Chuyển đến nội dung chính

8. PHÁ HỦY MIẾU CAM VƯƠNG: TRẬN MÂU THUẪN NẢY LỬA GIỮA CÁC ĐOÀN LUYỆN VỚI BÁI THƯỢNG ĐẾ GIÁO (THIÊN QUỐC NÀY KHÔNG THÁI BÌNH)



Hồng Tú Toàn xuất hiện dường như đã làm chủ trong lòng người tín đồ Bái Thượng Đế giáo ở Tử Kinh sơn, tín đồ được trỗi dậy niềm nhiệt tình tín ngưỡng cực đại hơn, tốc độ phát triển giáo hội rõ ràng cũng tăng nhanh.
Trước đó cũng như trong khoảng thời gian này, có vài người nổi trội đã trở thành lãnh tụ nhiều vùng của Bái Thượng Đế giáo.
Một là Lư Lục, người này về sau cất đại quân cùng Phùng Vân Sơn ở Đồng Quan, chưa đợi thả ra đã bị hành hạ tới chết, trở thành người vệ sĩ tử đạo lừng danh đầu tiên. Nhưng tác dụng của ông trong quá trình truyền giáo rất to lớn.
Hai là Dương Tú Thanh, người ở vùng xung Đông Vượng, núi Bình Dật, quê tổ ở Mai Châu, Quảng Đông, cũng là người Khách gia đã nói đến trước đây. Tương truyền, khoảng năm Ung Chính triều Thanh, cụ cố của ông vì không thể sinh sống ở Quảng Đông nên đã đến vùng xung Đông Vượng núi Bình Dật, bắt đầu khai hoang trồng ruộng, chẻ củi đốt than, Dương Tú Thanh là đời thứ tư sau khi gia tộc từ nơi khác di cư đến Quảng Tây, kế thừa sự nghiệp “cách mạng” của bậc lão thành, tiếp tục khi mùa màng thì trồng ruộng cày đất, khi nông nhàn thì chẻ củi đốt than. Vì gia đình nghèo khổ, cha mẹ ông hầu như đều do đói khát mà chết, cha của Dương Tú Thanh vì đói không chịu nổi nên đã ăn một thứ quả dại làm sưng bụng mà chết lúc ông mới 5 tuổi. Khi 9 tuổi, mẹ Dương Tú Thanh vì quá lao lực cũng qua đời, nghe nói, lúc lâm chung mẹ ông chỉ khao khát duy nhất là được ăn một bát cơm đầy, nhưng Dương Tú Thanh còn trẻ dại không thể thỏa được nguyện vọng của song thân mình. Khi ấy có nhiều gia đình đều lâm vào hoàn cảnh như vậy, cả nhà làm lụng liều sống liều chết rốt cuộc vẫn là sống dở rồi chết đói. Cho nên từ thuở bé Dương Tú Thanh đã mang oán hận chứa đầy bụng, đó là hạt giống của hận thù. Điều bất hạnh thêm nữa cậu Dương Tú Thanh bị mù một bên mắt, là do lúc cậu đốn củi trên núi không cẩn thận bị cành cây chọc trúng bị thương, lại không kịp thời chữa trị mà để vậy. Mỗi khi căng thẳng hay cáu giận thì con mắt này chảy ra chất dịch rất khó coi. Điều đó khiến một người có tâm tính rất cao như Dương Tú Thanh trở nên tự ti vô cùng lại vừa tự cao vô cùng. Có khả năng chính tính cách này đã gây nên số phận bi kịch cho Dương Tú Thanh về sau. Nhưng quãng cuộc đời thiếu niên khổ sở ấy cũng rèn luyện cho ông đặc tính kiên cường và trượng nghĩa. Ông nhẫn nhục chịu cực khổ chung lòng với những người nghèo, quan tâm đến bạn bè cùng làm công, thường xuyên giúp đỡ những cô nhi quả phụ nghèo hơn mình, rất có nghĩa khí với bằng hữu, từ một kẻ làm công nhân đốt than ở núi Bình Dật ông dần dần trở nên có uy vọng rất cao thậm chí lan cả miền núi Tử Kinh, ngày thường trong làng xóm xảy ra cự cãi gì cũng cần đến ông ra mặt giải quyết, nghiễm nhiên là một vị lãnh tụ trong dân gian. Cho nên khi Phùng Vân Sơn đến núi Tử Kinh rồi sớm đã nghe nói đến đại danh của Dương Tú Thanh. Cho đến khi gặp mặt hai bên liền tâm đầu ý hợp ngay, Phùng Vân Sơn cần người có uy tín dường ấy để ủng hộ và tuyên truyền cho Bái Thượng Đế giáo. Dương Tú Thanh cũng cần đến tôn giáo và lí luận như vậy ủng hộ để mang lại vũ đài phát triển cao rộng cho bản thân sau này. Có thể nói rằng nếu không có Bái Thượng Đế giáo truyền vào thì với một người đàn ông vừa không có giáo dục, một chữ bẻ đôi cũng không biết, vừa không hề đi khắp mọi miền mở mang tầm mắt bao giờ cuộc đời cậu ta đâu thể nào sáng tạo sự nghiệp vĩ đại vậy được.
Ba là Tiêu Triều Quý, nghe nói là người tộc Tráng, từ nhỏ đến lớn sống với cha nuôi, gia cảnh nghèo khổ, sống nhờ vào trồng rau, cày núi, đốt than trên núi Tử Kinh, khó khăn sống qua ngày. Anh em của ông gồm bốn người, Tiêu Triều Quý xếp hàng thứ ba. Thuở bé gia cảnh bần hàn, không có tiền đi học, cho nên không biết chữ bao nhiêu. Vì mưu sinh nên Tiêu Triều Quý lúc trẻ phải rời gia đình đi làm công. Không bao lâu lại theo cha mẹ bỏ quê hương đi dựng nhà gác cũ kỹ ở dưới núi Bình Dật, Quế Bình, lấy việc khai hoang đốt than duy trì sinh kế. Năm 1845, ông gia nhập Bái Thượng Đế giáo nhờ Dương Tú Thanh giới thiệu, trở thành một trong những thành viên sớm nhất của Bái Thượng Đế giáo. Sau này, ông đi tứ xứ vào khắp chỗ các người dân nào tộc Tráng, tộc Hán, tộc Dao v.v… để tuyên truyền giáo lý và lợi ích của Bái Thượng Đế hội, tích cực động viên các tộc người tham gia Bái Thượng Đế hội, là thành viên cốt cán của Bái Thượng Đế giáo buổi đầu.
Bốn là Thạch Đạt Khai, ông sinh năm 1830 trong một gia đình bần hàn đời đời làm nông ở thôn làng núi Bắc, huyện Quý, Quảng Tây, là người Khách gia, có hai chị một em gái. Thuở bé chết cha, độc lập lo chuyện nhà cửa từ sớm, ngày thường làm nông, cũng có làm ăn nhỏ, ngoài thời gian làm nông và kinh thương thì có luyện tập võ nghệ, chăm chỉ đọc sách, cũng thường lướt qua binh thư của các đời, người thời ấy đánh giá Thạch Đạt Khai là “khảng khái có chí khắp thiên hạ.” Trong các vương thủ nghĩa và lãnh đạo cao cấp của Thái Bình Thiên Quốc, Thạch Đạt Khai là người hơi gọi là văn võ toàn tài. Vì hiệp nghĩa ưa thí giúp nên thường phân giải nguy nan cho người, những người thế yếu bèn tôn kính gọi ông là “Thạch tướng công.” Năm Thạch Đạt Khai 16 tuổi, Hồng Tú Toàn đang bí mật truyền giáo tại miền núi Tử Kinh, Phùng Vân Sơn mộ tiếng đến hỏi, mời ông cùng mưu kế lớn, Thạch Đạt Khai vui vẻ đồng ý, dẫn cả nhà gia nhập Bái Thượng Đế giáo và phát triển cho hơn ngàn người dân chúng và thợ mỏ ở huyện Quý, bản thân cũng trở thành lãnh tụ giáo hội ở giáo khu huyện Quý, những giáo đồ phát triển này về sau đã thành lực lượng trung kiên đi theo Thạch Đạt Khai. Từ đó chúng ta có thể nhìn ra Thạch Đạt Khai là một thiên tài ít có, đáng tiếc là sau này ông bị sự bài xích của Hồng Tú Toàn nên đã dẫn quân ra đi đến nỗi chôn mình ở sông Ô Giang.
Năm là Vi Xương Huy, sinh năm 1823 tại Kim Điền, Quảng Tây, tên gốc là Vi Chính, người tộc Tráng, xuất thân trong gia đình địa chủ, là nhà nòi giàu sụ. Ông là người linh hoạt, hay văn giỏi chữ. Do người họ Vi không có công danh, có tiền nhưng không thế, nên cứ hay bị bọn cường hào địa chủ ăn hiếp và quan phủ sách nhiễu ở địa phương. Cha của Vi Xương Huy là Vi Nguyên Giới đau buồn vì trong nhà không có nhân tài công danh, có tiền cũng hay bị người hiếp, muốn vun đắp cho Vi Xương Huy đi học, đỗ công danh, gây chút khẩu khí cho nhà họ Vi. Sau khi Vi Xương Huy đã lớn có từng tham gia khoa cử nhưng một đà rớt bảng. Khoa trường thất bại nên Vi Xương Huy ấm ức đầy bụng, ngoài việc chửi rủa quan phủ thì cũng không biết làm sao, đành xuất tiền mua cái danh “giám sinh Quốc tử,” treo trước cổng nhà tấm biển là “thành quân tiến sĩ,” mượn nó để khoe mẽ với xóm làng. Về sau bị địa chủ Lam Như Giám cấu kết với sai dịch trong huyện nhân đêm tối cạy bỏ hai chữ “thành quân” đi, rồi hôm sau báo cho quan Tuần kiểm sông Đại Hoàng là Vương Cơ vu tội danh là mạo nhận tiến sĩ, bắt Vi Nguyên Giới nhốt lại rồi kết quả là bị phạt tiền mấy trăm lượng bạc mới cho yên chuyện. Nhà họ Vi trong cơn bực tức bị hiếp đáp nhiều lần, dưới sự kêu gọi của Vi Xương Huy đã quyên hiến toàn bộ gia sản gia nhập Bái Thượng Đế giáo vào tháng 10 năm 1848, và rất mau chóng trở thành nòng cốt lãnh đạo.
Thời gian này những người được phát triển còn có Tần Nhật Cương, Trần Thừa Dung, Mông Đắc Ân v.v… rất nhiều nhân vật nòng cốt.
Trong những ngày ấy, Hồng Tú Toàn thường hay cắt đặt cùng hành sự với những người cốt cán trong Bái Thượng Đế giáo đi khắp nơi để giảng đạo, các giáo đồ của Bái Thượng Đế giáo mặc dù đã nghe tiên sinh Phùng Vân Sơn kể vô số lần câu chuyện “trời cao trao mệnh” cho Hồng Tú Toàn nhưng cũng không bằng đích thân Hồng Tú Toàn đi kể chuyện mới khả tín. Hồng Tú Toàn dáng vẻ đoan chính, tướng mạo bất phàm, chỉ cần mở miệng bằng ngôn ngữ truyền cảm hứng đã làm thu hút ngay những tín đồ của Thượng đế ấy, nhất cử nhất động của ông cũng phát ra hào quang tôn quý, từ đó khiến người ta kính nể phục theo. Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn mỗi ngày còn tổ chức cho người biết chữ viết lại các sách nhỏ tuyên truyền, kêu đám người Dương Tú Thanh truyền đến các hương thôn xa gần. Quyển sách dạy người ta thờ lạy Thượng đế thì không có tai nạn, sau khi chết sẽ được cứu rỗi, không lạy Thượng đế thì phải gặp tai họa, còn nói là “sẽ có ôn dịch, người nào tin thì được cứu” cho mấy huyện ở Quảng Tây mới vừa xảy ra nạn ôn dịch, số người gia nhập Bái Thượng Đế giáo càng đông. Trở thành giáo đồ trước hết phải làm lễ rửa tội thể hiện là từ giã với quá khứ, từ đây làm tín đồ của Thượng đế, làm lại con người mới. Bởi vậy, Hồng Tú Toàn đã kết hợp nghi thức Cơ-đốc giáo mà tự ông đã học trong nhà thờ Quảng Tây với phong tục tập quán Trung Quốc chế định thành nghi thức nhập hội của Bái Thượng Đế giáo. Trong nghi thức trang nghiêm kính cẩn thiêng liêng ấy, các giáo đồ cảm thấy nhiệt huyết sôi trào và rung cảm tâm linh mà trước giờ chưa có, sứ mạng thiêng liêng cuộn trào dâng lên, càng thêm phấn chấn cố gắng trong tổ chức và công tác. Rất nhanh chóng, Bái Thượng Đế giáo đã hình thành vô số cứ điểm thôn xóm lấy núi Tử Kinh làm trung tâm, bao gồm mấy mươi châu huyện như huyện Quý, Bình Nam, Tượng Châu, Vũ Tuyên v.v…
Quảng Tây lúc bấy giờ sau khi trải qua các cuộc khởi nghĩa hội đảng, đạo tặc càng nổi lên như ong, theo cuốn Hồng Nhân Can tự thuật có những băng cướp như Trương Gia Tường, Đại Lí Ngư, Trần Á Quý v.v… đi cướp làng xã, nối nhau gây họa. Nhằm ngăn ngừa trộm cướp, bảo vệ tài sản tư hữu của mình, hương thân ở các nơi đều tổ chức đoàn luyện, các đoàn luyện này đều là một số địa chủ vũ trang, ngày thường cũng ức hiếp bách tính, vì vậy càng làm cho bách tính thù ghét sâu hơn.
Trước đã nói qua, chính sách đối đãi với các vùng dân tộc thiểu số của nhà Thanh là “dĩ di chế di,” một mặt họ khơi mào cho “người Thổ gia” giết “người Khách gia,” “người Khách gia” giết “người Thổ gia,” một mặt lại phái binh đi đàn áp những kẻ được cho là giặc cướp.
Trong xu thế tình hình ấy, đám người Hồng Tú Toàn đã ra lệnh cho tín đồ Bái Thượng Đế giáo không được tham gia các phái, “tất cả những người bái Thượng đế đoàn kết lại, cùng ăn cùng mặc, những ai trái lệnh thì đuổi khỏi giáo hội.” Đây chính là “tiểu đoàn dinh,” tức là mỗi thôn trang tự đoàn kết thành một tổng thể, trở thành một lực lượng riêng độc lập với các đoàn luyện và quan phủ. Điều đó đã tạo cơ sở cho đoàn dinh Kim Điền về sau.
Mục đích làm như vậy là nhằm bảo vệ lợi ích của giáo đồ, họ sẽ liên hiệp lại cùng phòng vệ những kẻ thù của mình. Nhưng rồi cứ thế những người lánh nạn cũng nhào đến, không chỉ có những người đến từ thôn trang bị mắc nạn mà cũng có tàn binh bị đánh bại, kể cả những bách tính cùng khổ bị ức hiếp cũng kéo lũ lượt tới. Thế rồi trong nông thôn rộng lớn ở miền núi Quảng Tây đã hình thành các phe lực lượng cùng tồn tại, địa chủ vũ trang là một phe, Bái Thượng Đế giáo là một phe, đạo tặc là một phe, các phe không ai chịu lép vế ai, đặc biệt là địa chủ, hương thân, họ sống cùng một thôn xóm với người theo Bái Thượng Đế giáo, sợ lực lượng của Bái Thượng Đế giáo lớn mạnh lên sẽ đe dọa đến tổ chức của mình nên mâu thuẫn tất nhiên không thể tránh khỏi. Như trong Lý Tú Thành tự thuật có nói, “hai bên đều tự giành giật, tự mình phô trương mạnh mẽ.”
Việc phá hủy miếu Cam Vương khiến mâu thuẫn giữa hai bên trở nên dữ dội và bộc phát ra.[1]
Phùng Vân Sơn truyền giáo hơn 2 năm tại vùng núi Tử Kinh, mặc dù tuyên truyền giáo lý, phát triển với lượng lớn hội viên song luôn tránh né đụng độ trực tiếp với quan phủ và hương thân, vì vậy không dùng đến thực hiện phá hủy tượng thần. Bây giờ giáo chủ đến rồi tình huống tự nhiên khác đi.
Nhằm tiếp tục khuếch đại tầm ảnh hưởng của Bái Thượng Đế giáo, họ đặt mục tiêu vào miếu Cam Vương ở Tượng Châu.
Tượng Châu cách núi Tử Kinh hơn một trăm dặm, tại sao lại không tiếc đi trèo non lội suối hơn trăm dặm để phá hủy miếu Cam Vương chứ, đám người Hồng Tú Toàn tự có lý riêng. Một là miếu Cam Vương ảnh hưởng lớn, tiếng đồn xa khắp, hương hỏa rất hưng thịnh. Hai nữa miếu Cam Vương là tà thần, nghe nói là do chôn sống mẹ ruột mà đắc đạo, loại thần linh như thế càng đáng tru diệt.
Ngày 24 tháng 12 năm 1847, Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn dẫn theo mấy chục giáo đồ Bái Thượng Đế giáo như Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý v.v… xuất phát từ núi Tử Kinh đi bộ suốt hai ngày đến miền Tượng Châu.
Ở trước miếu, Hồng Tú Toàn tay cầm sào tre dài đi đến nơi trước nhất nghiễm nhiên như một thần tướng suất lĩnh thần binh, uy phong lẫm liệt. Mặc cho đám người thắp nhang đang cản nhau với giáo đồ Bái Thượng Đế giáo, Hồng Tú Toàn không lo sợ gì cả, vừa lấy cái sào tre dài đánh lên tượng thần bằng đất sét, vừa kể những tội trạng của Cam Vương. Tiếp theo, đám người Phùng Vân Sơn hùa xông lên đập nát luôn bức tượng thần. Trước khi sắp đi đương nhiên là không thiếu việc đề bài thơ lên vách tường, nói rõ duyên do đập phá miếu Cam Vương.
Hành động này gây chấn động lớn cho địa phương, đám hương thân giận dữ như sấm hô hào đòi đi bắt kẻ gây sự, nhưng Hồng Tú Toàn sớm đã rời khỏi nơi đó. Đám người đang bàn bạc với nhau nên treo thưởng bắt bớ thế nào, khi đuổi theo Hồng Tú Toàn, Cam Vương bỗng nhiên hiển linh nhập vô xác một đứa trẻ hét lớn lên: “Những người này là thành tâm, đừng làm hại đến họ.” Bọn hương thân sợ thần linh quở tội nên chỉ biết đành trùng tu lại miếu Cam Vương. Việc này cũng không làm ra lẽ, nhưng nó đã gây phản cảm rất trong đám hương thân, trong con mắt của họ đây chắc chắn là hành vi “đại nghịch bất đạo.” Mâu thuẫn đã công khai hóa.
Nhưng Bái Thượng Đế giáo cứ đà dấn tới, Hồng Tú Toàn ngồi trấn miền núi Tử Kinh, phái giáo đồ xuất kích khắp nơi, đập phá hết thảy miếu Cam Vương cũng như các tượng thần bằng gỗ bằng đất ở các địa phương khác.
Ngày 28 tháng 12 năm 1847, Phùng Vân Sơn dẫn người đi đến miếu Lôi thần ở Mông Sơn đập phá luôn tượng Lôi thần. Tin tức này truyền đến tai Vương Tác Tân người ở Thạch Nhân thôn.
Vương Tác Tân là người Thạch Nhân thôn, núi Tử Kinh, cha và ông đều là đại địa chủ xa gần biết tiếng, chiếm mấy ngàn mẫu ruộng đất ở phụ cận, hương dân xung quanh phần đa là hộ tá điền của ông ta. Bản thân Vương Tác Tân là tú tài, có công danh của Thanh triều, thủ hạ lại có một nhánh đoàn luyện vũ trang khá hùng hậu. Vì có tiền có thế nên tất nhiên hoành hành làng xã, người ta sợ hắn nên gọi là “Vương lão hổ.” Miếu Lôi thần kia trùng hợp lại là do ông bố của Vương Tác Tân tổ chức cho xây.
Trước đó, Bái Thượng Đế giáo phát triển lớn mạnh liên tục cũng như hành vi phá hủy tượng thần sớm đã làm cho Vương Tác Tân chú ý và căm tức, vì việc đó tất nhiên ảnh hưởng đến phạm vi thế lực của Vương Tác Tân, chỉ là nhất thời chưa tìm được cái cớ hợp lý. Phải biết Phùng Vân Sơn phát triển tín đồ tại núi Tử Kinh dưới danh nghĩa truyền giáo, trước đó cũng không có cử động gì bất tầm thường, người theo Bái Thượng Đế giáo cũng hết mức tránh trở nên đụng độ trực tiếp với địa chủ vũ trang. Thành thử Vương Tác Tân dù đau đến buốt tủy răng cũng không biết làm gì.
Bây giờ lửa giận lên đến cổ nách lão hổ rồi, sao nhịn cho được, Vương Tác Tân trổ giận đùng đùng như sấm, lập tức sai lính đoàn đi bắt Phùng Vân Sơn lại. Sau khi bắt Phùng Vân Sơn, Vương Tác Tân lôi đến cửa quan giao cho, giáo đồ Lư Lục của Bái Thượng Đế giáo hay tin được bèn đi cướp Phùng Vân Sơn đang bị giải đi lên đường sang huyện thành.
Vương Tác Tân đương nhiên cũng không chịu ngồi yên.
Tháng 1 năm 1848, Vương Tác Tân đích thân dẫn theo một đám đoàn đinh tiến đánh ngay nơi ở của Phùng Vân Sơn lúc đó, giáo đồ Bái Thượng Đế giáo bất ngờ không kịp đề phòng, lại thiếu vũ khí tự vệ, ít không địch nổi đông, đành trân mắt nhìn Phùng Vân Sơn và Lư Lục bị bắt đi.
Sự kiện này về sau đã ảnh hưởng lớn đến giáo đồ, đặc biệt là cốt cán, của Bái Thượng Đế hội. Họ biết rõ không có đoàn thể mang vũ khí và được tổ chức thì không thể bảo đảm lợi ích cho giáo đồ của Bái Thượng Đế hội. Thế là từ sau vụ đó sự cọ xát và đụng độ liên tục với đoàn luyện cứ nâng cấp lên, đoàn dinh Kim Điền về sau bí mật đúc vũ khí đều là chuyện hợp lý. Người đời sau đều cho rằng “đoàn dinh Kim Điền bí mật đúc vũ khí” là giai đoạn chuẩn bị khởi nghĩa có tổ chức và có dự mưu. Trên thực tế, mục đích Bái Thượng Đế giáo làm vậy lúc bấy giờ là để tự vệ. Theo sự phát triển hình thế, Bái Thượng Đế giáo không thể tự kiềm chế, khởi nghĩa Kim Điền là quyết sách chiến lược trọng đại dựa vào hình thế này phát ra.
Sau khi bắt được Phùng Vân Sơn, Vương Tác Tân khép hai người tội mưu phản áp giải đến ty Tuần kiểm sông Đại Hoàng, đây là một cơ quan chuyên phụ trách bắt cướp, xem ra lần này Vương Tác Tân quyết không đẩy Phùng Vân Sơn đến chỗ chết thì không được. Vương Tác Tân chạy quanh lo liệu hối lộ tùy tiện, muốn yêu cầu khép hai người tội mưu phản. Tội mưu phản là tội lớn, không chỉ là tuyệt luôn đường sống mà còn liên lụy đến gia tộc. Ở ty Tuần kiểm sông Đại Hoàng, Phùng Vân Sơn và Lư Lục kiên quyết phủ nhận, bị lãnh đủ tra khảo và hành hạ. Nhất thời vụ án rơi vào bế tắc, xét xử không thỏa. Phùng Vân Sơn và Lư Lục bị chuyển sang nhốt cũi ở đại lao huyện Quế Bình.
Ngay lập tức, có giáo đồ đi báo cáo tin tức này cho Hồng Tú Toàn. Hồng Tú Toàn bấy giờ đang ở thôn Tứ Cốc, huyện Quý, cũng tức là ở bên Thạch Đạt Khai, nghe nói hoảng hồn, vội chạy ngay về núi Tử Kinh. Nhưng trong tình huống này Hồng Tú Toàn cũng bó tay, chẳng là trong tay không có tiền, lúc đó còn chưa thực hành chế độ “thánh khố,” đám nhà giàu như Vi Xương Huy vẫn chưa gia nhập Bái Thượng Đế giáo, phần đa tín đồ Bái Thượng Đế giáo đều là trăm họ nghèo khổ, tự thân cũng khó mà no bụng chứ dư tiền đâu ra mà hối lộ quan phủ? Điều quan trọng nhất là bản thân Hồng Tú Toàn thiếu chủ kiến và năng lực ứng biến, hễ nghe cán bộ quan trọng bị bắt thì đã quá sợ hãi, cảm giác như đại họa lâm đầu vậy. Mấy người nghiên cứu đi nghiên cứu đi, nghĩ không ra cách gì hay.
Hồng Tú Toàn quyết định đi Quảng Châu tìm Tổng đốc Lưỡng Quảng – Kỳ Anh. Sau trận Nha phiến chiến tranh, việc truyền bá Cơ-đốc giáo tại Quảng Châu đã được vị trí hợp pháp, Hồng Tú Toàn gửi hy vọng ở Tổng đốc Lưỡng Quảng Kỳ Anh, tất nhiên cũng cần đến một tờ chứng thư cho truyền giáo hợp pháp từ nơi ấy. Đâu biết rằng Kỳ Anh lúc này đã được điều khỏi Quảng Châu. Tổng đốc tân nhiệm còn chưa đến, những quan lại khác không quá nhiệt tâm với chuyện này, cũng không dám quyết đoán, lấy cớ là mọi việc công cần đợi Tổng đốc tân nhiệm tới mới làm lại. Vì vậy Hồng Tú Toàn hoạt động ở Quảng Đông suốt hai–ba tháng không có mảy may kết quả nào.
Đáng nói là cách nghĩ của Hồng Tú Toàn cũng có tính hợp lý, Bái Thượng Đế giáo đương thời là thu hút hội viên bằng danh nghĩa truyền giáo, trước đây không hình thành đụng độ trực tiếp với quan phủ, càng không có mục tiêu vĩ đại như khởi nghĩa và kiến lập Thiên quốc, vì vậy tính hợp lý mà cấp trên cho phép họ truyền giáo hoặc giả cho phép thả Phùng Vân Sơn ra là lý tưởng nhất. Nhưng gửi gắm lý tưởng này lên Tổng đốc Lưỡng Quảng Kỳ Anh, một là nước xa không cứu nổi lửa gần, hai là chỉ theo ý mình. Bái Thượng Đế giáo không phải là Cơ-đốc giáo, cũng khác với cách làm của Cơ-đốc giáo, Cơ-đốc giáo ít nhất không có hành vi quá khích đi đập phá tượng thần. Vì thế, cho dù Kỳ Anh tại nhiệm cũng rất khó nói là sẽ hạ lệnh thả tù Phùng Vân Sơn.
Cùng lúc Hồng Tú Toàn đang lo cứu Phùng Vân Sơn, Bái Thượng Đế giáo ở Quảng Châu đã xảy ra thay đổi long trời lở đất.

Người dịch: Nguyễn Thành Sang



[1] Nghiên cứu thâm nhập Thái Bình Thiên Quốc sẽ phát hiện nó quả thật rất bất kham, cảm giác như là một tổ chức tà giáo với mô hình lớn. Nó phá hoại sức sản xuất, văn hóa tôn giáo, đó là thế ỷ dốc chảy dài càng quái thai hơn, về chính trị thì quá hủ bại, hoàn toàn là cuộc bạo loạn nổi lên bởi tự tư tự dục. Nhưng có điều khẳng định rằng nó đả kích nền thống trị của triều Mãn Thanh rất đau, khiến người Hán trở lại trên vũ đài lịch sử, đó là đóng góp duy nhất của nó.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi thứ 1 (Nam Bắc triều Đại chiến Diễn nghĩa)

  b õ a   NAM–B Ắ C TRI Ề U ĐẠ I CHI Ế N DI Ễ N NGH Ĩ A Romance of Northern and Southern dynasties 南北朝大戰演義     Tác gi ả CỰ LANG (NGUY Ễ N TH À NH SANG) H ồ i th ứ 1: Cảnh hàn vi, cô mợ khinh bỉ Thi võ tr ạ ng, anh hùng long vân Có bài th ơ r ằ ng: Cu ồ n cu ộ n C ấ m Giang đ ông ra bi ể n, H ả i D ươ ng long khí thu ỷ phong li ề n. R ồ i đ ây thiên h ạ ba đ ào n ổ i, Th ế s ự bi ế t ai m ớ i thánh hi ề n? Tương truyền từ cổ đại, bên nước Tàu ( 匿艚 ) có tam đại Hạ ( 夏 ), Thương ( 商 ), Chu ( 周 ). Tổ của nhà Chu là Văn Vương Cơ Xương ( 文王姬昌 ) có một trăm con, trong số đó có người con thứ tên là Cơ Chấn Đạc ( 姬振鐸 ) sau này được phong làm bá tước ( 伯爵 ) ở nước Tào ( 曹國 ), truyền hai mươi sáu đời đến Tào bá Dương ( 曹伯陽 ) thì bị diệt quốc, có người hậu duệ là Cơ Chất Khiết ( 姬騭絜 ) ở lại làm dân của nước Tống ( 宋國 ). Nước Tống sau này bị nước Tề ( 齊國 ) diệt vong, dòng dõi Cơ Chất Khiết lại trở thành dân nước Tề. Nước Tề cuối cùng bị n

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ”

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ” [1] Tác giả: JAMES P. MCDERMO. Dịch Việt: Nguyễn Thành Sang. Nguyên tác: “The Kathāvatthu Niyāma Debates,” trích Chuyên san Hiệp hội Phật học Quốc tế (The Journal of the International Association of Buddhist Studies), tập 12, năm 1989, số 1. Một loạt những biện luận về các điều được phiên dịch nhiều kiểu khác nhau là “đảm bảo” (assurance), “tính cố định” (fixity), “định số” (destiny), và “xác định” (certitude; Pāḷi: niyāma , tham khảo thêm về niyata ) được phân bố rộng rãi thông qua Luận Sự phẩm loại luận ( Kathāvatthuppakaraṇa ). [2] Những cuộc luận chiến này chủ yếu được quan tâm với những hàm nghĩa của sự tiến nhập giải thoát đạo. Theo Luận Sự phẩm loại luận Nghĩa sớ ( Kathāvatthuppakaraṇa Aṭṭhakathā ), những giáo đồ bộ phái phân phụ của Án-đạt-la bộ ( Andhaka ) là Tây Sơn Trụ bộ ( Aparaseliya ) với Đông Sơn Trụ bộ ( Pubbaseliya ), và Bắc Đạo bộ ( Uttarāpathaka ), cũng như giáo đồ Thượng Tọa bộ ( The

CÁC CHÍNH QUYỀN QUY TỤ BÍ MẬT BỊ NHÀ NƯỚC TRUNG CỘNG GẮN NHÃN “PHẢN ĐỘNG” VÀ THỦ TIÊU (Kỳ 1)

Các chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t v ớ i mong mu ố n xây d ự ng chính quy ề n c ủ a h ọ , vô tình hay h ữ u ý vì ra đờ i trong th ờ i đạ i có chính ph ủ C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa hình thành nên đ ã b ị quy k ế t là nh ữ ng l ự c l ượ ng “ph ả n độ ng” và b ị nhà n ướ c Trung C ộ ng ra s ứ c đ à n á p. Nh ữ ng th ự c th ể chính quy ề n này đ ã ho ạ t độ ng trong lãnh th ổ c ủ a C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa, sau đ ó đ ã b ị chính ph ủ các c ấ p, c ơ quan t ư ph á p v à qu â n độ i Trung C ộ ng th ẳ ng tay tiêu di ệ t. Chúng ta hãy cùng tìm hi ể u v ề quá trình hình thành và b ị di ệ t c ủ a các chính quy ề n này. Giai đ o ạ n tr ướ c n ă m 1960 1. Th ượ ng Minh qu ố c ( 尚明國 ) Th ờ i gian t ồ n t ạ i: 1937–1951 (14 n ă m) Hoàng đế : L ư u Kim Lan ( 劉金蘭 ) Niên hi ệ u: Th ượ ng Minh ( 尚明 ) Th ủ đ ô d ự đị nh: Trung Kinh (t ứ c B ắ c Kinh) C ă n c ứ đị a: huy ệ n Oa D ươ ng, t ỉ nh An Huy Th ượ ng Minh Qu ố c là chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t do th