Chuyển đến nội dung chính

LÝ TƯỞNG BỒ-TÁT TRONG PHẬT GIÁO NAM TRUYỀN (tập 2)


Namo Sumedho Bodhisattaya!

Phật Sử (Buddhavasa, còn gọi là Kinh Phật chủng tính) là những lời khai thị của đức Phật đối với người thân tộc Thích-ca (Sakya) trong lần thứ nhất Phật trở về thăm thành Ca-tì-la-vệ (Kapilavatthu) sau khi thành đạo. Bấy giờ vị trưởng bối của tộc Thích-ca khi gặp Phật, do lòng cố chấp và tự mãn nên không chịu đảnh lễ Ngài. Nhằm khắc chế sự ngã mạn của ông, cũng như để mọi người kính phục, Phật-đà dùng thần thông bay lên giữa hư không biến ra một tòa đá báu từ đông sang tây rộng bằng một vạn thế giới, sau đó trên tòa đá thị hiện Thủy hỏa song thần biến (yamaka-pāihāriya). Thần thông này như thế nào? Tức là từ trên đỉnh đầu Phật trào ra ngọn lửa và dưới thân Ngài tuôn ra dòng nước, sau đó tiếp tục từ hông bên phải Ngài lại tuôn lửa và bên trái lại trào nước. Trên thân Phật mỗi mỗi lỗ chân lông phóng ra sáu sắc hào quang chiếu diệu khắp nơi, ánh sáng đó trên thì chiếu đến Phạm Thiên giới, dưới thì tới tận núi Thiết Vi (Cakkavāla). Thế rồi, Phật nhận lời thỉnh cầu của Tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) – Đại đệ tử đứng bên ngôi hữu của Phật, kể về lịch sử cuộc đời của chư Phật bắt đầu từ chuyện Bà-la-môn Thiện Tuệ; còn Tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallāna) thì hầu bên ngôi tả Phật.
Trong kỳ Kết tập lần thứ nhất, Tôn giả Đại Ca-diếp (Mahā Kassapa), Tôn giả A-nan-đà (Ānanda) v.v… tụng lại toàn bộ Kinh Phật chủng tính (Phật sử) và phần tựa Kinh, sử dụng một phương thức đọc tụng đặc biệt, lấy câu kệ mở đầu là “Brahmā ca lokādhipati Sahampati…”. Tại đó, câu chuyện về Bà-la-môn Thiện Tuệ được kể lại.
Vào bốn A-tăng-kỳ và mười vạn đại kiếp về trước, có một tòa thành thị rất phồn hoa tên là thành Bất Tử (Amaravatī). Đây là một thành phố có những kế hoạch hay về mọi phương diện, nó rất xinh đẹp và khiến người ta thích thú. Bốn bề là đất trống xanh biếc tươi đẹp, có rất nhiều cây cối rủ bóng xanh mát và hoa cỏ mọc sum suê. Nơi đây có vật thực đầy đủ và có các món đồ đa dạng cung phụng cho con người tiêu khiển. Thành phố này khiến cho chư Thiên và nhân loại đều cảm thấy ấm lòng. Có mười loại âm thanh thường vang lên trong thành phố, tức là: tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng trống to, tiếng trống nhỏ, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng kèn, tiếng vỗ tay và tiếng mời dùng bữa ăn. Trong khi những thành phố khác thường xuyên là tiếng khóc than và những âm thanh không đáng ưa thích.
Thành phố đó có đủ hết mọi đặc trưng của một thành thị lớn. Nó không thiếu bất cứ thứ gì về thương nghiệp và nghệ thuật. Nó có bảy báu giàu sụ tức là: kim cương, vàng, bạc, ngọc mắt mèo, trân châu, ngọc thúy và san hô. Du khách ngoại lai đến đây rất đông đúc. Nơi đây có sẵn mọi đồ vật, là chốn của những người có thiện nghiệp lớn hưởng thụ phước báo hệt như cõi Thiên đường.

Namo Dīpaṅkaraya!

Trong thành Bất Tử có một vị Bà-la-môn tên là Thiện Tuệ (Sumedha, còn phiên là Tu-di-đà hay dịch là Diệu Trí). Cha mẹ ngài đều là hậu duệ của gia tộc Bà-la-môn. Vì vậy ngài xuất thân từ dòng dõi Bà-la-môn thuần chủng và chính thống. Mẫu thân ngài là một vị nữ nhân có đủ mọi đức hạnh. Người ta không thể làm ô nhục xuất thân của ngài, như nói: “Hắn ta sinh ra trong dòng tổ tiên bảy đời đều là gia tộc hạ tiện”. Ngài cũng là một người không thể bị ô nhục hay khinh thường. Sự thật thì ngài có huyết thống Bà-la-môn thuần chính và có dáng vẻ đẹp đẽ phi phàm.
Của cải trong kho báu của ngài kể ra tới nghìn vạn, có rất nhiều ngũ cốc và các dụng phẩm hàng ngày khác. Ngài tu học và tinh thông ba bộ Phệ-đà (Veda) là: Lê-câu (Iru), Dạ-nhu (Yaju) và Sa-ma (Sāma), có thể tụng đọc lại cho mọi người mảy may không sót. Ngài nắm vững và tinh thông từ vựng (nighandu: giải thích ý nghĩa các từ vựng), tu từ học (keubha), ngữ pháp (vyākaraa) và truyền thuyết cổ (itihāsa) một cách thành thạo không chút khó khăn. Cũng như vậy, ngài tinh thông cả Thuận Thế luận (Lokāyata) – một loại triết học không khuyến khích con người tu thiện mà lại cổ động con người sống lâu và hưởng thụ trong luân hồi sinh tử. Ngài biết phép xem tướng nữa, thí như tướng của bậc đại nhân: Vị lai Phật, vị lai Bích-chi Phật v.v… Ngài cũng tinh thông nhiều môn học vấn được truyền thừa của Bà-la-môn, là một vị đạo sư đúng chuẩn mực.
Cha mẹ của Thiện Tuệ qua đời khi ngài còn rất trẻ tuổi. Sau đó người tổng quản của gia đình ngài mang một danh mục của cải kho báu toàn là vàng, bạc, đá quý, trân châu v.v… đưa ngài xem và nói:
- Thưa thiếu gia! Bao nhiêu của cải này là tài sản mà mẹ ngài để lại, còn bấy nhiêu của cải kia là do cha ngài để lại, còn đống của cải này là tài sản của tổ tiên ngài để lại.
Ông kể cho Thiện Tuệ nghe về những mớ tài sản này do tổ tiên bảy đời để lại, sau đó nói:
- Ngài có thể tùy ý sử dụng của cải này.
Sau đó ông giao lại di sản thừa kế cho ngài.   


Có một hôm, khi tĩnh tọa một mình trên lầu, Thiện Tuệ nghĩ rằng: “Sinh là khổ, thân thể hủy hoại cũng là khổ, bị hao mòn bởi tuổi già và chết một cách ngu si cũng đều là khổ”.
“Ta đều không thể tránh khỏi sinh, già và bệnh. Ta sẽ tìm đến Niết-bàn chấm dứt già, bệnh và sợ hãi”.
“Nếu ta có thể xả bỏ không một chút chấp trước cái thân xác đầy những thứ ô uế như nước tiểu, phân, mủ, máu, dịch, đờm, nước miếng, nước mũi v.v… này thì không phải quá tốt hay sao?”
“Chắc chắn có một con đường thú hướng Niết-bàn tịch tĩnh, không thể không có được. Ta sẽ tìm kiếm thiện đạo thú hướng Niết-bàn này nhằm giải thoát sự trói buộc của sinh mạng”.
“Giống như thế giới này vừa có khổ (dukkha) cũng có lạc (sukha), như vậy, có sinh tử luân hồi dẫn đến khổ thì nhất định cũng có Niết-bàn diệt khổ”.
“Lại nữa, có nóng nhất định cũng có lạnh, như vậy, có lửa của tham–sân–si thì nhất định cũng có Niết-bàn dập tắt ba ngọn lửa này”.
“Lại nữa, có ác nghiệp cũng có thiện nghiệp, như vậy, có tái sinh thì nhất định cũng có Niết-bàn dừng lại sự tái sinh”.
Sau đó, ngài càng đi sâu vào suy nghĩ: “Thí như có người rớt xuống hố phân dính đầy phân dơ dáy, nhìn thấy ở đằng xa có có một cái ao nước trong mát điểm năm nhành hoa sen, sau khi người đó thấy ao sen mà vẫn không chịu đi trên con đường hướng đến nó, vậy đó đâu phải lỗi của ao sen mà là lỗi của chính kẻ đó. Cũng như vậy, trên đời này có ao nước Niết-bàn bất tử cho mọi người tắm gột phiền não trong tâm, nếu mọi người không tìm đến ao lớn Niết-bàn này vậy đâu phải là lỗi của Niết-bàn”.
“Lại nữa, nếu người bị địch vây khốn, có con đường tẩu thoát nhưng lại không chạy, vậy đâu phải là lỗi của con đường đó; cũng như vậy, nếu có người bị giặc phiền não vây khốn, thấy có con đường lớn thông qua ngôi thành hoàng kim Niết-bàn rất an toàn mà vẫn không muốn chạy đi thì đâu phải là lỗi con đường lớn ấy”.
“Lại nữa, nếu người lo mắc trọng bệnh gặp thầy thuốc giỏi lại không cầu chữa chạy, thế thì không phải lỗi bác sĩ; cũng như vậy, nếu người nào bị căn bệnh phiền não hao mòn, có minh sư lại không thỉnh giáo vậy đâu phải lỗi của minh sư”.
Sau khi suy xét như vậy, ngài lại quán sát làm sao để xả bỏ thân thể chính mình:
“Nếu có người gánh xác của một con vật trên vai, họ sẽ quăng bỏ cái thân xác dơ dáy đó, thỏa ý dạo đi một cách tự do tự tại và vui vẻ. Cũng như thế, ta sẽ buông bỏ cái thể xác mà thực tế chỉ là đầy những trùng loại và thứ bất tịnh, rồi hướng đến tòa thành Niết-bàn”.
“Lại nữa, nếu có người sau khi đi đại tiện trong nhà xí rồi, bỏ chúng đi mà không thèm ngoảnh lại; cũng như thế, ta sẽ buông bỏ cái thể xác mà thực tế chỉ là đầy những trùng loại và thứ bất tịnh mà hướng đến Niết-bàn”.
“Lại nữa, nếu một vị chủ thuyền có một con thuyền cũ kỹ, hư hoại, te tua và rò rỉ thì ông ta sẽ chán ghét mà quẳng nó đi; cũng như vậy, đối với cái thân xác có chín lỗ không ngừng chảy ra những thứ ô uế, sẽ bỏ nó đi mà hướng tới Niết-bàn”.
“Lại nữa, nếu có người mang đồ rất quý báu trong mình chẳng may cùng đường với bọn trộm cướp, nhìn thấy sự nguy hiểm khi bọn cướp cứ ngấp nghé món bảo vật, người đó sẽ bỏ món báu ấy và đi đến nơi an toàn; cũng như vậy, do nghiệp thiện khi bị cướp đi cứ làm ta cảm thấy lo sợ, ta sẽ bỏ đi thân thể như kẻ cướp đầu sỏ rồi tìm kiếm con đường để chắc chắn thông qua Niết-bàn cho ta vui vẻ an toàn”. Nghiệp thiện bị cướp đi nghĩa là sao? Nghĩa là khi người ta không như lý tác ý, cũng như bị sự kích động của tham và sân, thân thể này sẽ biến thành tên cướp đi sát sinh, trộm cắp… bỏ đi báu vật thiện nơi mình, vì vậy thân thể này giống như tên cướp đầu sỏ.

Sau khi dùng phương thức thí dụ để suy xét về sự xuất ly, Thiện Tuệ tiếp tục nghĩ: “Sau khi tích lũy quá chừng tài vật, cha ta, ông nội ta, cũng như tổ tiên bảy đời nhà ta lúc qua đời cũng chẳng mang đi một đồng một chữ gì. Song ta sẽ tìm ra một phương pháp để đưa chúng đến Niết-bàn”. (Đương nhiên không phải là ngài có thể dùng thân thể đưa tài sản đến Niết-bàn, mà là dùng tài sản để làm nghiệp thiện, nhờ đó có thiện báo dẫn tới Niết-bàn.) Nghĩ vậy rồi, ngài đi tấn kiến quốc vương và nói rằng:
- Tâu bệ hạ, vì trong tâm của thần tràn đầy nỗi lo sợ đối với sinh, già v.v… thần muốn xuất gia làm ẩn sĩ. Thần có của cải giàu có ngàn vạn, xin nhà vua cứ thâu hết đi.
- Trẫm không cần tài sản của khanh. Khanh có thể dùng cách nào đó để phân phát chúng.
Quốc vương trả lời như vậy. Ngài Thiện Tuệ nói:
- Dạ được, thưa bệ hạ!
Sau đó ngài ra sức tuyên cáo mọi nơi trong thành Bất Tử:
- Ai muốn lấy tiền tài thì cứ đến nhà ta mà lấy.
Ngài phân phát tài sản bằng tấm lòng bình đẳng, không phân biệt giai cấp, để thực hành đại bố thí.

Sau khi làm đại bố thí rồi, Thiện Tuệ bèn xuất gia, hy vọng ngay hôm ấy có thể đi đến núi Như Pháp (Dhammika) thuộc dãy Tuyết Sơn (Himalaya). Thiên chủ Đế Thích (Sakka) khi thấy ngài xuất gia rồi đi đến dãy Tuyết Sơn, bèn gọi thần Tự Tại Thiên (Vissukamma) đến nói rằng:
- Hãy đi ngay, hỡi Tự Tại Thiên, Thiện Tuệ đã xuất gia làm ẩn sĩ, ngươi hãy chuẩn bị cho ông ấy một nơi ở đi!
- Dạ được, thưa Thiên chúa!
Tự Tại Thiên lãnh nhận mệnh lệnh của Đế Thích, vị ấy chọn một nơi thật đẹp để làm vườn thiền, ở đó xây dựng một ngôi nhà tranh và một vỉa hè hành thiền đẹp tuyệt vời không tì vết. Vỉa hè hành thiền đẹp không tì vết là thế nào? Tức là không có năm khuyết điểm sau: 1- Mặt đất không bằng; 2- Trên đường có cây chắn lối; 3- Trên đường mọc đầy cỏ dại; 4- Quá chật; 5- Quá rộng. Vì vậy nó là đẹp không tì vết. Ta thử hình dung về độ dài của vỉa hè hành thiền, độ dài của nó là 60 thước tay (1 thước tay khoảng 17-22 tấc Anh), có 3 lối đi, lối đi chính trong đó rộng một nửa thước tay, hai đường bên cạnh rộng một thước tay. Mặt đất bằng phẳng và cát phủ lấp lên. Trong vườn thiền này có 8 điều kiện có thể mang lại sự thư thái cho ẩn sĩ, như những gì thần Tự Tại Thiên đã tạo dựng, tức là:
1) Không thâu cất tài vật và ngũ cốc;
2) Dễ có được vật thực thích đáng;
3) Chỉ hưởng dụng vật thực thích đáng (không cần sát sinh);
4) Không lo lắng gì về việc thuế má và tài vật bị sung công, phiền não và bất an;
5) Không chấp trước đồ dùng và đồ mặc;
6) Có cảm giác an toàn, không bị giặc cướp uy hiếp;
7) Không cần thông tin với quốc vương và quan chức;
8) Có thể di chuyển đủ chỗ một cách tự tại.
Ngoài điều này ra, có một chi tiết cần biết là khu thiền viên được thần Tự Tại Thiên tạo dựng hỗ trợ đặc biệt cho ẩn sĩ dễ dàng chứng đắc quán trí thấy biết thật tướng các pháp (Vô thường, Khổ và Vô ngã). Nó có phòng buồng, hang động, đường hầm, hoa quả, cây cối và một hồ nước trong lắng. Đó là một vùng đất yên bình, không bị chim thú quấy nhiễu. Trong nhà tranh có những đồ dùng của vị ẩn sĩ xuất gia, như là cái khăn gối đầu, áo cà-sa, cái giá ba chân, bầu nước… Tự Tại Thiên sau đó đã viết lên tường trong nhà tranh với hàng chữ đề rằng: “Ai muốn trở thành vị ẩn sĩ thì có thể sử dụng những đồ dùng này”, rồi trở về Thiên giới.
Nói tới đây, ta thử hỏi Thiên chủ Đế Thích là ai? Vâng, ngài là chúa tể của chư Thiên ngự trị trên cõi Trời Đao-lợi (Tāvatisa) – là cõi trời bậc dưới xếp thứ hai trong sáu cõi Trời Dục giới, còn gọi là Tam Thập Tam thiên (Trời Ba Mươi Ba). Cõi Trời này nằm trên cõi Tứ Đại Vương thiên (Cātummahārājika), và cả hai đều thuộc quyền cai quản của Đế Thích. Ban đầu, cõi Trời ấy thuộc nơi trú ngụ của loài A-tu-la (Asura), nhưng Đế Thích và các vị thiên vương không ưa sự cộng trú với chúng nên đã tống cổ chúng khỏi Thiên đường, từ đó chuốc nỗi hận thù và luôn phải đấu tranh với A-tu-la. Đế Thích thường ngự trong một tòa thành gọi là Thiện Kiến (Sudassana), ngài còn có những danh hiệu khác là Thiên Thần Vương (Vāsava), Thiện Sinh Chủ (Sujampati) hay Nhân-đà-la (Inda). Có nhiều sự tích nói về việc ngài đã từng giúp đỡ cho chư Bồ-tát và chư Thánh nhân khác. Về Tự Tại Thiên còn gọi là Tì-thủ-yết-ma (Vissukamma) là vị thần xây dựng của Đế Thích trên cung trời Đao-lợi, đã từng theo lệnh Đế Thích tạo những ngôi nhà tranh ẩn dật cho đức Bồ-tát trong nhiều kiếp sống.   

Khi đến dưới chân núi Tuyết Sơn (Himalaya), Thiện Tuệ đi lên núi rồi vào khe sâu, tìm kiếm nơi ở thích hợp để có thể sinh hoạt thoải mái. Trong núi Như Pháp có một khúc sông, ngài trông thấy khu vườn thiền đẹp đẽ do Tì-thủ-yết-ma đã xây. Ngài đi chầm chậm đến vỉa hè hành thiền nhưng lại không thấy dấu chân, ngài nghĩ: “Chỗ trú ngụ thiền viên này chắc chắn là của người làng bên sau khi khất thực mệt nhọc trở về chốn nhà tranh ở đây ngơi nghỉ”. Ngài nghĩ vậy rồi liền đứng đợi bên ngoài.
Qua một hồi lâu, ngài vẫn không thấy có dấu tích của người sinh sống, ngài bèn nghĩ: “Ta đã đợi ở đây khá lâu rồi. Bây giờ ta nên kiểm tra xem ở nơi đây có người sinh sống hay không”. Ngài bèn mở cửa vào nhà tranh. Thăm dò một hồi, ngài thấy có chữ khắc trên tường, ngài nghĩ: “Những dụng cụ này rất thích hợp cho ta, ta có thể sử dụng chúng để trở thành vị ẩn sĩ”. Quyết định xong ngài lại suy xét chín điều xấu của trang phục người tục gia và mười hai điều tốt của áo cà-sa, thế rồi ngài trút bỏ trang phục tục gia và đổi sang áo cà-sa.

Khi đức Thiện Tuệ trút bỏ áo gấm để khoác y cà-sa, áo gấm chuyển sang màu đỏ giống như một đóa hoa A-nặc-giai (anojā). Ngài tìm thấy một tấm áo cà-sa được gấp lại và đặt sẵn trên một nhánh tre, ngài lấy tấm cà-sa hạ y quấn quanh eo lưng, và khoác tấm cà-sa thượng y sắc vàng lên mình, đem tấm tọa cụ da dê dắt bên vai phải, dùng miếng kim châm bằng ngà voi găm lên mái tóc. Ngài lấy một cái đòn gánh cong bẹt, một đầu gánh ngài treo cái lưới mắc bầu nước màu san hô, đầu gánh còn lại ngài treo một chiếc móc dài (để hái lượm trái cây), một cái giỏ, một cái giá gỗ ba chân, v.v… Sau đó ngài gánh cái đòn mà giờ đây đã chất đủ dụng cụ cần thiết của một vị ẩn sĩ lên vai. Tay phải ngài cầm một cây gậy gỗ, ngài rời khỏi ngôi nhà tranh. Khi ngài cất bước đi trên con đường vỉa hè hành thiền dài 60 thước, nhìn lại bộ trang phục mới của mình, ngài thấy hân hoan cảm tác rằng:
Tâm nguyện năm xưa đã toại thành,
Đẹp thay ẩn sĩ đời cao thanh;
Bích-chi, Chính Giác còn khen ngợi,
Thế tục dứt đi đừng quẩn quanh;
Dục lạc tại gia là trói buộc,
Viễn ly ẩn sĩ áo tơi mành,
Gắng tu thánh hạnh đời thanh khiết,
Tinh tấn công phu lợi ích sanh.[1]
Sau đó ngài buông đòn gánh xuống, trang nghiêm tĩnh tọa trên một tảng đá suốt ban ngày.
Khi màn đêm rủ xuống, ngài vào ngôi nhà tranh, nằm trên chiếc giường đắp áo cà-sa mà ngủ. Khi sớm mai tỉnh giấc, ngài suy xét nguyên nhân đến đây và hoàn cảnh nơi này:
“Thấy rõ cái hại của đời sống tục gia, lại từ bỏ tài sản kếch xù cùng gia thế và thuộc hạ không ai sánh bằng, ta đến khu rừng này và trở thành ẩn sĩ xuất gia, đó là tìm kiếm thiện pháp để giải trừ cạm bẫy dục lạc. Từ rày trở đi, ta không thể sơ suất thất niệm. Tâm con người có ba loại tư duy ác, tức là: tư duy tham dục (kāma-vitakka) đối với dục lạc; tư duy sân hận (vyāpāda-vitakka) muốn sát sinh, hủy diệt và thương hại; tư duy não hại (vihisa-vitakka) muốn gây thương tổn cho kẻ khác. Những tư duy ác này giống như những con ruồi hoang dã làm vật thực nuôi sống những con người lơ đễnh bỏ bê việc tu tập để nội tâm chấp trước vào phiền não và thân thể đắm chìm vào dục lạc. Bây giờ là lúc mà ta hãy toàn tâm toàn ý tiến vào sự tu tập xả ly (paviveka).
Sự thật thì sau khi nhìn thấy rõ sự trở ngại của đời sống tục gia và những sơ sót gây nguy hại đến pháp tu tập, ta mới xuất gia. Ngôi nhà tranh này quả thật rất thú vị, đất phẳng vàng ươm mịn màng như trái cây lát chín, tường trắng như bạc, lá lợp trần nhà màu đỏ đẹp như móng chân chim bồ câu. Chiếc giường làm bằng sợi mây được phủ khăn trải giường sặc sỡ. Chốn cư ngụ này thật rất thư thái, ta không cho rằng ngôi nhà hào hoa trước kia ta từng ở thoải mái bằng ngôi nhà tranh này”.
Sau khi suy xét như vậy rồi, ngài lại suy xét tám điều bất lợi của ngôi nhà tranh và mười điều tốt đẹp ở dưới cây. Do vậy, ngay hôm đó ngài lập tức rời ngôi nhà tranh tới ở dưới cội cây.

Sáng sớm hôm sau, ngài sang ngôi làng gần bên để khất thực. Người trong làng đã chuẩn bị kỹ lưỡng đồ ăn ngon để cúng dường. Sau khi dùng bữa, ngài trở về dưới cội cây rừng và suy nghĩ: “Ta không phải vì thiếu vật thực hay dinh dưỡng mới xuất gia. Sự chiếu cố kỹ lưỡng của người dân sẽ làm tăng trưởng tâm ngã mạn của chính ta; nhu cầu vật thực như là thứ giữ gìn sự sống cho con người gây biết bao phiền phức mãi không có hồi kết. Ta nên tránh thụ dụng những loại ngũ cốc do trồng trọt mà có, chỉ nên ăn trái cây được hái lượm trên cây xuống để duy trì mạng sống”.
Bắt đầu từ thời khắc ấy, ngài chỉ duy trì mạng sống bằng việc dựa vào hái lượm trái cây trên cành xuống. Ngài cũng không nằm nữa mà chỉ dùng ba tư thế ngồi, đứng và đi, tinh tiến tu thiền liên tục không dứt. Trong vòng bảy hôm, ngài đã chứng đắc bát định (tứ sắc thiền-na và tứ vô sắc thiền-na) và ngũ thần thông (Abhiññā).
Trong Kinh Phật chủng tính (Phật Sử) có mô tả câu chuyện về Thiện Tuệ Bồ-tát, nội dung từ lúc ngài thực hành đại bố thí đến khi đắc bát định và ngũ thần thông như sau:
1.              
Suy xét lẽ đời quyết xuất gia,
Tiền muôn bố thí chẳng nề hà.
Lên đường Tuyết Lĩnh chân đi tới,
Thiện Tuệ đương thời nay chính Ta.
2.             
Như Pháp non kia chẳng cách xa,
Thánh nhân thời cổ chọn làm nhà.
Có tòa thiền uyển như hoa ngọc,
Am cỏ tịnh tu ta với ta.
3.             
Đường đi thiền đạo không lồi lõm,
Hành giả vân du chẳng cúi khom.
Chỉ Quán song tu lòng dễ chịu,
Ngũ thông bát định chứng mai hôm.
4.            
Người đời ăn mặc gớm ghê,
Chín điều bất lợi ta chê chẳng màng.
Cà-sa khoác áo rũ hàng,
Mười hai điều lợi vinh quang tu hành.
5.       
Tám điều bất lợi chẳng hay,
Am tranh thư thái bỏ đây không màng,
Dưới cây rừng cội thẳng hàng,
Mười điều ích lợi vinh quang tu hành.
6.      
Vật ngon ngũ cốc chối từ,
Chỉ ưng quả ngọt hái từ trên cây.
7.       
Rày đây thân thể chẳng ưa nằm,
Ngồi, đứng, kinh hành thích chí chăm.
Tinh tiến bảy hôm tu tĩnh lự,
Ngũ thông chứng đắc lúc trăng rằm.[2]

Biên soạn: Nguyễn Thành Sang


[1] Theo nguyên tác thì đây là những suy nghĩ của Bồ-tát Thiện Tuệ khi sống cuộc đời lang thang không nhà, kẻ phóng tác đã mạn phép chuyển suy nghĩ ấy thành bài thơ thất ngôn bát cú.
[2] Nguyên văn Pāi viết như sau:
1. Evā’ha cintayitvāna’nekakoisata dhana. Nāthānāthāna datvāna himavantam upāgami.
2. Himavantassāvidūre dhammiko nāma pabbato assamo sukato mayha paṇṇasālā sumāpitā.
3. Cakama tattha māpesi pañcadosavivajjita aṭṭhagua-samūpeta abhiññābalam āhari.
4. Sāaka pajahi tattha navadosam upāgata vākacīra nivāsesi dvādasaguam upāgata.
5. Aṭṭhadosa-samākiṇṇa pajahi paṇṇasālaka upāgami rukkhamūla gue dasah’upāgata.
6. Vāpita ropita dhañña pajahi niravasesato anekagua-sampanna pavattaphalam ādiyi.
7. Tatthappadhāna padahi nisajjaṭṭhānacakame abbhantaramhi sattāhe abhiññābala-pāpui.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi thứ 1 (Nam Bắc triều Đại chiến Diễn nghĩa)

  b õ a   NAM–B Ắ C TRI Ề U ĐẠ I CHI Ế N DI Ễ N NGH Ĩ A Romance of Northern and Southern dynasties 南北朝大戰演義     Tác gi ả CỰ LANG (NGUY Ễ N TH À NH SANG) H ồ i th ứ 1: Cảnh hàn vi, cô mợ khinh bỉ Thi võ tr ạ ng, anh hùng long vân Có bài th ơ r ằ ng: Cu ồ n cu ộ n C ấ m Giang đ ông ra bi ể n, H ả i D ươ ng long khí thu ỷ phong li ề n. R ồ i đ ây thiên h ạ ba đ ào n ổ i, Th ế s ự bi ế t ai m ớ i thánh hi ề n? Tương truyền từ cổ đại, bên nước Tàu ( 匿艚 ) có tam đại Hạ ( 夏 ), Thương ( 商 ), Chu ( 周 ). Tổ của nhà Chu là Văn Vương Cơ Xương ( 文王姬昌 ) có một trăm con, trong số đó có người con thứ tên là Cơ Chấn Đạc ( 姬振鐸 ) sau này được phong làm bá tước ( 伯爵 ) ở nước Tào ( 曹國 ), truyền hai mươi sáu đời đến Tào bá Dương ( 曹伯陽 ) thì bị diệt quốc, có người hậu duệ là Cơ Chất Khiết ( 姬騭絜 ) ở lại làm dân của nước Tống ( 宋國 ). Nước Tống sau này bị nước Tề ( 齊國 ) diệt vong, dòng dõi Cơ Chất Khiết lại trở thành dân nước Tề. Nước Tề cuối cùng bị n

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ”

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ” [1] Tác giả: JAMES P. MCDERMO. Dịch Việt: Nguyễn Thành Sang. Nguyên tác: “The Kathāvatthu Niyāma Debates,” trích Chuyên san Hiệp hội Phật học Quốc tế (The Journal of the International Association of Buddhist Studies), tập 12, năm 1989, số 1. Một loạt những biện luận về các điều được phiên dịch nhiều kiểu khác nhau là “đảm bảo” (assurance), “tính cố định” (fixity), “định số” (destiny), và “xác định” (certitude; Pāḷi: niyāma , tham khảo thêm về niyata ) được phân bố rộng rãi thông qua Luận Sự phẩm loại luận ( Kathāvatthuppakaraṇa ). [2] Những cuộc luận chiến này chủ yếu được quan tâm với những hàm nghĩa của sự tiến nhập giải thoát đạo. Theo Luận Sự phẩm loại luận Nghĩa sớ ( Kathāvatthuppakaraṇa Aṭṭhakathā ), những giáo đồ bộ phái phân phụ của Án-đạt-la bộ ( Andhaka ) là Tây Sơn Trụ bộ ( Aparaseliya ) với Đông Sơn Trụ bộ ( Pubbaseliya ), và Bắc Đạo bộ ( Uttarāpathaka ), cũng như giáo đồ Thượng Tọa bộ ( The

CÁC CHÍNH QUYỀN QUY TỤ BÍ MẬT BỊ NHÀ NƯỚC TRUNG CỘNG GẮN NHÃN “PHẢN ĐỘNG” VÀ THỦ TIÊU (Kỳ 1)

Các chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t v ớ i mong mu ố n xây d ự ng chính quy ề n c ủ a h ọ , vô tình hay h ữ u ý vì ra đờ i trong th ờ i đạ i có chính ph ủ C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa hình thành nên đ ã b ị quy k ế t là nh ữ ng l ự c l ượ ng “ph ả n độ ng” và b ị nhà n ướ c Trung C ộ ng ra s ứ c đ à n á p. Nh ữ ng th ự c th ể chính quy ề n này đ ã ho ạ t độ ng trong lãnh th ổ c ủ a C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa, sau đ ó đ ã b ị chính ph ủ các c ấ p, c ơ quan t ư ph á p v à qu â n độ i Trung C ộ ng th ẳ ng tay tiêu di ệ t. Chúng ta hãy cùng tìm hi ể u v ề quá trình hình thành và b ị di ệ t c ủ a các chính quy ề n này. Giai đ o ạ n tr ướ c n ă m 1960 1. Th ượ ng Minh qu ố c ( 尚明國 ) Th ờ i gian t ồ n t ạ i: 1937–1951 (14 n ă m) Hoàng đế : L ư u Kim Lan ( 劉金蘭 ) Niên hi ệ u: Th ượ ng Minh ( 尚明 ) Th ủ đ ô d ự đị nh: Trung Kinh (t ứ c B ắ c Kinh) C ă n c ứ đị a: huy ệ n Oa D ươ ng, t ỉ nh An Huy Th ượ ng Minh Qu ố c là chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t do th