![]() |
Chân dung Hồng Tú Toàn - người lãnh đạo phong trào khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc. |
Mùng 10 tháng 12 năm Gia Khánh thứ mười tám triều Đại Thanh,
tức ngày 11-1-1814 Công nguyên là một ngày bình thường. Một đứa bé trai bình
thường sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường ở thôn Phước Nguyên Thủy
(về sau di cư đến thôn Quan Lộc Bố), huyện Hoa, Quảng Đông.
Đó là đứa con trai thứ ba trong gia đình này, người con cả
tên là Hồng Nhân Phát, người con thứ hai tên là Hồng Nhân Đạt. Từ hai cái tên
này có thể nhìn ra ông bố của Hồng Tú Toàn là một người gửi gắm hy vọng hưng vượng
phát đạt của gia nghiệp vào những anh em này, đáng tiếc hai người anh này lại
là hạng chẳng học hành hiểu biết gì. Đó là chuyện kể sau, chúng ta khoan hẵng
bàn. Theo vai vế trong dòng họ, ông bố Hồng Kính Dương bèn đặt tên cho đứa bé
là Hồng Nhân Khôn, tên mụ là Hồng Hỏa Tú. Không ai ngờ rằng hơn ba mươi năm
sau, chính con người này đã làm cho vương triều Đại Thanh phải nghiêng trời đổ
đất và đánh chiếm một nửa giang sơn ở Giang Nam, ảnh hưởng đến quá nửa Trung Quốc.
Người này chính là nhân vật có ảnh hưởng nhất lịch sử Trung Quốc cận đại: người
đã đặt nền tảng lý luận và lãnh tụ tinh thần của Thái Bình Thiên Quốc, Thiên
vương Hồng Tú Toàn.
Nhà họ Hồng ở bản địa tuy không phải nhà giàu họ lớn nhưng
cũng là gia đình khá giả, nghe đâu Hồng Kính Dương từng đảm nhiệm chức đồn trưởng,
tức là trưởng thôn hoặc trưởng làng một làng nhỏ như hiện nay, có thu nhập cố định
chừng mực, lại thêm trong nhà có mấy chục mẫu ruộng tốt nên gia cảnh tất nhiên
khá lắm. Vậy là Hồng Tú Toàn từ nhỏ đã được cho vào học tư thục, tiếp nhận nền
giáo dục truyền thống thời xưa. Theo người thời bấy giờ kể Hồng Tú Toàn khá
thông minh, đọc sách hiểu biết dễ thường làm thầy giáo cảm thấy há hốc mồm, sức
học giỏi lắm. Điều này cũng có thể lý giải rằng có ai làm nên sự nghiệp lớn mà
không thông minh đâu, Thái Tổ họ Triệu khi xuất thế trời đã trổ điềm lạ, trong
nhà bao quanh bởi ánh sáng đỏ kia mà. Do vậy, ngoại trừ học thuộc Tứ Thư–Ngũ
Kinh ra, Hồng Tú Toàn còn đọc qua nhiều về các sách vở lịch sử và kỳ dị của
Trung Hoa.
Nhưng Hồng Tú Toàn cũng rất tinh nghịch, tính khí cũng cực
kỳ táo bạo. Khi vui chơi với trẻ con trong làng đều tự giành làm thủ lĩnh, đứa
trẻ nào mà không nghe hiệu lệnh của mình là tay đấm chân đạp đứa ấy. Vì vậy Hồng
Tú Toàn thường hay bị cha mẹ rầy la, song người trong làng đều cho rằng Hồng Tú
Toàn là đứa trẻ bất phàm, về sau ắt sẽ có thành công lớn. Điều đó đại khái như
không khác mấy với những câu chuyện thời niên thiếu của các bậc đế vương khác.
Từ hồi bé bản thân Hồng Tú Toàn chúng ta thấy đã có khao
khát lãnh tụ và tính cách nghịch ngợm như thế, chính sự kết hợp của hai tính
cách này về sau đã đưa đẩy Hồng Tú Toàn bước theo con đường phản kháng. Nhìn
chung các đời đế vương khai quốc và lãnh tụ khởi nghĩa nông dân trong lịch sử
phần lớn cũng có hai loại tính cách này, như Lưu Bang, Chu Nguyên Chương, Lý Tự
Thành… chẳng hạn. Đương nhiên, hai loại tính cách này chỉ là cơ sở thôi, vẫn cần
những điều kiện nhân tố khác như thiên thời, địa lợi, nhân hòa kết hợp lại nữa.
Những điều này chúng ta sẽ nói đến sau.
Năm 16 tuổi, Hồng Tú Toàn lần đầu tiên đến Quảng Châu tham
gia kỳ thi khoa cử, kết quả là thi rớt trở về, không biết là khoa trường của
nhà Thanh thực sự hủ bại hay là trình độ của Hồng Tú Toàn có hạn, lời đồn thông
minh chỉ là do chính mình hay người đời sau thổi phồng lên thôi, hoặc giả Hồng
Tú Toàn không thành thạo lối viết văn bát cổ. Dù sao thì từ lúc ông bắt đầu đi
thi hồi 16 tuổi cho đến năm 1843 tổng cộng đã thi bốn lần đều không đỗ, cũng tức
là nói cả đời Hồng Tú Toàn không có duyên với công danh của triều Đại Thanh dẫu
là đỗ Tú tài. Theo chế độ khoa cử nhà Thanh, người vào được trường huyện học
thì gọi là Đồng sinh, được trúng cuộc thi phủ rồi sau mới xưng là Tú tài. Đồng
sinh là một cách gọi của học sinh, không có công danh, vẫn chỉ là dân thường trắng
tay thôi. Nhưng thi đỗ Tú tài rồi mới có công danh được, cũng có tư cách để thi
Cử nhân và có con đường tiến thân. Cho nên đỗ Tú tài là con đường mà phần tử
tri thức cần phải vượt qua. Hồng Tú Toàn lúc 7 tuổi đã vào học trường huyện học
rồi, đọc sách 9 năm trời mới tham gia cuộc thi phủ, thực tại mà mang đầy hy vọng
mà đi lại ôm đầy thất vọng trở về. Nhưng khảo thí khoa cử là cây cầu độc mộc, số
người tham gia khảo thí thì đông nhưng biển tên được chọn có hạn, có mấy người
suốt cả đời cũng không được thông qua, bạn xem Khổng Ất Kỷ[1]
dưới ngòi bút của nhà văn Lỗ Tấn không phải đã tả thật về tình huống này hay
sao? Nghĩ như vậy thì bốn lần thi rớt của Hồng Tú Toàn về tình có thể tha thứ.
Nhưng cũng phải nghĩ lại, nếu Hồng Tú Toàn mà đỗ Tú tài, lại
đỗ lên Cử nhân thậm chí Tiến sĩ, cùng lắm chẳng qua cũng là một anh trí thức có
tiếng mà không có miếng trong vương triều Đại Thanh mà thôi, cũng giống như
nhân vật Phạm Tiến[2]
trong Nho Lâm Ngoại Sử. Hoặc giả quan
trường phần nhiều là lừa trên dối dưới, tham quan tác tệ, nhà Thanh trước giờ vốn
không thiếu những quan viên như vậy, nếu lấy bản chất và tốc độ sa đọa hủ hóa của
Hồng Tú Toàn về sau mà xét vẫn không phải là một tham quan bình thường đâu.
Đương nhiên, trong lịch sử Trung Quốc cận đại cũng sẽ thiếu mất một pho sử về phong
trào Thái Bình Thiên Quốc triều dâng sóng dậy tốn nhiều bút mực.
Lịch sử không bao giờ có giả sử, nhưng lịch sử lại tương tự
đến kinh người, nó có lẽ là được hợp thành bởi nhiều nhân tố tựa như ngẫu
nhiên. Tỉ như trong cuộc khởi nghĩa hồi cuối thời nhà Tần, đội quân biên phòng
của Trần Thắng, Ngô Quảng mà không trễ hẹn vì trận mưa to thì lịch sử về sau có
thể vẽ phải viết lại. Cuộc khởi nghĩa Lý Tự Thành của triều Minh cũng là như thế,
nếu chính phủ nhà Minh không cắt giảm trạm gửi thư hoặc giả không có trận đại hạn
ở Thiểm Tây thì vương triều Đại Minh cũng có thể sẽ không bị nội ưu ngoại hoạn
làm cho đến mức diệt vong nhanh như thế. Nhưng quy luật phát triển lịch sử lại
là tất nhiên, trong một thể chế chuyên chế cực đoan, bất kỳ vương triều nào
phát triển đến mức độ nhất định rồi cũng sẽ sinh ra hủ bại rậm như rừng, tệ
đoan mọc như nấm, từ đó sẽ dần suy sụp đến nỗi bệnh nhập cao hoang không thể cứu
chữa được.
Vận mệnh vẫn là có chiếu cố đến Hồng Tú Toàn đấy, chính phủ
nhà Thanh hủ bại đã cung cấp một vũ đài xã hội rộng lớn cho ông.
Năm
1836, Hồng Tú Toàn đi thi ở Quảng Châu lần thứ hai, vẫn là rớt thôi. Điều đáng
nói là lần này ông từ Quảng Châu đem về một cuốn sách có tên là Khuyến Thế Lương Ngôn do một giáo sĩ tên
Lương Phát gốc người Hoa viết ra. Đó là một quyển sách nhỏ tuyên truyền chủ
trương cơ bản của Thiên Chúa giáo, nó đã phát huy tác dụng quan trọng trong nay
mai. Song hiện tại Hồng Tú Toàn không có thời gian và cũng không có hứng thú để
xem, chỉ là tiện tay để nó vào trong tủ sách nhà mình. Ông vẫn phải tiếp tục học
tập, chuẩn bị để thi lại.
Người dịch: Nguyễn Thành Sang
[1] Khổng Ất Kỷ là một
nhân vật trong truyện ngắn của Lỗ Tấn, in trong tập Gào thét năm 1922, là một sĩ phu vì yêu đọc sách mà dám ăn cắp
sách, bị đánh què chân, ham học mà suốt đời chẳng có công danh.
[2] Phạm Tiến là một nhân
vật hư cấu trong vai kẻ sĩ đi thi, mãi từ năm 20 tuổi đến 54 tuổi mới đỗ Tú
tài, về sau đỗ Cử nhân về thăm nhà, mẹ ông vui quá nghẹn chết luôn, ông thủ
tang ba năm rồi về sau đỗ luôn Tiến sĩ lúc đã về già.
Nhận xét
Đăng nhận xét