Sau khi ẩn sĩ Thiện Tuệ thành tựu sự tu hành thánh khiết và
chứng đắc ngũ thông bát định, lúc ấy trên thế gian xuất hiện đấng Tam Giới Tôn
là đức Nhiên Đăng Cổ Phật (Dīpaṅkara
Buddha). Ba mươi hai tướng tốt (ví như mười ngàn thế giới chấn động…) phát sinh
vào bốn giai đoạn khi đức Nhiên Đăng Phật xuất hiện, tức: nhập thai, xuất sinh,
chứng ngộ Phật quả và sơ chuyển Pháp luân. Tuy nhiên ngài Thiện Tuệ không có dịp
được thấy những tướng lành này, vì khi ấy ngài hoàn toàn chìm sâu trong thiền
duyệt.
Sau khi giác ngộ, đức Phật Nhiên Đăng bắt đầu chuyển Pháp
luân với một muôn ức thiên thần và nhân loại tại khu Diệu Lạc uyển (Sunandārama).
Kinh Pháp Phật thuyết tựa như lương dược chữa bệnh cho thế gian, cuộc sơ chuyển
Pháp luân này như một phương thuốc đầu tiên dứt căn bệnh vô minh trầm kha của
chúng sinh bao đời, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trên bước hành trình làm
tiêu trừ phiền não nội tâm chúng sinh sau khi Phật giác ngộ, khác nào trận mưa
lớn trút xuống bốn đại bộ châu, khiến cho chúng sinh được tắm mát trong làn nước
Pháp thanh tịnh vô nhiễm.
Có một lần, đức Phật đi cùng bốn mươi vạn vị A-la-hán đến
thành Hỷ Lạc (Rammāvatī), trú tại chùa Diệu Kiến (Sudassana). Lúc đó Thiện Tuệ
vẫn còn trầm mặc trong thiền duyệt chốn rừng sâu, không hề thấy rằng đức Nhiên
Đăng Phật đã xuất thế.
Thị dân Hỷ Lạc thành nghe nói có Phật-đà đến chùa Diệu Kiến,
sau khi dùng bữa sáng xong, họ mang theo những vật thực thuốc men như tô lạc,
bơ sữa bò v.v… cùng hoa hương đi đến bái kiến đức Phật. Họ đảnh lễ trước Phật-đà,
đem các thứ hoa hương cung kính dâng lên Ngài, sau đó họ chọn chỗ ngồi thích hợp
để lắng nghe đức Phật thuyết pháp. Sau khi Phật thuyết xong, họ kính mời Phật
và Tăng chúng hôm sau đến nhà dùng bữa và sau đó họ nhiễu Phật rồi cáo lui.
Qua hôm sau, thị dân Hỷ Lạc thành lo đại sự chuẩn bị cuộc đại
bố thí khôn sánh (asadisa-mahādāna). Họ cho dựng tòa kiến trúc đặc biệt, bên
trong rải hoa sen chàm đẹp đẽ thuần khiết, dùng bốn loại nước thơm làm cho bầu
không khí tươi mát. Bốn góc lều đều đặt một chậu nước mát, lại lấy lá chuối giống
như ngọc thúy phủ lên. Trên mái vòm trần nhà treo điểm xuyết những cái lọng hoa
bằng vàng, bạc và đá quý; bốn bên tường giăng đầy những vòng hoa hương. Sau khi
đã trang sức tòa kiến trúc xong, thị dân bắt đầu quét dọn trong thành phố cho
ngăn nắp, hai bên đường lớn được bố trí những chậu nước, hoa, cây chuối thơm, cờ
xí và các dải biểu ngữ, ngoài ra còn bố trí các bức bình phong ở những chỗ
thích hợp.
Sau khi trong thành được sắp đặt xong cả rồi,
thị dân bèn cho sửa chữa con đường mà đức Phật sẽ dùng để đi vào thành. Trên mặt
đất, họ cho lấp bằng những lỗ trũng và vết nứt nẻ do lũ lụt gây ra, san lấp những
chỗ đất bùn không bằng phẳng. Họ cũng phủ một lớp cát trắng như ngọc trai lên
đường, dọc tuyến đường rải đầy hoa gạo và những cây chuối cột đầy trái cây. Họ
đã tiến hành an bài và chuẩn bị tất cả cho tiết mục bố thí như vậy.
Khi đó, ẩn sĩ Thiện Tuệ trở dậy từ trong thiền viên rồi bay
lên, lượn trên không trung nhìn thấy thị dân thành Hỷ Lạc đang hăm hở sửa đường
và tất bật bài trí. Ngài lấy làm lạ không biết là chuyện gì, bèn bay xuống trước
mặt dân chúng, đứng trên vị trí thích hợp và hỏi rằng:
“Nhiệt tình và vui vẻ,
Các vị đang sửa đường;
Việc sắp xếp như vậy,
Chuẩn bị để đón ai?”
Thị dân đáp:
“Thưa tôn giả Thiện Tuệ!
Xuất hiện trên thế gian,
Nhiên Đăng Phật khôn sánh,
Hàng phục Ngũ Ma quân,
Thượng Tôn toàn thế giới,
Chúng tôi sửa đường lối,
Nghênh đón Lão Phật gia.”
Từ cuộc đối thoại trên, chứng tỏ phải sau khi đức Thiện Tuệ
đã chứng đắc ngũ thông bát định rồi, Nhiên Đăng Phật mới xuất hiện. Thiện Tuệ
không được nhìn thấy bốn cảnh lúc đức Phật Nhiên Đăng nhập thai, xuất sinh,
thành Phật và sơ chuyển Pháp luân, vì ngài chỉ hay chu du trong rừng núi hoặc
không trung, lại thường xuyên trầm mịch trong thiền duyệt và tu tập thần thông,
đối với tục sự thế gian hoàn toàn không cảm thấy hứng thú. Chỉ có lần này ngài
phi hành trên hư không nhìn thấy cảnh dân chúng thành Hỷ Lạc đang tu bổ đường
sá và quét dọn khắp nơi, ngài mới thăm dò và hiểu được ngọn nguồn. Điều đó cho
thấy ẩn sĩ Thiện Tuệ đã trải qua mấy ngàn tuổi rồi, vì thọ mạng của nhân loại
thời Phật Nhiên Đăng xuất thế là mười vạn tuổi.
Khi nghe thị dân Hỷ Lạc thành nói về chữ “Phật-đà”, trong
lòng đức Thiện Tuệ tràn đầy hoan hỷ. Ngài cảm thấy vô cùng sung sướng, ngài nhắc
đi nhắc lại một cách không dằn nén: “Phật-đà! Phật-đà!” (Buddha, Buddha)
Đứng trên mặt đất, trong tâm Thiện Tuệ dâng tràn hoan hỷ,
được sự khích lệ bởi tín tâm, ngài nghĩ: “Ta sẽ gieo chủng tử thiện hảo thù thắng
trên đại phước điền này (chỉ Nhiên Đăng Phật) để bồi dưỡng thiện nghiệp. Có thể
chính mắt thấy được thời kỳ vui sướng khi đức Phật xuất thế, thật quá sức hiếm
hoi và khó được. Bây giờ ta đã gặp được thời khắc khiến người ta sung sướng đến
như vậy, ta không thể lỡ mất cơ hội”.
Nghĩ vậy xong, ngài hỏi thị dân rằng:
- Các bạn này! Nếu các bạn sửa đường vì Phật, có thể phân
phối một đoạn đường cho tôi, tôi cũng muốn tham gia công tác tu bổ đường sá với
các bạn được không?
- Rất tốt! – Thị dân đáp lời.
Vì họ tin tưởng ngài là một người có năng lực siêu phàm, họ
phân phối cho ngài một đoạn đường đất lớn không bằng phẳng và khó tu bổ. Sau
khi phân phối xong, họ nói:
- Ngài có thể tu bổ và trang trí cho nó trở nên đẹp mắt.
Lúc đó, Thiện Tuệ suy xét những đức tính của Phật mà cảm thấy
vô cùng vui sướng, ngài nghĩ: “Ta có năng lực dùng thần thông để tu bổ con đường
này, khiến nó trở nên đẹp đẽ thích thú. Nhưng nếu làm như vậy thì những người
xung quanh có thể cho rằng việc đó có gì tốt đâu (vì nó được thực hiện xong
xuôi một cách dễ dàng và rất mau). Hôm nay ta sẽ dùng sức cơ thể chính mình để
chấp hành nhiệm vụ của ta”. Sau khi quyết định thế, ngài tự mình đi xa nơi khác
xúc đất đá để sửa lấp hố trũng.
Khi Thiện Tuệ vẫn làm việc sửa đường chưa xong thì đức Phật
Nhiên Đăng và bốn mươi vạn A-la-hán đã đi đến. Chư A-la-hán này đều chứng đắc Lục
thông, là những vị Thánh nhân đã hoàn toàn thanh tịnh phiền não nội tâm, tám
cơn gió thổi trên đời không làm lay động. Mỹ đức của các vị ấy nổi tiếng trên
thế gian, tỉ như: các vị là những bậc thiểu dục tri túc, có cách giáo huấn và
khuyến hóa chúng sinh, có hạnh biết lắng nghe, phòng hộ năm căn và không chấp
trước năm trần, không dính dáng với tục gia, biết quán sát năm giới v.v… Khi Phật
Nhiên Đăng và bốn mươi vạn A-la-hán đang đi trên đường, chư Thiên và loài người
đánh trống để nghênh tiếp các ngài. Bọn họ còn xướng lên những bài ca kính lễ
Thế Tôn để biểu lộ niềm vui sướng trong lòng.
Đương thời, chư Thiên và nhân loại trông thấy đối tượng cần
thấy, họ đi theo sau đức Phật, một số thì chắp tay kính vái, số khác thì tấu nhạc
làm lễ. Chúng chư Thiên thần đủ các hướng trên, dưới, trước, sau, trái, phải,
nơi không trung rải các thứ hoa cõi trời như hoa Thích ý (mandārava: mạn-đà-la),
hoa Sen (paduma: ba-đầu-ma) và hoa Hắc đàn (koviḷāra:
câu-tì-đà-la) nhằm lễ kính Phật-đà. Mọi người trên đất liền cũng dùng các loại
hoa như vậy để lễ kính Phật-đà, lại có các loại hoa nào là hoa Chiêm-bà (campā),
nào là hoa Thông lá dài (sarala), hoa Nhuệ lăng ngọc nhị (mucalinda), hoa Long
tượng (nāga), hoa Nguyệt quế (punnāga) và hoa Dứa dại (ketakī).
Thiện Tuệ nhìn chằm chằm không chớp mắt vào ba mươi hai tướng
đại nhân và tám mươi vẻ đẹp đầy đủ của đức Phật. Ngài tận mắt nhìn thấy sắc
thân rực rỡ thành tựu chí cao của đức Phật, thân Phật như vàng ròng, trên thân
chốc chốc phát ra ánh sáng sáu màu y như luồng ánh chớp nhấp nháy trên bầu trời
xanh. Bấy giờ ngài nghĩ: “Hôm nay ta phải hiến dâng sự sống của mình trước đức
Phật. Hãy để cho đức Phật và tất cả bốn mươi vạn A-la-hán giẫm qua lưng của ta
giống như đi qua cây cầu màu đá quý vậy. Ta nguyện dùng thân thể này làm đường
đi cho đức Phật và chư A-la-hán, chắc chắn sẽ mang lại phúc lợi và khoái lạc
trường cửu cho ta”.
Sau khi quyết định như thế, ngài cởi búi tóc ra, dùng tấm
cà-sa và da báo đen phủ lên hố bùn, sau đó làm lễ gieo năm vóc xuống đất như
cây cầu.
*
Bấy giờ, Thiện Tuệ làm lễ năm vóc gieo đất, trong tâm bỗng
sinh khởi ý niệm phát nguyện thành Phật: “Nếu ta có nguyện ý thì hôm nay ta có
thể lập tức trở thành một vị A-la-hán lậu tận. Song người siêu phàm như ta ở
trong Giáo pháp của đức Phật Nhiên Đăng trở thành một vị đệ tử bình thường chứng
đắc quả A-la-hán và Niết-bàn thế thì có gì tốt đẹp cho ta? Ta sẽ phô bày sức
tinh tiến chí thượng để chứng đắc Phật quả Chính Biến Tri.
“Tất nhiên ta biết rõ ràng bản thân ta là người có trí tuệ
siêu phàm, tín tâm và tinh tiến cũng phi phàm, nếu vì lòng tự tư thoát ly luân
hồi sinh tử một mình thì có điểm tốt lành gì đâu? Ta sẽ dốc sức thành tựu Phật
quả, tiếp theo sẽ giải cứu tất cả chúng sinh thoát ly biển khổ sinh tử luân hồi.
“Ta ở trên hố bùn hướng Phật Nhiên Đăng đảnh lễ, hiến dâng
sự sống của ta như cây cầu cho Ngài, sau khi ta nhờ thiện nghiệp khôn sánh ấy
chứng đắc Phật quả, ta sẽ giải cứu chúng sinh ra khỏi biển khổ sinh tử luân hồi.
“Sau khi rũ bỏ tam giới, quá độ biển khổ sinh tử, ta sẽ bước
lên chiếc bè Pháp của Bát Chính Đạo, tiếp đó là giải cứu tất cả chúng sinh”.
Như vậy, trong lòng ngài đã có khuynh hướng thành Phật.
Ngay khi Thiện Tuệ phát nguyện thành Phật, có một thiếu nữ
Bà-la-môn tên là Thiện Hữu (Sumittā) đến dự xem đoàn người của Phật đang đến. Nàng
mang theo tám đóa hoa sen để lễ kính Phật-đà. Khi mọi người kéo nhau đến xem
Tăng đoàn của Phật đang bước đến, nàng trông thấy Thiện Tuệ bèn nảy sinh một
chút động lòng. Mặc dù nàng muốn dâng lễ vật cho ngài nhưng ngoại trừ tám đóa
hoa sen ra, nàng không còn vật gì khác. Vì vậy nàng nói với Thiện Tuệ rằng:
- Thưa tôn giả, tôi dâng ngài năm đóa hoa sen vốn tôi định
dùng để cúng thí cho Phật. Ba đóa còn lại tôi sẽ đích thân cúng thí cho Phật.
Sau khi cô gái giao năm đóa hoa cho Thiện Tuệ, cô lại nói
lên nguyện vọng của mình:
- Thưa tôn giả, trong thời kỳ tôi làm viên mãn Ba-la-mật,
tôi nguyện trở thành bạn lữ cùng ngài chung sống.
Thiện Tuệ tiếp nhận năm đóa hoa sen mà nàng đưa cho, sau đó
ngài dâng lên đức Nhiên Đăng Phật đang ở giữa đám đông đi về phía ngài, lại tiếp
tục phát nguyện thành Phật. Nhìn thấy sự tình được phát sinh giữa hai người Thiện
Tuệ và Thiện Hữu, đức Phật giữa đoàn người đã cất lời dự ngôn:
“Này Thiện Tuệ, người con gái tên Thiện Hữu kia sẽ làm bạn
đời của ngươi trong nhiều kiếp, mãi mãi giúp đỡ cho ngươi chứng ngộ Phật quả một
cách nhiệt thành. Mỗi một hành vi thân–ngữ–ý của nàng đều có thể khiến ngươi cảm
thấy vui vẻ. Biểu hiện của nàng thật ngọt ngào, lời nói dịu dàng và khiến trái
tim người ta cảm thấy vui sướng. Trong kiếp cuối cùng khi ngươi thành Phật rồi,
nàng sẽ trở thành nữ đệ tử của ngươi, sẽ đạt được tài sản tinh thần của ngươi,
đó là quả vị A-la-hán và các thần thông”.
Quả thật, vẻ đẹp rực rỡ của Phật thường khiến cho bất kỳ ai
trông thấy Ngài cũng đều khao khát sẽ được như Ngài. Mặc dù khao khát Phật vị
nhưng họ không đủ các điều kiện cần thiết để có được tư cách sẽ thành Phật.
Song, riêng ngài Thiện Tuệ lại không giống những kẻ phàm phu này, ngài đã đầy đủ
các điều kiện tiên quyết để thành tựu Phật quả. Sự thật, trong tâm ngài đã có
khuynh hướng thành Phật, vì ngài đã dự đủ tám điều kiện để được thụ ký. Tức là:
(1.) Sinh làm người; (2.) Sinh làm nam nhân; (3.) Có đủ các điều kiện cần thiết
để chứng ngộ quả A-la-hán; (4.) Gặp một vị Phật sống; (5.) Là một vị tu hành
tin tưởng vào nghiệp báo; (6.) Vốn đã có tứ thiền bát định và ngũ thần thông;
(7.) Nguyện dâng cả tính mạng của mình cho Nhiên Đăng Phật, vì ngài đã chấp nhận
nằm xuống vũng bùn như cây cầu cho Phật và bốn mươi vạn Thánh chúng A-la-hán giẫm
đi qua, với sức nặng đau đớn như vậy ngài không thể sống sót được, nhưng ngài vẫn
quyết định không do dự, nếu y cứ kinh điển thì đó là thiện pháp Tăng thượng hạnh (Adhikāra- kusala); (8.) Có thiện dục ước
muốn cực mạnh là phải thành Phật. Cho dù toàn thể vũ trụ tràn đầy than lửa đỏ rực
và những lưỡi giáo sắc nhọn, ngài vẫn sẵn sàng giẫm lên chúng không một chút ngần
ngại hay lùi bước để chứng đắc quả vị Giác Hạnh Viên Mãn.
Biết rằng Thiện Tuệ đã đủ tám điều kiện cần thiết, đức Phật
Nhiên Đăng đứng trên đất bùn trước thân thể đang nằm gục kính lễ của Thiện Tuệ,
vận dụng thần thông quán sát để xem đời vị lai việc phát nguyện thành Phật của
ngài có khả năng thực hiện được tâm nguyện hay không. Sau khi suy xét như vậy,
Nhiên Đăng Phật cho biết:
“Sau bốn A-tăng-kỳ và mười vạn đại kiếp nữa, Thiện Tuệ sẽ thành Phật hiệu là Cù-đàm (Gotama)”.
Đứng trên mặt đất, đức Phật thuyết chín bài kệ dự ngôn thụ
ký cho Thiện Tuệ:
“1. Các Tỳ-khưu! Mọi người hãy nhìn nhà tu hành cần tu thiện
hạnh này! Đó là ẩn sĩ Thiện Tuệ. Sau bốn A-tăng-kỳ và mười vạn đại kiếp nữa,
ngài sẽ xuất thế thành Phật giữa hàng Phạm Thiên, chư Thiên và nhân loại;
2. Bước đầu để thành Phật, ngài Thiện Tuệ sẽ xuất gia, từ bỏ
vương thành Ca-tì-la-vệ (Kapilavatthu) làm người ta vui sướng. Sau đó ngài sẽ
bước vào thiền tu và thực hành khổ hạnh (dukkaracariyā) cực độ;
3. Dưới cây đa Hộ dương (Ajapāla nigrodha), ngài sẽ nhận
cháo sữa cúng dường và tiếp tục đi đến dòng sông Ni-liên-thiền (Nerañjarā);
4. Khi sắp thành Phật, ngài sẽ dùng cháo sữa bên bờ sông.
Sau đó thiên thần bèn sửa sang cho đẹp con đường để ngài đi đến cội Bồ-đề;
5. Đi đến dưới cội Bồ-đề là địa điểm chứng ngộ, ngài sẽ thuận
thời đi nhiễu quanh nó, từ nam đi hướng tây, từ tây đi hướng bắc, lại từ bắc đi
hướng đông. Ngài sẽ thành bậc Tối Chính Giác, không ai sánh bằng, tiếng tốt đồn
xa. Ngồi dưới cội Bồ-đề, ngài sẽ chứng đắc quán trí thấu triệt Tứ Diệu Đế;
6. Mẫu thân của tôn Phật là Ma-da phu nhân (Māyā Devī); phụ
thân ngài là đại vương Tịnh Phạn (Suddhodāna). Ngài chính là Phật Cù-đàm
(Gotama);
7. Ngài có một cặp đệ tử thượng thủ tên là Câu-lợi-đa (Kolita;
tức ngài Mục-kiền-liên) và Ưu-bà-để-sa (Upatissa; tức ngài Xá-lợi-phất), đều là
những bậc vô lậu, vô tham, tâm bình tĩnh và định lực rất sâu. Có một vị Tỳ-khưu
tên A-nan-đà (Ānanda) làm thị giả của Phật;
8. Trưởng lão ni Khê-ma (Khemā) và Trưởng lão ni Liên Hoa Sắc
(Uppalavaṇṇā), cả hai đều là cặp nữ
đệ tử thượng thủ đã vô lậu, tâm tĩnh và định. Cây đa A-sát-đà (Asattha) sẽ là
cây Bồ-đề của tôn Phật, Ngài sẽ ngồi dưới cội cây này chứng đắc Phật quả;
9. Chủng Sắc (Citta) và Lâm Trụ Thủ (Hatthāḷavaka) sẽ là nam đệ tử tại gia đứng đầu của
Phật. Cũng như thế, Cửu-thọ-đa-la (Khujjuttarā) và Nan-đà Mẫu (Nandamātā) sẽ là
nữ đệ tử tại gia đứng đầu của Phật”.
*
Nghe được lời dự ngôn của đấng Tam Giới Tôn thường trụ thiện
pháp Nhiên Đăng Phật, chư Thiên và loài người đều vui vẻ hoan hô:
- Ẩn sĩ Thiện Tuệ là Đương lai hạ sinh Tôn Phật chân chính.
Họ lấy tay phải vỗ lên cánh tay trên của mình để biểu thị sự
vui vẻ. Chư Thiên và Phạm Thiên đến từ mười ngàn thế giới cùng mọi người chắp
tay cung kính. Họ cầu chúc rằng:
- Cho dù chúng con dưới sự dạy dỗ của đức Nhiên Đăng Phật
Thế Tôn chưa thể nào như Pháp tu hành, chúng con sẽ chờ đến khi gặp thời ẩn sĩ
thánh khiết Thiện Tuệ xuất hiện đời vị lai thành Phật, lúc đó chúng con có thể
dốc sức để chứng ngộ Pháp chính trí. Thí như một người từng thử vượt qua con
sông, nhưng vì bị dòng nước cuốn dạt nên chưa thể qua được bờ kia. Bất luận thế
nào, chúng con cũng tìm cách men lối theo đến hạ du con sông và từ đó vượt qua
bờ kia thành công. Cũng như vậy, dù chúng con dưới sự dạy dỗ của đức Nhiên Đăng
Phật Thế Tôn chưa thể nào như Pháp tu hành, chúng con sẽ chờ đến khi gặp thời ẩn
sĩ thánh khiết Thiện Tuệ xuất hiện đời vị lai chắc chắn thành Phật, khi đó
chúng con sẽ chứng đắc Đạo và Quả.
Sau khi đức Nhiên Đăng Phật là bậc Ứng Thỉnh (Āhuneyya) và
Thế Gian Giải (Lokavidū)[1]
đã thụ ký rồi, cầm tám đóa hoa mà Thiện Tuệ đã dâng, bước chân phải qua bên cạnh
mình đức ẩn sĩ rồi đi qua.
Từ nơi đức Phật thụ ký, bốn mươi vạn A-la-hán cũng bước hướng
theo phía bên phải Thiện Tuệ, sau khi rải hoa hương để tỏ lòng kính trọng, họ
bước đi theo đức Phật. Cũng vậy, người, Long thần (nāga) và Càn-thát-bà (thần
âm nhạc cõi Trời) cũng dùng hoa hương rải lên tỏ niềm tôn kính với đức ẩn sĩ rồi
lui đi.
Khi chư Thiên thần và các thị dân thành Hỷ Lạc (Rammāvatī)
bày tỏ niềm tôn kính với ngài, Phật Nhiên Đăng và bốn mươi vạn A-la-hán bước về
phía ngôi thành, ngồi lên tòa vị đã được người ta sắp xếp riêng cho. Khi ngồi
lên tòa, tợ như mặt trời mọc lên từ núi Trì Song (Yugandhara). Cũng giống như
những tia nắng ban mai chiếu rọi làm hoa sen nở rộ, vì lẽ đức Phật sẽ phóng ánh
sáng Bồ-đề, cho phép chúng sinh đang bước bên lề hướng giác ngộ được lần lần thấu
triệt Tứ Thánh Đế. Bốn mươi vạn A-la-hán cũng trật tự ngồi ngay ngắn trên tòa.
Thị dân thành Hỷ Lạc bèn thực hiện cuộc đại bố thí khôn sánh (asadisa-dāna) để
cúng dường Phật và chúng Tỳ-khưu.
*
Sau khi đức Tam Giới Tôn Nhiên Đăng Phật và bốn mươi vạn
A-la-hán đi khỏi tầm nhìn của ngài, đức Thiện Tuệ bèn vui vẻ đứng dậy, trong
lòng tràn đầy vui sướng và mãn nguyện. Ngài ngồi tréo chân trên trên đống hoa
hương đã được chư Thiên và loài người rải lên mình cung kính khi nãy và suy
nghĩ rằng: “Ta đã đạt đầy đủ tứ thiền bát định và năm phép thần thông, trong suốt
một vạn thế giới không có bất kỳ bậc tu hành nào sánh nổi ta. Ta không thấy có
bất kỳ ai được thần thông đồng đẳng với ta”.
Sau khi suy xét vậy rồi, ngài cảm thấy vô cùng vui sướng và
mãn nguyện.
Khi đức Thiện Tuệ ngồi tréo chân nhớ lại lời tiên tri (dự
ngôn) của Phật Nhiên Đăng, ngài vui sướng đến mức cảm thấy như trong tay mình
đã nắm được châu báu của Phật quả Nhất Thiết Trí. Chư Thiên và Phạm Thiên đến từ
một vạn thế giới đến phía trước ngài và lớn tiếng tuyên bố:
“(1). Thánh giả Thiện Tuệ! Ba mươi hai điềm báo đã phát
sinh. Ba mươi hai điềm báo này trong quá khứ chư Bồ-tát (Vị lai Phật) được thụ
ký, cũng như các vị ấy đã ngồi tréo chân như ngài làm bây giờ, vì vậy ngài chắc
chắn sẽ thành Phật;
(2). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, cái rét lạnh và nóng bức của khí trời đều biến mất. Hôm nay hai hiện tượng ấy
có thể nhìn thấy được rất rõ ràng, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(3). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, một vạn thế giới hoàn toàn yên lặng, không có mảy may một tiếng động xen tạp.
Hôm nay hai hiện tượng ấy có thể nhìn thấy được rất rõ ràng, vì vậy ngài chắc
chắn sẽ thành Phật;
(4). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, không có gió mạnh thổi, nước sông ngừng không trôi. Hôm nay hai hiện tượng ấy
có thể nhìn thấy được rất rõ ràng, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(5). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, tất cả hoa trên cạn và dưới nước đều nở sum suê. Hiện tượng tương đồng đã
phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(6). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, tất cả giống cây leo và trái cây đều nhất loạt ra quả. Hiện tượng tương đồng
đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(7). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, tất cả đá quý tuyệt đẹp trên trời và dưới đất đều phát sáng. Hiện tượng
tương đồng đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(8). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, không có vị thiên thần hay con người nào tấu nhạc cả nhưng vẫn nghe tiếng
âm nhạc vang lên trên trời và cõi người. Hiện tượng tương đồng đã phát sinh hôm
nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(9). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, những bông hoa đẹp lạ từ trên trời rơi xuống như mưa. Hiện tượng tương đồng
đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(10). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, đại dương xuất hiện xoáy nước, một vạn thế giới đều chấn động. Hai hiện tượng
này đã phát tiếng rền to hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(11). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, lửa địa ngục trong một vạn thế giới đều tiêu tan. Hiện tượng tương đồng đã
phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(12). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, mặt trời trở nên trong sáng hoàn toàn, tất cả các vì sao đều có thể nhìn thấy
rõ ràng. Hiện tượng tương đồng đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ
thành Phật;
(13). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, không có mưa rơi mà lại có nước từ dưới đất chảy ra. Hiện tượng tương đồng
đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(14). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, các vì tinh tú đều phát sáng rực rỡ. Sao Đê (Visākhā) xuất hiện cùng với
trăng tròn. Hiện tượng tương đồng đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ
thành Phật;
(15). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, những loài động vật sống trong hang hố như rắn, chồn mèo v.v… và những loài
động vật sống trong khe núi như con cáo v.v… đều chạy ra khỏi tổ của chúng. Hiện
tượng tương đồng đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(16). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, trong tâm chúng sinh không cảm thấy bất mãn và họ đều thỏa mãn với những gì
mình có. Hiện tượng tương đồng đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ
thành Phật;
(17). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, những cơn bệnh và đói của chúng sinh hữu tình đều tiêu trừ. Hiện tượng
tương đồng đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(18). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, chúng sinh được tạm thời không chấp trước vào ngoại trần tham – sân – si.
Hiện tượng tương đồng đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(19). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, trong tâm chúng sinh không có nỗi sợ hãi. Hiện tượng tương đồng đã phát
sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(20). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, bầu trời trong mát, không bụi không sương. Hiện tượng tương đồng đã phát
sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(21). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, không khí chẳng có mùi hôi thối mà tràn ngập mùi thơm của cõi trời. Hiện tượng
tương đồng đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(22). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, chư Thiên và Phạm Thiên (ngoại trừ Phạm Thiên cõi Vô sắc) đều có thể trở
nên thấy được. Hiện tượng tương đồng đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn
sẽ thành Phật;
(23). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, các khổ thú địa ngục trở nên thấy được. Hiện tượng tương đồng đã phát sinh
hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật;
(24). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, những bức tường, cửa thậm chí núi non đều mở toang ra không bị cản trở hay
rào chặn. Hôm nay các bức tường, cửa và núi non đều trở thành không gian trống
rỗng không còn thứ gì. Hiện tượng tương đồng đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài
chắc chắn sẽ thành Phật;
(25). Thánh giả Thiện Tuệ! Quá khứ khi chư Bồ-tát được thụ
ký, không xảy ra chuyện có chúng sinh nào được sinh ra hay chết đi. Hiện tượng
tương đồng đã phát sinh hôm nay, vì vậy ngài chắc chắn sẽ thành Phật.
*
Chư Thiên và Phạm Thiên đến từ một vạn thế giới khen ngợi
và khích lệ đức Thiện Tuệ như vầy:
- Thánh giả Thiện Tuệ! Hãy phấn đấu một cách nghiêm chỉnh
và nhiệt thành liên tục, tuyệt không thoái lui, tiến lên phía trước một cách
tinh tấn. Chúng tôi quyết không hoài nghi rằng ngài chắc chắn sẽ thành Phật.
Thiện Tuệ Bồ-tát đối với lời Nhiên Đăng Phật thụ ký và sự
khích lệ của chư Thiên – Phạm Thiên cảm thấy rất hoan hỷ. Sau khi Thiên thần và
Phạm Thiên rời khỏi, ngài suy xét như vầy:
“Đức Phật không hề nói với ý nghĩa hàm hồ, cũng không nói lời
sáo rỗng. Lời Ngài nói ra không có sai lầm. Chắc chắn, ta sẽ thành Phật.
“Như một hòn đá được ném lên không chắc chắn sẽ rơi xuống đất,
cũng như vậy, lời Phật nói vĩnh viễn không sai lầm. Chắc chắn, ta sẽ thành Phật.
“Lại nữa, chúng sinh nhất định có ngày phải chết. Cũng như
vậy, lời Phật nói vĩnh viễn không sai lầm. Chắc chắn, ta sẽ thành Phật.
“Lại nữa, giống như con sư tử sau khi ra khỏi hang động nhất
định sẽ rống lên, cũng như vậy, lời Phật nói vĩnh viễn không sai lầm. Chắc chắn,
ta sẽ thành Phật.
“Lại nữa, giống như đứa con được hoài thai bởi người nữ nhất
định sẽ chào đời, cũng như vậy, lời Phật nói vĩnh viễn không sai lầm. Chắc chắn,
ta sẽ thành Phật”.
Sau khi suy xét bằng những ví dụ như thế rồi, Thiện Tuệ khẳng
định bản thân sẽ chứng đắc Phật quả giống như lời tiên tri của Nhiên Đăng Phật.
Rồi ngài tự nghĩ rằng: “Tốt, ta sẽ tìm hiểu thấu triệt những nguyên tắc cơ bản về
nhân duyên của sự thành tựu Phật quả khắp mười phương ba cõi”.
Do đó ngài suy xét nhiều loại nhân duyên thành tựu Phật quả,
tức là Phật Hành Pháp (Buddhakara
Dhamma). Sự suy xét này chính là “Ba-la-mật tư trạch trí” (Pāramīpavicaya- ñāṇa), nghĩa là trí tuệ cân nhắc về hạnh Thập
độ. Trong dòng tâm thức của Thiện Tuệ đã nảy sinh tiềm năng có trí tuệ cực đại,
giúp cho ngài suy xét rõ ràng các Ba-la-mật, xả ly và thiện hạnh, những điều
này là yếu tố để chứng ngộ Nhất Thiết Trí trí, đó gọi là tư lương Bồ-đề (Bodhi-sambhāra).
Trí tuệ này là vô sư tự ngộ. Căn cứ theo sớ sao của Bộ Pháp Tập (Dhammasaṅgaṇī), trí tuệ này là tiền đạo hướng đến Nhất
Thiết Trí trí (Phật). Hơn nữa, Phật Nhiên Đăng chỉ là dự ngôn (tiên tri) Thiện
Tuệ vào đời vị lai sẽ thành Phật, Ngài chưa hề khai thị rằng vị ấy phải tu tập
thế nào mới có thể thành Phật. Thiện Tuệ phải dùng Ba-la-mật tư trạch trí để
suy xét và tìm hiểu các pháp tu hành cho chính mình. Khi ngài suy xét như vậy,
ngài nhìn thấy rõ ràng làm thế nào để tiến hành tu tập. “Nguyên tắc cơ bản” mà
đức Thiện Tuệ suy nghĩ vốn nguyên văn Pāḷi là dhammadhātu (pháp giới). Chữ Dhātu có nghĩa là “hiện tượng tự nhiên”,
tức là nói về những hiện tượng có mặt không phải do con người tạo ra, mà là do
nhân duyên nào đó tự nhiên sinh khởi. Nếu một sự vật nào đó mà có đấng sáng tạo
thì nó không thể gọi là hiện tượng tự nhiên. Vì vậy nguyên tắc cơ bản (pháp giới) là chỉ “những hiện tượng không phải
duyên do người nào đó tạo tác, mà là thành quả của các nhân duyên tự nhiên”.
Khi đức Bồ-tát Thiện Tuệ suy ngẫm về Phật Hành Pháp, tức là các pháp tu thực hành để trở thành một vị
Chính Đẳng Giác, ngài nghiệm ra mười pháp gọi là Thập độ Ba-la-mật.
1.
Bố thí
Ba-la-mật: khi ngài Thiện Tuệ đang suy xét các nhân tố để thành Phật,
đầu tiên ngài phát hiện rằng chư Bồ-tát quá khứ đều tu tập Bố thí Ba-la-mật, nó
giống như một con đường lớn khang trang hướng tới Phật quả. Ngài tự răn bảo
chính mình rằng: “Thiện Tuệ ơi, nếu ngươi muốn chứng ngộ trí Đạo Quả và Nhất
Thiết Trí trí, trước hết ngươi phải vun bồi Bố thí Ba-la-mật một cách liên tục
không gián đoạn, để cho nó đạt tới viên mãn. Giống như một cái chậu nước khi được
rót đầy nước thì nước đầy bên trong sẽ tràn ra, cũng vậy, Thiện Tuệ, ngươi phải
dốc hết những gì ngươi có dù là các phần thượng, trung, hạ hết thảy đều bố thí
cho tất cả chúng sinh”.
2.
Trì giới
Ba-la-mật: sau khi phát hiện và suy xét Bố thí Ba-la-mật xong, ngài
tiếp tục suy ngẫm: “Bố thí Ba-la-mật không thể nào là nhân tố duy nhất để thành
Phật được, chắc chắn còn có những nhân tố khác trợ giúp cho việc thành tựu trí
Đạo Quả và Nhất Thiết Trí trí, ta nên tìm hiểu”. Khi suy xét như vậy, ngài phát
hiện Trì giới là Ba-la-mật thứ hai mà chư Bồ-tát quá khứ đều tu tập. Ngài tự
răn bảo mình rằng: “Thiện Tuệ ơi, nếu ngươi muốn chứng ngộ trí Đạo Quả và Nhất
Thiết Trí trí, ngươi phải vun bồi Trì giới Ba-la-mật một cách liên tục không
gián đoạn, để cho nó đạt tới viên mãn. Nếu một con bò mộng đen (camarī) mà cái
đuôi của nó bị mắc kẹt, nó sẽ không tiếc tính mạng để bảo vệ cái đuôi ấy, nó
thà chịu chết chứ quyết không vì cơn vật lộn mà gây tổn thương cái đuôi của
mình. Cũng vậy, Thiện Tuệ, ngươi phải lấy bốn pháp thanh tịnh để giữ giới, tức
là: (1). Hộ giải thoát luật nghi (paṭimokkha-saṁvara):
sự chế ngự theo Giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa (paṭimokkha),
đó là giới luật hàng đầu dành cho Tăng đoàn thời có Phật; (2). Căn luật nghi (indriya-saṁvara): sự chế ngự bằng cách thu thúc sáu
căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý); (3). Hoạt
mạng biến tịnh (ājīvaparisuddhi): nghĩa là kiếm sống một cách trong sạch,
không sống bằng các nghề tà mạng; (4). Tư
cụ y chỉ (paccaya-sannissita): sử dụng khôn khéo các điều kiện cần thiết của
một vị tu hành (Tỳ-khưu). Chúng là nguồn cội của thiện nghiệp, giống như con bò
mộng đen không tiếc tính mạng bảo vệ cái đuôi, ngươi cần phải phòng hộ chính
mình không ngừng nghỉ”.
3.
Xuất
ly Ba-la-mật: sau khi phát hiện và suy xét Trì giới Ba-la-mật
xong, ngài tiếp tục suy ngẫm: “Hai pháp Ba-la-mật vừa rồi vẫn chưa phải là toàn
bộ nhân tố để thành Phật. Chắc chắn còn có nhân tố khác trợ giúp cho việc thành
tựu trí Đạo Quả và Nhất Thiết Trí trí, ta phải nên tìm hiểu”. Lúc suy xét như vậy,
ngài phát hiện Xuất ly là Ba-la-mật thứ ba mà chư Bồ-tát quá khứ đều tu tập.
Ngài tự răn bảo mình rằng: “Thiện Tuệ ơi, nếu ngươi muốn chứng ngộ trí Đạo Quả
và Nhất Thiết Trí trí, ngươi phải vun bồi Xuất ly Ba-la-mật một cách liên tục
không gián đoạn, để cho nó đạt tới viên mãn. Nếu một người suốt thời gian dài bị
giày vò trong nỗi khốn khổ từng phút từng giây, người đó chỉ muốn tìm một cơ hội
nào để chạy thoát. Cũng vậy, Thiện Tuệ, ngươi phải thấy được tam giới Dục, Sắc
và Vô sắc đều như lao tù, phải mong tìm cách thoát ly khỏi nhà ngục ba cõi
này”.
4.
Trí tuệ
Ba-la-mật: sau khi phát hiện và suy xét Xuất ly Ba-la-mật xong, ngài
tiếp tục suy ngẫm: “Ba pháp Ba-la-mật vừa rồi vẫn chưa phải là toàn bộ nhân tố
để thành Phật. Chắc chắn còn có nhân tố khác trợ giúp cho việc thành tựu trí Đạo
Quả và Nhất Thiết Trí trí, ta phải nên tìm hiểu”. Khi suy xét như vậy, ngài
phát hiện Trí tuệ là Ba-la-mật thứ tư mà chư Bồ-tát quá khứ đều tu tập. Ngài tự
răn bảo mình rằng: “Thiện Tuệ ơi, nếu ngươi muốn chứng ngộ trí Đạo Quả và Nhất
Thiết Trí trí, ngươi phải vun bồi Trí tuệ Ba-la-mật một cách liên tục không
gián đoạn, để cho nó đạt tới viên mãn. Như một vị Tỳ-khưu ôm bát khất thực từ
nhà này sang nhà khác chẳng phân hạng người thượng, trung, hạ gì cả. Cũng vậy,
Thiện Tuệ, ngươi phải thường xuyên tiếp cận thỉnh giáo những người có học vấn.
Không kể học vấn của họ sâu sắc bao nhiêu, ngươi cứ hỏi han thỉnh giáo họ những
tri thức cần hiểu. Ví như hỏi rằng: ‘Thưa tiên sinh, thế nào là thiện? Thế nào
là bất thiện? Thế nào là sai? Thế nào là không sai?” v.v… Ngươi nên cố gắng hết
mình để thành tựu Trí tuệ Ba-la-mật. Khi ngươi đã viên mãn nó thành công, ngươi
sẽ chứng đắc trí Đạo Quả và Nhất Thiết Trí trí”.
5.
Tinh
tiến Ba-la-mật: sau khi phát hiện và suy xét Trí tuệ Ba-la-mật
xong, ngài tiếp tục suy ngẫm: “Bốn pháp Ba-la-mật vừa rồi vẫn chưa phải là toàn
bộ nhân tố để thành Phật. Chắc chắn còn có nhân tố khác trợ giúp cho việc thành
tựu trí Đạo Quả và Nhất Thiết Trí trí, ta phải nên tìm hiểu”. Khi suy xét như vậy,
ngài phát hiện Tinh tiến là Ba-la-mật thứ năm mà chư Bồ-tát quá khứ đều tu tập.
Ngài tự răn bảo mình rằng: “Thiện Tuệ ơi, nếu ngươi muốn chứng ngộ trí Đạo Quả
và Nhất Thiết Trí trí, ngươi phải vun bồi Tinh tiến Ba-la-mật một cách liên tục
không gián đoạn, để cho nó đạt tới viên mãn. Như con sư tử là vua của muôn thú
bất luận là tư thế nép mình, đứng dậy hoặc bước đi, đều có tinh lực và cảnh
giác mảy may không thụt giảm. Cũng vậy, Thiện Tuệ, ngươi phải khơi dậy sức tinh
tiến liên tục không gián đoạn trong mỗi một đời. Khi ngươi viên mãn nó thành
công, ngươi sẽ chứng đắc trí Đạo Quả và Nhất Thiết Trí trí”.
6.
An nhẫn
Ba-la-mật[2]: sau khi phát hiện và suy xét
Tinh tiến Ba-la-mật xong, ngài tiếp tục suy ngẫm: “Năm pháp Ba-la-mật vừa rồi vẫn
chưa phải là toàn bộ nhân tố để thành Phật. Chắc chắn còn có nhân tố khác trợ
giúp cho việc thành tựu trí Đạo Quả và Nhất Thiết Trí trí, ta phải nên tìm hiểu”.
Khi suy xét như vậy, ngài phát hiện An nhẫn là Ba-la-mật thứ sáu mà chư Bồ-tát
quá khứ đều tu tập. Ngài tự răn bảo mình rằng: “Thiện Tuệ ơi, nếu ngươi muốn chứng
ngộ trí Đạo Quả và Nhất Thiết Trí trí, ngươi phải vun bồi An nhẫn Ba-la-mật một
cách liên tục không gián đoạn. Tuyệt không thể vì người vì thời mà có sự khác
biệt. Nếu ngươi có thể tu trì như vậy, ngươi sẽ chứng đắc trí Đạo Quả và Nhất
Thiết Trí trí. Tựa như mặt đất đối với tất cả những thứ nằm trên mình nó không
hề bày tỏ tướng yêu ghét, mà chỉ âm thầm chịu đựng, bất luận chúng có trong sạch
và tốt đẹp hay là dơ dáy và xấu xí. Cũng vậy, Thiện Tuệ, bất luận mọi người khen
ngợi hay khinh miệt ngươi, ngươi đều phải nhẫn chịu chúng. Khi ngươi viên mãn
An nhẫn Ba-la-mật thành công, ngươi sẽ chứng đắc trí Đạo Quả và Nhất Thiết Trí
trí”.
7.
Chân
thật Ba-la-mật: sau khi phát hiện và suy xét An nhẫn Ba-la-mật
xong, “Sáu pháp Ba-la-mật vừa rồi vẫn chưa phải là toàn bộ nhân tố để thành Phật.
Chắc chắn còn có nhân tố khác trợ giúp cho việc thành tựu trí Đạo Quả và Nhất
Thiết Trí trí, ta phải nên tìm hiểu”. Khi suy xét như vậy, ngài phát hiện Chân
thật là Ba-la-mật thứ bảy mà chư Bồ-tát quá khứ đều tu tập. Ngài tự răn bảo
mình rằng: “Thiện Tuệ ơi, nếu ngươi muốn chứng ngộ trí Đạo Quả và Nhất Thiết
Trí trí, ngươi phải vun bồi Chân thật Ba-la-mật một cách liên tục không gián đoạn.
Ngươi chỉ nên nói sự thật, lời đã nói ra tuyệt không nên lúc thật lúc giả, hoặc
tùy người mà nói thật hay nói dối. Nếu ngươi chỉ hay nói lời thật, khi viên mãn
Chân thật Ba-la-mật rồi, ngươi sẽ chứng đắc trí Đạo Quả và Nhất Thiết Trí trí.
Như sao Mai tuyệt không hề chuyển dời quỹ đạo của nó vì sự thay đổi của thời tiết
mùa màng (như mùa mưa, mùa đông hay mùa hè). Cũng vậy, Thiện Tuệ, ngươi không
nên chệch lối khỏi tám bộ của đạo Chân thật, tức là: những điều đã thấy, những
điều đã nghe, những điều cảm nhận, những điều đã biết, những gì không thấy, những
gì không nghe, những gì không cảm và những gì không biết. Khi ngươi viên mãn
Chân thật Ba-la-mật thành công, ngươi sẽ chứng đắc trí Đạo Quả và Nhất Thiết
Trí trí”.
8.
Quyết
ý Ba-la-mật: sau khi phát hiện và suy xét Chân thật Ba-la-mật
xong, ngài tiếp tục suy ngẫm: “Bảy pháp Ba-la-mật vừa rồi vẫn chưa phải là toàn
bộ nhân tố để thành Phật. Chắc chắn còn có nhân tố khác trợ giúp cho việc thành
tựu trí Đạo Quả và Nhất Thiết Trí trí, ta phải nên tìm hiểu”. Khi suy xét như vậy,
ngài phát hiện Quyết ý là Ba-la-mật thứ tám mà chư Bồ-tát quá khứ đều tu tập.
Ngài tự răn bảo mình rằng: “Thiện Tuệ ơi, nếu ngươi muốn chứng ngộ trí Đạo Quả
và Nhất Thiết Trí trí, ngươi phải vun bồi Quyết ý Ba-la-mật một cách liên tục
không gián đoạn. Khi ngươi viên mãn nó một cách không dao động, ngươi sẽ chứng
đắc trí Đạo Quả và Nhất Thiết Trí trí. Khi một tòa núi đá bị cơn gió bão thổi đến,
nó vẫn đứng yên trên nền đất như cũ, tuyệt không lung lay, cũng vậy, Thiện Tuệ,
ngươi phải luôn luôn từng chút như nguyện hành thiện không để thất bại. Khi
ngươi viên mãn Quyết ý Ba-la-mật thành công, ngươi sẽ chứng đắc trí Đạo Quả và Nhất
Thiết Trí trí”. Đức Thiện Tuệ đã thực hiện phép Ba-la-mật này qua nhiều kiếp
đúng như lời phát nguyện của ngài. Quyết ý tức là xem mọi chuyện xảy ra theo
cách mình muốn, khi ta giải quyết một điều gì đó ta phải vạch ra đường hướng phải
giải quyết như thế nào… Có một kiếp, Bồ-tát sinh ra làm Thái tử Đề-mật-da
(Temiya), con vua nước Ca-thi (Kāsi). Thái tử đã từng quyết tâm giả bộ làm một
kẻ câm điếc suốt mười sáu năm, cho đến khi ngài được phép xuất gia. Tại sao
ngài lại làm như vậy? Trước đó ngài vốn là thiên thần cõi Trời Ba Mươi Ba, được
Đế Thích chỉ định tái sinh làm con của vương hậu nước Ca-thi để thực hiện hạnh
Ba-la-mật. Ngài nhớ lại tiền kiếp của mình thuở xưa từng làm quốc vương trị vì
nước Ba-la-nại trong hai mươi hai năm, thời cai trị đã nghiêm hình trừng phạt tội
nhân một cách tàn khốc, kết quả là chịu khổ báo đày đọa trong Tăng thượng địa
ngục (Ussada-niraya) suốt tám vạn năm. Vì vậy, khi sinh ra làm con vua, nhìn thấy
cảnh phụ vương trị vì trừng phạt những người phạm tội bằng cực hình, ngài cảm
thấy kinh sợ quyền uy của vương giả, không muốn chịu cảnh khổ địa ngục như kiếp
xưa chỉ vì trót làm vua, ngài mới tìm cách trốn khỏi vương cung bằng việc giả
câm giả điếc, dù mọi người đã làm nhiều biện pháp vẫn không thể làm ý chí ngài
lung lay. Phụ vương nhường ngôi trong một tuần, ngài vẫn không chịu an phận làm
vua. Cuối cùng, ngài bị bắt đánh cho đến chết và đưa đi chôn. Thực ra ngài giả
chết để được đưa ra khỏi vương cung, sau đó nói với người đánh xe giải thoát
cho ngài để thực hiện ý muốn trở thành một người ẩn tu khổ hạnh. Cha mẹ hay tin
ngài còn sống, kéo theo vương tộc đến chỗ ngài muốn dụ dỗ lôi kéo ngài về, song
đức Bồ-tát Đề-mật-da thuyết pháp cho họ nghe, tất cả những người ấy đều cảm động
xin xuất gia ẩn tu theo ngài. Câu chuyện này được tường thuật trong
Mūgapakkha-Jātaka (số 539) thuộc Kinh Bản
Sinh.
9.
Từ tâm
Ba-la-mật: sau khi phát hiện và suy xét Quyết ý Ba-la-mật xong, ngài
tiếp tục suy ngẫm: “Tám pháp Ba-la-mật vừa rồi vẫn chưa phải là toàn bộ nhân tố
để thành Phật. Chắc chắn còn có nhân tố khác trợ giúp cho việc thành tựu trí Đạo
Quả và Nhất Thiết Trí trí, ta phải nên tìm hiểu”. Khi suy xét như vậy, ngài
phát hiện Từ tâm là Ba-la-mật thứ chín mà chư Bồ-tát quá khứ đều tu tập. Ngài tự
răn bảo mình rằng: “Thiện Tuệ ơi, nếu ngươi muốn chứng ngộ trí Đạo Quả và Nhất
Thiết Trí trí, ngươi phải vun bồi Từ tâm Ba-la-mật một cách liên tục không gián
đoạn và dùng phương thức khôn sánh để tu tập từ tâm. Giống như tất cả những ai
đến tắm rửa, dù họ là kẻ đạo đức hay tà ác đi nữa, nước vẫn khiến cho họ được tắm
mát và rửa sạch bụi bẩn trên mình họ. Cũng vậy, Thiện Tuệ, bất luận chúng sinh
có mong ngươi hạnh phúc hay không, ngươi đều nên đối xử với họ bằng tâm từ bình
đẳng, khi ngươi viên mãn Từ tâm Ba-la-mật thành công, ngươi sẽ chứng đắc trí Đạo
Quả và Nhất Thiết Trí trí”.
10.
Xả tâm
Ba-la-mật: sau khi phát hiện và suy xét Từ tâm Ba-la-mật xong, ngài
tiếp tục suy ngẫm: “Chín pháp Ba-la-mật vừa rồi vẫn chưa phải là toàn bộ nhân tố
để thành Phật. Chắc chắn còn có nhân tố khác trợ giúp cho việc thành tựu trí Đạo
Quả và Nhất Thiết Trí trí, ta phải nên tìm hiểu”. Khi suy xét như vậy, ngài
phát hiện Xả tâm là Ba-la-mật thứ mười mà chư Bồ-tát quá khứ đều tu tập. Ngài tự
răn bảo mình rằng: “Khi hai đầu cân đặt một trọng lượng ngang nhau, nó sẽ không
thiên lệch về một bên nào. Cũng vậy, nếu tâm ngươi có thể giữ được sự bình ổn
dù là lúc khổ hay vui, ngươi sẽ chứng đắc trí Đạo Quả và Nhất Thiết Trí trí.
Thiện Tuệ, như mặt đất đối với những thứ nằm trên mình nó đều không có tướng tỏ
vẻ yêu ghét, bất luận chúng thanh khiết hay ô uế, mặt đất đều âm thầm chịu đựng.
Cũng vậy, Thiện Tuệ, ngươi phải luôn luôn giữ cho tâm cảnh bình ổn, không bị ảnh
hưởng bởi lòng yêu ghét. Khi ngươi viên mãn Xả tâm Ba-la-mật thành công, ngươi
sẽ chứng đắc trí Đạo Quả và Nhất Thiết Trí trí”.
Sau khi Thiện Tuệ suy xét Xả tâm Ba-la-mật rồi, ngài nghĩ:
“Ba-la-mật góp phần thành tựu trí Đạo–Quả, Nhất Thiết Trí trí và thành Phật mà
vị Bồ-tát phải nên tu tập, tức là mười pháp này. Ngoại trừ những pháp này ra
không còn Ba-la-mật nào khác. Chúng cần thiết để thành Phật quả, không nằm
ngoài thân ta, không nằm trên trời hay dưới đất, không nằm ở phía đông, cũng
không nằm ở phương hướng khác. Sự thật, chúng nằm trong tâm ta”.
Sau khi nghĩ như vậy, ngài khích lệ bản thân rằng: “Thiện
Tuệ, mười pháp Ba-la-mật này ngươi phải tu tập tuyệt không thay đổi phương hướng,
mười pháp này là những nhân tố ưu việt để thành Phật đấy!”
Vậy rồi ngài theo thứ tự suy xét các Ba-la-mật: Bố thí, Trì
giới, Xuất ly, Trí tuệ, Tinh tiến, An nhẫn, Chân thật, Quyết ý, Từ tâm và Xả
tâm. Lại suy xét ngược thứ tự: Xả tâm, Từ tâm, Quyết ý, Chân thật, An nhẫn,
Tinh tiến, Trí tuệ, Xuất ly, Trì giới và Bố thí. Xong rồi ngài lại suy xét theo
kiểu ghép cặp ở giữa: Tinh tiến và An nhẫn, Trí tuệ và Chân thật, Xuất ly và
Quyết ý, Trì giới và Từ tâm, Bố thí và Xả tâm. Lại bắt đầu suy xét theo ghép cặp
đôi hai đầu: Bố thí và Xả tâm, Trì giới và Từ tâm, Xuất ly và Quyết ý, Trí tuệ
và Chân thật, Tinh tiến và An nhẫn. Như thế, ngài suy xét mười Ba-la-mật một
cách thấu triệt, giống như một cái máy ép dầu tinh vi nghiền hạt dầu ra để sản
xuất dầu.
Ngài cũng suy xét tất cả những chuyện liên quan đến các
Ba-la-mật: bố thí những vật bên ngoài là Ba-la-mật phổ thông (pāramī), bố thí
(một phần) thân thể chính mình là Ba-la-mật trung đẳng (upapāramī), bố thí sinh
mạng của mình là Ba-la-mật cứu cánh (paramattha-pāramī).
Do nhờ trí suy xét mười Ba-la-mật và tác dụng cùng sức mạnh
được phát sinh bởi nó, đại địa khắp một vạn thế giới từ trái sang phải, từ trước
sang sau rồi từ trên xuống dưới bỗng chấn động mãnh liệt. Nó cũng tạo nên tiếng
vang rất lớn, sóng âm thanh lan rộng và có tiếng vọng rền. Đất đai này giống
như người nông dân vận hành cái máy ép mía, hoặc giống như vận chuyển xe quay của
máy ép dầu, đại địa đang quay cuồng và chấn động dữ dội. Khi Thiện Tuệ vừa suy
xét các Ba-la-mật, vừa hay đức Phật Nhiên Đăng dùng bữa tại thành Hỷ Lạc. Sau
khi suy xét các Ba-la-mật xong xuôi, địa chấn mới phát sinh. Vì cơn địa chấn cường
liệt, tất cả những thị dân đang chiêu đãi đức Phật đều không thể đứng vững. Giống
như cây sa-la (sāla) mọc trên núi Song Trì (Yugandhara) bị cơn gió dữ thổi mạnh
tốc bay cả gốc rơi lộn lung tung trên đất. Tại nơi cúng dường, hàng nghìn hũ
bát đựng đầy thức ăn và hàng trăm chậu nước đập loạn xạ vào nhau vỡ tan tành.
Do bị một cơn đại địa chấn kinh hãi, mọi người cảm thấy
trong lòng lo lắng, toàn bộ đại chúng quỳ rạp xuống đất thỉnh giáo đức Phật
Nhiên Đăng, hỏi Phật rằng:
- Thưa Tôn giả trọn đủ Năm Mắt, đây là điềm lành hay điềm dữ?
Mối nguy nạn đáng sợ này vừa giáng xuống người chúng con, mong đức Thế Tôn vì
chúng con tiêu trừ nỗi sợ hãi.
Khi đó Thế Tôn đáp rằng:
- Không nên kinh sợ lo lắng vì cơn địa chấn này. Không có
chuyện gì đáng ghê sợ xảy ra đâu. Hôm nay Ta vừa mới thụ ký cho ông Thiện Tuệ sẽ
thành Vị lai Phật. Ông ấy mới suy xét mười pháp Ba-la-mật đã được chư Phật quá
khứ thực hành viên mãn. Bởi Thiện Tuệ đã suy xét Thập độ Ba-la-mật mảy may
không sơ sót, cũng chính là nhân tố trọng yếu để thành Phật, đại địa khắp một vạn
thế giới bèn chấn động mạnh mẽ.
Như vậy, Nhiên Đăng Phật đã giải thích cho thị dân thành Hỷ
Lạc về nguyên nhân cơn đại địa chấn cũng như đảm bảo nó không có gì nguy hiểm.
*
Sau khi nghe lời nói của Phật Nhiên Đăng, thị dân Hỷ Lạc
thành lập tức bình tĩnh trở lại và không còn thấy lo lắng nữa. Sự thật thì
trong lòng họ vô cùng sung sướng. Họ cầm theo hoa, nước thơm và các vật phẩm bố
thí cúng dường khác ra khỏi thành để cúng dường cho Bồ-tát Thiện Tuệ, bày tỏ
lòng cung kính và đảnh lễ ngài. Căn cứ theo truyền thống của chư Bồ-tát quá khứ,
đức Thiện Tuệ suy xét đến đức hạnh của Phật. Ngài dùng tâm bình ổn hướng về
phía đức Phật Nhiên Đăng đảnh lễ. Sau đó, ngài đứng dậy trên vị trí vừa mới ngồi.
Lúc Thiện Tuệ đứng lên, chư Thiên và nhân loại tung rải các loài hoa cõi trời
và nhân gian để tỏ lòng tôn kính đối với ngài. Họ tán dương và khích lệ ngài rằng:
- Thưa ẩn sĩ thánh khiết! Ngài đã phát nguyện thành Phật,
mong rằng nguyện vọng của ngài được hoàn thành.
- Chúc cho mọi hiểm nạn và chướng ngại của ngài sẽ tự động
biến mất, không còn xuất hiện nữa. Mong ngài không có nỗi lo lắng, không bị
nguy hiểm. Chúc ngài sẽ sớm ngày chứng ngộ trí Đạo–Quả và Nhất Thiết Trí trí.
- Hỡi đấng Đại Hùng! Giống như loài cây trên thế giới nở
hoa vào mùa thích hợp, chúc cho ngài có thể đạt được Bốn trí Vô úy (catuvesārajjañāṇa), Sáu trí Bất cộng (cha-asādhāraṇañāṇa) và
trí Mười lực (dasabalañāṇa)…
Bốn trí Vô úy, hay Tứ Vô sở úy, gồm có: (1). Liễu tri Chướng ngại pháp trí (antarāyikadhamme
vā jānatā): tức là trí tuệ biết rõ những nhân tố gây chướng ngại sự chứng đắc
Niết-bàn (Nibbāna); (2). Kiến Xuất ly
pháp trí (niyyānikadhamme passatā): trí tuệ dẫn đến nhân tố thoát ly sinh tử
luân hồi; (3). Sát Phiền não tặc trí
(kilesārīnaṃ hatā Arahantā): trí tuệ giết chết mọi kẻ thù phiền não;
(4). Đẳng Chính Giác chuẩn xác tự tại bản
ngộ nhất thiết pháp trí (sammā sammañ ca sabbadhammānaṃ
buddhattā sammāsambuddhena): tức là trí tuệ hoàn toàn tự mình giác ngộ mọi sự
tướng, tức là Nhất Thiết Trí trí.
Sáu trí Bất cộng tức là: (1). Căn thượng hạ trí (indriya-paropariyatta-ñāṇa):
trí tuệ hiểu rõ những giai đoạn phát triển các căn khác nhau của chúng sinh;
(2.) Ý lạc tùy miên trí
(āsayānusaya-ñāṇa): trí tuệ biết rõ những khuynh hướng che đậy và ngấm ngầm
của chúng sinh; (3). Song thần biến trí
(yamakapāṭihāriya-ñāṇa): trí tuệ vận dụng Phép Màu Cặp Đôi [Song thần biến];
(4). Đại bi trí (mahā-karuṇā-ñāṇa):
trí tuệ có lòng thương xót lớn đối với chúng sinh; (5). Nhất Thiết Trí trí (sabbaññuta-ñāṇa): trí tuệ hiểu rõ mọi
hành tướng và mọi nhân tố đặc tướng, cũng gọi là Toàn Tri; (6). Vô ngại trí (anāvaraṇa-ñāṇa):
trí tuệ không có chướng ngại biết rõ mọi điều mà vị Phật cần nên biết.
Trí Mười lực tức là: (1). Xử phi xử trí (ṭhānāṭṭhāna-ñāṇa):
trí tuệ như thật biết rõ một người có khả năng hay không có khả năng, không có
khả năng ở đây là không có khả năng hiểu được Tứ Thánh Đế; (2). Nghiệp báo trí (kammavipāka-ñāṇa):
trí tuệ như thật biết rõ nhân duyên của quả báo nghiệp quá khứ, hiện tại, vị
lai; (3). Hành đạo đạo chí nhất thiết xứ
trí (sabbatthagāminī-paṭipadā-ñāṇa): trí tuệ như thật hiểu rõ thực hành Đạo có thể dẫn đến mọi
điều hữu ích; (4). Đa giới chủng chủng giới
thế gian trí (anekadhātu-nānādhātu-lokañāṇa): trí tuệ như thật biết
rõ nhiều cõi khác nhau trong thế giới vũ trụ; (5). Chủng chủng thắng giải trí (nānādhimuttikata-ñāṇa):
trí tuệ như thật biết rõ các khuynh hướng khác nhau của hữu tình; (6). Căn thượng hạ trí (indiriya
paropariyatta-ñāṇa): trí tuệ như thật biết rõ các căn của hữu tình so ra là
thấp hay cao; (7). Thiền định đẳng tạp
nhiễm tịnh hóa xuất khởi trí (jhānādi-samkilesa-vodānavuṭṭhāna-ñāṇa):
trí tuệ như thật biết rõ các sự tạp nhiễm, tịnh hóa hay sinh khởi của thiền, định,
chứng ngộ…; (8). Túc trụ trí (pubbenivāsa-ñāṇa):
trí tuệ có thể nhớ được nhiều đời nhiều kiếp; (9). Tử sinh Thiên nhãn song trí (cutūpapāta-ñāṇa-dibbacakkhu-ñāṇa):
trí tuệ có thể dùng Thiên nhãn để biết rõ chúng sinh dựa vào nghiệp như thế nào
của họ mà chết đi và tái sinh; (10). Lậu
tận trí (āsavakkhaya-ñāṇa): trí tuệ diệt hết mọi sự bất tịnh làm mê mờ về đạo đức,
diệt sạch tất cả phiền não lậu hoặc.
- Hỡi đấng Đại Hùng! Giống như Mười Ba-la-mật được chư Phật
quá khứ thực hiện viên mãn! Mong ngài cũng có thể làm được điều đó.
- Hỡi đấng Đại Hùng! Giống như chư Phật quá khứ đã chứng ngộ
Tứ Thánh Đế dưới cội Bồ-đề, chúc ngài sau khi chứng ngộ Tứ Thánh Đế sẽ thành tựu
Phật quả thắng lợi dưới cội Bồ-đề.
- Hỡi đấng Đại Hùng! Giống như chư Phật quá khứ đã khai thị
Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma-cakkappavattana
Sutta), mong ngài cũng có thể sơ chuyển Pháp luân bằng Kinh pháp như vậy.
Quả nhiên sau này, đức Bồ-tát thành Phật, tức
là Phật Cù-đàm hay Bổn sư Thích-ca Mâu-ni. Ngài sơ chuyển Pháp luân bằng bài Kinh Chuyển Pháp Luân này, khai thị cho
nhóm năm anh em Kiều-trần-như (Koṇḍañña)
tại khu Lộc Dã uyển (Isipatana), gần tòa thành Ba-la-nại (Varanasi), vào một
ngày trăng tròn tháng A-sa-đồ (Āsāḷha: tháng 6–7). Phật
thuyết giảng về hai cực đoan cần nên tránh là sự hưởng lạc và sự khổ hạnh, đề
xướng Trung đạo, giảng dạy về Tứ Thánh Đế và vạch ra Bát Chính Đạo.
- Giống như trăng sáng trong ngày trăng tròn chiếu sáng rạng
ngời mà không bị che mờ bởi năm thứ là sương, bụi mù, mây, A-tu-la vương (Asurinda)
và khói đen. Chúc ngài có thể xuất thế huy hoàng trong một vạn thế giới, tâm
nguyện được hoàn thành.
- Giống như vầng thái dương được giải thoát từ trong miệng
A-tu-la vương, dùng ánh sáng của mình chiếu soi đại địa. Nguyện sau khi ngài giải
thoát ra khỏi tam giới rồi sẽ ban phát Phật quang rạng ngời. Như tất cả dòng
sông đều đổ về biển cả, nguyện tất cả chư Thiên và nhân loại sẽ tụ họp trước mặt
ngài.
A-tu-la vương (Asurinda) tức là thủ lĩnh của loài A-tu-la,
một loài phi nhân thấp kém hơn chư Thiên thần. Thực ra, A-tu-la là dạng sống
thuộc một trong bốn đường khổ. Có nhiều loại A-tu-la vương, nhưng A-tu-la vương
được nói đến ở đây là chỉ cho La-hầu (Rāhu), một gã quỷ thần A-tu-la khổng lồ
hay ngoặm lấy mặt trăng và mặt trời bằng miệng của mình. Đó là một thần thoại để
giải thích cho hiện tượng nhật thực và nguyệt thực.
Cứ
như vậy, chư Thiên và nhân loại đã ca tụng, khích lệ và chúc phúc cho đức Bồ-tát.
Rồi sau đó, Bồ-tát Thiện Tuệ trở về khu rừng tuyệt đẹp trên ngọn Tuyết sơn và
kiên tâm quyết chí tu hành Thập độ Ba-la-mật.
[1] Ứng Thỉnh (Āhuneyya)
nghĩa là xứng đáng được nhận cúng dường đến từ xa, đó cũng là phẩm tính thứ năm
trong chín phẩm tính của Tăng Bảo. Thế Gian Giải (Lokavidū) là một trong mười đức
hiệu của Phật, được giải thích là “Vì Phật hiểu rõ mọi điều thế gian, nên là Thế
Gian Giải” (Sabbathāpi viditalokattā pana
lokavidū) [Vm. 135/Pr. A. 1].
[2] Chữ “khanti” trong tiếng
Pāḷi
có nghĩa là tính nhẫn nại, tính chịu đựng, sự mong mỏi. Tiếng Sanskrit (Phạn) gọi
là “ksānti”, người Hán phiên âm là Sạn-đề, dịch nghĩa là Nhẫn nhục. Tuy nhiên,
xét thấy từ “nhẫn nhục” tuy xưa nay dùng phổ thông nhưng nghĩa trong tiếng Việt
có hơi mang tính tiêu cực, vì vậy người soạn không chọn từ này mà sử dụng cách
dịch của Tam Tạng pháp sư Huyền Trang là “An nhẫn”. Có người kiến nghị dịch là
Nhẫn nại hay Kham nhẫn Ba-la-mật, ý nghĩa đó cũng chấp nhận được.
Nhận xét
Đăng nhận xét