![]() |
Dương Tú Thanh lên đồng đóng vai "Thiên phụ" Thượng đế Jehovah. |
Phùng Vân Sơn bị bắt, Hồng Tú Toàn thì đi Quảng Đông, đương
lúc bất thường Bái Thượng Đế giáo như rắn mất đầu. Những người cốt cán ngày đêm
bàn thảo không biết làm gì. Các giáo đồ ngó thấy tình hình ấy ai cũng hoảng loạn
trong lòng.
Hơn nữa bọn địa chủ vũ trang đả kích bách hại, tình thế hết
sức nguy cấp. Nếu sự thái cứ tiếp tục phát triển, Bái Thượng Đế giáo có khả
năng tan tành, thế lực truyền giáo mà Phùng Vân Sơn gầy dựng hai năm trước cũng
sẽ chảy ra biển hết.
Tục ngữ có câu: “Thời thế tạo anh hùng.” Dương Tú Thanh đã
làm nổi trội ngay lúc ấy.
Trước đó, Dương Tú Thanh chỉ là một trong những cốt cán của
Bái Thượng Đế hội, cũng tức là đại đầu mục trong đám thợ đốt than ở núi Tử
Kinh. Sau này, ông ta “thay trời truyền ngôn,” có quyền phát hiệu thi lệnh bao
gồm luôn giáo chủ của Bái Thượng Đế hội, trở thành đại diện của Thần.
Đầu tiên nói về con người của Dương Tú Thanh, theo Quế Bình huyện chí ghi chép: “Dương Tú
Thanh tính nhạy bén, ưa dùng quyền mưu, tự nói có thể biết chuyện tương lai
trong mộng.” Xét câu nói này, hai điểm đầu thì rất có lý, nhìn vào quyền mưu của
Dương Tú Thanh sau này đáng gọi là bậc đại tài, bất luận về mặt chỉ huy quân sự
hay là quyết sách chiến lược đều tỏ ra tài năng trác việt, có thể nhìn ra con
người ông trong đó là trí mưu hơn người một bậc. Song điểm cuối cùng thì đáng
nghi vấn, từ việc ông bị giết trong sự biến Thiên Kinh thì có thể thấy ông ta
không phải là thần, mà là một người có hùng tài đại lực song cũng là một nông
dân hạn hẹp điển hình.
Dương Tú Thanh nhìn xa trông rộng, mục đích gia nhập Bái
Thượng Đế giáo chính là muốn làm một sự nghiệp lớn, tất nhiên không thể đứng
nhìn Bái Thượng Đế giáo tan vỡ như băng sập. Lúc này Bái Thượng Đế giáo không
có thủ lĩnh, lòng người hoang mang, tự nhiên cần đến người lộ diện cầm đầu.
Nhưng dùng biện pháp nào mới hữu hiệu đây? Đó là điều người trẻ tuổi có hùng
tài đại lược này cần suy xét.
Đáng nói là lúc này, động cơ của Dương Tú Thanh vẫn thuần
khiết, mục đích của ông là muốn cứu nguy Bái Thượng Đế giáo đang bị tê liệt, để
cho tâm huyết đã tốn vô số của bản thân và rất nhiều người không trôi sông đổ
biển.
Cũng tức là nhờ hành động “đập phá tượng thần” và sự gợi ý
của thuật “lên đồng” (giáng đồng) ở địa phương, Dương Thanh bừng tỉnh. Trong những
hành động đi theo Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn đập phá tượng thần, Dương Tú
Thanh đã thấy rõ ràng quyền uy vô thượng của “thần” trong lòng người, thuật
“lên đồng” này hết sức thịnh hành trong dân gian, nhà ai hễ có người đau đầu
nóng sốt hay là mất đồ quan trọng cũng kéo nhau đi cầu cứu thuật “lên đồng,”
sau đó hoàn toàn thành kính nghe theo hướng dẫn của “thần linh.” Kỳ thực, loại
pháp thuật này hết sức phổ biến ở Trung Quốc đại lục thời xưa, đặc biệt là ở
nông thôn, nó có tính thần bí và đôi khi trong quá trình thực thi cũng xác thực
là có vài hiệu quả thần kỳ, dường như không thể cứ khái quát nó bằng một câu mê
tín được, ngay cả những người già sống ở nông thôn đến bây giờ vẫn có trải nghiệm
sâu sắc.
Vào lúc này Dương Tú Thanh đã lợi dụng thuật “lên đồng” được
người địa phương rất tin, lần này ông ta thay “Thượng đế” truyền lời. Hiệu ứng
thần kỳ và tác dụng to lớn của nó khiến Dương Tú Thanh theo lao luôn không rút
lại được, về sau đã chính thức trở thành người thay lời của Thượng đế.
Ngày 3 tháng 3 năm 1848, cốt cán Bái Thượng Đế hội ở địa
phương lại tụ họp bàn bạc, lúc mọi người đang bày kế chưa triển thì Dương Tú
Thanh chợt té nhào ra đất bất tỉnh nhân sự, miệng, lỗ mũi và lỗ tai đều chảy nước
ra. Dương Tú Thanh đột nhiên phát bệnh làm hoang mang cho cốt cán của Bái Thượng
Đế hội, mọi người lo lắng vội dìu vào trong nấu thuốc thang cho uống. Sự tình
kinh lạ xảy ra, bỗng thấy Dương Tú Thanh đứng phắt dậy đứng ngay giữa nhà mặt
mày nghiêm nghị, khó coi, tỏ ra trang nghiêm, thần sắc dữ tợn, thân thể bình
thường thấp bé cũng trở nên uy nghi lẫm liệt, một tay cầm kiếm quơ, ngón tay
kia chỉ vô mọi người gằn giọng hét:
- Các tiểu tử hãy nghe, ta là Thiên phụ. Hôm nay lần đầu hạ
phàm, mượn xác Dương Tú Thanh để truyền thánh chỉ.
Mọi người càng giật mình cứng đơ, phải đợi giây lát trấn
tĩnh mới biết là “Thiên phụ Hoàng thượng đế” bình thường mình hay ngày đêm lễ
bái rốt cuộc đã hạ phàm hóa giải khó khăn cho các tín đồ rồi, mọi người vội
vàng quỳ rạp xuống khúm núm trước Thượng đế, kiền thành lắng nghe lời răn dạy của
“Thiên phụ.” “Thiên phụ” bèn lớn tiếng nói đạo lý rằng mình có thể làm tất cả,
không điều gì không biết, có mặt khắp mọi nơi, kêu Bái Thượng Đế giáo phải gánh
vác trọng trách trảm yêu trừ ma, chỉ là trước mắt sẽ gặp một trăm ngày hoạn nạn,
đó là để kiểm nghiệm lòng thành của hội chúng. Ngài còn yêu cầu tín đồ Bái Thượng
Đế giáo các nơi đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn. Cuối cùng, “Thiên phụ” lại
răn bảo hội chúng rằng người tin sẽ được cứu, kẻ lung lay sẽ bị nạn tai.
“Thiên phụ” truyền xong thánh chỉ, cất tiếng hô to “Ta về
trời đây.” Chỉ thấy Dương Tú Thanh rung lắc người lên té gục lại xuống đất, hôn
mê bất tỉnh. Chốc chốc, Dương Tú Thanh bò nhổm dậy, sắc mặc trở lại hình dạng
như ban đầu, có vẻ nom như vừa mới tỉnh dậy khỏi giấc mộng, ông hỏi hội chúng:
hình như ta nằm giấc chiêm bao, có chuyện gì xảy ra không? Hội chúng thì đang
kinh hãi còn chưa kịp hoàn hồn, trong hoảng hốt mới vỡ lẽ sự tình. Đương nhiên
trong hội chúng cũng có vài người khác nghi ngờ. Nhưng nghĩ lại thì chuyện lạ
khi nãy khẩu khí hình như không phải của Dương Tú Thanh lúc ngày thường, nghĩ
như vậy rồi nỗi nghi ngờ trong lòng cũng tiêu tan.
Chắc chắn “Thiên phụ” hạ phàm lần này có ảnh hưởng vô cùng
lớn lao đối với Bái Thượng Đế giáo, một mặt nó làm yên lòng người, mặt khác
trong những ngày chờ đợi Hồng Tú Toàn không có mặt ở Quảng Tây đã hình thành
trung tâm truyền lệnh mới, tránh làm cho Bái Thượng Đế giáo không có lãnh tụ mà
bị tê liệt thậm chí thành cục diện tan tác, ngược lại khiến Bái Thượng Đế giáo càng
phát triển lớn mạnh hơn nữa. Đương nhiên, đây cũng là mầm họa gây nội loạn cho
Thái Bình Thiên Quốc về sau. Tục ngữ có câu: “Một núi không thể có hai hổ,” một
tập đoàn thậm chí một quốc gia không thể có hai trung tâm. Có khả năng lúc bắt
đầu thế này Dương Tú Thanh đã có chỗ không hài lòng với Hồng Tú Toàn, Hồng Tú
Toàn đi xa đến Quảng Đông thực tế cũng là biểu hiện nhu nhược, không có trách
nhiệm. Kéo theo uy quyền càng lúc càng lớn, Dương Tú Thanh càng thêm ngang ngược
hơn, sự bất mãn với Hồng Tú Toàn ngày càng sâu, cho nên thường mượn lời Thượng
đế phê bình Hồng Tú Toàn, sau cùng phát triển đến mức bắt đánh lên mông. Nếu
Dương Tú Thanh không bị giết trong sự biến Thiên Kinh thì thay thế chỉ là chuyện
sớm muộn. Chẳng qua là trước đó danh bất chính ngôn bất thuận, thời cơ chưa đến
thôi. Đây là chuyện hẵng nói sau.
Sau đó, “Thiên huynh” Jesus cũng hạ phàm, do một vị cốt cán
khác của Bái Thượng Đế giáo là Tiêu Triều Quý truyền ngôn, để yên lòng người nữa.
Trong khoảng thời gian này, bọn Dương Tú Thanh và Tiêu Triều
Quý đã áp dụng hai thực thi. Một là truyền nghiêm lệnh yêu cầu chúng Bái Thượng
Đế giáo đoàn kết nhất trí để chống lại những tin đồn sai quấy của địa chủ vũ
trang và kẻ địch, nhưng tránh hết mức đụng độ trực tiếp với kẻ địch. Hai là đúc
tiền, Dương Tú Thanh dẫn mọi người từng nhà một gom đúc tiền, phát động người
theo Bái Thượng Đế giáo ai có tiền bỏ tiền, ai không tiền bỏ sức, Dương Tú
Thanh lại dẫn đầu đi chẻ củi đốt than mua tiền, đem toàn bộ số tiền quyên góp
cho giáo hội. Giáo chúng gom góp bằng nhiều cách rốt cuộc đã chứa một khoản tiền
lớn. Dương Tú Thanh phái người đi hối lộ quan phủ, hơn nữ Phùng Vân Sơn và Lư Lục
ở trong tù kiên quyết phủ nhận tội danh “mưu phản,” vụ án đành phải nới tay. Phùng
Vân Sơn được thả sau một trăm ngày giam giữ, nhưng phải bị áp giải về nguyên
quán hối cải. Đáng tiếc là lúc này, Lư Lục đã bị hành hạ chết luôn trong ngục.
Trên đường bị giải về nguyên quán, Phùng Vân Sơn vẫn cất lời
kích động tuyên truyền giáo lý cho hai binh lính áp giải. Dụ dỗ bằng cảnh đẹp “thiên
đường,” hai binh lính kia đã quyết định bỏ luôn công việc gia nhập Bái Thượng Đế
giáo.
Thế là, ba người lại quay trở về miền núi Tử Kinh ở Quảng
Tây. Sau khi biết chuyện Dương Tú Thanh thay “Thiên phụ” truyền ngôn, Phùng Vân
Sơn cảm thấy “mới ba tháng trong tù, bằng nhiều năm ngoài cõi,” trong lòng vừa
mừng vừa lo, mừng là chính mình được cứu, Bái Thượng Đế giáo cũng không vì cú đả
kích lần này mà suy yếu, ngược lại thêm đoàn kết lớn mạnh. Lo là ngoài vị “giáo
chủ” kia còn có nhiều trung tâm nữa, hơn nữa là thay “Thiên phụ” truyền ngôn, thế
tất làm ảnh hưởng đến quyền uy của giáo chủ, cũng bất lợi cho sự phát triển Bái
Thượng Đế giáo mai sau.
Đối với Dương Tú Thanh thay “Thiên phụ” truyền ngôn, Phùng
Vân Sơn cũng không có biểu lộ gì, chuyện trọng đại như thế Phùng Vân Sơn cảm thấy
nên tìm Hồng Tú Toàn để thương lượng, cho nên nán lại Tử Kinh sơn một ngày ông bèn
lên đường đến Quảng Đông để tìm Hồng Tú Toàn.
Lại nói Hồng Tú Toàn, sau khi đến Quảng Châu với nguyện vọng
tìm Tổng đốc Lưỡng Quảng Kỳ Anh cứu chuộc Phùng Vân Sơn tan tành, ông vẫn ở lì
lại Quảng Châu. Thời gian này có thể là ông cũng biết Bái Thượng Đế giáo danh bất
chính ngôn bất thuận, càng không có pháp luật bảo đảm. Thế là ông đến Quảng
Châu hỏi thăm mục sư La Hiếu Toàn, mong La Hiếu Toàn làm lễ rửa tội cho ông để
có thể mang tư cách truyền giáo chính thức đi tuyên dương Bái Thượng Đế giáo. Song
lí luận này trái ngược giáo lý cơ bản của Cơ-đốc giáo, gây phản cảm cho La Hiếu
Toàn, huống gì Hồng Tú Toàn lấy tư cách là con thứ hai của Chúa Trời, tất nhiên
không thể khiến La Hiếu Toàn tin phục, kết quả là nguyện vọng làm lễ rửa tội
cũng tan luôn. Bởi vậy Hồng Tú Toàn cứ ở Quảng Châu suốt mấy tháng không nên kết
quả một việc gì hết. Lúc này đang là lúc Phùng Vân Sơn bị giam giữ trong đại
lao, sống chết chỉ như một lằn dây, ông thì vẫn ảo tưởng là nhờ Tổng đốc Lưỡng
Quảng Kỳ Anh hạ lệnh phóng thích hai người bọn Phùng Vân Sơn, đã không thành
công lại không tích cực nghĩ cách, cũng không quay về núi Tử Kinh tìm cách giải
cứu hai người đó với các giáo đồ, từ đó đã ban cơ hội cho Dương Tú Thanh chia vai
ngang vế với mình. Còn ông thì trốn ở Quảng Châu để mặc cho bọn Phùng Vân Sơn sống
chết tùy nghi, lại ảo tưởng truyền giáo bằng tư cách nhà truyền giáo hợp pháp, thật
đúng là chí khí của kẻ thư sinh không lo nổi công việc, ai mà nể cho được. Khuyết
điểm trong tính cách của người này có thể thấy như là lí tưởng hóa, không có
trách nhiệm v.v… Có thể nói nếu không có sự phát triển hình thế và lòng cúc
cung trung thành của Phùng Vân Sơn chống đỡ thì người này rất khó thành tựu đại
sự. Cái ông ta thạo chắc chỉ có phong trào tạo thần và quản lý nữ nhân hậu
cung, lại thêm nói khoác lung tung.
Ngay lúc Phùng Vân Sơn đi Quảng Đông tìm kiếm Hồng Tú Toàn,
Hồng Tú Toàn chắc là đang ngồi đực người ở Quảng Đông, cũng có thể tính là đã cắt
đứt những chuyện ở Quảng Tây, ông lên đường về lại Quảng Tây, hai người lại đi
chéo đường với nhau. Đó là chuyến đi Quảng Tây lần thứ ba của Hồng Tú Toàn, chẳng
qua lần này hình như ông không nán nghỉ lại đâu cả. Khi nghe nói Phùng Vân Sơn
đã xuất ngục và đang đi đến Quảng Đông, ông cũng vội chạy tháo ngay về Quảng
Đông, trong điều kiện giao thông không thuận lợi ngày xưa, đường từ Quảng Đông
đến Quảng Tây lại khúc khuỷu khó đi, chủ yếu phải đi bằng đường bộ, nơi có sông
phải ngồi chờ thuyền ghe. Cứ dây dưa lần hồi vậy, đến lúc gặp nhau đã là tháng
11 năm 1848 rồi, cách thời gian Phùng Vân Sơn vào ngục đã hơn 8 tháng. Lần gặp
lại này hai người nán ở Quảng Đông hơn 7 tháng nữa, cho đến tháng 7 năm 1849 mới
trở lại núi Tử Kinh. Trong suốt thời gian hơn một năm ấy, Dương Tú Thanh một chữ
bẻ đôi cũng không biết kia đã tạo được quyền uy tuyệt đối cho mình thông qua lời
Thượng đế rồi, cũng đã thể hiện được tài năng tổ chức, tài năng quân sự lãnh đạo
hoạt động giải cứu Phùng Vân Sơn cũng như đối phó với đám địa chủ vũ trang. Những
tài năng này không phải do trời sinh mà là liên tục được rèn luyện và phát triển
trong hoàn cảnh nhất định. Nếu Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn cứ ở lì mãi núi Tử
Kinh, đặc biệt là Hồng Tú Toàn có thể phụ trách hành động giải cứu Phùng Vân
Sơn từ đầu chí cuối thế thì lịch sử Thái Bình Thiên Quốc sau này có thể phải viết
lại cũng nên.
Vậy rồi, hai người Hồng Tú Toàn–Phùng Vân Sơn ở lại Quảng
Đông hơn 7 tháng làm gì, Thái Bình Thiên
Quốc khởi nghĩa ký nói rất rõ ràng, họ lợi dụng thời gian thả rông để thảo
luận các vấn đề của Thái Bình Thiên Quốc.
Khoảng thời gian này Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn đã viết
ra Thái Bình thiên nhật để cung cấp y
cứ lí luận về địa vị thần của Hồng Tú Toàn. Trong đó kể lại việc “nhận mệnh với
trời cao” năm 1837 và quá trình hai lần đi Quảng Tây. Ngoài ra những thay đổi về
diện mạo và tính cách của Hồng Tú Toàn sau khi “nhận mệnh với trời cao” cũng được
mô tả hết sức chi tiết. Điều quan trọng hơn nữa là đã thảo luận giải quyết luôn
chuyện Dương Tú Thanh mượn “Thiên phụ” truyền lời.
Để đoàn kết nội bộ nên thừa nhận Dương Tú Thanh có quyền thay
mặt “Thiên phụ” truyền lời, Tiêu Triều Quý có quyền thay mặt “Thiên huynh” truyền
lời.
Sắp xếp lại ngôi thứ lãnh đạo của Bái Thượng Đế hội. Thượng
đế là Thiên phụ, Jesus là Thiên huynh, còn lại là Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn, Dương
Tú Thanh, Tiêu Triều Quý lần lượt là con thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm của
Thượng đế.
Đáng nói, đây là biến động nhân sự trọng đại lần này của Bái
Thượng Đế hội. Trong quá trình truyền giáo của Bái Thượng Đế hội, Phùng Vân Sơn
chỉ luôn làm nổi bật địa vị “thần” của Hồng Tú Toàn, Hồng Tú Toàn là lãnh tụ và
là trung tâm tất nhiên. Như vậy, Phùng Vân Sơn cũng chỉ là một phàm nhân, chứ đừng
nói là phận đồ đệ như Dương Tú Thanh và Tiêu Triều Quý. Bây giờ để Bái Thượng Đế
hội không đến nỗi bị chia rẽ, hoặc giả nói sự tồn tại chân của Thượng đế càng
thể hiện, họ đành thỏa hiệp và không thể không thừa nhận tư cách người thay lời
của Dương Tú Thanh và Tiêu Triều Quý.
Làm
như vậy hiệu quả trực tiếp là làm nổi địa vị của hai người Dương và Tiêu, hai
người đó không chỉ là con cái của “Thiên phụ” mà còn có quyền thay mặt “Thiên
phụ” và “Thiên huynh” phát bố “thánh chỉ,” địa vị quyền uy và trung tâm của một
cá nhân được thay thế bằng nhiều quyền uy hơn, mối quan hệ rõ là phức tạp chằng
chéo. Có lúc Hồng và Phùng lãnh đạo Dương và Tiêu, có khi Dương và Tiêu lại hạ
lệnh cho Hồng và Phùng. Trong cuộc đấu quyền lực thì Hồng và Phùng thường đặt
vào vị trí khó xử, điều đó hiển nhiên là bất lợi cho sự phát triển của Bái Thượng
Đế hội và Thái Bình Thiên Quốc.
Người dịch: Nguyễn Thành Sang
Nhận xét
Đăng nhận xét