Chuyển đến nội dung chính

LÝ TƯỞNG BỒ-TÁT TRONG PHẬT GIÁO NAM TRUYỀN (tập 1)


]
NAM TRUYỀN PHẬT GIÁO TÙNG THƯ
(Sách 01)
HOẰNG DƯƠNG CHÍNH PHÁP
HUỆ ÍCH CHÚNG SINH
TĂNG THƯỢNG GIỚI–ĐỊNH–TUỆ TAM HỌC

LÝ TƯỞNG
BỒ-TÁT
trong
PHẬT GIÁO
NAM TRUYỀN

Biên soạn: DIỆU TRAI cư sĩ
(Nguyễn Thành Sang)




Sabb’ābhibhū sabbavidū’haasmi
Sabbesu dhammesu anūpalitto
Sabbañjaho ta
hakkhaye vimutto
Saya
abhiññāya kauddiseyya.
(Đã chinh phục tất cả,
Ta là Nhất Thiết Trí
Đối với tất cả pháp
Hoàn toàn không chấp thủ,
Từ bỏ đi tất cả
Diệt ái và giải thoát
Ta tự mình thân chứng
Nên gọi ai là Thầy?).
                                                                   (Kinh Pháp Cú: 353)


Sabbadāna dhammadāna jināti;
 Sabbarasa
dhammaraso jināti;
 Sabbarati
dhammarati jināti;
 Ta
hakkhayo sabbadukkha jināti.
(Pháp thí thắng mọi thí,
Pháp vị thắng mọi vị,
Pháp lạc thắng mọi lạc,
Ái tận, thắng mọi khổ).
                                                                   (Kinh Pháp Cú: 354)


THẬP PHƯƠNG THẾ GIỚI KỆ
Nguyện chúng chư Thiên mười phương cõi,
Vân tập về đây nghe lời Pháp,
Dẫn độ Thiên đường, đạo Giải thoát,
Của đấng Pháp chủ hiệu Mâu-ni.
Chuyên chú lắng nghe lời giáo huấn,
Chư Thiên Dục giới và Sắc giới,
Không cư thiên và Địa cư thiên,
Bất luận non đỉnh hay ven đồi,
Đảo, rừng, thành trấn, nơi thôn xóm,
Chu vi đồng hoang hay nhà cửa;
Thần linh ba chốn thủy, lục, không,
Dạ-xoa, Na-già, Càn-thát-bà…
Các vị lắng nghe tôi niệm tụng,
Giáo Pháp kim khẩu bậc Thế Tôn.
Lúc này các vị bái Phật-đà,
Đúng dịp lắng nghe lời Chính Pháp,
Bây giờ lễ kính chúng Tăng-già.


NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMĀSAMBUDDHASSA
Lễ kính đức Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chính Đẳng Giác.




Con rất mực thành kính đảnh lễ Phật-đà (Buddha): giống hệt chư Phật quá khứ, sự xuất hiện của Ngài thật hiếm có thay; không có ai trong ba cõi người (manussa), trời (devā) và Phạm thiên (Brahmā) đồng đẳng với Ngài; Ngài là chỗ quy y cho niềm tin của chúng sinh, cũng như có tất cả mọi niềm vinh dự, đức hạnh và phẩm chất.
   (Mỗi vị Phật đều có 8 đặc trưng [aṭṭhavemattāni: những đặc điểm không giống nhau giữa các vị Phật], tức là: (1)- thọ mạng [tuổi thọ phải phù hợp với mạng kiếp nhân loại thời đó], (2)- chiều cao, (3)- gia tộc [sinh dòng Sát-đế-lợi hoặc Bà-la-môn], (4)- thời gian tu khổ hạnh, (5)- ánh sáng trên thân thể [Dụ như ánh sáng cơ thể của đức Phật Cát Tường {Magala Buddha} trải rộng 10.000 thế giới, ánh sáng thân thể của đức Phật Thích-ca Mâu-ni chỉ phát ra 80 sải tay], (6)- đồ vật sử dụng trong thời xuất gia, (7)-(8)- diện tích của cây Bồ-đề và Bảo tòa [pallaka]). 
Con rất mực thành kính đảnh lễ Pháp (Dhamma). Đây là Giáo pháp được thuyết ra rất thích ứng bởi lòng thương xót chúng sinh của Phật-đà. Vả lại bản thân Phật-đà cũng mang lòng kính trọng đối với Pháp. (Phẩm chất thứ nhất của Pháp Bảo)
Con rất mực thành kính đảnh lễ Tăng (Sagha), Hội đoàn của các bậc Thánh. Các ngài đã tu tập Pháp một cách chính xác và chính trực, là con cái chân chính của bậc Đạo Sư. (Phẩm chất thứ hai của Tăng Bảo)
Sau khi kính lễ Tam Bảo: Phật–Pháp–Tăng rồi, con sẽ biên soạn bộ sách Lý tưởng Bồ-tát trong Phật giáo Nam truyền dựa trên sự phóng tác, diễn dịch từ một phần của bộ Đại Phật Sử (Mahā-Buddhavasa) do đức ngài Bhaddanta  Vicittasārābhivasa trước tác, ngài được tôn xưng là Mingun Tipiakadhara Sayadaw (bậc Đại Trưởng lão Gìn giữ Tam Tạng Mingun); bộ trước tác này đã được ba vị Đại đức là U Ko Lay, U Tin Lwin và U Tin Oo dịch sang tiếng Anh với tựa đề The Great Chronicle of Buddhas. Tác phẩm đồ sộ này đã được Trưởng lão biên soạn căn cứ chủ yếu là Phật sử (Buddhavasa: bộ kinh số 14 trong Tiểu Bộ Kinh [Khuddaka-Nikāya]) và chú sớ của nó, cũng như những kinh điển và chú sớ khác có liên quan, bằng bút pháp vừa vặn, không quá ngắn cũng không quá dài, không quá đơn giản cũng không quá khó hiểu. Đây là quyển sách giảng giải về pháp Thập độ Ba-la-mật và công hạnh Bồ-tát, nhằm khuyến khích những chúng sinh có tín tâm và trí tuệ phát nguyện thực hiện lý tưởng cao thượng ấy.
Nguyện rằng các bậc sĩ phu hữu đức nào đã đọc quyển sách này, muốn tầm cầu thiện nghiệp và trí tuệ, đã quy y Tam Bảo: Phật–Pháp–Tăng thật đầy đủ tín tâm, thì sẽ phát thệ nguyện thú hướng theo con đường Bồ-tát: một là phát nguyện thành bậc Thanh văn, hai là phát nguyện thành bậc Độc giác, ba là phát nguyện thành Phật Chính Đẳng Giác; từ đó mà vun bồi Tam học: Giới (sīla), Định (samādhi), Tuệ (paññā) một cách chính xác và chính trực, có thể chứng đắc Đạo (magga), Quả (phāla) và Niết-bàn (nibbāna). Sau cùng, xin hồi hướng phước báu đến chúng sinh trong bốn đường dữ: Địa ngục (Naraka), Ngạ quỷ (Peta), Bàng sinh (Tiracchāna), A-tu-la (Asura) được giảm thiểu đau khổ, thoát khỏi cõi dữ và được tái sinh vào cảnh lành an vui.
  


Namo Buddhaya!

Được sinh vào thời đại có Phật ra đời là cơ hội hiếm có.
Có một lần, Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika) khi đi đến thành Vương Xá (Rājagaha) để thăm người em rể của mình, được một lần nghe qua từ “Phật-đà” (Buddha). Ngay khi ông nghe đến từ “Phật-đà”, ông liền ca tụng rằng: “Ghoso’pi  kho  eso  gahapati  dullabho  lokasmi yadida ‘buddho  buddho’ti” (ý nghĩa: Này bạn ơi! Ở trên đời mà có thể được nghe từ Phật-đà này quả là chuyện hiếm có khó được).
   Trưởng giả Cấp Cô Độc là một vị phú thương ở thành Xá-vệ (Sāvatthi), là người cư sĩ hay bảo vệ che chở rất mực trung kiên cho đức Phật và Tăng đoàn. Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika) có nghĩa là “người nhân từ giúp đỡ cho những kẻ cùng khổ”. Tên thật của ngài Cấp Cô Độc là Sudatta (Thiện Thí). Khi ông đến thành Vương Xá buôn bán, thấy em rể của mình chuẩn bị đại sự cúng dưỡng vật thực cho đức Phật và Tăng đoàn. Ngay chính lúc ấy [là năm đầu tiên sau khi Phật giác ngộ] ông mới lần đầu nghe được từ “Buddho” (Phật-đồ). Xem thêm phần Senāsanakkhandhaka (chương Sàng Tọa) trong Tiểu Phẩm (Cūlavagga) của Luật Tạng. Ông cũng chính là vị thí chủ về sau đã cúng dường ngôi Kỳ Viên (Jetavana) cho đức Phật và Tăng chúng.
Ngay khi đức Phật trú ở thành A-ba-na (Āpaa) tại nước Ương-quật-đa-la-ba (Aguttarāpa), có một vị Đạo sư Bà-la-môn nổi tiếng tên là Thạch Đầu (Sela: tảng đá) nghe được chữ “Phật-đà” từ miệng một người bạn của ông ta là ẩn sĩ Ca-ni-á (Keniya). Ngay khi ông ta nghe thấy từ “Phật-đà” này cũng thốt ngay lên câu: “Ghoso’pi  kho  eso  gahapati  dullabho  lokasmi yadida ‘buddho  buddho’ti” (ý nghĩa: Này bạn ơi! Ở trên đời mà có thể được nghe từ Phật-đà này quả là chuyện hiếm có khó được). Không bao lâu sau, ông cùng với ba trăm vị đệ tử của mình đều trở thành “bậc thiện lai Tỳ-khưu” (Ehi-Bhikkhu), lại hơn bảy ngày sau, họ đều chứng đắc quả A-la-hán (Arahant).
   (“Ehi-Bhikkhu” [Hãy đến đây, Tỳ-khưu!] là lời thuyết pháp của đức Phật khi chấp nhận cho một người có thiện nghiệp đặc biệt xuất gia trở thành Tỳ-khưu. Sau khi đức Phật nói xong câu ấy, người kia sẽ trở mang hình tướng xuất gia, làm đệ tử Phật. Đây là phương thức buổi đầu lúc gia nhập Tăng đoàn). Chuyện Thạch Đầu xuất gia đầu Phật thì như đã nói trên. Ca-ni-á (Keniya) là một ẩn sĩ sống ở gần thành A-ba-na, một lần khi đức Phật trú ở đó cùng một nghìn ba trăm năm mươi vị Tỳ-khưu câu hội, Ca-ni-á đến thăm Phật, mang nhiều loại thức uống khác nhau đến dâng cho Phật và chư Tỳ-khưu. Ngày sau đó ông mời toàn Hội chúng của Phật đến nhà dùng bữa cơm thịnh soạn được chuẩn bị. Chính tại đó đức Phật đã thuyết giảng cho các vị Tỳ-khưu được biết loại thức uống nào là phù hợp cho người xuất gia, loại nào thì không nên dùng: những thức uống bị giới răn bao gồm những chất nước được lên men, các loại rượu và chất gây say.)
Điều cốt yếu cần nêu trong Kinh điển này là cho dù nghe được danh từ “Phật-đà” là chuyện rất hy hữu và khó được, sự hiếm có đức Phật ra đời có thể quý tới mức không thể hình dung nổi. Về điểm này, chúng ta cần hiểu rõ rằng ngay khi chúng ta nói đến “kim cương”, nó hẳn là một loại đá quý hay đồ làm giả có giá trị. Cũng như vậy, khi đức Phật còn chưa giác ngộ, đã sớm có những bài đồng dao báo hiệu Phật xuất thế được lan truyền rộng rãi. Hai vị là Trưởng giả Cấp Cô Độc và ông Thạch Đầu nhất định là trước đây đã từng nghe qua Lục Sư Ngoại Đạo mạo xưng chính họ là Phật. Giống như chỉ có một viên kim cương là chân thật, từ “kim cương” ấy sẽ làm cho một người biết phân biệt thật giả cảm thấy hứng khởi; cũng như thế, chỉ có khi một vị Phật thật sự mà được đề cập thì từ “Phật-đà” ấy mới có thể khiến cho những bậc có trí tuệ cao độ như Trưởng giả Cấp Cô Độc và Thạch Đầu được hoan hỷ.
   (Lục Sư Ngoại Đạo [cha-satthara], bao gồm: 1/ Phú-lan-na Ca-diếp [Pūraa Kassapa]; 2/ Mạt-già-lê Cù-xá-la (Makkhali Gosāla); 3/ A-kì-đa Sí-xá-khâm-bà-la [Ajita  Kesakambala]; 4/ Ba-câu-đà Ca-chiên-diên [Pakudha Kaccāyana]; 5/ Ni-kiền-đà Nhược-đề Tử [Nigaṇṭha Nāaputta]; 6/ Tán-nhã-di Tỳ-la-lê Tử [Sañjaya Belaṭṭhaputta]. Xem thêm các bài Kinh Phạm Võng, Kinh Sa-môn quả trong Trường Bộ để biết thêm tư tưởng được chủ trương bởi Lục Sư Ngoại Đạo cũng như các ngoại giáo khác. Họ đều nhà những Đạo sư phi Bà-la-môn, tức là thuộc về truyền thống Sa-môn, đều là những nhân vật sống cùng thời với đức Phật nhưng lớn tuổi hơn đức Phật Bản sư. Nói đến sự mạo nhận của Lục Sư Ngoại Đạo, trong Kinh điển của họ cũng có ghi chép. Chẳng hạn như Ni-kiền Tử lập phái lỏa thể, cũng tự xưng mình là Đại Hùng, là A-la-hán, đấng Tế Độ, Chính Giác…) 
Chẳng hạn, một kẻ ngu dốt lấy đá giả cho là đồ quý thật thì quả là một sai lầm, đệ tử của sáu phái ngoại đạo lầm cho rằng Đạo sư của họ (lục sư ngoại đạo) là đức “Phật-đà” thật cũng là một sự sai lầm và chắc chắn có hại, tức là Tà thắng giải (micchādhimokkha).
   (Tà thắng giải [micchādhimokkha] tức là những nhận thức, hiểu biết sai lầm về đức Phật, về Chính Pháp giải thoát và các giá trị của bậc Thánh, rồi cứ chấp khư chúng một cách kiên định, bảo thủ, khó sửa đổi.)         
Nhằm thể hội một cách sâu sắc hơn cũng như trân quý sự ra đời hy hữu của đức Phật, chuyện bắt đầu cần phải biết về mối liên hệ giữa Phật và Bồ-tát là điều khá quan trọng, cần hiểu như sau:
1- Bồ-tát: là những vị về sau chắc chắn sẽ thành Phật, tức là Vị lai Phật;
2- Nhiệm vụ của Bồ-tát;
3- Phật-đà: tức là bậc Chí Thượng đã giác ngộ, là kết quả cuối cùng của vị Bồ-tát sau khi đã làm nhiệm vụ (của Bồ-tát) viên mãn;
4- Nhiệm vụ của Phật-đà (nhiệm vụ thường ngày của đức Phật).

Namo Bodhisattaya!

Bồ-tát tức là “Bodhisatta” (Bồ-đề-tát-đỏa). “Satta” là hữu tình, là chúng sinh, tức là nói Bồ-tát cũng đi ra từ chúng sinh bình thường. “Bodhi” (Bồ-đề) nghĩa là Giác ngộ, chỉ cho bốn Đạo trí (maggañāa). Còn Nhất Thiết Trí trí (sabbaññutañāa) có thể hoặc không đồng nhất sinh khởi theo chúng.
   Bốn đạo trí là nói về trí tuệ hướng đến Tứ Thánh Đế (cattāri-ariyasaccāni). Chữ “Đạo” (Magga) ở đây tức là con đường dẫn đến Diệt Khổ, đó là Bát Chính Đạo được cấu thành từ Đế thứ tư (Đạo đế) trong Tứ Thánh Đế. Bát Chính Đạo bao gồm:
1/ Chính kiến (sammādiṭṭhi);
2/ Chính tư duy (sammāsakappa);
3/ Chính ngữ (sammāvācā);
4/ Chính nghiệp (sammākammanta);
5/ Chính mạng (sammā-ājīva);
6/ Chính tinh tiến (sammāvāyāma);
7/ Chính niệm (sammāsati);
8/ Chính định (sammāsamādhi).
Chính kiến và Chính tư duy thuộc về Tuệ học; Chính ngữ, Chính nghiệp và Chính mạng thuộc về Giới học; Chính tinh tiến, Chính niệm và Chính định thuộc về Định học.
   Tứ Thánh Đế tức là:
1/ Khổ Đế (dukkhasacca: chân lý về sự Khổ);
2/ Tập Đế (dukkhasamudayasacca: nguyên nhân của sự Khổ);
3/ Diệt Đế (dukkha-nirodha: trạng thái khi kết quả Khổ bị diệt);
4/ Đạo Đế (dukkha-nirodhagāminīpaipadā: con đường hướng đến sự diệt Khổ.)
   Bậc gọi là có đủ Nhất Thiết Trí trí (sabbaññutañāa) thì gọi là vị Nhất Thiết Trí (sabbaññū). Đức Phật là Nhất Thiết Trí, nhưng nó không đồng nghĩa là Phật tự nhiên biết hết tất cả mọi chuyện, mà là nếu đức Phật có tác ý thì Ngài có thể biết được bất kỳ sự kiện nào.
Bồ-đề có 3 loại tức là:
1- Chính Đẳng Giác (Sammāsambodhi: Tam-miệu Tam-bồ-đề): Bồ-đề này thì bốn đạo trí đồng nhất với Nhất Thiết Trí trí. Ở đây, vị Chính Đẳng Giác không cần dựa vào bậc Đạo sư nào cả, mà là tự mình chứng đắc bốn đạo trí, hiểu biết thấu suốt Tứ Thánh Đế. Ngoại trừ khả năng đoạn trừ phiền não nội tâm ra, vị ấy cũng có thể đoạn trừ luôn tập khí (vāsanā) đời quá khứ. Nhất Thiết Trí tức là hiểu rõ được những chuyện nào đáng được hiểu;
2- Độc Giác (Paccekabodhi: Bích-chi Bồ-đề): Bồ-đề này thì chỉ cho chứng đắc bốn đạo trí thấu triệt Tứ Thánh Đế mà không thầy chỉ dạy;
3- Thanh Văn Giác (Sāvakabodhi: Sa-bà-già Bồ-đề): Bồ-đề này thì chỉ cho sự chứng đắc bốn đạo trí thông suốt Tứ Thánh Đế nhưng cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của bậc Đạo sư (Phật-đà), nên cũng gọi đây là Đệ tử Bồ-đề.
Có những hạng thiện nhân ước muốn rất mãnh liệt là mong chứng đắc Tam-miệu Tam-bồ-đề, tức là Chính Đẳng Giác Bồ-tát (sammāsambodhisatta), họ sẽ là đức Phật viên mãn của vị lai. Có hạng thì ước muốn rất mạnh mẽ là chứng đắc Bích-chi Bồ-đề, tức là Độc Giác Bồ-tát (paccekabodhisatta), họ sẽ là vị Bích-chi Phật tương lai. Có hạng thì ước muốn rất mạnh mẽ rằng chứng đắc Sa-bà-già Bồ-đề (sāvaka-bodhisatta: Thanh Văn Giác) thì sẽ trở thành Thánh đệ tử Phật tương lai.

Bồ-tát tức là Vị lai Phật, trong 3 cách chia theo Bồ-đề như trên, đối với loại đầu là Chính Đẳng Giác Bồ-tát, tức là những vị phát nguyện và tu tập để trở thành Phật Toàn Giác, thì có thể chia làm 3 loại:
1/ Trí Tuệ hình Bồ-tát (paññādhika);
2/ Tín Tâm hình Bồ-tát (saddhādhika);
3/ Tinh Tiến hình Bồ-tát (vīriyadhika).
Thành Phật tức là chứng đắc Nhất Thiết Trí trí (Sabbaññutañāa). Nhằm đạt được trí tuệ tối cao này thì tâm của người tầm cầu cần phải lấy trí tuệ làm chủ đạo. Cái nhân tố lấy trí tuệ làm chủ đạo là chỉ cho việc trước khi tạo ba nghiệp thân, ngữ và ý đều nên suy xét tâm tư cho kỹ. Như vậy, trí tuệ sẽ thành thục dần dần trong cả một đời một kiếp, khi đã hoàn toàn viên mãn thì họ chứng đắc Nhất Thiết Trí trí siêu việt xa hơn mọi trí tuệ khác. Hệt như ở thế tục vậy, chúng ta đầu tư tiền để lấy tiền, cũng vậy, chúng ta đầu tư tri thức để thu được Nhất Thiết Trí trí.
Trí tuệ của bậc Bồ-tát Trí Tuệ hình lẹ nhất, họ luôn cố gắng từng chút dùng trí tuệ làm chủ đạo, sau khi cần tu Ba-la-mật (Pāramīta) suốt 4 A-tăng-kì và 10 vạn đại kiếp thì họ sẽ thành Phật.
   “Pāramīta” có thể phiên âm là Ba-la-mật hay Ba-la-mật-đa, xưa nay thường được giới Phật tử hiểu là Đáo Bỉ Ngạn (Qua Bờ Kia, cho nên 10 Ba-la-mật được gọi là Thập Độ), thực ra, nếu theo cách hiểu của Từ điển Pāi (bản tiếng Anh của Pāi Text Society) thì Ba-la-mật cũng mang ý nghĩa là “cảnh giới viên mãn”, hay gọi tắt là viên mãn (vậy 10 Ba-la-mật cũng có thể gọi là Thập Viên). Tổng cộng có 10 Ba-la-mật, chúng được coi như là: mười lẽ thực hành chủ yếu để viên mãn đức hạnh của vị Bồ-tát. Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna) thường chủ trương là 6 Ba-la-mật (Lục Độ), nhưng cơ sở giáo lý của Nam Truyền Phật giáo lại chấp nhận con số 10, thể hiện đúng ý nghĩa “viên mãn” (tròn đầy). Thập Độ Ba-la-mật của Nam truyền Phật giáo có 5 cái đầu giống với Phật giáo Đại thừa, chỉ là không có Thiền định Ba-la-mật, nhưng không phải vì vậy mà cho rằng Nam truyền Phật Pháp không coi trọng hành Thiền, mà hoàn toàn ngược lại, Thiền được coi là một phương pháp hữu hiệu nhất để kinh nghiệm chân lý, nhờ đó mới đạt đến sự giải thoát và giác ngộ.
   Còn về A-tăng-kỳ, tiếng Pāi là asakheyya, tức là “không thể tính toán”, và một số nhà luận sư đã cho rằng con số A-tăng-kỳ là đằng sau con số 10 lũy thừa thêm 140 con số 10 nữa, tức bằng: 10140.  
Có một số Bồ-tát tin tưởng sâu sắc rằng bản thân có thể thông qua tu tập Ba-la-mật sẽ thành Phật. Tâm của họ thể hiện ra rõ nhất là niềm tin (Tín). Với hạng Bồ-tát này, vai trò của Tín còn quan trọng hơn so với Tuệ, vì vậy mà họ mới được gọi là Bồ-tát Tín Tâm hình. Vì họ không hề lấy trí tuệ làm chủ đạo, nhưng lại lấy Tín làm chủ đạo để tu tập các Ba-la-mật, vì vậy khả năng thành Phật sẽ chậm hơn hạng Trí Tuệ hình khoảng một nửa lần, nghĩa là họ phải mất tới 8 A-tăng-kỳ cùng 10 vạn đại kiếp mới thành Phật, không như vị kia thành tựu mau hơn. (Chính kết quả nhanh hay chậm trong tiến trình thành Phật, thông qua đó Phật giáo Nguyên Thủy muốn nói ngầm với mọi người rằng Giác ngộ là thiên trọng về Trí tuệ, chứ không phải thuần niềm Tín, và tông chỉ của đạo Phật là như vậy, mọi thứ sẽ được minh bạch nhờ Trí tuệ khai sáng chứ không phải do niềm tín phục để rồi mong chờ có Thần linh hay tha lực nào vén màn u tối mở ra ánh sáng cho mình cả).
Nhưng còn một hạng Bồ-tát nữa đơn thuần là dựa vào sức tinh tiến của bản thân, trí tuệ không phải là nhân tố trọng yếu của họ, họ cũng không hề chú trọng đến niềm tin rằng tu tập Ba-la-mật có thể đạt đến thành tựu Phật quả. Họ kiên trì rằng: tinh tiến sẽ thành Phật. Vì vậy, khi tu tập Ba-la-mật, họ đặt tinh tiến vào vị trí ưu tiên hàng đầu, thế nhưng họ thành tựu Phật quả chậm nhất trong ba hạng, phải mất 16 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp họ mới đắc Phật. Họ được gọi là Bồ-tát Tinh Tiến hình. Tinh tiến chính là sự siêng năng, làm mọi việc bằng tự lực, nhưng không hướng đến Tuệ và Tín, cả hai thứ đó đều không mạnh, rõ ràng: một sinh linh, một chủ thể (tạm gọi vậy) khó có thể thành tựu bằng sự cần cù tinh tiến của mình trong mọi việc một cách nhanh chóng trong khi bản thân họ không đề cao trí tuệ và niềm tin. Đôi khi, trí tuệ là ngọn lửa soi đường, niềm tin là sức mạnh nội tâm cổ vũ cho hành giả tiến bước vì khao khát đạt mục đích, trong khi chỉ có sự năng nổ nhưng mù đường và thiếu đức tin lại làm cho họ loay hoay trong đường sinh tử khổ đau nhiều và lâu hơn trước khi để thành Phật Toàn Giác. (Ở đây Phật giáo Nguyên Thủy muốn ngụ ý rằng người mạnh niềm Tín dù sao vẫn khá hơn hạng người cắm đầu vào pháp hành mà không chú trọng pháp học, trau dồi trí tuệ và xác định đường hướng tu hành cho mình. Tu hành một cách hăng say nhưng mù đường sẽ đến đích muộn nhất!)
Ở đây, chúng ta nên chú ý đến hạng Tuệ, hạng Tín và hạng Tinh Tiến, cả ba hạng này chỉ là cách phân loại ứng dụng cho Vị lai Phật (tức Bồ-tát) mà thôi, chứ không phải là đức Phật khi đã viên mãn khai ngộ. Chỉ khi nào họ còn là Bồ-tát thì mới có ba cách chia vậy, còn sau này nếu chứng đắc Phật quả rồi thì các phương diện về Trí tuệ, Tín tâm với Tinh tiến của họ đều không sai biệt chi cả. Chúng ta không thể nói rằng có vị Phật này trong phương diện nọ viên mãn hơn so với vị Phật kia.
Tóm lại, chúng ta hãy nhớ rằng:
(1) “Paññādhikāna  hi  saddhā  mandā  hoti  paññā tikkhā”: Trí Tuệ hình Bồ-tát thì Tuệ mạnh mà Tín yếu;
(2) “Saddhādhikāna  paññā  majjhimā  hoti  saddhā balavā”: Tín Tâm hình Bồ-tát thì Tuệ vừa nhưng Tín mạnh;
(3) “Vīriyādhikāna  saddhā-paññā  mandā  vīriya balava”: Tinh Tiến hình Bồ-tát thì Tín và Tuệ đều yếu, nhưng Tinh tiến mạnh.[1]

Đúng như đoạn trước đã đề cập, có 3 hạng Bồ-tát và 3 kỳ hạn cho sự viên mãn Ba-la-mật, tức là 4 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp (Trí Tuệ hình), 8 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp (Tín Tâm hình), 16 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp (Tinh Tiến hình). Nguyên nhân sai biệt này là do cách hành đạo mà vị Bồ-tát đã chọn lựa, có nghĩa Trí Tuệ hình Bồ-tát chọn cách hành đạo về Tuệ thì phải cần 4 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp mới có thể đạt đến mục tiêu; Tín Tâm hình Bồ-tát chọn cách hành đạo về Tín thì cần 8 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp mới có thể đạt đến mục tiêu; Tinh Tiến hình Bồ-tát chọn cách hành đạo Tinh tiến thì cần 16 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp mới có thể đạt đến mục tiêu.
Căn cứ vào kiến giải được nêu như trong “Tạp Luận” (Pakiṇṇakakathā) của bộ Chú giải Sở Hạnh tạng (Cariyāpiaka Aṭṭhakathā) của các vị luận sư khác, sự sai biệt về 3 thời kỳ là do 3 tầng cấp tinh tiến khác nhau, tức là mạnh, vừa và yếu. Kiến giải này cho rằng Trí Tuệ hình Bồ-tát là do sức tinh tiến rõ rệt mà được viên mãn các Ba-la-mật trong thời gian 4 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp. Nhưng luận giải vậy không tránh khỏi có “khuyết điểm hỗn loạn” (sakara-dosa), vì nó lấy Trí Tuệ hình Bồ-tát và Tinh Tiến hình Bồ-tát gộp chung lại! Còn theo kiến giải của một số vị luận sư khác như ngài Pháp Hộ (Dhammapāla) thì sự sai biệt về những kỳ hạn ấy là do “trình độ thành thục của Ba-la-mật đưa đến giải thoát” (vimutti paripācanīya dhamma) có chỗ sai khác, tức là mạnh, vừa và yếu.
Giải thích cho kỹ hơn nữa, có thể chia làm 3 loại Bồ-tát khi được thụ ký[2]:
1- Mẫn Tri giả Bồ-tát hay Lược Khai Tri giả Bồ-tát (Ugghāitaññū bodhisatta)[3]: nếu vị Bồ-tát Mẫn Tri giả khi được thụ ký rồi mà cố ý để một kiếp nào đó chứng đắc quả Thanh Văn Giác (Sāvaka-bodhi) tức là A-la-hán, họ sẽ có năng lực chứng đắc quả A-la-hán ngay khi một vị Phật giảng bằng 4 hàng kệ mà chỉ mới đọc đến hàng kệ thứ 3 (tức là chưa đọc xong bài kệ đã ngộ), họ còn có luôn cả Lục Thông và Tứ Vô Ngại Giải Trí;
   (Lục Thông [abhiññā] hay sáu phép thần thông bao gồm:
1/ Thần Biến Thông hay Như Ý Thông [iddhi-vidha];
2/ Thiên Nhĩ Thông [dibba-sota];
3/ Tha Tâm Thông [citta-pariya-ñāa, hoặc cetopariya];
4/ Thiên Nhãn Thông [dibba-cakkhu];
5/ Túc Mạng Thông [pubbenivāsānussati, hoặc pubbenivāsa];
6/ Lậu Tận Thông [āsavakkhaya].
Năm cái đầu là thần thông thế gian thông qua thiền định mà chứng đắc. Còn cái sau là thần thông xuất thế gian phải thông qua Thiền Quán [Vipassanā] mới có thể chứng đắc.
Tứ Vô Ngại Giải Trí là bốn trí tuệ biện giải không ngăn ngại, tiếng Pāḷi là paṭisambhidāñāṇa. Bao gồm:
1/ Nghĩa vô ngại giải [attha];
2/ Pháp vô ngại giải [dhamma];
3/ Từ vô ngại giải [nirutti];
4/ Biện Tài vô ngại giải [patibhāna]).
2- Quảng Diễn Tri giả Bồ-tát (Vipañcitaññū bodhisatta)[4]: nếu vị Bồ-tát Quảng Diễn Tri giả khi được thụ ký rồi mà cố ý để một kiếp nào đó chứng đắc quả Thanh Văn Giác, khi nghe một đức Phật thuyết giảng bằng bài kệ thì họ sẽ chứng đắc A-la-hán lúc nghe đến hàng kệ thứ tư nhưng chưa hết bài kệ. Họ cũng có Lục Thông và Tứ Vô Ngại Giải;
3- Sở Dẫn Đạo giả Bồ-tát (Neyya bodhisatta)[5]: nếu vị Bồ-tát Sở Dẫn Đạo giả khi được thụ ký rồi mà có ý để một kiếp nào đó chứng đắc quả Thanh Văn Giác, họ phải chờ khi đức Phật giảng xong bài kệ bốn hàng rồi mới có năng lực chứng đắc ngay quả A-la-hán, cũng có Lục Thông và Tứ Vô Ngại Giải.
Đối với vị Mẫn Tri giả Bồ-tát, “trình độ thành thục Ba-la-mật đưa đến giải thoát” của vị ấy đã mạnh đến mức chỉ cần sau khi được thụ ký thôi, vị ấy lại tu tập 4 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp tức tốc sẽ thành Phật (hay A-la-hán). Trong khi “trình độ thành thục Ba-la-mật đưa đến giải thoát” của Quảng Diễn Tri giả Bồ-tát chỉ hạng vừa mà thôi, vì sau khi họ được thụ ký, còn phải tu tập đến 8 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp mới có thể thành Phật (hay A-la-hán). “Trình độ thành thục Ba-la-mật đưa đến giải thoát” của Sở Dẫn Đạo giả Bồ-tát rất yếu, vì sau khi được thụ ký, họ còn phải tu tập 16 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp mới có thể thành Phật (hay A-la-hán). Vậy thì ở đây, Mẫn Tri giả Bồ-tát tức là Trí Tuệ hình Bồ-tát; Quảng Diễn Tri giả Bồ-tát tức là Tín Tâm hình Bồ-tát; còn Sở Dẫn Đạo giả Bồ-tát tức là Tinh Tiến hình Bồ-tát.

Giống lúa thì cần phải mất 3, 4 đến 5 tháng mới có thể chín muồi, dù thế nào thì cũng không thể thu hoạch khi chỉ mới có 15 ngày hay 1 tháng được. Cho dù một hôm trời có trút xuống bao nhiêu là nước mưa đi nữa thì nó cũng không thể mọc thân sinh lá trổ bông và kết hạt gạo như ý muốn của chúng ta được. Y như vậy, ba hạng Bồ-tát bất luận là thế nào trong kỳ hạn 4, 8 hay 16 A-tăng-kỳ cộng với 10 vạn đại kiếp, trước đó vẫn chưa viên mãn Ba-la-mật thì chưa thể chứng quả Phật đặng. Ngay cả như trường hợp của vị vương tử Tì-thâu-an-đa-la (Vessantara: Nhất Thiết Độ) sau khi được thụ ký cũng phải thường xuyên thực hành bố thí, trì giới và nhiều loại Ba-la-mật khác v.v… nhưng lại không thể sớm thành Phật được.
   Nên biết, vương tử Tì-thâu-an-đa-la (tiền thân đức Phật) là một vị hay dũng cảm bố thí có tiếng, năm 16 tuổi được phụ vương trao phong chức Thái tử và cho nhiếp chính, mỗi ngày đều xuất số trị giá 60 vạn đồng tiền để bố thí, ngoài ra ngài còn trái ý nguyện của nhân dân nước mình, đem con voi trắng quốc bảo có thể giáng mưa tặng cho nhân dân nước Thắng Thượng (Jetuttara), bởi vậy ngài bị đuổi ra vùng Nữu Sơn (Vakagiri: ngọn núi khúc khuỷu). Cả lúc bị khốn quẫn, ngài cũng đem vợ con mình tặng luôn cho Như-già-ca (Jūtaka), một tay Bà-la-môn già chuyên bắt phụ nữ và trẻ em làm nô lệ. Vị Bà-la-môn này thực ra là do Thiên chủ Đế Thích (Sakka) hóa ra để thử lòng vương tử. Sau khi chết đi, vương tử tái sinh trở thành Thiên nhân cõi Trời Đâu-suất (Tusita) – cõi trời thuộc tầng thứ tư Dục giới.

Hạng người chỉ lo ảo tưởng giàu sang mà không chịu chăm chỉ làm ăn thì sẽ không bao giờ thành tựu được. Chỉ có bỏ ra công sức cố gắng đầy đủ thì chúng ta mới có thể mong chờ đạt đến mục tiêu. Tình lý là vậy, bậc Bồ-tát muốn chứng đắc Phật quả cần phải viên mãn các Ba-la-mật, cống hiến sinh mạng và thân thể của chính mình cho việc tu xả ly (cāga) và thiện hạnh (cariya) để vun bồi đức hạnh. Họ coi việc tu hành như là con đường dẫn đến chứng ngộ Phật quả.
Ngay trong xí nghiệp thương trường, kiếm được nguồn vốn bao nhiêu phụ thuộc vào sự nỗ lực bấy nhiêu. Khi mà nguồn vốn và sự siêng năng mạnh mẽ thì lợi nhuận kinh doanh càng nhiều, còn vốn ít và chăm ít thì lợi nhuận cũng ít đi. Cũng hệt như vậy, thông qua Ba-la-mật được tu tập bằng “Bồ-đề dẫn dắt” (Bodhiparipācaka), xả ly và thiện hạnh thuần thục thì sẽ Giác ngộ chứng đắc, nhưng nói về sự Giác ngộ của các vị Bồ-tát cũng có chỗ khác nhau. Sự khác biệt ấy là do sức chuyên chú tu tập Ba-la-mật của mỗi vị, cũng như trình độ sai khác về xả ly và thiện hạnh thế nào.
Có thể phân tích sự khác biệt như sau:
Chính Đẳng Giác Bồ-tát (Sammasambodhisatta) khi còn chưa được thụ ký thì tích lũy rất nhiều công đức và trong tâm có phát nguyện thành Phật. Chẳng hạn trong một đoạn của “Phật thí dụ” (Buddhāpadāna) trích từ bộ Thí dụ (Apadāna) có nêu rằng:
                                    “Aham  pi  pubbabuddhesu,  buddhattam abhipatthayi
                                    Manasā yeva hutvāna, dhammarajā asankhiyā.”
Dịch:
                                                Vô lượng kiếp đến nay,
                                                Con đối trước chư Phật,
                                                Số nhiều không đếm được,
                                                Phát nguyện thành Pháp Vương (Phật).
Như vậy, trong một khoảng thời gian quá dài khó mà thống kê, trong lòng các vị ấy không ngừng phát nguyện thành Phật, cũng như tích lũy các công đức đặc thù, đến khi vị ấy đủ hết 8 điều kiện (sẽ nói sau), chẳng hạn như trường hợp của ẩn sĩ Thiện Tuệ, Bồ-tát sẽ được thụ ký trước một vị Tôn Phật. Ở đây có một chuyện cần phải lưu ý rằng, “Chí Thượng nguyện” (abhinīhāra) là một hành vi phát nguyện thành Phật, tâm của hành giả phải hướng đến sự chứng đắc thành Phật, và Ước nguyện Chí thượng ấy được phát ra bởi hạng người phát nguyện tu Bồ-tát đạo. Khi mà các vị ấy chưa đầy đủ 8 điều kiện thì sở nguyện họ phát ra trước chư Phật chủ yếu là về nội tâm, vả lại nó chưa phải là cụ túc (đủ đầy) nên vì vậy họ chưa trở thành Bồ-tát. Nhưng một khi đã đủ các điều kiện giống như Bồ-tát Thiện Tuệ, họ sẽ phải mở miệng và thốt lên lời nguyện cho bản thân như vầy:
                                    “Iminā me adhikārena katena purisuttame
                                    Sabbaññuta pāpuitvā tāremi janata bahu.”
Dịch:
                                                Nguyện trước Nhất Thiết Trí,
                                                Con sẽ phụng hiến mình,
                                                Cho nghiệp Tăng thượng hạnh;
                                                Để con chứng Phật quả,
                                                Độ vô lượng chúng sinh.[6]
Lời tác nguyện của họ như vậy tức khắc sinh hiệu lực, cũng từ đây khi được thụ ký rồi họ sẽ trở thành bậc Bất Thối Chuyển Bồ-tát (A-duy-việt-trí: Avivartika). Chư vị ấy đã phát Chí thượng nguyện nhờ kiểm điểm phẩm hạnh bất khả tư nghị của Tôn Phật, cũng như vì đại bi tâm với tất cả chúng sinh mà họ sinh khởi Đại thiện tâm (Mahākusala-citt’uppāda). Đại thiện tâm này có năng lực đặc thù, kích thích họ làm viên mãn Ba-la-mật, cống hiến sinh mạng và thân thể của chính mình để tu xả ly và thiện hạnh nhằm vun bồi rất nhiều phẩm đức. Ngay một khắc nào đó mà đại thiện tâm được sinh khởi trong tâm vị Bồ-tát thì coi như họ đã bước lên con đường nhắm tới Nhất Thiết Trí trí (Phật quả) rồi. Vì họ đã chắc chắn sẽ chứng đắc Phật quả, từ giây phút này họ được xưng tôn hiệu là Bồ-tát. Vì thế Chí thượng nguyện nêu trên là nhờ đại thiện tâm nên họ kiến lập Bồ-tát nguyện và tu tập Ba-la-mật, năng lực xả ly và thiện hạnh của các vị ấy không thứ gì so sánh được. Cũng vì đại thiện tâm kể trên, họ suy xét được rằng phải tu tập các Ba-la-mật như thế nào, cũng như thứ tự của chúng. Họ suy xét các Ba-la-mật là bằng “Ba-la-mật Tư Trạch trí” (Pāramī-pavicaya-ñāa) mà không cần bậc Đạo Sư. Trí này là tiền đề để chứng đắc Nhất Thiết Trí trí, tiếp theo đó là sự thực tiễn và viên mãn các Ba-la-mật một cách chân thật.
Đúng như những gì được nêu trong “Nhân Duyên luận” (Nidāna-kathā) của Chú giải Hạnh Tạng: “Catasso hi bodhisambhāresu bhāvanā sabbasambhāra-bhāvanā nirantara-bhāvanā  cirakāla-bhāvanā  sakkacca-bhāvanā  cā ti”. Bồ-tát sau khi được thụ ký, thông qua 4 thành tựu đó là:
1/ Nhất Thiết Tư Lương thành tựu (Sabbasambhāra bhāvanā): là bồi dưỡng tất cả Ba-la-mật một cách toàn diện và hoàn chỉnh;
2/ Vô Gián Đoạn thành tựu (Nirantara bhāvanā): là trong thời gian để viên mãn các Ba-la-mật là 4, 8 hoặc 16 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp, họ thực hành mảy may không gián đoạn, thậm chí không có một đời một kiếp nào mà họ không tu tập các Ba-la-mật;
3/ Vô Thời Giải Đãi thành tựu (Cirakāla bhāvanā): trong kỳ hạn rất lâu dài (ngắn nhất là 4 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp) họ thực hành mảy may không hề dể duôi lười biếng, thậm chí không bao giờ có chuyện tu ít ỏi trong 1 đại kiếp;
4/ Cung Kính thành tựu (Sakkacca bhāvanā): là nhận chân và thấu triệt trong việc bồi dưỡng các Ba-la-mật.
Nhờ tu tập một cách không ngừng và đặc biệt để chứng đắc đạo trí A-la-hán và Nhất Thiết Trí trí là điều kiện tiên quyết của Ba-la-mật, xả ly và thiện hạnh. Ba-la-mật thì có 10, gọi là Thập Độ.
Xả ly (cāga) được nói đến ở đây là chỉ cho Đại xả (mahāpariccāga) hay còn gọi là sự từ bỏ (bố thí) có tính chất siêu phàm, gồm có 5 thứ đó là: của cải, con cái, vợ, cơ thể và sinh mạng; thiện hạnh (cariya) có nghĩa là làm phúc lợi cho cả hai phía (bản thân và mọi người) nhằm vun bồi cho hành vi hay sự tu hành.
Thiện hạnh chia làm 3 loại đó là:
1- Thế gian lợi ích hạnh (lokattha-cariya): thiện hạnh tu hành vì lợi ích của chúng sinh;
2- Thân tộc lợi ích hạnh (ñātattha-cariya): là thiện hạnh tu hành vì lợi ích của thân nhân họ hàng;
3- Phật quả lợi ích hạnh (Buddhattha-cariya): thiện hạnh tu hành vì chứng đắc Phật quả.

Bồ-tát tức là Vị lai Phật, khi họ nhìn thấy hành trình sự sống của chúng sinh gian nan thống khổ không có nơi quy y, chẳng ai trợ giúp, phải luôn đối mặt với biết bao đau khổ muôn trùng không thể nhẫn chịu ví như: sinh, già, bệnh, chết, kẻ thù, tàn phế, khốn khổ mưu sinh và lúc chẳng may tái sinh vào ác đạo v.v… và v.v… các Bồ-tát được thụ ký ấy cảm động một cách sâu sắc đối với tình cảnh ấy rồi phát khởi đại bi tâm. Vì đại bi tâm này, họ có thể nhẫn nhịn mọi đau khổ do hành vi tội ác mà kẻ khác mang lại cho họ bằng sự ác độc và tàn bạo (như là chặt tay, chặt chân, xẻo tai v.v…), Bồ-tát kham chịu không oán trách, không chấp trước khi bị xâm phạm như vậy, vì họ biết kẻ kia đang là chúng sinh đui mù và vô tri. Hơn thế nữa, Bồ-tát còn trải lòng đại bi với họ, và tấm lòng đại bi của các ngài là vĩnh hằng bất biến.
Ngài rải lòng từ bi với họ như vầy:
- Ta phải đối đãi với những người làm nhục ta như thế nào? Ta là kẻ thực sự giúp người khác thoát ly cái khổ sinh tử luân hồi, gắng sức tu tập Ba-la-mật. Sức mạnh của sự ngu si quả là đáng sợ! Sự ái nhiễm quá ư là mạnh mẽ! Bọn họ thật quá đáng thương! Vì phải bị sự khống chế của ngu si và ái nhiễm, họ gây phạm tội ác cực đại đối với người đang gắng sức giúp họ giải thoát. Vì họ đã phạm những ác hạnh tàn bạo đó, hậu quả nghiêm trọng đang chờ đợi họ.
Ban rải lòng từ bi với họ như thế, Bồ-tát mới thử tìm cách để giải thoát cho họ, nghĩ rằng:
- Vì phải bị sự khống chế của ngu si và ái nhiễm, họ đã nhìn nhận sự vật vô thường một cách sai lầm là thường hằng, lấy khổ làm vui, coi sự vô ngã là ngã (có cái tôi). Ta phải làm cách nào để giải cứu họ đây, làm sao để cho họ được giải thoát khỏi nỗi khổ phát sinh do nhân duyên hòa hợp (pháp hữu vi).
Ngay khi Bồ-tát suy nghĩ như vậy, họ quán sát đến nhẫn nhục (khanti) một cách chính xác rằng đó là cách duy nhất có thể giúp chúng sinh cởi bỏ trói buộc của sự sống. Đối với chúng sinh có hành vi xâm phạm các ngài tàn bạo (như là chém chặt thân thể…), các ngài thậm chí còn không ôm một chút lòng sân hận nào cho dù là nhỏ nhiệm nhất. Các ngài nghĩ: “Do ác nghiệp đã tạo đời quá khứ, bây giờ ta phải cam chịu nỗi khổ này. Ta phải dẫn dắt cho những kẻ thủ ác này”. Như thế các ngài coi ác hạnh của họ là ác nghiệp của mình.
Tiếp theo các ngài nghĩ:
- Chỉ có sự nhẫn nhục đầy đủ, ta mới có năng lực giải cứu bọn họ. Nếu ta cứ ăn miếng trả miếng thì ta sẽ trở thành người sai phạm theo họ thế thôi. Ta sẽ không khác gì họ cả. Vậy làm sao ta có thể giải cứu họ ra khỏi điều khổ nạn sinh tử luân hồi đây? Chắc chắn làm được. Vì vậy ta phải dùng đến nhẫn nhục là cơ bản của tất cả sức mạnh, coi sự ác hạnh của người ta là lỗi xấu của mình, ta sẽ nhẫn nhịn tất cả. Lại nữa, lấy từ bi làm dẫn đạo, ta sẽ viên mãn các Ba-la-mật. Chỉ có thực hành như vậy ta mới chứng đắc Phật quả. Chỉ sau khi chứng đắc Phật quả rồi ta mới có năng lực cứu độ họ, khiến họ được giải thoát khỏi cái khổ do nhân duyên hòa hợp mà sinh khởi.
Như thế các ngài đã nhìn thấu được tình huống chính xác.
Sau khi quán sát như vậy, Bồ-tát dùng đến phương pháp đặc biệt để viên mãn các Ba-la-mật, tức là mười loại Ba-la-mật thông thường, mười loại Ba-la-mật trung đẳng và mười loại Ba-la-mật cứu cánh, gộp lại là ba mươi phép Ba-la-mật. Chúng chính là tư lương Bồ-đề (bodhisambhāra: nguyên liệu cung cấp cho sự Giác Ngộ). Pháp tu tập Ba-la-mật là phương thức thực hành bốn thành tựu kể trên.

Khi Ba-la-mật còn chưa viên mãn (vẫn còn đang tu tập Ba-la-mật, xả ly và thiện hạnh), do nhờ quả báo của đại thiện nghiệp, Bồ-tát có khả năng thường hay tái sinh đến các cõi Trời trường thọ. Nhưng ngài được chọn “Quyết ý tử” (adhimutti-maraa) để rút ngắn thọ mạng của mình trên Thiên giới, vì ở trên Thiên giới rất khó để tu tập Ba-la-mật. Vì vậy, các ngài thường hay tái sinh vào nhân gian (cõi người) để tiếp tục làm viên mãn các Ba-la-mật.
Bất luận nước biển có nhiều thế nào thì chúng cũng có cực hạn. Phía dưới cùng của nó là đáy biển, phía trên cùng của nó là mặt biển, và giới hạn của chu vi bốn bên là núi Thiết Vi (Cakkavāa). Một mặt khác, nguồn biển Bố thí Ba-la-mật được Bồ-tát tu tập và tích lũy mà thành là vô hạn, chúng ta không thể đong đếm được số lượng “ngoại vật thí” và “ngoại tài thí” cũng như máu và thịt, mắt và đầu mà vị Bồ-tát đã phụng hiến bố thí. Như vậy đấy, chúng ta không có cách nào hình dung nổi giới hạn của những Ba-la-mật khác mà các ngài đã làm như là Trì giới v.v… Vì vậy khi so sánh nguồn nước đại dương và biển Ba-la-mật với nhau, chúng ta phải nên biết rằng cái trước bất luận nhiều đến đâu cũng là hữu hạn, ngược lại cái sau là vô hạn.
Vào lúc giữa trưa cuối mùa hè oi ả, nếu có người nào nhảy xuống hồ thì sẽ thấy mát rượi. Chính lúc làm vậy, họ sẽ không thấy bị cơn bức nóng nực của tiết trời. Cũng thế, Bồ-tát tắm mình tràn ngập trong dòng nước từ bi tâm, khi ngài vì chúng sinh mà tầm cầu phúc lợi, ngài đắm mình vào nguồn biển Ba-la-mật vô tận. Vì trong khi ngài chìm ngập trong tấm lòng đại bi, cho dù những hạng tà ác tàn bạo có chặt chém tay chân của ngài v.v… ngài cũng sẽ không bao giờ coi sự đau đớn tột cùng ấy là thống khổ cả, đại từ bi tâm đã chiến thắng sự chấp trước về thể xác rồi.

Sau khi Bồ-tát được thụ ký, cần phải có thời gian ít nhất là 4 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp để tu tập các Ba-la-mật, cho đến đời cuối cùng sau khi Ba-la-mật đã hoàn toàn viên mãn (ví như trường hợp của vương tử Tì-thâu-an-đa-la). Căn cứ Kinh Tương Ưng Bộ (Saṁyutta Nikāya), thời gian của một đại kiếp bằng với lúc trong khi một chúng sinh đang sinh tử luân hồi, lấy xương cốt của mỗi một đời chất lên thành một tòa núi cao (cỡ như dãy Himalaya chẳng hạn). Thời gian quá lâu dài như thế đấy, huống chi là 4 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp, số lần mà Bồ-tát sinh ra còn nhiều hơn số giọt nước của đại dương. Trong vô số đời, vô số kiếp, không có một chúng sinh nào chưa từng nhìn thấy cảnh Bồ-tát đang thực hiện Ba-la-mật, hay là chưa từng nhận được lợi ích từ điều đó.
Câu chuyện số 550 trong Kinh Bản Sinh (Jātaka) và chuyện trong Hạnh Tạng chỉ là một phần ví dụ nhỏ nhoi trong thời gian dài lâu xa đăng đẳng 4 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp của Bồ-tát thôi, nó giống như múc một chén nước biển trong biển cả mênh mông vậy, chẳng qua lấy mẩu chuyện đó để làm tiêu biểu thôi. Đức Phật khi có nhân duyên đầy đủ và tình huống thích hợp Ngài mới kể ra câu chuyện đó. Những câu chuyện mà Ngài đã nói hay chưa nói ra cũng ví như chút nước biển trong đại dương vậy đấy.
Trong bộ Thắng Giả Trang Nghiêm (Jinālakāra)[7], có một đoạn xưng tụng đối với sự tu tập Bố thí Ba-la-mật của Bồ-tát như sau:
                                    “So sāgare jaladhika rudhira adāsi
                                    Bhumi parājiya samasam adāsi dāna
                                    Meruppamāam adhikañca samoisīsa
                                    Khe tārakādhikatara nayana adāsi.”
Dịch:
                                                Với trí tuệ vô hạn
                                                Lòng tín thành sung mãn
                                                Bồ-tát đã bố thí,
                                                Dòng máu từ xác thân
                                                 Còn nhiều hơn nước biển;
                                                Với trí tuệ vô hạn
                                                Lòng tín thành sung mãn
                                                Bồ-tát đã bố thí,
                                                Thớ thịt từ xác thân
                                                Trải khắp vạn do-tuần[8];
                                                Với trí tuệ vô hạn
                                                Lòng tín thành sung mãn
                                                Bồ-tát đã bố thí,
                                                Châu báu mang bên mình
                                                Cao hơn núi Tu-di;
                                                Với trí tuệ vô hạn
                                                Lòng tín thành sung mãn
                                                Bồ-tát đã bố thí,
                                                Con mắt tự moi ra
                                                Hơn tinh tú trên trời.
Đối với hạng Độc Giác Bồ-tát (Vị lai sẽ là Bích-chi Phật) thì cần phải tu tập Ba-la-mật dài đến 2 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp. Nếu thời kỳ họ tu tập Ba-la-mật ít hơn số 2 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp thì họ không thể thành tựu Bích-chi Phật được. Tình hình thì cũng giống như Chính Đẳng Giác Bồ-tát vậy, khi hạn kỳ chưa đến thì Ba-la-mật không thể viên mãn, vậy thì không thể chứng đắc Bích-chi Bồ-đề được.
Riêng về Thanh Văn Giác, tức là Đệ tử Bồ-đề, có 3 loại, đó là:
1- Vị lai Thượng thủ Thanh Văn (Aggasāvaka): cứ mỗi vị Tôn Phật thì có hai vị đệ tử là bậc Thanh Văn thượng thủ (đứng hàng đầu), giống như đức Phật Cù-đàm (Thích-ca Mâu-ni) có hai vị thượng thủ là Tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) và Tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallāna) vậy;
2- Vị lai Đại Thanh Văn (Mahā-sāvaka): giống như tám mươi vị đại đệ tử A-la-hán của đức Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni vậy[9];
3- Vị lai Phổ thông Thanh Văn (Pakatisāvaka): ngoại trừ các hạng A-la-hán đệ tử nêu trên, còn lại là bậc Thanh Văn bình thường.
Như vậy gộp lại là có 3 loại Vị lai Thanh Văn. Trong 3 loại này, Thượng thủ Thanh Văn vị lai cần phải tu tập Ba-la-mật dài đến 1 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp; Đại Thanh Văn vị lai thì phải tu tập 10 vạn đại kiếp; còn về kỳ hạn của hàng Phổ thông Thanh Văn thì trong Kinh điển không có đề cập. Bất luận thế nào, chú giải và sớ giải của “Túc Trụ luận” (luận về đời sống quá khứ) trong Chú giải Kinh Đại Bản[10] nêu ra rằng Đại Thanh Văn có thể nhìn thấy đời sống quá khứ của mình dài đến 10 vạn đại kiếp, vậy thì năng lực của hàng Phổ thông Thanh Văn có thể ít hơn số đó. Vì trong mỗi một đời họ đều có tu tập Ba-la-mật, từ điểm này suy ra, kỳ hạn tu tập Ba-la-mật của Vị lai Phổ thông Thanh Văn sẽ không vượt quá 10 vạn đại kiếp. Vì thế, kỳ hạn của họ là bất định, có thể là 100 hay 1,000 đại kiếp v.v… Dựa theo cách nhìn của một số vị Luận sư, đôi khi họ có thể chỉ một hoặc hai đời thôi cũng được, chẳng hạn câu chuyện kể về con ếch xanh (maṇḍuka) trong Thiên Cung sự (Vimānavatthu): vào thời đức Phật tại thế, khi Phật đang giảng kinh thuyết pháp, có một con ếch xanh nọ chẳng ai biết đến cứ chăm chú nghe âm thanh của Phật, đến khi có một người già nua vô tình giẫm lên nó; con ếch tuy đau xiết nhưng vì sợ la lên sẽ làm kinh động mọi người và có thể gây gián đoạn thời giảng kinh, nó nhẫn nhịn chịu đau cho đến khi buổi giảng kết thúc thì nó chết; sau khi chết, nhờ phước lành hoan hỷ và nhẫn nhịn ấy, con ếch xanh được tái sinh lên cõi Trời, sau đó, Thiên thần Ếch kia đã bay xuống trần gian gặp đức Phật đảnh lễ và xin nghe Phật thuyết pháp; đức Phật giảng xong, Thiên thần ấy liền chứng ngay quả Tu-đà-hoàn (Sotāpanna). Tu-đà-hoàn còn gọi là quả Dự Lưu, nhập dòng Thánh, tức đã là Sơ quả Thanh Văn, theo Kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy, vị nào đã chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn thì cũng được gọi là Thanh Văn, và thời gian để vị ấy đạt đến Tứ quả A-la-hán tối đa là bảy đời nữa[11].

Như trước đã kể, 3 hạng Bồ-tát (Vị lai Phật) sau khi đã viên mãn Ba-la-mật trong kỳ hạn của mỗi vị, họ sẽ có thể tự thông chứng đắc thấu triệt Bốn đạo trí (maggañāa) về Tứ Thánh Đế, không thầy chỉ dạy, cũng như Nhất Thiết Trí trí – có thể biết hết mọi chuyện. Họ đồng thời cũng đạt được đặc chất vô hạn (ananta) và vô lượng (aparimeyya) của Phật. Những đặc chất này quả thật là rất nhiều, nếu một đức Phật chỉ tán dương phẩm chất của một vị Phật khác mà không bàn tới chuyện khác của vị ấy nữa thì cho dù có kể suốt đến hết một đại kiếp đi nữa cũng còn chưa thể nói xong những phẩm chất ấy. Bậc Thánh trong chúng sinh nào đã chứng đắc loại Bồ-đề này thì quả thật trong Tam giới không ai sánh bằng, đáng được xưng tụng là Nhất Thiết Trí Phật-đà hoặc bậc Chính Đẳng Chính Giác (Sammāsambuddha: Tam-miệu Tam-Phật-đà).
Sau khi viên mãn các Ba-la-mật trong kỳ hạn là 2 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp, vị Độc Giác liền có thể chứng đắc thấu triệt Bốn đạo trí về Tứ Thánh Đế, không thầy chỉ dạy. Nhưng các ngài lại không thể chứng đắc Nhất Thiết Trí trí và Thập Lực Trí (trí tuệ mười lực)… Hạng Thánh nhân này được xưng là Bích-chi Phật.
Ba hạng Vị lai Thanh Văn sau khi viên mãn các Ba-la-mật trong kỳ hạn thích hợp của mỗi vị, họ sẽ nhờ cậy được sự giúp đỡ của một bậc Đạo sư Giác ngộ (Phật) để chứng đắc thấu triệt Bốn đạo trí của Tứ Thánh Đế. Các vị Thánh nhân chứng quả Thanh Văn Giác được xưng là Thanh Văn Đệ Tử, họ có thể là Thượng thủ Thanh Văn, Đại Thanh Văn hoặc Phổ thông Thanh Văn.
Trong ba hạng Giác giả trên (Nhất Thiết Trí Phật, Bích-chi Phật và Thanh Văn Phật), Nhất Thiết Trí Phật-đà còn gọi là Toàn Giác Phật, các Ngài được xưng là bậc Tế Độ (Tārayitu); các Ngài là đấng Chí thượng, sau khi tự độ lại có thể độ tha nhằm thoát ly khổ hải Sa-bà (tức sinh tử luân hồi). Khi đức Phật Toàn Giác và Phật Pháp của Ngài còn tại thế thì Bích-chi Phật sẽ không xuất hiện, họ chỉ xuất hiện trong thời kỳ không có Phật, có thể là ngay giữa khoảng cách xuất hiện của hai vị Phật. Chẳng hạn, hiện nay Phật Pháp của đức Thích-ca Cù-đàm vẫn còn, đến khi nhân loại nói riêng và chúng sinh nói chung không còn tin và theo Phật Pháp nữa, khiến Phật giáo mất đi giữa thiên hạ, trong khoảng thời gian Phật Pháp bị tiêu diệt như vậy cho đến khi trước lúc đức Phật Di-lặc (Metteyya) ra đời, trong giữa lúc đó nếu có vị nào giác ngộ Chân lý và tu hành chứng đắc Thánh quả, vị đó chính là Bích-chi Phật, tức là Giác ngộ bằng tự sức mình, không phải nhờ học biết Giáo lý của Phật Toàn Giác như hàng Thanh Văn, nhưng lại không có khả năng truyền đạt Pháp chứng ngộ của mình cho kẻ khác, thành ra vị Độc Giác không cần thầy dạy nhưng cũng không dạy được ai!
Phật-đà thì “vô sư tự ngộ” Tứ Thánh Đế và có năng lực truyền dạy cho người khác. Bích-chi Phật cũng là “vô sư tự ngộ” Tứ Thánh Đế nhưng bất luận thế nào cũng không có năng lực truyền dạy và khiến người khác Giác ngộ; sau khi họ tự thân chứng đạo quả Giác ngộ và Niết-bàn rồi, họ không biết làm sao để giảng giải sự thể nghiệm chứng ngộ của mình, vì họ không có tài nắm bắt văn chương chữ nghĩa ngôn từ của thế gian làm sao để diễn đạt thích đáng với pháp Xuất thế gian. Thành ra, trí tuệ về Tứ Thánh Đế (Dhammābhisamaya: Pháp hiện quán) của vị Bích-chi Phật được các vị Luận sư thí dụ như là “giấc mộng của người câm” hoặc như là anh nông dân không biết hình dung chữ nghĩa lời nói ra sao để mô tả thể nghiệm cuộc sống của mình. Như vậy Bích-chi Phật có khả năng tự độ nhưng lại không thể độ tha.
Bích-chi Phật có thể là người cắt tóc xuất gia làm Tỳ-khưu, họ cũng có thể dạy người khác về uy nghi chính hạnh, tức là Đẳng Chính hành nghi học (ābhisamācārika), dạy rằng: “Ngươi phải nên đi về phía trước, lùi về phía sau, khi nhìn và khi nói một cách điềm tĩnh, thăng bằng”. Nhưng lại không thể dạy người phân biệt danh sắc (nāma-rūpa) ra sao cũng như quán chiếu tam tướng của chúng (tức là: Vô thường, Khổ, Vô ngã) v.v… để khiến người ta giác ngộ đạo và quả.
Thanh Văn đệ tử được gọi là bậc Thụ Độ (tārita), tức là họ tiếp nhận sự trợ giúp và giải cứu từ đức Phật để mà vượt khỏi khổ hải Sa-bà. Khi ngài Ưu-ba-để-sa (Upatissa, tên thật của Trưởng lão Xá-lợi-phất) nghe Tôn giả A-thuyết-thị (Āssaji: Mã Sư) nói: “Ye dhammā hetuppabhavā tesa hetu tathāgato āha” (Các pháp do nhân mà sinh, Thế Tôn đã nói ra nhân của chúng), ngài liền chứng đắc đạo quả Tu-đà-hoàn.
Vì thế, Bích-chi Phật là đấng Tự độ, Thanh Văn là đấng Thụ độ. Từ sau khi họ chứng đạo và quả A-la-hán rồi, họ thường hay tiến vào Quả định (Phalasamāpatti) và Diệt Tận định (nirodhasamāpatti) nhằm thể nghiệm niềm vui của sự tịch tĩnh, nhưng họ không phải thường xuyên gắng sức để đem lại lợi ích cho chúng sinh.
Về một phương diện khác, Phật-đà không phải chỉ ngừng lại ở việc đem lại niềm vui cho bản thân thôi. Sự thật trong thời gian Ngài viên mãn Ba-la-mật, Ngài đã hạ quyết tâm: “Sau khi Ta hiểu rõ Tứ Thánh Đế, Ta sẽ khiến người khác cũng hiểu rõ như Ta” v.v… Vì thế, Ngài chấp hành năm nhiệm vụ của Phật-đà cả ngày lẫn đêm. Vì cần phải chấp hành năm nhiệm vụ này, Phật chỉ nghỉ ngơi một lần sau khi dùng cơm thôi. Lúc tối trời, Ngài chỉ dùng một khoảng thời gian bằng 1/3 đêm đoạn sau để nghỉ ngơi (tức là chỉ có khoảng 2 tiếng đồng hồ). Những thời gian khác Ngài đều dùng để chấp hành nhiệm vụ. Chỉ có đức Phật mới có “sức tinh tiến đặc biệt và tối cao” (payatta) như vậy, đây cũng là một trong nhiều thành tựu của Phật-đà; và vì vậy chỉ có Phật-đà mới có thể chấp hành những nhiệm vụ này. Chấp hành những nhiệm vụ này không hề nằm trong phạm vi năng lực của Bích-chi Phật và Thanh Văn.

Suy xét sâu sắc về bốn phương diện của Bồ-tát và Phật-đà, tức là: Bồ-tát (Vị lai Phật), nhiệm vụ của Bồ-tát, Phật-đà, nhiệm vụ của Phật-đà, có thể khiến chúng ta tỉnh ngộ rằng Phật-đà xuất thế quả là một hiện tượng hết sức hiếm có.
Giải thích cho tường tận: có nhiều người sau khi nhìn thấy hay nghe được uy lực và thành tựu của đức Phật (thí như đánh bại hàng ngoại đạo kiêu căng tự đại, hiển hiện song thần biến v.v…), họ đều phát nguyện thành Phật. Sau khi đức Phật thuyết xong Vi Diệu Thắng Pháp (Abhidhamma) trên cõi Trời Đao-lợi (Tāvatisa: Tam Thập Tam thiên) và trở về nhân gian, Ngài hiển xuất “Tự Thiên Hạ Giáng thần thông” (devorohaa) để khiến cho người, thiên thần và Phạm Thiên đều có thể nhìn thấy đối phương lẫn nhau. Phạm vi của Tự Thiên Hạ Giáng thần thông trên đến cõi Trời cao nhất của Sắc giới là Hữu Đỉnh thiên (Bhavagga: tức Sắc Cứu Cánh thiên), dưới đến tận địa ngục sâu nhất là A-tỳ (Avīci). Đây là một phép biến hóa khiến cho chúng sinh trong vũ trụ có thể nhìn thấy nhau dù khác và cách xa về chiều không gian, bất kể đó là loài nào, con người hay thiên thần, hay là sinh vật nào khác ở đâu đi nữa, bốn phương tám hướng xa đến vô biên thế giới. Chư Thiên nhân loại rõ trông phong thái phi phàm “có một không hai” của đức Phật, không có ai không vì mối nhân ấy mà phát nguyện thành Phật. Câu chuyện “trên trời giáng phàm” có được nêu ra trong Chú giải Kinh Pháp Cú cũng như trong sự mô tả về ba phép thần biến của Thắng Giả Trang Nghiêm sớ.
Mặc dù số lượng chúng sinh sau khi nhìn thấy hoặc nghe được thành tựu của Phật bèn phát nguyện thành Phật rất nhiều, nhưng trong đó có hạng thì tín tâm, trí tuệ, nguyện lực và sức tinh tiến đều yếu cả, với lại mọi phương diện quan hệ với Ba-la-mật thì thời gian chiều sâu và lâu dài để viên mãn các Ba-la-mật đời đời kiếp kiếp không thể gián đoạn, họ cần phải nhận chân, thấu triệt và không tiếc hy sinh tính mạng khi thực hành, thế thì mới tiến lên mà không sợ thoái chuyển được. Chỉ có khi viên mãn các Ba-la-mật một cách kiên nhẫn không ngừng thì mới chứng được Chính Đẳng Chính Giác. Vì vậy mà Phật quả được gọi là chuyện “khó được” (dullabha). Việc đức Phật ra đời thật sự là hiện tượng phi thường hy hữu. Vì thế, trong bộ kinh thứ 2 của Tương Ưng Bộ: “Một tập”: <phẩm một người> (Aguttara Nikāya,  Eka-nipāta, Ekapuggala Vagga) nêu rằng:
            “Ekapuggalassa  bhikkhave  pātubhāvo  dullabho  lokasmi: 
katamassa  kapuggalassa?  Tathāgatassa  arahato  sammāsambuddhassa  imassa  kho  bhikkhave  ekapuggalassa pātubhāvo dullabho lokasmi
ṁ”.
Dịch:
            Này các Tỳ-khưu! Có sự xuất hiện của một người trong thế gian này là điều hết sức hy hữu khó được. Đó là ai vậy? Đó chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chính Đẳng Giác. Sự xuất hiện của Ngài thật là điều hết sức hy hữu khó được.
Trong Chú giải bộ kinh này cũng có giải thích vì sao sự ra đời của Phật là hết sức hy hữu. Chỉ nói riêng về Bố thí Ba-la-mật trong Thập Độ (Mười Ba-la-mật) thôi, chúng ta không thể nào chỉ tu 1 lần, hoặc 2 lần, hoặc 10 lần, hoặc 20 lần, hoặc 50 lần, hoặc 100 lần, hoặc 1000 lần, hoặc 10.000 lần, hoặc 10 nghìn vạn lần, hoặc 10 ức lần, hoặc 10.000 ức lần, hoặc 100.000 ức lần mà có thể thành Phật đâu. Cũng vậy, chúng ta không thể nào chỉ tu mới 1 ngày, hoặc 2 ngày, hoặc 10 ngày, hoặc 20 ngày, hoặc 50 ngày, hoặc 100 ngày, hoặc 1000 ngày, hoặc 100.000 ngày, hoặc 10 ức ngày, hoặc 1 tháng, hoặc 2 tháng, hoặc 100.000 ức tháng, hoặc 1 năm, hoặc 2 năm, hoặc 100.000 ức năm, hoặc 1 đại kiếp, hoặc 2 đại kiếp, hoặc 100.000 ức đại kiếp, hoặc 1 A-tăng-kỳ đại kiếp, hoặc 2 A-tăng-kỳ kiếp, hoặc 3 A-tăng-kỳ kiếp là thành Phật được đâu. (các Ba-la-mật khác như Trì giới, Xuất ly, Trí tuệ, Tinh tiến, Nhẫn nhục, Chân thật, Quyết ý, Từ và Xả tình hình cũng giống vậy), sự thật kỳ hạn ngắn nhất phải là 4 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp. Chỉ có trong thời gian quá lâu xa như vậy, sau khi viên mãn các Ba-la-mật một cách hết sức cung kính, nhiệt thành, nhận chân, thấu triệt và mảy may không gián đoạn thì mới có thể thành Phật. Đây là lí do tại sao việc đức Phật ra đời là hết sức hiếm có, hiếm có lắm. Ngay cả Sớ giải bộ Kinh này cũng nhấn mạnh rằng chỉ sau khi tu tập các Ba-la-mật chí ít 4 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp mới có thể thành Phật. Muốn đạt Phật quả đúng là chuyện không dễ dàng.

Bồ-tát lần lượt xuất sinh suốt 4 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp (tỉ như kiếp từ ẩn sĩ Thiện Tuệ đến thái tử Tì-thâu-an-đa-la), số kiếp nhiều như giọt nước trong biển cả. Suốt đời đời kiếp kiếp Ngài thực hiện các Ba-la-mật viên mãn không gián đoạn và nhiều đến mức không thể đong đếm được. Thực tế thì những Ba-la-mật này không thể thí dụ nổi. Trong bộ Thắng Giả Trang Nghiêm có câu kệ rằng:
“Mahāsammudde jolabinduto pi
tad antare jāti anappakā ’va
nirantata puritapāramina
katha pamāa upamā kuhi va.”
Dịch:
Từ ẩn sĩ Thiện Tuệ,
Đến Tì-thâu-an-đa,
Bao kiếp Ngài sinh ra,
Nhiều như nước trong biển.
Ai có thể đong lường,
Ba-la-mật viên mãn?
Liệu một ví dụ nào,
Hình dung nổi điều này?
Ngoài ra, Chú giải và Sớ giải của Kinh Đạo Lương (Pātheyya Sutta) với Thắng Giả Trang Nghiêm – chú thích về đức tướng của một trăm loại thiện nghiệp (satapuñña lakkhaa) có đề cập: “Nếu tính từ lúc ẩn sĩ Thiện Tuệ phát nguyện thành Phật với đức Nhiên Đăng Cổ Phật, cho đến thời gian vương tử Tì-thâu-an-đa-la bố thí luôn cả vợ mình là công nương Mã-đế (Maddī), gom hết tất cả mọi thiện nghiệp bố thí v.v… của chúng sinh đã tu tạo khắp vô biên thế giới chất lại so sánh với những nghiệp thiện mà Bồ-tát đã tu đồng thời thì thiện nghiệp của cái trước không bằng một phần trăm của cái sau, thậm chí một phần ngàn”.
Đừng nói trở thành một vị Phật giác ngộ viên mãn, cho dù muốn đạt đến cảnh giới được thụ ký như ngài Thiện Tuệ để trở thành Bồ-tát cũng phải đầy đủ 8 điều kiện sau đây:
1- Là con người;
2- Là đàn ông;                                              
3- Ba-la-mật đã viên mãn đến mức sẵn sàng cho một kiếp nào đó họ sẽ chứng quả A-la-hán;
4- Gặp được một vị Phật còn sống;
5- Là một vị ẩn sĩ (kammavādi, tức là người xuất gia bên ngoài Phật giáo) có lòng tin vào nghiệp lực, hoặc là một vị Tỳ-khưu Phật giáo;
6- Có đủ bốn thiền tám định và năm thần thông;
7- Có sức tinh tiến phi phàm sẵn sàng không tiếc hy sinh tính mạng của mình để tu Ba-la-mật;
8- Có mong ước tốt đẹp muốn kẻ khác phát nguyện thành Phật.
Chỉ khi đủ 8 điều kiện này thì người đó mới có thể đội “vương miện thụ ký” được. Vì vậy, đừng nói thành Phật-đà, dù muốn đạt đến cảnh giới được thụ ký như Bồ-tát Thiện Tuệ cũng hết sức khó khăn rồi. Muốn được thụ ký thành Bồ-tát đã khó khăn vậy rồi, kể cả sau khi được thụ ký đi nữa thì kỳ hạn ít nhất trong 4 A-tăng-kỳ và 10 vạn đại kiếp thông qua bốn phương thức thành tựu viên mãn các Ba-la-mật mới có thể thành Phật, độ khó như vậy làm sao mà hình dung nổi? Thành Phật quả thực rất khó.
Vì Phật quả rất khó được nên “thời kỳ” Phật xuất thế cũng rất khó gặp. Về điểm này, trong phần ‘Tám Tập’ (Aṭṭhaka Nipāta) của Tăng Chi Bộ Kinh (Aguttara  Nikāya) có nêu ra tám “thời kỳ bất hạnh” (Akkhaa: còn gọi là Bát nạn) của thế giới Sa-bà, đó là:
1) Sinh vào địa ngục (niraya): đây là một thời kỳ bất hạnh, vì chúng sinh nào sinh vào nơi đây sẽ từng phút từng giây chịu biết bao đày đọa thống khổ cùng cực, họ không thể nào hành thiện nổi;
2) Sinh vào đường súc sinh (tiracchana): đây là một thời kỳ bất hạnh, vì những sinh vật này luôn luôn sống trong nỗi sợ hãi nên không thể tu thiện, vả lại bản chất ngu si không biết phân biệt thiện ác;
3) Sinh vào đường ngạ quỷ (peta): đây là một thời kỳ bất hạnh, vì những sinh mạng này luôn bị đày đọa bởi sự nóng rát, thiêu cháy và đói khát đến cùng tận, làm sao mà tu thiện nổi;
4) Sinh vào Trời Vô Tưởng Hữu Tình (asaññāsatta-bhūmi): đây là một thời kỳ bất hạnh, vì chúng sinh nào tái sinh vào cõi Trời này sẽ im lặng bất động, chẳng khởi tâm tưởng, các căn không đầy đủ, ngay cả tai cũng không có để mà nghe Phật Pháp thì sao tu thiện kiểu gì (Trong bộ Thắng Giả Trang Nghiêm bao gồm cả Vô sắc giới vào trong);
5) Sinh vào những bộ lạc man rợ xa xôi: đây là một thời kỳ bất hạnh, vì lỡ sinh vào chốn này sẽ không có cơ hội được tiếp xúc với bậc Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, đệ tử Phật hay tín đồ Phật giáo. Cái chính là nhân dân ở đó đều lạc hậu và thiếu tri thức, vì vậy họ chẳng biết tu thiện pháp là gì. Mặc dù họ có tai mắt đầy đủ đấy, nhưng chẳng có cơ hội gặp gỡ lắng nghe Phật Pháp được rồi;
6) Sinh làm hạng người có “tà kiến cố định” (niyata-micchadiṭṭhi): đây quả là hạng người bất hạnh, kẻ có “tà kiến cố định” dù có được sinh vào quốc độ nơi Phật xuất hiện, Pháp âm của Phật như sư tử rống vang khắp toàn quốc đi nữa, hắn cũng không thể lắng nghe và tu tập Phật Pháp;
7) Sinh làm hạng người năm căn không đủ: thực là bất hạnh, do ác nghiệp đời quá khứ, thành ra tâm kết sinh (paisandhicitta: tức là tâm tái tục) của họ thiếu sót ba nhân thiện, tức Vô tham, Vô sân và Vô si (ahetuka-paisandhika: Vô nhân kết sinh). Do đó năm căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của họ không toàn vẹn. Giả sử họ có sinh ở Trung quốc và không hề có “tà kiến cố định” đi nữa, nhưng vì năm căn không đủ, họ không thể nhìn thấy bậc Thánh, không thể nghe ngóng hay tu tập Phật Pháp mà các ngài đã dạy;
(Trung quốc ở đây chỉ cho trung tâm văn hóa của Ấn-độ cổ đại, tức miền đông bắc Ấn-độ hiện giờ, là nơi sinh sống của những người có tố chất thượng đẳng, bao gồm cả nơi quê sinh của chư Phật quá khứ. Lưu ý: đừng hiểu lầm sang khái niệm nước Trung Quốc hiện nay.)
8) Sinh vào thời kỳ không có Phật xuất thế: đây là thời kỳ bất hạnh vì suốt thời kỳ đó dù con người có sinh ra tại Trung quốc, họ có đủ năm căn và Chính kiến (tức là trí hiểu nghiệp báo) thì cũng không có cơ hội tu tập Tam học: Giới – Định – Tuệ.
Khác với 8 thời kỳ bất hạnh (akkhaa) nêu trên, thời kỳ thứ chín rất là may mắn, nó được gọi là “thời kỳ thứ chín của Phật xuất thế” (Budd’uppāda-navamakhaa), vì đây là thời kỳ có Phật ra đời. Sinh vào thời kỳ này, người nào đầy đủ năm căn và giữ gìn Chính kiến thì sẽ có cơ hội bồi dưỡng và tu tập Pháp do Phật dạy. Thời kỳ thứ chín của Phật xuất thế bao gồm cả thời kỳ đức Phật còn tại thế cũng như khi Phật Pháp còn trụ thế. Như chúng ta hôm nay dù đã cách xa thời đức Phật Thích-ca Cù-đàm đã hàng ngàn năm rồi, nhưng may mắn Giáo pháp của đức Phật vẫn còn tồn tại đến ngày nay, và theo niềm tin của Phật giáo Nguyên thủy, Chính Pháp trụ thế 5,000 năm, đến nay vẫn chưa mãn, thế nên những người Phật tử chính tín hiện nay quả thực đang sống trong một thời kỳ may mắn. Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội hiếm có này mà tiếp tục cuộc sống buông lung theo thế lợi danh dục, hãy gắng tu hành mong đạt đến cảnh giới chấm dứt sự luân hồi tái sinh. Nếu cứ tiếp tục buông xuôi để rồi phải tái sinh thêm nhiều kiếp nữa, bạn có thể sẽ không còn cơ hội được tái sinh vào môi trường và thời gian có Giáo pháp Phật-đà còn trụ thế nữa đâu. Như vậy sẽ vô cùng bất hạnh!

Những người Phật tử sinh vào thời hiện nay thực may mắn, năm căn đầy đủ, có Chính kiến và sinh trong thời kỳ Chính Pháp trụ thế, chúng ta được gặp “thời kỳ thứ chín của Phật xuất thế” hy hữu. Mặc dù được nhân duyên thù thắng như vậy, nhưng nếu chúng ta cứ sống dể duôi, không tu tập Giới–Định–Tuệ, vậy thì lỡ mất cơ hội ngàn vàng này rồi. Cơ hội sinh vào thời kỳ bất hạnh rất cao và nhiều lần, nhưng ngược lại cơ hội được sinh trong thời đại Chính Pháp trụ thế vô cùng mỏng manh và khó liệu chừng được. Phải chờ sau vô số đại kiếp rất lâu xa mới mong có một vị tôn Phật xuất hiện. Vì vậy thời kỳ thứ chín của Phật xuất thế là hết sức hy hữu khó được.
Những người Phật tử hiện nay đã có được hai phước lành này rồi: một tức là sinh vào thời kỳ Chính Pháp trụ thế vô cùng khó gặp, hai tức là những người sinh ra đời có Chính kiến. Vì vậy trong thời kỳ thứ chín của Phật xuất thế bây giờ, chúng ta cần phải suy xét một cách hẳn hoi và chính xác rằng: “Làm thế nào chúng ta mới có thể biết rõ Phật Pháp? Chúng ta không thể lỡ mất thời kỳ hoàng kim Chính Pháp trụ thế này được. Nếu lỡ mất rồi thì chúng ta sẽ chịu khổ trường kỳ trong bốn đường ác một cách thê thảm”. Hãy tự cứu lấy mình và những ai có duyên được hóa đạo, đừng nghĩ đời sống mấy mươi năm đã cho là dài, thời gian không gặp được Phật còn kéo dài hàng trăm ngàn đại kiếp, so với vài kiếp người thật đăng đẳng biết dường nào.  
Ghi nhớ điều này, hỡi những người gặp được thời kỳ thứ chín của Phật xuất thế vô vàn hiếm có này, hy vọng quý vị có thể bồi dưỡng và tu tập Tam học: Giới–Định–Tuệ đã được Phật dạy, cho đến khi chứng đắc quả A-la-hán.


[1] Đoạn bình giải Pāḷi này được rút từ Kinh Tê Giác (Khaggavisāṇa-sutta) trong bộ Kinh Tập (Sutta Nipāta).
[2] Thụ ký: là lời ghi nhận mang tính tiên tri của một vị Chính Đẳng Giác dành cho một người (chúng sinh) nào đó rằng người ấy sẽ thành Phật kế tiếp trong đời vị lai. Những vị nào được thụ ký luôn luôn được gọi là Bồ-tát.
[3] Mẫn Tri giả Bồ-tát là hạng được giải thích là đã tự trải nghiệm sự thâm nhập đối với chân lý.
[4] Quảng Diễn Tri giả Bồ-tát là hạng liễu giải Chân lý sau khi được diễn giải. Theo điều này thì hạng Bồ-tát ấy sẽ nhận ra chân lý chỉ khi được giải thích tỉ mỉ, chi tiết về những điều đã dạy cho họ trong một hình thức giản gọn, súc tích.
[5] Sở Dẫn Đạo giả tức là “yêu cầu dẫn dắt”. Đây là hạng Bồ-tát mà phải thông qua khuyến dạy và đặt câu hỏi, nhờ sự suy xét bằng trí tuệ, cũng như hay lui tới những Hiền đạo hữu để giao thiệp qua lại với họ, dần dần được dẫn vào sự thâm nhập đối với chân lý.
[6] Đây là lời phát nguyện thuở xưa của Bồ-tát Thiện Tuệ (Tiền thân của Phật Thích-ca bây giờ). Đức “Nhất Thiết Trí” được nói đến trong lời nguyện chính là Nhiên Đăng Cổ Phật (Dipakara Buddha). Trích từ thi kệ số 57 trong “Thiện Tuệ luận” (Sumedha-kathā) của Phật Sử (Buddhavaṁsa).
[7] Thắng Giả Trang Nghiêm là một tập kệ thơ bằng tiếng Pāḷi gồm 2,050 bài thơ với nội dung là lịch sử cuộc đời đức Phật. Không rõ ai là tác giả, giả thuyết nhiều nhất cho rằng tác giả bộ sách ấy là Trưởng lão Phật Thí (Buddhadatta).
[8] Theo chính nguyên văn là trải rộng ra mặt đất hơn 240,000 do-tuần (yojana).
[9] Có thể tìm trong Chú sớ giải của Trưởng Lão Tăng kệ (Theragāthā) để biết danh sách 80 vị đại đệ tử của Phật, bắt đầu từ ngài A-nhã Kiều-trần-như (Kondaññā) cho đến cuối cùng là Trưởng lão Hạt Sắc (Piṅgiya).
[10] Kinh Đại Bản là bài kinh số 14 trong “Trường Bộ” (Dīgha Nikāya). Nó thuật tỉ mỉ về cuộc đời của đức Phật Tì-bà-thi (Vipassī Buddha). Ngài là một trong bảy vị Phật xuất hiện trước đức Phật Thích-ca. Do bộ Kinh này có phần chương tụng nhiều nhất (Bhāavāra) nên được gọi là “vua trong các Kinh” (Kinh trung chi vương).
[11] Chi tiết này xem thêm trong phần Tiểu Tụng (Khuddakapāha) của Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi thứ 1 (Nam Bắc triều Đại chiến Diễn nghĩa)

  b õ a   NAM–B Ắ C TRI Ề U ĐẠ I CHI Ế N DI Ễ N NGH Ĩ A Romance of Northern and Southern dynasties 南北朝大戰演義     Tác gi ả CỰ LANG (NGUY Ễ N TH À NH SANG) H ồ i th ứ 1: Cảnh hàn vi, cô mợ khinh bỉ Thi võ tr ạ ng, anh hùng long vân Có bài th ơ r ằ ng: Cu ồ n cu ộ n C ấ m Giang đ ông ra bi ể n, H ả i D ươ ng long khí thu ỷ phong li ề n. R ồ i đ ây thiên h ạ ba đ ào n ổ i, Th ế s ự bi ế t ai m ớ i thánh hi ề n? Tương truyền từ cổ đại, bên nước Tàu ( 匿艚 ) có tam đại Hạ ( 夏 ), Thương ( 商 ), Chu ( 周 ). Tổ của nhà Chu là Văn Vương Cơ Xương ( 文王姬昌 ) có một trăm con, trong số đó có người con thứ tên là Cơ Chấn Đạc ( 姬振鐸 ) sau này được phong làm bá tước ( 伯爵 ) ở nước Tào ( 曹國 ), truyền hai mươi sáu đời đến Tào bá Dương ( 曹伯陽 ) thì bị diệt quốc, có người hậu duệ là Cơ Chất Khiết ( 姬騭絜 ) ở lại làm dân của nước Tống ( 宋國 ). Nước Tống sau này bị nước Tề ( 齊國 ) diệt vong, dòng dõi Cơ Chất Khiết lại trở thành dân nước Tề. Nước Tề cuối cùng bị n

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ”

NHỮNG BIỆN LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH (NIYĀMA) TRONG “LUẬN SỰ” [1] Tác giả: JAMES P. MCDERMO. Dịch Việt: Nguyễn Thành Sang. Nguyên tác: “The Kathāvatthu Niyāma Debates,” trích Chuyên san Hiệp hội Phật học Quốc tế (The Journal of the International Association of Buddhist Studies), tập 12, năm 1989, số 1. Một loạt những biện luận về các điều được phiên dịch nhiều kiểu khác nhau là “đảm bảo” (assurance), “tính cố định” (fixity), “định số” (destiny), và “xác định” (certitude; Pāḷi: niyāma , tham khảo thêm về niyata ) được phân bố rộng rãi thông qua Luận Sự phẩm loại luận ( Kathāvatthuppakaraṇa ). [2] Những cuộc luận chiến này chủ yếu được quan tâm với những hàm nghĩa của sự tiến nhập giải thoát đạo. Theo Luận Sự phẩm loại luận Nghĩa sớ ( Kathāvatthuppakaraṇa Aṭṭhakathā ), những giáo đồ bộ phái phân phụ của Án-đạt-la bộ ( Andhaka ) là Tây Sơn Trụ bộ ( Aparaseliya ) với Đông Sơn Trụ bộ ( Pubbaseliya ), và Bắc Đạo bộ ( Uttarāpathaka ), cũng như giáo đồ Thượng Tọa bộ ( The

CÁC CHÍNH QUYỀN QUY TỤ BÍ MẬT BỊ NHÀ NƯỚC TRUNG CỘNG GẮN NHÃN “PHẢN ĐỘNG” VÀ THỦ TIÊU (Kỳ 1)

Các chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t v ớ i mong mu ố n xây d ự ng chính quy ề n c ủ a h ọ , vô tình hay h ữ u ý vì ra đờ i trong th ờ i đạ i có chính ph ủ C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa hình thành nên đ ã b ị quy k ế t là nh ữ ng l ự c l ượ ng “ph ả n độ ng” và b ị nhà n ướ c Trung C ộ ng ra s ứ c đ à n á p. Nh ữ ng th ự c th ể chính quy ề n này đ ã ho ạ t độ ng trong lãnh th ổ c ủ a C ộ ng hoà Nhân dân Trung Hoa, sau đ ó đ ã b ị chính ph ủ các c ấ p, c ơ quan t ư ph á p v à qu â n độ i Trung C ộ ng th ẳ ng tay tiêu di ệ t. Chúng ta hãy cùng tìm hi ể u v ề quá trình hình thành và b ị di ệ t c ủ a các chính quy ề n này. Giai đ o ạ n tr ướ c n ă m 1960 1. Th ượ ng Minh qu ố c ( 尚明國 ) Th ờ i gian t ồ n t ạ i: 1937–1951 (14 n ă m) Hoàng đế : L ư u Kim Lan ( 劉金蘭 ) Niên hi ệ u: Th ượ ng Minh ( 尚明 ) Th ủ đ ô d ự đị nh: Trung Kinh (t ứ c B ắ c Kinh) C ă n c ứ đị a: huy ệ n Oa D ươ ng, t ỉ nh An Huy Th ượ ng Minh Qu ố c là chính quy ề n quy t ụ bí m ậ t do th