (Miêu luận) của Đặng Tiểu Bình, vì cái nó yêu cầu không phải là yếu tố chân lý trong văn hóa mà là nó có lợi cho sự duy trì nền cai trị của Trung Cộng hay không, có lợi thì dù có sai cũng cho qua luôn, bất lợi thì dù có đúng cũng phải đập bỏ.

Trong cuộc đời của Mao Trạch Đông từ thuở thanh niên cho đến khi tạ thế đều nghiên cứu lịch sử Trung Quốc. Sự nghiên cứu này là để tìm hiểu những đặc điểm của Trung Quốc, dùng chủ nghĩa Marx hóa đổi văn hóa Trung Quốc. Năm 1938, trong bài báo cáo Vai trò của đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc chiến tranh dân tộc của Mao Trạch Đông viết vào Đại hội Trung ương toàn quốc đợt VI lần 6 nói: “Để chủ nghĩa Marx được cụ thể hóa tại Trung Quốc khiến cho nó trong mỗi một biểu hiện đều mang theo đặc tính Trung Quốc cần có, tức là ứng dụng nó theo đặc điểm của Trung Quốc đã trở thành vấn đề mà toàn đảng phải cần kíp tìm hiểu và cần kíp giải quyết.” Với mục đích như vậy, ông lại nói “đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, phải tiến hành tổng kết khoa học từ Khổng Phu Tử đến Tôn Trung Sơn, kế thừa một bộ di sản quý giá. Người nay đọc sách xưa là để tìm gương lịch sử, tìm ra những điều hữu dụng cho chúng ta.”

Ngày 17-8-1958, Cục chính trị Bắc Đái Hà tổ chức phiên họp mở rộng, phiên họp lần này thông qua quyết định triển khai phong trào công xã hóa nhân dân nông thôn. Ngày 10-12-1958, Mao Trạch Đông cho in Tam Quốc chí: Ngụy thư – Trương Lỗ truyện, phát cho các đại biểu tham gia phiên họp Vũ Xương. Mao Trạch Đông có lời phê hai lần rất dài trong Trương Lỗ truyện, một lần viết vào ngày 7-12-1958, một lần là ngày 10-12 cùng năm. Trong hai lần viết lời phê đó ông đều phân tích sự phát triển và vận động của lịch sử, ông viết trong lời phê rằng: “Nước ta từ cuối đời Hán cho đến nay đã hơn một ngàn năm, tình huống cách xa như trời với đất. Song nhìn vào mấy điểm ví như sự đói nghèo của bần nông và hạ trung nông thì vẫn có vài điểm tương tự.” Lại cho rằng: từ cuối đời Hán đến nay “có một điểm giống nhau, đó là ước mơ bình đẳng, tự do, thoát khỏi nghèo khó và đủ ăn đủ mặc của quảng đại tầng lớp nông dân cực kỳ nghèo khổ.”

Còn có: từ cuối đời Hán đến nay “trong thời gian khoảng 1,700 năm, sự sản xuất và tiêu dùng của bần nông, hạ trung nông với tâm tình của người ta vẫn đại thể giống nhau, đều là nghèo đói xác xơ, điều khác nhau là sức sản xuất đến nay đã tiến bộ hơn nhiều.” Ông muốn thông qua các cuộc khởi nghĩa nông dân trong lịch sử, nói cụ thể, những biện pháp được chính quyền Trương Lỗ áp dụng khi thành lập vào đời Hán đã chứng tỏ cho tính hợp lý và tính tất yếu của phong trào công xã hóa nhân dân ở Trung Quốc đại lục năm 1958. Lời phê của ông trong Trương Lỗ truyện có viết: “Phong trào công xã nhân dân hiện nay có nguồn gốc trong lịch sử nước ta.” Lại viết với tiền lệ trong Trương Lỗ truyện rằng: “Phong trào chữa bệnh quần chúng được nói đến trong đó có vị giống như việc chữa bệnh miễn phí trong công xã nhân dân chúng ta, song thời đó chỉ là thần đạo, cũng được, thời đó chỉ biết dùng thần đạo. Các quán ăn trên đường vào ăn cơm không mất tiền, rất có ý nghĩa, nó tạo tiền đề cho nhà ăn công cộng công xã nhân dân của chúng ta.” Có thể nhìn thấy những điều được kể trong Trương Lỗ truyện chỉ là Xã hội chủ nghĩa không tưởng nông nghiệp trong lịch sử, phản ánh nỗi niềm của người xưa đối với cuộc sống tốt đẹp trong tương lai, nhưng họ đã không tìm được con đường đi lên “đại đồng.” Dùng những cách thức sai lầm bất thông trong lịch sử để minh họa cho những cách thức sai lầm trong hiện tại quả thật là cổ vi kim dụng, nhưng không phải là vì họ giống với mình, lịch sử sau này đã chứng minh ý tưởng của Mao cũng là Utopia (cõi mộng tưởng – ND).

Mao Trạch Đông phân tích văn hóa truyền thống không phải theo kiểu chú thích văn tự trong cổ tịch mà là tiến hành cải tạo và phát triển chúng, vận dụng vào cuộc sống thực tế. Trong lá thư gửi cho Trương Văn Thiên, ông có viết: “Quá do bất cập là hai phương pháp đấu tranh trong mặt trận, là một trong những phương pháp tư tưởng quan trọng. Tất cả triết học, tất cả tư tưởng, tất cả đời sống thường nhật đều phải đấu tranh trong hai mặt trận để khẳng định chất ổn định tương đối giữa sự vật và khái niệm.” Lại nói: “Quá tức là những điều thuộc ‘tả,’ bất cập tức là những điều thuộc ‘hữu.’ Theo quan điểm của chúng ta bây giờ, quá do bất cập là chỉ cho sự vật nhất định trong sự vận động của thời gian và không gian, khi nó phát triển đến một trạng thái nhất định thì phải tìm ra và xác định chất nhất định trong mối quan hệ với lượng, tức là ‘trung’ hoặc ‘trung dung,’ hoặc ‘thời trung.’ Nói sự vật này đã không phải từ trạng thái này tiến đến trạng thái khác, đó đã là một chất khác, thì đã là ‘quá’ hoặc ‘tả’ khuynh rồi. Nói sự vật này vẫn ngừng lại trong trạng thái như cũ và không phát triển, đó là sự vật cũ, là sự đình trệ khái niệm, là thủ cựu ngoan cố, là ‘hữu’ khuynh, là ‘bất cập.’” Ví dụ này cho thấy Mao Trạch Đông vận dụng phép biện chứng duy vật để giải phẫu văn hóa truyền thống, phát hiện tính hữu dụng đối với cách mạng của nó. Với văn hóa truyền thống Trung Quốc, Mao Trạch Đông áp dụng thái độ Marxist-hóa. Một mặt là nhà cách mạng Xã hội chủ nghĩa, Mao Trạch Đông chủ trương phải phá bỏ văn hóa cũ phong kiến, kiến lập văn hóa mới Xã hội chủ nghĩa. Mặt khác ông cho rằng phải kế thừa di sản văn hóa quý giá từ Khổng Phu Tử đến Tôn Trung Sơn trở đi để đóng gói chủ nghĩa Marx–Lenin, làm cho văn hóa mới Xã hội chủ nghĩa của Trung Cộng vừa có tinh thần chủ nghĩa Marx–Lenin vừa có áo khoác văn hóa Trung Quốc, theo lời Mao Trạch Đông nói thì đó là hình thức dân tộc.

Nói theo văn hóa, về bản chất chủ nghĩa Marx là một hình thái văn hóa hiện đại chống chủ nghĩa Tư bản, còn văn hóa truyền thống Trung Quốc với đại biểu là Nho học thuộc về hình thái văn hóa tiền-Tư bản chủ nghĩa. Cả hai vốn đã đối lập căn bản về luân lý đạo đức, điểm giống nhau là tư tưởng chính trị theo chủ nghĩa chuyên chế. Chính vì như vậy, những người theo chủ nghĩa Marx ban đầu ở Trung Quốc phần lớn mang khuynh hướng phản truyền thống mạnh mẽ, sau khi Mao Trạch Đông trở thành người theo chủ nghĩa Marx ông đã bắt đầu dốc sức mặc chiếc áo khoác văn hóa truyền thống Trung Quốc lên chủ nghĩa Marx. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc có một điểm chung với chủ nghĩa Marx, ví như những tư tưởng về phương pháp biện chứng, chủ nghĩa chuyên chế v.v. giữa chúng. Chủ nghĩa Marx muốn được truyền bá và đâm chồi, nở hoa, kết quả thuận lợi ở Trung Quốc đại lục thì phải mặc nhờ chiếc áo khoác văn hóa dân tộc Trung Hoa để tuyên truyền, giải thích chủ nghĩa Marx. Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi thành lập đầu thế kỷ 20 đến nay có nhiều nhà lý luận chủ nghĩa Marx như Lý Đại Chiêu, Mao Trạch Đông, Cù Thu Bạch, Lý Đạt, Ngải Tư Kỳ… trong quá trình dẫn chủ nghĩa Marx vào Trung Quốc đã tìm tòi phát hiện, thông diễn cắt tỉa, nỗ lực khai quật những nội dung tương thông tương dung tương bổ giữa văn hóa truyền thống Trung Quốc với chủ nghĩa Marx, dùng nó để giải thích những lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Marx. Tư tưởng Trang Tử mặc dù có những phương diện tiêu cực như chủ nghĩa Tương đối, chủ nghĩa Hư vô nhưng cũng hàm chứa không ít những nhân tố phép biện chứng chất phác. Mao Trạch Đông thường vay mượn phạm vi phép biện chứng Trang Tử để nói về triết học chủ nghĩa Marx. Ví dụ, trong Lời phê sách Đọc ‘Tuyển tập Triết học’ của Ngải Tư Kỳ, Mao Trạch Đông đã dẫn câu “kỳ tác thủy dã giản, kỳ tương tất dã tất cự” (lúc mới bắt đầu bao giờ cũng đơn giản, khi gần kết thúc thì mới trở nên to ra) để minh họa cho sự thay đổi phát triển của sự vật. Lại tỉ như năm 1967, Mao Trạch Đông khi bàn đến tính khả phân vô hạn vật chất với một số người làm công tác triết học cũng mượn câu “nhất xích chi chủy, nhật thủ kỳ bán, vạn thế bất kiệt” (cây gậy một thước mỗi ngày bẻ nó thành một nửa, muôn đời cũng không bẻ hết) của Trang Tử. Nhằm thuyết minh phép biện chứng động tĩnh của chủ nghĩa Marx, trong Đại hội toàn quốc lần thứ 2 Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đợt VIII khi Mao Trạch Đông phát biểu đã nói: “Chương Thiên hạ trong sách Trang Tử nói: ‘Phi điểu chi cảnh, vị thường động dã.’ (Bóng con chim bay chưa bao giờ động) Trên thế giới cũng có một phép biện chứng như vậy: vừa động vừa bất động… động là cái tuyệt đối, tĩnh là cái tạm thời và có điều kiện.”

Trên thực tế, trong các luận trước, thư tín, bài giảng, lời phê… của Mao Trạch Đông có thể thấy những tình tiết dùng ngôn ngữ, điển cố, tư tưởng, thần thoại vốn có của Trung Quốc để giải thích chủ nghĩa Marx ở khắp nơi.

Đối với thuyết Con mèo về văn hóa Trung Quốc, Mao Trạch Đông chắc chắn cũng cảm thấy nếu khả dụng thì dùng, nếu không khả dụng thì đạp dưới chân và thậm chí là hủy diệt.

Tỉ như trong bài Sự thành lập và tiến hành Kiện học hội trong thời kỳ Ngũ tứ, Mao Trạch Đông tập trung phê bình chủ trương “Trung thể Tây dụng” (bản thể Trung Quốc được ứng dụng theo Tây phương), cho rằng nó là một “tư tưởng tự đại,” “tư tưởng rỗng tuếch.” (1938)

Những năm tháng tại Diên An, Mao Trạch Đông cùng Lương Sấu Minh tựu trung đồng tranh luận đối mặt với những vấn đề như tính chất văn hóa xã hội truyền thống, sự khác biệt và mâu thuẫn giữa văn hóa Trung–Tây cũng như đường lối cơ bản để cải tạo Trung Quốc… Ý kiến phê bình cụ thể của ông thể hiện trong lời phê khi đọc Lý luận Xây dựng Hương thôn. Trong đó một quan điểm quan trọng là ông không đồng ý sự đào tạo “đều rất cao” về văn hóa Trung–Tây mà Lương tiên sinh nói, cho rằng sự xung đột giữa văn hóa Trung–Tây từ cận đại đến nay và sự thất bại của Trung Quốc nguyên nhân “không phải đều cao, mà là xã hội Tư bản chủ nghĩa cao hơn xã hội phong kiến nên sự đụng độ của hai bên khiến cái sau thất bại, kết cục đã hạ màn.” Biện pháp giải quyết nguy cơ của Trung Quốc không phải là cải lương văn hóa mà chỉ có cái cao hơn sẽ thắng. Cái cao hơn ở đây tức là chủ nghĩa Marx. Tháng 1-1940, Mao Trạch Đông lại nhấn mạnh rằng ở Trung Quốc hiện giờ có văn hóa chủ nghĩa Đế quốc và văn hóa bán-phong kiến, không đả đảo hai thứ phản động này đi thì không thể kiến lập lên văn hóa mới gì được, “không phá thì không lập, không tắc thì chẳng trôi, không dừng thì chẳng chạy, cuộc đấu tranh giữa chúng là cuộc đấu tranh sinh tử.”

Mọi người đều biết, bộ giàn chủ thể văn hóa Trung Hoa là ba ngôi một thể Nho–Thích–Đạo, trong đó văn hóa Nho gia là chủ cán của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Năm 1964, Mao Trạch Đông đã từng viết lời phê rằng “Khổng môn đầy mâu thuẫn,” Mao Trạch Đông từng nêu nhiều cách nhìn khác nhau đối với Nho học và đưa ra những phê bình nghiêm khắc. Bởi ông là nhà cách mạng Xã hội chủ nghĩa, là nhà độc tài lãnh đạo xây dựng Xã hội chủ nghĩa, tất nhiên phải khởi xướng việc bãi bỏ quan niệm văn hóa truyền thống, phá dẹp truyền thống tư tưởng cũ. Mà Nho học do Khổng Tử sáng lập từ sau khi được độc tôn vào đời Hán, suốt hai ngàn năm nay luôn là để phục vụ giai cấp thống trị, muốn xây dựng văn hóa mới Xã hội chủ nghĩa thì không thể không phê Khổng và phản Khổng. Nhìn chung cuộc đời của Mao Trạch Đông từ tuổi trẻ cho đến lúc cuối đời ông thể hiện là phủ định văn hóa Nho gia với đại diện là Khổng Tử. Thái độ của Mao Trạch Đông đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc là tôn vinh hay bãi bỏ tùy thuộc chủ nghĩa Marx.

Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông phát động không chỉ là trận nạn kiếp về kinh tế chính trị mà còn là trận hủy diệt của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Trận nạn kiếp này đã khiến cho luân lý đạo đức và quy phạm hành vi mà dân tộc Trung Hoa vừa tự hào vừa cho là vinh quang trở thành truyện nghìn lẻ một đêm xa xăm diệu vợi, những đức hạnh nào là lễ nghĩa chi bang, ôn nhu đôn hậu, nhân nghĩa đạo đức, văn bì với chất, ôn lương cung kiệm nhượng, phong độ quân tử, nào là “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (điều mình không thích thì đừng làm với người ta) v.v. đều trở thành truyện thần thoại đẹp đẽ.

Những phong trào xã hội và chuẩn mực đạo đức trong Cách mạng Văn hóa “đọc sách của Mao chủ tịch, nghe lời của Mao chủ tịch, làm chiến sĩ tốt của Mao chủ tịch,” “một lòng vì việc công,” “công chính quên tư,” “đấu tranh gay gắt với một thoáng ý niệm về tư,”… tất cả chúng đều đạt đến đỉnh cao trong Cách mạng Văn hóa.

Mao Trạch Đông là một nhà cách mạng theo chủ nghĩa Marx, tư tưởng và tâm chí của ông đều tính cách mạng và tính chuyên chính, ông luôn luôn muốn nhắm đến việc tạo ra một thế giới Cộng sản chủ nghĩa mới mẻ. Ông là một con người rất đại biểu từ thời cận đại đến nay trong việc phản truyền thống. Ở trong đó Mao Trạch Đông tuyệt không chỉ là phát tiết sự căm hờn hư hão mà những điều Mao nhắm đến còn mang ý vị Cộng sản chủ nghĩa nguyên thủy, chủ nghĩa này từng xuất hiện trong thời kỳ ở Diên An, đây cũng là một trong những pháp bảo để đảng Cộng sản Trung Quốc giành được thắng lợi. Mà trong xã hội Xã hội chủ nghĩa, sau khi tầng lớp quan liêu hình thành tất nhiên rồi sẽ thành giấc mơ phá hoại, sự thật cũng là như thế. Mao Trạch Đông không hề dẹp bỏ tham nhũng và đặc quyền bằng chế độ và pháp luật mà chỉ muốn dựa vào quyền uy của mình và lợi dụng quyền uy đó phát động phong trào quần chúng. Những quy luật bằng cảm hứng và ảo tưởng thi nhân của ông hoặc nói là do ông tạo ra hay tưởng tượng ra để đả phá và thay thế những quy luật trong tiến trình lịch sử, ông đã đưa những ảo tưởng (tràn đầy cảm hứng) của chính mình thách thức với những quy luật từ lịch sử để ứng chiến và chống cự. Những điều mà Mao Trạch Đông đã hy vọng, ảo tưởng, khát cầu hay là thế giới lý tưởng của ông ta toàn là mang sắc thái Utopia.

Trong sự giày vò nội bộ văn hóa truyền thống, chân–thiện–mỹ đồng thời bị nhấn chìm và bị trộn lẫn lại với giả–ác–xú. Sự nghịch lý giữa động cơ với kết quả hành vi cũng có lẽ là bi kịch của Mao và cũng là bi kịch của những Hồng vệ binh chân thành trở thành những kẻ bạo động đánh cướp phá. Trong đó mọi nguyện vọng chân thành đều đi tới phản diện và sa lầy thành sự dối trá và lường gạt. Đó là một vòng xoáy, một vũng lầy mà dĩ nhiên nếu bạn rơi vào đó thì phải cuốn theo nó, tất nhiên khắp mặt mũi sẽ dính đầy bùn đất. Mao Trạch Đông đã trở thành vị thần nhân cách hóa tối cao trong lòng mọi người – đại diện có thẩm quyền của đạo đức tối cao. Trước mặt ông, người ta hoặc là vui vẻ tự nguyện, hoặc bị ép buộc phải rúm người vì sợ hãi. Vì thuở đó có nghe lời Mao chủ tịch hay không, có thực hiện chỉ thị của Mao chủ tịch không đã trở thành tiêu chuẩn để phán xét phải trái, thật giả, tốt xấu và thiện ác, mọi người đều chấp nhận sự kiểm định này, từ người dân bình thường cho đến chủ tịch quốc gia Lưu Thiếu Kỳ không một ai ngoại lệ.

Đại cách mạng Văn hóa là chỉ cho hoạt động chính trị do Mao Trạch Đông phát động và lãnh đạo từ tháng 5-1966 đến tháng 10-1976, nó có ba “thành tựu” lớn:

(1) Do chính phủ xúi giục dân chúng “võ đấu” khiến đạo đức của dân chúng bại hoại;

(2) Đại cách mạng Văn hóa còn có một công trạng vĩ đại là muốn đấu ai thì đấu, muốn đánh ai thì đánh, vô pháp vô thiên;

(3) Việc phá “tứ cựu” (bốn thứ cũ kỹ) đã gây hủy hoại hàng loạt văn vật cổ tích.

Tỉ như thời điểm giao mùa thu đông vào năm 1966, một trong bốn đại lãnh tụ Hồng vệ binh ở thủ đô là Đàm Hậu Lan sau khi dẫn đoàn chiến đấu Tỉnh Cương sơn Hồng vệ binh Đại Mao Trạch Đông tư tưởng Bắc sư làm lễ tuyên thệ tại quảng trường Thiên An Môn đã tiến từ Bắc Kinh xuống phía nam tàn sát Khúc Phụ là quê hương đức Khổng Tử, Khổng gia điếm phải tạo phản, đám người Đàm Hậu Lan liên kết với Hồng vệ binh địa phương phát động nông dân mở đại hội thảo Khổng với 100.000 người, rải tờ Tuyên ngôn thảo KhổngThư kháng nghị gửi Quốc vụ viện... đi khắp cả nước, sau đó bắt đầu diễu hành tiến quân về Khổng Lâm đốt tượng Khổng Tử và san bằng mộ Khổng Tử... Sự kiện này về sau được gọi là sự kiện “thảo phạt Khổng Tử” xảy ra tại chính làng quê của Khổng Tử.

Sự phê Khổng trong Cách mạng Văn hóa cũng đã vạch trần một cách không thương tiếc đối với đạo đức phong kiến trung–hiếu–nhân–nghĩa. Tuy nhiên Cách mạng Văn hóa đã để lại ảnh hưởng cực kỳ tồi tệ: chính nó đã làm mạnh lên hạt nhân chuyên chế chưa từng có tiền lệ trong lịch sử khiến cho tư tưởng độc tài được khoác lên danh từ mới và được sử dụng công nhiên, cho rằng lòng trung thành tột bậc đối với lãnh vụ vĩ đại chính là phải quyết liệt với chế độ cũ và tư tưởng cũ. Ngu dốt, nhiệt tình, phá hoại và rối ren là âm điệu chính của dàn nhạc Cách mạng Văn hóa.

Cặn bã cốt lõi nhất trong thuyết chuyên chính của chủ nghĩa Marx–Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông đó chính là phải phục tùng tuyệt đối với chuyên chế, quỳ lạy trước quyền uy duy nhất, thống nhất tuyệt đối về tư tưởng toàn dân. Vì có thứ cặn bã cốt lõi này mới khiến văn hóa chúng ta bị nhiễm độc hoàn toàn gây sát thương cho sự tôn nghiêm cá thể và tự do vốn là quyền của lẽ trời đất, để rồi thuận theo và ca ngợi đức hạnh làm áp đảo nhân tính của nhà cầm quyền tối cao. Bất kể trò chơi chữ nghĩa đó có hay ho thế nào thì cuối cùng nó vẫn chỉ là đôi giày gấm tinh xảo tuyệt đẹp nhưng bên trong chiếc giày thì tồi tàn mốc meo – nó dùng để bó chân khiến chân người mang giày trở nên quái dị. Vì hình dạng thực đáng sợ như thế nên cũng thật là tốn công phí sức cho những ai đã dành thời gian chế xuất đôi giày ấy, cho rằng chỉ cần giày đẹp là đủ, cái bên trong dĩ nhiên sẽ đẹp như chiếc giày bên ngoài.

Ta càng có thể thấy cuộc Đại cách mạng Văn hóa là trận đại nạn diệt vong của nền văn hóa Trung Quốc. Trong những năm tháng đen tối ấy phần tử tri thức đành co rút lại không dám nói thừa một câu cũng không dám viết bậy một chữ, còn khủng khiếp hơn cả thời đại đế chế. Bất luận là khuynh hướng tự do chủ nghĩa hay là khuynh hướng bảo thủ chủ nghĩa, thậm chí là những phần tử tri thức đã chấp nhận chủ nghĩa Marx trong bối cảnh mới, ngay cả phần tử tri thức đã kinh qua trưởng thành trong thời kỳ Trường chinh và ở Diên An, những nhà lý luận của đảng Cộng sản trong thời chiến dường như toàn bộ đều đã bị đả kích với tầm hủy diệt, nặng thì chết rục xương, nhẹ thì ngồi phòng ban đày đi lao động cải tạo. Đại cách mạng Văn hóa cứ càng đi sâu vào thì bức hại chính trị cũng ngày càng tàn khốc hơn, cuộc đấu đá trong nội bộ đảng ai nhìn cũng thấy. Kết luận cuối cùng là ngoại trừ Mao Trạch Đông ra, hầu hết các đồng chí của ông đều là bọn phản động. Chủ nghĩa Marx, tư tưởng Mao Trạch Đông được tuyên bố là tư tưởng đánh đâu thắng đó. Từ quá trình này chúng ta thấy rằng Mao cũng giống hệt như hoàng đế của các triều đại thích duy ngã độc tôn, nói một không hai, tuyệt đối bất dung với những ý kiến khác, sát hại tự do ngôn luận, tự do tư tưởng không mảy may lưu tình. Về phương diện này thì “công lao vĩ đại” của Mao không thua một ông hoàng đế nào đâu.

Đại cách mạng Văn hóa không phải nhằm mục đích dẹp bỏ những tệ đoan của văn hóa cũ và đề xướng một nền văn hóa mới, mà là biến chủ nghĩa Marx thành một danh từ mới mẻ hòng tẩy não nhân dân, khôi phục và làm mạnh sự đoàn kết độc tài của nhân dân, từ đó biến ước muốn của ông ta được chính nghĩa và vĩ đại nhờ có nhân dân toàn quốc đồng thanh hoan hô. Mấy trăm triệu con người chỉ cần có tư tưởng của một người là đủ rồi, chỉ cần có một cuốn “sách răn dạy” là được, phải nghe lời Bác, tuân theo chỉ thị của Bác, làm chiến sĩ tốt của Bác, Bác sẽ nắm tay đưa chúng ta tiến lên, người Trung Quốc đều trở thành ngu dân, dốt nát, còn những kẻ dã tâm thì lợi dụng sự ngu muội vô tri của người dân để muốn gì được nấy.

Đại cách mạng Văn hóa đã dằng xé thuyết nhân tính và nhân tình của giai cấp tư sản. Sự thuần khiết nhất trên thế giới là cảm tình giai cấp vô sản, là tính Đảng. Đối với những kẻ thù giai cấp: phong kiến, tư bản, tu sĩ, địa chủ, phú hộ, phản động, bất hảo, cánh hữu... đều phải đấu tranh tàn khốc và đả kích vô tình, “phải tàn khốc và vô tình như cơn gió thu quét sạch lá rơi,” tình thân còn chẳng có huống hồ kẻ làm cách mạng còn nói đến tư tình nhi nữ sao?

Kẻ làm cách mạng chỉ biết đến ân tình của đảng, ân tình của lãnh tụ, còn tất cả những thứ khác đều là những thứ phản động mục ruỗng, phải triệt để cách đứt cái mạng nó đi. Đấu tranh giai cấp thì phải rao giảng đấu tranh suốt từng ngày và thậm chí từng năm một. Đấu với người vui sướng khôn cùng, một nửa tình cảm nhân tính cũng không có, người Trung Quốc khi đó đã bị cải tạo đến mức bà con không nhận mặt chừ đừng nói đến tình yêu (ít nhất là không dám nói công khai lúc ấy), lãnh đạm vô tình, tàn ác hung hãn, loại người không bằng cả cầm thú.

Trung Quốc vốn là một đất nước nói về đạo đức nhiều nhất, cái mà tư tưởng Nho gia chiếm vai trò thống trị suốt mấy ngàn năm qua nhấn mạnh chính là nhân nghĩa đạo đức, đến thời Đại cách mạng Văn hóa thì đạo đức truyền thống bị phê phán triệt để. Trung Quốc không còn quy phạm đạo đức nữa, những gì còn lại chỉ là triết học đấu tranh, tính giai cấp, nguyên tắc tính Đảng. “Sự thô bỉ trở thành giấy thông hành của kẻ thô bỉ, sự cao quý trở thành bia mộ của người cao quý.” Đến nay thì còn đâu thành tín liêm sỉ, còn đâu chính nghĩa lễ nhượng, tất cả đều đã bị quỷ tha ma bắt cả rồi, Trung Quốc từ đó tiến vào một thời đại mới gọi là thời đại vô liêm sỉ, lại thêm “thuyết Con mèo” của Đặng Tiểu Bình thịnh hành chuyển từ đấu tranh giai cấp sang tranh giành lợi ích, mưu tính duy lợi, lục đục đánh nhau, tham ô hủ bại, hãm hại lừa đảo, cướp của giết người, vàng trắng đen thịnh hành không từ một thủ đoạn, không điều ác nào không làm. Đạo đức nhân nghĩa của người Trung Quốc cũng như quan niệm đạo đức phổ biến khắp nhân loại không còn đáng giá một xu nữa, thật là không biết liêm sỉ đến ngày nào mới thôi.

Đối với mỗi một người Trung Quốc, tên tuổi của Đặng Tiểu Bình có nghĩa là mở cửa đổi mới và kiến thiết hiện đại hóa cho Trung Quốc đương đại, lý luận Đặng Tiểu Bình là sự Trung Quốc hóa chủ nghĩa Marx. Chính sự chỉ đạo của lý luận Đặng Tiểu Bình mà mảnh đất Trung Quốc cổ xưa đã diễn ra thay đổi: từ trật tự đấu tranh giai cấp đã chuyển hướng sang trọng tâm là xây dựng kinh tế, từ nền kinh tế kế hoạch truyền thống đã chuyển hướng kinh tế thị trường Xã hội chủ nghĩa, từ xã hội đóng cửa và nửa đóng cửa chuyển sang xã hội mở cửa. Lý luận Đặng Tiểu Bình là sản phẩm đã kết hợp giữa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx với tình hình đất nước và đặc trưng thời đại của Trung Quốc. Bản thân lập luận này gồm có ba lớp ý nghĩa: một là lý luận Đặng Tiểu Bình về bản chất vẫn là chủ nghĩa Marx, là sự phát triển mới của chủ nghĩa Marx; hai là lý luận Đặng Tiểu Bình là chủ nghĩa Marx được gieo trồng tại Trung Quốc, nó kế thừa một phần văn hóa truyền thống Trung Quốc, thể hiện những điểm đặc sắc mới mẻ của Trung Quốc; ba là lý luận Đặng Tiểu Bình còn thể hiện một số đặc trưng thời đại. Nếu nói tư tưởng Mao Trạch Đông chỉ là Mao Trạch Đông mặc chiếc khoác văn hóa Trung Quốc lên chủ nghĩa Marx–Lenin thôi, thì lý luận Đặng Tiểu Bình là thực hiện Trung Quốc hóa chủ nghĩa Marx, vừa thể hiện một số nguyên lý cơ bản nào đó của chủ nghĩa Marx vừa bao hàm một phần tư tưởng văn hóa của dân tộc Trung Hoa, nhưng chỉ là phần hết sức cặn bã, cho nên không thể nói Đặng Tiểu Bình là kẻ truyền thừa trung thực của tinh hoa văn hóa Trung Quốc, mà phải nói ông ta là kẻ truyền thừa những phần cặn bã của văn hóa Trung Quốc.

Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ 20, Đông Âu xảy ra biến cố dữ dội và Liên Xô giải thể, một loạt sự biến trọng đại xảy đến cho chế độ Xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, việc mở cửa đổi mới đã mang lại thách thức nghiêm trọng đến chủ quyền và an toàn của đất nước. Đặng Tiểu Bình đề ra phương châm chiến lược “thao quang dưỡng hối, lấy khéo che vụng, lặng lẽ quan sát, kiềm chân đứng vững, bình tĩnh ứng phó, có cách hành động.” Nếu Đặng Tiểu Bình không có nhận thức về văn hóa dân tộc thì không thể áp dụng câu nói đầy cặn bã của dân tộc này là “thao quang dưỡng hối” để biểu đạt tư tưởng chiến lược của ông. “Thao quang dưỡng hối” là một thành ngữ tiếng Hán với nghĩa chính là che giấu tài năng, không để lộ ra ngoài, “thao quang” là che ánh sáng của mình đi, “dưỡng hối” là đứng ở vị trí tương đối không nhìn thấy rõ.

“Thao quang dưỡng hối” còn mang nghĩa khiêm tốn, là cam chịu để đối phương đứng ở vị trí quan trọng, còn mình lui về vị trí thứ yếu. Do đó “thao quang dưỡng hối” là một đường lối để sinh tồn. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, thành ngữ này đã được Đặng Tiểu Bình vin vào để trình bày phương châm chiến lược ngoại giao của Trung Quốc dưới tình hình đương thời. Điểm căn bản trong tư tưởng này là phải tìm kiếm thời cơ có lợi để tự phát triển bản thân lớn mạnh; là phải xem xét thời thế, tranh thủ chủ động, độc lập tự chủ; là phải luôn kiên trì ngọn cờ Xã hội chủ nghĩa, tăng cường niềm tin của Trung Quốc đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Trong đó đầy rẫy sự gian ngoa và thâm hiểm, cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ 20, Đông Âu xảy ra biến cố dữ dội và Liên Xô giải thể, một loạt sự biến trọng đại xảy đến đã tuyên bố sự phá sản của chế độ Xã hội chủ nghĩa và chuyên chính nhất đảng của chủ nghĩa Marx, lúc này việc cần làm là phải thực hiện kinh tế thị trường và dân chủ hóa về chính trị, nhưng ông ta đã vắt óc hết mực làm sao để cản trở bánh xe lăn tới của lịch sử, không chịu tiến lên theo guồng lịch sử. Trong báo cáo quân lực Trung Quốc suốt 6 năm từ năm 2003–2009, chính phủ Hoa Kỳ đều phiên dịch cụm từ “thao quang dưỡng hối” là hide our capabilities and bide our time, nghĩa là che giấu năng lực của chúng ta và chờ đợi thời cơ quật khởi. Sau này ở hải ngoại còn có một số sách vở hoặc bài viết bằng tiếng Anh còn phiên dịch thêm thành che giấu năng lực giả bộ nhỏ yếu, hoặc giả là ẩn giấu mục đích thật sự, hoặc giả là che giấu dã tâm thu thập lực lượng. Lời lẽ ngầm này tức có nghĩa “thao quang dưỡng hối” là Trung Quốc phải biết áp dụng thích nghi với tình hình trong và ngoài riêng biệt, che giấu ý đồ thực sự của mình để đợi thời cơ chín muồi sẽ ra tay.

Trong lịch sử có một điển cố rất nổi tiếng về câu “thao quang dưỡng hối,” xuất xứ từ Tam Quốc diễn nghĩa. Trong đó Hồi thứ 21: “Tào Tháo uống rượu luận anh hùng. Quan Công lừa mưu giết Xa Trụ” chép:

“Về phần Huyền Ðức vẫn đề phòng việc Tháo có thể mưu hại, nên thường ra vườn sau trồng rau, tự tay xới đất tưới cây, làm kể giả ngây giả dại.

Quan, Trương thấy thế, hỏi rằng:

- Huynh trưởng sao không lưu tâm tới việc lớn thiên hạ, lại đi làm cái việc nhỏ mọn của kẻ tầm thường thế này?

Huyền Ðức chỉ trả lời vắn tắt:

- Việc này hai em không thể biết được.

Quan, Trương không dám hỏi nữa.”

Một hôm Tào Tháo bèn bày tiệc rượu để thăm dò dã tâm của Lưu Bị, hỏi Lưu Bị xem thiên hạ có bao nhiêu bậc anh hùng, Lưu Bị liệt kê ra nào những tên tuổi anh hùng lừng lẫy gió mây đương thời nhưng không nhắc gì đến mình. Tam Quốc diễn nghĩa chép:

“Tháo chẳng úp mở gì nữa, trỏ tay sang Huyền Ðức, rồi lại trỏ về ngực mình mà nói thẳng ra rằng:

- Anh hùng trong thiên hạ ngày nay, chỉ có Sứ quân với Tháo này thôi!

Huyền Ðức nghe qua, giật nẩy mình lên! Ðôi đũa cầm trên tay bất giác rơi xuống đất!

May thay, lúc ấy trời sắp đổ mưa, vừa vặn có tiếng sấm nổ ran!...

Huyền Ðức mới từ từ cúi xuống, vừa lượm đôi đũa vừa nói rằng:

- Oai trời to thật! Vừa nghe một tiếng, đã đến nỗi này...

Tháo cười hỏi:

- Trượng phu mà cũng sợ sấm à?

Huyền Ðức nghiêm trang nói:

- Ðến Thánh nhân xưa kia, nghe sấm rền gió thét cũng còn biến sắc mặt nữa là tôi!

Thế là Huyền Ðức kịp thời thác ra chuyện sợ sấm mà che đậy được cái sợ thực của mình.

Tháo thì cho rằng Huyền Ðức còn tầm thường, từ đó không nghi ngờ nữa.”

Quan hệ Trung–Nhật ngày càng trở nên căng thẳng vì sự kiện đảo Điếu Ngư, đối với vấn đề đảo Điếu Ngư, phía Trung Quốc dựa theo phương châm chiến lược ngoại giao “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình hồi những năm 80 của thế kỷ trước đề xuất nguyên tắc xử lý là gác lại tranh luận để cùng nhau khai thác. Tuy nhiên thực tế là không chỉ tạo nên sự thật rằng Nhật Bản đã kiểm soát được đảo Điếu Ngư, không giúp ích gì cho việc tranh luận giải quyết chủ quyền, cũng không thể thúc đẩy được các quốc gia xung quanh có vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc chịu thông cảm và mặc định, ngược lại khiến các quốc gia này bằng hành động chiếm lĩnh trước và cho đó là sự thật để kêu gọi chủ trương gác lại tranh luận để cùng nhau khai thác, dẫn đến việc chủ trương này đã trở thành hiệp định quân tử khiến Trung Quốc tự mình trói mình.

Đầu năm 1992, Đặng Tiểu Bình khi đi thị sát Châu Hải đã nhắc đến vấn đề hệ thống trách nhiệm hộ gia đình rằng: “Gia đình là một điều tốt, và tất cả đều mang tính tập thể sẽ mang lại những vấn đề xã hội. Chẳng hạn như vấn đề chăm sóc người cao tuổi, hiện nay có nhiều người cao tuổi hơn, không thể chỉ giao hết cho xã hội được. Có thể được tiêu hóa trong gia đình.” “Văn hóa Trung Quốc từ thời Khổng Phu Tử luôn đề xướng nuôi dưỡng người già. Khổng Tử nói tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trong xã hội phải chuộng tu thân, tu dưỡng, trì gia, vừa tu thân vừa trì gia mới có thể trị quốc bình thiên hạ.” Ông cũng nhấn mạnh, 70 đến 80 triệu người tàn tật ở Trung Quốc, bao nhiêu người cao tuổi trên cả nước, gia đình nào cũng có người cao tuổi, những người này đều được chăm sóc, nuôi dưỡng từng gia đình. Chúng ta không thể học hỏi từ nước ngoài để thực hiện phúc lợi xã hội. Thời xưa nói rằng gia đình nuôi dưỡng người già đó là vì quốc gia trong thời đại đó là tư sản của vua chúa, triều đình không chịu chi tiền để dưỡng lão đó là biểu hiện tự tư của vua chúa, không chịu chi tiền dưỡng lão cho công dân lại đem lời người xưa ra để bào chữa cho lập luận vô lý của mình. Ông nói rằng họ đã gặp khó khăn rất nhiều và dựa vào thuế suất cao để đảm bảo phúc lợi của họ, nhưng do thuế cao, sự nhiệt tình của họ đối với sản xuất trong nước đã bị ảnh hưởng. Cho nên không thể đi theo con đường này, chỉ có câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Khổng Tử mới có lý. Đây không phải là kế thừa phần cặn bã văn hóa thì là gì?

Ta còn có thể nhìn thấy ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa cặn bã truyền thống đối với ông qua sự kiện sử dụng từ “Tiểu khang” làm mục tiêu chiến lược cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, “Tiểu khang” là một mô hình xã hội lý tưởng được Nho gia đề xuất chỉ xếp sau xã hội “Đại đồng.” Trên thực tế đó là chỉ cho sự thịnh trị của các đời Vũ, Thang, Văn Vương, Vũ Vương, Thành Vương, Chu Công. Đặng Tiểu Bình chú ý đến cơ sở quần chúng và ảnh hưởng văn hóa của “xã hội Tiểu khang.” Thứ nhất ông đề xuất dùng “Tiểu khang chi gia” (gia đình khấm khá) để minh họa mục tiêu chiến lược phát triển bước thứ hai của Trung Quốc đương đại sau khi giải quyết vấn đề cơm no áo ấm. Biểu hiện này đột nhiên biến xã hội lý tưởng không thể đạt được mà mọi người đã theo đuổi hàng nghìn năm thành mục tiêu theo từng giai đoạn có thể đạt được của Trung Cộng. Sự thịnh trị của Vũ, Thang, Văn Vương, Vũ Vương, Thành Vương, Chu Công có nghĩa là gì? Về chính trị là nền cai trị quân chủ chuyên chế, về kinh tế là chế độ tỉnh điền, giai cấp và tầng lớp cơ bản thì có quan liêu, chủ nô, nô lệ và bình dân. Xã hội hiện đại hóa trong suy nghĩ của Đặng Tiểu Bình là như vậy, nếu không ông sẽ không đưa ra thuyết Con mèo, đề xuất làm cho một số người trở nên giàu có trước, làm cho một số người trở nên giàu có thông qua quyền lực công trong tay, làm cho một số người, bao gồm cả các thành viên trong gia đình của ông, trở thành một tầng lớp quyền quý, và cố gắng làm cho con cháu của đảng Cộng sản Trung Quốc được luân phiên nắm quyền mãi mãi.

Đặng Tiểu Bình là kẻ truyền thừa những phần cặn bã của văn hóa dân tộc, trong quá trình hình thành và xây dựng lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, hắn đã coi truyền thống dân tộc là thứ gắn liền với máu thịt của mình, đồng thời hấp thụ nhiều chất độc, để sáng tạo lý luận của mình có một lớp áo khoác văn hóa Trung Quốc lộng lẫy.

Đặng Tiểu Bình đã kế thừa những mặt cặn bã của văn hóa truyền thống như thế nào, mặc dù không có cuộc thảo luận cụ thể và có hệ thống, nhưng một số ý kiến rõ ràng về nguyên tắc đã được đưa ra từ các góc độ khác nhau. Nhìn từ thái độ cơ bản đối đãi với văn hóa truyền thống và những thực hành cụ thể xử lý quan hệ giữa văn hóa truyền thống với hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình, những đặc điểm cơ bản mà lý luận Đặng Tiểu Bình đã kế thừa và phát triển văn hóa cặn bã của truyền thống Trung Quốc có thể khái quát thành 6 chữ “kế thừa, chuyển biến, không siêu việt.”

Trong quá trình phát triển và tiến hóa hàng nghìn năm, dân tộc Trung Hoa đã hình thành nên truyền thống dân tộc huy hoàng và tinh thần dân tộc vĩ đại. Trong điều kiện đổi mới, mở cửa và phát triển kinh tế thị trường Xã hội chủ nghĩa, Đặng Tiểu Bình đã rất xem trọng kế thừa và hoằng dương văn hóa truyền thống dân tộc, tuy nhiên, những gì ông ta kế thừa là những phần cặn bã của văn hóa truyền thống. Ảnh hưởng tàn dư của chế độ phong kiến trong văn hóa truyền thống có nhiều mặt, dưới góc độ đời sống chính trị chủ yếu thể hiện ở ảnh hưởng còn sót lại của nền tông pháp phong kiến mang đặc trưng của chế độ gia trưởng, Đặng Tiểu Bình đã kế thừa toàn bộ tàn dư phong kiến ấy trong nền văn hóa truyền thống.

Đặng Tiểu Bình kế thừa phần cặn bã văn hóa truyền thống của dân tộc Trung Hoa, đồng thời cũng tiến hành biến đổi những phần tinh hoa trong văn hóa truyền thống. Sự thật, với việc phát huy hay ruồng bỏ văn hóa truyền thống của Đặng Tiểu Bình chủ yếu đạt được thông qua việc đổi mới các quan niệm. Chính thông qua việc đổi mới quan niệm, lý luận Đặng Tiểu Bình đã thực hiện được một sự thay đổi lớn đối với những quan niệm truyền thống tốt đẹp được lưu truyền hàng nghìn năm. Có rất nhiều nội dung được Đặng Tiểu Bình cập nhật thay đổi từ các quan niệm văn hóa truyền thống, và chúng tôi không thể giải thích một cách toàn diện và có hệ thống. Dưới đây chỉ là một số giải thích từ khía cạnh xử lý mối quan hệ giữa nghĩa và lợi. Quan niệm nghĩa và lợi trong truyền thống Trung Quốc có những thành phần hợp lý của nó, như Khổng–Mạnh chủ trương “kiến lợi tư nghĩa” (thấy điều lợi nghĩ đến điều nghĩa), “tiên nghĩa hậu lợi” (công bằng trước, lợi nhuận sau), “bất nghĩa chi tài bất khả đắc” (tiền của phi nghĩa không nên lấy). Trong điều kiện lịch sử mới thì Đặng Tiểu Bình đã thay đổi hết quan niệm nghĩa và lợi truyền thống. Thuyết Con mèo của ông ta là sự biểu hiện tập trung nhất, bất chấp thủ đoạn kiếm tiền dù nghĩa hay bất nghĩa đó mới là thành công.

Sự chuyển biến đối với văn hóa truyền thống của Đặng Tiểu Bình còn có thể nêu ra rất nhiều ví dụ, như lợi ích cá thể với lợi ích tập thể, chủ nghĩa cấm dục với chủ nghĩa hạnh phúc, chủ nghĩa dân bản với dân chủ nhân dân, đạo đức cao nhất với tu thân dưỡng tính v.v. Có thể nói, trong điều kiện lịch sử mới, lý luận Đặng Tiểu Bình đã hấp thu những phần cặn bã trong văn hóa Trung Hoa, đã vậy còn chuyển biến những tinh thần mang tính vĩnh hằng lịch sử trong văn hóa Trung Quốc.

Với sự tiến bộ của hiện đại hóa, một số giá trị truyền thống vốn có ngày càng trở nên đối đầu sâu sắc và không phù hợp với hiện đại hóa. Trung Quốc đương đại, đang trên con đường hiện đại hóa, đang phải đối mặt với vấn đề làm thế nào để thích ứng các quan niệm truyền thống với hiện đại hóa. Trên thực tế, quá trình cải cách, mở cửa và hiện đại hóa của Trung Quốc là một quá trình không ngừng giải phóng tư tưởng và cập nhật các khái niệm. Kể từ khi mở cửa đổi mới, nhận thức của người Trung Quốc đã và đang tiếp tục có những thay đổi sâu sắc. Quan niệm tiểu nông truyền thống đang được thay thế bằng quan niệm thị trường hiện đại, quan niệm tông pháp truyền thống đang được thay thế bằng quan niệm hiện đại về dân chủ và pháp trị, tình cảm nhớ nhà truyền thống đang được thay thế bằng các quan niệm hiện đại về tính cởi mở, ý thức nô lệ truyền thống đang được thay thế bằng ý thức chủ thể được kích hoạt, quan niệm mông muội truyền thống đang được thay thế bằng các khái niệm khoa học mới nổi, v.v. Trong quá trình chuyển đổi hiện đại hoặc siêu việt các quan niệm truyền thống của Trung Quốc, người Trung Quốc bắt đầu hình thành ý thức chủ thể, ý thức thị trường, ý thức tiêu dùng, ý thức hạnh phúc, ý thức pháp luật và ý thức khoa học của riêng họ. Những ý thức này vang vọng và dung nạp lẫn nhau, tạo thành một khung cảnh sống động của sự thay đổi lớn, sự phát triển lớn và sự siêu việt lớn từ quan niệm truyền thống sang quan niệm hiện đại. Cho nên vào thời điểm ngày 4-6-1989, nhân dân diễu hành trên quảng trường Thiên An Môn yêu cầu tự do, dân chủ và pháp trị, Đặng Tiểu Bình vẫn kiên trì chủ nghĩa nhân trị và chuyên chế chính trị trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, kiên trì lý luận chuyên chính của Marx–Lenin, tiến hành thảm sát học sinh sinh viên, không chịu siêu việt lên những cặn bã của văn hóa truyền thống Trung Quốc và cặn bã của văn hóa chủ nghĩa Marx.

Toàn cầu hóa là xu thế phát triển của thế giới ngày nay, cơ hội và thách thức cùng tồn tại, không quốc gia nào có thể thụ động né tránh và tách khỏi toàn cầu hóa vì tồn tại những thách thức và rủi ro. Không có lối thoát nào để cô lập bản thân, một lựa chọn khôn ngoan là thực hiện các biện pháp tích cực để chủ động rào đón cho sự xuất hiện của toàn cầu hóa và hòa nhập vào dòng chảy của toàn cầu hóa. Vậy, “các biện pháp tích cực” và “rào đón chủ động” là gì? Nghĩa là, chúng ta nên áp dụng chính sách “hài hòa không khác biệt,” tích cực tham gia vào sự cạnh tranh và phát triển toàn cầu mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc của mình. “Hòa nhi bất đồng” (hòa lẫn nhưng không giống) là một mệnh đề triết học do Khổng Tử đề xuất, ngài nói: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa.” Sự phát triển của lịch sử có tính liên tục, Trung Quốc ngày nay phát triển từ Trung Quốc ngày hôm qua và ngày kia, dân tộc Trung Quốc có lịch sử lâu đời và người dân Trung Quốc thường tự hào về điều này. Quá trình hiện đại hóa của bất kỳ quốc gia nào cũng không thể trực tiếp ghép nối và di chuyển từ bên ngoài vào bên trong xã hội, mà phải bắt nguồn từ chính trong lòng dân tộc đó. Vì vậy, sự phát triển của mỗi dân tộc đều phải đối mặt với vấn đề kế thừa và phát triển truyền thống văn hóa dân tộc mình. Điều này đặc biệt đúng đối với quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc, vì vậy, việc kế thừa có phê phán và phát huy mạnh mẽ văn hóa truyền thống là xây dựng ý nghĩa của quá trình hiện đại hóa Trung Quốc. Trung Quốc là một trong bốn nền văn minh cổ đại trên thế giới, hiện nay các nền văn minh khác đã suy tàn ở các mức độ khác nhau, và nền văn minh Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển sau năm nghìn năm lịch sử phát triển rực rỡ, đây không thể không nói là một kỳ tích trong lịch sử văn minh nhân loại, và chính nhân dân Trung Quốc vĩ đại đã làm nên kỳ tích này. Ngày nay, sự kế thừa quan trọng của chúng ta đối với văn hóa truyền thống là để tiếp tục tốt hơn điều kỳ diệu này. Nhưng đảng Cộng sản Trung Quốc đã lấy chủ nghĩa Marx làm chỉ đạo, sự xâm nhập của chủ nghĩa Marx–Lenin về cơ bản đã phá hoại truyền thống văn hóa tốt đẹp của Trung Quốc, các lãnh tụ của đảng Cộng sản Trung Quốc bề ngoài là đang kế thừa văn hóa truyền thống Trung Quốc, nhưng thực tế là đang phá hoại tinh hoa văn hóa truyền thống Trung Quốc, bọn họ hoặc là đang trực tiếp phá hủy nền văn hóa truyền thống ưu tú, hoặc là kế thừa những phần cặn bã của văn hóa Trung Quốc. Chúng ta phải làm gì bây giờ?                        

 

Nguyên tác: 郑酋午:他们都不是中华优秀传统文化的忠实传承者

viết ngày 19-10-2011

dịch thành ngày 6-12-2020,
tại Gò Vấp, học giả Nguyễn Thành Sang.

Nhận xét

  1. Tác giá viết bài này đầu tư công phu ghê á, cảm ơn vì đã dành thời gian để cung cấp kiến thức bổ ích ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn, bài hay vẫn còn nhiều lắm. Nếu bạn muốn thì có thể góp bài cho Blog.

      Xóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi thứ 1 (Nam Bắc triều Đại chiến Diễn nghĩa)

  b õ a   NAM–B Ắ C TRI Ề U ĐẠ I CHI Ế N DI Ễ N NGH Ĩ A Romance of Northern and Southern dynasties 南北朝大戰演義     Tác gi ả CỰ LANG (NGUY Ễ N TH À NH SANG) H ồ i th ứ 1: Cảnh hàn vi, cô mợ khinh bỉ Thi võ tr ạ ng, anh hùng long vân Có bài th ơ r ằ ng: Cu ồ n cu ộ n C ấ m Giang đ ông ra bi ể n, H ả i D ươ ng long khí thu ỷ phong li ề n. R ồ i đ ây thiên h ạ ba đ ào n ổ i, Th ế s ự bi ế t ai m ớ i thánh hi ề n? Tương truyền từ cổ đại, bên nước Tàu ( 匿艚 ) có tam đại Hạ ( 夏 ), Thương ( 商 ), Chu ( 周 ). Tổ của nhà Chu là Văn Vương Cơ Xương ( 文王姬昌 ) có một trăm con, trong số đó có người con thứ tên là Cơ Chấn Đạc ( 姬振鐸 ) sau này được phong làm bá tước ( 伯爵 ) ở nước Tào ( 曹國 ), truyền hai mươi sáu đời đến Tào bá Dương ( 曹伯陽 ) thì bị diệt quốc, có người hậu duệ là Cơ Chất Khiết ( 姬騭絜 ) ở lại làm dân của nước Tống ( 宋國 ). Nước Tống sau này bị nước Tề ( 齊國 ) diệt vong, dòng dõi Cơ Chất Khiết lại trở thành dân nước Tề. Nước Tề cuối cùng bị n

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ”

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ” [1] Tác giả: JAMES P. MCDERMO. Dịch Việt: Nguyễn Thành Sang. Nguyên tác: “The Kathāvatthu Niyāma Debates,” trích Chuyên san Hiệp hội Phật học Quốc tế (The Journal of the International Association of Buddhist Studies), tập 12, năm 1989, số 1. Một loạt những biện luận về các điều được phiên dịch nhiều kiểu khác nhau là “đảm bảo” (assurance), “tính cố định” (fixity), “định số” (destiny), và “xác định” (certitude; Pāḷi: niyāma , tham khảo thêm về niyata ) được phân bố rộng rãi thông qua Luận Sự phẩm loại luận ( Kathāvatthuppakaraṇa ). [2] Những cuộc luận chiến này chủ yếu được quan tâm với những hàm nghĩa của sự tiến nhập giải thoát đạo. Theo Luận Sự phẩm loại luận Nghĩa sớ ( Kathāvatthuppakaraṇa Aṭṭhakathā ), những giáo đồ bộ phái phân phụ của Án-đạt-la bộ ( Andhaka ) là Tây Sơn Trụ bộ ( Aparaseliya ) với Đông Sơn Trụ bộ ( Pubbaseliya ), và Bắc Đạo bộ ( Uttarāpathaka ), cũng như giáo đồ Thượng Tọa bộ ( The

CÁC CHÍNH QUYỀN QUY TỤ BÍ MẬT BỊ NHÀ NƯỚC TRUNG CỘNG GẮN NHÃN “PHẢN ĐỘNG” VÀ THỦ TIÊU (Kỳ 1)

Các chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t v ớ i mong mu ố n xây d ự ng chính quy ề n c ủ a h ọ , vô tình hay h ữ u ý vì ra đờ i trong th ờ i đạ i có chính ph ủ C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa hình thành nên đ ã b ị quy k ế t là nh ữ ng l ự c l ượ ng “ph ả n độ ng” và b ị nhà n ướ c Trung C ộ ng ra s ứ c đ à n á p. Nh ữ ng th ự c th ể chính quy ề n này đ ã ho ạ t độ ng trong lãnh th ổ c ủ a C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa, sau đ ó đ ã b ị chính ph ủ các c ấ p, c ơ quan t ư ph á p v à qu â n độ i Trung C ộ ng th ẳ ng tay tiêu di ệ t. Chúng ta hãy cùng tìm hi ể u v ề quá trình hình thành và b ị di ệ t c ủ a các chính quy ề n này. Giai đ o ạ n tr ướ c n ă m 1960 1. Th ượ ng Minh qu ố c ( 尚明國 ) Th ờ i gian t ồ n t ạ i: 1937–1951 (14 n ă m) Hoàng đế : L ư u Kim Lan ( 劉金蘭 ) Niên hi ệ u: Th ượ ng Minh ( 尚明 ) Th ủ đ ô d ự đị nh: Trung Kinh (t ứ c B ắ c Kinh) C ă n c ứ đị a: huy ệ n Oa D ươ ng, t ỉ nh An Huy Th ượ ng Minh Qu ố c là chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t do th