![]() |
Trẻ em Trung Quốc đang dàn hàng chờ lên tàu ở Bắc Kinh trong mùa dịch bệnh hoành hành. |
Người viết: Nguyễn Thành Sang.
Lịch sử nhân loại của thế kỷ 21 sẽ ghi nhận tiếp một trường hợp
đại dịch bệnh gây tai họa khắp hoàn cầu sau dịch SARS năm 2003 – đại dịch nCoV
do chủng virus Corona hoành hành. Dịch virus Corona xuất hiện tại Vũ Hán từ cuối
tháng 11 năm 2019, nhưng vì sự che giấu của nhà đương cục địa phương sở tại,
mãi đến tháng 12 khi tình hình không thể kiểm soát thì thông tin về cơn dịch mới
bùng phát và cả thế giới hoảng loạn với sự lây lan của nó, cho đến tháng 2 năm
2020. Sự cố khó khăn hơn cho tình trạng lây lan đại dịch đó là thời điểm nó
bùng phát xảy ra gần vào dịp Tết cổ truyền của Đông Á – Nguyên đán tiết của người
Trung Quốc, và kể cả Việt Nam.
Mặc dù nhà cầm quyền Bắc Kinh đã phản ứng nhanh với mối đe dọa
mới hơn so với hồi đại dịch SARS trước kia, thảm họa đã dạy Trung Quốc một bài
học là phải cởi mở và có trách nhiệm hơn, nhưng Trung Quốc vẫn im lặng trong sự
che đậy nó và cho đến khi không che đậy được nữa thì họ lại im lặng tiếp – để
trừng phạt những ai dám xoay chiều lại với kênh truyền thông quan phương làm hậu
quả thiệt hại cho kinh tế và xã hội của nó. Dù là thế, sự trừng phạt đó có ý
nghĩa gì khi hành vi che đậy còn đáng xấu hổ hơn, và giờ họ phải trực diện đối
đầu để giải quyết hậu quả của cơn đại dịch.
Tác động của đại dịch này tới nền kinh tế và xã hội Trung Quốc
là rất lớn, và cũng như tầm mức ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đối với thế giới,
nó cũng gây hệ quả không tốt đẹp gì cho các quốc gia có liên hệ mật thiết với
Trung Quốc, không ngoại trừ Việt Nam. Vũ Hán – nơi bùng phát đại dịch, là một
trung tâm kỹ nghệ của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, đóng vai trò kinh tế không nhỏ
trong xã hội Trung Quốc đương đại. Nghe trên tin tức thời sự, chúng ta hẳn biết
Vũ Hán là một thành phố với 11 triệu dân, và với dân số đó thì quy mô cơ sở hạ
tầng của nó dĩ nhiên lớn hơn thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam. Chúng ta tưởng
tượng một thành phố lớn như vậy bị tê liệt trong cơn đại dịch, mọi lối ra vào bị
phong tỏa và người dân bị nhốt lại trong đó, nếu hình dung điều đó tưởng tượng
là thành phố Hồ Chí Minh thay vì Vũ Hán, người Việt Nam chúng ta dễ cảm giác “ớn
lạnh” như thế nào: Ôi, không lẽ các cơ sở hạ tầng hoành tráng, những khu hoa lệ
và sầm uất như Nhà thờ Đức Bà quận 1, Phố đi bộ Nguyễn Huệ quận 4, khu Phú Mỹ
Hưng quận 7 v.v… nếu chúng cũng bị đóng cửa và người ta sống trong hoang mang,
như ở Vũ Hán, thì sao nhỉ?
Sau cuộc Thương chiến Mỹ–Trung, ngày 15-01-2020 hai nước đã ký
thỏa thuận giai đoạn 1 coi như tạm giãn đi áp lực của cuộc chiến đánh vào nền
kinh tế Trung Quốc đang trên bờ chao đảo, tỉ lệ tăng trưởng GDP 6,1% thuộc loại
thảm hại với tầm cỡ “máu mặt” của Trung Quốc trước giờ, trong khi năm ngoái
6,6% tuy không đáng tự hào nhưng còn dễ chịu hơn, với một đại quốc phải hứng chịu
cơn sút 0,5% cũng đã là toát mồ hôi hột đối với các nhà hoạch định kinh tế và
chính khách cầm quyền của xứ sở Tư bản Đỏ này. Chưa kịp hoàn hồn bởi cú nhân họa
Mỹ quốc giáng đòn thì đã gặp cơn “trời đánh” – rủi ro làm lọt chủng virus
Corona ra ngoài gây đại dịch chết người. Trong nền kinh tế đang sa sút ấy, Vũ
Hán cũng là một thành phố trung tâm kinh tế kỹ nghệ đáng mong đợi, khi Báo cáo
trong Đại hội Đảng lần thứ 14 tại Vũ Hán (trong kỳ dịch bệnh đang hoành hành) ước
lượng GDP của thành phố sẽ tăng từ 7,5% lên 7,8%, gia tăng 220.000 việc lao động
mới. Bây giờ thì sao? Những con số ước mơ đó có ý nghĩa gì, khi thành phố chìm
vào cơn ác mộng khi mà cảnh đường phố đầy rùng rợn chẳng khác gì phim kinh dị
Zombie hay dịch bệnh quái ác trong các phim kịch tận thế bom tấn.
Những người lạc quan có thể cho là: “Ồ, không sao cả, Trung Quốc
sẽ hồi phục nhanh thôi.” Quả thật, sau cơn dịch SARS năm 2003, tăng trưởng bán
lẻ của Trung Quốc rớt thảm tới đáy 4,3% vậy mà đã lập tức tăng nhanh lên 9,7%.
Tuy nhiên, ai dám nói lịch sử sẽ lặp lại lạc quan như quá khứ, khi mà các tham
số của hoàn cảnh hiện tại không hề giống với trước, dù thế nào thì hậu quả thiệt
hại không phải là nhỏ. Đơn giản thôi, vì Trung Quốc của năm 2020 đã có vai trò
kinh tế quá lớn trên thế giới, hơn hẳn năm 2003, ai dám đảm bảo cú rớt đài của
thảm họa này sẽ dễ chịu hơn trước kia? Các tập đoàn biểu tượng của Trung Quốc
ai ai cũng biết như Alibaba, Taobao, Huawei v.v… chẳng hiểu sao vì cơn dịch này
cũng mang đến sự ám ảnh của người nước ngoài đối với các bưu kiện đến từ chúng.
“Oái, của Trung Quốc ư, rồi hàng của chúng có kèm theo virus bệnh dịch không?”
Thật điên cái đầu!
Tổ chức EIU (Economist Intelligence Unit) của Anh quốc đã dự
báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ vì cơn dịch này mà rớt xuống còn 4,9%. Đặc
biệt ngành hàng không và du lịch sẽ bị tổn thất nặng nề. Những ảnh hưởng kinh tế
này là đối nội của Trung Quốc. Nó dĩ nhiên là lớn, nhưng chưa bằng tác hại đối
ngoại mà nó gây ra. Trước hết, vị thế to lớn mà Trung Quốc cố gắng xây dựng trước
đây vì cơn đại dịch đã làm cho người ta hoảng sợ đối với “Trung Quốc” hay “người
Trung Quốc,” người Trung Quốc ở nước ngoài thì gây hoang mang cho người bản xứ,
người nước ngoài thì không dám đến và lưu lại Trung Quốc sinh sống làm việc.
Cơn dịch không chỉ tác động xấu đến nguồn tài lực mà còn cả nguồn nhân lực,
chưa kể địa vị trong kinh tế đi xuống thì địa vị trong chính trị cũng rớt đài
theo, cán cân sức mạnh sẽ nghiêng dần về Tây phương, đứng đầu là Hoa Kỳ. Mỹ
luôn luôn là “ngư ông đắc lợi,” trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục xoay sở trong
khó khăn đủ điều, hình như ông trời không đứng về phía Trung Quốc rồi!
Cho đến thời điểm gần nhất, ngày 03-02-2020, thế giới có
17.389 người mắc bệnh dịch Corona, trong đó 184 người mắc bệnh bên ngoài Trung
Quốc, 362 người đã tử vong (Trung Quốc 361 người, Philippines 1 người). Theo những
nguồn tin khác, có 102.427 người đã tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh dịch,
hiện đang nghi ngờ cách ly để theo dõi có mắc bệnh hay không. Hiện giờ, các tập
đoàn doanh nghiệp nước ngoài “cỡ khủng” như Apple, Starbucks, Ikea v.v… cũng
nhanh chân “Goodbye, not see you again” với Trung Quốc. Các hãng doanh nghiệp
khác như giày dép Nike, quần áo Under Armour, thức ăn nhanh McDonald's, lắp ráp
xe General Motors và Toyota… đều ngưng hoạt động để chờ chính phủ Bắc Kinh ngăn
chặn bệnh dịch, các hãng hàng không quốc tế đều hủy mọi chuyến bay đến Trung Quốc.
Thử nghĩ xem, với vai trò càng lớn hơn trước đây của mình, sự gián đoạn và suy
thoái như thế cứ kéo dài thì càng gây tổn hại băng chuyền hệ thống.
![]() |
Số bệnh nhân gia tăng toàn cầu |
Thị trường giao dịch chứng khoán Trung Quốc sáng ngày
03-02-2020 đã bốc hơi hàng trăm tỉ USD, buộc chính quyền Bắc Kinh phải lên kế
hoạch rót thêm 170 tỉ USD để vực dậy thị trường tiền tệ và cứu vớt số phận các
doanh nghiệp trong nước. Chưa kể, các nhà kinh tế còn lo sợ rằng sự suy thoái
kinh tế xã hội này ở Trung Quốc sẽ dẫn tới “hiệu ứng cánh bướm,” làm gián đoạn
chuỗi cung ứng quốc tế, không ai biết được nó sẽ lây lan trong bao lâu và phạm
vi nào, cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người nữa, và quan trọng là những hiệu ứng
tiêu cực mà nó mang lại cho toàn cầu chắc chắn sẽ khủng khiếp hơn đại dịch SARS
quá khứ.
Với một quốc gia mà nền kinh tế lệ thuộc lớn vào Trung Quốc
như Việt Nam, qua cơn đại dịch và sự suy thoái có hệ thống của Trung Quốc, Việt
Nam ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tiêu cực và thiệt hại không nằm ở “mức nhỏ,” tức
phải dám nói là sẽ nặng nề và thót tim. Cho đến ngày 04-02-2020, Việt Nam đã
chính thức ghi nhận 09 trường hợp nhiễm virus Corona, hiện đang cách ly điều trị.
Các chuyến bay hai đầu Việt–Trung đã bị đình cấm, tuy nhiên tình trạng vận chuyển
qua đường tàu hỏa hoặc giả đường bộ bằng tuyến buôn lậu thì khó ngăn chặn được.
Trong mấy ngày qua, giá sàn chứng khoán ở Việt Nam cũng đã có dấu hiệu chuyển
biến xấu và lạm phát đang gia tăng. Về dịch vụ, những khu vực từng giao dịch và
tiếp xúc với khách Trung Quốc nhiều như Hải Phòng, Nha Trang… nay cũng trở nên
vắng hoe, làm ảnh hưởng đến dịch vụ mậu dịch và du lịch ở Việt Nam không ít.
Trước tình thế khó khăn này, chính phủ Bắc Kinh phải giải quyết
như thế nào để ngăn cản thảm họa cơn đại dịch và khả năng Mỹ quốc lợi dụng cơ hội
này để hạ bệ vai trò của Trung Quốc? Còn với một nước như Việt Nam, cần có nhiều
cân nhắc cẩn trọng trước thời cuộc đang rối ren và nhạy cảm này. Trong tương
lai, tình hình sẽ chưa thể khả quan hơn, vì chưa hết dịch Corona, cơn sốt dịch
cúm H5N1 đã trở lại, hai tên “thần chết” đó sẽ tiếp tục đe dọa toàn cầu.
Dự
cảm mở màn năm 2020 bằng một trò chào mừng “kinh khủng” khiến thế giới không rét
mà run!
Nhận xét
Đăng nhận xét